Chapter Fifteen - Hồi mười lăm: Tạm biệt Lumina Heartfilique, một người bạn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chớm sáng ngày 29 tháng Năm, tầm hơn năm giờ một chút, tư lệnh Heartfilique đã thức dậy, thay quân phục và đến phòng liên lạc chờ. Khoảng mười phút sau, chuẩn tướng de Beaudelaire, quân phục chỉnh tề, đeo quân hàm và đội chiếc mũ phớt đen thường thấy, khẩu súng lục bên thắt lưng cùng thanh trường kiếm, cầm trên tay roi cưỡi ngựa đi ngang qua thấy tư lệnh Heartfilique ngồi trong phòng liên lạc thì hỏi ngạc nhiên:

- Ô kia, sao lại dậy sớm thế? Cậu chờ ở đây bao lâu rồi?

Trung tá Heartfilique mỉm cười đáp:

- Tôi muốn đi sớm. Để mọi người chờ tôi thì không hay chút nào, phải không?

- Càng tốt, chúng ta có nhiều thời gian. Cậu có biết cưỡi ngựa không, Trung tá Heartfilique? - Chuẩn tướng de Beaudelaire bước vào phòng.

- Sao đột nhiên lại gọi tôi là Trung tá Heartfilique? Bình thường cậu đâu có gọi tôi thế... Mà khoan, không phải chúng ta đi tàu sao?

- Thế cậu có đủ kiên nhẫn chờ tàu không? Theo tôi biết, chuyến tàu gần nhất đã chở hàng đi Marseilles rồi. Cậu có biết cưỡi ngựa không?

- Cậu đùa ai vậy? Tôi là lính pháo binh, lấy gì biết cưỡi ngựa!

Bỗng có tiếng ai đó từ phía cửa vọng vào:

- Hai người đến sớm thế!

Đó là thiếu tá Almstedt, trong bộ quân phục không quân quen thuộc, vẫn đeo quân hàm thiếu uý.

- Làm ơn, cậu đừng hỏi tôi có biết lái máy bay hay không. Các cậu hỏi tôi trọng pháo bắn bao xa hay dùng đạn gì thì tôi có thể trả lời nhưng các cậu hỏi tôi có biết cưỡi ngựa hoặc lái máy bay hay không thì tôi đành bó tay! - Trung tá Heartfilique kêu lên.

- Ai bảo cậu phải lái máy bay? Chỉ còn một chiếc Nieuport 14 trinh sát hai chỗ, tôi sẽ chở cậu về Paris, còn Chuẩn tướng... - Thiếu tá Almstedt nói.

- Tôi có ngựa của tôi. Các cậu cứ đi trước, về đến Reims, các cậu sẽ thấy toà lâu đài kiểu Phục Hưng nằm giữa vườn cây dẻ bên bờ tây sông Marne. Đáp máy bay trước cửa toà lâu đài và chờ tôi đến. - Chuẩn tướng de Beaudelaire bảo - Đường chim bay thì tất nhiên nhanh hơn mà.

Nói rồi, cùng nhau, trung tá Heartfilique theo thiếu tá Almstedt ra chỗ để chiếc máy bay cuối cùng còn lại, cạnh mấy khẩu pháo hạng nặng và mấy chiếc khí cầu trên nóc pháo đài. Thiếu tá Almstedt leo lên máy bay trước, rồi bảo trung tá Heartfilique lên sau và thắt dây an toàn. Sau đó chiếc máy bay cất cánh, hướng về phía tây. Pháo đài Vaux nhỏ dần và xa dần trong tầm mắt. Trung tá Heartfilique bỗng tò mò nhìn xuống dưới đất, thấy toàn bộ Verdun - chiến trường - vốn là một thành phố đã có từ xưa, trước khi chiến tranh nổ ra vẫn còn những hàng cây xanh và những toà nhà cổ, những thị trấn nhộn nhịp đông người, nay thì đã không còn gì. Pháo kích hạng nặng đã cày xới các rừng cây, các đồi cỏ, biến tất cả thành bãi bùn. Verdun bây giờ cứ thể đống đổ nát, tàn tích của một nơi nào đó đã từng là chốn phồn hoa. Bên dưới, giữa màu xám xịt của bao cảnh, có dáng một kỵ binh Pháp, màu áo xanh, đang đánh ngựa phi nước đại hướng thẳng về phía tây. Người đó theo phía sau chiếc máy bay của thiếu tá Almstedt, một tay cầm cương còn tay kia giữ chiếc mũ phớt cho khỏi bị gió bay. Cứ thế, cho đến khi họ thấy Reims, với con sông Marne và toà lâu đài kiểu Phục Hưng như chuẩn tướng de Beaudelaire nói ở bờ phía tây. Thiếu tá Almstedt theo lời dặn, đáp máy bay xuống khoảng sân ngay trước cửa toà lâu đài nằm trong vườn cây dẻ. Một cô gái trẻ, tầm khoảng hai mươi bảy hoặc hai mươi tám, tóc nâu vàng quấn lọn đẹp đẽ, thoáng vẻ trung lưu, mặc váy ngủ bước ra, có vẻ là chủ nhà, ngạc nhiên khi thấy chiếc máy bay bỗng đáp xuống trong khoảng sân.

- Bác Philippe, cái gì thế này! - Quý cô đó kêu lên.

Lập tức, một người đàn ông tuổi tầm trung niên vội đến từ phía sau toà lâu đài, trên tay cầm chiếc kéo làm vườn, vừa hỏi:

- Có gì thế hả cháu?

- Họ là... - Quý cô kia cứ mãi ngập ngừng.

Không phải chờ lâu, thiếu tá Almstedt xuống ngay máy bay để giới thiệu và giải thích cho mọi người:

- Xin lỗi vì sự bất tiện này. Tôi là Almstedt, Evalina Almstedt, thiếu tá không quân và đừng ngạc nhiên khi tôi là phụ nữ. Tôi có mặt ở đây là theo lệnh cấp trên, đưa Trung tá Heartfilique đây về Paris, tôi nhận được lệnh giữa đường phải đáp xuống đây...

Cô gái trẻ nép mình vào phía sau cánh cửa, có vẻ e dè khi bỗng dưng có tư lệnh của quân đội đến. Trong đầu, cô nghĩ đó là chuyện không hay. Và ngay sau đó, có tiếng vó ngựa đâu đó vọng lại. Đó là chuẩn tướng de Beaudelaire, vừa đến nơi, có thể nói là khá kịp lúc.

- Rốt cuộc là đã có chuyện gì, mà các vị tư lệnh lại đến đây? - Philippe, người làm vườn, hỏi.

- Chúng tôi được lệnh cấp trên... - Thiếu tá Almstedt chỉ vào chuẩn tướng de Beaudelaire - ... dừng chân ở đây trước khi đi tiếp về Paris.

Chuẩn tướng de Beaudelaire xuống ngựa, tay vẫn cầm dây cương và đáp:

- Dừng chân mà dùng điểm tâm một lúc. Chúng ta có thể không ngủ mấy ngày nhưng ít ra cũng phải ăn gì đó chứ! Cả tôi lẫn các cậu đâu phải thần thánh!

Rồi chuẩn tướng de Beaudelaire bảo cô gái đang đứng nép vào phía sau cánh cửa kia:

- Diane, vào bếp xem còn gì, dọn tạm giúp ta bữa điểm tâm.

Trông cô gái kia vẫn chần chừ, thì chuẩn tướng de Beaudelaire lại giục:

- Đi nhanh nào, Diane! Chúng ta không có thời gian!

Nói gì thì Diane vẫn còn e dè và phân vân, và đến lượt bác làm vườn Philippe phải hỏi:

- Cháu sao thế Diane?

- Bà ấy... là... - Diane chỉ vào chuẩn tướng de Beaudelaire.

Như hiểu ra vấn đề, chuẩn tướng de Beaudelaire đưa con ngựa cho bác làm vườn Philippe dắt vào chuồng, rồi bỏ mũ ra và nói với Diane:

- Cháu biết người làm vườn Philippe, biết cô hầu Martine, còn ai trong hai năm ở đây mà cháu chưa quen?

Diane rụt rè đáp:

- Cháu chưa gặp bà công tước. Có vẻ... bà là quản gia... cháu cũng chưa gặp bao giờ...

- Ta không... - Chuẩn tướng de Beaudelaire khoát tay - Ta biết cháu, cô hầu, Diane Frambroche, mà cháu chưa biết ta?

Diane lắc đầu. Bỗng một cô gái khác, tuổi khoảng ba mươi, nhìn thấy chuẩn tướng de Beaudelaire thì kêu lên ngạc nhiên:

- Bà công tước Françoise, chẳng phải bà công tước đang trên chiến trường...?

Diane nghe thế thì như hiểu ra vấn đề:

- Ôi cháu xin lỗi, cháu không biết... Là bà chủ về...

Rồi sau đó, cả hai cùng vào trong. Trung tá Heartfilique cũng xuống máy bay và hỏi:

- Sao cậu quen những người ở đây nhiều thế? Vả lại, cậu biết nơi này...

Chuẩn tướng de Beaudelaire quay sang đáp, khá tự nhiên, đưa tay hướng toàn bộ khung cảnh vừa giới thiệu:

- Toà Biệt thự Lớn, kiến trúc lớn nhất và lâu đời nhất trong toàn thể toà lâu đài de Beaudelaire. Xây bởi ngài công tước thứ nhất của Champagne-Ardenne, Henri Orville de Beaudelaire năm 1524, đến nay đã qua bảy đời thừa kế. Nói cho ngắn gọn, đây là nhà tôi.

Thiếu tá Almstedt nhìn cái vẻ cổ kính của toà lâu đài như muốn thu gọn cả trong tầm mắt, còn trung tá Heartfilique cứ mãi gật gù, bảo:

- Thảo nào... cậu biết rõ về nơi này...

- Phần lớn thời gian tôi sống ở Anh, Reims bấy giờ thay đổi nhiều lắm, chỉ có nơi này là vẫn như vậy suốt gần bốn trăm năm qua. Với tôi, có thể nói, nơi đây là chốn bình yên bất tử, nơi mà quá khứ song hành với hiện tại.

Chuẩn tướng de Beaudelaire nhìn quanh, rồi bước lên bậc tam cấp đá hoa cương, mở rộng cánh cửa và vẫy tay gọi mọi người vào. Thiếu tá Almstedt và tư lệnh Heartfilique rời khỏi chiếc máy bay rồi theo chuẩn tướng de Beaudelaire vào sảnh chính của toà lâu đài. Vẻ choáng ngợp cổ kính với nào đá hoa cương và đèn chùm pha lê, thảm thêu từ thời Phục Hưng, những bức tranh sơn dầu qua các thời kỳ có giá trị không nhỏ phơi bày trước mắt hai vị nữ tư lệnh. Chuẩn tướng de Beaudelaire dẫn họ đi qua các hành lang, rồi dừng lại ở một cổng vòm.

- Các cậu muốn điểm tâm ở phòng bếp này hay phòng ăn lớn?

Chuẩn tướng de Beaudelaire hỏi. Trung tá Heartfilique trả lời:

- Đã là tư lệnh, thì ra chiến trường, sống chết ai hay? Cầu kỳ làm gì, khi ba chúng ta cứ ngồi lại với nhau trong phòng bếp đã đủ?

Chuẩn tướng de Beaudelaire mỉm cười đáp:

- Trong mắt tôi, dù có thành người thiên cổ, cậu vẫn luôn là một tư lệnh và luôn xứng đáng...

Nói rồi, chuẩn tướng de Beaudelaire bước qua cánh cổng vòm và gọi:

- Martine, Diane, thế nào rồi?

Trung tá Heartfilique và thiếu tá Almstedt cũng theo nhau vào trong, thấy cô hầu Diane đang đun nồi súp trên bếp và cô hầu Martine đang lau dọn bàn ăn vừa đáp:

- Một lúc nữa ạ.

Nghe vậy, thiếu tá Almstedt hỏi chuẩn tướng de Beaudelaire:

- Trong toà nhà này còn gì thú vị để xem trong lúc chờ điểm tâm không? 

- Sao không chứ? - Chuẩn tướng de Beaudelaire đáp.

- Cho chúng tôi xem cái gia sản thừa kế của cậu.

Ba người họ rời khỏi nhà bếp một lúc, và theo sau chuẩn tướng de Beaudelaire - "chủ nhà" - lên tầng trên qua cầu thang đá hoa cương vòng, hành lang trải thảm và qua những cánh cửa gỗ sồi màu trắng được chạm khắc đẹp đẽ với tấm kim loại ánh vàng kim khắc tên những phòng: "La Rose", "La Fleur-de-Lys", "L'Iris"... Trung tá Heartfilique nhìn các cánh cửa, vừa đi vừa hỏi tò mò:

- Sao những phòng này lại có tên hoa? Dòng họ de Beaudelaire yêu hoa lắm sao?

Chuẩn tướng de Beaudelaire dừng lại một lúc, quay đầu lại đáp:

- Nói thế cũng đúng, nhưng cũng không hẳn. Căn phòng "La Rose" ban đầu là đặt theo tên bá tước phu nhân Marie Rosette de Hervreuse, em gái công tước đời thứ ba Hortense de Beaudelaire. Khi mẹ tôi, hầu tước tiểu thư Annette Rose Gertrude Arrison về làm dâu, căn phòng đó được dành cho mẹ tôi.

Trung tá Heartfilique hỏi tiếp:

- Vậy còn... "La Fleur-de-Lys"?

Chuẩn tướng de Beaudelaire tiếp tục bước đi vừa giải thích:

- "L'Iris" là căn phòng của Louise de la Vallière, con gái nuôi của bà công tước Hortense, lúc đầu được đặt tên là Lisette. Còn "La Fleur-de-Lys", là căn phòng của "đoá hồng cảnh vệ" Annatoire d'Reims, tên thật là Victoirena Hortense de Beaudelaire, công tước đời thứ ba.

Thiếu tá Almstedt nhìn quanh quất những căn phòng khác ở hai bên hành lang, hỏi:

- Thế còn phòng của cậu, Chuẩn tướng?

Chuẩn tướng de Beaudelaire vẫn cứ đi, đến cánh cửa phòng phía bên trái cuối hành lang, cạnh cánh cửa sổ kính to, thì dừng lại, tay đặt trên nắm cửa. Căn phòng đó cũng có tấm kim loại khắc tên, nhưng không phải một loài hoa nào đó, chỉ đơn thuần mấy chữ "La Pépinière".

- Tôi là người duy nhất trong số mười hai người thừa kế có mặt tại Reims lúc bản di chúc của bà nội tôi, công tước phu nhân đời thứ sáu, Claudette Merina de Beaudelaire được công bố. Do đó, tôi được xác định sẽ là người kế thừa tước vị và toà lâu đài, cũng như phần gia sản còn lại sau khi đã chia đều cho mười một người thừa kế kia. Nói trên lý thuyết là thế, nhưng thực tế, đây mới thực là phòng của tôi..

Cánh cửa phòng được mở ra, thì trong mắt tư lệnh Heartfilique và thiếu tá Almstedt hiện lên sự ngỡ ngàng. Trong phòng có một cái giường có màn phủ, chăn bông màu hồng; một cái bàn tròn con, vài cái ghế con, một cái tủ sách con, một cái tủ áo cũng nhỏ nhắn như vậy; vài con búp bê sứ xếp ngay ngắn trên nóc tủ sách, bên cạnh cái tủ là chiếc ghế bành hoa, một cái giỏ mây để trên ghế. Căn phòng sơn màu hoa hồng nhạt, có hai cánh cửa sổ kính phủ rèm hoa và dưới sàn cũng trải thảm.

- Này, Chuẩn tướng à, đây trông như phòng bé gái ấy. - Thiếu tá Almstedt nhìn quanh mà nói.

- Tôi khá hiếm khi về đây, mấy năm mới có một lần, ngày tôi còn đi học trung học thì thường xuyên hơn... - Chuẩn tướng de Beaudelaire để chiếc giỏ mây trên ghế bành cạnh tủ sách sang bên rồi ngồi xuống - Các cậu thế nào thì tôi không biết, nhưng thuở nhỏ tôi chỉ có quanh quẩn trong cái phòng giữ trẻ này.

Thiếu tá Almstedt đến bên một trong hai cánh cửa sổ kính, kéo rèm ra và nhìn xuống khung cảnh phía dưới, đáp:

- Còn tôi à, lúc tôi sinh ra bố tôi tưởng rằng lớn lên cũng sẽ lấy chồng sinh con như bao bé gái khác, cho nên từ nhỏ mẹ tôi cứ dạy món nữ công. Và bây giờ thì tôi lại là sĩ quan không quân, điều mà đến tôi cũng chưa từng nghĩ tới... Nhưng mà, Chuẩn tướng này, với một con chim vàng anh trong lồng như cậu thì tôi thấy cũng không tệ lắm, vườn anh túc dưới kia quá đẹp.

Trung tá Heartfilique thì cứ nhìn chăm chú vào mấy con búp bê trên tủ, hết cầm con này lên xem lại cầm con khác lên xem. Thấy vậy, chuẩn tướng de Beaudelaire lấy làm lạ và hỏi:

- Cậu chưa bao giờ chơi búp bê chắc?

Vẫn chăm chú vào những con búp bê, tư lệnh Heartfilique đáp:

- Bố tôi là con trai trưởng, tôi lại là đứa cháu đầu tiên của dòng họ nên ai cũng nghĩ mẹ tôi sẽ sinh đứa đầu lòng này là con trai. Tôi còn được đặt cho cái tên "con trai" là Lumière Heartfilique, nhưng mẹ tôi lại sinh con gái. Mọi người vẫn gọi tôi là Lumière, và cũng "nhờ" vậy tôi mới vào quân ngũ, rồi sau này thành tư lệnh pháo binh.

Chuẩn tướng de Beaudelaire nhìn trung tá Heartfilique mà mỉm cười.

- Cậu là ánh trăng trên đất Pháp, như ánh sáng của niềm tin và hy vọng, hy vọng và tin tưởng, một ngày nào đó Alsace và Lorraine sẽ trở về với nước Pháp.

- Cậu nghĩ thế thật à, Chuẩn tướng? - Tư lệnh Heartfilique hỏi.

- "La lumière de la Lune", đó chẳng phải tên của cậu? Giờ đây chúng tôi đang biết một Lumina Heartfilique trung tá pháo binh, nếu cậu sinh ra là con trai, thì chắc gì bây giờ chúng tôi đã quen cậu?

Chợt thiếu tá Almstedt lên tiếng hỏi một thứ không liên quan:

- Nghe nói những nhà giàu thường có phòng tranh riêng, vậy toà lâu đài này thì sao?

Chuẩn tướng de Beaudelaire đáp:

- Ồ có chứ. Các cậu có muốn đi xem một lát?

Thế là họ rời khỏi căn phòng đó, xuống cầu thang lớn và theo sau chuẩn tướng de Beaudelaire đi qua hành lang nhỏ phía dưới cầu thang dẫn đến phòng tranh trong toà lâu đài. Căn phòng tranh khá rộng, có đôi ghế dài cạnh cửa sổ và rất nhiều những bức tranh sơn dầu treo trên các bức tường. Có bảy bức chân dung lớn là bảy đời công tước của dòng họ de Beaudelaire treo bên bức tường đối diện cửa vào, nơi dễ thấy nhất; phía dưới mỗi bức chân dung có một tấm kim loại đề tên và tiểu sử ngắn của các đời công tước. Chuẩn tướng de Beaudelaire đến và ngồi xuống cái ghế dài và để tư lệnh Heartfilique và thiếu tá Almstedt rảo quanh phòng, tự chiêm ngưỡng những bức họa tuổi đời trên trăm năm.

- Henri Orville de Beaudelaire, công tước đời thứ nhất là em họ của vua Henri đệ Nhị à, cũng khá thú vị đấy... - Trung tá Heartfilique lầm bầm với chính mình khi đọc tấm kim loại dưới bức chân dung của công tước đầu tiên của dòng họ de Beaudelaire.

Thiếu tá Almstedt thì cứ mãi nhìn bức chân dung của công tước đời thứ ba, Victoirena Hortense de Beaudelaire. Rồi đoạn quay sang nói với chuẩn tướng de Beaudelaire:

- Chuẩn tướng này, tôi thấy có gì đó là lạ...

- Lạ gì cơ? - Chuẩn tướng de Beaudelaire hỏi lại.

- Cậu bảo cậu là công tước đời thứ bảy, nhưng đây chẳng phải là cậu hay sao?

Chuẩn tướng de Beaudelaire đứng lên khỏi ghế, bước vài bước đến gần những bức hoạ, hết nhìn bức chân dung của Hortense de Beaudelaire lại nhìn về bức chân dung của chính mình được vẽ ba mươi năm về trước. Một lúc sau thì bảo với thiếu tá Almstedt:

- Không, nhưng ban đầu tôi cũng lấy làm lạ rằng tại sao bà công tước Hortense lại giống mình như tạc. Tuy nhiên, tôi là Françoise đời thứ bảy, bà ấy là Hortense đời thứ ba; dù cùng được biết đến với cái tên Annatoire, là người một họ, nhưng tôi là tôi, không phải Hortense...

Rồi đoạn, chuẩn tướng de Beaudelaire cầm thanh trường kiếm vẫn thường đeo ở thắt lưng lên mà nói tiếp:

- ... Nhưng mà, dù thế nào đi nữa, cái bóng của Hortense với danh nghĩa cảnh vệ hoàng hậu, Chuẩn tướng Annatoire d'Reims de Champagne quá lớn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể thoát khỏi cái bóng đó... Tôi tuy hiện tại được trọng dụng và vinh danh, nhưng lại chỉ là cái bóng của người tiền nhiệm. Thanh trường kiếm "Huệ Tây Bạc" đã từng làm nên huyền thoại của một Annatoire de Champagne, nay lại làm nên tên tuổi của một Annatoire de BeaudeIaire.

Bỗng nhiên, có tiếng nói cắt ngang cuộc trò chuyện, cô hầu Martine, mang tạp-dề trắng đang đứng trước cửa phòng tranh, gọi:

- Mesdames, bữa sáng vừa xong.

Chuẩn tướng de Beaudelaire quay lại gật đầu rồi rời khỏi phòng tranh, hướng thẳng về phòng bếp. Trung tá Heartfilique và thiếu tá Almstedt cũng đi theo. Cô hầu Diane đang dọn ra ba đĩa súp, ba phần bánh mỳ nướng và bơ ăn kèm cùng với ba cốc cà phê và một bình sữa nhỏ lên bàn. Cô hầu Martine thì đã đi làm việc khác, còn Diane sau khi dọn bữa điểm tâm thì cất nồi súp sang một bên để chốc nữa ăn cùng với Martine và bác Philippe. Chuẩn tướng de Beaudelaire kê lại những cái ghế để chúng cạnh nhau và ngồi vào chỗ quen thuộc của mình. Thiếu tá Almstedt vào trước và ngồi ghế ở giữa hai người bạn, nhìn đĩa súp một lúc mà nói:

- Với một sĩ quan không quân như tôi, bữa sáng thế này đã quá xa xỉ rồi...

Trung tá Heartfilique, đang phết bơ lên phần bánh mỳ của mình, nghe vậy thì cười, bảo:

- Tôi hàm trung tá đây mà khẩu phần mỗi sáng cũng có là bao, bánh quy với bơ lạc và chút rượu rum, tướng cũng ăn như lính.

- Tôi thì khá khẩm hơn các cậu một chút, súp đóng hộp với mẩu bánh mỳ. - Chuẩn tướng de Beaudelaire cũng chen vào - Thi thoảng cũng có thịt hầm đóng hộp...

- Và cậu hâm nóng súp bằng nến. Tôi cứ tự hỏi nếu món súp của cậu có vị như sáp... - Trung tá Heartfilique đùa.

- Không, súp thì ngon, chỉ tội xong bữa là cái hộp cứ dính xuống bàn.

Các vị tư lệnh đùa với nhau. Rồi thì cũng xong bữa sáng, đến lúc phải lên đường. Chuẩn tướng de Beaudelaire ra cửa gọi bác làm vườn Philippe mang con ngựa đến, thiếu tá Almstedt và trung tá Heartfilique cũng ra sân và lên máy bay, cảm ơn chuẩn tướng de Beaudelaire vì bữa sáng, rồi cất cánh về Paris trước. Tầm tám giờ rưỡi sáng, họ đã có mặt trước điện Versailles. Thiếu tá Almstedt đáp máy bay xuống khoảng sân trước điện Versailles và một lúc sau, chuẩn tướng de Beaudelaire cũng tới nơi.

- Đúng giờ nhỉ, Chuẩn tướng? - Thiếu tá Almstedt mỉm cười chào.

- Suýt nữa thì đúng giờ. - Chuẩn tướng de Beaudelaire đáp lại - Cậu biết không, ngày còn bé tôi đến đây theo bà nội, mang danh công tước tiểu thư danh giá, cảm thấy hạnh phúc vì sinh ra trong thời bình yên của Đệ Nhị Đế chế Pháp; hồi còn trẻ tôi đến đây với vị trí của một thẩm phán Anh quốc, cảm thấy thật lạ lẫm với chính mình trên đất nước tôi xem là quê hương thứ nhất; và bây giờ, tôi lại đến đây trong thân phận tư lệnh cấp cao của Đệ Tam Cộng hoà...

Thiếu tá Almstedt xuống máy bay và lắc đầu nói:

- Lại thế nữa sao? Tôi không hiểu lắm những gì cậu đang nghĩ vì tôi không đứng ở vị trí như cậu, nhưng tôi khá biết cậu cảm thấy thế nào. Công tước tiểu thư de Beaudelaire khi đó và chuẩn tướng de Beaudelaire bây giờ cũng chỉ là một người, nhưng khác nhau lắm. Hai sự thật chẳng thể chọn cả hai, tôi biết. Chúng tôi không cần biết, dẫu cậu có thuần Đức đi chăng nữa, tuy nhiên hiện tại trước mắt chúng tôi cậu là Chuẩn tướng Annatoire de Beaudelaire, một tư lệnh, một đồng đội và là một người bạn...

Trung tá Heartfilique cũng vừa xuống máy bay và khoát tay bảo chuẩn tướng de Beaudelaire:

- Chúng tôi không quan tâm cậu là Đức hay Pháp hay Anh, cứ vứt bỏ hết những nỗi lo đó đi. Cậu lo lắng làm gì, phiền muộn làm gì chứ! Cậu là bạn của chúng tôi, là thượng cấp, là đồng đội của chúng tôi,... Cho dù cậu có trở thành người thiên cổ, tôi vẫn muốn nhắc tên các cậu là Annatoire de Beaudelaire hàm chuẩn tướng và Evalina Sophia Almstedt hàm thiếu tá, hai người bạn và chiến hữu tốt nhất mà tôi từng được biết.

Chuẩn tướng de Beaudelaire kéo sụp vành mũ, cúi đầu và lặng lẽ mỉm cười, buộc dây cương vào cánh máy bay rồi đi trước, nửa chờ đợi nửa vội vàng bước từng bước dài tiến vào trong điện Versailles. Trung tá Heartfilique và thiếu tá Almstedt cũng nhanh chóng đi theo, và được ngài Noël de Castelnau đón tiếp ở sảnh chính. Sau một màn chào hỏi ngắn, các vị tư lệnh cùng vào một căn phòng lớn để bàn một chút về sự ra đi của trung tá Heartfilique.

- Có phải vinh dự cho tôi, được thấy một lúc cả ba đóa hồng chiến hào lừng danh chiến trường ở đây?

Ngài de Castelnau nói rồi đến bên tấm bản đồ lớn treo trên tường và tiếp vào vấn đề chính:

- Như chúng tôi đã đánh điện báo, Hải quân Hoàng gia Anh cần hỗ trợ trong trận đánh sắp tới ở ngoài khơi Jutland và các ngài trong Bộ Tổng Tham mưu đã quyết định gửi vị tư lệnh giỏi nhất có thể cùng với ba trung đoàn pháo binh viện trợ cho họ. Các ngài ấy đã nhất trí sẽ chọn Trung tá Lumière Heartfilique, và tôi cũng tin tưởng điều đó...

Ngài de Castelnau giải thích về kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu cho các vị nữ tư lệnh. Sau khi nghe xong, chuẩn tướng de Beaudelaire và thiếu tá Almstedt gật đầu như tán thành.

- Jutland là phần lãnh thổ của Đan Mạch, đất nước tôi sinh ra và tôi tin tưởng rằng Hải quân Hoàng gia Anh với sự hỗ trợ của pháo binh chỉ huy bởi Trung tá Heartfilique, quân Hiệp ước sẽ không thua... - Thiếu tá Almstedt nhìn sang trung tá Heartfilique và mỉm cười.

Ngài Castelnau gật đầu và vội ra khỏi căn phòng như có chuyện cấp bách, đoạn bảo trung tá Heartfilique khi nào sẵn sàng đi thì đến khoảng sân trước cổng hoàng cung Versailles nhận ba trung đoàn rồi lên đường đến cảng Calais và đi, rồi đóng cửa để các vị nữ tư lệnh ở lại với nhau một lúc.

- Các cậu về Verdun kẻo mọi người chờ...

Trung tá Heartfilique giục hai người kia, rồi cũng tiễn họ ra sân nơi để máy bay. Chuẩn tướng de Beaudelaire tháo dây buộc ngựa và lên yên trong khi thiếu tá Almstedt xoay hướng máy bay lại trước khi lên và chuẩn bị cất cánh. Trung tá Heartfilique đứng cách một đoạn, vẫy tay chào tạm biệt.

- Chúc may mắn trên chiến trường Jutland, Trung tá à.

Thiếu tá Almstedt vẫy tay đáp lại và cất cánh đi trước về Verdun. Chuẩn tướng de Beaudelaire cũng nói một câu tạm biệt trước khi đánh ngựa đi:

- Bảo trọng, Lumina Heartfilique. Mong chúng tôi có ngày gặp lại cậu trở về Verdun.

Trung tá Heartfilique đáp lại:

- Cậu cũng vậy, bảo trọng nhé... "Françoise đệ Thất". Mong có ngày thấy cậu trở về từ Somme.
Chuẩn tướng de Beaudelaire mỉm cười.

- Thôi nào, tôi không chết đâu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Scotland Yard lại gọi tôi là "Sherline Holmes bất tử"...

Trung tá Heartfilique quay đầu bước về phía bậc tam cấp phía sau điện Versailles. Cùng lúc đó, chuẩn tướng de Beaudelaire cũng đánh ngựa đi mất, thẳng hướng về lại Verdun.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro