NƯỚC MẮT CỦA BÒ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thành xin nghỉ phép vài ngày để chạy về quê giỗ Kiên, đi làm xa là thế nhưng không năm nào giỗ Kiên mà Thành vắng mặt, dạo gần đây, trong những lần trở về, đi ngang qua con đường ấy, cảm giác nặng nề ít đến với Thành hơn, mọi thứ dường như đã trở lại bình thường, trong tâm trí của Thành, vết sẹo ngày đó hình như cũng đã phai nhòa phần nào, về đến cửa thấy trong nhà đã rôm rả lắm. Thành lặng lẽ dựng xe rồi đến bàn thờ Kiên, mấy năm rồi lần nào đứng nhìn nó thế này, Thành cứ ngỡ Kiên đang đứng ngay trước mặt mình.
- “ Hai về rồi nè , ông thần đèn dạo này thế nào  rồi?” – Thành đứng trước tấm hình
- “ Thôi mà nhìn mặt là biết khỏe rồi ha, bửa nay ráng ăn nhiều nhiều tí, má nấu nhiều món em thích lắm đó”
Trong thoáng chốc, mùi nhan lúc này đối với Thành sao tự nhiên khó chịu đến thế, nó cứ nồng vào mũi, rồi xông lên mắt, cay xòe….
- Mày về đó hả Hai, thay đồ đi rồi xuống đấy tía nhờ tí
Tiếng tía Thành vang lên đưa anh trở về thực tại, trong nhà khách khứa đến gần như đã chật nức.
- Mày lấy xe, chạy ù xuống nhà dì Năm, chở dì lên đây, sáng giờ tao kêu riết mà mấy đứa nhỏ chưa có đứa nào đi hết trơn.
- Ủa dượng Năm đâu mà không chở dì lên hả tía ? – Vừa lấy chìa khóa Thành vừa hỏi
- Chuyện dài lắm, để tối rảnh tao kể cho nghe. – Tía Thành đáp thế rồi lên nhà trên, hình như có khách đến.
Ngày trước, dượng Năm với tía Thành nói chuyện với nhau thân lắm , thửa ruộng nhà Thành với nhà dượng Năm nằm liền kế nhau, nên suốt mấy năm dài , hai nhà ngày càng thân, coi nhau như anh em ruột trong gia đình. Dượng Năm là người chăm chỉ, nhớ lúc còn nhỏ, đến mùa lúa chín là chuột nhiều lắm, mỗi lần như vậy là cả Kiên lẫn Thành được bửa no nê, gì chứ về nấu ăn thì không ai hơn được dượng Năm. Từ ngày Kiên mất, Thành rời quê đi làm xa, nghe đâu nơi đây người ta bỏ lúa sang dưỡng cỏ nuôi bò nhiều lắm, cũng nhờ con đường mới, thuận tiện nên thương lái họ mới xuống tới đây nhiều, vậy đó nhờ có con bò mà cuộc sống người dân nơi đây có nhà phất lên nhanh chóng.
Nhà dượng Năm nằm phía cuối cùng của con đường, Thành nhớ thế, thời gian qua đi kế sát căn nhà đó bây giờ bỗng mọc lên thêm một cái nhà nhỏ, hơi xập xệ, Thành nghĩ bụng chắc chỗ dì Năm nấu cơm hay để đồ gì đó.
- Dì Năm ơi !
- Ơi, đứa nào vô đây con, dì trong đây – Tiếng dì Năm vọng ra từ căn nhà xập xệ
- Dạ, tía con nói con lên rước dì Năm lên ăn giỗ Kiên với tía má con -  Kiên đáp
- À, con đợi dì tí để dì lấy cái nón lá cái, chút mày chở dì ghé mấy cái quán dọc đường mua lốc nước lên nha, tao chưa có đi mua nữa – dì  Năm tay với chiếc áo bà ba có chút sờn vai vừa nói.
- Dạ, ủa mà dượng Năm đâu rồi dì, lâu rồi con nhớ dượng ghê.
- Kìa, thằng chả ở nhà chán quá leo đó ngồi rồi mày ơi ! – Dì đứng chỉ tay lên phía bàn thờ, giọng nói tuy nghe vui vẻ nhưng có chút gì đó nghẹn ngào.
Vậy đây có phải là chuyện tía nói sẽ kể với Thành sau, mới có mấy năm trời mà sao dượng lại mất, không khí tự nhiên chìm nghỉm, căn nhà xập xệ thủng một vài chỗ trên nóc, nắng chiếu xuống cứ in lằng những vết đốm tròn trên nền nhà loang lỗ, ruốt cuộc chuyện gì đã xảy ra…
“ Tối nay, vào lúc 7 giờ, kính mời bà con cô bác đến với chương trình ca nhạc tạp kỹ của đoàn Lô Tô Phù Sa, chương trình với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng đến từ TP HCM, trân trọng kính mời, và kính mời”
Tiếng rao từ chiếc xe của đoàn hội chợ phá vỡ bầu không khí im lặng lúc này.
- Thôi mình đi đi dì Năm , để trưa nắng lắm.
Nói rồi, Thành chở dì Năm về nhà, trên đường đi anh cũng không dám nhắc đến chuyện của dượng, đơn giản anh sợ sẽ vô tình đọng vào vết thương nào đó trong lòng dì. Thông thường, người ta khi gặp chuyện buồn hay gì đó, họ hay dùng nước mắt để giải tỏa nhưng hiện tại, Thành nhận ra ở dì Năm lại không như thế, dì chọn nụ cười, nụ cười có gì đó chua chát lắm, đau lắm…..
Hồi còn đi học, Thành có đọc một tác phẩm, trong đó tác giả viết : “ Câu chuyện của một đời người trong thoáng chốc được kể lại trong một đêm…” Ngày đó Thành còn quá nhỏ để có thể hiểu hết những tầng ý nghĩa nằm ẩn lấp bên dưới tác phẩm đó, vậy mà đến hiện tại, một lần nữa Thành lại được nghe kể lại câu chuyện về một gia đình mang đầy nổi bất hạnh, tất cả đến nhanh đến nổi, mỗi khi nhìn lại người ta vẫn không tin vào mắt mình.
- Từ hồi mày đi, người ở đây họ kéo nhau nhổ lúa dưỡng cỏ nuôi bò, nhà nào cũng nuôi, tao thấy mấy thằng lái bò nó chạy lòng vòng ở đây riết. Bên nhà dượng Năm mày cũng thế, thấy người ta làm ăn được vậy là bán hết ruộng, đi mua bò về nuôi. Mà cái ruộng đó cũng có thấm thía gì đâu, dượng mày nó chạy đi mượn thêm mấy thằng nào đó, tao nghe nói mượn nóng mượn nguội, rồi lãi suất gì năm sáu phần trăm một tháng. – Tía Thành vừa nhấp chén rượu đế, giọng ồm ồm kể lại.
- Lãi gì mà cao dữ vậy tía, thường thì người ta cho mượn cao lắm một hai phần trăm là cùng. – Thành ngớ người khi nghe tía anh nhắc về chuyện tiền lãi.
- Ai có biết, dì dượng mày nó thất học từ nhỏ, nó nghe mấy thằng cho mượn nặng lãi dụ riết, có ngày tụi nó dô nhà dượng mày hai ba lần. Hôm kí giấy mượn tiền, tao thấy tụi nó đưa cho dượng mày tờ giấy, kêu kí tên vào, mà dượng mày thì có biết chữ đâu một hồi một thằng lôi ra cái hộp đỏ đỏ, kêu dượng mày lăn tay vô, rồi nó đưa cho dượng mày đâu hai mấy ba chục triệu gì đó.
- Rồi bộ dượng nuôi bò bị gì hả tía, mà sao dượng lại mất.
- Nhà dì lận đận lắm con ơi, ổng chết cũng tại mấy con bò đó, bỏ lại má con dì giờ sống cực khổ như vầy nè. – đó là tiếng của dì Năm, dì vẫn chưa về nãy giờ đang ở dưới bếp với má Thành.
- Chắc giờ đến chết tao cũng không quên bửa đó, ông lên máu rồi chết ngay trước mặt dì, nghĩ đến là tao buồn lắm, nhiều khi tao cũng tức ổng, tức sao ổng không mang tao theo luôn… - Đặt dĩa thịt xuống bàn, dì ngồi xuống nói, giọng run run.
Mùa mưa năm ngoái, nước sông tự nhiên dâng lên nhiều quá, tràn hết cả vào nhà dân xóm Thành, tất nhiên nhà dì dượng Năm cũng không ngoại lệ.
- Ông Năm ơi, lên phụ tui vát mấy cái đồ lên phản coi, nước ngập quá rồi – Tiếng dì Năm gọi từ trên nhà trên.
- Tự nhiên sao năm nay nước lớn quá, mọi năm cũng có tràn lên nhưng đâu có ngập nhiều như rày – Tay vừa đưa đồ lên phản, ông Năm vừa nói.
- Trời mà, ổng muốn dâng lúc nào ổng dâng, chứ ai biết được mà tránh, mà chắc mai mốt gì nước cũng rút thôi.
Đến ngày thứ ba, mọi thứ trong xóm bây giờ dường như đang nổi bì bỏm trên dòng nước, mấy đứa con nít phải nghỉ học, nước ngập hết đường đi mất rồi. Thằng Đất con ông Năm ngồi trên tấm phản, chân đong đưa nghịch nước ngay trong nhà mình, nó lấy làm thú lắm…
- Cứ như vầy là chết, chết hết , mấy con bò biết có chịu được không, nước dâng quá nữa chân nó rồi, dòng thứ bò nó yếu chân lắm, ngâm chừng ngày nữa là coi như toi hết. – Tiếng ông Năm nói với dì Năm.
- Hay mình kêu lái xuống bán đi ông, chứ tui thấy để vậy không được đâu, lỡ mà nó chết là coi như chết cả nhà, tiền ruộng tui không nói, nhưng cái tiền gì bửa ông mượn nặng lãi, nhìn mấy thằng đó tui sợ lắm, nó hẹn đúng hai tháng nữa mà không trả kịp chắc nhà mình không yên với nó, thằng Đất còn đi học, gì thì gì cũng phải để cho nó chút ít. – Giọng dì Năm đầy lo lắng
- Ừ, thôi để tui chạy ù đi kêu lái, chứ vầy không được.
Độ vài tiếng đồng hồ sau, ông Năm quay về dẫn theo hai ba người.
- Đó bốn con đó, tui tính tháng sau tui bán rồi nhưng giờ nước ngập quá nên đành bán sớm cho mấy ông. – Tay chỉ về chuồng bò, ông Năm nói với mấy người lái.
- Bốn con này hả, con bò con kia bán không ? – Người lái bò hỏi lại
- À, con đó nhỏ xíu bán gì, thôi để đó đi, tui dắt đi qua nhà ông anh gửi, mấy con kia lớn quá không dắt đi được tui mới bán ấy chứ.
- Rồi, chỗ quen biết tui không ép giá ông đâu mà lo – Tên lái bò nhìn rồi nói với ông Năm, trên miệng tự nhiên nở nụ cười gì đo gian xảo lắm. Nói rồi tên đó quay người qua tên còn lại, rồi ra giá với ông Năm.
- Mười triệu một con , bốn con tính ông bốn hai triệu luôn, coi như hai triệu đó tui cho thằng nhóc đi học, ok không, được tui kêu mấy đứa vào bắt luôn, xe để sẵn ngoài kia.
Cả vợ chồng ông Năm nghe tên đó ra giá mà như chết cả người, vốn liếng của hai người từ ban đầu đã hơn ba mươi triệu, chưa tính cái tiền lời hôm đó đến nay đã hơn hai mươi triệu nữa, biết moi tiền đâu ra mà trả cho tụi nó đây, ông Năm cố gắng kèo nài với tên lái bò.
- Chú ơi, chú coi lại dùm tui, mấy con này tháng sau tui bán cũng được hai mươi triệu một con, chú không tin qua hỏi chú Hai nhà kế bên, tháng trước ổng mới bán hai con còn nhỏ hơn bò của tui nữa mà được đến bốn mốt triệu, chú mua vậy chết cả nhà tui rồi.
- Ờ, tui nói vậy đó, ông coi được thì bán, không thì để đó đi, mai nước dâng lên tới mũi nó, lúc đó nó chết rồi thì cân kí bán thịt nhé, lúc đó sợ chưa đến năm triệu, người ta thương tình cho vậy là không biết điều, còn kèo nài.
Vừa dứt lời, từ trong chuồng bò một con tự nhiên khụy chân, té ngả xuống làm nước văng tung tóe, chân nó ngâm dưới nước gần ba ngày nay rồi cũng đã yếu dần. Tên lái bò thấy thế, lấy làm đắc chí lắm liền tiếp lời.
- Đó, ông nhìn đi con đó ba tiếng nữa là chết nhé, không tin ông cứ để, tui không có ép giá ông đâu mà lo, rồi sao rốt cuộc giờ có bán không, không tui đi à nha, làm như có mình nhà ông bán bò ấy, một đống người gọi tui nãy giờ đây. – Vừa nói tên lái bò vừa đưa cái điện thoại ra, trên đó đủ thứ chữ ngoằn nghèo mà ông Năm có nào biết đọc.
- Tui, tui … thêm chút được không chú – Ông Năm hạ giọng van xin.
- Thôi đi mày, tao mệt rồi thứ gì mà không biết điều, mai nó chết rồi giết thịt mà đem bán. – tên lái bò nói với tên còn lại.
- Tui bán, tui bán, mấy ông kêu người vào bắt đi – tiếng ông Năm vội vã kêu khi hai tên đó vừa quay người đi. Hai tên lái bò trên mặt lúc này xuất hiện nụ cười đầy gian trá.
Chiếc xe chở bốn con bò đi, trên xe một tên nói với tên còn lại
- Sướng ha, tự nhiên lời được hơn mười triệu một con, mày ông nội người ta rồi.
- Chứ sao, cái lũ đó nó ngu lắm, mày ép một hồi thế nào nó cũng bán, bò này đem về thành phố thì vẫn là bò tươi nha con. – Nói rồi , tên lái bò cười vang vang.
Cầm bốn mươi hai triệu trong tay, ông Năm tự nhiên cảm thấy có gì đó nặng nề lắm, như một điều kinh khủng sắp ập đến với gia đình bé nhỏ của ông. Gần một tháng sau đó, điều đó thật sự đã đến.
- Ông Năm có nhà không, nghe đồn mới bán bò, sướng nhé giờ trả tiền cho tụi này đi chứ. – Một tên bước vào nhà ông Năm, tay chạm trổ đầy hình xăm
- Dạ, tui bán hồi tháng trước , tại nước ngập quá nên đành bán lổ chứ có lời gì đâu chú.
- Tội hôn, mà thôi lời lổ gì kệ ông, giờ trả tiền cho tụi này. Đến nay là tròn một năm, tiền lãi năm phần trăm một tháng vậy giờ ông phải trả cho tui tổng là năm mươi triệu. Lấy tiền trả lẹ đi ông già.
- Dạ, chú ơi chú có thể cho tui trả lần lượt được không, tại tui trả nợ tiền cỏ này nọ giờ còn đây có ba mươi tám triệu , chú cho tui khất lại một vài tháng nha chú. – Ông Năm cầm tiền, giọng run run
- Ông giởn hả , tiền tụi này là tiền đẻ ra tiền nha, đừng có nói cái giọng đó, bây giờ một là trả đủ, hai là tui siết cái nhà này của ông để trừ số còn thiếu.
- Chú ơi, chú làm ơn làm phước cho vợ chồng tui thêm một vài tháng, tụi tui nhất định sẽ trả đủ cho chú – Dì Năm mếu máu van xin.
- Không có xin xỏ gì hết, giờ không trả đủ chứ gì , rồi tui cho vợ chồng bà hai ngày để dọn hết đồ ra ngoài, hai bửa nữa tui đến lấy nhà, có tiền thì lo mà trả cho đủ đi.
- Chú ơi, giờ chú đuổi tụi tui ra biết ở đâu.
- Ở đâu kệ bà, tui không quan tâm – Nói rồi,  tên đó cầm tiền đi mất
Hai ngày sau, một đám người tới trước của nhà ông Năm, la hét inh ỏi
- Ông  Năm đâu rồi, ra đây tui biểu
- Dạ, dạ tui đây.
- Lỳ ha, tui nói bửa nay đến lấy nhà mà còn ở trong đó là sao.
- Chú ơi chú làm ơn thông cảm cho tui, vài tháng nữa tui trả đủ cho chú.
- Má, giờ mày lí hả thằng kia, tao cho mày hai tiếng, mày mà chưa dọn ra khỏi cái nhà này thì đừng trách tụi tao. – Tên đó sao một hồi ông Năm van xin nổi đóa
- Quân giết người, mày vào cướp nhà tao, tao đi báo công an bắt mày – Dì Năm dồn hết mọi uất ức gào lên.
- Tao thách mày, mày ngon báo đi – Tên đó quay lại cười khinh bỉ, nói rồi cả những tên còn lại cũng cười vang, xong bọn nó bỏ đi.
- Dường như quá uất ức trước điều đó, ông Năm té ngã xuống, thở gấp dồn dập, ông Năm bị lên máu trong lúc đó rồi chết, cái chết đầy tức tưởi, cay đắng.
Mưa vẫn cứ vô tình rơi trên xóm nghèo, đám ma ông Năm đã qua cũng hơn một tuần, sáng sáng thằng cu Đất ngồi co ro trong ngôi nhà xập xệ mắt nhìn ra hướng con bò con đang cột ngòai kia, nước mưa chảy từ đầu xuống mắt, qua mũi con bò rồi rơi xuống đất, thằng Đất thấy thế liền gọi nói với dì Năm
- Má ơi, con bò nó cũng biết khóc kìa má…..
……..
Dì Năm khóc, cả nhà Thành lúc này cũng im lặng trước nỗi đau quá lớn mỗi khi phải nhớ lại chuyện này, như muốn phá bỏ bầu không khí, Thành như phát hiện ra điều gì đó
- Chuyện cũng qua lâu rồi, dì Năm đừng buồn quá nghen, có gì cứ nói bên này, tía má con cả con nữa sẽ giúp dì Năm. À hồi chiều ấy, con nghe có đoàn lô tô hội chợ gì về mà, hay giờ mình đi qua đó chơi cho vui.
- Má con mày với dì năm đi đi, tao ở nhà, qua đó mấy con “ bê đê” nó nhảy tưng tưng chứ quái gì mà ham – Tía Thành tự nhiên đổi giọng găt gắt.
- Ông này, ai muốn mình như vậy đâu, tự nhiên nổi quạo à, không đi thì thôi tụi này đi
- Ừ, tui không có ưa, con cháu tui mà vậy tui bóp mũi cho chết chứ máu mủ gì cái loại đó. – Tía Thành vẫn giữ nguyên thái độ mà trả lời
- Thôi thôi, tía không thích thì thôi má con với dì Năm đi, lâu lâu con mới về nên phải đi chơi cho đã, haha. – Thành cố tách mọi người ra khỏi cuộc nói chuyện.
Đêm đó, không hiểu sao trong Thành không thể nào chợp mắt được, có lẽ là do câu chuyện của gia đình dì Năm, liệu rằng thằng Đất sau này nó sẽ ra sao, rồi cả câu nói của tía “tui không có ưa, con cháu tui mà vậy tui bóp mũi cho chết chứ máu mủ gì cái loại đó” hóa ra ở đây, người ta vẫn còn kỳ thị cái gọi là bê đê nhiều lắm, nó vẫn còn là nông thôn mà…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#hiendai