nghị luận về nhân vật Ông Hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đồng lòng vượt qua bao nguy nan, trắc trở trên con đường giải phóng dân tộc giải phóng đất nước. Trong mỗi người dân đều có một trái tim rực đỏ của lòng nồng nàn yêu nước. Tất cả những điều đó đã đi vào thơ văn của biết bao thế hệ nhà văn Việt Nam. Và nổi bật hơn cả đó chính là truyện ngắn 'làng' của nhà văn Kim Lân với nhân vật chính là Ông Hai - một lão nông hiền lành, yêu nước yêu làng tha thiết và gắn bó với cuộc kháng chiến.

Ông Hai - nhân vật chính của tác phẩm là một người yêu làng yêu nước tha thiết. Do làng ông có chiến sự nên gia đình ông và những người khác trong làng phải đi tản cư. Ở nơi tản cư, Ông Hai luôn nhớ về làng và luôn theo dõi tin tức của làng. Nhưng rồi một hôm, người đàn bà tản cư cho Ông Hai biết rằng làng của Ông Hai theo giặc. Cái tin ấy làm cho ông đau khổ không dám đi ra ngoài suốt ngày cứ ở trong nhà. Lúc ấy ông không biết tâm sự cùng ai, ông tâm sự với đứa con trai bé nhỏ của mình để vơi đi nỗi lòng. Rồi mấy ngày sau đó ông chợt nhận được tin Làng Chợ Dầu được cải chính ông trở nên vui vẻ hẳn lên.

Ông Hai là người như thế đó. Đọc từng trang sách ta nhận thấy rằng cái lòng yêu làng yêu nước của Ông Hai được bộc lộ qua nhiều thử thách. Trước hết là tình yêu làng của ông được bộc lộ ở nơi tản cư. (luận điểm) Ở nơi đó, Ông Hai luôn nhớ về làng của mình, ông nhớ đến những ngày cùng làm việc với anh em "cũng hát hỏng cũng bông phèn, cũng đào, cũng cuốc mê man suốt ngày","ông lại muốn về làng, lại muốn cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá...". Ông luôn khoe làng của mình với Bác Thứ "khi kể ông say mê náo nức đến lạ thường". Ngày ngày ông đều quan tâm, theo dõi tin tức của làng. Ông đi ra phòng thông tin nghe được những tin vui về cuộc kháng chiến của nhân dân ta mà ông hạnh phúc, vui mừng đến nỗi "ruột gan lão cứ múa hẳn cả lên". Khi gặp ai ở dưới xuôi lên ông lão cũng giữ lại và hỏi thăm tin tức về làng. Từ đó cho thấy ông hai là người yêu làng sâu sắc.

Yêu làng, yêu nước đến như vậy nhưng rồi, tin dữ đột ngột đến với ông vào một buổi trưa - cái tin Làng Chợ Dầu theo giặc. Cái tin ấy chẳng khác gì một gáo nước lạnh dội vào ngọn lửa yêu nước của ông. Ông nghe được từ người đàn bà cho con bú mới từ dưới xuôi lên. Lúc ấy Ông Hai bàng hoàng, sụp đổ "Ông Hai quay phắt lại lắp bắp hỏi "," cổ ông lão nghẹn ắn hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được...". Ông cố xác định một lần nữa nhưng vẫn không thay đổi được gì. Vì rõ ràng người đàn bà ấy vừa mới ở dưới xuôi lên kia mà! Không còn mặt mũi gì nữa, ông lão vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác, cúi gầm mặt xuống cười nhạt một tiếng, vươn vai nói to "hà, nắng gớm! Về nào".

Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, ông đau khổ khi nhìn lũ con:" Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?". Ông căm hận lũ người theo giặc, phản bội quê hương đất nước. Ông nắm chặt hai tay, rít lên:" Chúng bây ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này." Nhưng ông lại ngờ ngợ nửa tin nửa ngờ, ông kiểm điểm lại từng người trong làng, thấy họ đều là người có tin thần cả mà. Nhưng tại sao lại thế này! Cái tin ấy cứ ám ảnh cứ bám riết lấy ông khiến tâm tư ông nặng nề, day dứt và đau khổ. Ông luôn cáu gắt với Bà Hai "gì...; biết rồi... và cũng suốt mấy ngày ông chẳng dám đi đâu, chỉ quanh quẩn trong nhà, nghe ngóng tình hình:" Một đám đông tụm lại, ông cũng để ý, dăm ba cái chuyện nói cười xa xa ông cũng chột dạ" ông cứ như người có tật giật mình, suốt ngày cứ sợ người ta đang bàn tán đến "cái chuyện ấy" ,thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam nhông... là ông lủi ra một góc nhà im thim thít "thôi lại chuyện ấy rồi". Không khí u ám bao trùm cả gia đình, từ Ông Hai lẫn Bà Hai đều sống trong tâm trạng nặng nề, nơm nớp lo sợ. Lòng tự hào của ông bị tổn thương và tình thế càng bế tắc hơn vì mụ chủ nhà không cho gia đình ông ở nhờ nữa vì:" Nghe nói, có lệnh đuổi hết người Làng Chợ Dầu..." nhưng ông không biết đi đâu, ở đâu khi không nơi nào chứa chấp người làng Việt gian... Ông Hai có ý định quay về làng nhưng ông không thể vì:" Quay về tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ hay làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Bị dồn nén vào bế tắc tuyệt vọng, ông chỉ còn biết trút tâm sự cùng đứa con nhỏ. Ông hỏi nó:" Nhà con ở đâu?... thế con ủng hộ ai" nói vậy với con nhưng thực chất ông lại đang tự nói với chính mình, tụe giải bày, tự minh oan. Lời của đứa con là tiếng lòng của ông. Lời tâm sự ấy như một lời thề, khẳng định tình yêu làng, yêu nước sâu nặng, bền vững và thiêng liêng của Ông Hai - người nông dân với những phẩm chất thật đáng quý biết bao.

Nhưng nhà văn Kim Lân không để cho đứa con tinh thần của mình đau khổ, buồn tủi mà nhà văn Kim Lân một lần nữa đã làm sống dậy cái tinh thần yêu nước của Ông Hai. Cái tin Làng Chợ Dầu được cải chính làm cho Ông Hai như sống lại, mọi đau khổ tủi nhục liền tan biến. Niềm vui ấy được biểu hiện rõ qua nét mặt, cử chỉ hành động của ông "khăn áo chỉnh tề, mặt tươi rạng rỡ, miệng lẻm bẻm nhai trầu, mắt hấp háy, mua cho con bánh rán đường..." rồi ông vội vã chạy sang nhà Bác Thứ và khoe với tất cả mọi người rằng :" Tây nó đốt nhà tôi rồi các bác ạ! Đốt nhẵn" cái câu nói ấy Ông Hai nói ra mà không hề tỏ ý nuối tiếc bởi nó là minh chứng hùng hồn, xác đáng cho việc làng ông không theo giặc, trung thành với kháng chiến, với Cụ Hồ. Trong cái sự cháy rụi ấy có sự hồi sinh, có sự vẻ vang của gia đình, làng quê, cái mất mát kia có thấm vào đâu khi danh dự, lòng yêu nước vẫn được vẹn toàn. Điều ấy thật bình thường nhưng mà lớn lao, cảm động. Qua đó tác giả Kim Lân đã cho ta thấy lòng yêu làng yêu nước được bộc lộ sâu sắc qua nhân vật Ông Hai và đồng thời cho ta thấy được hình ảnh người nông dân yêu nước trong cuộc kháng chiến chống pháp luôn sẵn sàng hi sinh tất cả tiền của, tính mạng cho quê hương đất nước.

Góp phần vào thành công của truyện ngắn " làng" là nghệ thuật xây dựng tình huống gây cấn thử thách nội tâm nhân vật, điển hình là Ông Hai để làm bộc lộ chiều sâu tình yêu làng đích thực của nhân vật. Miêu tả tâm lí nhân vật cụ thể sâu sắc, sử dụng hình thức đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm rất tinh tế đã góp một phần nào đó sự am hiểu thế giới nội tâm của nhân vật đặc biệt là tâm lí của người nông dân. Ngôn ngữ mang đậm chất lời ăn tiếng nói của người nômg dân chân chất nơi vùng quê. Chính những nghệ thuật ấy đã làm nổi bật hình ảnh người nông dân yêu làng yêu nước sâu nặng.

"Làng" là truyện ngắn đặc sắc và thành công của nhà văn Kim Lân. Truyện ngắn đề cập tới một tình cảm lớn lao, bao trùm, phổ biến của người nông dân Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp, đó là tình yêu làng yêu nước sâu đậm. Nhân vật Ông Hai cũng chính là bóng dáng, là tâm tư, tình cảm, tất lòng của tác giả gợi tới làng quê yêu dấu của mình. Qua đó ta có thể thấy được tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của nhân dân ta. Ông Hai là một nhân vật xứng đáng cho thế hệ trẻ chúng ta noi theo để xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh và cũng có lẽ vì thế mà tác phẩm "làng" là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro