Ly trà 10 - TỬU NGUYỆT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TỬU NGUYỆT (14/04/2016)

Người dân khắp thành phố đang vô cùng tò mò về lai lịch chén trà cổ có khắc hai chữ "tửu nguyệt", được viết bằng chữ Hán. Nghe nói nó được tìm thấy trong khoang của một chiếc thuyền cổ chìm dưới biển ở vùng vịnh gần cảng Thông Lãnh xưa, bên cạnh là hài cốt của một vương công quý tộc nào đó. Ước tính chiếc thuyền cùng chén trà này đã chìm xuống cách đây ít nhất cả ngàn năm, để lại nghi hoặc cùng bao tưởng tượng huyền huyễn cho người đời sau.

Cổ vật này hiện đang thu hút rất nhiều sự chú ý của truyền thông cũng như những giáo sư đầu ngành về lịch sử. Không chỉ vậy, chén "tửu nguyệt" đó còn thu hút cảm hứng sáng tác của rất nhiều nhạc sĩ cùng tác giả văn thơ, kể từ khi công bố đã có rất nhiều câu chuyện được khai thác xung quanh chén trà. Nghe tin chén trà được đưa đến bảo tàng trung tâm thành phố, người dân hiếu kỳ cũng đến đây xem, không khỏi xì xào bàn tán...

"Các chuyên gia đã nhận định chén trà này được tạo ra ở một trà lầu sang trọng bậc nhất kinh thành thời bấy giờ, mang tên Phù Ninh lâu. Đó là nơi không chỉ nổi bật với phương thức pha trà, vị trà đặc biệt, mà còn bởi những chén trà ở đó đều do người trong trà lầu tự làm." – Một ông lão gần đó khẽ gật gù nói với đám người xung quanh.

"Nổi bật đến nỗi ngàn năm sau còn được biết đến, hẳn Phù Ninh lâu ấy cũng phải tồn tại rất rất lâu." – Người phụ nữ trung niên nghi vấn nói.

"Trong sử ký có ghi: Phù Ninh là trà lầu bậc nhất kinh thành, nơi vương công quý tộc và quan lại đến đó bàn chuyện cũng không phải điều hiếm gặp." – Chàng trai trẻ quan sát chén trà rất lâu, rồi đột nhiên lên tiếng.

"Chén trà này là của cô gái ở Phù Ninh lâu làm ra, nhưng hai chữ "tửu nguyệt" lại là do một vị vương gia tự tay khắc vẽ để tặng nàng." – Nữ phóng viên cầm máy ảnh đứng gần đó cũng góp lời vào câu chuyện.

"Đã là chén trà, tại sao lại còn khắc vào hai chữ "tửu nguyệt"?" – Một vài người cùng hỏi. Nói đến việc này, phàm là những người đứng đó không thể không tò mò những chuyện đã xảy ra trong quá khứ...

***

Ngày đó Phù Ninh là trà lầu sang trọng bậc nhất kinh thành, nơi vương công quý tộc và quan lại đến đó bàn chuyện cũng không phải điều hiếm gặp. Nơi tấp nập nhộn nhịp như vậy, còn có một người tên là Nguyệt Ảnh – thường được gọi là Nguyệt cô nương. Nàng là cháu nội của ông chủ ở đây, cũng là nghệ nhân pha trà ở đây.

Điểm đặc biệt của trà lầu này không chỉ ở dư vị và cách thức pha trà, mà còn vì mỗi chén trà đều do Nguyệt cô nương tự tay làm, mà còn vì nàng là người xinh đẹp, dáng vẻ thoát tục, cử chỉ dịu dàng đã khiến bao người yêu thích. Tương truyền ở Phù Ninh có một lầu cao nhất, là nơi Nguyệt Ảnh tự mình pha trà để mời những quan khách thượng lưu. Nơi ấy ngoài uống trà người ta còn có thể ngắm trăng, đối thơ, cũng có thể uống vài ba chén rượu.

Chính vì vậy, năm ấy có Thất vương gia đi đến Phù Ninh, đã ngồi ở lầu cao nhất để được gặp nàng, cũng muốn tự tay nàng dâng lên một chén trà. Thất vương vốn là hoàng đệ của đương kim thánh thượng, nhưng tính tình ôn nhu, lại yêu thích sự thanh nhàn, không màng chính sự. Vì vậy ngài thường ngao du sơn thủy nhiều nơi, và được hoàng đế ban cho sứ mệnh làm sứ thần đi đến các nước ngoại bang. Vương gia tuổi còn trẻ, lại có dáng vẻ hào hoa phong nhã đã làm không ít thiếu nữ ôm mộng tương tư.

Trà đặt trên môi, hương nhè nhẹ dâng lên khiến hồn người cũng đắm, lại có nét thanh tao dịu dàng của mỹ nhân trước mặt, Thất vương nhìn nàng rất lâu rồi nói:

"Nàng đã pha trà mời bản vương, vậy ta cũng có chén rượu mời lại nàng..."

Liền đó một người thị vệ lấy ra một bình rượu nạm ngọc, rót ra một chén đưa đến nàng. Nguyệt Ảnh nhẹ nhàng từ chối, không ngờ nhân duyên bi thương tráng lệ cũng từ đây mà ra.

"To gan, vương gia thưởng rượu mà ngươi lại dám không nhận! Ngươi cũng chỉ là một người pha trà, có gì cao đẹp?" – Một người tướng mạo dữ tợn, trừng mắt nói với nàng. Hắn là một trong số thị vệ đi theo vương gia.

Chủ quán thấy vậy vội đến làm hòa: "Không biết vương gia hạ cố đến nơi này, thảo dân thất lễ không kịp đón tiếp chu đáo. Nguyệt Nhi thực sự không thể uống rượu, mong người thứ tội. Chén này để lão nhận thay!"

"Rượu của vương phủ, đâu phải ông muốn uống là uống, chén này ban cho Nguyệt cô nương. Nàng không uống chính là cố ý đắc tội." – Người thị vệ vẫn quả quyết.

Thấy vị cô nương nãy giờ chỉ cúi mặt im lặng, vương gia lại thấy làm thú vị. Cái tên Nguyệt Ảnh quả hợp với nàng, thanh khiết như bóng trăng trên nước, đẹp nhưng không thể chiếm hữu, vừa động vào liền tan biến. Ngài lúc này mới lên tiếng, phong thái đầy khí chất vương giả:

"Thôi bỏ đi, chén này bản vương uống. Nhưng trước đó muốn nói vài câu với nàng." – Ngài lại gần phía nàng, dịu dàng nhìn nàng rồi nhìn vầng trăng tròn đang soi bóng: "Không biết nàng có từng nghe đến một loại rượu tên là "tửu nguyệt"? Ở vùng đất ta mới đi qua, người dân có một phong tục, cứ đến ngày trăng tròn sẽ uống một chén rượu in bóng trăng, như thấu cả nhân gian những nơi trăng soi bóng..."

Nàng theo phản xạ mà lui vài bước, khiến ngài cao hứng nói to: "Hôm nay bản vương vì nàng mà uống một chén. Nhưng đối với bản vương, tửu nguyệt lại là một chén rượu có hình bóng Nguyệt cô nương, uống một chén rồi chỉ mong có thể hiểu được lòng nàng." – Ngài đưa chén rượu ra trước mặt nàng, đủ để khuôn mặt nàng in vào chén rượu, cười ôn nhu nhìn nàng rồi một hơi uống cạn.

Nàng lúc đó đã khẽ mỉm cười, chỉ là quay đi không ai nhìn thấy. Một chén trà tạo ra sự chú ý của một vương gia đối với nàng, nhưng chén rượu trăng mà ngài uống cũng đã vô tình khiến nàng rung động.

*

Lại đến một ngày, sau hai năm quen biết, Thất vương vừa đi sứ trở về đã vội vã đến tìm nàng, ngài nói rằng:

"Nàng là lý do khiến ta muốn dừng chân ở lại, không còn muốn đi đến thật nhiều nơi nữa, nhưng cũng chẳng muốn về vương phủ. Trừ khi nơi ấy có nàng... Chi bằng nàng đến vương phủ làm vương phi của ta."

"Ta đi theo ngài, trà lầu này sẽ không thể tiếp tục tồn tại. Ta so với ngài chính là bóng trăng trong nước, vốn dĩ có thể nhìn ngắm, không thể giữ lại." – Nàng lạnh nhạt nói ra câu này. Kỳ thật, trong lòng nàng rất mong có thể được gọi một tiếng "Thất vương phi".

Có điều không phải ngẫu nhiên mà Phù Ninh lại trở thành trà lầu của giới thượng lưu quý tộc, không phải ngẫu nhiên mà người pha trà ở Phù Ninh lại đẹp đến vậy. Bởi lẽ trà lầu là nơi thâu tóm rất nhiều thông tin, mỹ nhân lại là điều khiến những kẻ đào hoa, phong lưu như Thất vương dễ để tâm nhất. Muốn giữ chân anh hùng, xưa nay vẫn là dùng một mỹ nhân. Và Nguyệt Ảnh chỉ là một quân cờ để kìm chân ngài mà thôi.

*

Bởi trước đây Thất vương mới là người được chọn làm thái tử, nhưng cuối cùng người lên ngôi lại là hoàng đế bây giờ. Đáng tiếc, năm ấy cục diện thay đổi, sự tồn tại của Thất vương lại cản đường hoàng đế. Cho dù ngài không màng chính sự, trước sau vẫn là người có chung dòng máu hoàng gia. Hoàng vị là thứ dùng máu để có được, sau đó lại tiếp tục dùng máu để duy trì. Cuối cùng chính nàng bị ép phải dâng lên cho ngài một chén trà có độc. Chuyện bị phát giác, vương gia lại cố ý đặt lên môi chần chừ không uống.

Si tình là loại ngu ngốc nhất trên đời này, bởi lẽ càng không thể có được lại càng trở thành chấp niệm khó bỏ. Thất vương gia không chỉ thích vẻ đẹp của nàng, mà chính là yêu say đắm con người nàng. Điều ngài mong chỉ là nàng động lòng nói một câu "đừng uống", có điều chờ đợi vô nghĩa...

"Ta sớm đã biết trà này có độc. Mấy năm qua ta vẫn nghĩ có thể dùng tấm lòng này làm cảm động nàng, không ngờ đến cuối cùng nàng lại muốn ta chết." – Ngài nhìn nàng rất lâu, khẽ đặt chén trà xuống.

Chỉ không thể ngờ trong thời khắc ấy nàng đã lấy lại chén trà mà tự mình uống hết. Rồi quỳ xuống, đây là lời duy nhất nàng nói thật trong suốt mấy năm gặp gỡ ngài:

"Vương gia, là dân nữ đã phụ lòng ngài. Nay đã không còn đường lui, hôm nay ngài không chết, gia đình ta cũng không thể tiếp tục sống. Dân nữ không thể mặc kệ sự sống chết của cả gia tộc, nhưng cuối cũng vẫn không nhẫn tâm nhìn ngài chết... Tất cả đều là do dân nữ, những người khác đều không liên quan."

"Nàng cũng không cần tự nhận tất cả về mình, nàng như này có khác nào muốn ta đau đớn hơn cả cái chết. Nàng thừa biết vị trí của nàng trong lòng ta. Ta chẳng kỳ vọng gì nhiều, chỉ mong nàng toàn tâm toàn ý ở bên ta. Ta đã dùng cả tuổi trẻ và tất cả tâm tình để yêu nàng. Nàng không nói ta cũng hiểu, chuyện này nàng làm vì ai."

Máu trong miệng, trong mắt nàng chảy ra ào ạt, khuôn mặt tái nhợt cố nói mấy lời cuối:

"Xin ngài, cầu xin hoàng thượng nương tay cho gia tộc của dân nữ. Dân nữ đã làm tất cả những gì có thể rồi, cả đời này cũng chưa từng làm điều gì có lỗi với ai. Chỉ là đã khiến trái tim mình phải khổ sở mấy năm nay, đã phải dối lòng rất nhiều rồi."

Ngài vội đỡ lấy nàng, không vui không buồn mà thủ thỉ:

"Đối với sự cố chấp muốn có được trái tim nàng, ta từ bỏ rồi. Ta biết việc ta yêu thích nàng đã vô tình khiến nàng không thể có kết cục tốt. Không ngờ... – Ngài không nhìn nàng, trước khi rời đi còn cầm theo chén trà có độc ấy: "Nàng nói đi, ta phải làm gì để nàng thật tâm yêu ta?"

"Nếu ngài có thể mang bóng trăng lưu lại trong chén trà này. Ta tình nguyện ở bên ngài..." – Nàng nhìn đến chén trà, lời vừa nói ra chẳng qua là nói bừa, ai cũng biết bóng trăng không thể nào lưu giữ.

Nhắm mắt, mọi chuyện trên đời chẳng qua chỉ như một giấc mộng dài. Nàng không còn phải đau buồn, sợ hãi nữa, kết cục này đối với nàng là giải thoát...

*

Đêm đó bão lớn, sóng đánh dồn dập vào mạn thuyền, một cột buồm đổ gẫy khiến chiếc thuyền siêu vẹo trên sóng nước. Lại thêm một cột buồm rơi xuống nước, thân gỗ cứng đập mạnh vào thuyền, phút chốc nước tràn lên. Mọi người trên thuyền đều hỗn loạn, lo lắng, thuyền đã về gần đến vịnh Thông Lãnh còn gặp bão.

"Vương gia, tại sao người không đi? Thuyền nhỏ vẫn còn lại một chỗ để cho người." – Người thị vệ dằn vặt nhìn chỗ trống còn lại, chuyện không may xảy ra thì phận bề tôi như hắn đương nhiên phải nhường quyền sống cho chủ nhân.

"Nàng ấy nói nếu ta mang về được bóng trăng in trong rượu thì sẽ nguyện ý bên ta. Đứa ngốc mới không biết thứ đó không hề tồn tại..." – Thất vương lấy ra hai chén trà, một đưa cho người thị vệ bên cạnh rồi nói tiếp:

"Ta tặng quyền trở về cho ngươi, tặng sự bình an đoàn tụ này cho người nhà của ngươi. Ngươi theo ta đã lâu, cũng biết ta không trở lại sẽ khiến ít người đau lòng nhất... Hãy mang chén trà này đến cho nàng ấy. Hoàng đế sớm bố trí, đêm này không có sự cố này thì ta cũng không thể về."

Người thị vệ nhận lấy chén trà, đáy chén còn vẽ hình trăng, nước mưa rơi vào chén khiến trăng như nổi lên trong đáy. Bên ngoài còn có hai chữ "tửu nguyệt", do chính ngài đã tự tay khắc vẽ. Giây phút ấy xúc động không nói được lời nào, chỉ biết âm thầm cảm động, ngài đã bắt được bóng trăng cho nàng. Bởi vì ngài chỉ đang tự lừa mình dối người, Nguyệt cô nương đã chết rồi, ngài cũng không còn lý do để quay về nữa.

Đêm đó sau khi mọi người đều đã lên thuyền nhỏ rời đi, trong mưa lớn, nước tràn lênh láng, chỉ thấy vương gia rót rượu vào chén trà còn lại, còn thấy được trăng nổi lên từ đáy chén. Ngài bước vào khoang thuyền, uống hết chén này đến chén khác cho đến khi thuyền chìm hẳn. Ai bảo tỏa sáng thì không lạnh, ai bảo trăng không biết khóc?

***

"Câu chuyện cháu vừa kể là thật ư?" – Ông lão gật gù, thâm trầm nói khi nghe cô kể chuyện. Đó cũng là thắc mắc của tất cả mấy chục người đứng quanh đó.

"Không, là cháu vừa sáng tác ra thôi." – Nữ phóng viên khẽ cười, nhún nhường nói.

*

Cô đợi mọi người đi khuất mới lôi từ túi xách ra một chén trà cũ, giống y hệt chén trà ở trong ô kính. Chẳng qua trăng trong đáy chén đã bị nước biển làm phai mờ nên chỉ còn hai chữ "tửu nguyệt" viết bằng chữ Hán khắc ở mặt ngoài. Còn ở chén trà trong tay cô vẫn còn hình trăng mờ mờ.

"Sao cô lại có chén trà này?" – Chàng trai vừa định quay lại lấy chiếc mũ bỏ quên, mắt chăm chú nhìn vào chén trà.

"..." – Cô nhất thời không biết giải thích ra sao.

"Cô là..."

"Ông nội tôi đã kể rằng rất lâu về trước cụ tổ của tôi được một vị vương gia tặng chén trà này. Tôi vốn không tin... Câu chuyện này lưu truyền trong dòng họ tôi đã rất lâu, hóa ra là có thật. Anh biết không, trà độc hôm ấy, người hoàng đế muốn giết không phải Thất vương, lệnh ban cho Nguyệt Ảnh hôm đó không phải ám sát, mà là tự sát."

"Tại sao phải hại Nguyệt Ảnh?"

"Cụ tổ của tôi chính là người truyền lệnh cho Nguyệt cô nương. Hoàng đế vốn không muốn ra tay với em ruột của mình, ngài cũng không có khả năng giết Thất vương, trừ khi là chính ngài ấy không còn muốn sống. Chuyện nhường quyền sống cho người thị vệ, thật ra chỉ là cái cớ, hôm đó nếu trên thuyền còn chỗ, tôi nghĩ ngài ấy cũng sẽ không lên."

Thấy anh nhíu mày đăm chiêu, cô vội giải thích: "Anh nghĩ xem, kẻ sĩ trọng sĩ diện, kẻ tham phú quý trọng công danh... Kẻ hào hoa phong nhã như Thất vương chỉ trọng mỹ nhân trong lòng thôi... Nguyệt cô nương đã không còn, thì Thất vương nào còn tâm trí trở về."

"Vậy cô có biết tại sao lại có hai chén "tửu nguyệt" không, trong khi vương gia chỉ cầm theo một chén trà mà thôi?"

"Chén trà còn lại là lấy từ ngày đầu ngài gặp nàng ấy. Phù Ninh là nơi bán trà, bán cả chén, mỗi chén trà chỉ dùng một lần như vậy thôi." – Cô nâng chén trà, tỉ mỉ quan sát.

"Đúng vậy, cô họ Phan phải không?" – Anh chợt mỉm cười.

"Sao anh biết?" – Cô ngạc nhiên, khẽ gật đầu.

"Vì người thị vệ ấy họ Phan."

"Tôi đã kể người thị vệ họ gì đâu!" – Cô khó hiểu nói.

"Vì tôi không uống Mạnh Bà canh."

Nhìn thấy nét thất thần của cô, anh vội xua tay rồi chỉ đến tấm thẻ cô đang đeo:

"Đùa cô thôi, là do tôi thấy tên cô trên thẻ kia..."


Lúc chàng trai đi khỏi, cô mới cúi xuống nhìn lại thẻ tên của mình, rõ ràng là chỉ có tên, không hề ghi họ...

  -End-  

-----

(*) Mạnh Bà canh: Bát canh các linh hồn phải uống để quên hết chuyện kiếp trước, mà đầu thai chuyển thế.

Người không uống canh Mạnh Bà phải tình nguyện nhảy vào xông Vong Xuyên chịu dày vò cả nghìn năm để có thể gặp lại người họ yêu thương nhất.

Trong nghìn năm đó có thể nhìn thấy người mình yêu hết lần này đến lần khác đi qua cầu Nại Hà, uống hết chén này đến chén khác canh Mạnh Bà. Tuy không mong họ uống nhưng lại sợ họ không chịu nổi sự dày vò dưới sông Vong Xuyên, và nếu trong nghìn năm đó, nhớ thương vẫn không nguôi thì có thể đầu thai gặp lại người mình yêu nhất.

Lời tác giả: Tuy không trực tiếp, nhưng người thị vệ cũng đã trao được "tửu nguyệt" đến tay nàng rồi. Cũng như nàng từng nói "đến lúc ấy, ta sẽ thật lòng ở bên ngài", đoạn kết chỉ 1 câu nhưng đã kết cả 2 câu chuyện.

Vì lệnh ban cho nàng năm đó là "tự sát", lời hẹn tìm "trăng lưu đáy chén" là lời hẹn kiếp sau. Cả ngàn năm chịu dày vò dưới sông Vong Xuyên, cuối cùng anh đã có thể gặp lại cô...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro