III

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyến tàu rời cảng hai tuần sau đó, cũng là thời điểm y bắt đầu quay lại trường học, bởi vậy, y không hề đến bến cảng. Y đứng tại tháp chuông trong lễ đường nhìn những chiếc tàu rời khỏi cảng sông Chao Phraya, nhưng lại không biết được đâu mới là chuyến tàu mang theo người tình của y rời khỏi nơi này. Thực ra là chiếc tàu nào cũng chẳng còn quan trọng, đột nhiên y không muốn để tâm đến nữa và dường như mọi chuyện trở nên thật nhẹ nhàng, chỉ là không rõ vì sao y vẫn cứ cố chấp nhìn chăm chú những chiếc tàu càng lúc càng xa và cuối cùng biến mất ở phía chân trời. Đến khi y quay đầu lại, một người nào đó bên trong lễ đường đang chơi một điệu dân ca miền nam Trung Quốc bằng đàn accordion và điệu nhạc này khiến y mơ hồ cảm thấy buồn ngủ.

Từ Anh Hạo trước khi đi có để lại cho y địa chỉ của hắn tại Mỹ nhưng cuối cùng y lại không hề gửi thư cho hắn. Một năm trôi qua, y dần dần quên đi việc phải viết thư cũng quên cả những cảm xúc cuồn cuộn trong lòng vào đêm cuối cùng ấy, như thể tất cả những gì y từng trải qua đều không hề tồn tại. Y tốt nghiệp trung học hai năm sau đó và theo sự sắp xếp của gia đình sang Luân Đôn du học. Trước khi đi du học một tháng, y đính hôn.

Y rời nhà đến Luân Đôn vào tháng bảy năm 1930 trên một chuyến tàu đêm rời cảng ước chừng lúc mười giờ. Y đứng trên boong tàu nhìn về phía tháp chuông tại lễ đường và chợt nghĩ đến hai năm trước, y đã từng đứng tại nơi đó chăm chú nhìn về phía cảng sông Chao Phraya, khi ấy, mây trời như rơi xuống và điệu dân ca cổ quẩn quanh kéo y chìm vào cơn mộng mị. Chuyến tàu từ từ rời khỏi bến cảng và mọi thứ cũng dần biến mất khỏi tầm mắt của y. Năm 1930 trong trí nhớ của y rất mơ hồ, dường như bởi vì thiếu đi một màu sắc trọng yếu nào đó mà trở nên vô cùng ảm đạm. Y chỉ nhớ được khi ngồi trên boong tàu, y đã nói chuyện cùng hai người Sài Gòn, là hai thiếu niên còn rất trẻ tuổi, hừng hực khí thế nói về việc đến Hương Cảng chi viện cho cuộc vận động của Việt Nam cộng sản. Năm 1930 dường như là thời kỳ nóng nhất của phong trào Cộng sản trên toàn bộ các nước thuộc địa. Thực ra, y không quá để tâm đến chuyện chính trị, vậy nên y chỉ im lặng lắng nghe hai thiếu niên và thi thoảng mỉm cười, như thể y cũng quan tâm đến những chuyện thế sự. Những năm 30 là thời kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó trở thành niềm tin của những người dân trên khắp các thuộc địa, họ nói về cách mạng để chứng minh sự tồn tại và lòng nhiệt tình của họ và đâu đó thấp thoáng bóng dáng của chủ nghĩa anh hùng phản kháng. Mà sự phản kháng này, y nghĩ rằng đó là vĩ đại, là nhiệt thành, là tràn ngập sức mạnh.

Y ở Luân Đôn ba năm, trong suốt ba năm này, y vẫn chưa từng một lần gửi thư đến nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, y ở lại Anh công tác một thời gian cho đến khi nhận được điện thoại từ gia đình nói hãy trở về kết hôn. Ngày hôn lễ cử hành, chị cả của y từ Paris trở về mang cho y một chai nước hoa, nói là loại cổ điển của Pháp. Y mới ngửi qua đã biết được đây là mùi hương mà người tình mười bảy tuổi của y từng dùng, y nhớ rất kỹ. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng dù có chết y cũng không thể quên loại mùi này. Y chợt nhớ lại cảm giác bất an cùng đau đớn khi lần đầu tiên ngửi thấy nó phảng phất trên mái tóc của hắn, rồi đến ánh nắng ảm đạm hay cả dòng Chao Phraya cuộn sóng, tất cả, y đều nhớ rất rõ ràng.

Cả gia đình cùng nhau dùng bữa tối, có nói chút chuyện bình thường, cũng có nói về cổ phiếu, tài chính và sau cùng lại nói những chuyện liên quan đến nước Mỹ. Một chuyến đi Mỹ thì sao? Người nhà y có hỏi qua y về điều này, là vì xu thế của thời đại hay còn vì bất cứ điều gì khác thì y không rõ. Y nói không muốn đi nhưng dường như lời khước từ của y vốn dĩ chẳng cần thiết.

Suốt mười năm sau đó, y vẫn sẽ thường nghĩ đến Từ Anh Hạo, Từ Anh Hạo của năm mười bảy tuổi đã từng hôn lên vành tai cùng bả vai của y. Trong những năm qua, y đã kết hôn rồi thừa kế gia nghiệp thế nhưng tất cả những chuyện này người tình của y lại không hề hay biết. Y chưa từng gửi đi một lá thư nào bởi nỗi nhớ này dường như vẫn chẳng đủ để y nâng bút. Hay thực ra là vì y đã hoàn toàn mất đi dũng khí để phản kháng với vận mệnh, loại dũng cảm đến tuyệt vọng kia phải chăng chỉ thiếu niên mười sáu tuổi năm ấy mới có và y lại chợt mơ hồ trong những suy nghĩ của chính bản thân mình. Mười năm này có thể coi là mười năm của chiến tranh, y đọc được những tin tức về chiến tranh mỗi ngày và cũng bắt đầu đàm luận về chính trị mặc dù y vốn dĩ không hề hứng thú. Thời gian cứ như vậy mà trôi qua, chẳng mấy chốc, y cũng bước vào cái độ tứ tuần. Y chợt nghĩ có lẽ người tình của y thuở nào sẽ chẳng còn nhận ra y nữa, mà ý nghĩ như vậy lại khiến y cảm thấy vô cùng nực cười.

Y đến Mỹ vào năm 1952 giữa một buổi trưa mùa hè, máy bay hạ cánh xuống sân bay Chicago. Thời điểm này so với lời hứa hẹn hoang đường thuở niên thiếu đã cách xa hơn hai thập kỷ. Ngày hôm ấy, y đến nhà hát opera quốc gia và nghe qua vở La Bohème, khi y bước chân ra khỏi nhà hát, trời đã về xế chiều. Y chợt trông thấy một chiếc Citroen màu đỏ đậu ở phía bên kia đường, tựa như những con đường ở Xiêm La trong trí nhớ của y, khi đó, tình nhân mười bảy tuổi sẽ đứng bên cạnh chiếc xe màu đỏ, dùng tiếng Anh gọi tên của y. Nếu là hai mươi năm trước, y nghĩ, nếu hiện tại là hai mươi năm trước, họ sẽ lái xe thẳng từ Phra Nakhon đến Thonburi, sau đó trốn trong biệt quán đối diện dòng Chao Phraya hôn và làm tình. Y sẽ lại khóc, sẽ lại tựa lên bả vai của hắn và nhìn về dòng sông mờ ảo cuộn sóng. Thân thể của y sẽ lại chìm trong những khoảng mơ hồ, chìm trong thứ tình yêu vốn dĩ đã quá mức tuyệt vọng này. Mỗi lần y rơi nước mắt, y sẽ lại nghĩ xem có phải y đã yêu người tình của mình rồi hay không, đó chỉ là một phản xạ của dục vọng hay thực sự là một tình yêu kỳ lạ không thể nói thành lời. Y cho rằng, có lẽ y đã yêu người tình thuở niên thiếu của mình bằng thứ tình yêu vô vọng như thế.

Y vẫn cố chấp đứng trước của nhà hát, nhìn mãi cho đến khi chiếc xe màu đỏ biến mất ở cuối ngã tư, sau đó mới quay người trở về khách sạn. Cửa sổ khách sạn hướng về phía hồ Michigan, so với biệt quán hai mươi năm trước rộng lớn hơn rất nhiều. Sáu giờ là thời điểm phục vụ mang bữa tối đến, nhưng y từ chối không dùng. Một giờ sau, y bỗng nhiên nhận được cuộc gọi từ người tình của y, hắn hỏi khi nào y tới Chicago. Hôm nay, và y lại nói, nhưng tôi không muốn gặp anh. Nói xong câu này, y bắt đầu rơi nước mắt nhưng rồi lại giấu nhẹm đi tiếng khóc của mình. Vậy được rồi. Tình nhân của y nói, vẫn là thanh âm trầm ấm dịu dàng lại có phần bất đắc dĩ, giống như hai mươi năm về trước, khi hắn hôn lên bả vai y và thì thầm vào tai y những lời yêu đương. Y đã khóc rất nhiều, nhiều đến mức cổ họng nghẹn ứ chẳng còn nói được bất kỳ điều gì và rồi y lại tiếp tục nhìn chăm chăm bên ngoài khung cửa sổ, nhìn mãi cho đến khi sắc trời u ám chìm hẳn vào đêm tối. Đó là khi y nhận ra mình vẫn còn yêu hắn, tựa như mỗi lần y khóc vì hắn trong thuở niên thiếu đều như thế, là bởi y yêu hắn, vĩnh viễn yêu hắn, nhưng đáng tiếc, y lại chưa từng một lần hiểu rõ tình yêu của chính mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro