Đôi dép rách

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi là con của một gia đình ở làng quê nọ, và nhà tôi rất nghèo. Tôi ghét ba mẹ lắm. Mẹ tôi là tiểu thư của một gia đình giàu có, nhưng lại yêu ba tôi là chàng trai bán bong bóng cà rem ở xóm nghèo nọ. Mặc cho những ngăn cản của ông ngoại bà ngoại, mẹ tôi vẫn bất chấp mà đi theo ba. Sau này khi sinh tôi ra, gia đình bên ngoại muốn ba mẹ và tôi quay về bên ngoại mà sống nhưng mẹ tôi một hai không đồng ý, bảo là bên ngoại sẽ khinh thường ba tôi các thứ, để rồi tôi phải khổ thế này đó. Áo quần chẳng có để mặc, quần thì khâu chỗ này, áo lại vá chỗ kia. Thực đơn hằng ngày là cơm, mấy con cá nhỏ nhỏ vô danh mẹ bắt ngoài sông, và rau muống luộc... khó khăn quá thì ăn cháo trắng vì chỉ còn nửa lon gạo cuối cùng. Phải nói là ngán lắm luôn í.

Cứ mỗi sáng khi tiếng con gà đầu xóm gáy lên, ba tôi lại thức dậy. Ông bắt đầu lò mò chuẩn bị cho ngày bán rong của mình. Ông lấy cái bơm hơi trong cái tủ xập xệ ra và bắt đầu bơm những quả bong bóng đủ màu sắc, đủ kiểu dáng. Sau đó, ông buộc lại thành chùm, gắn nó trên cái cây gỗ to cố định. Phía trước xe đạp thì ông tháo cái giỏ xe đi, gắn cái thùng nhỏ bán cà rem vào. Ông còn chuẩn bị cả cái chuông, để khi chạy quanh làng, chỉ cần lắc vài cái là tụi nhỏ sẽ ùa ra như đàn kiến bu trước xe ông. Ôi thôi cái tụi đó thính thật đấy, mới lắc một cái mà đã chạy ra như trực sẵn ở đâu rồi. Cuối cùng, ba tôi lấy trong bọc ra một đôi dép cao su màu đỏ. Đôi này thì cả nhà tôi ai cũng có, đồ cặp đó. Mẹ tôi mua khi bà nhận được tháng lương đầu tiên. Ngẫm lại thấy nực cười thật, gia đình người ta áo cặp, nón cặp,... nhà tôi là đôi dép cặp. Cơ mà ông ấy quý lắm, cái hồi mẹ tôi mua về, còn đòi cất, không chịu mang nữa chứ. Sau mỗi giờ làm việc, ông lại để nó cẩn thận vào trong cái bọc nhỏ và cất. Tôi thầm tự hỏi "Tại sao ông lại quý nó đến vậy? Chẳng phải chỉ là cái dép thôi sao?" Năm năm trôi qua, mà đôi dép vẫn còn mới như vừa mua về. Còn tôi á, tôi chả quan tâm mấy, có dép thì dùng thôi vậy mà cái đám khỉ gió lớp tôi lúc nào cũng lôi cái đôi dép của tôi ra mà đùa. Hứ, tụi bây giàu quá nhỉ? Nên tôi chả thích mấy cái đồ cặp này, mang chừng hai tháng thì hư hỏng vài chỗ rồi. Mẹ tôi không mang nhiều lắm vì bà phải ra đồng.

Tôi để ý, có lần ba tôi đang đi thì trượt chân té xuống mương. May thay, ông chỉ bị trầy xước nhẹ và chiếc xe đạp không bị sao cả. Cơ mà ông lại đi lo cho cái đôi dép đó. Lúc té xuống thì một chiếc ở chân ông, còn chiếc kia bay đâu mất. Ba tôi hốt hoảng lắm, tìm mãi, còn kêu tôi xuống tìm hộ. Lúc tìm được thì ôi thôi mừng như thấy Tết, bỏ cái xe đạp mà chạy về nhà, và vâng tôi phải tự mò lên mà dắt chiếc xe đạp của ông về. Sau khi về nhà, tôi thấy ba tôi đang ngồi kì cọ, dùng tất cả chất tẩy rửa có trong nhà để chà lại cho trắng đôi dép. Hay thật, ông bị thương ở chân mà lại không lo, đi lo cho đôi dép sợ bị hư hỏng. Lần khác, tôi cùng đám bạn chơi ô ăn quan, thế là tôi cứ thế cầm đại dép ba tôi mà chơi. Chơi xong thì quăng đâu mất, nên tôi bị một trận tơi bời, bị ông bắt tìm lại cho bằng được. Thật là, riết rồi tôi chả biết tôi là con hay đôi dép là con nữa.
Sau này khi tôi bắt đầu học đại học trên thành phố. Mẹ tôi mất rồi, ba tôi thì già lẩm cẩm. Và ông không bỏ đôi dép vào bọc cất nữa mà là mang luôn, nó đã bạc màu và hư hỏng vài chỗ tuy nhiên ông vẫn có thói quen mang dép của ông và mẹ tôi đi vệ sinh mỗi ngày. Còn dép của tôi á? Đương nhiên vẫn còn giữ cơ mà không được nguyên vẹn cho lắm.

Cái ngày mà ba tôi mất, tôi tự động giữ lại đôi dép của ông và mẹ tôi. Tôi bỏ chúng trong một cái bọc và cất trong tủ.
...
Cho đến bây giờ thì tôi mới thật sự hiểu được tại sao ông quý nó đến vậy. Vì ông trân trọng những ngày tháng cực khổ bên mẹ và cả gia đình. Mẹ tôi là tiểu thư nên mấy chuyện làm đồng, hay lao động nặng nhọc như vậy đương nhiên rất khó. Bà ấy đã hi sinh, từ bỏ sự giàu có, danh dự cố gắng làm việc rất nhiều để kiếm cái ăn cái mặc vì gia đình, và ba tôi hạnh phúc vì điều đó. Tôi lại thấy, có khi nghèo lại là cái hay, nếu ngày đó mẹ tôi chấp nhận trở lại bên ngoại thì chắc chả có cái tuổi thơ mang tên đôi dép này đâu nhỉ. Mỗi ngày, tôi luôn có thói quen nhìn xuống giày dép của mọi người, đặc biệt là những người bán bong bóng và cà rem, tôi lại thấy đâu đó, dáng hình của ba và kỉ niệm chợt ùa về...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro