2. Đáy mắt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chứng đá quý mất sáng (宝石失明症)

Sau khi có người mình thích, mắt người bệnh sẽ dần dần hóa thành đá quý. Màu của đá dựa theo màu của người được thích. Thời gian hóa đá là 30 ngày. Cách chữa như sau: Cả hai cùng hôn nhau hơn 10 giây sẽ chữa được chứng hóa đá, nếu trong 30 ngày không làm được, bệnh nhân sẽ bị mù. Nhưng cùng lúc đó cũng có được những viên đá quý đắt tiền.

Word count: 4463

-----

(1)

Mẹ tôi là một người mù.

Gọi là mẹ, thực ra giữa hai người chúng tôi chẳng có mối quan hệ máu mủ nào về mặt sinh học cả.

Mẹ ruột của tôi mất trước, mất trong một vụ tai nạn - xét theo những gì người ta hay kể nhau nghe khi nói về tôi. Tôi không có nhiều ký ức về mẹ lắm, cũng tại trí nhớ của con nít không được lâu. Tôi chỉ biết rằng từ năm ba, bốn tuổi, tôi đã sống chung với chỉ mỗi ba tôi, trong căn nhà gác xếp xộc xệch của con hẻm trong phố rồi.

Nhà của tôi hồi đó nghèo, tôi biết chứ. Thế nên tôi có dám đòi ba mua cho cái gì đâu. Tôi hồi đó có viết vào một tờ giấy - cái tờ mà sau này dọn nhà tôi mới thấy. Trong đó, tôi viết ra ước mơ của mình, ước mơ là cô ca sĩ đứng trên sân khấu, lại nghe bác hàng xóm bảo làm ca sĩ không có tiền. Tôi muốn có tiền, có tiền thì ba tôi không cần phải chui vào từng ngọn lửa, lâu lâu đem về một khuôn mặt nhem nhuốm khói bụi. Nếu tôi có tiền, tôi sẽ cho ba ăn đùi gà chiên ngoài tiệm. Nó ngon lắm. Tôi được ăn thử một lần rồi, trong sinh nhật của đứa bạn tôi.

Phải, ba tôi là một chiến sĩ phòng cháy chữa cháy. Ông ấy sống cả đời mình trong ngọn lửa, ngọn lửa của nhà người ta, cũng là ngọn lửa thiêu rụi hạnh phúc nhỏ nhoi của tôi.

Ba tôi mất trong một trận hỏa hoạn.

Sau đó, đáng lý tôi sẽ được người thân, họ hàng nuôi dưỡng - vì cha mẹ tôi đều mất cả rồi. Nhưng họ từ chối nuôi tôi. Cuối cùng, nơi dừng chân của tôi là trại trẻ mồ côi.

Đó là câu chuyện tôi góp nhặt được từ những mảnh ký ức vụn vặt và cũng có sự thêu thắt của cô giáo trông tôi. Tôi không thích gọi bà ấy là "mẹ". Bà ấy không cho tôi học chữ như mấy bạn khác. Bà bảo tôi khéo tay lại trồng cây cối tốt, giúp đỡ các bạn tí cũng có sao. Nhưng tôi thứ tôi thích là những con chữ, những ngôn ngữ mới cơ.

Bọn ở nhà trẻ cũng gọi tôi là ô-sin. Ban đầu tôi có hiểu nó là gì đâu. Tôi thấy nó như một từ của ngôn ngữ nào đó vậy, lạ lạ, thích thích. Thế nên tôi cứ cười hề hề khi bọn nó gọi tôi như thế. Sau đó, tôi mới biết chúng đang coi tôi như người làm thuê của chúng, tôi tức lắm. Cớ gì đều là trẻ mồ côi với nhau, chúng lại làm như tôi thấp kém hơn chúng vậy?

Tôi cứ sống ở trại trẻ như thế, từ năm năm tuổi đến năm tám tuổi. Tôi nhớ rõ lắm đó, lúc ấy chúng tôi đang chuẩn bị làm lễ đón tết trung thu. Tôi định treo lồng đèn con thỏ lên, cái đó là cái tôi tự xem trên mạng rồi tự làm. Nhưng có mấy đứa thấy tôi lấy giấy màu thì chạy đi méc bà kia, rồi cười hềnh hệch xem tôi bị bà đó mắng vì dám tự ý lấy giấy màu ra nghịch. Nhưng tôi có nghịch đâu. Giấy màu, kéo, keo, mấy thứ này là bà ấy mua về, kêu là để trang trí đón trung thu. Tôi cũng chỉ ngồi làm lồng đèn, sao kêu tôi ăn cắp giấy màu được?

Nhưng tôi biết bản thân mình thấp cổ bé họng, nên tôi chỉ dám thút thít chứ không òa lên khóc lóc giải thích.

À, cái cụm từ "thấp cổ bé họng" là tôi học lỏm được lúc gia sư giảng bài cho mấy anh chị lớn hơn tôi đó.

Quay trở lại câu chuyện thì hôm đó, có một người đến thăm trại trẻ nhỏ của chúng tôi. Đó là mẹ bây giờ của tôi đó. Từ lần đầu gặp gỡ, tôi đã thấy mẹ cầm cái cây dò dò dưới đất. Sau này tôi mới biết đó là gậy trắng, còn chuyện mẹ bị mù thì tôi từ lần đầu đã biết rồi. Nhưng tôi ấn tượng hơn là mẹ nghe rõ tiếng thút thít của tôi, dù đang nói chuyện với bà kia ở chỗ xa. Nói ra cũng không xa lắm, chắc cỡ hơn độ dài của cái xe ô tô, nhưng tôi tin cái thút thít của tôi rất nhỏ để cho một người nghe thấy được. Nhưng mẹ nghe, mẹ còn dò dò cái cây kia lại, nhìn vào chỗ bên cạnh tôi và hỏi:

"Con sống ở đây hả?"

Mẹ không thấy tôi, nên mặt mẹ cũng không hướng về phía tôi, nhưng tôi biết mẹ lúc đó đang hỏi tôi. Tôi dè dặt gật đầu, rồi nhận ra người trước mặt này không thấy được, bèn lí nhí:

"D..dạ."

Đó là những ký ức đầu tiên của tôi về mẹ. Ký ức thứ hai là lúc lễ trung thu diễn ra. Mẹ ở đó với tư cách là một vị khách, khuyến khích tôi - một người bị cho là "ô-sin" nên không xứng để lên sân khấu - trình diễn bài hát "Gia đình tôi". Vì là vị khách đặc biệt của ngày hôm nay yêu cầu nên mấy đứa kia không dám ho he cãi lại. Nhưng lúc đó tôi biết, sau ngày hôm nay, sau khi người phụ nữ kia trở về, chúng sẽ nhục mạ tôi vì chuyện này. Vậy nên, lúc đứng trên sân khấu, tôi run dữ lắm. Hơn nữa đây còn là lần đầu tiên tôi đứng trước nhiều người như vậy. Nhưng khi ánh mắt tôi nhìn thấy đôi mắt long lanh của mẹ, tôi như được tiếp thêm sức mạnh.

Tự dưng đến đây tôi muốn nói về đôi mắt của mẹ tôi quá, mọi người không phiền chứ? Mắt mẹ tôi có màu xanh ngọc bích, làm tôi tưởng mẹ là người nước ngoài hoặc là con lai. Nhưng không, mẹ tôi là người Đông Á chính gốc không lệch một gen nào cả. Lúc tôi nhìn vào đôi mắt ấy, tôi như nhìn vào một viên ngọc vậy. Một viên ngọc long lanh nhưng khiến tôi cảm thấy có gì đó đang bị giam cầm, giam ở nơi sâu nhất của đôi mắt. Đôi mắt đẹp thế thì nên phô diễn cho mọi người ngắm nhìn, thế mà tiếc thay mẹ tôi lại bị mù mất rồi.

Sau hôm ca nhạc đón trung thu ấy, tối ngủ, tôi đã chuẩn bị tâm lý ngày mai sẽ bị nhục mạ rồi. Nhưng mà sáng hôm sau, bà kia đến chủ động dẫn tôi ra ngoài. Tim tôi như muốn rớt ra vậy, tôi sợ và không muốn đi. Bà ép tôi đi bằng được, bảo rằng có người đang chờ ở ngoài. Tôi chậm rãi bước ra. Là người phụ nữ đêm trước muốn nghe tôi hát! Bà kia đưa tôi đến gần, nói với tôi người này đã nhận tôi làm con nuôi.

Lòng tôi vỡ òa ra, có phấn khích, có hoang mang, có vui mừng, có dè dặt. Tôi không nhớ rõ chuyện tiếp theo sau đó, nhưng tôi nhớ sự ấm áp từ cái ôm của người phụ nữ này lúc chúng tôi ở trên xe taxi. Cái ấm áp ấy tôi đã không cảm nhận được lâu lắm rồi, có lẽ là từ lúc tôi ôm ba buổi sáng để chào ba đi làm, đúng vào ngày tôi nhận được tin ba đã hy sinh.

Sinh hoạt với người bị khiếm thị thật ra cũng có nhiều cái mới lạ lắm, nhưng vì mẹ cũng cố tập để sống như người lạnh lành bình thường khác nên tôi cũng không gặp nhiều chướng ngại gì. Mẹ ủng hộ tôi gần như vô điều kiện - trừ giai đoạn tôi phản nghịch ra. Mẹ cũng nhận ra sự yêu thích của tôi dành cho con chữ, niềm đam mê của tôi dành cho các giai điệu. Thế nên, mấy tháng trước đây, lúc tôi nói với mẹ rằng mình muốn thi trường Kinh tế, mẹ đã khuyên nhủ tôi lại rằng hãy chọn theo ước mơ của mình.

Nhưng tôi hiểu cái cuộc sống khắc nghiệt này mà. Mẹ cũng đâu có giàu sang gì. Mẹ sống nhớ vào tiền trợ cấp hằng tháng dành cho người có công với cách mạng. Năm tôi mười tám thì mẹ cũng đã hơn sáu mươi, vẫn là một giảng viên trực tuyến cho mấy đứa nhỏ. Mẹ sống nhờ vào nguồn thu nhập lẻ tẻ ấy thì sao tôi có thể không cố sức kiếm tiền để nuôi mẹ cơ chứ? Và rồi tôi vẫn cố nhét thêm nguyện vọng Đại học Kinh tế ở thủ đô vào trong danh sách nguyện vọng, đứng sau Học viện Điện ảnh mà thôi.

Ấy thế mà tôi đậu Học viện Điện ảnh thật, lại còn có học bổng.

Tôi nhận được tin xong thì không kìm nén được mà vỡ òa. Tôi tức tốc chạy về thì lại thấy mẹ đang nằm ngất dưới sàn nhà. Đây không phải là lần đầu, trước đây mẹ tôi hay lên cơn chóng mặt như vậy và đã được bác sĩ kê thuốc uống rồi. Nhưng hôm nay lòng tôi nhạy cảm lạ thường. Tôi chạy đến vị trí tủ thuốc quen thuộc, lục kiếm thuốc thì phát hiện tờ giấy bọc trong bao đựng nhỏ. Tôi hoảng nhưng cũng không kìm được sự tò mò. Tay phải tôi để tờ giấy ấy sang một bên, tay trái lấy thuốc ra cho mẹ uống. Cho người ngất uống nước quả thật khó khăn. Tôi cho mẹ uống xong thì khiêng mẹ đến bên giường cho mẹ nghỉ.

Xong xuôi công việc, tôi trở lại bên bàn. Tờ giấy kia đã nhuốm màu thời gian, vàng ố và có mùi mốc. Tôi cẩn thận mở tờ giấy đã mỏng nay còn mỏng hơn do để quá lâu rồi, chậm rãi khám phá ra một thế giới mới. Đó là thế giới mà mẹ tôi đã cất giấu suốt hơn bốn mươi năm qua.

(2)

Ở cái con phố hoang tàn xơ xác này, sự sống có lẽ là một thứ hiếm hoi lắm. Không, không phải có lẽ đâu. Người dân ở đây đã không còn biết vắt kiệt cái bộ phận nào trên cơ thể mình để có thể đủ tiền nộp sưu nữa. Ác, ác quá ác! Dân chúng lầm than thế này mà bên trên vẫn còn mặt mũi ngồi đánh đề. Chao ôi cái kiếp khốn cùng này, ai nấy đều muốn kiết liễu đời mình để tìm đến cõi vĩnh hằng hạnh phúc hơn. Chị, chị cũng rời bỏ cô, ngay trên mảnh đất không còn sự sống này.

Cái hôm chị đi, trời âm u. Trên cao kia vẫn màu xanh, nhưng sao cô thấy cái màu xanh này ảm đạm quá. Đó không phải là màu xanh ngọc bích mà chị yêu thích đâu. Chị của cô làm người liên lạc, hằng ngày đưa tin từ chiến trường về căn cứ và ngược lại. Công việc này khốn khổ lắm, có lúc sống chết chỉ cách nhau một gang tấc. Nhưng thà vậy, chỉ có làm ở đây thì cái cảnh hoang tàn nơi làng của chị mới có thể biến mất đi. Hơn nữa, trong những tháng ngày hoạt động cho cách mạng, người ta cũng không bỏ đói chị ngày nào. Anh em đồng chí với nhau san sẻ miếng cơm nhỏ, thế mà vẫn đỡ hơn ở nhà.

Cha mẹ cô vì không đủ tiền nộp sưu nên đã bị bắt đi, giờ ở nơi nào không rõ. Một mình, cô tìm đến với chị, xin vào làm liên lạc với chị. Nhưng chị khuyên cô nên ở lại chăm sóc những chiến sĩ bị thương. Cô giỏi mấy thứ thuốc lắm, học lỏm thầy y rất nhanh. Vậy nên sau khi ông mất, không có người nối nghiệp, người trong làng tìm đến cô sau những lần bị phía trên đánh đập vì thiếu sưu.

Cô đành đồng ý, ngày ngày sắc thuốc chăm sóc vết thương cho những người xảy ra thương tích nơi chiến trường. Chị từ hôm đó cũng ráng kiếm một món gì ngon, có thể bắt được, có thể được tặng, gói lại cẩn thận, đem về cho cô. Ai nấy trong khu cũng phải ghen tỵ, trêu tình cảm chị em giữa họ thật thắm thiết.

Ngược lại, mỗi lần có gì ngon, cô cũng để cho chị. Chị bị thương trong lúc đi liên lạc, cô chạy đến tận nơi chứ không chờ đến lúc chị về để băng bó. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, gần hai năm trời đã trôi qua với rất nhiều đêm hai người họ không dám ngủ.

Nhưng rồi, một ngày nào đó, trời xanh mà xám xịt lạ thường. Hoặc có lẽ là do trong lòng cô đang trào lên sự lo âu vô định. Vì sao? Vì sao phải lo? Chị ơi, chị có ổn không? Như để đáp lại câu hỏi băn khoăn trong cô, người ta báo tin đã mất liên lạc với chị.

"Đồng chí Bách Hợp nghe rõ trả lời. Bíp."

Bách Hợp là bí danh của chị. Chị biết nhiều lại tư duy nhanh nhạy, nhiều người mến chị lắm. Cô cũng thế, nhưng hơn cả chữ "mến", cô lỡ yêu chị mất rồi. Cô yêu chị, một mặt trời chói rọi của cô. Cô yêu chị không chỉ vì sự thông minh của chị, cũng không chỉ vì những món ăn chị ráng gói ghém lại để dành cho cô. Tình cảm này rực cháy trong cô sau những lần quan tâm, sau sự đồng cảm, và đặc biệt hơn, cô muốn bảo vệ chị. Chị như người thân trong nhà của cô, không phải chỉ là người chị hơn tuổi, mà là người cô dành cả tâm can để yêu thương và che chở.

Thế nên, biết tin chị mất tích, cô lao đi tìm chị ngay khi ánh trời tan. Mà trời tan, thì chị làm sao còn?

Cô không tìm thấy được chị mà còn bị giặc truy sát. Nếu không phải nhờ những chiến sĩ gần đó, có lẽ cô cũng đã chết dưới nòng súng của chúng rồi. Cô cảm thấy mình thật tệ, thật vô dụng. Trừ việc hằng ngày quấn những đường băng trắng xung quanh vết thương, cô chẳng thể làm gì cả.

Đến cả việc bảo vệ người mình thường cũng không làm được.

Trong suốt thời gian này, đôi mắt cô từ màu đen biến thành màu xanh ngọc bích. Đôi mắt cô đau buốt, chân vì trúng đạn cũng đau, nhưng có lẽ tim cô là nơi cảm nhận được hàng ngàn dao đâm vào nhau. Người ta không tìm thấy chị, cô lại liệt ở đây chẳng thể tìm chị ở nơi đâu. Mọi người cũng tìm cách chữa mắt cho cô, tìm, mà chẳng thể chữa khỏi.

Mấy ngày sau, người ta có tin. Người đứng đầu của một địa phương - kẻ đang bị nghi ngờ là bán nước - đã đứng lên tố cáo người liên lạc Bách Hợp rằng chị là một gián điệp cho giặc. Tuy hắn không có bằng chứng chị theo quân thù, nhưng hắn có bằng chứng chứng minh tư tưởng của chị đã bị chúng ảnh hưởng. Chị yêu người con gái cùng chung giới tính với mình. Hắn cho đăng báo khắp nơi, đính kèm với bức ảnh chụp rõ bức thư tay chị dành cho cô. Những lời lẽ sướt mướt, tâm tình mà người ta chỉ dành cho người khác giới của mình, nay được chắp bút bởi một người con gái viết cho người con gái khác mà mình yêu. Đây là một tư tưởng đã bị đầu độc. Người như này mà còn làm cách mạng, còn đi liên lạc, không biết nếu như không bị bắt, cái tên Bách Hợp này sẽ truyền bao nhiêu tin tức của ta cho địch đây?

Một mũi tên trúng hai mục đích. Tên đứng đầu kia vừa lấy được sự ủng hộ của nhân dân và trong quần chúng còn hoài nghi, kỳ thị chiến khu nọ, nơi hai người con gái ấy đã hoạt động vì cách mạng suốt hai năm trời. Hắn cảm thấy hướng đi của mình thật đúng đắn, thật hay vì đã nhận tiền của tên tướng bên phía địch. Giờ đây hắn có thể an nhàn ngồi trên đống tiền, trừ việc khom lưng làm theo lời bọn chúng muốn thì hắn vẫn cười ha hả trước độ ngu si của bọn thấp hèn này.

Còn cô, một người băng bó bình thường, giờ đây thành tâm điểm chỉ trích của cả cộng đồng. Không phải cô chưa từng nghe những lời này, cô đã tự vấn bản thân mình khi nhận ra mình dành thứ tình cảm sai trái này dành cho chị. Cô vốn dĩ giấu nhẹm nó đi vì không muốn người mình thương bị liên lụy. Giờ đây, chị đã nói yêu cô, vậy tại sao cô chưa thấy hạnh phúc? Tại sao đều là con người nhưng tình yêu giữa nam và nữ là đáng quý hơn tình yêu của cô? Tại sao đến cuối cùng dù bằng mọi cách thì người con gái cô yêu vẫn chẳng thể nào mỉm cười với cô tiếp?

Những câu hỏi đeo bám mãi trong tâm trí cô tận đến khi cô đứng trước tòa án, đứng trước sự xét xử của mọi người. Người ta tra hỏi cô có phải đã yêu đương với chị không, vậy mà cứ như đang cầm dao đâm phập phập mấy nhát vào trái tim cô vậy. Nhưng cô vẫn muốn đưa chị đi chơi, mua cho chị ăn những món ngon hơn, muốn đắp cho chị một ngôi mộ trọn vẹn hằng ngày có người đến thắp nhang. Muốn thế, cách mạng phải thành công.

"Tôi...không có bất cứ quan hệ gì với Bách Hợp."

Lời thốt ra, cô chợt nhận ra mình là kẻ phản bội. Mình phản bội lại chị, phản bội lại bản thân, phải bội tình yêu giữa hai người. Lúc bước ra khỏi nơi xét xử, cô thấy thế giới mình đã chết thật rồi. Chị ở nơi cao kia có lẽ cũng thất vọng lắm. Sao chị lại dành tình yêu cho cô được nhỉ? Dành tình yêu cho một kẻ hèn nhát.

"Chị ơi," cô chắp tay cầu nguyện trong lòng, "em không xin chị tha lỗi cho em. Em chỉ xin chị có thể cho em được thắp đưa chị mỗi ngày."

Cô định từ bỏ công việc ở trạm xá, nhưng mắt cô, vẫn là màu ngọc bích như viên ngọc quý ấy, một ngày, đột ngột lên cơn nhói đau cực mặt. Cơn đau ấy đã cướp đi thị lực của cô. Cô nghĩ, có lẽ đây là sự trừng phạt cho một kẻ đã phản bội lại tình yêu của mình. Cô ráng quen với công việc băng bó khi chẳng có lấy một ánh sáng xuyên vào mắt cô. Nếu cố khảy mắt cô ra, người ra sẽ được một hạt rắn trên tay, màu ngọc bích. Tựa như thể đôi mắt ấy đã hóa thành một viên ngọc vô hồn vậy.

Ở trạm xá cũng có lúc bị đạn bắn bom dội. Mỗi lúc cần kề cái chết, cô sẽ nhớ đến chị, nhớ đến những câu nói mà mình soạn sẵn để xin lỗi chị khi hai người đã gặp lại. Nhưng cô không chết, cô vẫn sống được đến khi đất nước được hòa bình. Nhân dân reo hò trong vui sướng. Đất nước chuyển sang một trang lịch sử mới, gây dựng lại từ đầu, bắt đầu trả lại cho nhân dân những năm tháng yên bình như trước đây.

Nhưng... làm sao có thể trả lại được như ban đầu?

Chị đi rồi, chị đi mang theo linh hồn năm 16 tuổi của cô vào khoảng không vô định rồi.

Chị chẳng còn, ai có thể trả lại chị cho cô?

(3)

Dưới cái trưa hè nắng gắt, tôi phi cái xe máy điện mẹ dành dụm tiền mua cho tôi, chạy đến địa chỉ được ghi trên mảnh giấy đó. Nước mắt tôi chưa kịp khô, gió lùa vào mặt làm nó dính trên người tôi. Hẳn là bộ dạng của tôi bây giờ xấu xí lắm. Nếu có ai đó chụp được thì sau này có thể trở thành ảnh xấu của ca sĩ tương lai là tôi đây không nhỉ? Chết thật. Tôi cố nghĩ gì đó để làm mình vui lên, nhưng tôi vui không nổi. Hóa ra mẹ tôi cất giấu trong mình nhiều tâm sự đến thế, vậy mà người làm con như tôi suốt mười năm nay không hề hay biết.

Tôi tìm lục suốt mấy ngày trời. Những gì còn sót lại của nữ liên lạc Bách Hợp năm xưa đều đã bị đốt trụi, hết như diệt hết mọi thông tin về cô trên thế giới này. Nếu không phải tờ giấy kia cắt ra từ trang báo cũ năm xưa, có lẽ không còn ai sau này biết về bà ấy nữa, kể cả tôi. Trong nhà kho ở gian cuối, tôi tìm thấy được một cái rương chưa từng được mở khóa. Nhưng vì nó quá cũ kỹ, tôi dùng kiềm cố hết sức cũng bẻ ra được. Bên trong, đập vào mắt tôi đầu tiên là dòng chữ "Gửi người con gái chị thương".

Hàng chữ viết tay ngay ngắn, được chăm chút cẩn thận, tỉ mỉ. Sau tờ giấy ấy cũng không có nhiều đồ vật. Chỉ một cái hộp đan tay có cài hoa, và một bức thư tay ngắn ngủi.

Tôi đem cái rương ấy về phòng, mẹ đang lúi húi trong bếp. Tôi sắp phải đi học xa nhà nên dạo gần đây mẹ toàn nấu những món ngon tôi thích ăn. Mẹ tôi bị khiếm thị mà sao mẹ giỏi nhiều thứ quá, mẹ giỏi luôn cả chuyện giấu đi tâm sự của mình.

Nhìn mẹ cứ chật vật xay thịt mà tôi không khỏi băn khoăn trong lòng. Tôi không biết có nên đưa nó cho mẹ hay không. Sức khỏe của mẹ tôi dạo này không tốt lắm, những cơn chóng mặt xảy ra thường xuyên hơn. Hôm nay mẹ còn đỡ hơn chút, chứ mấy ngày trước còn đứng dậy không được.

Tôi vẫn giữ trong lòng bí mật của năm tháng ấy, tới lúc lên thành phố thì tìm bác sĩ để xác định rằng mẹ sẽ ổn nếu tôi nói ra. Cái hôm mà tôi nhận được sự xác nhận của bác sĩ, tôi đã phi như bay lên tàu để về nhà. Nhưng ngày hôm đó, tôi phát hiện mẹ tôi đang được hàng xóm khiêng đến bên giường. Tôi đã nhờ bác ấy chăm sóc cho mẹ tôi. Sức khỏe mẹ ngày một yếu. Có lẽ, mẹ sắp phải đi rồi.

Lúc mẹ tỉnh dậy, mẹ chỉ nằm trên chiếc ghế dài cũ kỹ như chính căn nhà, như chính khuôn mặt tiều tụy của mẹ. Mẹ chỉ ngồi đó, trông như đang nhìn xa xăm, không nói lấy một lời. Tôi cũng sẽ không nói với mẹ rằng trong cơn bất tỉnh, mẹ đã gào thét tên người con gái mẹ thương, gào thét một cách thống khổ. Tôi chỉ lặng lặng đến bên mẹ, đưa cho mẹ hộp kia, và bức thư tay cất trong đó. Mẹ đã đến cuối ngọn đồi rồi, tôi hy vọng mẹ có thể gỡ bỏ mối lo trong lòng để ra đi thanh thản.

"Con nghĩ mẹ đã đến lúc đi chưa?" Mẹ nhận cái hộp mà không mở ra, hỏi tôi.

Tôi không biết trả lời thế nào, chỉ biết chôn chân ở đó.

"Con biết không, mẹ chưa thể đi được. Có một người mẹ không dám gặp, dù suốt bốn chục năm qua mẹ đã chuẩn bị đủ tinh thần, nhưng mẹ vẫn chẳng có bản lĩnh nào để gặp lại người ấy."

Mẹ dừng lại, dựa vào cảm giác rờ lên những cánh hoa khô trên chiếc hộp:

"Hơn nữa, mẹ còn chưa thắp hương cho người ấy đủ trăm năm, chưa chọn một kiếp đời, sao có thể đền đáp lại những gì người ấy đã trao cho mẹ chứ."

"Bách Hợp."

Tôi thốt ra. Mẹ ngẩng đầu lên, có lẽ mẹ ngạc nhiên lắm.

"Mẹ, con có hai người mẹ. Người kia nhất định đang chờ mẹ bên kia bờ dòng sông Vong Xuyên. Mẹ, mẹ đừng tự trách mình nữa. Chuyện tình của hai người sau này nhất định sẽ hạnh phúc. Mẹ ơi, nếu một ngày mẹ đi gặp người ấy, mẹ cho con gửi lời hỏi thăm, mẹ nhé."

Đến đây, tôi không khỏi nghẹn ngào. Tôi tự cầm tay mẹ mở cái hộp ấy ra, khóe mắt không ngừng nhỏ từng giọt xuống. Bức thư tay kia sau bốn chục năm cuối cùng cũng được hé lộ, câu từ trong kia lại một lần nữa đối diện với ánh sáng. Bên trong ấy chỉ có vẻn vẹn một câu duy nhất, tôi run rẩy đọc cho mẹ nghe: "Chị yêu em, chị nhất định sẽ chờ em."

Đôi mắt màu ngọc bích của mẹ từ từ trào ra những giọt nước mắt. Sau mười năm trời ròng rã, cuối cùng tôi cũng đã biết thứ cất giấu trong đôi mắt kia là gì rồi. Đó là một mối tình, mối tình dang dở của mẹ tôi. Những dằn vặt, tự vấn và xấu hổ đều nằm ở nơi đáy mắt kia, sâu trong một viên ngọc quý vô hồn. Tôi biết căn bệnh của mẹ là gì. Đó là chứng "đá quý mất sáng". Nhưng người mẹ yêu cũng đâu còn để trao cho mẹ một nụ hôn. Mẹ đã sống với bóng đêm như thể sự trừng phạt cho chính mình.

Mắt mẹ từ từ nhắm lại, nhưng tôi tin, đôi mắt ấy đang đi tìm ánh sáng của sự hạnh phúc.

Mẹ ơi, nếu có kiếp sau, con mong mẹ và người mẹ thương có thể cùng chung sống hạnh phúc mà không chịu tai tiếng miệng đời.

Mẹ nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro