Chương III: Ma Da Rạch Miễu Can

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Làng Tây Phong tọa lạc tại hạ lưu con sông Tịnh Khang, dân cư ở đây sống chủ yếu bằng nghề chài lưới và ruộng lúa, làng có con rạch Miễu Can nằm vắt từ Tây sang Đông cắt ngôi làng thành hai nửa, dân ở đây quen gọi là Tây Phong Thượng bên bờ bắc, bên còn lại là Tây Phong Hạ. Do địa thế đẹp, thuận lợi cho làm ăn nên vùng này dân cư rất đông đúc, cứ mỗi tháng dân cư các vùng xung quanh lại họp chợ nổi ngay trên con rạch Miễu Can này, nhộn nhịp kẻ bán người mua từ sáng đến tận tối khuya.

Mấy hôm nay làng Tây Phong còn nhộn nhịp hơn thường ngày là bởi có đoàn cải lương từ trên thị xã xuống, nghe đâu là có cô đào nổi tiếng lắm, tài nghệ vang danh cả đất Lục Tỉnh này. Đoàn dựng rạp ở phía Tây Phong Thượng, ngay bên bờ con rạch Miễu Can, ngày đầu tiên mở hát rạp chật kín người xem, các ông Xã, Hương Ký trong làng Tây Phong và những làng xã bên cạnh cũng tề tụ đủ cả. Họ xem ca hát thì ít, chủ yếu là tụ tập ăn chơi và ngắm nghía dung nhan cô Đào vang danh Lục Tỉnh miền Tây tên Ngọc Loan.

Rồi cứ sau mỗi đêm diễn thì lại có vài ông ra sau cánh gà của đoàn hát đòi gặp cho bằng được cô đào mà tán tỉnh, có người còn cho hẳn một sấp bạc hơn 20 đồng – một số tiền cực lớn thời bấy giờ chỉ để gọi là quà ra mắt với cô. Nhưng lần nào cũng vậy, cô chỉ cười trừ rồi tìm đường mà thoái thác, khi thì bận tẩy trang tắm rửa, khi thì phải tập tuồng mới mà xin phép cáo lui. Cứ thế đoàn hát được 7,8 đêm rồi nhưng chả có ai có thể thuyết phục được cô đào đi chơi chợ nổi được một buổi chứ đừng nói là tán tỉnh.

Đến đêm thứ mười hai - gần như là đêm cuối cùng mà Đoàn diễn ở Tây Phong, trời nhá nhem tối, mấy thằng phụ việc lo dựng lại rạp, kéo màn che rồi đánh trống hiệu đã gần đến giờ diễn. Bên trong thì đào chánh, đào phụ, kép, hề chăm chút vẽ mặt, trang điểm chuẩn bị hát.

Bà con xung quanh cũng lác đác kéo đến từng chặp từng chặp, mấy chốc mà hơn một nửa rạp rồi, họ cười cười nói nói với nhau, người thì bàn xem hôm nay sẽ diễn tuồng gì, người thì tiếc nuối đêm nay đã là đêm cuối, cứ thế mà náo nhiệt hẳn lên, bọn con nít thì chạy lăng xăng đùa giỡn, đứa leo lên ngọn cây nhìn cho dễ, đứa thì thập thò quanh cái tấm liễng dựng tạm phía bên cánh gà để xem lén bên trong hậu kì họ trang điểm.

Bỗng từ đâu có tiếng hét thất thanh

- Cháy! Cháy rạp rồi bà con ơi, cháy rồi!

Từ đâu không ai hay ở phía gian sau cùng – nơi phục vụ cơm nước cho đoàn hát lửa đã bốc lên phừng phực cả một góc, lửa gần bén sang cả gian để đạo cụ, quần áo diễn tuồng.

Thế sự nguy cấp, mấy thằng phụ đoàn thằng thì dùng cành cây quật tới tấp, đứa chạy ra con rạch mà múc nước lên cứu hỏa, bà con thì sợ hãi chạy tán loạn, người già con nít không ai bảo ai cứ chen nhau mà chạy, có người sợ quá còn nhảy cả xuống con Rạch mà bơi.

Cảnh bấy giờ hỗn loạn rối ren, kẻ la người khóc inh ỏi khắp nơi. Đến gần hơn 2 tiếng sau thì ngọn lửa mới được dập tắt, cũng may là anh em trong đoàn nhanh tay khuân gần hết đồ đạc ra ngoài. Chỉ có cái rạp là cháy rụi, ông bầu thì mặt mày nhăn nhó coi bộ xót của lắm, chặp sau ông mới đứng lên xin lỗi bà con vì đã để xảy ra sự cố đáng tiếc, cũng như là có cái kết không trọn vẹn trong chuyến lưu diễn lần này.

Bà con đã ra về gần hết thì đoàn hát mới sắp xếp lại đồ đạc đem xuống xuồng, rồi anh em nghỉ ngơi lấy sức mai lại đi sang tỉnh khác mà kiếm cơm. Khi mọi người trấn tĩnh lại thì phát hiện ra cô đào Ngọc Loan đã đi đâu mất, họ chia ra kẻ kêu người gọi nhưng hồi lâu không thấy bất kì dấu hiệu nào của cô Ngọc Loan, người thì bảo cô Ngọc Loan chạy loạn nên lạc mất, kẻ thì nghi cô nhân cơ hội rồi theo ông tổng, ông lý nào rồi cũng nên.

Mấy thằng phụ trong đoàn tiếp tục tìm đến nửa đêm mà vẫn không thấy động tĩnh gì nên mệt mỏi quay trở về xuồng mà nghỉ ngơi. Sáng hôm sau không còn cách nào khác nên mọi người đành thu dọn để đi cho kịp ngày diễn nơi khác, trước khi đi ông bầu còn nhờ những người làng nếu có tin tức gì về cô đào của ông thì xin hãy nhắn giúp ông với.

Đám cháy rạp hát cùng sự mất tích bí ẩn của cô Ngọc Loan tưởng như đã chìm vào quên lãng thì ngót nghét gần 1 tuần sau, ông Ba đi giăng lưới đêm trên con rạch Miễu Can cả đêm mà không được bất kì con cá hay con tôm nào cả, ông chán nản làm mẻ lưới cuối trước khi quay xuồng vào bờ. Mẻ này xem ra cũng chẳng khác những lần trước là bao, cái lưới nhẹ hều từ từ được kéo lên mà không một chút động tĩnh gì cả.

Nhưng khi kéo lên hết thì ông thấy một vật bị mắc kẹt vào trong tấm lưới của mình – một cây trâm cài đầu của phụ nữ, cây trâm này nhìn rất đẹp, trên đầu của nó còn gắn một viên đá lấp lánh như kiểu con cháu nhà giàu có hay cài. Ông vội nhét cây trâm vào trong túi áo rồi thu lưới đi về, chí ít cũng có thứ đem về làm quà cho con gái ông.

Lại nói về cô con gái ông Ba, sau khi nhận được cây trâm mà ông đem về thì suốt ngày ôm khư khư mà ngắm nghía, ai cầm lấy thì đều bị cô la mắng xối xả đòi lại cho bằng được. Lúc đầu thì mọi người tưởng là cô thích món đồ này lắm nên mới giữ gìn như vậy. Nhưng càng ngày cô càng có nhiều hành động lạ hơn, khi thì nửa đêm ôm cây trâm mà hát, lúc thì giữa trưa mang cây trâm ra ngồi trên bờ con rạch Miễu Can mà ngắm nghía, ngắm xong lại ngồi thơ thẩn cười một mình.

Thấy có điều chẳng lành, ông Ba ba lần bảy lượt lén đem cây trâm đi giấu nhưng lạ thay, cứ giấu chỗ nào thì cô con gái ông cũng tìm được ra, có hôm ông uất quá đem ném xuống con rạch thì ngay hôm sau ông lại thấy cô con gái ông ôm đúng chiếc trâm đó mà ngồi cười. Ông cũng tìm hỏi đủ người để biết chỗ thầy bà giỏi để đưa con gái mình tới mà chưa trị, nhưng chưa kịp đi thì đã xảy ra chuyện.

Trưa hôm ấy ông Ba đi làm đồng về, định cơm nước xong xuôi sẽ đưa con gái đi lên gặp ông thầy bùa nổi tiếng ở trên thị xã. Về đến nhà ông gọi mãi mà không thấy con ông đâu, mà nhà chỉ mỗi hai cha con nên nghĩ nó lại ôm cây trâm chạy đi đâu chơi rồi, nên ông chạy đi kiếm khắp nơi. Cứ kiếm đến gần chiều mà chẳng một chút tăm hơi, ông cùng mấy người làng cứ chia nhau ra mà kêu mà gọi. Đến sẩm tối thì có người làng hớt hải chạy từ hướng con rạch Miễu Can lên

- Chú Ba ơi! chú Ba! Có người chết đuối! Có người chết đuối!

Ông Ba cùng cả đám dân làng ùa chạy xuống dưới con rạch, đến nơi tá hỏa khi thấy có một cái xác nằm vướng trong bụi lậy gần đó. Mọi người hè nhau kéo cái xác lên thì hỡi ôi! chính là con Liên con ông Ba, mặt mũi nó trắng bệch, thân thể cứng đờ, máu từ mắt từ mũi nó cứ rỉ ra. Nhưng kinh hãi hơn chính là cái miệng nó, miệng nó nở một nụ cười tựa hồ như mãn nguyện lắm, con mắt nó trắng dã, trợn tròng lên trông vô cùng quái dị.

Ông Ba thì gục xuống ôm lấy cái xác mà khóc nấc lên, miệng liên hồi

- Liên ơi là Liên! Sao con nỡ bỏ cha mà đi hả Liên.

Ông khóc được một chặp thì liệm đi, người làng đưa ông về nhà, xoa dầu cạo gió cho ông tỉnh. Còn cái xác của Liên thì đem về quàng ở sân nhà. Nhưng kì lạ thay, vật thường ngày mà cái Liên nó luôn giữ bên mình là cái trâm thì từ lúc phát hiện ra nó dưới con rạch thì không thấy đâu cả. Ma chay xong xuôi cho con gái thì ông Ba bỗng phát điên phát dại, cứ cười cười nói nói một mình. Người ta bảo ông vì thương con gái quá mà hóa rồ. Thật là thảm cảnh!

Chuyện kì lạ xung quanh con rạch lúc này mới chính thức bắt đầu, những người đi họp chợ trên con rạch thường bảo rằng cứ chập tối là giữa con rạch là có một xoáy nước nhỏ, rồi chặp sau lại hết mất. Những người đi thả lưới đêm thì than phiền được rất ít tôm cá, có hôm còn phải đi về tay trắng. Có người có việc đi đêm ngang qua con rạch thì bảo rằng nghe được tiếng khóc thút thít văng vẳng ở dưới. Những việc kì lạ cộng với cái chết của cô Liên cách đây không lâu càng làng cho dân tình có phần e dè hơn khi có việc đi qua con rạch Miễu Can này.

Nhưng rồi chuyện gì đến cũng đến, vào một buổi chiều đã nhá nhem tối, cả nhà chú Sáu ở bên Tây Phong Hạ đi xuồng qua bên kia bờ để thăm người bà con. Xuồng đi đến giữa dòng thì như vướng phải thứ gì đó mà không nhút nhích được, mặc cho chú cố hết sức mà chèo. Đến khi người dân xung quanh nghe tiếng la hét kêu cứu mà chạy đến thì không còn thấy cái xuồng nhà chú Sáu đâu nữa, chỉ có mỗi chú Sáu là bơi được vào trong bờ, mắt trợn ngược lên sợ hãi như vừa thấy thứ gì kinh khủng lắm, miệng thì la lớn

- Cứu! Cứu tôi, ma... ma da, có ma da.....

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bộ truyện này, cùng đón chờ chương IV nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro