Yêu dân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Thiên hạ không phải là thiên hạ của một người, mà là thiên hạ của người thiên hạ. Người biết cùng thiên hạ hưởng lợi thì sẽ có được thiên hạ; người chỉ biết chiếm lợi một mình thì sẽ mất thiên hạ. Trời có bốn mùa, đất có của cải, người biết cùng thiên hạ hưởng lợi chính là "nhân". Người nào có "nhân" thì thiên hạ sẽ quy thuận người đó. Người tránh được cái chết cho mọi người, giải quyết được khó khăn cho mọi người, trừ được tai họa cho mọi người, cứu nguy cho mọi người, chính là "đức". Người nào có "đức" thì người thiên hạ sẽ theo về với người đó. Người cùng lo, cùng vui, cùng thích, cùng ghét với mọi người, chính là "nghĩa". Người nào có "nghĩa" thì thiên hạ sẽ theo về với người đó. Mọi người đều ghét chết mà thích sống, thích ân đức và truy cầu lợi ích, nếu có thể khiến người thiên hạ đều nhận được lợi ích, chính là "vương đạo". Người nào thực thi "vương đạo" thì người thiên hạ sẽ quy thuận người đó″(Lục thao, Văn thao, thiên Văn Sư)

————————–

Chu Văn Vương hỏi Thái Công:

– Thiên hạ mênh mông sao có lúc đầy lúc vơi, khi yên khi loạn? Vì vua hiền, ngu không giống nhau, hay vì thiên thời biến hóa tự nhiên sinh ra vậy?

Khương Thái Công đáp:

-"Vua ngu thì nước nguy dân loạn, vua hiền thì dân trị nước yên. Nên họa phúc là ở vua, chứ không phải do thiên mệnh"

Chu Văn Vương hỏi:

-Xưa nay có từng nghe nói có vị vua hiền minh nào như thế không?

Khương Thái Công đáp:

-Ngày xưa vua Nghiêu làm vua, được người đời xưng là vua hiền

Chu Văn Vương hỏi:

-Ông ta trị vì quốc gia như thế nào?

Khương Thái Công đáp:

-Khi vua Nghiêu trị vì thiên hạ, không trang sức vàng bạc châu báu, không mặc đồ gấm vóc xa hoa, không nhìn vật lạ kỳ, không quí đồ tốt đẹp, không nghe nhạc phóng đãng, không trang hoàng cung điện, không chạm trổ kèo cột, không cắt cỏ trong vườn.

Dùng áo bông mặc khi trời rét, dùng áo vải che thân, ăn cơm gạo thô, ăn canh rau dại. Không vì lao dịch mà làm lỡ nông vụ. Dốc hết tâm trí vào công việc giáo hóa nhân dân. Quan lại trung chính thủ pháp thì được thăng tước vị; liêm khiết, thương dân thì được tăng bổng lộc. Trong dân chúng có người hiếu từ thì kính trọng họ; những người tận lực với việc làm ruộng, trồng dâu thì phải thăm hỏi, động viên họ. Đề xướng công chính tiết tháo, dùng pháp chế ngăn cấm gian tà, trá ngụy. Đối với người mình ghét mà có công vẫn được thưởng, đối với người mình yêu mà có tội vẫn bị phạt.Nuôi dưỡng những người già yếu, góa bụa, đơn chiếc, giúp đỡ các gia đình bị tai ương chết chóc.

Lễ vật dân dâng thì lấy rất nhẹ, thuế má sưu dịch thì cần rất ít nên muôn dân giàu có vui vẻ, không có cảnh đói rét điêu linh. Trăm họ kính ngưỡng vua Nghiêu như mặt trời, mặt trăng, thân cận với ông ta giống như cha mẹ.

(Lục thao, Văn thao, thiên Doanh Hư)

————————–

Văn Vương hỏi Thái Công: 

"Xin cho nghe về việc lớn để trị nước"

Thái Công đáp: "Chỉ cần thương dân".

Văn Vương hỏi: "Thương dân như thế nào?"

Thái Công đáp: "Làm lợi mà đừng hại, giúp nên mà đừng phá. Để sống mà đừng giết, ban cho đừng chiếm đoạt. Để vui đừng gây khổ, khiến họ mừng mà không giận".

Văn Vương nói: "Xin giải thích rõ hơn"

Thái Công đáp: "Dân không mất việc là lợi, trồng trọt không lỡ mùa là nên. Giảm bớt hình phạt là sống, thu thuế nhẹ là cho. Ít xây cất đền đài, cung điện là vui, quan lại thanh liêm không sách nhiễu dân là mừng.Dân bị mất việc là hại, trồng trọt lỡ mùa là hư. Không tội mà phạt là giết, thu thế nặng là chiếm đoạt. Xây nhiều đền đài khiến dân mỏi mệt là khổ. Quan lại tham ô sách nhiễu dân lành là giận.Nên người trị nước chăm sóc dân như cha mẹ chăm con, như anh thương em, thấy dân đói rét thì lo, thấy dân khổ nhọc thì buồn, thưởng phạt như chính mình phải chịu, thu thuế như chính mình phải đóng. Đấy là đạo thương dân".

(Lục thao, Văn thao, thiên Quốc Vụ)

————————–

"Người đại trí không khoe khoang trí tuệ của mình, người có đại mưu không hiển lộ mưu lược của mình, người có đại dũng không phô trương cái dũng của mình; người mưu lợi lớn không nghĩ đến lợi ích của mình. Người đem lại lợi ích cho người thiên hạ, người thiên hạ đều hoan nghênh họ. Người khiến cho người thiên hạ bị hại, người thiên hạ đều phản đối họ. Thiên hạ không phải là thiên hạ của một người, mà là thiên hạ của người thiên hạ. Người muốn giành lấy thiên hạ cũng giống như săn bắt dã thú, người thiên hạ đều được hưởng một phần thịt săn; cũng giống như người ngồi thuyền qua sông, qua được sông thì mọi người cùng có lợi, nếu thất bại thì mọi người cùng bị hại. Làm như vậy, thì người thiên hạ đều hoan nghênh lý do của họ chứ không phản đối lý do của họ. Không chiếm đoạt lợi ích của dân chúng thì sẽ giành được sự ủng hộ của dân chúng; không đoạt lấy lợi ích của nước khác, thì sẽ giành được sự ủng hộ của nước khác; không đoạt lấy lợi ích của thiên hạ thì sẽ giành được sự ủng hộ của thiên hạ. Không đoạt lấy lợi ích của dân chúng, dân chúng sẽ theo về với mình, đó là lợi ích của dân chúng cho mình; không đoạt lấy lợi ích của nước khác, nước khác sẽ theo về với mình, đó là lợi ích của nước khác cho mình; không đoạt lấy lợi ích của thiên hạ, người thiên hạ sẽ theo về với mình, đó là lợi ích của người thiên hạ cho mình. Cho nên, cách làm ấy khiến người ta không thể thấy, sự việc khiến người ta không thể hay, thắng lợi khiến người ta không thể biết"

(Lục thao, Võ Lược, thiên Phát Khải)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro