Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


TÌNH YÊU VÀ QUYỀN LỰC

1

- Nhanh lên nào, phụ tôi một tay với! Nhanh lên!

23h15, xe cứu thương vừa xịch dừng lại trước cổng bệnh viện Chợ Rẫy, vị bác sỹ đã nói như quát một cách khẩn trương. Tiếng bước chân y tá lẹt xẹt chạy trên nền gạch, cùng chiếc băng ca với chàng thanh niên vẻ yếu ớt nằm trên, khắp người đỏ máu. Chỉ độ chưa đầy 5 phút sau, xe taxi chở theo một cô gái đang bất tỉnh, ngồi xiêu vẹo, dựa đổ hẳn vào một người đi cùng bên trong cũng vừa đỗ tới. Tất cả đều rất khẩn trương, vội vã và không giấu được nỗi lo âu mang nét sợ hãi trên gương mặt mỗi người.

Không biết rõ những nạn nhân trên bị gì, trong một vài nhóm người chứng kiến rộ lên những tiếng xì xào khi nhận thấy trên xe cấp cứu đầu tiên có hình dáng một anh công an cũng bước xuống với tâm trạng lo âu, vội vã không khác gì các y bác sỹ.

- Lại là một vụ án tình nữa rồi!

Một âm thanh đâu đó phát lên từ trong những nhóm người kia. Có lẽ họ đang chăm sóc người thân hay có thân nhân đang nằm viện. Họ nói bâng quơ mà cứ y như rằng đã chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối vậy. Mà cũng có lý thật. Thời gian gần đây, báo chí chẳng phải đăng nhan nhãn các tin tức về những vụ án đau lòng cũng chỉ vì liên quan đến tình ái, ghen tuông đó sao, mà nhất là thuộc giới trẻ.

Người ta đưa chàng thanh niên vào ngay phòng mổ cấp cứu. Vị bác sỹ có lẽ lớn tuổi nhất với lóm đóm tóc bạc nhô ra khỏi chiếc mũ chụp đầu chuyên dụng đang tiến hành kiểm tra sơ bộ. Chàng thanh niên nhướng ánh nhìn yếu ớt, hai ngón tay bên phải đang cố gắng cử động như muốn nói gì đó qua ống chụp oxy trên mặt. Dường như biết rõ tình trạng của bệnh nhân qua phần khám sơ bộ, vị bác sỹ già từ từ mở chụp oxy rồi nhẹ nhàng ghé sát tai để lắng nghe những lời thều thào yếu ớt mang theo ít nước mặn mặn từ hai khóe mắt:

- Làm ơn nhắn... với ba má cháu...lời xin lỗi...vì tội bất hiếu, không thể phụng dưỡng... đền đáp công ơn...nhắn ba má và Út là... cháu rất yêu...rất yêu họ, mong mọi người khỏe mạnh,... sống tốt,... đừng lo lắng gì cả. Cháu sẽ...ổn cả thôi... Nhắn Lan Phương là... cháu mãi yêu cô ấy... ...hạnh phúc!

Dường như chàng trai muốn nói thêm gì đó nữa, nhưng dù có dốc hết sức mình, cơ thể anh cũng không cho phép, chỉ có thể bật lên hai tiếng "hạnh phúc" rồi tắt lịm, đôi mắt ươn ướt vẫn còn mở hờ. Bác sỹ già vội ngước dậy đưa mấy ngón tay lên cổ anh; một bác sỹ khác liên tục dùng hai bàn tay chồng lên nhau, lấy gần như cả sức nặng của thân mình, nhấn lên ngực trái anh; ai đó đang nắm cổ tay anh. Song, cả phòng chậm rãi đưa mắt nhìn nhau. Không ai bảo ai, mọi người đều nhè nhẹ hít vào một hơi thật sâu, rồi thở ra cũng nhè nhẹ. Tất cả thế là đã chấm dứt với chàng trai rồi.

- Ừm,...tôi sẽ chuyển lời nhắn giúp cậu. Hãy thanh thản ra đi nhé chàng trai! - Rồi vị bác sỹ già nhẹ nhàng đưa hai tay chầm chậm đắp lên đôi mắt anh vuốt xuống.

- Cầu trời cho cậu sớm được siêu thoát! - Có tiếng ai đó phát ra vừa đủ nghe.

- Hãy vệ sinh cho cậu ấy một chút! Rồi người nhà của cậu ấy sẽ đến. Hãy làm giảm phần nào nỗi đau mất mát người thân của họ trong khả năng có thể!

Vị bác sỹ già ra lệnh rồi quay lại nhìn cái xác thẩm máu của chàng trai, chậm rãi tháo vài vật dụng, rửa tay...

Tô Dự lặng nhìn cơ thể mình đang bất động trên giường mổ, toàn thân phủ loang lỗ máu mà không khỏi rùng mình. Cô y tá trẻ đang cố gắng lau dọn cái thứ màu đỏ thẩm tanh lợm; xong, đắp một tấm ra trắng toát lên cơ thể anh, che khuất cả mặt. Trong đầu Tô Dự loáng thoáng "Mình đã chết rồi sao?"

"Vâng, hình như mình đã chết thật rồi!" Thật ra, ý của anh là "mình đã chết rồi". Trong cái ngày 8/3 định mệnh. Anh mãi vĩnh viễn rời xa cái thế giới trần tục này. Một kết thúc vừa trôi qua để tạo ra một khởi đầu mới.

Cánh cửa phòng mổ cấp cứu mở ra. Vị bác sỹ già nhìn anh thiếu úy công an đang khoanh tay trước ngực đứng dựa vào tường, lắc đầu.

- Không cứu được à? – Vẫn giữ nguyên tư thế, anh thiếu úy hỏi.

Vị bác sĩ già đút hai tay vào túi áo choàng trắng vừa mới khoát vào nói bình thản:

- Vết thương quá nặng, mất rất nhiều máu. Phổi của cậu ấy đã bị đâm thấu với một nhát đâm, tổn thương rất nặng. Tôi sẽ kiểm tra kỹ lại và có thể tiến hành mổ tử thi nếu gia đình cậu ấy và các anh cho phép hay yêu cầu.

Anh thiếu úy giờ đã buông tay ra, lấy cuốn sổ nhỏ và cây viết hỏi:

- Tất cả có mấy nhát đâm?

Bác sĩ già vẫn giọng trầm đều đặn:

- Một nhát đâm ở phía sau ngực, một ở đùi, một ở bụng. Vết ở đùi có lẽ trúng động mạch chủ, máu ra rất nhiều.

Vừa ghi ghi chép chép, thiếu úy vừa ngước mặt nhìn bác sĩ già:

- Gia đình của anh ta đang tới. Đồng nghiệp của tôi đã gọi cho họ từ thông tin trên điện thoại di động của anh ta.

Vị bác sĩ hơi tò mò:

- Hình như còn có một cô gái cũng dính đến vụ án này phải không?

Giọng thiếu úy trẻ vẫn lạnh lùng:

- Có bao nhiêu cô thì chưa rõ. Nhưng chắc chắn có một cô đang nằm ở phòng cấp cứu. Cô ta có lẽ chỉ bị ngất thôi.

Một nữ bác sĩ chen ngang:

- Tỉnh chưa? Có lẽ là người yêu của cậu ta?

- Ừ...ừm, có thể. Tôi cũng không rõ. Thôi qua đó xem sao! – Thiếu úy vừa trả lời vừa thu xếp sổ bút bước đi.

Cô bác sỹ trực ban phụ trách thông báo cho anh cảnh sát là cô gái chỉ bị ngất, có lẽ là vì quá sợ hãi, không có gì nguy hiểm cả, rồi cô ta sẽ nhanh chóng tỉnh lại thôi. Sau khi nhận được thông tin về chàng trai từ vị bác sỹ già và anh công an, trong đầu cô đang mường tượng những điều tồi tệ có thể xảy ra cho cô gái khi cô tỉnh lại.

23h40, gia đình của chàng trai đến bệnh viện, bao gồm ba má và em trai anh. Sau khi nhận được thông báo từ bác sỹ, họ như đổ sụp; người mẹ gần như chết ngất bên xác cậu con trai yêu quý. Họ cứ thế ôm xác người thân mà suối nước mắt không ngừng tuông trào.

23h42, ba má, người chị gái và em trai của cô gái cũng đã có mặt tại bệnh viện. Họ an tâm hơn và giảm hẳn nỗi lo lắng khi thấy cô gái không bị gì nghiêm trọng. Nhưng khi nghe thông báo về tin tức của người yêu cô thì tất cả đều không khỏi bàng hoàng.

- Hai đứa ở đây nhé, ba má qua chỗ bác Danh một chút! – Ông Minh, bố của cô gái dặn dò hai con.

- Dạ, ba má bình tỉnh và cố động viên hai bác ấy nhé! – Chị cô gái đang xoa xoa tay cô em, ngước lên giọng ư ứ đầy xúc động.

- Ừ, thăm chừng em nhen con! – Bà Thanh nói giọng buồn não.

0h03, cô gái tỉnh dậy và không ngừng gọi tên người yêu như tìm kiếm. Người thân và các y bác sỹ cố nói tránh đi nhưng mãi mà vẫn không có tác dụng. Như có linh cảm về một điều rất tồi tệ đã xảy ra, cô càng vùng vẫy đòi tìm gặp người yêu cho bằng được. Và khi nhận được hung tin, cô bần thần gọi tên anh trong cổ họng, chỉ kịp ấm ức khóc vài tiếng rồi lại ngất lịm đi.

Gia đình Tô Dự từ chối để bác sỹ tiến hành phẩu thuật pháp y và xin phép đưa con về an táng. Có lẽ ba mẹ chàng trai thấy việc tiến hành làm phẫu thuật pháp y trên cơ thể đã lạnh toát của con trai mình là không cần thiết. Tất cả dường như đã được thể hiện rất rõ ràng trên cơ thể của anh. Cơ quan điều tra cũng thấy không cần thiết để làm việc này. Dù gì nó cũng chỉ mang tính thủ tục; sẽ là rất hữu ích cho nhiều trường hợp, có khi gần như là bắt buộc, nhưng không phải với sự vụ này. Họ cũng có thể cảm nhận được nỗi đau mất mát quá lớn của gia đình nạn nhân và nên để anh ta ra đi với một cơ thể còn nguyên vẹn nhất có thể. Không cần làm phức tạp hóa vấn đề thêm.

Sau một hồi chạy bạt mạng qua các cung đường mà không hề thấy có dấu hiệu truy đuổi, cả bọn vội vã rẽ vào một con hẻm, nơi có nhà thuê trọ của bọn chúng. Hai đứa ngồi phệt xuống chiếc ghế trường kỷ dài, thở phào nhẹ nhõm; một thằng chọn chiếc ghế sofa đơn; đứa còn lại mở tủ lạnh lấy chai nước Aquafina mát lạnh ném cho mỗi đứa một chai, rồi mở nắp chai mình, tu ừng ực. Sau hồi bí tí cùng bạn bè, giờ có vẻ tất cả đều bừng tỉnh trong sự mệt mỏi. Chúng chuyền nhau gói thuốc ba số năm để hít lấy lại tinh thần. Một tên mò mẫm khắp túi áo, túi quần:

- Chết cha, điện thoại tao đâu mất rồi!

- Giỡn mày, kiểm tra lại hết chưa? Coi có bỏ trong cốp xe không?

- Không, lúc nãy đi đường tao còn gọi rồi bỏ trong túi quần mà.

Trong tích tắc, bốn cặp mắt nhìn nhau, rồi ào tới một cái bàn bên cạnh, nơi có máy laptop đang để sẵn, nhanh chóng bật mở. Truy cập ngay vào một trang web nổi tiếng thế giới, trang chủ của nhà sản xuất điện thoại T-phone, www.uni-tech.com.us. Thằng có điện thoại mất gõ ngay số IP của máy nó trên mạng. Dữ liệu đang chạy. Cả bốn đứa như đang ngồi trên đống lửa. Màn hình dừng lại, nó nhấn ngay nút "delete all", xóa toàn bộ dữ liệu trên điện thoại của mình. Có vẻ đã nhẹ nhõm hơn, nhưng cả bốn đứa vẫn hồi hộp nhìn chằm chằm vào màn hình đang chạy. 99%, "tone", 100%. Bốn ánh mắt lại nhìn nhau. Không phải vì dữ liệu trên điện thoại T-phone bị mất đã bị xóa hoàn toàn, mà vì tiếng "tone" quái ác xuất hiện ngay sau số 99% kia.

Tuy vậy, lúc này cũng đã thấm mệt lắm rồi, cả bọn lúi húi quay về với các chiếc ghế trường kỷ. Nằm, ngồi và miên man điếu thuốc.

- Không biết nó có chết chưa tụi bay? - Một đứa buộc miệng.

- Thôi ngủ đi! Mặc xác nó. Báo cho "sếp" chưa?

- Rồi.

- Tao chỉ lo cái điện thoại. – Thằng mất điện thoại nói giọng nhỏ, trầm nhưng chất chứa sự thản thốt, lo âu. Không phải vì giá trị đắt tiền của cái điện thoại T-phone mà chính là tiếng "tone" như tiếng chuông cảnh báo điều chẳng lành.

Nghe cuộc gọi báo tin từ người dân, tổ trực của thiếu tá Quang lập tức lên đường tới hiện trường. Vừa đi chưa được bao lâu, họ lại nghe một cuộc điện thoại khác từ đồng chí trực ban, thiếu tá Quang yêu cầu cho xe dừng lại. Hơn 3 phút sau, hai đồng chí đi xe máy chạy nhanh tới giao cho họ một thiết bị. Xong, chiếc xe chuyên dụng lập tức hú còi lao nhanh về phía trước.

Dừng phịch lại trước hiện trường. Như đã được chỉ đạo trước, một tốp người lao đến nơi tập trung đông người, nơi có hai cái xác đang nằm trên đường. Vừa lúc đó, xe cứu thương vừa dừng lại, một chiếc taxi mới đi ngang qua cũng bị chặn lại để nhờ hỗ trợ. Họ nhanh chóng tổ chức đưa các nạn nhân vào bệnh viện. Tốp khác có thiếu tá Quang hỏi lớn và nhận ngay một chiếc T-phone từ tay một người dân. Anh nhanh chóng nhận lấy và đặt kết nối vào thiết bị giải mã vừa mang theo, hồi hộp nhìn màn hình đang chạy dò mật mã. "Pip...pip...pip". Chiếc T-phone đã được mở. Màn hình của chiếc T-phone đang chạy dữ liệu dần bị xóa. Ngay liền đó là tiếng "tít...tít...tít", rồi tắt ngấm. Chiếc T-phone đắt tiền giờ đã như "cục gạch". Mọi người lại nhìn trên màn hình thiết bị giải mã chỉ duy nhất xuất hiện: "Chi Xuan thoitrang 0903246xxx".

Thiếu tá Quang đang ngồi họp cùng năm anh em khác trong đội. Những kẻ đã gây ra cái chết cho Tô Dự có lẽ đã làm rớt chiếc điện thoại T-phone. Ngoài ra, họ không biết gì thêm cả. Mà cũng không biết đây có phải là điện thoại của bọn chúng không hay đơn thuần là của ai đó đánh rơi thôi, nhưng dù sao cũng cần phải thu thập, mổ xẻ thêm. Một sự khá trùng hợp là dữ liệu trên điện thoại bị xóa rất nhanh, chắc là ngay khi người chủ của nó phát hiện bị mất, một việc làm không cần thiết lắm vì chỉ cần khóa mã số của máy, không cho mở thì chiếc điện thoại đó cũng không khác gì cục gạch rồi, trừ khi thông tin trên đó là rất quan trọng. Nghĩa là khả năng những kẻ gây ra cái chết cho chàng trai trẻ đánh rơi chiếc T-phone trong quá trình quần thảo với nạn nhân là khá cao. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp chẳng liên quan gì cả. Bởi nếu chứa dữ liệu rất quan trọng thì ai mất chiếc T-phone mà chẳng làm điều tương tự như thế chứ. Vả lại, cũng đâu biết chiếc T-phone này bị bỏ rớt lại tại hiện trường từ lúc nào?

Đây là một tích hợp thông minh của nhà sản xuất T-phone, tập đoàn UNI-TECH, một hãng công nghệ lớn của Mỹ, có quy mô hàng đầu thế giới, biến nó trở nên chẳng còn giá trị gì nếu bị mất cắp. Khi trở về lại với chủ cũ, người này sẽ vào trang web của nhà sản xuất, nhập từ khóa theo quy định, nhập số IP của máy và có thể "back up" lại tất cả dữ liệu của máy một cách dễ dàng. Chính ứng dụng thông mình này đã giúp hạn chế đi rất nhiều việc mất cắp chiếc T-phone đắt tiền, vì kẻ lấy cắp cũng sẽ chẳng dùng được gì từ nó, có chăng, thu được ít nhiều từ việc bán cái xác của máy mà thôi.

Thông tin từ quần chúng cũng không mang lại gì nhiều hữu ích. Lời khai của cô gái là rất quan trọng. Nó có thể giúp làm sáng tỏ tất cả. Nhưng hiện chưa thể làm việc với cô gái được. Tình trạng của cô đang rất tệ; thân hình tiều tụy và không ngừng khóc than về người yêu. "Những kẻ giết chàng trai là ai? Chúng có bao nhiêu tên? Động cơ thực hiện là cướp của hay là vì cô gái?..." Hàng loạt câu hỏi đặt ra và các anh cần khẩn trương giải đáp để có thể tóm gọn những kẻ đã gây ra cái chết thương tâm này.

Ba ngày sau, vào một buổi sáng sớm tinh mơ, khi ông mặt trời còn "ngái ngủ", chưa kịp hiện nguyên hình, Tô Dự mãi mãi nằm dưới nấm đất sâu trong nỗi thương tiếc vô hạn của người thân, đặc biệt là ông Danh và bà Thuận. Người con trai cả của ông bà đã vĩnh viễn ra đi. Giờ ông bà chỉ còn biết ôm cậu con trai còn lại, cũng là đứa con duy nhất trong lúc này, mà rấm rức khóc. Tô Dư ra đi khi mới ngoài ba mươi tuổi. Dự định một, hai năm nữa là anh kết hôn cùng Lan Phương rồi. Vậy mà...

Ông Danh và bà Thuận năm này đã gần sáu mươi tuổi, đang sở hữu một cửa hàng vật liệu xây dựng cũng khá lớn ở Bình Thạnh. Công việc làm ăn rất phát đạt. Nhiều lần Tô Dự bàn với ba má chuyển lên công ty, nhưng ông Danh không chịu. Ông ghét phải làm công việc thuế má, giấy tờ này nọ, cứ cửa hàng như vầy, vậy mà khỏe. Tuy không thể vươn tầm phát triển rộng lớn, nhưng với nhiều năm làm ăn, ông cũng có nhiều mối bạn hàng và cũng tạo uy tín vững chắc nên cuộc sống cũng khá giả. Tuy vậy, ông thỉnh thoảng gợi ý cậu con cả khi nào về tiếp quản cửa hàng thì muốn làm gì thì làm.

Tô Dư có khuôn mặt xương, cằm vuông, nom hình chữ điền. Đôi lông mày đen làm tô thêm ánh mắt tinh tường, sắc sảo của anh. Dáng người trông mảnh khảnh, nhưng cứng cáp và nở nang nhờ nhiều năm chăm tâp thể thao, nhất là Vovinam, môn võ mà anh yêu thích. Anh tốt nghiệp ngành Quản Trị Kinh Doanh của trường Đại học Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh. Sau này, anh làm việc cho một khách sạn 3 sao ở quận Phú Nhuận với vị trí quản lý. Anh muốn tự lập, tự gầy dựng sự nghiệp cho mình, với mong ước là sở hữu những nhà hàng, khách sạn đông khách. Anh thích lĩnh vực này. Tuy nhiên, với ý định của ba má, vả lại cậu em là Tô Định lại theo ngành Luật nên công việc gia đình trước sau gì anh cũng phải quản lý thôi. Anh cũng cần tham gia càng sớm càng tốt để phụ cho ba má ngày cũng cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Cửa hàng thì có nhiều người phụ, nhưng ngoài chị kế toán thì còn lại chủ yếu là lao động chân tay thôi. Mọi việc đều do ba má anh quán xuyến tất cả, mà hàng hóa giao dịch liên tục với số lượng không nhỏ nên cũng rất cực.Tô Dự chưa nói cho ba má biết, nhưng anh đang lên kế hoạch là xin nghỉ làm, về phụ ông bà. Anh sẽ chuyển cửa hàng lên hình thức công ty để theo kịp đà phát triển của thị trường. Ổn định rồi, anh sẽ xin phép cưới Lan Phương. Anh dự kiến một hai năm nữa là được. Khi mọi việc đã đi vào quỹ đạo, cuộc sống gia đình nhỏ của anh cũng đâu vào đấy, anh sẽ cùng vợ mở nhà hàng. Vậy mà...

Lan Phương tiễn đưa người yêu trong tấm thân tiều tụy, nước mắt không ngừng chảy. Cô và mẹ Tô Dự là hai người luôn được mọi người quan tâm, để ý, chăm sóc nhiều nhất bởi nỗi đau, nỗi buồn thương, sự mất mát trong họ quá lớn tưởng chừng có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.

Ông Danh đau khổ không kém, nhưng trông tỏ ra khá điềm tỉnh và cứng rắn. Có lẽ đàn ông là vậy. Có người kể rằng tình cờ nghe tiếng nấc khóc hòa với tiếng nước chảy trong phòng tắm vào ngày liệm cậu Dự. Sau đó thì thấy ông Danh đi ra, mặt vẫn điềm tỉnh nhưng hơi se lại.

Tô Dự buồn bả, đau đớn nhìn người thân đưa tiễn mình. Anh không khỏi ái ngại cho tình cảnh của mẹ và người yêu. Anh đang ở bên cạnh họ đây, rất gần, rất gần. Giá như họ cảm nhận được điều đó, rằng anh mong họ hãy an tâm, bình an, đừng quá tiếc thương cho sự ra đi của anh nữa. "Con sẽ không sao đâu!" "Con ổn cả mà!" "Anh ổn cả em à!" Mọi người càng tiếc thương, buồn khổ, đau đớn bao nhiêu thì anh càng cảm thấy chua xót, cùng cực bấy nhiêu thôi. Và giá như mọi người biết được điều này.

Lan Phương về đến nhà, được mẹ dìu lên phòng, rồi nằm phệt xuống giường luôn. Trông cô quá mệt mỏi và gần như không còn chút sinh lực nào. Cô nhắm mắt như thiếp đi. Bà Thanh ở bên con thêm chút nữa rồi về phòng. Bà cũng mệt mỏi rồi.

Sáng hôm sau, Lan Phương lờ mờ mở mắt sau tiếng chuông báo thức của chiếc điện thoại di động. Cô ngước nhìn đồng hồ. 6h15. Cô hơi trở mình theo phản xạ, nhưng sau đó lại nằm yên. Cô nhớ mẹ kể là đã xin công ty cho cô nghỉ phép dài hạn vì gia đình đang có chuyện buồn vào mấy hôm trước rồi mà. Cô lại nghĩ về Tô Dự. Chuyện xảy ra đã mấy ngày rồi mà đến giờ cô vẫn không thể nào tin được đó là sự thật. Giá như đó chỉ là một giấc mơ, một ác mộng mà cô gặp phải đêm qua thì hay biết mấy. Nhưng sự thật vẫn luôn là sự thật. Lan Phương cảm thấy lạnh lẽo, trống vắng, xa lạ với chính căn phòng của mình. Bình thường, cũng khoảng vào giờ này, là cô đã nhận được điện thoại hay tin nhắn từ Tô Dự rồi. Nếu anh không làm thế thì cô sẽ là người thực hiện trước. Một nỗi buồn sâu thẳm như cơn giông tố ngoài đại dương đang quần xoáy trong đầu cô. Nó không cuốn đi cái gì cả, cứ ở đó mà quần thảo, mà đùa cợt như trêu ngươi vậy. Đầu óc cô bây giờ cứ lâng lâng như một gã mới tỉnh dậy sau chầu say bí tí vào đêm hôm qua. Cô xoay mình lò mò vớ lấy cái Iphone, nhấn gọi Tô Dự. Trả lời cô là tiếng ò í e đáng sợ. Bật khóc, cô như vô thức hai tay rung rung bấm lại lần nữa. Tín hiệu trả lời không có gì thay đổi. Cô để tuột điện thoại khỏi tay mình, nước mắt chảy dài.

Bà Thuận cố gắng hoàn thành buổi điểm tâm của mình bằng những miếng bành mì khô khan. Bà nhai như nhai trầu vậy. Bà ăn để cho người khác thấy bà ăn, để ông Danh thấy bà ăn, để cậu Út và có thể cả Tô Dự nữa thấy rằng bà không bỏ bữa, chứ không phải ăn để no, càng không thể thưởng thức được gì. Mà giá như bà biết Tô Dự đang nhìn bà như thế này chắc bà sẽ ăn thêm gì đó chất hơn, một cái gì đó gọi là ăn cho ra ăn vậy.

Nói thế thôi, ông Danh và cậu Út cũng tỏ ra mạnh mẽ hơn một chút, chứ mỗi người một cái trứng chiên mà vẫn còn chưa hết, chén canh thì chỉ vơi đi đôi chút. Bình thường, mỗi người làm hai trứng là hết vèo trong chốc lác đấy chứ. Nhưng giờ còn tâm trạng nào mà ăn nữa; nhà có bốn người, giờ còn ba.

Hình ảnh Tô Dự sáng sủa, tươi cười trên bàn thờ hoàn toàn đối lập với những khuôn mặt ủ dột, đôi mắt rưng rưng đầy nước của ba người đang ngồi dưới bàn kia, như những dòng lũ đang mắc kẹt bởi những con đê, đang mấp mé ngọn đê, chỉ chực chờ vượt qua và tưởng chừng có thể cuốn phăng tất cả trên đường đi của chúng vậy. Họ ăn như vô hồn, ăn theo phản xạ, ăn chỉ để nhai, chặp chặp lại ngước nhìn lên, nhưng không dám nhìn lâu vì sợ dòng lũ kia đầy nước thì vượt qua con đê yếu ớt này mất thôi. Mà cả ba người không ai muốn thế cả. Họ đang cố quay về với đời sống thường nhật mà, nhưng sao khó quá, thật không đơn giản chút nào. Mà không khó sao được, sao mà đơn giản được, một người thân của họ vừa vĩnh viễn ra đi, ra đi mãi mãi. Một người có thể khuấy động niềm vui cho cả nhà, mang lại tiếng cười cho cả nhà, tạo niềm hứng khởi cho mỗi người, giờ không còn nữa.

Tô Dự chứng kiến cảnh ba má và em trai mình như thế lòng không khỏi quặn thắt, người anh rung lên bần bật; mà không, chính xác hơn đó là "sóng" của anh có dấu hiệu như bị nhiễu, có lẽ anh đang khóc. Cách khóc của cái gọi là "hồn ma" khác với người thường như thế đấy, vì nó đang tồn tại dưới dạng "sóng" mà. Anh muốn la lên, muốn hét lên thật to rằng "Nhà ta vẫn còn đủ bốn người đây mà!" "Con vẫn ở bên cạnh ba má và em đây mà, chỉ khác là, đang tồn tại với một dạng thức mới mà thôi". Dĩ nhiên anh không muốn cái gọi là "dạng thức mới" như thế này tí nào. Nhưng biết làm sao được, trong tình thế bất đắc dĩ thì chỉ có thể cố gắng tạo ra điều tốt nhất trong cái hoàn cảnh tồi tệ nhất mà thôi. Cuộc sống mà. Mấy ai đoán biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng ta mỗi người đều phải cố gắng mà đấu tranh, mà nổ lực để cuộc sống của chúng ta hữu ích hơn, tốt đẹp hơn; phải cố mà thích nghi với mọi hoàn cảnh vì nó thuộc về bản năng sinh tồn rồi. Thích nghi để tồn tại.

Tô Dự choàng tay ôm từng người một, lần lượt là bà Thuận, ông Danh, rồi đến cậu Út như để an ủi họ, như để cho họ cảm nhận được sự hiện diện, sự tồn tại của anh. Dĩ nhiên đó cũng chỉ là cảm nhận của riêng anh thôi. Không biết có phải phần nào nhận thấy được vòng tay của cậu con đầu yêu quý hay là vì trụ cột của gia đình cần thể hiện sự mạnh mẽ hơn, mà cũng có thể là cả hai đấy chứ, ông Danh tằng hắng hai cái:

- Thôi cả nhà ăn nhanh rồi còn nghỉ ngơi một chút. Thằng Dự mà nó thấy cảnh này thì buồn lắm đấy!

Hướng về chiếc bàn thờ, nơi có di ảnh của Tô Dự đang nhìn mỉm cười, rồi nhìn về bà Thuận ông nói tiếp:

- Bà coi thằng Hai lúc nào cũng tươi cười yêu đời kìa. Hãy vui cười với con chứ, đừng ủ dột như thế nữa!

Nói đoạn, ông đứng dậy, đốt ba cây nhang cho hương hồn Tô Dự. Phần nhang trước đó còn chưa cháy hết. Mắt ông chập chập liên tục. Không biết có phải do khói nhang cay xè không? Hôm qua, vừa thắp nhang cho Tô Dự, ông cũng vừa lẩm bẩm "khói nhang cay mắt quá!"

Bà Thuận lấy khăn đang quấn trên cổ chặm nước mắt, không khóc thành tiếng. Không biết là do bà nghe lời ông Danh, hay bà cố nén vì sợ làm mọi người thêm buồn và ào khóc theo bà, mà cũng có thể mấy ngày nay bà khóc nhiều quá rồi, giọng bà giờ khan đặc hết cả rồi, nước mắt cũng gần khô cạn đây rồi còn gì. Cậu Út cúi gầm mặt xuống bàn, đưa tay cố ngăn vài dòng nước cứng đầu. Cậu ngước lên hít vài hơi thật sâu, như cố giấu đi tiếng nấc ngẹn và cũng là để lấy lại bình tĩnh hơn. "Anh Hai giờ không còn nữa, mình phải có trách nhiệm lo cho ba má, lo cho gia đình. Mình phải cứng rắn lên, mạnh mẽ lên, không nên để ba má ưu phiền, buồn lo nhiều nữa. Anh Hai ơi, phù hộ cho ba má, phù hộ cho em nhen anh!" Hơn phút sau, cậu đứng dậy hít một hơi thật sâu nữa rồi cất tiếng:

- Ba má uống nước, nghỉ ngời một chút đi. Sợ lát rồi lại có khách nữa. Để con dọn đồ xuống bếp!

- Ừm!

- Ừm!

Ông bà lần lượt cố thoát ra câu trả lời từ trong cổ họng đã khô rát, nhìn về cậu con trai còn lại lòng thêm nặng trĩu. Bất chợt cả hai ông bà cùng đều nghĩ về cậu. Ông bà giờ chỉ còn mình cậu, phải chăm lo cho câu thật tốt chứ. Cậu đã mất người anh yêu quý, một người bạn thân thiết, một người luôn chở che và tâm sự cùng cậu. Cậu cũng đang đau đớn có kém gì ông bà đâu.

Tô Dự thấy thế càng thương em hơn. Em trai anh mới 22 tuổi, đang là sinh viên năm cuối của trường đại học Luật Thành Phố Hồ Chí Minh. Cậu Út cao to hơn anh với cặp kính cận 6 diop luôn hiện diện trên khuôn mặt bầu bĩnh, trừ khi phải bất đắt dĩ tháo ra như để rửa mặt, tắm táp hay lúc đi ngủ mà thôi. Tuy vậy, cậu lại không cứng cáp, mạnh mẽ như anh. Cả nhà thường chọc là "Út Công Tử" mà. Hai anh em ngày trước lúc nào cũng có nhau. Có gì cũng đều chia sẻ, vui chơi cùng nhau. Không biết đã bao nhiêu lần anh cho lũ nhóc cùng trang lứa những trận đòn nhớ đời vì dám cả gan bắt nạt em trai anh. Những cảm nhận tình yêu đầu đời, những nhận thức về cuộc sống, hay đơn thuần là những sự kiện, tình huống trong đời sống thường nhật, anh đều diễn giải, chia sẻ cùng em. Hai anh em luôn quấn quýt bên nhau như hai người bạn thân thiết, không thể tách rời. Mặc dù, thỉnh thoảng, anh em cũng giận nhau, đôi khi anh còn cho cậu Út một trận nữa kia, nhưng dĩ nhiên là cũng nhẹ tay thôi. Mà người ta nói: thương nhau, muốn tốt cho nhau nên đôi khi phải thế. "Thương nhau lắm, cắn nhau đau" mà. Anh thường tự biện minh như thế.

Thời gian gần đây, có những đêm thức rất khuya, hai anh em trò chuyện về việc sắp tới anh cưới vợ, hai anh em không còn ngủ chung nữa. Cậu Út khi đó tí tửng ra mặt vì lúc ấy cậu sẽ được "tự do", có thể sở hữu một thế giới riêng cho mình, không phải bị ông anh khó tính này cằn nhằn việc này, nhắc nhở việc kia nữa. Nhưng rồi ngay sau đó, cậu cũng đượm buồn. Hai anh em ngủ chung từ bé. Giờ chỉ còn mình cậu trên chiếc giường đôi này thì cảm giác trống trải lắm, thiếu thiếu gì đó nhỉ, rồi những cuộc trò chuyện của hai anh em về khuya nữa. Vậy mà giờ điều đó còn kinh khủng hơn. Cậu Út không chỉ ngủ một mình sớm hơn dự định, mà cậu cũng vĩnh viễn không còn gặp lại anh trai mình nữa.

Nhìn cậu em lủi thủi kỳ cọ mấy cái chén, cái đĩa mà Tô Dự cảm thấy xót xa. Bà Thuận đòi phụ nhưng cậu không cho, bảo "Má vào ngồi uống nước với ba cho vui, có mấy cái chén đĩa con rửa tí là xong đấy mà!" Bà Thuận thương con, nhưng không muốn làm phật lòng cậu trong lúc này nên lay huay một chút rồi cũng lên ngồi với ông Danh.

Tô Dự thương em lắm. Khi còn sống, đã không ít lần anh đề xuất thuê người giúp việc cho đỡ cực, nhưng mẹ anh bảo không sao, bà còn lo được; với lại ông Danh cũng quen với khẩu vị nấu ăn của bà rồi. Ông thuộc típ người khó tính. Thật ra là đã có hai người từng thử việc, nhưng không ai ở quá ba tháng cả nên sau này không ai trong nhà buồn nhắc đến chuyện thuê người nữa. "Giờ gánh nặng gia đình đặt lên vai em cả, một đứa trước đã quen được chìu chuộng, vô tư, ít phải tham gia những công việc nhà". Tô Dự muốn phụ em nhưng có làm được gì đâu. Anh ngồi bệt xuống ôm đầu buồn bã. Anh muốn hét toáng lên, hét thật to, thật to để có ai đó vô tình có thể nghe thấy anh. Sự bất lực. Một cảm giác bất lực luôn thật sự rất khó chịu, khó chịu khôn tả. Càng muốn thoát ra, càng trở nên vô vọng. Bất lực.

Có tiếng chuông cửa. Cậu Út cũng vừa thanh toán xong mớ chén đĩa chạy ra, thấy ba má định nhỏm dậy, liền nói:

- Ba má để con mở cho!

Tâm trạng cậu vui lên thấy rõ, như cậu trông chờ tiếng chuông đó lâu lắm rồi vậy, như đứa bé trông mẹ đi chợ sớm mua quà về vậy. Có bạn ông bà Danh tới thăm chơi. Như vậy cũng vui. Có nhiều người trò chuyện sẽ giúp cả nhà phần nào lấy lại được thăng bằng hơn, hay ít ra cũng có khoảng thời gian quên đi về chuyện của anh. Giờ cái nhà này cần lắm những người bà con, bạn bè vào ra; không như trước đây chỉ muốn yên tĩnh, sinh hoạt chỉ cả nhà. Hoạt động ở cửa hàng mấy ngày nay đều do chị kế toán và chú Thành, em bà con với ông Danh, làm việc ở đây cũng nhiều năm, trông coi giúp.

Bà Thanh gõ cửa, rồi bước vào phòng con gái yêu. Lan Phương nhìn mẹ rồi đưa tay quệt nước mắt. Bà ngồi xuống, Lan Phương ngồi dậy ngục mặt vào lòng mẹ.

- Thôi nào, mạnh mẽ lên con! Chuyện đã xảy ra vậy rồi, biết làm sao giờ! Dự bây giờ chắc đang ở trên Thiên Đàng. Nó sẽ không yên lòng, không thanh thản mà ra đi cho được khi thấy con thế này đâu. Hãy vì ba má, vì gia đình, vì thằng Dự mà vượt qua nhen con!

- Dạ, con sẽ cố. Con xin lỗi má! - Lan Phương khẽ khẽ gật đầu, thút thít nói.

Bà Thanh vừa vuốt tóc, vừa an ủi con:

- Ừ, thôi con dậy đánh răng, tắm một cái cho thoải mái rồi xuống nhà ăn sáng nhen con. À, bên công an họ hẹn sáng nay đến nhà để gặp con lấy lời khai đấy! Cố gắng lên nhen con!

- Dạ! – Lan Phương thút thít thốt ra từ cuốn họng.

Kiều My, chị Lan Phương, cũng vừa vào phòng, bước đến bên mẹ và em. Tay cô xoa xoa lên đầu đứa em gái tội nghiệp.

- Má xuống trước ngồi chơi với ba đi, con ở đây đợi em rồi xuống sau!

- Ừm, vậy con ở đây với em ngen, để má vào bật cái máy nước nóng cho em! Mạnh mẽ lên nhen con!

Bà Thanh khẽ lắc nhè nhẹ đôi vai yếu ớt của Lan Phương nói. Bà đưa mắt nhìn lướt hai đứa con gái yêu, rồi đi vào phòng tắm bật nước nóng, xong ra ngoài. Mặt buồn rười rượi. Trong khi đó, Lan Phương cũng được chị đỡ dậy đi vào phòng tắm, cũng là phòng vệ sinh riêng của cô. Kiều My chờ ở ngoài. Có lẽ mọi người cố không muốn để cho Lan Phương khoảng trống, không để cho cô có cảm giác đơn độc. Gia đình luôn cắt cử người bên cạnh cô, gần nhất có thể, như để cho cô có cái cảm nhận về hơi người, để mà cô phần nào có thể dần quên đi chuyện đáng buồn thế này.

Lan Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có. Cô có dáng người mảnh khảnh. Mái tóc đen mượt chấm ngang vai ôm lấy khuôn mặt thanh tú có đệm xuyến hai má lúng đồng tiền duyên dáng. Đôi mắt hai mí đen lay láy trong vắt, sâu thẳm, hơi đượm buồn. Chỉ nhìn vào đấy thôi cũng có thể đoán biết cô là người sống nội tâm, giàu tình cảm, thừa quyết tâm, nhưng cũng khá bướng bỉnh. Cô theo học mỹ thuật và đang làm thiết kế cho công ty thời trang Bừng Sáng với những nhãn hiệu đã được thị trường đón nhận như: Bambe, Tubo, Lanxe dành cho giới trẻ và dân văn phòng. Sáng tạo và cảm nhận là khả năng thiên bẩm của cô. Lan Phương yêu thích công việc cô đang làm và liên tục có nhiều mẫu mã mới đầy sáng tạo, nhiều sản phẩm mang tính đột phá. Sếp đánh giá rất cao năng lực của cô và không giấu giếm hỗ trợ, nâng đỡ cô hoàn thành công việc tốt hơn, lên vị trí cao hơn khi cô đủ cứng cáp. Tô Dự luôn ủng hộ cô, che chở cho cô làm những gì cô thích. Và như thế, được anh đồng tình, có anh bên cạnh, Lan Phương chẳng còn lo ngại gì cả, luôn cảm thấy rất tự tin.

Ông Minh và bà Thanh năm nay đã ngoài tuổi ngũ tuần, là chủ của một nhà hàng lớn ở Quận 3; cổ đông chính ở một nhà hàng ở Quận Phú Nhuận và có cổ phần ở 2 nhà hàng khác ở quận 1 và quận 3. Kiều My, cô gái lớn, hiện đang phụ giúp ông bà quản lý nhà hàng riêng của gia đình. Ông bà đôi khi cũng muốn Lan Phương về tham gia quản lý nhà hàng nhưng cô không thích lĩnh vực này, mặc dù cô nấu ăn rất ngon, thâm chí là khéo hơn chị mình nhiều; lại có khiếu trang trí nội thất, nhãn quan thẩm mỹ. Cô cũng thích du lịch, đi đây đi đó, tham quan, chụp ảnh. Cô thích hòa mình vào môi trường thiên nhiên hơn. Còn cậu Út thì chỉ mới đang học lớp 10.

Cả nhà bốn người cùng quây quần bên nhau cho buổi điểm tâm trong không khí khá nặng nề. Cậu em Út đã đi học từ sớm. Ba cặp mắt như chỉ dồn về một phía. Thỉnh thoảng ông Minh hay Kiều My cố kéo mọi người ra khỏi cái không khí ngột ngạt kia bằng những câu hỏi, kể vài câu chuyện hàng ngày, hay nói Đông Tây-Kim Cổ gì đấy. Không khí có vẻ sôi nổi hơn một chút; xong, đâu lại vào đấy.

9h05, thiếu tá Quang cùng một đồng nghiệp vừa đến. Ông bà Minh niềm nở mời họ vào phòng khách trong khi chờ Lan Phương đang phụ chị dọn dẹp ở nhà bếp. Cả nhà muốn cô nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng có lẽ lay hoay làm một vài việc vặt nào đó sẽ giúp cho tinh thần của cô được cải thiện hơn.

Lan Phương khẽ cười nhẹ chào hai anh cán bộ rồi ngồi xuống bên cạnh mẹ. Hai anh cũng tươi cười đáp lại và trò chuyện hỏi thăm tình hình, tâm trạng Lan Phương mang tính cá nhân một cách khá cởi mở. Sau một hồi xã giao trò chuyện, khi mọi người có vẻ thông cảm, gần gũi hơn, như hiểu ý các anh chưa vội vào thẳng vấn đề vì sợ cô vẫn còn bị sốc sau sự ra đi đột ngột của người yêu, Lan Phương thấy cũng đã đến lúc. Cô hiểu các anh rất bận. Việc các anh đồng ý đến nhà cô để lấy lời khai cũng đã thể hiện sự cảm thông, chia sẻ rất đáng quý rồi. Lan Phương mặt hơi sầm lai, hai cánh tay khép lại, các ngón tay đan vào nhau, mắt nhìn xuống bàn, bắt đầu:

- Hôm đó là ngày 8/3, tụi em có hẹn trước là sau khi làm về, anh sẽ đến đón em sang nhà anh ăn cơm cùng ba má anh rồi sau đó tụi em sẽ đi chơi. Sau bữa tối cùng gia đình anh, khoảng tám giờ kém mười, anh lấy xe máy chở em đến sân Đại Quang chơi vì ở đây có tổ chức chương trình "PHỤ NỮ VÀ TÌNH YÊU" do công ty Khai Sáng tổ chức. Ở đây tụi em có tham gia một số trò chơi của ban tổ chức, rất vui...rất vui ạ!

Nói đến đây, môi cô nhoẻn một nụ cười tự nhiên pha chút gì đó như miễn cưỡng, nhưng cũng trên khuôn mặt khả ái đấy, hai dòng nước từ khóe mắt cũng bắt đầu "biểu tình". Bà Thanh choàng tay ôm con gái yêu, khẽ kéo nhẹ cô về phía mình, tay xoa xoa vai cô, rồi lưng cô. Kiều My lúc này cũng đã lên ngồi cạnh em, nhẹ nhàng vuốt vuốt lưng cô em gái. Lan Phương nấc ngẹn một chút rồi tiếp:

- Tại đây, tụi em cũng có gặp một số bạn đến đây tham gia vui chơi. Khoảng mười giờ hơn thì chương trình kết thúc. Cả nhóm tụi em chưa về ngay mà còn tán ngẫu cùng nhau một hồi nữa rồi kéo nhau đi ăn khuya. Tại đây chúng em vừa ăn vừa trò chuyện mà quên bẵng mất thời gian, lúc chợt nhìn lại đồng hồ thì đã mười một giờ kém rồi, khi đó cả bọn chia tay ra về.

Lan Phương đưa mắt lên dịu dàng nhìn ba má như có lỗi:

- Khoảng mười giờ hơn mẹ gọi điện cho em nhắc nhở, giờ cũng trễ rồi. Em nói là tụi em đi ăn khuya thêm rồi về liền. Vì đi với anh Dự nên ba má cũng rất an tâm. Sau khi chia tay chào mọi người, anh chở em về đi với tốc độ bình thường. Khi đến ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, xe em vừa mới qua trụ đèn xanh thì một chiếc xe chở hai ở đường Nguyễn Hữu Thọ vượt đèn đỏ trờ tới. Anh Dự bẻ tay lái vừa kịp né để không phải tông vào trực diện nhưng không đủ tránh hết được. Hình như bọn họ say rượu. Hai xe ngã ra đường. Chuyện lẽ ra cũng không có gì vì hình như họ cũng kịp nhấn thắng nên chỉ ngã nhẹ chứ không sao. Khi em và anh Dự đang lồm khồm đỡ xe dậy thì hai người họ lại hùng hổ lớn tiếng xông tới chửi tục tụi em. Lỗi hoàn toàn do họ. Có lẽ cũng đang rất bực thì lại chứng kiến thái độ du côn của họ nên anh Dự cũng lớn tiếng cự lại. Em sợ quá nói líu ríu gì đó để can ngăn hai bên. Nhưng bất ngờ một đứa xông vào anh hành hung. Anh nhanh chóng đẩy em ra, rồi né sang bên khác chống trả. Thằng kia cũng hùa theo. Em hoảng quá, la lớn kêu cứu nhưng chẳng có ai cả. Biết anh giỏi võ, em cũng đỡ lo. Rồi bất ngờ một chiếc xe chở hai chồm tới, em chưa kip mừng thầm vì nghĩ có thể nhờ người dân hỗ trợ, thì họ bất ngờ lao xe thẳng tới, một nhát dao sáng loáng đâm thẳng vào lưng anh. Em rất hoảng hốt. Và đó cũng là hình ảnh cuối cùng em thấy về anh.

Nói đến đây, Lan Phương uất nghẹn, cơn bão tố trong đầu cô giờ biến thành cơn mưa lớn ào ạt tuôn ra. Bà Thanh ôm con vào lòng, trên khóe mắt của bà cũng đầy thứ nước mặn mặn. Ông Minh và Kiều My liên tục chớp chớp mắt. Thiếu tá Quang ra chiều thông cảm:

- Em cứ bình tĩnh, từ từ thôi, không có gì đâu!

Anh nói trống rỗng, cũng không biết thế nào để an ủi cô. Lan Phương ôm mặt gục đầu vào lòng mẹ khóc nức nở. Bà Thanh ôm con vào lòng mà nước mắt ngắn dài, tay xoa xoa lưng con gái yêu.

- Là lỗi tại con má à! Giá lúc đó con quyết liệt can ngăn ngay từ đầu thì chắc mọi chuyện đâu như thế này! – Lan Phương lại thổn thức.

Bà Thanh cũng thút thít an ủi con:

- Thôi nào con! Lúc đó con đang hoảng loạn mà. Dù sao chuyện cũng đã xảy ra rồi, con đừng không đâu mà tự dằn vặt mình như thế nữa, chắc chắn thằng Dự không vui đâu con!

- Cô nói đúng đó em à, chuyện đã xảy ra rồi, em đừng tự làm khổ mình nữa. Anh nghe quần chúng kể lại là khi nghe tiếng kêu "cứu", tiếng la hét thất thanh, một số người dân gần đó không biết chuyện gì, theo phản xạ họ đã cầm gậy chạy ra. Nhưng họ chỉ kịp thấy bốn tên đang loạng choạng leo lên hai xe máy bỏ chạy, cũng không kịp nhìn được bảng số xe hay gì cả vì khoảng cách cũng còn hơi xa, mà lại nằm trong khoảng tối, không được đèn đường chiếu rõ. Họ thấy em nằm bất tĩnh và...

Thiếu tá Quang bỏ lửng câu nói. Cả phòng không ai nói với ai lời nào. Đợi một lúc cho tình hình dịu trở lại, thiếu tá Quang nhẹ nhàng:

- Cho anh hỏi thêm câu này nhé! Em có nhận diện được bọn chúng không? Em cố nhớ lại xem ở chúng có gì đó đáng chú ý để có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho tụi anh không?

Phải trấn tĩnh một lúc, Lan Phương mới có thể tiếp tục câu chuyện:

- Lúc đó em hoảng quá nên không để ý gì nhiều, với lại đèn điện đường cũng không sáng rõ lắm. Một bóng gần ngã tư bị cháy hay sao đó. Em chỉ biết tụi nó có 4 đứa, cũng trạc tuổi nhau, khoảng từ 20-25 tuổi. Tụi nó ăn mặc cũng bình thường, không có gì đặc biệt. Một đứa hơi mập, ba đứa còn lại thì bình thường, hơi gầy.

- Em có thể ước lượng xem tụi nó cao khoảng bao nhiêu không?

- Có lẽ cỡ 1,65m hay 1,7m gì đó

- Chúng đi bằng xe gì em nhớ không?

- 1 chiếc SH, còn chiếc kia thì em không để ý.

- Tại hiện trường tụi anh có thu được một chiếc T-phone. Em nhớ xem có thấy nó không? Có phải do tụi nó đánh rơi không?

- Em không biết nữa, em không thấy.

- Ừ,...ừm, em xem có còn gì hay chi tiết nào còn xót không? Bất kỳ điều gì em nhớ về bọn chúng?

Thiếu tá Quang gật gật đầu nhìn vào bảng khai mà đồng nghiệp anh đang ghi chép, rồi ngước lên nhìn Lan Phương hỏi.

- Bây giờ em chỉ nhớ đến đó thôi. Em mà nhớ được gì thêm thì sẽ báo cho anh liền!

Lan Phương trả lời trong nước mắt. Thấy con gái cần nghỉ ngơi. Vả lại lời khai như vậy cũng tạm đủ, ông Minh lên tiếng:

- Có lẽ tạm thời là vậy. Con gái tôi có nhớ được gì thêm thì sẽ gọi cho các anh ngay!

- Vâng, vậy tụi cháu không làm phiền gia đình nữa. Cám ơn cô chú và em nhiều lắm! Tụi cháu xin phép về cơ quan để phân tích và tổng hợp thêm thông tin. Có thông tin gì mới thì cháu sẽ thông báo cho gia đình ngay. Còn gia đình có gì thì cứ gọi cho cháu nhé!

- Vâng, cám ơn các anh rất nhiều!

Ông Minh lấy điện thoại của mình ra lưu số của thiếu tá Quang, rồi đứng lên bắt tay chào hai cán bộ. Hai anh bắt tay ông Minh rồi cùng đưa mắt, cúi đầu chào cả nhà ra về.

Tô Dự nãy giờ lặng người nghe câu chuyện từ đầu đến cuối. Thấy Lan Phương khóc lóc thảm thiết mà không khỏi nao lòng. Anh tiến đến vuốt vuốt tóc cô như an ủi nhưng chắc cô không nhận biết. Và có một điều quan trọng nữa về bọn du côn, một chi tiết rất quan trọng không biết Lan Phương không nhận thấy hay quên kể về tên đã lao vào anh đầu tiên; đó là trên trán nó, phía bên trái, gần thái dương, có một vết sẹo lõm hình lưỡi liềm rất dễ nhận biết. Sẹo hình lưỡi liềm như Bao Công vậy, nhưng nó nằm bên trái chứ không phải ở giữa. Có lẽ vì thế mà nó cũng tạo nên tính cách giữa hai người hoàn toàn khác biệt. Một thanh liêm, chính trực, được cả đất nước Trung Hoa kính trọng; một là kẻ côn đồ, cùng đồng bọn đã cướp đi mạng sống của anh, một chàng trai với bao hoài bão, ước mơ, hừng hực lửa sống giờ đây đã mãi mãi lụi tàn theo những nhát đâm lạnh lùng, hung hãn, không chút động lòng.

Chiếc T-phone, có thể là chứng cứ duy nhất, được gửi đến phòng khoa học hình sự, hy vọng tìm được chút manh mối. Các chiến sỹ đã cẩn thận lấy dấu vân tay trên đó, rồi đối chiếu với lượng vân tay của những đối tượng khoanh vùng khả nghi có trên cơ sở dữ liệu của máy tính. Ba ngày sau, thiếu tá Quang được thông báo là không tìm thấy dấu vân tay nào phù hợp cả. Anh nghĩ nếu như ở các nước tiên tiến thì có thể mọi thứ đã dễ dàng hơn. Thà biết được người có dấu vân tay trên chiếc điện thoại, dù cho người đó có phải là hung thủ hay không thì cũng đỡ cho các anh hơn trong việc loại bỏ chứng cứ không cần thiết, mà tập trung vào các hướng điều tra khác khả dĩ hơn. Nhưng như vậy nghĩa là vẫn tồn tại một khả năng: điện thoại là của hung thủ. Đây là chứng cớ duy nhất. Và anh hy vọng là nó đúng. Tuy vậy, anh chỉ biết cứ lưu giữ chiếc T-phone này. Vẫn còn nhiều cách để khai thác thông tin từ chiếc điện thoại này. Trước tiên là lưu giữ tất cả các dấu vân tay có trên máy T-phone. Tiếp theo, liên hệ với người có số điện thoại may mắn còn sót lại từ dữ liệu đã bị xóa trên T-phone. Tuy vậy, việc tìm ra hung thủ từ đầu mối này cũng không phải dễ dàng. Một giải pháp nữa, anh sẽ cho anh em liên hệ với một số đầu mối có số má, tung tin nhặt được điện thoại T-phone, cần người đến nhận. Khả năng này cũng 50-50, vì nếu đúng là kẻ tình nghi đánh rơi nó thì chẳng dại gì mà "chui đầu vào rọ", mặc cho giá trị đắt tiền của chiếc điện thoại. Một phương án khác, chắc chắn tìm được thông tin của người sở hữu chiếc điện thoại, tuy ngay cả khi tìm được người này thì cũng không chắc có phải là hung thủ gây ra vụ trọng án đang điều tra hay không, đó là nhờ cảnh sát Interpol của Mỹ, nơi nhà sản xuất T-phone đặt trụ sở, liên hệ đề nghị nhà sản xuất cung cấp thông tin người chủ sở hữu chiếc điện thoại (với điều kiện họ phải nhận lại chiếc điện thoại T-phone và dò ký hiệu đã mã hóa trên máy để xác định số IP của máy). Tuy vậy, khả năng này cũng rất khó vì nhà sản xuất không dễ gì tiết lộ thông tin cá nhân của khách hàng mình nếu như không có lý do chính đáng thật thuyết phục. Đây cũng chính là một trong những nguyên do người ta muốn sở hữu T-phone vì họ tin tưởng vào sự bảo đảm của nhà sản xuất cho mức độ bảo mật và tôn trọng quyền lợi cá nhân của khách hàng. Bởi đây không phải là một nhà sản xuất bình thường, mà là một tập đoàn lớn, một thế lực tư bản thực sự của thế giới.

Anh tổng kết lại các khả năng để xem có hướng điều tra nào khác nữa không: từ những băng nhóm côn đồ, cảnh sát khu vực nơi xảy ra án mạng, quần chúng gần đó, lời khai của Lan Phương. Tất cả thật tù mù. Anh chống hai tay lên bàn ôm đầu: "Chẳng lẽ hồ sơ vụ án này lại là cái tiếp theo nằm kẹt dí trong chồng hồ sơ cũ nhàu, đầy bụi bặm vì chưa được phá án hay sao? Một mạng người nữa chết oan ức mà hung thủ có thể nhỡn nhơ ngoài kia sao? Mình phải làm gì đó chứ?..."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro