Cách nhận biết người tài

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chu Vũ Vương hỏi Khương Thái Công:

– Đế vương khởi binh muốn tuyển chọn người tài làm tướng, muốn biết tài năng của họ cao thấp, nên làm thế nào?

Khương Thái Công đáp:

– Biểu hiện bên ngoài và thực chất bên trong của kẻ sĩ có 15 loại không giống nhau: có người bên ngoài tợ hiền lương nhưng bên trong lại bất tiếu; có người bên ngoài có vẻ lương thiện nhưng thật ra lại trộm cắp; có người bên ngoài có vẻ cung kính nhưng bên trong lại kiêu ngạo; có người bên ngoài có vẻ khiêm tốn nhưng bên trong lại không chí thành; có người bên ngoài có vẻ tài giỏi nhưng bên trong lại không có thực tài; có người bên ngoài có vẻ chân thực nhưng bên trong lại không thành thật; có người bên ngoài nhiều mưu kế nhưng trong lòng lại không quả đoán; có người bên ngoài có vẻ quả đoán nhưng trong lòng lại không quyết được việc gì; có người bên ngoài có vẻ thành thật nhưng trong lòng lại không giữ chữ tín; có người bên ngoài có vẻ dao động nhưng trong lòng lại trung thành; có người bên ngoài quá khích nhưng làm việc lại có hiệu quả; có người có vẻ dũng cảm nhưng trong lòng lại sợ sệt; có người bên ngoài vẻ nghiêm túc nhưng bên trong lại bình dị, dễ gần gũi; có người bên ngoài nghiêm khắc nhưng trong lòng lại ôn hòa khoan dung; có người bên ngoài nhu nhược tầm thường nhưng nhận mệnh đi sứ thì không nơi nào là không đến được, không có nhiệm vụ nào là không hoàn thành. Những người tướng mạo không tốt đẹp nhưng bên trong phẩm chất tốt thường bị thiên hạ xem thường, nhưng thánh nhân lại rất coi trọng. Người bình thường không nhận biết được tài năng của họ; không có kiến thức cao minh thì không thể nhận ra thực chất của họ. Đó chính là sự khác nhau giữa biểu hiện bên ngoài và tài năng bên trong của kẻ sĩ.

Chu Vũ Vương hỏi:

– Thế thì, rốt cuộc làm thế nào để nhận biết những người tài ấy?

Khương Thái Công đáp:

– Có tám cách nhận biết người tài: một là đưa ra vấn đề, xem họ có biết rõ tường tận không; hai là truy hỏi đến cùng xem khả năng ứng biến của họ thế nào; ba là dùng gián điệp theo dõi, xem họ có trung thành không; bốn là biết rồi vẫn cố hỏi, để xem phẩm đức của họ thế nào; năm là cho họ quản lý của cải, xem họ có liêm khiết không; sáu là dùng nữ sắc thử họ, xem họ có trung trinh không; bảy là nói với họ về nguy hiểm, xem họ có dũng cảm không; tám là cho họ uống rượu say, xem họ có giữ được trạng thái bình thường không. Tám cách ấy đều vận dụng thì hiền tài hay bất tài sẽ dễ dàng nhận biết.

Lục thao, Long thao, thiên Tuyển tướng

———-

LỤC THỦ (SÁU ĐIỀU TUÂN THỦ)

Chu Văn Vương hỏi Khương Thái Công:

– Thế nào gọi là "lục thủ" (sáu điều tuân thủ)?

Khương Thái Công đáp:

– Một là nhân, hai là nghĩa, ba là trung, bốn là tín, năm là dũng, sáu là mưu, ấy gọi là "lục thủ". Giàu có mà tuân thủ quy củ, không làm điều bậy, ấy là nhân; tôn quý mà tuân thủ lễ pháp, không kiêu ngạo phóng túng, ấy là nghĩa; gánh vác trọng trách trên vai mà một lòng kiên định không lay chuyển, ấy là trung; được giao nhiệm vụ mà công tư phân minh, không che giấu dối trá, ấy là tín; đối mặt với nguy hiểm mà không sợ hãi, ấy là dũng; đối với công việc xử lý tốt, ứng biến vô cùng, ấy là mưu. Đó chính là "lục thủ"

Chu Văn Vương hỏi:

– Vậy làm sao tuyển chọn được người tài loại "lục thủ"

Khương Thái Công đáp:

– Để cho họ giàu có, xem họ có vượt qua lễ pháp không; cho họ địa vị cao, xem họ có kiêu ngạo không; giao trọng trách cho họ, xem họ có quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ không; cho họ đi xử lý vấn đề, xem họ có che giấu dối trá không; đặt họ nơi nguy hiểm, xem họ có sợ hãi không; cho họ xử lý sự biến đột xuất, xem họ có ứng phó tốt không. Giàu có mà không vượt qua lễ pháp, là người nhân ái; tôn quý mà không kiêu ngạo, là người chính nghĩa; một lòng quyết tâm hoàn thành trọng trách, là người trung thực; xử lý vấn đề không che giấu dối trá, là người thành tín; gặp nguy hiểm không sợ, là người dũng cảm; đối với sự biến ứng phó tự như, là người mưu trí.

Lục thao, Văn thao, thiên Lục thủ

Trích sách "Trí tuệ thu phục nhân tài" – Thành Thông biên dịch

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro