| ĐẠN GĂM NGỰC ÁO, EM HẰN TRONG TIM |

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Author: Dtou

(Note: Mình dựng chiếc oneshot này dựa trên bối cảnh chiến tranh Việt Nam ở Quảng Trị, chỉ lấy cảm hứng từ bối cảnh, tình tiết fic không gắn với bất cứ sự kiện lịch sử nào.)

.

Năm hai mươi lăm tuổi tôi cúi đầu từ biệt thầy u lên đường ra trận, lúc ngoảnh mặt quay đi tôi đã biết từ nay tôi phải đặt hai chữ "Tổ quốc" lên trên mạng sống của mình, lên trên cả nghĩa báo hiếu với đấng sinh thành đang ở phía sau đau đáu dõi theo từng bước chân tôi. Ước mơ gom góp tiền cắp sách lên thủ đô học cũng vì vậy mà phải tạm bỏ ngỏ, không biết là sẽ phải gác lại tới bao giờ, cũng có thể sẽ vĩnh viễn chỉ là ước mơ, nếu như tôi chẳng may nằm lại nơi chiến trường mãi mãi.

"Xán Liệt! Nhớ biên thư về cho thầy u ở nhà nghe con!"

Chúng tôi lên xe đi một chặng đường dài, từ từ tiến vào vùng chiến sự ác liệt nhất cả nước. Nghĩ tới cái tên "cối xay thịt" mà anh em hay dùng để gọi nơi ấy, tôi không khỏi rùng mình. Thế nhưng cảm giác ghê người ấy cũng chỉ thoáng qua một lúc, rất nhanh chóng đã bị thay thế bởi nhiệt huyết và tinh thần yêu nước nồng nàn của hơn hai chục anh em trên xe. Chúng tôi cùng nhau hô vang tên mình, hô vang hai chữ "ĐỘC LẬP", như muốn ghi dấu lại trong từng khoảng không mà bánh xe lăn qua, rằng đã từng có một xe chở lính mới đi ngang qua đây, chở hơn hai chục người, hơn hai mươi trái tim yêu nước.

"Ngô Thế Huân!"

"Có!"

"Kim Chung Đại!"

"Có!"

"Độ Khánh Tú!"

"Có!"

[...]

"Phác Xán Liệt!"

"Có!"

Đoàn chúng tôi đặt chân tới chảo lửa "cối xay thịt", cả đoàn đóng quân tại phía Đông của rừng Ngàn. Gần nơi đóng quân của chúng tôi có một dòng suối trong vắt, anh em điểm danh xong liền lập tức ùa ra suối rửa mặt với đơm đầy nước mát vào bi đông sắt đeo bên hông.
Tiếng cười nói chẳng mấy chốc đã râm ran khắp núi rừng, nếu không phải vì chiến tranh, thì nhìn mặt chúng tôi thật sự không khác nào một đám sinh viên đang đi thực tế. Mà nói vậy cũng có chỗ đúng, trong đoàn chúng tôi cũng có vài người là sinh viên. Có Khánh Tú là sinh viên trường Sư phạm, có anh Mân Thạc học kỹ thuật điện cơ, còn có cả anh Tuấn Miên, bỏ lại cả cơ ngơi kinh doanh hoành tráng của gia đình ở thủ đô để lên đường nhập ngũ.

Tôi khao khát được lên thủ đô lắm, nên khi không phải đánh trận thường hay quấn lấy anh Tuấn Miên để hỏi chuyện "trên đấy nó thế nào". Nhưng không phải lúc nào tôi cũng có câu trả lời, vì anh ấy là trung đội trưởng, ngoài đánh trận còn phải xử lý đủ mọi công việc khác.

Nhưng tôi cũng không buồn, mà thay vào đó sẽ chọn việc nằm võng nghe đài cùng với Thế Huân. Đài truyền tin về từ thủ đô, giọng phát thanh viên ngọt lịm, có tin mừng thì cả đám sẽ cùng vỗ tay hò reo, còn nếu là tin không vui, thì bản nhạc rừng của chúng tôi sẽ lại trầm đi vài nốt.

.

Cái đêm giặc quyết liệt càn quét thủ đô, bệnh viện trung ương lớn nhất cả nước cũng bị ném bom cho tơi tả. Cả đất nước dường như cùng nhau thức trắng, chúng tôi ở miền xa xôi cũng nín thở nghe tin tức từ đài. Bệnh viện bị dội bom, chết bao nhiêu người, bao nhiêu đồng đội còn đang chờ bình phục, bao nhiêu y bác sĩ đã ra đi vĩnh viễn, tiếng phát thanh viên qua chiếc đài cát-xét nức nở, chúng tôi có người phẫn uất không thành tiếng, có người không kìm được mà chửi thề. Tôi lặng người nhìn vào rừng sâu thăm thẳm, liệu giữa chiến trường thủ đô khói bay đạn lạc ấy, có thể còn sót lại chút kì tích nào không?

Tôi nghĩ rằng câu hỏi của mình đã có lời giải đáp, khi hai hôm sau đó tôi được chỉ huy chỉ định đi làm một nhiệm vụ khác thường ngày, đó là đón một vài y bác sĩ may mắn còn sống sau đêm kinh hoàng ấy về với đoàn của chúng tôi.

Tôi lái chiếc xe quân dụng cũ rích băng qua đường rừng, nắng "chảo lửa" xuyên qua ô kính xe vỡ nát mà rọi thẳng vào mặt tôi. Từ xa tôi đã nhìn thấy có ba người mặc blouse trắng đứng chờ mình, liền giơ tay qua ô cửa kính vỡ mà vẫy gọi.

Tôi xuống xe giúp ba người xếp hành lý lên xe, lúc ấy mới có cơ hội nhìn kĩ từng người. Một người đàn ông trung niên trạc tuổi thầy tôi ở nhà, một cậu da ngăm chắc tầm tuổi tôi, còn người cuối cùng thì trẻ lắm, trắng trắng gầy gầy, chắc cùng lắm cũng chỉ tầm hai mươi tuổi.

Chất đồ lên xe xong xuôi, vị bác sĩ lớn tuổi nhất quay sang nói với tôi:

"Chào anh bạn, tôi là Trương Nghệ Hưng. Cậu da ngăm này là Chung Nhân, trạc tuổi cậu. Còn cậu nhóc này là Bá Hiền, mười tám tuổi, mới đỗ trường Y thôi, tôi không cản được việc nó bám đuôi tôi vào tận trong này."

Chung Nhân xông xáo đưa tay ra bắt tay với tôi, còn Bá Hiền thì có vẻ do đi đường xa mệt nên mặt mũi hơi nhợt nhạt, tôi ngỏ ý để cậu ngồi ghế phó lái cho đỡ xóc, cậu cũng không từ chối mà lặng lẽ chui vào.

Tuy khi ấy Bá Hiền mệt nên cả chặng đường về nơi đóng quân cũng chỉ dựa vào thành xe mà ngủ, nhưng tôi lại cứ nghĩ mãi về ánh mắt lúc cậu ấy còn đứng bên cạnh bác sĩ Trương. Lúc nghe ông ấy giới thiệu cậu là sinh viên Y, tôi xin thề, tôi đã nhìn thấy mắt cậu ấy ánh lên, trông tự hào lắm, rất đẹp.

Và đó là lần đầu tiên tôi gặp Biên Bá Hiền.

.

Đội bác sĩ được chúng tôi dựng riêng cho một cái lán vững chãi ở bên bờ suối. Thường ngày bác sĩ Trương và Chung Nhân là người sẽ thăm khám và sơ cứu vết thương cho chúng tôi, Bá Hiền chỉ đứng một bên quan sát và ghi chép lại. Cậu còn trẻ quá, hai người còn lại chưa dám để cậu động tay vào "những anh hùng làm rạng danh Tổ quốc" - họ vẫn hay gọi chúng tôi như vậy. Bá Hiền cũng không phàn nàn gì, luôn chăm chỉ đứng một bên học hỏi, cứ mỗi ngày trôi qua, số trang ghi chép của cậu lại dày thêm một chút.

Bá Hiền rất nhanh chóng đã hoà nhập với cả đoàn bộ đội chúng tôi. Mọi người trong đoàn gọi cậu ấy là Mèo trắng, vì da Bá Hiền rất trắng, bêu nắng bao lâu cũng chỉ sạm đi có chút ít, không giống như chúng tôi, da dẻ cả lũ sớm đã chuyển hết thành màu đồng. Tôi lại thích gọi cậu ấy là Bá Hiền hơn, Bá Hiền ơi, này Bá Hiền, nghe hợp với cậu ấy hơn hẳn,

Lại còn rất đỗi dịu dàng.

.

Từ ngày Bá Hiền tới, tôi đã có người để cùng trò chuyện về thủ đô yêu dấu trong lòng tôi. Bá Hiền là một người con thủ đô, một chàng trai thành thị chính gốc, nói chuyện với tôi cũng bằng cái giọng của người thủ đô, hệt như phát thanh viên trên đài.

"Em mới học ở giảng đường được vài buổi thì giặc nó tới. Bệnh viện nằm ngay cạnh trường Y của em thôi, bệnh viện sập toàn bộ thì trường em cũng sập gần hết cả rồi."

"Bác Trương là bạn thân của bố mẹ em. Em đi thế này bố mẹ em cản lắm đấy, nhưng em nhất định phải đi, thế là bám chân bác ấy bằng được."

"Sao lại nhất định phải đi?" Tôi ngạc nhiên quay sang nhìn em ấy. Cả đoàn chúng tôi lên đường ra trận đều là tự nguyện, chưa từng nghe tới chuyện phải đi là như thế nào.

"Phải đi chứ, phải chữa bệnh cho bộ đội các anh chứ. Em muốn trở thành bác sĩ, thôi thì giờ trường sập rồi, đành đi theo thầy ra chiến trường mà học vậy. Đều là trường cả mà, anh thấy có phải không?"

Bá Hiền vừa nói vừa cười hồn nhiên, ra chiến trường trong mắt em ấy cứ như một việc bình thản không khác nào lên giảng đường đi học.

Cũng vì có tôi hay hỏi chuyện, nên Bá Hiền kể về thủ đô rất nhiều. Tôi hỏi em ấy có nhớ nhà không, Bá Hiền không hề ngại ngần mà gật đầu lia lịa. Em ấy bảo: "Nhớ chứ, đã lên đường ra chiến trận thì có ai là không nhớ nhà. Nhưng ở đây cũng rất vui, em thấy mình đang sống cho Tổ quốc."

.

Những tháng ngày yên ổn ôm giấy bút đứng bên thầy của Bá Hiền cũng không kéo dài lâu, vì chiến sự ở "cối xay thịt" nơi chúng tôi đóng quân đã thực sự bước vào giai đoạn ác liệt.

Những cuộc giằng co ngày đêm không ngủ, tiếng đạn nổ bom rơi vang vọng khắp núi rừng. Chúng tôi không dám lơ là một giây nào, có hôm sáng chiều giành được trận địa, đến tối địch đã lại dội bom thả pháo sáng rầm rập trên đỉnh đầu. Quân phục bê bết máu lẫn đất cát, người ngoài chiến trận không rõ sống chết, người ở lại cũng đứng ngồi không yên. Bác sĩ Trương, Chung Nhân và Bá Hiền vừa liên tục sơ cứu, liên tục cầm máu cho các chiến sĩ được dìu về từ trận địa, vừa cảnh giác quan sát máy bay địch trên đầu. Không ai nói với nhau một câu dư thừa nào, chỉ có đôi bàn tay là thoăn thoát chưa lúc nào dừng lại.

Liên tục hai mươi ngày đêm, cuối cùng chúng tôi cũng đã có thể tạm hạ súng xuống. Cả đoàn trở về nơi đóng quân, tôi từ xa đã nhìn thấy Bá Hiền đứng ở ngoài lán. Hình như em ấy cũng nhìn thấy tôi, vội vàng chạy vào ôm hộp đồ nghề bác sĩ chạy ra tận nơi đón người.

Bá Hiền ấn tôi nằm xuống cái giường bệnh ọp ẹp. Bàn tay trắng trẻo trước kia chỉ được cầm bút ghi chép, nay đã thoăn thoắt sơ cứu vết thương cho tôi. Chúng tôi không ai nói với nhau câu gì, chỉ im lặng tôi làm bệnh nhân, em làm bác sĩ. Chỉ đến khi em phát hiện ra cánh tay phải của tôi có găm một mảnh đạn, ánh mắt kiên định của em cuối cùng mới lộ ra một tia lo lắng.

Tôi thấy em do dự một chút, mặc dù tay đã cầm nhíp và cồn khử trùng lên. Tôi biết em sợ mình sẽ làm tôi đau, nên cứ chần chừ mãi. Khoảnh khắc Bá Hiền định quay người gọi Chung Nhân tới, tôi dùng hết sức bình sinh nhỏm dậy kéo em lại gần:

"Chung Nhân đang bận lắm. Cứ làm đi, anh tin bác sĩ Bá Hiền."

Tia do dự trong mắt em dịu đi, Bá Hiền khom người xuống đối mặt với tôi:

"Nếu đau quá thì phải bảo với em. Em không có nhiều kinh nghiệm...anh cố gắng...chịu khổ một chút."

Tôi gật đầu. Bá Hiền liền lập tức sát trùng, gây tê, động tác gắp mảnh đạn ra cũng khẽ khàng hết sức. Tôi nảy ý giả vờ kêu đau, đúng như dự đoán, Bá Hiền vội vàng thả đồ nghề trong tay xuống, quay đầu sợ hãi định gọi thầy vào "cứu trợ".

Tôi dùng tay trái bắt lấy tay em ấy, đối diện với gương mặt hốt hoảng đó mà cười xoà, ấy em đừng lớn tiếng, anh đùa thôi.

Bá Hiền đanh mặt lại, hừ một tiếng đáp trả lại tôi. Ấy vậy mà động tác tay lại đi ngược lại với biểu cảm gương mặt, càng cẩn thận hơn trước, đến bước cố định băng bó cuối cùng cũng vô cùng nhẹ nhàng.

Tôi nằm trên giường bệnh quan sát từng đường nét trên mặt Bá Hiền. Thời gian qua thực sự quá vất vả, mặt mũi em cũng hốc hác đi ít nhiều, bụi đất lấm lem, áo blouse cũng toàn là vết máu khô chưa kịp giặt. Chỉ có ánh mắt là vẫn sáng, vẫn kiên định như thế, ánh mắt mà mỗi khi tôi nhìn vào đó, tôi lại như được thấy cả bầu trời thủ đô.

Tôi nhờ Bá Hiền rửa sạch mảnh đạn vừa gắp ra, gói vào một miếng băng nhỏ nhét vào túi ngực. Em ngạc nhiên hỏi tôi giữ lại làm chi, tôi vỗ vỗ ngực cười, anh giữ lại kỉ niệm lần đầu tiên được bác sĩ Bá Hiền ra tay cứu sống.

Em đỏ mặt quay đi, tôi đoán là em cũng đang mỉm cười.

.

Tình hình chiến sự không khá khẩm hơn, số lượng những trận giằng co thừa sống thiếu chết với địch cũng lúc càng nhiều. Đoàn chúng tôi đã không còn đủ quân số ban đầu, mỗi người đều mang trên mình đầy rẫy những vết thương cả cũ lần mới, và mang trong lòng niềm xót thương đồng đội đã vĩnh viễn ra đi. Hai chữ "ĐỘC LẬP" lúc nào cũng ghim chặt trong đầu chúng tôi, còn sống là còn đánh, đánh cho giặc chạy, đánh cho đất nước hoà bình, đánh cho đồng đội trên trời cao yên lòng nhắm mắt.

Mãi mới có một hôm yên ổn ở lại nơi tập kết nghỉ ngơi, tôi và Bá Hiền sóng vai cùng nhau ra bờ suối. Thoắt cái mà đã mấy năm kể từ ngày lên đường ra trận, Bá Hiền nói nếu giờ còn ở nhà, có lẽ em ấy đã tốt nghiệp Đại học và trở thành bác sĩ tại bệnh viện trung ương. Tôi hỏi em có tiếc không, Bá Hiền quả quyết lắc đầu.

"Ở đây em cũng đang là bác sĩ mà, còn chẳng cần mài quần mấy năm trời trên giảng đường nữa."

Tôi không nói gì, cúi xuống ngắt một bông hoa dại cài lên vành tai em ấy.

"Nhìn thế nào cũng vẫn thấy hợp ở lại thủ đô làm sinh viên hơn."

Bá Hiền lắc lắc đầu: "Em không tiếc anh tiếc cái gì, ra chiến trường thế này cũng khổ đấy, nhưng quen biết với anh khiến em cảm thấy rất vui."

Nói xong liền lấy bông hoa trên tai xuống cài vào ngực áo của tôi, rồi đứng dậy vươn vai quay trở lại lán.

Tôi lồm cồm đứng dậy gọi với theo: "Này! Hoà bình rồi phải đưa anh về thủ đô chơi đấy!"

Bá Hiền quay đầu lại nhìn, em cười rất tươi, hai tay vẫn đút túi áo blouse trắng.

"Được."

.

Bá Hiền đổ bệnh lần đầu tiên sau 6 năm em đặt chân tới đoàn chúng tôi. Sốt rét, phải rồi, còn gì độc hơn muỗi rừng Ngàn được nữa. Chung Nhân tiêm cho Bá Hiền một liều thuốc, để em nằm ngủ li bì trong lán cả ngày. Ngày hôm đó chúng tôi phải đi hành quân từ sớm, mãi tận nửa đêm mới về tới nơi. Tôi đặt ba lô xuống liền tới lán trại của Bá Hiền ngay, áp bàn tay thô ráp còn dính chút đất của mình lên vầng trán nóng hổi của em, trong lòng nổi lên một trận đau xót.

Tôi cứ lặng lẽ ngồi bên cạnh trông chừng em ngủ như thế, tới tận khi bình minh ló rạng trên mạn Đông của rừng Ngàn.

Bá Hiền nặng nhọc mở mắt kêu khát, tôi vội vàng lấy bi đông nước rót ra cốc cho em. Tôi một tay đỡ tay Bá Hiền để em từ từ uống từng hớp nước, tay kia nhanh chóng sấp nước khăn mặt. Bá Hiền dựa vào người tôi, tôi cầm khăn giúp em lau người.

Bá Hiền rất gầy, tay tôi lướt trên da em vẫn còn nóng hôi hổi. Mái tóc thường ngày thơm mùi bồ kết đã dính bết lại vì mồ hôi, em có vẻ nhận ra, ngượng ngùng gục đầu về đằng trước. Tôi nhẹ nhàng kéo đầu em lại áp vào ngực mình.

"Bá Hiền, không sao cả, cứ dựa vào anh."

Chung Nhân tiêm thêm cho Bá Hiền một liều thuốc, nói qua một hai hôm nữa là ổn cả rồi. Tôi cũng yên lòng cảm ơn cậu ấy, rồi đỡ Bá Hiền nằm xuống. Tôi thực sự rất muốn túc trực bên em ấy cho tới khi em tỉnh hẳn, nhưng đồng đội còn đang đợi, chiến sự còn đang đợi, tôi chỉ kịp chào Chung Nhân một tiếng rồi lại vội vã xách súng lên đường.

.

Địch phát hiện ra căn cứ, chẳng biết giây nào sau đây chúng sẽ dội bom san phẳng cả mảnh rừng này. Chúng tôi đang tính toán số quân trang còn để lại nơi tập kết, thì đột nhiên có ai đó hét lên còn một bác sĩ vẫn đang ở lại căn cứ kia. Tim tôi như sững lại, lập tức nhớ ra hôm nay là ngày Chung Nhân và bác Trương phải đi viện trợ ở một nơi khác. Vậy người còn lại chỉ có thể là...

Lòng tôi nóng như lửa đốt, cầu xin chỉ huy cho cùng vài anh em nữa quay trở về. Anh Tuấn Miên kiên quyết lắc đầu, tôi lập tức quỳ hẳn xuống.

Chúng tôi trao đổi anh mắt chỉ trong một giây.

Xán Liệt, anh không muốn mất đi một người em trai nữa.

Anh Tuấn Miên, em yêu nước, em cũng yêu Bá Hiền.

Tôi cùng vài anh em vội vàng chạy về căn cứ. Hai ngày đêm không ngủ khiến mắt tôi mờ đi, khói đạn đuổi sau lưng nóng rẫy, máy bay trên đỉnh đầu như muốn truy đuổi chúng tôi đến tận cùng. Từ xa tôi đã nhìn thấy Bá Hiền tỉnh rồi, em đang đứng phơi chăn ga giường bệnh. Trông Bá Hiền vẫn còn nhợt nhạt quá, nhưng may sao em cũng đã tỉnh, suốt chặng đường chạy về tôi đã thầm cầu nguyện trong đầu rằng xin em hãy tỉnh, vì em phải tỉnh thì chúng tôi mới có cơ hội sống sót.

Tôi lao tới ôm lấy Bá Hiền, vội vàng giục em cầm theo ít đồ đạc để rút khỏi căn cứ. Chúng tôi nắm tay nhau chạy như bay trong rừng, Bá Hiền mới ốm dậy chưa lại sức, chạy được một đoạn liền hụt hơi ngã xuống. Tôi vội vàng cõng em chạy tiếp, nhưng vài giây ngồi xuống đó đã là quá đủ để địch đuổi kịp sát nút chúng tôi.

Tiếng súng nổ chưa bao giờ gần đến vậy, hoà lẫn với tiếng đồng đội gần như hét lên giục tôi nhanh chân là tiếng Bá Hiền hốt hoảng ngay bên tai cầu xin tôi thả em ấy xuống. Tôi gan lì xốc Bá Hiền lên chạy tiếp, mặc cho từng câu đe doạ dùng dao phẫu thuật đâm tôi của em ấy đang bập bùng ngay bên tai mình.

Thế nhưng chưa đợi được đến lúc bị đâm bởi dao phẫu thuật của Bá Hiền, tôi trúng đạn.

Địch nấp sau bụi cây, một đường nhắm thẳng vào ngực trái.

Tôi lập tức đổ gục xuống, theo sau là vài tiếng súng nữa, Bá Hiền cũng bị một viên đạn găm vào sau lưng.

Em vội vã nhào tới bịt chặt vết thương trên ngực tôi, oà khóc gọi với theo đồng đội của tôi ở phía trước.

Trong lúc những người khác quay trở lại quyết chiến đến cùng với địch, thì Bá Hiền phủ phục bên cạnh tôi, hoảng loạn không biết phải làm sao với vết thương trên ngực tôi, vì em không kịp mang theo hộp đồ sơ cứu.

Tôi nắm lấy bàn tay run rẩy của Bá Hiền áp lên ngực, nén đau nhỏm dậy đặt lên má, lên đôi mắt ướt, và cả lên môi em một nụ hôn. Vết thương không ngừng chảy máu, tôi không biết mình đau là do đạn bắn, hay là do đang nhìn thấy Bá Hiền khóc đến lạc cả giọng vì mình. Tôi thực sự không biết, nhưng tôi nghĩ, phần nhiều có lẽ là do vế thứ hai.

Tôi mở miệng muốn nói, máu liền lập tức trào ra. Bá Hiền cuống quýt cầu xin tôi cố chịu đựng, em khó khăn đứng dậy nửa dìu nửa kéo tôi vào một góc. Ý thức tôi dần mất đi, những âm thanh cuối cùng tôi có thể nghe là tiếng súng của đồng đội và tiếng Bá Hiền gọi tên tôi không ngừng.

.

Trong chút ý thức cuối cùng trước khi lịm đi hẳn, tôi hình như đã nói ba chữ "Anh yêu em".

.

Tôi trở lại thủ đô lần thứ ba, nhân dịp kỉ niệm rất nhiều năm sau khi đất nước dành độc lập.

Đoàn chúng tôi gặp lại, ai nấy đều đã bạc trắng cả nửa đầu. Hơn hai mươi anh em bên nhau từ thuở còn trai tráng thanh niên, đến nay chỉ còn lại có chưa tới chục người là còn sống. Chúng tôi cùng nhau ôn lại chuyện cũ, cùng nhau tưởng niệm những anh em đã vĩnh viễn nằm lại rừng Ngàn. Kí ức mấy chục năm cứ như nước chảy về trong tiềm thức, bao nhiêu năm trôi qua chúng tôi vẫn có thể đọc vanh vách họ tên từng người, duy chỉ có một cái tên mọi người không bao giờ nhắc tới.

Phải, đó là tên bác sĩ của tôi.

Ngày hôm ấy khi cố gắng kéo tôi vào góc, em đã bị vài viên đạn nữa găm vào người. Tôi may mắn đợi được quân cứu trợ tới cứu mạng, nhưng em thì không.

Lần cuối cùng có người trong đoàn nhắc tới em trước mặt tôi, là khi tôi tỉnh lại trên giường bệnh của bệnh viện dã chiến. Tôi gần như đã sụp đổ khi nghe họ nói khi quay trở lại thì không tìm thấy em nữa, dù có cố lùng sục mọi ngóc ngách của rừng Ngàn.

Vậy là em đã mãi mãi nằm lại đó, cách xa thủ đô thân yêu của em tới cả ngàn cây.

Chiếc khay bên cạnh giường bệnh của tôi có hai mảnh đạn, một viên lấy từ ngực trái tôi ra, còn mảnh đạn gói trong tấm gạc cũ kia là thứ tôi vẫn luôn đem theo trong ngực áo.

Đồng đội không nhắc tới tên em trước mặt tôi nữa, anh Tuấn Miên vỗ vai an ủi tôi, em ấy ở trên trời sẽ phù hộ cho chúng ta thắng trận.

Ngày Tổ quốc giành độc lập, tôi rơi nước mắt. Tuổi trẻ của chúng tôi, xương máu của hàng trăm ngàn đồng đội tôi, cuối cùng cũng đổi được hai chữ "ĐỘC LẬP" rồi.

Bá Hiền ở lại rừng Ngàn không biết có đang ngồi bên bờ suối mà vui mừng cho chúng tôi không.

Ảnh của em ấy được trưng bày tại nơi trang trọng nhất trong bệnh viện trung ương thủ đô, lúc nào cũng tươi cười, ánh mắt lúc nào cũng kiên định như thế.

Biên Bá Hiền, cậu tân sinh viên trường Y dũng cảm xông pha chiến trường, để lại cho hậu thế biết bao nhiêu cảm phục, thì cũng để lại trong lòng tôi từng ấy đau thương.

Tôi dành cả tuổi trẻ của mình để chiến đấu vì Tổ quốc, tài sản mang về ngoài hai mảnh đạn ra, còn có một hình bóng vĩnh viễn nằm lại trong tim mình.

Biên Bá Hiền, rừng Ngàn thay anh vỗ về em.

END.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro