TAM BENH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

RỐI LOẠN NHÂN CÁCH

NHỮNG VẤN ĐỀ TRONG CHẨN ĐOÁN VÀ TRỊ LIỆU

BS NGUYỄN MINH TIẾN

Dịch và tổng hợp

Rối loạn nhân cách (Personality Disorders) là một trong những chủ đề lớn của tâm bệnh học và vẫn luôn là một đề tài còn được tiếp tục nghiên cứu. Từ khi có các tiêu chí chẩn đoán rõ rệt hơn trong quyển Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Bệnh Tâm thần lần thứ 3 (DSM III: Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders III) của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ năm 1980, các thầy thuốc chuyên khoa tâm bệnh đã có thêm nhiều công cụ để chẩn đoán và từ đó có thêm các định hướng tốt hơn cho việc điều trị. Từ đó đến nay đã có thêm nhiều nghiên cứu để cải tiến và mở rộng các phương pháp tiếp cận những rối loạn này, nhưng DSM III vẫn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc hiểu biết và giúp đỡ những bệnh nhân bị rối loạn nhân cách...

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ CHẨN ĐOÁN

Một trong những cải tiến quan trọng nhất của DSM III là việc xây dựng một hệ thống chẩn đoán đa trục (multi-axial), trong đó có một trục chẩn đoán riêng biệt dành cho các rối loạn nhân cách. Trước khi có DSM III, các rối loạn nhân cách ít được đầu tư nghiên cứu (ngoại trừ rối loạn nhân cách chống đối xã hội –

antisocial personality disorder). Ngày nay, một số các mẫu phỏng vấn theo kiểu “bán cấu trúc” (semi-structured) đã được thiết kế nhằm giúp các thầy thuốc lâm sàng có thể khám, chẩn đoán và nghiên cứu các rối loạn nhân cách. Một hệ thống chẩn đoán đa trục vẫn giữ được tính xác thực với thực tế lâm sàng và còn cung cấp thêm những thông tin hữu dụng cho việc chẩn đoán và lập kế hoạch trị liệu.

Cải tiến quan trọng thứ hai của DSM III là hệ thống các tiêu chí chẩn đoán rõ ràng đối với các loại rối loạn nhân cách. Trước khi có DSM III, ít có sự tin cậy lẫn nhau giữa các thầy thuốc trong việc xác định có hay không có rối loạn nhân cách trên các ca lâm sàng. Khi có các tiêu chí chẩn đoán rõ ràng, việc khảo sát một cách có hệ thống các triệu chứng đặc hiệu của từng rói loạn đã trở nên thuận lợi hơn và độ tin cậy cũng gia tăng trong chẩn đoán các rối loạn nhân cách.

Dù vậy, chẩn đoán các rối loạn nhân cách vẫn là một công việc khó khăn và có lẽ có độ tin cậy ít hơn so với việc chẩn đoán các rối loạn ở trục I. Ngoài ra, việc trị liệu các rối loạn nhân cách thường khó được xác lập tốt vì việc trị liệu còn tùy thuộc nhiều vào những “nghệ thuật lâm sàng” hơn là một khoa học lâm sàng. Tuy nhiên, chẩn đoán rối loạn nhân cách là điều mà các thầy thuốc tâm bệnh phải thực hiện mỗi ngày và việc nhận thức rõ các vấn đề trong chẩn đoán và trị liệu các rối loạn nhân cách có thể sẽ cải thiện việc thực hành lâm sàng của người thầy thuốc.

Những vấn đề trong chẩn đoán các rối loạn nhân cách

Theo DSM III, các đặc trưng nhân cách được định nghĩa là “...

Những phương thức mà một người thường sử dụng để nhận biết, liên hệ và suy nghĩ về bản thân và môi trường sống xung quanh, được thể hiện trong những tình huống xã hội và cá nhân khác nhau. Chỉ khi các đặc trưng nhân cách này trở nên cứng nhắc, không linh hoạt và kém thích nghi, hoặc gây ra những khiếm khuyết quan trọng trong quan hệ xã hội và hoạt động nghề nghiệp, hoặc khiến đương sự bị đau khổ... thì mới gọi là rối loạn nhân cách. Biểu hiện của rối loạn nhân cách nói chung có thể được nhận biết từ tuổi vị thành niên hoặc sớm hơn, và sau đó tiếp diễn suốt đời, mặc dù rằng các biểu hiện này thường giảm bớt vào tuổi trung niên hoặc tuổi già”.

Mặc dù định nghĩa này cố gắng cụ thể hóa khái niệm vè rối loạn nhân cách, nhưng nó vẫn không xác lập ranh giới rõ rệt giữa các rối loạn nhân cách với tình trạng nhân cách bình thường, giữa các rối loạn nhân cách với các rối loạn ở trục I, giữa các loại rối loạn nhân cách khác nhau, hoặc giữa các rối loạn nhân cách với các rối loạn thích nghi (adjustment disorders). Định nghĩa trên cũng cho thấy rằng chỉ khi các đặc trưng nhân cách trở nên cứng nhắc và không thích nghi, hoặc gây nên sự khiếm khuyết và đau khổ chủ quan cho đương sự thì mới được xem là rối loạn nhân cách. Nhưng định nghĩa trên không cho thấy rõ mức độ cứng nhắc và không thích nghi như thế nào hoặc mức độ khiếm khuyết và đau khổ đến mức độ nào thì mới được gọi là rối loạn nhân cách. Dường như rằng, các đặc trưng nhân cách mà chúng ta đang bàn đến ở đây được phân bố theo một liên thể (continuum) đi từ mức độ nhân cách bình thường cho đến mức độ nhân cách bệnh lý, và việc phân chia các mức độ khác nhau trên liên thể này còn tùy thuộc nhiều vào kiến thức cơ bản và kinh nghiệm lâm sàng của từng thầy thuốc. Sự thiếu khả năng xác định một ranh giới rõ rệt giữa trạng thái nhân cách bình thường và các tình trạng rối loạn nhân cách làm giảm độ tin cậy trong việc chẩn đoán các rối loạn nhân cách và cả trong việc trị liệu các rối loạn ấy. Đứng trước một trường hợp lâm sàng cụ thể nào đó, có thể một thầy thuốc này chẩn đoán là rối loạn nhân cách và người bệnh ấy cần được trị liệu, nhưng một thầy thuốc khác lại có thể cho rằng những triệu chứng mà người bệnh thể hiện có thể vẫn còn nằm trong mức giới hạn bình thường. Bằng cách cung cấp những tiêu chí chẩn đoán cho các rối loạn nhân cách, DSM III đã làm tăng độ tin cậy cho các chẩn đoán này. Tuy nhiên, trong việc đánh giá các rối loạn nhân cách, phần nhiều những kiểu cách suy nghĩ và cảm xúc của người bệnh phải được người thầy thuốc suy nghiệm ra vì chúng ít khi được biểu hiện trực tiếp và trọn vẹn trong hành vi của người bệnh.

Một vấn đề khác nẩy sinh từ định nghĩa của DSM III về rối loạn nhân cách là những biểu hiẹn đặc thù của các rối loạn này phải đưọc thể hiện trong nhiều tình huống xã hội và bản thân quan trọng. Nếu đương sự chỉ thể hiện nhân cách bệnh lý nhưng chỉ trong một số hành vi thôi thì cũng chưa gọi là rối loạn nhân cách. Thí dụ một tân binh mới vào quân trường có biểu hiện hành vi theo kiểu “thụ động – gây hấn” (passive-aggressive) để phản ứng lại những yêu cầu quá nghiêm khắc của thượng cấp. Nếu những hành vi thụ động – gây hấn ấy không phải là nét thể hiện chủ yếu của đương sự khi sống ngoài quân trường thì hành vi hiện tại của anh ta chỉ nên được xem là một rối loạn thích nghi có các vấn đề ứng xử chứ chưa nên xem là rối loạn nhân cách.

Một điều dễ gây nhầm lẫn thứ ba là các đặc trưng của rối loạn nhân cách phải có diễn tiến kéo dài chứ không phải chỉ giới hạn trong từng cơn ngắn như nhiều loại rối loạn tâm thần khác. Mặc dù quy định này khá rõ rệt trên lý thuyết, nhưng trên thực tế lâm sàng người ta vẫn thường gặp khó khăn trong việc xác định những vấn đề hiện tại của bệnh nhân đã tồn tại trong thời gian dài hay chỉ là một phần của các rối loạn cấp ở trục I. Điều này đặc biệt hay gặp vì nhiều loại rối loạn ở trục I (ví dụ: trầm cảm) có thể khiến cho bệnh nhân bị lệch lạc nhận thức khi hồi tưởng về quá khứ. Một người bệnh trầm cảm có thể sử dụng một “lăng kính” bi quan trong hiện tại để xem xét những trải nghiệm trước đó trong quá khứ và có thể mô tả cả cuộc đời từ trước đến nay của mình là tồi tệ, dù rằng thực tế không phải như vậy.

Định nghĩa của DSM III cũng cho phép chẩn đoán rối loạn nhân cách khi các đặc trưng nhân cách dẫn đến sự khiếm khuyết hoặc đau khổ đáng kể cho đương sự. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có biểu hiện rối loạn nhân cách không có khả năng tự nhận biết được ý nghĩa của những hành vi của mình và không nhận ra được những thiệt hại mà họ gây ra cho đời sống của bản thân cũng như cho đời sống của những người khác xung quanh họ. Trong các rối loạn ở trục I, các triệu chứng bệnh lý có thể được người bệnh cảm nghiệm như một trạng thái “bất tương hợp với cái Tôi” (ego-dystonic). Bệnh nhân có thể nhận thấy những rối loạn về cảm xúc và hành vi của mình như là những “hiện tượng lạ”, “không phải của ta”. Nhưng trong một số loại rối loạn nhân cách, bệnh nhân lại có thể có thái độ xem các đặc trưng nhân cách ấy là có tính chất “tương hợp với cái Tôi” (ego-syntonic) và phù hợp với sự xác định bản ngã của chính mình. Chính vì thế việc chẩn đoán sẽ gặp nhiều khó khăn nếu người bệnh thông báo những biểu hiện ấy cho thầy thuốc biết.

Tóm lại, có bốn lý do gây ra những khó khăn đặc biệt trong việc chẩn đoán các rối loạn nhân cách:

1.

Khó xác định một ranh giới rõ rệt giữa các rối loạn nhân cách với trạng thái nhân cách bình thường

2.

Khó xác lập được ranh giới giữa các rối loạn nhân cách và những rối loạn ở trục I

3.

     

Khó xác lập được ranh giới giữa các rối loạn nhân cách và các rối loạn thích nghi

4.

     

Người bệnh bị rối loạn nhân cách ít có khả năng báo cáo chính xác các vấn đề về nhân cách của họ khi so sánh với bệnh nhân bị các rối loạn ở trục I.

Vì những lý do trên, việc chẩn đoán các rối loạn nhân cách thường cần áp dụng thêm nhiều phương pháp mà đôi khi có thể không cần thiết trong khi chẩn đoán các rối loạn ở trục I.

Trước tiên, cần phải có thêm những người cung cấp thông tin khác đã biết về người bệnh trong một thời gian dài. Việc này giúp xác định xem những hành vi của người bệnh có thực sự là đã diễn tiến kéo dài và đã xảy ra trong nhiều hoàn cảnh sống khác nhau hay không. Dĩ nhiên, người thầy thuốc cũng cần phải ý thức rõ rằng những người khai bệnh như thế cũng có thể có cách nhìn riêng của họ và thông tin do họ cung cấp cũng có thể là sự thật đã bị bóp méo.

Một phương pháp hữu ích khác trong chẩn đoán các rối loạn nhân cách là thực hiện những cuộc phỏng vấn đánh giá theo thời gian (hay còn gọi là “theo chiều dọc”:

longitudinal evaluative interviews). Việc này giúp xác định xem tình trạng rối loạn nhân cách có phải là thứ phát sau một rối loạn ở trục I hay không, đồng thời giúp cung cấp thêm các dữ liệu về hành vi của người bệnh khi được thể hiện trong nhiều tình huống xã hội khác nhau. Một bệnh nhân bị trầm cảm chủ yếu (major depression) có thể thỏa các tiêu chí chẩn đoán của rối loạn nhân cách cưỡng chế (compulsive personality disorder), nhưng sau một tháng có thể biểu hiện hoàn toàn khác khi các triệu chứng trầm cảm không còn rõ rệt trên lâm sàng.

Chẩn đoán các rối loạn đa dạng (đa rối loạn)

DSM III cho phép chẩn đoán nhiều loại rối loạn nhân cách trên cùng một người bệnh nếu triệu chứng của bệnh nhân đó thỏa các tiêu chí chẩn đoán của nhiều hơn một loại rối loạn nhân cách chuyên biệt. Điều này cho thấy một thực tế rằng nhiều loại rối loạn nhân cách theo DSM III có thể chồng lấp triệu chứng lên nhau và không có ranh giới rõ rệt để tách biệt các rối loạn ấy.

Các kiểu nhân cách (personality style) không có tính chất loại trừ lẫn nhau mà có xu hướng ít nhiều tương tác qua lại với nhau. Thật vậy, một số rối loạn nhân cách theo DSM III cùng chia sẻ chung một số tiết mục (item) trong tiêu chí chẩn đoán. Để giảm bớt sự chồng lấp triệu chứng trong hệ thống chẩn đoán các rối loạn nhân cách, cách duy nhất là phải giảm thiểu số lượng các rối loạn được xác định quá rõ ràng. Việc cung cấp cho người thầy thuốc lâm sàng một sự lựa chọn trong hàng chục loại rối loạn nhân cách khác nhau sẽ làm phong phú thêm cho hệ thống chẩn đoán. Việc có những chẩn đoán đa dạng theo cách này sẽ bảo lưu rất nhiều thông tin quan trọng về người bệnh.

Hệ thống chẩn đoán đa dạng làm giảm bớt những cố gắng trong việc chẩn đoán phân biệt. Khi sử dụng hệ thống chẩn đoán DSM III, người thầy thuốc không bị bắt buộc phải chẩn đoán xác định xem người bệnh bị rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder) hay rối loạn nhân cách kịch tính (histrionic personality disorder), mà chú ý xem bệnh nhân có thỏa tiêu chí cho từng loại rối loạn này hay không và nếu thỏa cả hai thì chẩn đoán cả hai rối loạn cùng lúc.

Các vấn đề trong hệ thống phân loại

Những vấn đề vừa được bàn đến trên đây tất cả đều là do việc không thể có ranh giới rõ ràng trong việc xác định từng loại rối loạn nhân cách riêng biệt. Chúng ta cũng biết rằng những rối loạn này còn có thể hòa lẫn và khó phân biệt với những trạng thái nhân cách bình thường, với các rối loạn thích nghi, với những rối loạn ở trục I và khó phân biệt giữa chính những rối loạn nhân cách khác nhau. Việc thiếu những ranh giới phân biệt rõ ràng phản ánh một số mặt hạn chế trong hệ thống phân loại các rối loạn nhân cách của DSM III.

Việc phân loại bằng cách định danh thườg được sử dụng trong y khoa và cả trong những việc làm của đời sống thường ngày nhằm xác định tên gọi của các sự việc có sự phân định tính chất rõ ràng, ví dụ: ghế là ghế, bàn là bàn... Tuy nhiên, một hệ thống phân loại như thế sẽ bị gãy đổ ngay tại những đường ranh giới phân biệt hai thể loại khác nhau nhưng tính chất của chúng có thể hòa lẫn với nhau. Chẳng hạn một vật có thể có màu đỏ đối với người này nhưng lại có thể là màu cam đối với một người khác.

Cho đến nay, hệ thống phân loại rối loạn nhân cách theo DSM III đã dựa trên mô hình phân loại theo tên bệnh. Điều này tự nó tạo ra các vấn đề do có sự thiếu những ranh giới phân định rõ ràng giữa các rối loạn nhân cách khác nhau cũng như giữa các rối loạn nhân cách và tình trạng nhân cách bình thường như ta đã thấy. Mô hình phân loại này có tính chất thuận tiện và quen thuộc, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra những hạn chế của nó. Các rối loạn nhân cách trong DSM III tốt nhất nên được quan niệm bằng cách phân loại theo “kiểu nguyên mẫu” (prototypal model of categorization). Theo phương pháp phân loại kiểu nguyên mẫu, các rối loạn nhân cách là những tình trạng có tính chất hỗn hợp và chồng lấp. Phân loại theo kiểu nguyên mẫu có nghĩa là bất cứ bệnh nhân nào khi được đặt cho một chẩn đoán thì đó chỉ là một sự phỏng chừng của tình trạng nguyên mẫu hoặc lý tưởng của chẩn đoán đó. Cách thức phân loại này tạo nên một hệ thống chẩn đoán trong đó các thể loại bệnh không được phân định rõ, đồng thời có tính chất chồng lấp và không thuần nhất. Vì thế, một bệnh nhân được chẩn đoán là rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder) chỉ là sự phỏng định của một bệnh nhân có rối loạn nhân cách ranh giới ở mức lý tưởng (hoặc nguyên mẫu), và người bệnh này có thể ở mức “ranh giới của ranh giới” (the borderline of borderline) ví dụ trường hợp những người có rối loạn nhân cách kịch tính (histrionic personality disorder).

Các rối loạn ở trục II của DSM III phù hợp với phương pháp phân loại kiểu nguyên mẫu nhiều hơn các rối loạn ở trục I. Do vậy, các chẩn đoán đa dạng được khuyến khích nhiều hơn và những tiêu chí chẩn đoán cũng có tính đa dạng hơn, chọn lọc hơn thay vì có tính bắt buộc. Một bệnh nhân có thể cùng một lúc thỏa tiêu chí chẩn đoán của nhiều loại rối loạn nhân cách khác nhau. Và những bệnh nhân cùng thỏa tiêu chí chẩn đoán của một loại rối loạn nhân cách nào đó lại có thể hợp thành một nhóm không thuần nhất về mặt triệu chứng.

Một hệ thống phân loại khác dành cho các rối loạn nhân cách cũng đang được chú ý nghiên cứu trong tương lai, đó là mô hình phân loại theo chiều kích (dimensional model). Trong mô hình phân loại này, người thầy thuốc có thể xếp mức độ rối loạn của từng bệnh nhân theo một số chiều kích khác nhau như: tính lệ thuộc (dependency), tính cưỡng chế (compulsivity), tính ranh giới (borderlinearity)... thay vì phân bệnh nhân vào những thể loại chẩn đoán. Hệ thống này còn nhiều bất tiện và chưa quen thuộc với các thầy thuốc lâm sàng trong hiện tại.

Các rối loạn nhân cách “hỗn hợp” và “khác”

DSM III cũng cung cấp thêm hai thể loại là “hỗn hợp” (mixed) và “khác” (other) cho những bệnh nhân thỏa các tiêu chí chẩn đoán rối loạn nhân cách, nhưng không khớp với các tiêu chí đặc hiệu nào để có thể xếp loại vào một trong số các rối loạn nhân cách đã được mô tả

Rối loạn nhân cách “hỗn hợp” nên được dùng để chỉ những bệnh nhân nào có các vấn đề về nhân cách kéo dài nhưng không thỏa tiêu chí của bất kỳ loại rối loạn nhân cách chuyên biệt nào. Nếu một bệnh nhân thỏa tiêu chí cùng lúc hai hoặc nhiều loại rối loạn nhân cách thì người này không được xem là dạng “hỗn hợp”. Bệnh nhân đó nên được chẩn đoán theo tên gọi của loại rối loạn nhân cách mà các tiêu chí của rối loạn đó phù hợp với triệu chứng của bệnh nhân. “Hỗn hợp” là tên chỉ dùng cho những bệnh nhân có rối loạn nhân cách nhưng không đủ tiêu chuẩn để xếp loại.

Chẩn đoán rối loạn nhân cách “khác” (other personality disorder) được dùng khi thầy thuốc nhận thấy bệnh nhân có một tình trạng rối loạn nhân cách cần được đặt tên nhưng cái tên này không nằm trong danh mục chẩn đoán các rối loạn nhân cách của DSM III. Ví dụ người thầy thuốc có thể “cảm thấy” bệnh nhân nên được chẩn đoán là rối loạn nhân cách xung động (impulsive personality disorder) nhưng tên này chưa có trong DSM III. Người thầy thuốc khi đó có thể đặt tên cho tình trạng này là rối loạn nhân cách “khác”. Thêm một ví dụ khác là loại rối loạn nhân cách tự khinh thị (masochistic personality disorder) cũng từng là một loại rối loạn nhân cách “khác” nhưng sau đó đã được điền thêm vào danh mục những thể loại chẩn đoán thường quy của các rối loạn nhân cách trong DSM III.

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU

Việc trị liệu những người bệnh bị rối loạn nhân cách bao gồm hầu hết các phương pháp điều trị trong tâm thần học. Mục đích trị liệu cũng nhiều như phưong pháp trị liệu. Riêng về tâm lý trị liệu, gần đây có sự bùng nổ trong việc phát triển nhiều loại liệu pháp tâm lý khác nhau mà số lượng có thể lên đến hơn 200 thể loại đan xen lẫn nhau. Mặc dù không có sự phân biệt rõ rệt, các liệu pháp này có thể phân chia thành những nhóm tương ứng như sau:

-

Liệu pháp tâm động học (psychodynamic)

-

        

Liệu pháp tâm lý hỗ trợ (supportive)

-

        

Liệu pháp hành vi (behavioral)

-

Liệu pháp nhận thức (cognitive)

-

Liệu pháp quan hệ liên cá nhân (interpersonal)

-

        

Liệu pháp “chiến lược - hệ thống” (strategic-systems)

-

        

Liệu pháp hóa dược (pharmacologic)

Các phương pháp trị liệu này có thể áp dụng với thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn, và dưới các hình thức trị liệu cá nhân, trị liệu gia đình hoặc trị liệu nhóm.

Các khuyến cáo trị liệu sẽ tập trung cho từng loại rối loạn nhân cách trong trường hợp chẩn đoán chỉ đơn thuần là một loại rối loạn. Nhưng điều thường hay xảy ra hơn trong thực tế là một bệnh nhân thường có biểu hiện nhiều rối loạn đồng thời, cho nên các khuyến cáo trị liệu như thế phải được ngoại suy khi áp dụng cho từng trường hợp trên thực tế. Lý do khiến DSM III có riêng một trục dành cho chẩn đoán các rối loạn nhân cách là để giúp các thầy thuốc thực hành có thể xem xét các ảnh hưởng mà một tình trạng rối loạn nhân cách có thể tạo nên trên quá trình diễn tiến và kết quả trị liệu của một rối loạn ở trục I. Sự hiện diện của các đặc trưng nhân cách gây kém thích nghi kéo dài chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trên việc điều trị một rối loạn ở trục I hoặc trên bất kỳ một bệnh lý y khoa nào khác.

Không có những lý thuyết giáo điều trong việc trị liệu những rối loạn nhân cách. Thay vào đó, việc nghiên cứu có hệ thống và các phán đoán lâm sàng cần phải rất linh hoạt. Những mục đích trị liệu, những yếu tố thuận lợi, các nguồn lực và sở thích sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lựa một phương thức trị liệu đúng đắn.

Mục đích trị liệu

Mục đích trị liệu có thể giúp định hướng cho việc trị liệu những bệnh nhân bị rối loạn nhân cách. Một số mục đích có thể thích ứng chuyên biệt với một hoặc một vài phương thức trị liệu, nhưng lại có những mục đích chỉ phù hợp với một loại phương pháp trị liệu nào đó. Điều cần nhớ là các mục đích trị liệu có thể bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý khác nhau kèm theo, bởi chính các triệu chứng trong hiện tại cũng như bởi hoàn cảnh sống của bệnh nhân.

Mặc dù các rối loạn nhân cách là những bệnh lý gây nên tình trạng khiếm khuyết chức năng lan tỏa, nhưng thông thường chúng ta chỉ tập trung việc trị liệu nhắm vào những triệu chứng đích (target symptom) nổi bật nhất và dễ tiếp cận nhất. Ví dụ: những rối loạn tư duy của nhân cách kiểu phân liệt (schizotypal), sự giao động cảm xúc của nhân cách ranh giới (borderline)... Một số phương pháp trị liệu như hóa dược, liệu pháp hành vi ngắn hạn hoặc liệu pháp chiến lược, có xu hướng nhắm đến những triệu chứng hoặc hành vi đích có tính chuyên biệt ngay cả khi những triệu chứng hoặc hành vi này được biểu hiện trong một bối cảnh bệnh lý phức tạp. Việc định hướng trị liệu nhắm vào cải thiện một hành vi đích có thể có nhiều lý do :

1.Vì đây là phương thức dễ làm nhất, trực tiếp nhất và hiệu quả nhất

2.

Vì việc này có thể khởi động một chu trình cải thiện các khía cạnh khác trong nhân cách của người bệnh bằng cách khuếch đại các thay đổi ban đầu, tuy nhỏ nhưng tích cực

3.

     

Đôi khi đó là tất cả những gì có thể làm được cho bệnh nhân đó hoặc tình huống đó.

Một mục đích khác trong trị liệu các rối loạn nhân cách là thúc đẩy những thay đổi trong cấu trúc nội tâm và các cơ chế tự vệ của người bệnh. Đây là những việc khó xác định rõ và khó đạt đến mặc dù có nhiều phương pháp trị liệu đầy triển vọng đang được phát triển. Đây cũng là những mục đích đặc hiệu của liệu pháp tâm động học, có tác dụng làm giảm bớt những đặc trưng nhân cách cũng như các cơ chế tự vệ có tính cứng nhắc và kém thích nghi của người bệnh. Tuy nhiên, việc này không có nghĩa là phải thay đổi tính tình của bệnh nhân. Ví dụ: ta không thể chuyển một bệnh nhân có tính cưỡng chế (compulsive) thành một người

hysterie, mà là nhằm làm cho cấu trúc tự vệ mang tính cưỡng chế của bệnh nhân trở nên bớt đi tính chất tự động và cứng nhắc bằng cách làm gia tăng khả năng nội thị (insight) và kiểm soát các xung đột vô thức của người bệnh. Liệu pháp tâm động học có thể áp dụng với nhiều mức độ khác nhau trong việc thay đổi tính cách của bệnh nhân. Liệu pháp trọng điểm (focal therapy) là một loại liệu pháp tâm lý ngắn hạn, chủ yếu nhằm phân tích và giải quyết một vấn đề với mục tiêu ngắn hạn; trong khi liệu pháp phân tâm (psychoanalysis) thường có mục đích lớn hơn, nhằm bộc lộ và giải quyết toàn bộ các xung đột dồn nén và thoái lùi bên trong vô thức.

Một mục đích thường được đặt ra trong tâm lý trị liệu là nhằm thay đổi các quan hệ xã hội của bệnh nhân. Một số phương pháp chẩn đoán nhân cách đã được thiết kế dựa trên việc đánh giá các kỹ năng quan hệ xã hội của bẹnh nhân, và việc đánh giá này là một phần quan trọng trong chẩn đoán các rối loạn nhân cách. Trong trị liệu các các rối loạn nhân cách, mục đích cải thiện kỹ năng quan hệ xã hội chủ yếu được áp dụng dưới hình thức trị liệu nhóm, điều chỉnh quan hệ và trị liệu gia đình.

Trong nhiều trường hợp, mục đích trị liệu còn nhằm hỗ trợ cho các khuôn mẫu nhân cách và cơ chế tự vệ đặc thù của bệnh nhân nhằm giúp bệnh nhân vượt qua được các hoàn cảnh gây stress, sao cho sự thoái lùi hạn chế ở mức thấp nhất và sự hợp tác với kế hoạch trị liệu được phát huy ở mức cao nhất. Khá nhiều người bệnh có những đặc trưng nhân cách kiên định, bất di bất dịch; khi đó, việc trị liệu tốt nhất nên hỗ trợ những cơ chế tự vệ đặc thù của người bệnh nhằm làm giảm khuynh hướng diễn tiến sang các rối loạn mất bù trù ở trục I và ngăn chận sự xuất hiện những hành vi kém thích nghi.

Liệu pháp hóa dược

Hầu hết các rối loạn nhân cách đều không đáp ứng với điều trị bằng thuốc và đây cũng là một cơ sở cho việc chẩn đoán phân biệt giữa rối loạn nhân cách và rối loạn khí sắc. Tuy nhiên, gần đây có sự gia tăng khuynh hướng dùng thuốc trong điều trị các rối loạn nhân cách. Những kết quả tốt nhất trong điều trị một triệu chứng đích (ví dụ triệu chứng trầm cảm ở một bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới) có thể được khái quát hóa như trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu để kiểm chứng điều này. Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy các tác dụng có lợi của thuốc chống loạn thần trong việc điều trị nhân cách kiểu phân liệt và thuốc chống trầm cảm đối với một số trường hợp rối loạn nhân cách ranh giới. Kelin đã sử dụng thuốc nóm IMAO để điều trị trạng thái

hysteroid dysphoric

và Ritkin dùng Lithium để điều trị các ‘rối loạn tính tình có cảm xúc không ổn định’ (tương đương với các chẩn đoán rối loạn nhân cách kịch tính và rối loạn nhân cách ranh giới trong DSM III). Rối loạn nhân cách tránh né (avoidant) kèm theo những cơn hoảng loạn (panic attack) có thể có lợi khi được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic) hoặc IMAO – Thuốc chống trầm cảm cũng có thể tác dụng tốt vói một số trường hợp rối loạn nhân cách tự khinh thị (masochisic).

Liệu pháp hành vi

Có vẻ gì đó hơi nghịch lý khi ta bàn đến việc áp dụng liệu pháp hành vi trên các trường hợp rối loạn nhân cách, bởi khái niệm ‘nhân cách’ là điều có tính trái ngược với quan điểm của các nhà trị liệu hành vi chính thống. Tuy nhiên, liệu pháp hành vi là một phương pháp trị liệu có trọng tâm nhắm vào triệu chứng (symptom-focused) và có thể có một tác dụng giới hạn hoặc thậm chí là một tác dụng toàn diện trên chức năng của nhân cách. Ví dụ việc huấn luyện tính quyết đoán (assertiveness training) có tác dụng tốt đối với những bệnh nhân rối loạn nhân cách thụ động – gây hấn, rối loạn nhân cách né tránh và rối loạn nhân cách lệ thuộc. Các kỹ thuật trị liệu nhận thức – hành vi (CBT) để điều chỉnh lại sơ đồ nhận thức của bệnh nhân nên được áp dụng đối với các loại nhận thức phi lý trong rối loạn nhân cách; việc áp dụng liệu pháp này là một lĩnh vực nghiên cứu rất phong phú trong tương lai.

Liệu pháp quan hệ và liệu pháp gia đình

Việc chẩn đoán một người bị rối loạn nhân cách dường như ngụ ý rằng vấn đề (rối loạn) chỉ tồn tại bên trong bản thân người ấy. Nhưng theo quan điểm hệ thống, không có một nhân cách bị rối loạn mà chỉ có một hệ thống các mối quan hệ bị rối loạn. Tuy nhiên, việc này tạo nên một sự phân chia giả tạo giữa hai trạng thái: các rối loạn nhân cách theo định nghĩa của DSM III và những rối loạn về mặt quan hệ xã hội ở mức độ rộng. Những bệnh nhân thỏa các tiêu chí của một loại rối loạn nhân cách nào đó cũng đều có những phong cách bệnh lý đặc trưng có liên quan đến những loại rối loạn nhân cách khác. Ví dụ:

-

        

Phong cách

paranoid: ngờ vực, không tự tin

-

Phong cách dạng phân liệt (schizoid): bàng quan, xa cách

-

        

Phong cách kiểu phân liệt (schizotypal): lo âu, nghi ngờ, tự cô lập

-

        

Phong cách kịch tính (histrionic): tự buông thả, lệ thuộc, ve vãn, quyến rũ

-

Phong cách ái kỷ (narcissistic): lợi dụng, phô trương, nắm quyền

-

Phong cách chống đối xã hội (antisocial): vô trách nhiệm, có tính lợi dụng

-

        

Phong cách ranh giới (borderline): quan hệ thân sâu nhưng không bền vững

-

        

Phong cách tránh né (avoidant): vô trách nhiệm theo kiểu thụ động và thù nghịch

-

Phong cách tự khinh thị (masochistic): tự hành hạ, khêu gợi có tính tội lỗi...

Các rối loạn nhân cách được xem như những khuôn mẫu quan hệ khi mà hành vi của một người được duy trì bởi sự biểu hiện của những hành vi bổ trợ nhằm củng cố hành vi gốc ban đầu. Nhà trị liệu được khuyến cáo là nên thể hiện những hành vi bổ trợ cho những hành vi có tính lành mạnh hơn so với hành vi hiện tại của bệnh nhân, nhằm phá vỡ các mối quan hệ thông đồng và không lành mạnh.

Ngay cả khi một người không chấp nhận quan điểm hệ thống thì việc trị liệu nhóm và gia đình cũng thường là một phần hữu ích của việc trị liệu. Chất lượng của khả năng quan hệ xã hội của bệnh nhân (hoặc việc thiếu những khả năng này) thường là một phần của tình trạng rối loạn nhân cách của người ấy. Thân nhân của người bệnh trong thực tế đã có thể đầu tư sự quan tâm của họ vào người bệnh khi anh ta không chịu thay đổi, và khi có sự thay đổi xảy ra thì họ lại bị lo sợ hoặc lúng túng. Thân nhân của người bệnh có thể trở thành những đồng minh quan trọng trong việc trị liệu và sự hợp tác tham gia của họ có thể đạt được thông qua việc áp dụng các liệu pháp hôn nhân và gia đình. Một nhà trị liệu nếu không nhận ra được tầm quan trọng của những thân nhân ấy sẽ cảm thấy mình bị cô độc khi làm việc. Khi ấy, nhà trị liệu sẽ phải đương đầu với một hệ thống mà quyền lực của nó gây ra đối với bệnh nhân có thể lớn hơn bất kỳ tác dụng nào mà sự cộng tác trị liệu có thể tạo nên.

Tâm lý trị liệu theo định hướng tâm động học

Mặc dù liệu pháp phân tâm ban đầu được định hướng chữa trị triệu chứng, nhưng nhanh chóng sau đó vấn đề cấu trúc nhân cách đã trở thành tiêu điểm của sự chú ý trong liệu pháp tâm động học. Tâm lý trị liệu theo hướng tâm động học (psychodynamic psychotherapy) đã cung cấp những kỹ thuật trị liệu tập trung vào sự thay đổi các cấu trúc nhân cách. Hầu hết các tư liệu y văn liên quan đến việc trị liệu các rối loạn nhân cách đều dựa trên nền tảng phân tâm học hoặc tâm động học.

Các khái niệm trong tâm động học như “chuyển di” (transference) và “chuyển di ngược” (counter-transference) đều đặc biệt thích hợp với việc trị liệu các rối loạn nhân cách. Các rối loạn nhân cách có một tác động sâu sắc đến các mối quan hệ xã hội và phong cách quan hệ có tính bệnh lý đặc trưng sẽ tái diễn lại trong mối quan hệ chuyển di. Vì thế, trong trị liệu cần phải thiết lập được một mối quan hệ trị liệu có tính xây dựng, đồng thời cũng tạo nên những cơ hội cho việc tìm hiểu và diễn giải. Nhà trị liệu thường sẽ phát triển một đáp ứng bổ trợ ví dụ: khiển trách về đạo đức, từ chối vì khó chịu, rút lui xa cách, kiểm soát kiểu người cha hoặc gắn bó ve vãn...) từ đó có thể hiểu được cách thức mà bệnh nhân cư xử với những đối tượng quan trọng trong đời của họ và cách thức mà bệnh nhân cảm nhận về những đối tượng ấy cũng như cách thức mà những đối tượng đó đã đối xử với bệnh nhân, rồi sau đó phá vỡ mô hình quan hệ này thông qua khả năng nội thị và những trải nghiệm đúng đắn trong quan hệ giữa người với người.

Những khó khăn đặc biệt trong việc thiết lập mối quan hệ trị liệu với những bệnh nhân rối loạn nhân cách đã đặt ra vấn đề xem lại tính hiệu quả của liệu pháp tâm động học. Đối với những bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới, thay vì áp dụng liệu pháp tâm lý có tính thăm dò (exploratory), người ta khuyên nên dùng các liệu pháp có tính hướng dẫn và hỗ trợ vì ở những bệnh nhân này việc thiết lập những mối quan hệ thâm sâu nhưng kém ổn định có thể dễ dẫn đến những triệu chứng rối nhiễu nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều tác giả khuyên nên áp dụng liệu pháp có tính thăm dò kết hợp với các loại liệu pháp có tính hỗ trợ khác (ví dụ: nhập viện ngắn hạn) để xử lý những đợt loạn thần gây ra sự thoái lùi cấp thời, nguy cơ tự sát hoặc rối loạn khí sắc nặng.

Dĩ nhiên việc lựa chọn liệu pháp còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố chứ không đơn giản là có hay không có triệu chứng của rối loạn nhân cách. Tính đúng đắn của việc áp dụng liệu pháp tâm động học còn tùy thuộc phần nào vào trạng thái tâm lý, khả năng nội thị và sự thay đổi tính tình của người bệnh. Người bệnh có các rối loạn nhân cách kiểu phân liệt, dạng phân liệt hoặc paranoid khi được trị liệu theo hướng tâm động học thì ít có lợi hơn so với những bệnh nhân bị rối loạn nhân cách cưỡng chế, lệ thuộc, né tránh, kịch tính, thụ động – gây hấn, tự khinh thị, hoặc có thể cả rối loạn ái kỷ và ranh giới.

Liệu pháp tâm động học không chỉ là những liệu pháp mở, dài hạn, mà còn có thể áp dụng dưới hình thức giới hạn về thời gian và có sự tập trung về mục tiêu. Quan điểm tâm động học có thể có ích trong những tình huống khi mà kiểu nhân cách của bệnh nhân gây trở ngại cho việc quản lý tâm thần y khoa. Trong một số trường hợp, nhân cách bệnh nhân cần được sự hỗ trợ để giúp người bệnh đương đầu với các tác nhân gây stress (ví dụ như khi mắc một bệnh lý y khoa khác).

KẾT LUẬN

Người thầy thuốc khi chẩn đoán một bệnh nhân bị rối loạn nhân cách thì cũng cần phải quyết định xem bệnh nhân có muốn và có cần được trị liệu hay không. Nếu cần thì các mục tiêu trị liệu có thể là:

-

        

Thay đổi nhân cách

-

Hỗ trợ nhân cách vượt qua giai đoạn stress

-

Hoặc chỉ thay đổi một triệu chứng đích

Sau đó, xem xét liệu pháp đặc biệt nào có thể hiệu quả cho những mục đích này: liệu pháp tâm đọng học, liệu pháp quan hệ, liệu pháp hỗ trợ, liệu pháp hành vi, trị liệu nhóm, trị liệu gia đình hoặc điều trị bằng hóa dược...

Mặc dù chẩn đoán các rối loạn nhân cách là việc khó khăn và kết quả của trị liệu vẫn còn nhiều bàn cãi, nhưng chúng ta vẫn được hướng dẫn bởi cả một truyền thống kinh nghiệm lâm sàng rất phong phú. Và DSM III đã cung cấp một phương pháp chẩn đoán tâm thần học rất đáng tin cậy.

Tâm bệnh học nhân cách hiện diện trong tất cả các cơ sở thực hành lâm sàng. Việc chẩn đoán và trị liệu các rối loạn nhân cách có thể là một nỗ lực quan trọng đối với một thầy thuốc tâm bệnh trong cuộc đời hành nghề của mình. May thay, các công cụ nay đã có sẵn giúp cho công việc này trở nên dễ dàng hơn và được tiến hành một cách có hệ thống hơn.

TRẦM CẢM Ở PHỤ NỮ

BS NGUYỄN MINH TIẾN

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm

(depression)

là một bệnh lý rối loạn về tâm trạng, hay còn gọi là rối loạn khí sắc

(mood disorder), trong đó người bệnh trở nên giảm thiểu khả năng hoạt động về tinh thần, cảm xúc buồn bã, có cái nhìn tiêu cực về bản thân, về thế giới xung quanh và về tương lai... Trong trạng thái trầm cảm, người bệnh thường hay đánh giá thấp về bản thân, cảm thấy mình có lỗi, buồn khổ, giảm giá trị, mất hứng thú đối với cuộc sống, và mơ hồ về tương lai.

Đây là một trong những rối loạn tâm thần thường gặp, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và cả gia đình của họ. Trầm cảm cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến những ý nghĩ và hành vi tự sát.

Phụ nữ có dễ bị trầm cảm hơn nam giới?

Phụ nữ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới gấp hai lần: Nếu tính chung ở nam giới, tỷ lệ người có ít nhất một lần bị mắc chứng trầm cảm trong đời là 10% thì tỷ lệ này ở phụ nữ là 20%. Các tiêu chí để chẩn đoán trầm cảm đều giống nhau ở cả hai giới, tuy nhiên người ta nhận thấy rằng các biểu hiện của trầm cảm ở phụ nữ thường là lo âu, mặc cảm có tội và thay đổi khẩu vị cũng như thói quen ăn uống. Nguyên nhân của sự khác biệt này giữa nam và nữ vẫn chưa được biết rõ; tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có sự liên quan giữa nồng độ các nội tiết tố sinh dục nữ với chứng trầm cảm.

Trầm cảm có những triệu chứng biểu hiện như thế nào?

 Các triệu chứng biểu hiện của trầm cảm từ lâu đã được biết rõ và ta có thể kể ra sau đây một số biểu hiện chính thường gặp: 

·

        

Cảm giác buồn bã, thất vọng và thường dễ khóc

·

Mất đi sự quan tâm, hứng thú và không cảm thấy vui với những thứ mà trước đây vẫn từng cảm thấy thích thú (việc này bao gồm cả những hứng thú với chuyện chăn gối vợ chồng)

·Cảm thấy mình vô dụng, không có giá trị hoặc mặc cảm có lỗi

·

        

Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự sát

·

        

Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều

·

Mất cảm giác ăn ngon, sụt cân, hoặc ngược lại có thể rối loạn thói quen ăn uống kèm theo sụt cân hoặc tăng cân không theo chủ định

·Thường xuyên có cảm giác uể oải, mệt mỏi

·

        

Khó tập trung suy nghĩ và khó đưa ra những quyết định

·

        

Có triệu chứng đau nhức trong cơ thể nhưng không đáp ứng với điều trị thuốc giảm đau thông thường

·

Cảm thấy bất an, bức rức và dễ bực bội, nổi nóng

Nếu bạn thấy mình có một vài trong số những triệu chứng nêu trên kéo dài thường xuyên trong hơn 2 tuần, điều đó báo động cho thấy bạn có thể đang bị trầm cảm và bạn cần được thăm khám bởi một bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Nguyên nhân nào gây ra chứng trầm cảm?

Trạng thái trầm cảm có liên quan đến sự mất cân bằng của các chất hóa học có vai trò trong sự dẫn truyền thần kinh trong não bộ.

Trầm cảm cũng có thể được kích hoạt bởi một số các sự kiện gây stress trong đời sống; vì thế nó có thể xảy ra sau những sự kiện như: cái chết của một người thân, vợ chồng ly hôn hoặc sau một sự chuyển đổi chỗ ở (ví dụ: trầm cảm xảy ra ở những người trẻ mới trưởng thành rời quê nhà lên thành phố học đại học hoặc làm việc...)

Trầm cảm cũng có thể có tính di truyền. Yếu tố di truyền có thể được thấy rõ trong trường hợp những gia đình có những người mắc trầm cảm ở các thế hệ khác nhau.

Trầm cảm cũng có thể xuất hiện khi dùng một số thuốc chữa bệnh, khi lạm dụng các chất gây nghiện (rượu, ma túy) hoặc khi bị mắc những căn bệnh mãn tính lâu ngày...

Một số phụ nữ có thể có tình trạng giao động khí sắc trong thời gian vài ngày sau khi sinh con. Họ có thể cảm thấy hơi bị trầm uất, khó tập trung, ăn mất ngon và khó ngủ ngay cả khi đã cho em bé ngủ. Tình trạng này có thể diễn tiến nhẹ dần và mất đi trong vòng 10 ngày sau khi sinh. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ có thể có biểu hiện ngày càng nặng hơn và diễn tiến thành trầm cảm thực sự - y học gọi đây là chứng

trầm cảm sau sanh (postpartum depression).

Sự khác biệt giữa trầm cảm ở phụ nữ so với trầm cảm ở nam giới

Bảng so sánh dưới đây sẽ cho thấy sự khác nhau giữa trầm cảm ở nam và nữ:

Các biểu hiện của trầm cảm

Sự khác biệt ở nữ khi so với nam

Tỷ lệ mắc trầm cảm

Tuổi khởi phát bệnh

Thời gian kéo dài một đợt trầm cảm

Diễn tiến bệnh

Liên quan với các sự kiện gây stress

Các triệu chứng không điển hình của trầm cảm như ngủ nhiều, ăn nhiều...

Độ nặng của trầm cảm do người bệnh tự đánh giá

Cảm giác có lỗi

Hành vi tự sát

Liên quan với chứng lo âu, ám ảnh sợ hoặc những cơn hoảng sợ

Rối loạn ăn uống

Kèm theo lạm dụng rượu, ma túy

Kèm theo bệnh ở tuyến giáp (bướu cổ)

Kèm theo bệnh đau nửa đầu

(migraine)

Có liên quan đến các rối loạn nhân cách (ví dụ: nhân cách chống xã hội, nhân cách ái kỷ hoặc nhân cách ám ảnh...

Ảnh hưởng của các nội tiết tố sinh dục nữ đối với tâm trạng

Ở nữ là 20% (nam chỉ 10%)

Sớm hơn

Dài hơn

Các đợt trầm cảm dễ xảy ra, hay tái phát

Thường hơn

Nhiều hơn

Thường tự đánh giá là nặng hơn

Thường xảy ra hơn

Ý tưởng tự sát thường xảy ra hơn, nhưng hành vi tự sát thành công thì ít hơn

Hay đi kèm vói các rối loạn này nhiều hơn

Nhiều hơn

Ít hơn

Nhiều hơn

Nhiều hơn

Ít hơn

Nhiều hơn

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng độ nặng của trầm cảm ở phụ nữ

Có thể kể ra một số yếu tố sau đây: 

·

Trong gia đình đã từng có người bị trầm cảm

·

Bản thân đã từng có lần bị trầm cảm, đặc biệt là khi điều này xảy ra rất sớm trong giai đoạn mới dậy thì

·

        

Bị mất một hoặc cả hai cha và mẹ từ trước khi lên 10 tuổi

·

        

Lúc còn nhỏ bị bạo hành thể xác hoặc xâm hại tình dục

·

Đang sử dụng thuốc viên ngừa thai uống mỗi ngày, đặc biệt là loại thuốc có hàm lượngprogesterone

cao.

·

        

Đang sử dụng thuốc kích thích rụng trứng để điều trị vô sinh

·

Thường xuyên có những yếu tố gây stress trong đời sống, vì dụ như mất việc làm hoặc xung đột trong hôn nhân chẳng hạn...

·

Thiếu những nguồn lực hỗ trợ từ gia đình và xã hội

Trầm cảm được chữa trị như thế nào ?

Có hai phương pháp điều trị trầm cảm, hoặc được thực hiện đơn lẻ từng phương pháp hoặc cũng có thể phối hợp cả hai cùng lúc; đó là: điều trị bằng thuốc (hóa dược) và tâm lý trị liệu.

1.

Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm (Antidepressants)

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm. Người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này mà nhất thiết phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Thời gian điều trị cũng cần phải được bảo đảm thực hiện đầy đủ. Tùy theo đợt trầm cảm xuất hiện lần đầu hay là đợt tái phát mà thời gian điều trị thuốc có thể thay đổi từ 6 tháng cho đến vài năm. Cần theo dõi và khám định kỳ trong thời gian dùng thuốc để bác sĩ có thể đánh giá hiệu quả của việc dùng thuốc cùng các tác dụng phụ của thuốc nếu có. Đặc biệt ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, việc dùng thuốc cũng phải hết sức thận trọng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Nếu dùng thuốc có hiệu quả, người bệnh có thể cảm thấy ăn ngủ tốt hơn, tái lập dần các hứng thú với cuộc sống và có cái nhìn tích cực hơn về tương lai cũng như về bản thân. Mặc dù hiệu quả của thuốc có thể bắt đầu nhận thấy sau một tuần điều trị, tuy nhiên hiệu quả đầy đủ nhất do tác dụng của thuốc chỉ có thể đạt được sau 8-12 tuần dùng thuốc.

2.

     

Tâm lý trị liệu (Psychotherapy)

Tâm lý trị liệu là phương pháp chữa trị bằng cách dùng các kỹ thuật tiếp cận và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Liệu pháp nhận thức – hành vi

(CBT : Cognitive Behavior Therapy)

thường được sử dụng để giúp người bệnh trầm cảm hình thành những suy nghĩ tích cực hơn về bản thân mình, về thế giới xung quanh và về tương lai.

Bên cạnh đó, một số các biện pháp hỗ trợ khác về tâm lý – xã hội, ví dụ: huấn luyện nâng cao kỹ năng giao tiếp, hóa giải xung đột... cũng có thể giúp người bệnh hội nhập tốt hơn vào đời sống và thích nghi hơn với công việc.

Trường hợp phụ nữ bị trầm cảm kèm theo bối cảnh có các vấn đề xung đột quan hệ vợ chồng, mâu thuẫn gia đình... có thể phải cần đến tham vấn hôn nhân hoặc trị liệu gia đình...

Một số điều ‘‘Nên’’ và ‘‘Không nên’’ khi bị trầm cảm

·

        

Đừng tự cô lập bản thân. Nên cố gắng duy trì sự tiếp xúc với những người thân, nếu có thể thì nên nói chuyện với bác sĩ của bạn, với bạn bè, đồng nghiệp, hoặc thậm chí có thể tìm đến một chuyên viên tham vấn tâm lý.

·

        

Đừng vội vã thực hiện những quyết định quan trọng chẳng hạn như ly hôn hoặc ly thân, bởi vì bạn khó có thể suy nghĩ sáng suốt khi đang trầm cảm.

·

Đừng tự trách bản thân vì mình bị trầm cảm vì bạn đã không tự gây ra căn bệnh này cho mình.

·

Đừng thất vọng vì mình không thể cảm thấy cuộc sống một cách tốt đẹp; cần phải kiên nhẫn với căn bệnh này. Việc chữa trị cần có thời gian để bệnh cải thiện.

·

        

Đừng bỏ cuộc

·

        

Nên tập thể dục thường xuyên, vì việc này giúp cải thiện sức khỏe và giúp bạn lấy lại năng lượng cho tinh thần của mình

·

Tập lại thói quen ăn uống điều độ và thành phần thức ăn cân đối giữa các chất

·

Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

·

        

Nếu bạn đang được tham vấn hoặc trị liệu tâm lý, bạn cần duy trì mối quan hệ và các cuộc làm việc với nhà tham vấn hoặc nhà trị liệu.

·

        

Thiết lập từng bước những mục tiêu nho nhỏ để bạn có thể cố gắng thực hiện. Bắt đầu thực hiện bằng những việc nhỏ để bạn ít bị tổn hao nang lượng tâm trí, gia tăng khả thành công và giúp bạn lấy lại các suy nghĩ tích cực về bản thân.

·

Cố gắng tự khích lệ bản thân trong khi thực hiện những mục tiêu ấy.

·

Bạn cần tiếp thu đầy đủ những thông tin có liên quan đến căn bệnh trầm cảm và cách thức chữa trị nó.

·

        

Gọi điện thoại hoặc tiếp xúc ngay với bác sĩ đang điều trị cho bạn hoặc gọi điện cho một chuyên viên (hoặc một trung tâm) tham vấn khủng hoảng khi bạn có ý nghĩ muốn tự sát.

·

        

Những thân nhân trong gia đình của bạn cũng cần biết rõ những điều trên đây giống như bạn.

Khi nào phải nhập viện để điều trị?

Phần lớn những trường hợp trầm cảm nhẹ có thể được chữa trị ngoại trú, dù người bệnh được điều trị bằng thuốc, bằng tâm lý trị liệu, hoặc phối hợp cả hai phương pháp cùng lúc. Một số trường hợp trầm cảm nặng không đáp ứng với thuốc có thể phải dùng đến liệu pháp choáng điện.

Một số trường hợp cần phải nhập viện để chữa trị như những trường hợp sau :

·

Trầm cảm nặng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chung và chất lượng cuộc sống của người bệnh

·

        

Trầm cảm có ý tưởng tự sát, nhất là đã có lần toan tự sát thực sự

·

        

Trầm cảm không đáp ứng với thuốc

·

Trầm cảm kèm theo tình trạng loạn thần, người bệnh khi ấy có thể có thêm triệu chứng ảo giác và hoang tưởng, không thể kiểm soát bản thân cả về suy nghĩ lẫn hành vi.

Nói chung,

Trầm cảm cần được phát hiện và chữa trị sớm. Việc giải quyết tốt các nhu cầu và thách thức của đời sống, của công việc cũng góp phần giảm bớt các yếu tố gây stress – một yếu tố góp phần làm tăng khả năng trầm cảm ở phụ nữ. Việc rèn luyện các kỹ năng sống, đặc biệt là các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quan hệ xã hội... cùng với việc xây dựng các nhận thức đúng đắn và các thái độ sống tích cực sẽ góp phần gia tăng khả năng thích nghi và ứng phó của bản thân mỗi người đối với các nhu cầu và thách thức của đời sống, từ đó gia tăng khả năng ‘‘đề kháng’’ với các rối loạn tâm thần nói chung cũng như với trầm cảm nói riêng.

GIÚP ĐỠ THIẾU NIÊN BỊ THẤT CHÍ

BS NGUYỄN MINH TIẾN

(dịch từ  

Helping Despairing Adolescents - JPG - Jul/Aug 1998)

Đứng trước một thiếu niên bị thất chí (despairing adolescent), người thầy thuốc lâm sàng có cơ hội để chẩn đoán một trạng thái tâm bệnh, đánh giá nguy cơ tự sát, cùng việc đưa ra các biện pháp trị liệu và phòng ngừa sớm nhằm hạn chế khả năng mắc các bệnh tâm thần về lâu về dài. Mỗi trường hợp phải được xem là một thách thức đối với người thầy thuốc.

THIẾT LẬP TÌNH HUỐNG

Thoạt tiên, người thiếu niên phải

được chào đón, được chấp nhận và không bị phê phán

. Nhân viên tiếp nhận phải nhận thức được các vấn đề về tính riêng tư, bảo mật, tầm quan trọng của việc thiết lập các buổi trị liệu một cách thuận tiện và không để thân chủ phải chờ đợi quá lâu. Nên có một số sách báo, tư liệu và thông tin thích hợp để thân chủ đọc tại phòng chờ đợi, kể cả các thông tin súc tích về tình trạng trầm cảm, lo âu và lạm dụng độc chất (substance abuse). Nhóm nhân viên tiếp nhận cũng nên có những hướng dẫn để bảo đảm sự tự do và riêng tư của thân chủ.

Do nhiều thiếu niên không có khả năng thiết lập được quan hệ với nhà trị liệu, có thể biểu lộ sự thù địch và bực bội, nên nhà trị liệu bắt buộc phải cótính chấp nhận, kiên nhẫn và không phê phán

. Vấn đề về tính riêng tư bảo mật cũng phải được đặt ra ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Nhưng việc bảo mật hoàn toàn không thông báo gì cho cha mẹ hoặc một người lớn khác biết có thể là một “cái bẫy” nếu như có một nguy cơ tự sát hoặc một nguy cơ trầm trọng khác.

Mục đích của lần tư vấn đầu tiên với thiếu niên là nhằm thiết lập một mối quan hệ, khởi đầu việc đánh giá lâm sàng về căn nguyên của tình trạng thất chí của người thiếu niên và đặc biệt là về nguy cơ tự sát, đồng thời bắt đầu hình thành một kế hoạch quản lý và bảo đảm rằng người thiếu niên phải cảm thấy mình được hiểu và được coi trọng để sau đó trở nên hợp tác hơn.

CÁC LÝ DO THẤT CHÍ

Nhiều thiếu niên bị thất chí đã mắc phải một tình trạng rối loạn khả năng thích nghi (adjustment disorder) hoặc đang trong cơn khủng hoảng cảm xúc cấp diễn (acute emotional crisis) mà đây có thể là phản ứng của thiếu niên do gặp khó khăn trong lúc phải hoàn tất những công việc trong quá trình phát triển của mình. Những việc ấy bao gồm: đạt đến sự độc lập, phát triển tính dục, cùng việc làm chủ những thử thách trong học tập và trong khi xin việc làm. Những khủng hoảng thường phát sinh từ các khó khăn trong quan hệ với người cùng tuổi (quan hệ giao tiếp và quan hệ giới tính), sự xung đột với cha mẹ, và sự thất vọng khi không thành đạt các ước muốn trong học tập và trong công việc làm.

Tình trạng trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, hay còn gọi là rối loạn hưng-trầm cảm (depression disorder and bipolar depression) rõ ràng đã bị bỏ qua, không được chẩn đoán và điều trị ở nhiều thiếu niên. Chúng thường xuất hiện lần đầu tiên ở tuổi thiếu niên và là một rối loạn tâm thần quan trọng nhất đáng để xem xét đến. Thất chí có thể là một phần bức tranh ban đầu của một rối loạn dạng phân liệt (schizophreniform disorder) và cũng có thể hiện diện ở một thiếu niên lạm dụng ma túy.

Đánh giá

Điều quan trọng cần nhớ trước tiên là người thiếu niên có khả năng bị trầm cảm. Một bảng liệt kê (hoặc được ghi nhớ trong đầu hoặc được ghi ra giấy, nhưng không sử dụng công khai như một bảng nghiệm kê) sẽ có ích cho việc xác định nguyên nhân thất chí của người thiếu niên.

Bệnh sử khái quát được thâu thập từ những thiếu niên bị thất chí

Bệnh sử hiện tại

* Trầm cảm

- Khí sắc trầm uất, phấn kích, mất hứng thú (anhedonia), “đau nội tâm”.

- Mệt mỏi, ngồi không yên, các rối loạn thực thể (somatic complaints)

- Rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị.

* Lo âu, các cơn sợ hãi.

* Rối loạn hành vi, rối loạn ứng xử, phản ứng thù địch.

* Lạm dụng rượu, ma túy.

* Có ý tưởng tự sát: suy nghĩ, hoạch định, tiếp cận phương tiện dùng để tự sát.

* Các yếu tố gây stress mới xảy ra.

* Hành vi tự gây thương tích cho bản thân: xâm mình, cắt, đốt...

Bệnh sử tâm thần trong quá khứ

* Trầm cảm, lo âu, các cơn sợ hãi.

* Rối loạn ứng xử, rối loạn lăng xăng-kém chú ý (ADHD), khó khăn trong học tập.

* Lạm dụng rượu và ma túy.

* Lạm dụng thể xác, lạm dụng tình dục, bị bỏ rơi.

* Mất sự giáo dưỡng do cha mẹ bị chết hoặc ly dị.

* Bệnh sử tội phạm.

* Cố gắng tự sát.

Bệnh sử xã hội

* Quan hệ gia đình

- Xung đột với cha mẹ

- Cha mẹ quá nghiêm khắc hoặc quá “hiền”

- Xung đột với anh chị em

- Xúc phạm bằng lời nói (verbal abuse), bị bỏ rơi

* Tại trường học

- Việc học tập ở trường (chú ý bất kỳ sự thay đổi nào)

- Vấn đề vi phạm kỷ luật

- Khó tập trung

- Xung đột với giáo viên

* Quan hệ với bạn học

- Hệ thống hỗ trợ xã hội

- Xung đột với bạn học

- Xúc phạm bằng lời nói, lạm dụng thể xác, lạm dụng tình dục

- Mất một người bạn do bị chết, xung đột, hoặc tự sát

* Hoạt động tình dục

- Quan hệ tình dục bừa bãi

- STD, AIDS, có thai ngoài ý muốn, phá thai...

- Đồng tính luyến ái

* Sử dụng rượu và ma túy

- Dùng loại nào, dùng bao nhiêu, khi nào, tại sao...?

- Những hậu quả liên quan đến lạm dụng rượu và ma túy (vd. bị phạt vì lái xe trong khi say rượu...)

* Các vấn đề về hành vi

Ví dụ: Gặp rắc rối với cảnh sát...

Thầy thuốc nên nhận biết rõ về các triệu chứng trầm cảm và loại người bệnh nào có khả năng hình thành nguy cơ trầm cảm. Ngay cả khi người thiếu niên được đưa đến cùng với cha mẹ, điều quan trọng là phải xem người thiếu niên đó là bệnh nhân của mình, phải lắng nghe cẩn thận như đang phỏng vấn một mình thiếu niên đó và phải tỏ ra tôn trọng thân chủ. Tuy nhiên, sau lần phỏng vấn đầu tiên, những thông tin hữu ích sẽ phải được thu thập từ phụ huynh (và đôi khi là từ trường học) về khả năng và môi trường sống của thiếu niên đó, cũng như về tâm bệnh học và bất kỳ bệnh sử trầm cảm của gia đình thân chủ. Điều quan trọng đương nhiên là phải có sự ưng thuận của người thiếu niên để nói chuyện với cha mẹ của họ. Lý tưởng nhất là việc thu thập bệnh sử nên được thực hiện một cách phối hợp. Tuy vậy, các bậc cha mẹ thường mong muốn có được một thời gian ngắn không có sự hiện diện của người thiếu niên, và việc này có thể được tiến hành trong giai đoạn đầu của cuộc đánh giá. Một khi đã bắt đầu trị liệu, để tránh việc bị người bệnh lôi cuốn, tốt nhất là chỉ nên giao tiếp với phụ huynh khi nào có người bệnh cùng hiện diện. Tuy nhiên, nên cho người bệnh biết rằng cha mẹ họ sẽ được thông báo về nguy cơ tự sát và các nguy cơ khác. Mối liên lạc với nhà trường và những nguồn thông tin khác cần được cha mẹ của trẻ em cho phép, và cũng phải được bản thân người thiếu niên đó đồng ý.

Những người trẻ tuổi bị thất chí thường xuyên sẽ có một khí sắc trầm uất, mất hết hy vọng và lòng tin vào tương lai. Những cuộc thẩm vấn đặc hiệu nên được thực hiện để phát hiện sự mất các hứng thú và cảm giác vui thích, những biến đổi trọng lượng cơ thể, giấc ngủ, tốc độ cử động, sự mệt mỏi, cảm giác tội lỗi hoặc bị mất giá trị, mất khả năng tập trung và khả năng quyết định. Độ trầm trọng và thời gian diễn ra các triệu chứng là rất quan trọng; và nên báo động về các triệu chứng loạn tâm hoặc biểu hiện của các triệu chứng hưng cảm. Bảng dưới đây sẽ trình bày mô hình tâm động học về các hành vi tự sát:

Tâm động học và các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tự sát

Những sự kiện gây stress

*

Bệnh sử gia đình:

- Bệnh tâm thần

- Lạm dụng rượu, ma túy

- Hành hạ thể xác

- Lạm dụng tình dục

- Bỏ rơi

- Mất hình ảnh của cha mẹ

- Ly hôn

- Ruồng bỏ

- Chết chóc

- Tiền sử tội phạm

- Tự sát

*

Bệnh sử cá nhân:

- Mất tình bạn thân thiết (do xung đột, chết hoặc tự sát)

- Hỗ trợ xã hội không đầy đủ (vd. khi xung đột với bạn cùng tuổi)

- Ngược đãi bằng lời nói hoặc về thể xác

*

Tính mẫn cảm

- Hỗ trợ xã hội không đầy đủ

- Chiến lược đối phó không đầy đủ

- Kỹ năng giao tiếp kém

- Khả năng kiểm soát xung động kém

- Tự đánh giá thấp bản thân, hung dữ, thất vọng

- Những lỗi lầm về nhận thức

- Các biến đổi trong quá trình phát triển (nhận thức, tình cảm, xã hội)

*

Các trạng thái tâm bệnh

- Trầm cảm

- Lo âu

- Các cơn lo hãi

- Rối loạn hành vi

- Lạm dụng rượu, ma túy

Hành vi

*

Tự hủy hoại

*

Hành vi chống đối xã hội

- Bỏ nhà, trốn học

- Trộm cắp, phá hoại những công trình văn hóa

- Dọa dẫm, đánh nhau

- Xâm mình, tự gây thương tích

*

 

Liều lĩnh, tìm cảm giác mạnh

- Lang chạ tình dục

- Lái xe khi say rượu

*

Hành vi tự sát

- Điệu bộ (cắt cổ tay, dùng quá liều thuốc)

- Cố gắng

- Tự sát

TÍNH MẪN CẢM (VULNERABILITY)

Trầm cảm thường gặp ở tuổi lớn (trên 15) hơn là ở thanh thiếu niên, và thường ở nữ nhiều hơn ở nam; nhưng cũng thường gặp ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như: tiền sử trước đó mắc phải tình trạng trầm cảm dưới mức phát hiện bằng lâm sàng (subclinical depression) và có một cha (hoặc mẹ) bị trầm cảm. Cũng có thể có những yếu tố nguy cơ khác, và những chỉ báo về trầm cảm bao gồm sự giảm sút quan hệ với bạn cùng tuổi hoặc sa sút trong việc học tập ở trường, mâu thuẫn hoặc bị cách ly với cha mẹ, và bất kỳ sự cố nào khác gây mất mát cho người thiếu niên đó. Thật không có gì ngạc nhiên khi các yếu tố như công ăn việc làm cùng mối quan hệ tốt với cha mẹ và giáo viên là những yếu tố bảo vệ hữu hiệu.

Việc ghi nhận chi tiết về tất cả các yếu tố nguy cơ về di truyền, xã hội và tính mẫn cảm khó thể thực hiện đầy đủ trong cuộc tư vấn bình thường. Tuy nhiên, sự nhận biết các yếu tố này và một chỉ số nghi ngờ cao có thể gia tăng khả năng chẩn đoán chính xác, khả năng thiết lập quan hệ cộng tác với người thiếu niên và gia tăng cơ hội cung cấp những hỗ trợ mà từ đó cho phép có thời gian để tiến hành việc đánh giá chính xác hơn.

NGUY CƠ TỰ SÁT

Ở bất kỳ người thiếu niên nào bị thất chí, điều cần thiết là phải đánh giá được các nguy cơ tự sát và có được một chỉ số nghi ngờ cao về điều đó.

Các nguy cơ tự sát:

- Lạm dụng rượu và ma túy

- Đã từng có cố gắng tự sát

- Trầm cảm hoặc hưng-trầm cảm

- Hành vi hung tính hoặc chống đối xã hội

- Tiền sử gia đình có hành vi tự sát

- Có sẵn hung khí

- Các yếu tố gây stress trong đời sống, kể cả các xáo trộn trong gia đình

- Tin tức, sự kiện trên phương tiện truyền thông (media coverage) và sự mô tả hư cấu về tự sát

Đánh giá nguy cơ tự sát

- Việc này có gây cảm giác đau khổ đến mức bạn phải nghĩ đến cái chết không?

- Bạn có những ý nghĩ ấy nhiều ít thế nào?

- Có chuyện gì mới xảy ra gần đây khiến bạn có suy nghĩ như thế không?

- Ước muốn tự sát của bạn mạnh mẽ đến mức nào (cho điểm từ 0 đến 10, từ thấp đến cao)

- Cần thực hiện điều gì để làm giảm bớt một điểm trên thang chấm điểm ấy?

- Bạn đã từng nghĩ đến cách thức tự sát thế nào?

- Phương cách đó bạn đã có sẵn chưa?

- Bạn dự định khi nào sẽ thực hiện việc này?

- Bạn sẽ thực hiện điều này ở đâu?

- Trước đây, bạn đã bao giờ tự sát hoặc tự gây thương tích cho mình?

- Cố gắng đó có dẫn đến thay đổi gì không?

- Ai có thể giúp đỡ bạn hoặc bạn muốn ai giúp đỡ bạn?

- Có lý do nào khiến bạn từ bỏ việc tự sát?

- Nếu bạn có thể thấy trước được tương lai, bạn cảm thấy mình có thể trông mong được gì?

Điều quan trọng là

không nên sợ khi phải hỏi trực tiếp người thiếu niên về những ý nghĩ và dự tính tự sát

.

Mặc dù, thiếu niên hiếm khi trình bày những ý nghĩ này một cách đặc hiệu, nhưng họ sẽ cảm thấy dịu nhẹ hơn khi được hỏi chuyện trực tiếp một cách nhẹ nhàng, không đối đầu mà cũng không phê phán. Nếu họ thực sự có một ý tưởng tự sát, điều cần thiết là phải hỏi thêm về tần suất và cường độ của những ý tưởng như thế, về bất kỳ cố gắng tự sát nào trước đó, và đặc biệt là những kế hoạch cụ thể bằng cách nào và khi nào họ có thể thực hiện được cố gắng đó.

Sẽ không đúng và thật là nguy hiểm khi xem hành vi tự sát chỉ là một cách đe dọa để gây sự chú ý

.

Do bản chất của hành vi tự sát là sẽ gây nên sự tổn hại cho đời sống, tính bảo mật cần được bỏ qua một khi người thiếu niên được đánh giá là đang có nguy cơ tự sát rõ rệt. Một người lớn thích hợp phải được giữ liên hệ thường xuyên và phải quyết định về nơi chốn an toàn cho người thiếu niên ấy. Có lẽ nên có một thỏa thuận ngắn hạn (24-48 giờ) để tiếp tục xem xét. Nếu người thiếu niên đã thực sự thực hiện một cố gắng tự sát và biểu hiện tình trạng khẩn cấp, tốt nhất là nên vào bệnh viện để được đánh giá tổng quát bởi một bác sĩ tâm thần chuyên về trẻ em và thiếu niên.

Nhiều thiếu niên đã thực hiện cố gắng tự sát một thời gian ngắn trước đó và đã được các thầy thuốc phát hiện. Việc xử trí nhạy cảm trong một cuộc tiếp xúc như vậy, với sự phát triển một mối quan hệ trị liệu và thiết lập một thỏa thuận, có thể nhanh chóng làm giảm nguy cơ tự sát. Những lời nói vô vị như “muốn đe dọa thì chẳng ai làm thế đâu!” nên được loại bỏ và các thầy thuốc nên biết rằng những thiếu niên có rối loạn khí sắc và rối loạn nhân cách trầm trọng một lúc nào đó có thể trải qua nguy cơ tự sát.

Việc xử trí tức thời những bệnh nhân có nguy cơ tự sát bao gồm sự đánh giá về hoàn cảnh gia đình và môi trường sống, giảm thiểu các yếu tố gây stress trong môi trường và hoạch định một kế hoạch trị liệu dài hạn. Bệnh nhân sẽ cần đến một sự hỗ trợ để hiểu biết về những khó khăn từ thời thơ ấu của họ, giáo dục về bản chất của tình trạng trầm cảm và hiệu quả của việc trị liệu, và những số điện thoại cần biết để liên hệ khẩn cấp.

HỖ TRỢ CỦA NHÀ CHUYÊN MÔN

Khi người thiếu niên bị đe dọa nghiêm trọng đến bản thân, hoặc vì nguy cơ tự sát, hoặc vì sự chăm sóc và hỗ trợ gia đình không đầy đủ, họ cần được nhập viện. Thiếu niên ấy cần được bảo đảm an toàn và giám sát chặt chẽ.

TRỊ LIỆU

Thuốc chống trầm cảm

*

Thuốc chống trầm cảm Tricyclic

*

Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin

(SSRI)

* Thuốc ức chế men monoaminooxudase (MAOI)

*

Lithium

Trị liệu tâm lý

Việc thăm dò các yếu tố gây stress (stressor) và tính mẫn cảm của các thiếu niên có thể cung cấp sự hỗ trợ và làm giảm các triệu chứng. Cần chú ý đến các nhu cầu tâm lý cá nhân và, khi cần, có thể thực hiện các biện pháp can thiệp trong khuôn khổ trường học. Trị liệu gia đình cũng có thể có ích.

Liệu pháp nhận thức-hành vi (Cognitive Behavior Therapy)

Liệu pháp nhận thức-hành vi đã cho thấy có hiệu quả trong xử lý trầm cảm. Đó là liệu pháp hữu hiệu nhất để chữa trị cho các thiếu niên. Điều cần thiết trước tiên có lẽ nên nhắm vào tình trạng khủng hoảng mang tính khẩn cấp và làm giảm bớt trầm cảm bằng các thuốc chống trầm cảm mới.

Quản lý lâu dài

Quản lý đúng đắn và lâu dài các rối loạn cảm xúc quan trọng là điều thiết yếu, hoặc thông qua nhóm nhân viên sức khỏe cộng đồng, hoặc qua tư vấn với một bác sĩ tâm thần; có thể bao gồm: 

·

Các thuốc ổn định khí sắc (lithium, carbamazepine, valproate); 

·Liệu pháp tâm lý hướng nội thị (insight-oriented psychotherapy);

·

        

Tham vấn và giáo dục gia đình.

SỰ PHÂN LY VÀ TÌNH TRẠNG ĐA NHÂN CÁCH

Bản dịch của BS. Nguyễn Minh Tiến 

(Nguồn: David G. Myers – Psychology – Seventh Edition, Worth Publishers) 

Trong số các rối loạn tâm thần hiếm gặp và thu hút sự quan tâm nhiều nhất, có một tình trạng được gọi tên là

rối loạn phân ly

(dissociative disorders). Người bị rối loạn ấy có thể trải qua tình trạng đột ngột bị mất trí nhớ hoặc tự nhiên thay đổi hẳn về mặt bản sắc (identity). Con người thường “tự phân ly bản thân mình” khi đứng trước một hoàn cảnh gây stress quá sức chịu đựng. Khi đó ý thức của người đó sẽ được cách ly với những gì đau thương nhất, cả trong ký ức, suy nghĩ và cảm xúc (Cách lý giải này thừa nhận sự tồn tại của những ký ức bị dồn nén, nghĩa là thừa nhận sự tồn tại của vô thức).

Một số triệu chứng của tình trạng phân ly thực sự không phải là hiếm gặp. Đó đây vẫn có nhiều người có cảm nhận về bản thân mình như là không có thực, hoặc cảm giác về tâm trí mình bị tách rời khỏi thân thể, hoặc có người tự quan sát bản thân mình như một nhân vật trong một cuốn phim... Một người có thể lên xe và đi đến một nơi nào đó không định trước trong khi đầu óc thì hoàn toàn nghĩ đến một nơi khác. Khi đương đầu với một sang chấn, một sự phân tách như thế có thể thực sự giúp bảo vệ cho đương sự tránh khỏi tình trạng bị tràn ngập bởi các xúc cảm. Chỉ khi những trải nghiệm như thế có tính chất nghiêm trọng và kéo dài thì người ta mới gọi đó là rối loạn phân ly.

Đặc biệt nhất trong số các rối loạn phân ly là tình trạng có tên

rối loạn bản sắc phân ly

(dissociative identity disorder), trong đó có sự phân ly toàn bộ bản ngã ra khỏi phần ý thức thường ngày của đương sự. Những người này được cho là có từ hai hoặc nhiều hơn hai “nhân thân” khác nhau (tức các phần nhân cách có bản sắc khác nhau) mà các phần này luân phiên nhau kiểm soát các hành vi của đương sự. Những người bị chứng rối loạn này có thể lúc này thì nghiêm túc và chuẩn mực, nhưng lúc khác thì lại nhí nhố, lăng nhăng. Mỗi một nhân cách sẽ có tác phong và ngôn phong riêng của nó, và một cách đặc trưng thì nhân cách gốc ban đầu sẽ chối bỏ không thừa nhận những nhân cách khác đang cùng tồn tại.

Mặc dù những người được chẩn đoán là

đa nhân cách

(multiple personalities) thường không có hành vi bạo lực, nhưng cũng có những trường hợp được báo cáo trong đó đương sự bị phân ly thành hai nhân cách “tốt” và “xấu” (hung hăng) – giống như nhân vật bị phân tách làm hai Tiến sĩ Jekyll và Ông Hyde trứ danh trong câu truyện của Robert Louis Stevenson. Freud hẳn cũng sẽ cho rằng khi loại bỏ được sự nhận biết có ý thức của phần nhân cách ban đầu vốn là “tốt”, phần nhân cách thứ hai với tính chất “xấu” sẽ tự do phóng thích các xung năng mà trước đó đã bị ý thức cấm cản. Sự diễn giải này dường như phù hợp với Kenneth Bianchi, một con người bất thường đã bị đưa ra tòa như một kẻ chuyên gây án theo kiểu “bóp cổ trên sườn đồi”, kẻ đã từng cưỡng bức và giết chết mười phụ nữ ở bang California, Hoa Kỳ. Trong một buổi thực hiện thôi miên cho Bianchi, nhà tâm lý John Watkins (1984) đã “gọi được” một nhân cách đang bị ẩn giấu của anh ta:

Tôi đã nói chuyện một ít với Ken, nhưng tôi nghĩ rằng có thể đã có một phần khác của Ken mà tôi đã không thể nói chuyện được, một phần được cảm nhận như có chút gì đó hơi khác với cái phần mà tôi đã nói chuyện... Khi tôi hỏi ‘‘Anh nói chuyện với tôi chứ?” Bianchi trả lời “Vâng”, nhưng sau đó tự nhận tên mình là “Steve”.

Khi nói chuyện như là một người tên Steve, Bianchi đã nói anh ta (Steve) ghét Ken (cũng chính là Bianchi), bởi vì Ken là người tốt, còn Steve với sự trợ giúp của một người bà con mới chính là kẻ đã giết chết những phụ nữ. Steve cũng cho rằng Ken chẳng biết gì về sự hiện diện của Steve cả và Ken vô tội không phải là kẻ giết người. Liệu rằng cái nhân cách thứ hai của Bianchi có phải là một trò bịp bợm và chạy tội cho những hành động của anh ta hay không? Câu trả lời là “Đúng”. Bianchi, một “chuyên gia nói dối”, một người đã từng đọc các sách tâm lý học viết về đề tài đa nhân cách, và anh ta sau đó đã bị kết án.

Trong khi khảo sát khả năng của con người trong việc chuyển đổi nhân cách, Nicholas Spanos (1986, 1994, 1996) đã yêu cầu một số sinh viên đại học giả định là họ đang bị kết tội là kẻ sát nhân và đang được khám xét bởi một bác sĩ tâm thần. Khi những sinh viên ấy được trải qua sự thôi miên tương tự như cách đã làm với Bianchi, hầu hết trong họ đều tự nhiên thể hiện ra một nhân cách thứ hai. Khám phá này khiến cho Spanos đặt câu hỏi: Phải chăng những “bản sắc” (identity) khác nhau là những phiên bản “cực đoan” hơn của những khả năng bình thường ở con người trong việc thay đổi những cái “ngã” khác nhau mà chúng ta vẫn thường thể hiện – chẳng hạn như ta vẫn thường thể hiện cái tính cách “ngông nghênh”, “quậy phá” khi bù khú với bạn bè, trong khi đó lại thể hiện một cách ngã rất dịu dàng, tôn kính khi ở cạnh ông bà, cha mẹ? Liệu rằng những nhà lâm sàng đã phát hiện ra tình trạng đa nhân cách chỉ vì họ đã kích hoạt khả năng diễn xuất một vai trò nào đó ở những người có xu hướng hay huyễn tưởng (fantasy-prone)? Nếu điều ấy đúng, liệu những người này sau đó có tự thừa nhận rằng thực sự họ chỉ diễn xuất các vai trò của chính họ mà thôi? Họ có giống như các diễn viên không, vì những người này vẫn có lúc thấy mình “tự đánh mất bản thân” trong các vai diễn?

Những tác giả nào công nhận tình trạng bản sắc bị phân ly (dissociative identity) thực sự là một rối loạn có thể tìm thấy những bằng chứng hỗ trợ cho quan điểm của họ trong các trạng thái hoạt động của não bộ và cơ thể trong những nhân cách khác nhau (Putnam, 1991). Khuynh hướng hoạt động bằng một tay (handedness) đôi khi cũng làm chuyển đổi nhân cách (Henninger, 1992). Những ký ức mơ màng về những trải nghiệm của nhân cách này đôi khi không thể chuyển sang cho một nhân cách khác (Eich, 1997). Trong một nghiên cứu của một số bác sĩ nhãn khoa, người ta nhận thấy rằng sự tinh tế về thị lực và sự cân bằng hoạt động của các cơ vận nhãn có thể bị thay đổi khi người bệnh bị chuyển đổi nhân cách. Những thay đổi này không xảy ra trong số những đối tượng nghiên cứu thuộc nhóm đối chứng đang cố giả vờ có tình trạng đa nhân cách (Miller, 1991).

Những người hoài nghi thì vẫn có những nghi ngờ về việc tình trạng đa nhân cách đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian cuối thế kỷ 20. Ở khu vực Bắc Mỹ, số lượng các trường hợp được chẩn đoán từ khoảng 2 ca mỗi thập niên (trong khoảng thời gian 1930-1960) tăng lên đến 20.000 trường hợp chỉ trong thập niên 1980 (McHugh, 1995a). Số lượng các nhân cách được thể hiện cũng tăng vọt từ 3 lên đến 12 nhân cách trên mỗi bệnh nhân (Goff & Sims, 1993). Bằng cách nào mà một loại rối loạn rất có ấn tượng như thế lại có thể trải qua một thời gian dài không được chú ý đầy đủ như vậy? Liệu sự gia tăng đột biến các ca được chẩn đoán có phải là do ảnh hưởng bởi các sách vở và phim ảnh về trạng thái đa nhân cách đã được phát hành trong thời gian đó? Trong khi đó ở khu vực Nam Mỹ, nhiều thầy thuốc lâm sàng đã chẳng hề gặp phải một trường hợp phân ly bản sắc nào và rối loạn này hầu như được xem là không tồn tại, mặc dù ở một số nước, có một số người đã được cho là “sở hữu” thêm một “tinh thần lạ” (alien spirit) (Altridge-Morris, 1989; Kuft, 1991). Ở Anh, chẩn đoán đa nhân cách được xem là hiếm và là một “thói dở hơi theo kiểu Mỹ” (a wacky American fad) (Cohen, 1995). Tại Ấn Độ và Nhật Bản, rối loạn này được xem là không tồn tại.

Đối với những người hoài nghi, những phát hiện này cho thấy đây là một hiện tượng có tính văn hóa – nghĩa là một loại rối loạn được tạo dựng nên bởi các nhà trị liệu trong một bối cảnh xã hội đặc thù nào đó (Merskey, 1992). Những bệnh nhân khi tham gia vào việc trị liệu đã không thể nói rằng “Cho phép tôi tự giới thiệu về bản thân mình”, mà thay vì vậy, những nhà trị liệu đã “thả câu” (go fishing) để tìm kiếm tình trạng đa nhân cách thông qua những câu hỏi như “Bạn có bao giờ cảm thấy một thành phần khác trong con người bạn làm những điều mà bạn không thể kiểm soát được? Thành phần này của bạn có một tên gọi riêng không? Liệu tôi có thể nói chuyện với với cái con người đang giận dữ bên trong bạn không?” Một khi bệnh nhân cho phép nhà trị liệu nói chuyện, bằng tên riêng, với “con người đang nói ra những điều giận dữ ấy bên trong bệnh nhân” thì bệnh nhân sẽ bắt đầu thể hiện cái huyễn tưởng ấy ra bên ngoài thông qua những hành động của họ (acting out the fantasy). Kết quả có thể dẫn đến một hiện tượng có thật là bệnh nhân có thể trải nghiệm về bản thân mình với một bản ngã hoàn toàn khác. Tuy nhiên, những người hoài nghi nói rằng cũng chẳng phải là điều trùng hợp khi mà các nghiên cứu về đa nhân cách đã bắt đầu được thực hiện bởi những nhà thực hành thôi miên và rằng các triệu chứng thường thể hiện ngoạn mục nhất

sau khi

bắt đầu trị liệu (Goff, 1993; Piper, 1998).

Trong rối loạn phân ly cũng như các rối loạn lo âu, cả trường phái phân tâm lẫn những người theo lý thuyết học tập (learning perspective) đều cho rằng các triệu chứng là những cách thức mà đương sự sử dụng để đương đầu với sự lo âu. Các nhà phân tâm xem triệu chứng như là cơ chế phòng vệ chống lại lo âu gây ra bởi sự tuôn trào của các xung năng không thể chấp nhận được. Các tác giả theo lý thuyết học tập lại xem chúng như những hành vi được củng cố bằng hiệu quả làm giảm lo âu của chúng.

Một số tác giả khác xem rối loạn phân ly như là các rối loạn sau sang chấn tâm lý (post-traumatic disorders) – một cách thức đáp ứng tự nhiên và có tính bảo vệ đối với “lịch sử các sang chấn thời thơ ấu” (Putnam, 1995). Các nhà nghiên cứu vẫn còn đang tranh luận về việc liệu những bệnh nhân có rối loạn bản sắc phân ly đã từng có tình trạng bị xâm hại về thể chất, tình dục hoặc tinh thần lúc thơ ấu hay không (Greaves, 1996; Lilienfeld, 1999). Một cuộc nghiên cứu trên 12 kẻ sát nhân được chẩn đoán là có rối loạn bản sắc phân ly đã cho thấy có 11 trường hợp trong số đó đã từng bị xâm hại nghiêm trọng lúc còn nhỏ (Lewis, 1997). Một trường hợp đã bị cha mẹ của mình châm lửa đốt; một trường hợp khác đã từng bị sử dụng vào những trò chơi khiêu dâm trẻ em và đã từng hoảng sợ khi bị đặt ngồi lên một bếp lò đang cháy. Khi ấy, tình trạng đa nhân cách có thể là sự cố gắng một cách tuyệt vọng của những nạn nhân muốn lẫn trốn vào bên trong (to flee inward).

Nhưng những người hoài nghi lại thắc mắc thế thì tại sao những trẻ em sống sót từ các cuộc thảm sát người Do Thái, từ các trại tập trung phát xít và chứng kiến cha mẹ bị giết hại lại không phát sinh các chứng rối loạn bản sắc phân ly? Liệu rối loạn này có phải đã được tạo nên bởi những người có xu hướng huyễn tưởng và dễ thay đổi về cảm xúc hay là đã được tạo dựng nên từ trong các tương tác giữa bệnh nhân và nhà trị liệu? Nếu thế, sẽ không có sự cảm thông nào trong phán xét của lịch sử. Chuyên gia tâm thần học Paul McHugh (1995b) tiên đoán rằng “trận dịch này” sẽ chấm dứt theo cách thức mà thói đam mê trò phù thủy đã kết thúc ở Salem. Hiện tượng đa nhân cách sẽ được xem như một sản phẩm nhân tạo và cách giải thích về một “ký ức bị dồn nén” là một điều sai lầm, còn các bác sĩ tâm thần sẽ không còn áp dụng những phương pháp thực hành dễ tạo ra những chứng bệnh không thật như thế nữa...

TỔNG QUAN VỀ TRẺ TỰ KỶ

BS NGUYỄN MINH TIẾN

dịch và tổng hợp

LỊCH SỬ

Ngược dòng lịch sử, dường như luôn luôn có sự hiện diện của những đứa trẻ tự kỷ trong xã hội loài người, dù rằng cho mãi đến năm 1943, sau công bố của BS. Leo Kanner (Hoa Kỳ), người ta mới thực sự biết được sự tồn tại của những đứa trẻ như thế. Đó đây, trong thế giới chuyện cổ tích phương Tây, vẫn còn những câu chuyện kể về những đứa trẻ bị “tiên đánh tráo”, trong đó những vì tiên trên trời đã xuống bắt lấy đứa bé con người và để lại những đứa bé tiên xinh đẹp, nhưng tính tình lạ lùng và khác xa so với loài người.

Vào năm 1799, một bác sĩ người Pháp là J.M.G Itard đã tiếp nhận một đứa bé 12 tuổi được biết dưới cái tên Victor “Đứa bé hoang dã ở Aveyron”. Victor đã được dân làng Aveyron tìm thấy khi nó đang đi lang thang và sống đời hoang dã ở trong rừng. Hành vi của đứa trẻ này rất bất thường. Itard nghĩ rằng Victor là một đứa trẻ thiểu năng do đã bị cách ly khỏi loài người ngay từ thuở bé. Pinel, một bác sĩ nổi tiếng khác cùng thời, đã không đồng ý với Itard. Pinel tin rằng Victor là một đứa trẻ chậm phát triển mức độ nặng ngay từ lúc sinh ra. Ngày nay khi xem lại câu truyện này người ta có thể thấy rằng, Victor đã có những hành vi ứng xử của một trẻ bị tự kỷ. Nhưng vào thời ấy, những hành vi đi bốn chi, hú như sói của Victor chỉ khiến người ta thêu dệt nên câu chuyện về một “Cậu bé rừng xanh” được mẹ sói nuôi dưỡng từ nhỏ. Cũng có thể lý giải rằng vào thời kỳ nhiễu nhương ấy (sau cách mạng Pháp) đứa bé đã bị cha mẹ cách ly hoặc bỏ rơi vì tình trạng tự kỷ với những hành vi khó kiểm soát của nó.

Hơn một thế kỷ sau, năm 1919, một tâm lý gia Hoa Kỳ , Lightner Witmer, đã có một bài viết về Don, một đứa bé trai 2 tuổi 7 tháng, với những hành vi ứng xử của một đứa trẻ tự kỷ. Sau đó, Don được đưa vào một trường đặc biệt của Witmer và nhờ sự dạy dỗ cá nhân tích cực trong thời gian dài, đứa bé đã có thể bù trừ được sự khiếm khuyết của nó.

Năm 1943, Kanner (ĐH John Hopkins – Hoa Kỳ) là người đầu tiên đã mô tả một nhóm những trẻ đặc biệt này. Từ đó sự quan tâm của giới khoa học ngày càng gia tăng. Đã có nhiều học thuyết giải thích về căn nguyên của bệnh tự kỷ và hành vi thực sự của những trẻ bị căn bệnh này mới được quan sát và mô tả thật chi tiết.

Thời gian sau đó, nhiều phương pháp trị liệu và giáo dục đã ra đời góp phần cải thiện chất lượng đời sống và tiên lượng của trẻ tự kỷ.

Năm 1943, Leo Kanner mô tả 11 ca tự kỷ đầu tiên với một số nét đặc trưng như: không tạo lập được các mối quan hệ với con người, bàng quang, thờ ơ, chậm nói và không sử dụng lời nói để giao tiếp, cùng với các hoạt động chơi đơn giản, lập đi lập lại.

Kanner mô tả những trẻ này như thể “bị mất khả năng bẩm sinh trong việc thiết lập các mối quan hệ cảm xúc với con người”.

Mặc dù có sự khác nhau giữa các trường hợp, nhưng vẫn có hai nét chung có ý nghĩa chẩn đoán:

+ Tính cô độc, tự kỷ;

+ Sự gìn giữ nguyên trạng mang tính ám ảnh.

Kanner đề xuất thuật ngữ “tự kỷ sớm nhũ nhi” (Early Infantile Autism) nhấn mạnh sự xuất hiện triệu chứng đã có từ tuổi nhũ nhi.

Sau đó, ở Mỹ và Châu Âu, cũng đã phát hiện thêm nhiều trẻ có biểu hiện tương tự (Asperger, 1944; Despert, 1951; Van Krevelen, 1952).

Tên gọi tự kỷ (Autism) vẫn còn bị tranh cãi. Nó khiến người ta dễ lầm lẫn với việc Bleuler dùng thuật ngữ này để mô tả bệnh tâm thần phân biệt ở người lớn. Từ đó dẫn đến hàng loạt các tên gọi khác nhau để thay thế như tâm thần phân liệt trẻ em, loạn tâm ranh giới, loạn tâm cộng sinh và loạn tâm tuổi nhũ nhi tùy theo quan điểm riêng của cac tác giả về bản chất và căn nguyên của bệnh tự kỷ.

Năm 1956, để làm rõ sự nhầm lẫn này Eisenberg và Kanner đã giảm số triệu chứng chủ yếu còn lại 2:

+ Tự cô lập ở mức độ nặng;

+ Khuynh hướng muốn bảo tồn nguyên trạng.

Đặc tính bất thường, kỳ dị về ngôn ngữ được xem là thứ phát do rối loạn quan hệ với con người và vì thế không phải là triệu chứng chính yếu. Tuổi khởi phát được mở rộng đến 2 năm đầu đời.

Tuy nhiên, một số tác giả lại đưa ra những tiêu chuẩn khác. Schain và Yannet (1960) đã loại triệu chứng bảo tồn nguyên trạng ra khỏi tiêu chuẩn của họ. Creak và cs. (1961) sử dụng 9 điểm chẩn đoán cho tất cả các loại loạn tâm ở trẻ em, bao gồm cả bệnh tự kỷ của Kanner, vào trong một chẩn đoán duy nhất là “hội chứng tâm thần phân liệt ở trẻ em”.

Năm 1968 , Rutter đưa ra 4 đặc trưng chủ yếu của tự kỷ :

1. Thiếu quan tâm và đáp ứng trong quan hệ xã hội .

2. Rối loạn ngôn ngữ: từ mức độ không có lời nói cho đến lời nói lập dị.

3. Hành vi, vận động dị thường : từ mức độ chơi hạn chế, cứng nhắc, cho đến các khuôn mẫu hành vi phức tạp mang tính nghi thức và thúc ép.

4.- Khởi phát sớm trước 30 tháng tuổi.

Những nét đặc trưng này hiện diện ở hầu hết các trẻ tự kỷ. Có một số nét đặc hiệu khác, nhưng chúng lại phân bố không đồng đều.

Năm 1978, Hiệp hội Quốc gia về Bệnh Tự kỷ ở Hoa Kỳ đưa ra định nghĩa: Tự kỷ là một hội chứng các hành vi biểu hiện trước 30 tháng tuổi với những nét chủ yếu sau :

1. Rối loạn tốc độ và trình tự phát triển.

2. Rối loạn đáp ứng với các kích thích giác quan.

3. Rối loạn lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ.

4. Rối loạn khả năng quan hệ với con người, sự vật và sự kiện (Ritvos & Freeman, 1978).

Định nghĩa này cùng với các định nghĩa của Kanner (1943) và Rutter (1968) đã tạo sở cho hai hệ tiêu chuẩn được dùng rộng rãi sau đó là ICD-9 (1980) và DSM III (1980) .

CÁC QUAN NIỆM VỀ CHẨN ĐOÁN

Mặc dù ICD-9 và DSM III có những định nghĩa và tiêu chuẩn chẩn đoán giống nhau về bệnh tự kỷ trẻ em, nhưng vẫn có những khác biệt trong quan niệm về bệnh này.

Trong ICD-9 tự kỷ trẻ em là một phân nhóm của các “Loạn tâm có căn nguyên chuyên biệt ở trẻ em”.

Còn trong DSM III (1980) và DSM III-R (1987) của Hội tâm thần học Hoa Kỳ, tự kỷ trẻ em là một loại rối loạn phát triển lan tỏa (PDD:

Pervasive Developmental Disorders): là các rối loạn phát triển nghiêm trọng và xuất hiện sớm, đặc trưng bởi sự trì trệ và bóp méo các quá trình phát triển kỹ năng quan hệ xã hội, nhận thức và giao tiếp.

Trong DSM III, PDD bao gồm :

+ Tự kỷ nhũ nhi (khởi phát trước 30 tháng tuổi)

+ PDD trẻ em (childhood –onset: khởi phát sau 30 tháng tuổi)

+ PDD không đặc hiệu (tình trạng giống tự kỷ, nhưng không thể xếp vào hai nhóm trên).

+ Tự kỷ di chứng (không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán tự kỷ nhũ nhi, nhưng trước đó đã từng được chẩn đoán như vậy).

Tuy nhiên, những dữ liệu thực tế cho thấy không có sự khác nhau đáng kể nào (trừ tuổi khởi phát) giữa tự kỷ nhũ nhi và childhood-onset PDD, do vậy phân nhóm thứ hai đã bị loại bỏ trong DSM-III-R.

Ngoài ra, cũng khó có thể phân biệt được giữa PDD không đặc hiệu và tự kỷ di chứng. Vì thế, trong DSM III-R (1987) chỉ phân PDD thành 2 nhóm :

1. Rối loạn tự kỷ (đại loại giống tự kỷ nhủ nhi).

2. PDD không chuyên biệt (PDD NOS: PDD

Not otherwise specified)

Gần đây, DSM IV (1994) tiếp tục dùng thuật ngữ chẩn đoán PDD bao gồm:

1. Rối loạn tự kỷ (Autistic Disorder)

2. Rối loạn Rett

3. Rối loạn giải thể ở trẻ em (Childhood Disintegrative Disorder)

4. Rối loạn Asperger.

5. PDD NOS

Lorna Wing (1981) cho rằng tự kỷ sớm nhũ nhi của Kanner không phải là tình trạng bệnh lý có tính đặc hiệu và riêng biệt. Mặc dù các dấu hiệu tự kỷ điển hình trên lâm sàng có thể được nhận diện khá dễ, nhưng vẫn còn nhiều trẻ khác có những nét giống tự kỷ nhưng không thể hiện đầy đủ triệu chứng (tự kỷ không điển hình). Tất cả những trẻ này đều có nhu cầu được giáo dục theo phương thức chuyên biệt. Dùng thuật ngữ tự kỷ điển hình và không điển hình có thể gây nên sự phân biệt đối xử và khiến một số trẻ “không điển hình” có thể không nhận được các biện pháp giáo dục và điểu trị cần thiết. Do vậy, bà đã đề xuất thuật ngữ chẩn đoán

Autistic Spectrum Disorder

(ASD = Rối loạn phổ tự kỷ) xem rối loạn tự kỷ như một phổ trường gồm các phân loại tự kỷ điển hình, tự kỷ không điển hình, hội chứng Asperger và các loại PDD khác.

DỊCH TỄ

* Lưu hành độ :

Các nghiên cứu dịch tễ học ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á ước tính lưu hành độ của rối loạn tự kỷ là khoảng 2-13/10.000 trẻ. Khuynh hướng hiện nay báo cáo những con số cao hơn.

DSM IV: 2 – 5 / 10.000 trẻ em

* Phái tính:

Tỷ lệ nam, nữ = 4 : 1

* Giai tầng kinh tế – xã hội:

Kanner (1943) quan sát thấy đa phần các ca tự kỷ của ông đều xuất thân từ các gia đình khá giả, thuộc tầng lớp trên của xã hội.

Tuy nhiên, các nghiên cứu sâu rộng trên dân số chung sau này đã cho thấy điều trên là không đúng. Tsai (1982) nhận thấy các nghiên cứu cho tỷ lệ bệnh cao ở tầng lớp trên hầu hết được thực hiện trước năm 1970 và sau 1970 các nghiên cứu đều thấy bệnh phân bố đều trong các thành phần dân chúng (liên quan đến trình độ giáo dục, thu nhập của phụ huynh và sự tổ chức tốt mô hình chuyển gửi bệnh viện).

Chính từ kết quả của những nghiên cứu càng tác động làm thay đổi các học thuyết về căn nguyên của bệnh tự kỷ.

LÂM SÀNG

TUỔI KHỞI PHÁT

Kanner (1943) mô tả bệnh xảy ra một thời gian ngắn sau sinh. Tuy nhiên các tác giả khác nêu thời gian khoảng hai năm đầu đời. Nhưng thật ra cũng khó xác định được sự phát triển đầu đời của những trẻ này có thật sự là bình thường hay không. Các triệu chứng tinh tế trong giai đoạn đầu cũng có thể đã bị cha mẹ bỏ qua, bị quên hoặc khước từ.

Trong 63 ca tự kỷ của Rutter và Lockyer (1967), có 4 trẻ khởi phát trong khoảng thời gian 3 – 5 ½ tuổi. Trong khảo sát 32 trẻ tự kỷ của Lotter (1966), có 3 trẻ “thoái lùi về phát triển” xảy ra trong khoảng 3 đến 4 tuổi rưỡi. Các trẻ này được xếp loại “tự kỷ không đặc hiệu”.

KHIẾM KHUYẾT VỀ QUAN HỆ XÃ HỘI :

• Là đặc điểm trung tâm của bệnh tự kỷ (Kanner, 1943). Trẻ tự kỷ có khuynh hướng tránh tiếp xúc và ít biểu lộ sự lưu tâm đến giọng nói của người khác.

• Chúng không thay đổi tư thế hoặc không giơ tay khi sắp được bồng bế như trẻ bình thường.

• Cảm xúc thờ ơ, vẻ mặt không diễn cảm.

• Ở trẻ tự kỷ có trí tuệ khá, dấu hiệu khiếm khuyết quan hệ xã hội có thể không rõ rệt cho đến năm 2 tuổi.

• Lúc nhỏ, trẻ có thể tránh tiếp xúc bằng mắt (eye contact), nhưng có thể chấp nhận nếu được vuốt ve và đặt ngồi trong lòng mẹ.

• Tuy nhiên, trẻ thường không phát triển hành vi gắn bó, không đi theo bố mẹ trong nhà.

• Hầu hết trẻ tự kỷ không sợ người lạ, không lo âu khi chia lìa bố mẹ. Không chơi chung với trẻ cùng tuổi và chủ động tránh những trẻ này.

• Khi lớn lên, trẻ có thể phát triển khả năng gắn bó với cha mẹ và những người lớn khác. Một số trẻ có thể chơi chung với bạn hoặc tham gia một số trò chơi vận động thể lực.

• Tuy nhiên trẻ vẫn khiếm khuyết về mặt xã hội. Trẻ thường ít quan tâm đến trò chơi nhóm và không thiết lập được quan hệ với bạn cùng tuổi.

CÁC VẤN ĐỀ VỀ GIAO TIẾP

Khiếm khuyết giao tiếp phi ngôn ngữ

• Lúc nhỏ, trẻ thường biểu lộ nhu cầu qua tiếng khóc. Lớn lên, trẻ biểu lộ ý muốn bằng cách kéo tay người lớn đến vật mong muốn. Thường khi đó, trẻ không diễn cảm qua nét mặt.

• Không biết chỉ tay, không biết gật đầu, lắc đầu.

• Không tham gia các trò chơi bắt chước. Không có khả năng bắt chước làm theo những việc làm của bố mẹ như những trẻ bình thường vẫn làm.

• Không hiểu được ý nghĩa của những cử chỉ, điệu bộ của người lớn.

• Trẻ lớn, đôi khi có thể sử dụng và có khi hiểu được cử chỉ điệu bộ của người lớn. Một số trẻ đạt đến khả năng chơi bắt chước, nhưng cách chơi thường vẫn có tính rập khuôn và lập đi lập lại.

• Nói chung, trẻ tự kỷ vẫn có thể biểu lộ cảm xúc vui, sợ, giận dữ… nhưng cách thể hiện có khuynh hướng cực đoan. Nét mặt thường không diễn tả ý nghĩa. Một số trẻ hầu như thể hiện nét mặt vô cảm.

Không hiểu lời nói

• Có thể từ nhẹ đến mức độ chẳng bao giờ hiểu được lời nói.

• Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể tuân theo những chỉ dẫn đơn giản, nếu chỉ dẫn được đưa ra đúng bối cảnh tức thời, hoặc có kèm theo những cử chỉ, điệu bộ minh họa tương ứng.

• Trẻ bị khiếm khuyết khả năng hiểu những ý nghĩa trừu tượng và tinh tế.

• Tính hài hước và diễn đạt thành ngữ cũng bị nhầm lẫn ngay cả ở những trẻ tự kỷ thông minh nhất.

Khiếm khuyết về phát triển lời nói

• Nhiều trẻ tự kỷ ít bập bẹ trong năm đầu tiên. Gần phân nửa trong số 11 trẻ tự kỷ của Kanner vẫn câm nín cho đến 5 tuổi.

• Khoảng 1/2 trẻ tự kỷ sẽ bị câm nín suốt đời (Ricks & Wing, 1976).

• Nếu trẻ phát triển lời nói, thường lời nói cũng sẽ có bất thường. Nhiều trẻ nói vô nghĩa, nói vẹt (echolalia: nhại lời). Trẻ có thể nhại lại lời nói của người khác một cách chính xác, nhưng thường ít hoặc chẳng hiểu được ý nghĩa của chúng. Nhại lời nặng có thể khiến câu cú bị méo mó và rời rạc. Một số trẻ có thể sao lại chính xác những cụm từ của người khác nói, đôi khi nhại đúng cả âm sắc giọng nói.

• Trong giai đoạn đầu của sự phát triển ngôn ngữ, có thể có hiện tượng hoán đổi đại từ nhân xưng.

• Giọng nói có thể giống robot, đặc trưng bởi sự đơn điệu, phẳng lặng, không thay đổi, ít nhấn giọng và không diễn cảm.

• Một số trẻ nói với mục đích “tự kích thích”, lời nói có tính chất lập đi, lập lại, không liên quan đến những việc thực sự đang diễn ra xung quanh (Lovaas, 1977).

• Trẻ nhỏ có thể gặp các vấn đề về phát âm, khi lớn lên tình trạng này có thể giảm.

• Đối lập với khả năng nhại lời chính xác, những lời nói tự nhiên của trẻ lại có nội dung rất nghèo nàn, vốn từ ít ỏi.

• Có thể dùng kiểu nói như đang hát, kéo dài một số âm hoặc từ nào đó trong câu. Câu nói thường được kết thúc kiểu câu hỏi (lên giọng ở cuối câu).

• Cấu trúc ngữ pháp bất thường, không thành thục, thường gặp trong lời nói tự nhiên của trẻ.

• Trẻ tự kỷ có thể đặt tên riêng cho đồ vật theo cách của mình, hoặc dùng những từ riêng mà người khác không thể hiểu được .

• Không biết sử dụng hoặc sử dụng không đúng các giới từ, liên từ và đại từ.

• Trẻ có khuynh hướng không sử dụng lời nói để giao tiếp. Thường nói rập khuôn, lập đi lập lại.

• Không biết dùng lời nói để diễn tả ý trừu tượng. Không biết nói về chuyện quá khứ, chuyện tương lai hoặc chuyện không xảy ra trước mắt.

• Tiến bộ hơn, một ít trẻ tự kỷ có thể nói về điều trẻ quan tâm, nhưng một khi người lớn đáp ứng và bắt đầu nói chuyện với trẻ thì trẻ lại bỏ dở và rút khỏi cuộc nói chuyện ấy. Nói chung, trẻ vẫn thiếu khả năng tương tác qua lại.

Hành vi bất thường

• Chống lại sự thay đổi.

Trẻ tự kỷ thường khó chịu trước những thay đổi trong môi trường sống quen thuộc của chúng. Một sự thay đổi nhỏ trong thông lệ thường ngày có thể làm trẻ nổi cơn tam bành.

Nhiều trẻ hay xếp đồ chơi và vật dụng thành hàng dài và rất khó chịu nếu như trật tự này bị thay đổi. Hiện tượng này gặp ở trẻ tự kỷ có chậm phát triển trí tuệ nhiều hơn gấp hai lần so với trẻ tự kỷ có trí thông minh bình thường (Bartak & Rutter, 1976).

Hầu hết trẻ tự kỷ đều chống lại việc học và thực hành một hoạt động mới.

Hành vi mang tính nghi thức, thúc ép :

Các hành vi mang tính nghi thức, thúc ép thường liên quan đến những thông lệ cứng nhắc như: từ chối ăn một loại thức ăn nào đó; hoặc là những hành vi có tính rập khuôn, lập đi lập lại, vd: vung vẩy hai cánh tay, hoặc đưa bàn tay lên gần mặt rồi xoắn vặn hoặc bật bật các ngón tay.

Trẻ lớn có thể phát triển các hành vi mang tính ám ảnh, vd: hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi, và các hành vi có tính thúc ép, vd: hay sờ đụng vào một số đồ vật nào đó.

Các hành vi mang tính nghi thức, thúc ép thường xảy ra ở bệnh nhân tự kỷ không bị chậm phát triển trí tuệ hơn là bệnh nhân có trí tuệ kém (Bartak & Rutter, 1976).

Những sự gắn bó bất thường :

Nhiều trẻ tự kỷ có sự gắn bó mạnh mẽ với những đồ vật khác thường, vd. một món đồ chơi nào đó như trái banh chẳng hạn.

Trẻ có thể luôn mang theo món vật đó bên mình, và nếu có ai đó lấy vật này đi thì trẻ sẽ giận dữ, phản kháng lại ngay. Nếu vật này vẫn không được trả lại, trẻ thường sẽ quay sang tìm kiếm một món đồ khác để thay thế.

Các đáp ứng không bình thường với những trải nghiệm giác quan.

Trẻ tự kỷ có thể bị mê hoặc bởi các bóng đèn, các hoa văn, những vật có chuyển động xoay tròn, hoặc một thứ âm thanh nào đó.

Trẻ thao tác trên đồ vật, đồ chơi không theo các cơ năng thông thường của món đồ đó, mà như để thỏa mãn sự kích thích của các giác quan.

Trẻ có thể kiên trì làm đi làm lại các thao tác xếp đồ vật thành hình dài, xếp chồng đồ vật lên nhau hoặc xoay một món đồ để nó xoay tròn. Trẻ cũng có thể làm đi làm lại những việc như dội nước bồn cầu hoặc liên tục tắt mở các bóng đèn.

Tuy tránh né các tiếp xúc cơ thể, nhưng một số trẻ tự kỷ rất thích các trò chơi mạnh bạo, vd: tung hứng, cù lét, đánh đu, “bay tàu bay”…

Rối loạn về vận động

• Các mốc chuyển tiếp trong phát triển vận động có thể bị chậm trễ.

• Trẻ nhỏ thường gặp khó khăn trong việc bắt chước các động tác.

• Nhiều trẻ rất hiếu động, nhưng sẽ giảm bớt khi đến tuổi thiếu niên.

Hay nhăn nhó, vỗ đập cánh tay, xoắn vặn bàn tay, đi nhón gót, chạy chúi đầu về phía trước, nhảy, đi đều bước, lắc lư hoặc đu đưa thân mình, xoay đầu hoặc đập đầu xuống đất, vào tường.

• Một số trẻ có trạng thái căng cơ khi phấn khích hoặc khi quá chăm chú.

Các khiếm khuyết về trí tuệ và nhận thức

• Hầu hết trẻ tự kỷ đều có chậm phát triển trí tuệ (Rutter, 1978). Khoảng 40-60% có IQ < 50. Chỉ khoảng 20-30% có IQ

>

70. Do đa số trẻ tự kỷ khó làm các test trí tuệ (nhất là các test dùng lời nói) nên các kết quả IQ vẫn còn bàn cãi .

• Trẻ tự kỷ có IQ thấp thường kèm theo các khiếm khuyết nặng về kỹ năng quan hệ xã hội và có nhiều đáp ứng xã hội lệch lạc, vd. hay sờ mó hoặc ngửi đồ vật và người khác, có những hành vi định hình và tự gây thương tích bản thân (Bartak và Rutter, 1976).

• 1/3 trẻ tự kỷ có chậm phát triển trí tuệ sẽ bị động kinh, còn trẻ tự kỷ có trí tuệ khá thì tỷ lệ này thấp hơn (Rutter, 1978). Vì vậy, IQ cũng phần nào có ý nghĩa tiên lượng.

• Khác với những trẻ chậm phát triển tâm thần, tình trạng chậm phát triển của trẻ tự kỷ vẫn còn chừa lại những “khoảng” trí tuệ bình thường hoặc gần như bình thường (thể hiện trong phần thao tác của các test trí tuệ).

• Kanner (1943) cũng lưu ý đến khả năng của trí nhớ xa ở các trẻ tự kỷ. Các kỹ năng đặc biệt của trẻ tự kỷ thường thuộc các lĩnh vực âm nhạc, cơ học và toán học.

• Lockyer (1967) cho rằng trẻ tự kỷ thường có khả năng trội về thao tác bằng tay và kỹ năng thị giác-không gian, trong khi lại rất kém ở các kỹ năng đòi hỏi sự suy nghĩ trừu tượng hoặc trình tự lôgic.

• Về nhận thức: trẻ tự kỷ không thể bắt chước, không hiểu ý nghĩa của lời nói, cử chỉ và điệu bộ, thiếu hẳn tính uyển chuyển, sáng tạo, không thể hiểu biết về luật lệ, không thể xử lý hoặc sử dụng các thông tin.

Các rối loạn khác

• Khí sắc phẳng lặng, cảm xúc quá mức hoặc không phù hợp. Có thể mau thay đổi, khóc cười vô cớ hoặc la hét khó kiểm soát.

• Có thể leo trèo, chạy nhảy không sợ nguy hiểm, nhưng lại có thể sợ những sự vật hoặc tình huống mà bình thường là vô hại, vd. sợ các thú nuôi (chó, mèo…) hoặc sợ đến một nơi chốn nào đó.

• Thói quen kỳ dị: nhổ tóc, cắn móng tay, cườm tay, cổ tay hoặc các phần khác của cơ thể. Các thói quen này thường gặp ở trẻ tự kỷ có chậm phát triển.

• Tự xoay người vòng vòng mà không bị chóng mặt.

• Động kinh xảy ra ở 1/4 đến 1/3 trường hợp. Thường cơn đầu tiên xảy ra ở tuổi thiếu niên

(Deykin & MacMahon, 1979).

 CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN KÈM THEO

• Kém tập trung và chú ý

• Tăng động

• Các bận tâm bất thường

• Ám ảnh

• Hành vi thúc ép, nghi thức

• Nói định hình

• Phong cách định hình

• Lo âu, sợ hãi

• Rối loạn khí sắc

• Rối loạn giấc ngủ

• Tự gây thương tích

• Tics

64%

36-48%

43-88%

37%

16-86%

50-89%

68-74%

17-74%

9-44%

11%

24-43%

8%

RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý

(ATTENTION

DEFICIT

HYPERACTIVITY

DISORDER)

Người dịch

: BS NGUYỄN MINH TIẾN

(Theo

Diagnostic And Statistical Manual of Mental Disorders, 4th Edition -

DSM-IV)

TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN DSM-IV

Đặc tính cơ bản của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một mô hình hằng định bao gồm sự giảm chú ý (inattention) và/hoặc trạng thái tăng động bồng bột (hyperactivity-impulsivity) xảy ra ở mức độ thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn những gì được thấy ở các cá nhân có cùng trình độ phát triển (Tiêu chuẩn A). Một số triệu chứng tăng động hoặc giảm chú ý gây nên suy kém chức năng được thấy trước 7 tuổi, mặc dù nhiều trẻ được chẩn đoán sau khi các triệu chứng đã hiện diện trong nhiều năm (Tiêu chuẩn B). Một số tình trạng mất chức năng (impairment) phải tồn tại ít nhất trong hai môi trường sống khác nhau (ở nhà, ở trường học, hoặc nơi làm việc) (Tiêu chuẩn C). Phải có bằng chứng rõ ràng về việc các tình trạng này đã ảnh hưởng đến các chức năng về xã hội, học tập hoặc làm việc tương ứng với mức độ phát triển của trẻ (Tiêu chuẩn D). Rối loạn này không xảy ra trong quá trình rối loạn phát triển lan tỏa (pervasive developmental disorder), tâm thần phân liệt (schizophrenia) hoặc các chứng loạn tâm khác, và không nên được giải thích là do một rối loạn tâm thần khác như rối loạn khí sắc (mood disorder), rối loạn lo âu (anxiety disorder), rối loạn phân ly (dissociative disorder) hoặc rối loạn nhân cách (personality disorder) (Tiêu chuẩn E).

Sự giảm chú ý có thể được biểu hiện trong học tập, trong làm việc, hoặc trong các tình huống xã hội. Những người có rối loạn này có thể thất bại trong việc phải tập trung chú ý nhiều vào các chi tiết hoặc có thể phạm phải những lỗi lầm do bất cẩn trong học tập cũng như trong các công việc khác (Tiêu chuẩn A1a). Công việc thường là bề bộn và được thực hiện một cách bất cẩn, không suy tính. Trẻ thường thấy khó khăn trong việc duy trì sự chú ý đến công việc hoặc các hoạt động chơi, và thấy khó theo đuổi công việc cho đến khi hoàn tất (Tiêu chuẩn A1b). Trẻ thường biểu hiện như thể đang đặt tâm trí ở đâu đâu hoặc như thể chẳng nghe thấy những gì người khác nói (Tiêu chuẩn A1c). Trẻ có thể thường xuyên chuyển từ một công việc chưa hoàn tất sang làm một công việc khác. Những trẻ được chẩn đoán là có rối loạn này thường chuyển đổi hết việc nọ sang việc kia mà chẳng làm xong một việc nào cả. Trẻ thường không tuân theo những yêu cầu, chỉ dẫn và không thể hoàn tất các bài tập ở trường, công việc nhà, cùng những trách nhiệm khác (Tiêu chuẩn A1d). Thất bại trong việc hoàn tất công việc nên được xem xét đến khi chẩn đoán chỉ khi tình trạng này là do sự giảm chú ý mà không giải thích được bằng các lý do khác (chẳng hạn như khi trẻ không hiểu được các hướng dẫn). Những trẻ này thường gặp khó khăn trong việc tổ chức các công việc và các hoạt động (Tiêu chuẩn A1e). Những công việc đòi hỏi duy trì những cố gắng về tinh thần cũng được trẻ cảm thấy khó chịu và chẳng thích thú gì. Kết quả là những trẻ này thường đặc biệt tránh né hoặc không thích những hoạt động nào đòi hỏi khả năng vận dụng sáng tạo và cố gắng tinh thần hoặc những việc cần đến khả năng tổ chức hoặc tập trung chú ý cao (như công việc viết lách, làm bài tập ở nhà...) (Tiêu chuẩn A1f). Sự tránh né này phải là do những khó khăn của đương sự về khả năng chú ý, chứ không phải do một thái độ chống đối nguyên phát (primary oppositional attitude), mặc dù sự chống đối thứ phát (secondary oppositionism) cũng có thể xảy ra. Các thói quen làm việc thường bị rối loạn và những vật liệu cần thiết để làm việc cũng thường bị để rơi vãi, thất lạc, sử dụng một cách bất cẩn, hoặc bị làm cho hư hỏng (Tiêu chuẩn A1g). Những trẻ này thường dễ trở nên xao lãng bởi những kích thích không đáng và thường gián đoạn những công việc đang làm để chú ý đến những tiếng động hoặc những sự việc tầm thường mà những người khác thường dễ dàng bỏ qua (như tiếng còi xe, hoặc tiếng người khác nói chuyện) (Tiêu chuẩn A1h). Trẻ cũng thường hay quên các công việc hằng ngày (thất hẹn, quên ăn trưa...) (Tiêu chuẩn A1i). Trong các tình huống xã hội, sự giảm chú ý còn có thể được biểu hiện dưới dạng thường xuyên thay đổi đề tài khi nói chuyện, không lắng nghe người khác, không để tâm vào cuộc hội thoại, hoặc không tuân theo các chi tiết và luật lệ của các trò chơi và các hoạt động.

Trạng thái lăng xăng tăng động có thể được biểu hiện bởi sự bồn chồn hoặc uốn éo người khi ngồi (Tiêu chuẩn A2a), ngồi không yên (Tiêu chuẩn A2b), chạy nhảy quá đáng trong những tình huống không thích hợp (Tiêu chuẩn A2c), khó khăn khi chơi hoặc tham gia vào những hoạt động chơi có tính tĩnh lặng (Tiêu chuẩn A2d), dường như lúc nào cũng di chuyển (“on the go”) hoặc như thể đang “ngồi lái môtô” (Tiêu chuẩn A2e), hoặc nói quá nhiều (Tiêu chuẩn A2f). Sự tăng động có thể thay đổi tùy theo tuổi và mức độ phát triển của đứa trẻ, và việc chẩn đoán nên được thiết lập một cách thận trọng ở những trẻ nhỏ. Những trẻ biết đi chập chững hoặc trẻ chưa đến tuổi đi học bị rối loạn này có biểu hiện khác biệt với những trẻ nhỏ tăng động bình thường: trẻ thường xuyên di chuyển và xen vào mọi chuyện1; trẻ thường chồm tới chồm lui, “lao ra khỏi nhà khi chưa kịp mặc áo”, leo trèo hoặc chạy nhảy trên bàn ghế, chạy quanh khắp nhà, khó tham gia vào một sinh hoạt nhóm của các trẻ nhỏ phải ngồi yên một chỗ (như ngồi nghe kể chuyện). Những trẻ ở tuổi đến trường biểu hiện những hành vi tương tự nhưng với mức độ ít hơn và ít thường xuyên hơn những trẻ nhỏ. Trẻ thường thấy khó khăn khi phải ngồi yên, thường xuyên đứng dậy, uốn éo người hoặc đu đưa người trên mép ghế. Trẻ không ngừng máy mó đồ vật, đập tay, đung đưa chân một cách quá đáng. Trẻ thường rời khỏi bàn ăn đang trong khi dùng bữa, bỏ đi khi đang xem ti vi, hoặc trong khi đang làm bài tập ở nhà; và trong khi làm những công việc tĩnh lặng, trẻ cũng thường gây nên những tiếng động ồn ào. Ở tuổi thiếu niên và người lớn, triệu chứng tăng động có thể biểu hiện dưới hình thức những cảm giác không yên hoặc khó tham gia các hoạt động có tính chất tĩnh tại.

Tính bốc đồng, bồng bột (impulsitivity) thể hiện qua sự mất kiên nhẫn, khó kềm chế các đáp ứng, buộc miệng trả lời trước khi người khác kết thúc câu hỏi (Tiêu chuẩn A2g), khó chờ đợi đến phiên mình (Tiêu chuẩn A2h), thường ngắt lời hoặc quấy rầy người khác đến mức gây ra những khó khăn trong các môi trường xã hội, học tập và làm việc (Tiêu chuẩn A2i). Những người khác có thể than phiền rằng họ không thể nói xen vào một lời nào. Những người có rối loạn này đặc biệt hay đưa ra những lời bình luận khi chưa đến phiên mình, không thể lắng nghe những chỉ dẫn, mở đầu câu chuyện không đúng lúc, gián đoạn công việc người khác một cách quá mức, quấy rầy người khác, đoạt lấy đồ vật từ người khác, đụng chạm những đồ vật mà họ không được phép đụng đến, và hay “làm hề”. Tính lăng xăng bồng bột cũng thường dẫn đến những tai nạn (đánh cắp đồ vật, đánh người, vồ phải một chiếc chảo nóng...) hoặc dấn mình vào những hoạt động nguy hiểm không kể đến hậu quả (ví dụ trượt tuyết trên một địa hình quá ghồ ghề).

Các biểu hiện hành vi thường xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh, bao gồm ở nhà, ở trường, trong công việc và trong các tình huống xã hội. Để thiết lập một chẩn đoán, các tình trạng kém chức năng phải hiện diện trong ít nhất hai hoàn cảnh môi trường khác nhau (Tiêu chuẩn C). Sẽ là điều không bình thường khi một người biểu hiện cùng một mức độ kém chức năng trong tất cả mọi hoàn cảnh môi trường hoặc trong cùng một môi trường ở mọi thời điểm khác nhau. Các triệu chứng đặc biệt trở nên xấu hơn trong những tình huống cần phải duy trì sự chú ý hoặc các cố gắng tinh thần hoặc trong các tình huống không có tính mới lạ hoặc lôi cuốn. (ví dụ lắng nghe giáo viên giảng bài, làm các nhiệm vụ được phân công trong lớp học, nghe hoặc đọc những bài viết quá dài, hoặc làm các công việc đơn điệu, lập đi lập lại). Những dấu hiệu của rối loạn này có thể ít biểu hiện hoặc không có ở những đối tượng được kiểm soát chặt chẽ, hoặc trong một môi trường mới mẻ, tham gia trong những hoạt động đặc biệt lý thú, trong tình huống tiếp xúc “một-một” (như trong phòng khám của bác sĩ), hoặc khi đương sự trải nghiệm được những khen thưởng thường xuyên do làm được những hành vi thích đáng. Các triệu chứng thường dễ xảy ra hơn trong những tình huống ở trong nhóm (ví dụ trong các nhóm chơi, trong lớp học, trong môi trường làm việc). Thầy thuốc, vì vậy, nên thẩm tra về những hành vi của đương sự trong nhiều tình huống khác nhau trong từng môi trường sống.

CÁC PHÂN NHÓM

Mặc dù hầu hết những người có rối loạn này đều thể hiện cả sự giảm chú ý lẫn sự lăng xăng tăng động, cũng có một số người chỉ biểu hiện trội ở một trong hai loại triệu chứng này. Các phân nhóm phù hợp nên được dùng để chẩn đoán dựa vào mô hình biểu hiện nào là trội qua thời gian 6 tháng vừa trải qua.

314.04 Rối loạn tăng động giảm chú ý - Dạng phối hợp

Phân nhóm này nên được dùng nếu có ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý hoặc ít nhất 6 triệu chứng tăng động bồng bột tồn tại trong một thời gian ít nhất là 6 tháng. Hầu hết những trẻ em và thiếu niên có rối loạn này đều thuộc dạng phối hợp. Người ta chưa biết ở người lớn có tình trạng tương tự như vậy hay không.

314.00 Rối loạn tăng động giảm chú ý - Dạng trội về giảm chú ý

Phân nhóm này nên được sử dụng khi có ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý (nhưng có ít hơn 6 triệu chứng về tăng động bồng bột) tồn tại trong một thời gian ít nhất là 6 tháng.

314.01 Rối loạn tăng động giảm chú ý - Dạng trội về tăng động bồng bột

Phân nhóm này nên được sử dụng khi có ít nhất 6 triệu chứng về tăng động bồng bột (nhưng có chưa đến 6 triệu chứng về giảm chú ý) tồn tại trong thời gian ít nhất là 6 tháng. Sự giảm chú ý có thể vẫn còn là một đặc tính lâm sàng rõ rệt trong những trường hợp như thế.

CÁC PHƯƠNG PHÁP GHI NHẬN

Những người bị rối loạn này mà giai đoạn đầu có biểu hiện thuộc loại trội về giảm chú ý hoặc trội về tăng động bồng bột đều có thể tiếp tục phát triển để về sau trở thành dạng phối hợp và ngược lại. Nên sử dụng các phân nhóm thích hợp để chẩn đoán dựa vào mô hình triệu chứng nào là trội trong thời gian 6 tháng vừa qua. Nếu các triệu chứng lâm sàng vẫn tồn tại nhưng không thỏa những tiêu chuẩn chẩn đoán, việc định bệnh thích hợp trong trường hợp này là rối loạn tăng động giảm chú ý - dạng thuyên giảm một phần (ADHD, In partial remission). Khi các triệu chứng của đương sự không thỏa đầy đủ các tiêu chuẩn để chẩn đoán loại rối loạn này và không rõ là các tiêu chuẩn này trước đó có được thỏa hay không, nên chẩn đoán là ADHD không đặc hiệu (ADHD not otherwise specified).

CÁC ĐẶC ĐIỂM VÀ RỐI LOẠN KÈM THEO

Các đặc điểm và rối loạn tâm thần kèm theo

Các đặc điểm kèm theo theo đổi tùy theo tuổi và mức độ phát triển và có thể gồm khả năng dung nạp kém với sự hụt hẫng, những cơn giận dữ, thích ra lệnh, bướng bĩnh, thường xuyên khăng khăng đòi hỏi thỏa mãn những yêu cầu, khí sắc bất ổn định, sa ngã về đạo đức, dysphoria, bị các bạn cùng tuổi “tẩy chay”, và lòng tự trọng yếu kém. Thành quả học tập thường thấp kém, đặc biệt dẫn đương sự đến chỗ mâu thuẫn với gia đình và nhà trường. Thiếu sáng tạo trong những công việc đòi hỏi sự cố gắng thường xuyên khiến người khác đánh giá đương sự là lười biếng, vô trách nhiệm và có hành vi chống đối. Các mối quan hệ trong gia đình thường được đặc trưng bởi sự giận hờn và chống đối, đặc biệt do các triệu chứng của đương sự hay thay đổi khiến cho cha mẹ tin rằng tất cả những hành vi có tính “gây rối” này là do đương sự cố ý. Những người bị ADHD có thể có những thành quả học tập kém hơn và khả năng nghề nghiệp yếu hơn những người cùng tuổi. Sự phát triển trí thông minh, được đánh giá bằng các trắc nghiệm IQ cá nhân, ở những trẻ bị rối loạn dường như cũng thấp hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, tình trạng rối loạn gây nên suy giảm chức năng rất nhiều, ảnh hưởng đến khả năng thích nghi với xã hội, gia đình và nhà trường. Một tỷ lệ quan trọng những trẻ bị ADHD được đưa đến các cơ sở trị liệu cũng có kèm theo rối loạn bướng bỉnh chống đối (oppositional defiant disorder) hoặc rối loạn ứng xử (conduct disorder). Có thể có sự gia tăng lưu hành độ của các rối loạn khí sắc (mood disorder), rối loạn lo âu (anxiety disorder), các rối loạn về học tập (learning disorders) và rối loạn về giao tiếp (communication disorders) ở những trẻ bị ADHD. Rối loạn này cũng không phải là không thường thấy ở những người bị rối loạn Tourette’s; khi có hai loại rối loạn cùng tồn tại, giai đoạn khởi đầu của ADHD thường đi trước giai đoạn khởi đầu của rối loạn Tourette’s. Cũng có thể có một tiền sử bị lạm dụng hoặc bỏ rơi (child abuse or neglect), tình trạng nuôi dưỡng bởi nhiều người nhiều nơi khác nhau (multiple foster placement), tiếp xúc với độc chất (vd, ngộ độc chì), nhiễm trùng (như viêm não), mẹ dùng thuốc khi mang thai, cân nặng thấp lúc sinh và tình trạng chậm phát triển trí tuệ.

Các phát hiện cận lâm sàng kèm theo

Không có xét nghiệm cận lâm sàng nào được dùng để chẩn đoán trong việc đánh giá lâm sàng tình trạng ADHD. Những trắc nghiệm đòi hỏi việc xử lý thông qua các cố gắng tinh thần đã ghi nhận sự bất thường ở những người bị ADHD so với nhóm đối chứng, nhưng người ta chưa hoàn toàn biết rõ đâu là khiếm khuyết nhận thức cơ bản có trách nhiệm về tình trạng này.

Các phát hiện thực thể kèm theo và tình trạng y khoa tổng quát

Không có đặc điểm thực thể đặc hiệu nào kèm theo ADHD, mặc dù những bất thường thực thể không quan trọng như (hypertelorism), vòm khẩu nhô cao, tai đóng thấp... có thể hiện diện với tỷ lệ cao hơn so với dân số chung. Các chấn thương thực thể cũng có thể có tỷ lệ cao hơn.

CÁC ĐẶC ĐIỂM ĐẶC HIỆU VỀ VĂN HÓA, TUỔI VÀ GIỚI TÍNH

ADHD được biết là xảy ra trong mọi nền văn hóa, với các lưu hành độ khác nhau được báo cáo ở các nước phương Tây, điều này có lẽ do việc áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau hơn là do sự khác biệt về biểu hiện lâm sàng.

Việc chẩn đoán đặc biệt khó thực hiện ở trẻ em nhỏ hơn 4-5 tuổi, bởi vì hành vi đặc trưng của chúng rất hay thay đổi nhiều hơn so với trẻ lớn, và có thể gồm những nét tương tự như các triệu chứng của ADHD. Hơn nữa, triệu chứng giảm chú ý ở trẻ chưa đến tuổi đi học thường ít được quan sát thấy bởi những trẻ nhỏ ở tuổi này thường không được đòi hỏi phải chú ý nhiều. Tuy vậy, khả năng chú ý của những trẻ nhỏ cũng có thể được đánh giá; ví dụ ở khoảng 2-3 tuổi trẻ đã có thể cùng ngồi với một người lớn và xem một quyển sách hình. Ngược lại, trẻ nhỏ có tình trạng ADHD thường tăng động quá mức và khó có thể kềm chế được. Xem xét một số lớn các hành vi ở trẻ nhỏ có thể có ích để bảo đảm ghi nhận được một bức tranh lâm sàng đầy đủ. Khi trẻ trưởng thành, các triệu chứng thường trở nên ít rõ ràng hơn. Cho đến khoảng cuối thời ấu thơ và đầu tuổi thiếu niên, các dấu hiệu quá mức về vận động thô sơ (gross motor) (ví dụ chạy nhảy, leo trèo quá mức, không ngồi yên được) sẽ ít xảy ra hơn, và các triệu chứng tăng động có thể được xác định bởi sự bồn chồn hoặc một cảm giác nội tâm xáo động không yên. Ở trẻ em lứa tuổi đi học, sự giảm chú ý sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập ở trường. Các biểu hiện tăng động lăng xăng cũng dẫn đến sự phá vỡ những luật lệ trong gia đình, trường học và trong các quan hệ xã hội, đặc biệt là ở tuổi thiếu niên. Ở người lớn, trạng thái bồn chồn không yên dẫn đến việc khó tham gia vào các hoạt động tĩnh tại và tránh né các thú vui cũng như các công việc làm hạn chế những cơ hội cho các động tác tự nhiên (ví dụ: công việc ngồi ở bàn giấy).

Rối loạn này thường thấy ở phái nam nhiều hơn nữ, với tỷ lệ nam : nữ thay đổi từ 4:1 đến 9:1 tùy hoàn cảnh môi trường (vd. trong dân số chung hoặc trong các bệnh viện).

LƯU HÀNH ĐỘ

(PREVALENCE)

Lưu hành độ của ADHD được ước tính khoảng 3-5% trẻ em tuổi đi học. Ở thiếu niên và người lớn, các số liệu còn hạn chế.

DIỄN TIẾN

Hầu hết các bậc phụ huynh đều quan sát thấy những hoạt động vận động quá mức của trẻ lần đầu tiên khi trẻ mới biết đi, trùng hợp với thời điểm phát triển khả năng vận động độc lập. Tuy nhiên, vì có rất nhiều trẻ nhỏ tăng động không phát triển tình trạng ADHD về sau nên việc chẩn đoán ADHD phải hết sức thận trọng vào những năm đầu đời. Thường thì rối loạn này được chẩn đoán đầu tiên vào thời gian trẻ học tiểu học, khi mà khả năng thích nghi với trường học bị phương hại. Trong phần lớn các trường hợp được thấy ở các cơ sở lâm sàng, tình trạng rối loạn tương đối ổn định suốt thời gian đầu của tuổi thiếu niên. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng giảm bớt đi vào cuối tuổi thiếu niên và khi trở thành người lớn, dù rằng có một ít vẫn còn đầy đủ những triệu chứng của ADHD cho đến tuổi trung niên. Ở một số người lớn chỉ còn lại một vài triệu chứng, trong trường hợp đó, chẩn đoán thích hợp nên sử dụng là ADHD thuyên giảm một phần (ADHD, in partial remission). Chẩn đoán này được áp dụng cho những người không còn đầy đủ những biểu hiện của rối loạn nhưng vẫn còn một số triệu chứng và những triệu chứng này vẫn gây nên tình trạng suy giảm chức năng.

MÔ HÌNH QUEN THUỘC

ADHD thường được thấy nhiều hơn ở những người bà con cấp I về sinh học (first degree biological relatives) của những trẻ bị ADHD. Các nghiên cứu cho thấy những rối loạn khí sắc và lo âu cũng có lưu hành độ cao. Các rối loạn học tập, rối loạn có liên quan đến hóa chất (substance-related disorders), và rối loạn nhân cách chống đối xã hội (antisocial personality disorder) trong các thành viên gia đình của người bị ADHD.

CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

Ở trẻ nhỏ, có thể khó phân biệt các triệu chứng của ADHD với những hành vi bình thường của những trẻ nhỏ tăng động (như chạy nhảy, làm ồn...).

Các triệu chứng giảm chú ý cũng thường gặp ở những trẻ có IQ thấp được bố trí học trong những môi trường học tập không phù hợp với khả năng thông minh của trẻ. Những hành vi này phải được phân biệt với các dấu hiệu tương tự của trẻ bị ADHD. Ở trẻ chậm phát triển trí tuệ, một chẩn đoán ADHD thêm vào chỉ nên thiết lập khi mà tình trạng giảm chú ý hoặc tăng động trở nên quá mức đối với tuổi khôn (mental age) của trẻ. Giảm chú ý cũng có thể xảy ra ở một trẻ rất thông minh được bố trí trong một môi trường học tập “dưới ngưỡng” (understimulating environment). ADHD cũng phải được phân biệt với sự khó khăn trong việc định hướng mục đích cho hành vi của những trẻ sống trong môi trường thiếu thốn, hỗn độn và vô tổ chức. Thu thập báo cáo từ nhiều nguồn thông tin (cô giữ trẻ, ông bà, cha mẹ) có ích trong việc phối hợp quan sát tình trạng giảm chú ý, tăng động cùng khả năng phát triển của đứa trẻ tương ứng với sự tự điều chỉnh trong các môi trường khác nhau.

Những trẻ có hành vi chống đối có thể từ chối những công việc và bài học ở trường đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo bởi trẻ thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu của người khác. Những triệu chứng này cũng phải phân biệt với sự tránh né công việc học tập ở trường, một điều thường gặp ở trẻ bị ADHD. Sự phức tạp trong chẩn đoán phân biệt là ở chỗ khi người bị ADHD phát sinh một thái độ chống đối thứ phát đối với những công việc như thế và đánh giá thấp tầm quan trọng của chúng, thường như một lý giải cho sự thất bại của họ.

TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN TÌNH TRẠNG RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý

A. Có tiêu chuẩn (1) hoặc (2)

(1)

Trong số các triệu chứng

giảm chú ý

sau đây, có ít nhất 6 triệu chứng tồn tại trong thời gian ít nhất là 6 tháng, đến độ không thích nghi và không phù hợp với trình độ phát triển:

Giảm chú ý

(a) Thường không thể tập trung chú ý nhiều vào các chi tiết hoặc phạm phải những lỗi lầm do bất cẩn trong học tập, làm việc hoặc trong các hoạt động khác.

(b) Thường khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong công việc hoặc trong vui chơi.

(c) Thường có vẻ không lắng nghe người khác nói chuyện trực tiếp.

(d) Thường không tuân theo những hướng dẫn hoặc không thể hoàn tất bài vở ở trường, công việc nhà, hoặc các trách nhiệm nơi làm việc (không phải do hành vi chống đối hoặc không có khả năng hiểu những hướng dẫn).

(e) Thường khó khăn khi tổ chức các công việc và các hoạt động.

(f) Thường né tránh, không thích, hoặc miễn cưỡng tham gia các công việc đòi hỏi sự cố gắng tinh thần liên tục (như làm bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà).

(g) Thường để thất lạc những vật dụng cần để làm việc hoặc vui chơi (đồ chơi, dụng cụ học tập, bút chì, sách vở, và các dụng cụ).

(h) Thường dễ dàng bị chia trí bởi các kích thích bên ngoài.

(i) Thường quên làm các công việc hằng ngày.

(2)

Trong số các triệu chứng

tăng động - bồng bột

sau đây, có ít nhất 6 triệu chứng tồn tại trong thời gian ít nhất là 6 tháng, đến độ không thích nghi và không phù hợp với trình độ phát triển:

Tăng động

(a) Tay chân ngọ nguậy, ngồi không yên.

(b) Thường rời bỏ chỗ ngồi trong lớp học hoặc trong các tình huống đòi hỏi phải ngồi yên.

(c) Thường chạy nhảy hoặc leo trèo quá mức trong những tình huống không thích hợp (ở thiếu niên và người lớn, điều này có thể giới hạn ở mức đương sự có cảm giác bồn chồn chủ quan).

(d) Thường khó tham gia những trò chơi hoặc hoạt động giải trí cần phải giữ yên lặng.

(e) Thường luôn di chuyển hoặc hành động như thể “đang lái môtô”.

(f) Thường nói quá nhiều.

Bồng bột

(a) Thường buột miệng trả lời khi người khác chưa hỏi xong.

(b) Thường khó chờ đợi đến phiên mình.

(c) Thường làm gián đoạn hoặc quấy rầy người khác (xen vào các cuộc nói chuyện hoặc các trò chơi).

B.

Một số triệu chứng tăng động - bồng bột hoặc triệu chứng giảm chú ý gây ra suy giảm chức năng được thấy hiện diện trước 7 tuổi.

C.

Tình trạng giảm chức năng do các triệu chứng này được thấy hiện diện trong ít nhất 2 môi trường khác nhau (ở trường, ở nơi làm việc, hoặc ở nhà).

D.

Phải có bằng chứng rõ ràng về tình trạng suy giảm chức năng đáng kể về lâm sàng được 

Không chẩn đoán là ADHD nếu các triệu chứng được giải thích bởi một rối loạn tâm thần khác (vd. rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu, rối loạn phân ly, rối loạn nhân cách, biến đổi nhân cách do bệnh lý y khoa, hoặc rối loạn liên quan hóa chất). Trong tất cả các rối loạn này, những triệu chứng giảm chú ý có thời điểm bắt đầu đặc hiệu là sau 7 tuổi, và bệnh sử thời thơ ấu về khả năng thích nghi với trường học thường không được đặc trưng bởi các hành vi gây rối (disruptive behavior) hoặc không có những than phiền của giáo viên về tình trạng giảm chú ý, và các hành vi tăng động, bồng bột. Khi rối loạn khí sắc hoặc lo âu cùng xảy ra đồng thời với ADHD, từng tình trạng nên được chẩn đoán riêng. ADHD không được chẩn đoán khi các triệu chứng tăng động và giảm chú ý xảy ra trong thời gian diễn tiến của một rối loạn phát triển lan tỏa (pervasive developmental disorder) hoặc một tình trạng loạn tâm khác. Các triệu chứng giảm chú ý, tăng động, bồng bột liên quan đến việc sử dụng một dược chất (như thuốc giãn phế quản, isoniazide, akathisia lấy từ các neuroleptics) ở những trẻ dưới 7 tuổi không được chẩn đoán là ADHD, thay vào đó nên chẩn đoán là các rối loạn liên quan hóa chất không đặc hiệu (other substance-related disorders not otherwise specified). 

TỔNG QUAN VỀ KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ VÀ TỰ SÁT (III)

Cử nhân Tâm lý ÁI NGỌC PHÂN

CAN THIỆP KHỦNG HOẢNG

Những thân chủ cần được can thiệp khủng hoảng

Khủng hoảng tồn tại khi phương thức ứng phó thông thường của cá nhân thất bại trong khi áp lực kiểm soát khủng hoảng thành công vẫn đang đè nặng, điều này khiến cá nhân cảm thấy bị “tràn ngập”, “chôn vùi” bởi những khó khăn có vẻ dường như không thể giải quyết. Tìm thấy bản thân mình trong cơn khủng hoảng thường là kết quả của cách ứng phó mới có hiệu quả (Folkman, Lazarus, Dunkel-Schetter, DeLongis, & Gruen, 1986), điều này có thể là kết quả của những hoạt động tương tác với nhà tâm lý. Khi cá nhân “loay hoay” tìm kiếm những cách ứng phó trong tuyệt vọng, và kết thúc bằng stress thì dường như họ cần đến sự hỗ trợ can thiệp của những “chuyên gia khủng hoảng” (Halpern, 1973, 1975). Cùng với nhau họ liên kết đưa ra cách giải quyết vấn đề, hỗ trợ thân chủ vượt qua khủng hoảng “êm ái” hơn, chịu đựng những trải nghiệm trong cơn khủng hoảng dễ chấp nhận hơn, và rút ra những bài học kinh nghiệm đủ sức tự mình chống đỡ, đương đầu với các vấn đề nguy cơ trong tương lai. Những kinh nghiệm nghiên cứu đã cho thấy rằng sự can thiệp khủng hoảng có thể đưa đến những lợi ích cho cá nhân như làm giảm sự lo âu, bối rối, giận dữ, và cảm giác không  được giúp đỡ, đơn độc chịu đựng, điều này cũng giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện khả năng làm việc, và thực hiện vai trò trong gia đình (Bunn & Clarke, 1979; Capone, Westie, Chítwood, Feigenbaum, & Good, 1979; Viney, Clarke, Bunn, &  Benjamin, 1985). Trong nhiều trường hợp, họ sẽ mong đợi nhà tâm lý là một chuyên gia có phép màu. Nhà tâm lý là hy vọng cuối cùng, và sự mong đợi của họ có thể là quá mức, là phi thực tế hoặc cả hai. Và khi không được đáp ứng đủ, họ trở nên thất vọng và giận dữ. Vào lúc này nhà tâm lý có khả năng giúp đỡ họ theo những cách khác nhau khi tìm thấy nhu cầu của họ. Aaron Lazare và những đồng sự của ông đã khảo sát trên những người tìm đến các dịch vụ sức khỏe tâm thần, và họ đã phân biệt được 14 loại nhu cầu khác nhau trên những cá nhân cần đến sự can thiệp khủng hoảng:

1.

     

Những người cần một người mạnh mẽ để bảo vệ, gánh vác, và chịu trách nhiệm thay họ. (“Please take over for me”)

2.

     

Những người cần một ai đó giúp họ duy trì sự nối kết với thực tại. “Giúp tôi biết rằng tôi đang ở thực tại”.

3.

Họ cảm thấy trống rỗng và cần được yêu thương. “Hãy quan tâm, chăm sóc tôi”.

4.

Họ cần nhà tâm lý trở thành một giá trị để luôn cảm thấy được an toàn. “Luôn luôn ở đây”.

5.

     

Được thoát ra khỏi ám ảnh mặc cảm tội lỗi, những người này thường tìm đến xưng tội. “Hãy mang mặc cảm tội lỗi của tôi đi”.

6.

     

 Ngay lập tức, khẩn cấp họ cần được nói ra hết mọi thứ đang giữ trong lòng. “Hãy cho tôi nói hết mọi thứ đang giữ trong lòng”.

7.

Dưới áp lực thôi thúc, họ mong ước được một lời khuyên. “Hãy nói cho tôi biết phải làm gì”.

8.

Họ tìm kiếm sự sắp xếp lại những ý tưởng, ý nghĩ mâu thuẫn của bản thân. “Hãy giúp tôi đặt mọi thứ trong quy luật”.

9.

     

 Những người thực sự mong muốn tự bản thân hiểu được những vấn đề bên trong của. “Tôi muốn tham vấn”.

10.

 

 Họ cảm thấy không thoải mái, khó chịu vì các vấn đề y khoa và cần sự chăm sóc về mặt thể chất. “Tôi cần một bác sĩ”

11.

Những người tìm kiếm một vài sự giúp đỡ thiết thực như sự giúp đỡ về kinh tế hay một nơi nào đó để chia sẻ. “Tôi cần sự giúp đỡ chuyên biệt”.

12.

 Họ tin rằng những khó khăn vẫn đang tiếp diễn trong các mối quan hệ hiện tại và cần nhà tâm lý can thiệp, hòa giải. “Làm điều này vì/cho tôi”.

13.

 

Những người muốn có được các thông tin về nơi sẽ giúp đỡ  đáp ứng những nhu cầu đa dạng của bản thân, thực chất họ đang tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng. “Hãy cho tôi biết nơi nào tôi có thể nhận được điều mà tôi cần”.

14.

 

Những người không có động cơ thúc đẩy hay các bệnh nhân loạn thần, những người được đưa đến với nhà tâm lý trái với ý muốn của họ. “Tôi không muốn gì cả”   

Can thiệp khủng hoảng

H. Norman Wright tác giả của cuốn sách

Crisis counseling  what to do and say during the first 72 hours

đã

 

trình bày

 

8 bước cơ bản cần thiết để giúp một cá nhân trong cơn khủng hoảng.Các bước can thiệp này được ứng dụng chung cho nhiều dạng khủng hoảng, tuy nhiên tùy thuộc những trường hợp cụ thể, mỗi cá nhân với những đặc tính khác nhau sẽ cần một sự quan tâm đặc biệt khác nhau, vì vậy việc ứng dụng những bước can thiệp này đòi hỏi sự linh hoạt, uyển chuyển, thích hợp.

Tiến trình can thiệp

Sự can thiệp ngay lập tức

Bước đầu tiên ở một trường hợp đang trong cơn khủng hoảng là phải lựa chọn giữa can thiệp khủng hoảng về mặt tâm lý học hay là sự can thiệp sức khỏe y khoa khẩn cấp. (Kenneth France). Can thiệp khủng hoảng là thích hợp nếu trường hợp cá nhân đang trong cơn khủng hoảng và vẫn có khả năng tham gia giải quyết vấn đề một cách hợp lý, logic. Sự can thiệp sức khỏe y khoa khẩn cấp là cần thiết khi nhà tâm lý hướng đến việc làm giảm tình trạng nguy hiểm có nguy cơ sắp xảy ra (suy kiệt sức khỏe thể chất quá mức do khủng hoảng, các rối loạn chức năng, nguy cơ tự làm hại bản thân và người khác…). Lựa chọn hình thức can thiệp phù hợp với tình trạng của cá nhân là một quyết định cần thiết, quan trọng. Những cá nhân trong cơn khủng hoảng chỉ đơn giản muốn được chia sẻ và tìm hiểu về những điều gì họ đã thất bại trong việc tìm các công cụ hỗ trợ, vì vậy sự can thiệp sức khỏe y khoa khẩn cấp là không thích hợp với họ, tương tự như vậy với những cá nhân gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề hay thực hiện các quyết định có lý trí. 

Can thiệp khủng hoảng là sự can thiệp ngắn, ngay tức thời, với việc chọn lựa nhanh các hình thức can thiệp hỗ trợ, bởi cơn khủng hoảng được xem là mang tính nguy hiểm, đe dọa những cá nhân có liên quan, và tại thời điểm của sự can thiệp là thời gian của sự xáo động, sự đau khổ ở mức độ cao với tình trạng dễ bị tổn thương, bối rối, hỗn loạn của cá nhân… đây chính là đáp ứng trong chuỗi tương tác đầu tiên của cá nhân. Một cá nhân rơi vào khủng hoảng sẽ cần sự “bảo đảm” (về mặt tinh thần: sự nâng đỡ, an toàn…) từ nhà tâm lý để chắc rằng họ đã làm điều đúng khi liên lạc với nhà tâm lý, xóa bỏ tình trạng hay do dự bối rối trước một quyết định. Lúc này họ cần được nhà tâm lý “chào đón” và cảm thấy mình được ưu tiên.

Mục tiêu của can thiệp khủng hoảng

-   

Mục tiêu tối thiểu là khôi phục tình trạng cân bằng, và mức độ hoạt động chức năng trước đó.

-   

Mục tiêu tối ưu: tích lũy những bài học kinh nghiệm, làm giàu thêm nguồn lực ứng phó,  để có khả năng ứng phó tốt hơn cho những áp lực trong tương lai.  

¶     

Thiết lập trạng thái cân bằng.

Cá nhân không thể chịu đựng những stress do cơn khủng hoảng mang lại quá lâu. Bằng cách này hay cách khác họ sẽ giải quyết chúng trong vòng 6 tuần và tình trạng cân bằng phải được tái thiết lập hoàn toàn. Nếu họ phải đợi để gặp nhà tâm lý thì khoảng thời gian không nên quá một đêm, và cần phải thực hiện ngay một cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại.

Cách thức mà cá nhân trong cơn khủng hoảng lựa chọn để thiết lập trạng thái cân bằng có thể lành mạnh hay không lành mạnh. Trong cơn khủng hoảng là tình trạng căng thẳng, cảm giác thúc bách, nhận thức chưa đúng và giảm năng lực hoạt động hiệu quả, vì vậy dù họ đã có rất nhiều cố gắng nhằm làm giảm nhẹ nhanh chóng tình trạng trên nhưng không mang lại hiệu quả, điều này có thể để lại những kết quả không mong đợi làm tồi tệ hơn tình trạng khủng hoảng. Họ có thể trở nên  “tràn ngập”, bị “chôn vùi” và lựa chọn cách tự hủy hoại bản thân nếu không nhận được một sự giúp đỡ ngay lập tức. Nhà tâm lý cần hành động nhanh chóng bởi hệ thống hỗ trợ từ bạn có thể làm giảm khủng hoảng một phần nào đó và có thể giúp bảo vệ cá nhân khỏi việc gây hại cho bản thân họ.

¶     

Sử dụng các kỹ thuật “chống đỡ” (sustainment

techniques)

Trong suốt giai đoạn bắt đầu hỗ trợ thân chủ, các kỹ thuật “chống dỡ” được sử dụng nhằm mục đích làm giảm lo âu, mặc cảm tội lỗi, tình trạng căng thẳng, và cung cấp những hỗ trợ về mặt cảm xúc. Tất cả những điều này là nổ lực nhằm khôi phục trạng thái cân bằng.

Sự cam đoan (reassurance) được sử dụng trong giai đoạn đầu tiên này hỗ trợ rất nhiều cho thân chủ luôn cảm thấy lo lắng về tình trạng kiệt sức, và muốn “nổ tung” của mình. Sự cam đoan quá nhiều có thể làm giảm hoàn toàn tình trạng lo âu khi ở một số trường hợp cần thiết cho những thay đổi tích cực diễn ra. Việc khuyến khích, động viên giúp cho thân chủ vượt qua cảm giác về sự tuyệt vọng và không có sự giúp đỡ.

Các phương pháp gây tác động trực tiếp được sử dụng nhằm thúc đẩy mong muốn thay đổi ở thân chủ, và được sử dụng rất thường xuyên trong can thiệp khủng hoảng, bao gồm việc động viên khuyến khích những hành vi mới, tăng cường củng cố (reinforcing) những điều mà họ đã từng hoàn thành.

Khi đang trong tình trạng trầm cảm, bối rối, hoang mang, thân chủ có thể cần những kỹ thuật thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Điều này được áp dụng trên những thân chủ đã xác định rõ những kế hoạch hành động hay có những cảnh báo về kết quả rõ ràng nếu thân chủ hành động theo cách thức đã chọn. Những thân chủ tự sát cần sự can thiệp trực tiếp. Một vài hậu quả của khủng hoảng như tự sát, tấn công người khác, bỏ đi, sự tổn hại về thể chất, loạn thần, hay rạn nứt gia đình, sự tách rời bản thân khỏi sự thừa nhận, chấp nhận cảm xúc, sự ràng buộc với gia đình là điều bất hạnh cho cả bản thân họ và các thành viên trong gia đình. Vì vậy mà một trong những mục tiêu của can thiệp khủng hoảng là giúp ngăn chặn những ảnh hưởng, hậu quả bất hạnh.

¶     

Tránh những tác động, hậu quả bất hạnh, gây nguy hiểm

Công việc đầu tiên là cung cấp số điện thoại của đường dây nóng cho thân chủ, xác định ngay lập tức tình trạng khẩn cấp thực sự của khủng hoảng và sự cần thiết của can thiệp y khoa khẩn cấp.

Lần hẹn đầu tiên cần được sắp xếp ngay lập tức ngay sau khi thân chủ gọi yêu cầu. Cố gắng thu thập đầy đủ các thông tin, tìm cách thức liên hệ giữa chúng, hình thành những giả định về vấn đề của thân chủ và lập những kế hoạch đơn giản cần thiết cho buổi làm việc đầu tiên, và uyển chuyển, thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của thân chủ. Cần chắc chắn duy trì sự kiểm soát trong các cuộc trò chuyện qua điện thoại với những giới hạn nhất định (tuân thủ khung trị liệu), và chỉ nhằm mục tiêu chính là sắp xếp buổi hẹn đầu tiên, và hình thành bước đầu cho mối quan hệ. Và điều này tự bản thân nó cũng đã có sự hỗ trợ nhất định cho thân chủ. Nếu tỏ ra quan tâm quá mức thân chủ có thể muốn nhà tâm lý giải quyết ngay tình trạng của mình qua điện thoại, nếu nghe quá nhiều điều về câu chuyện của thân chủ, có thể họ sẽ do dự trong việc thảo luận lại một lần nữa. Những điều này khiến nhà tâm lý khó có thể có được buổi hẹn đầu tiên ngay lập tức sau đó.  

Hành động nhanh chóng

Là bước thứ hai trong can thiệp khủng hoảng, một điều gì đó cần được bắt đầu thực hiện ngay. Cá nhân trong cơn khủng hoảng thường “loạng choạng” không định hướng và họ cần hướng dẫn để “di chuyển” một cách có ý nghĩa, mục đích và mục tiêu định hướng hành vi. Họ cần cảm thấy mình đã làm điều đúng đắn ngay từ buổi làm việc đầu tiên tuy nhiên đây không phải là thời điểm để điền vào bảng câu hỏi, thực hiện trắc nghiệm nhân cách, thăm dò về quá khứ hay chỉ thiết lập quan hệ. Nhà tâm lý cần trở nên rất chủ động, tích cực, tham dự vào, góp phần vào và hướng dẫn (direct) trong buổi làm việc đầu tiên.  Lắng nghe là rất quan trọng, và góp phần thu thập thông tin.

Trong thời gian này hãy giúp cá nhân hiểu về khủng hoảng. Thông thường khủng hoảng có liên hệ với một vài sự kiện, nhưng cá nhân không thể cùng khắc phục cả hai (khủng hoảng – sự kiện), điều này gây cảm giác thất vọng, vì vậy cần động viên khuyến khích họ bộc lộ cảm xúc của bản thân.   

¶     

Thăm dò tìm hiểu trong quá khứ

Mặc dù can thiệp khủng hoảng không tập trung quá nhiều vào quá khứ, nhưng điều quan trọng cần xác định hoạt động chức năng của cá nhân như thế nào trước khủng hoảng. Tìm kiếm những dấu hiệu của tình trạng xúc cảm trước đó, kiểu mẫu hành vi, tiến trình suy nghĩa, các mối quan hệ khác, những vấn đề về sức khỏe thể chất, cố gắng phát hiện điều gì đã xảy ra, ai là người liên quan đến… khi khủng hoảng xảy ra và tiếp diễn. Các câu hỏi về sự hướng dẫn của nhà tâm lý dành cho ai, điều gì, khi nào, ở đâu và như thế nào… thường được giải quyết hoàn tất khi cá nhân kể câu chuyện của họ. “Điều gì làm nên sức mạnh của thân chủ?” “Điều gì là nhược điểm, thiếu sót?” (khó khăn kinh tế, hình ảnh về bản thân, lòng tự tôn thấp, thiếu hệ thống hỗ trợ, không quan hệ bạn bè…) “Vì sao khả năng giải quyết vấn đề bị sụp đổ tại thời điểm đó?” “Đã từng trải qua sự kiện tương tự trước đó?”… Phần lớn những người liên quan đến khủng hoảng đều trải qua những loạt sự kiện bị dồn nén, tích tụ, và điều này cần được nhận biết, họ luôn trải qua các giai đoạn không thể, hay không có khả năng ứng phó, đều dẫn đến khủng hoảng, và nguyên nhân của sự không thể hay không có khả năng ứng phó cần được xác định. Khi họ kể câu chuyện của mình hãy lắng nghe họ cảm thấy như thế nào. Sự tương tác giữa cơn khủng hoảng với công việc, mối quan hệ bạn bè, cuộc sống gia đình và sức khỏe thể chất như thế nào?  Nhịp sống thường ngày của họ có như trước hay đã  đổi khác? Tiến trình suy nghĩ của họ như thế nào – có nguyên vẹn, rõ ràng? Có quá huyễn tưởng? Giấc mơ?.

¶     

Thăm dò những “sức mạnh” và những nhược điểm của thân chủ

Rất nhiều người trong cơn khủng hoảng đã mô tả cuộc sống của mình với những thiếu sót, sai lầm… hãy tìm những điểm mạnh bên cạnh những khuyết điểm của họ. Khi phát hiện một vài điểm mạnh hay năng lực, một phần của phong cách sống của họ, nhà tâm lý có thể động viên khuyến khích họ theo chiều hướng tích cực.

Khi họ lên chương trình cho bài tập thể chất của mình, hãy khen thưởng, động viên, khuyến khích họ tiếp tục duy trì nó. Đây là nền tảng gầy dựng sự tự tin, nghị lực, tạm làm xao nhãng khỏi vấn đề hiện tại. Những thành viên trong gia đình hay bạn bè có thể là điểm mạnh, và có một giá trị nào đó, họ có khả năng phát hiện dấu hiệu cảnh báo những hành vi nguy hiểm từ cá nhân và một người nào đó. Những tiềm năng trong tương lại cần được nhìn thấy và cảnh báo cho cá nhân hay gia đình họ.

¶     

Xác định rõ nhu cầu tức thời của thân chủ.

Việc thu thập những thông tin từ câu chuyện của cá nhân và từ những câu hỏi của nhà tâm lý có thể phát hiện những vấn đề sau: (1) Họ bộc lộ những nhu cầu nào cần được hướng đến ngay lập tức trong cuộc sống (2) Những điều mà họ bộc lộ có bị trì hoãn cho đến sau này không. Cần giúp họ xác định và nhận ra được trong cơn khủng hoảng điều gì họ đang chờ đợi và điều gì cần phải được kiểm soát ngay lúc này. Tuy vậy hiếm khi bạn phải đặt câu hỏi hay khơi gợi để nhận được những thông tin này, bởi thân chủ luôn luôn tự bộc lộ. Song khi thảo luận về tình huống với thân chủ hãy chắc rằng giữ lại toàn bộ những câu hỏi và vấn đề trong tâm trí. Nhận thức mức độ sáng suốt, linh hoạt và khả năng giao tiếp, trao đổi thông tin của họ. Cố gắng nhận biết nguyên nhân của khủng hoảng với những câu hỏi gợi như “hãy cho tôi biết điều gì đã xảy ra khiến bạn bối rối/ đau buồn?” hay “Có thể cho tôi biết nguyên nhân của sự đau buồn/ xúc động này là gì?” “Tôi muốn được nghe những gì bạn chia sẻ” Thỉnh thoảng trong tình trạng khủng hoảng họ gặp khó khăn trong việc trình bày một cách rõ ràng những điều mình muốn nói. Khi điều này xảy ra, nhà tâm lý cần kiên nhẫn, bất kỳ những dấu hiệu thiếu kiên nhẫn bằng lời hay không lời nào, sự khó chịu, hối thúc thân chủ …sẽ gây bất lợi. Tạo một không gian an toàn, cho phép thân chủ ngừng lại, yên tĩnh. Cần chú ý rằng đặc biệt trong suốt giai đoạn tương tác (giai đoạn đầu của chuỗi khủng hoảng) là tình trạng bối rối, bất an, mất định hướng, và những chức năng của tiến trình tâm trí hoạt động không như lúc bình thường, có những nỗi đau quá lớn để có thể nói bằng lời hay diễn đạt một cách dễ dàng.

Trong khi lắng nghe hãy chú ý những chủ đề quan trọng mà họ bày tỏ. Nhà tâm lý có thể phát hiện ra rằng họ đã lập lại nhiều lần trong suốt tiến trình làm việc với mức độ xúc cảm mãnh liệt, hay là cơn buồn chán, đau khổ. Tránh việc đưa những đáp ứng không liên quan đến chủ đề đang trình bày, hay đáp ứng quá mức vượt khỏi khả năng của nhà tâm lý. Tiến trình can thiệp này là sự giúp đỡ có chọn lọc, và thân chủ phải nhận ra được ý nghĩa của sự giúp đỡ này.

¶     

Tìm đến sự sáng tỏ, rõ ràng

Sự bối rối, đau khổ có thể làm cho những diễn đạt, biểu lộ của thân chủ không được sắp xếp, rõ ràng. Khi thân chủ có thể diễn đạt về bản thân một cách thẳng thắn hãy giúp họ thăm dò, tìm hiểu những lựa chọn khác có giá trị trong tình huống này, câu hỏi như: “Điều gì khác được thực hiện tại thời điểm hiện nay” có thể giúp ích. Khám phá hệ thống hỗ trợ nào phù hợp với họ: người bạn đời, cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, nhóm hỗ trợ đồng đẳng – những người được đào tạo, huấn luyện để hỗ trợ những người cô lập, hoặc có thể tìm một hệ thống hỗ trợ mới phù hợp.

Sự bối rối, vô định, hỗn loạn trong tâm trí, cảm xúc, và mất khả năng kiểm soát có thể khiến họ tạm ngưng “liên lạc” với môi trường bên ngoài, và mong muốn được yên tĩnh, tìm kiếm sự giúp đỡ để được ổn định, cân bằng, và có lẽ đôi khi họ muốn ở một vị trí khác, một nơi khác trong thời gian ngắn bởi nhu cầu cần một không gian riêng, hoặc muốn rời khỏi những người khác đang cố giúp đỡ họ nhưng thật ra lại càng làm tăng thêm sự bối rối, lo lắng bởi những cố gắng không phù hợp. Cơn khủng hoảng “bùng nổ” khi cá nhân nhận thức được điều gì đang diễn ra, và có thể phản ứng quá mức với chúng, đôi khi chính cách phản ứng của họ  mới là vấn đề chính, một vài người lao vào “chiến đấu”với những sự kiện bình thường vô nghĩa, một số khác lại trì hoãn không đáp ứng với những vấn đề quan trọng.    

¶     

Tạo điều kiện thuận lợi hay đóng vai trò hướng dẫn.

Nhà tâm lý tạo điều kiện thuận lợi hoặc là đóng vai trò hướng dẫn trong việc giúp đỡ cá nhân liên quan đến khủng hoảng? Nếu khủng hoảng có nguy cơ gây nguy hiểm cao cho bản thân cá nhân và những người khác, nếu cảm xúc tràn ngập trong tâm trí khiến cá nhân không có khả năng tự thực hiện chức năng hay tự chăm sóc, bảo vệ bản thân, nếu cá nhân sử dụng thuốc hay thức uống có cồn hay đã từng bị tổn thương… lúc này nhà tâm lý cần đóng vai trò người hướng dẫn.

Khi cá nhân không còn nguy hiểm với những người khác và bản thân, khi ấy họ có thể thực hiện cuộc gọi giúp đỡ, hoạt động có mục đích, tự lái xe và chăm sóc, bảo vệ bản thân… nhà tâm lý đóng vai trò tạo điều kiện. Cùng với thân chủ lập kế hoạch, và thúc đẩy thân chủ tự thực hiện kế hoạch với sự động viên khuyến khích của nhà tâm lý, sự giúp đỡ của hệ thống hỗ trợ.

Và cho dù đóng vai trò hướng dẫn hay tạo điều kiện thuận lợi thì lắng nghe và động viên, khuyến khích luôn là những công cụ quan trọng nhất.

¶     

Xem xét nhiều sự lựa chọn mới.

Bởi những cảm giác không được sự giúp đỡ tràn ngập trong suốt cơn khủng hoảng, khiến thân chủ do dự, thiếu quyết đoán, sợ hãi… nhà tâm lý có thể giải quyết điều này bằng sự động viên khuyến khích thân chủ sáng tạo, tìm những lựa chọn khác nhau phù hợp và tiến hành hành động trong sự chuẩn bị. Hướng dẫn họ xem xét các khả năng của những sự lựa chọn: “Hãy xem xét đến tính khả thi, nếu anh/chị ở đó, thực hiện điều này thì….?” “Điều gì có thể xảy đến nếu anh/chị sẽ…” “Anh/chị nghĩ còn ai khác phải cố gắng trong thời điểm này?” … Dự báo trước những chướng ngại vật, những khó khăn (có thể không hoàn toàn) cần phải đối mặt khi thực hiện kế hoạch.

Nó giúp thân chủ hoạt động trong vị thế tích cực, phát huy những điểm mạnh. Cách làm này đòi hỏi khả năng kiểm soát những khó khăn trước đó của thân chủ như thế nào, sự thành công từ việc thực hiện các lựa chọn này giúp xây dựng, cải thiện lòng tự tôn (self-esteem).

Ngăn chặn, đẩy lùi những nguy hiểm, những kết thúc bi thảm

Bước thứ ba là bước bắt đầu hoàn tất mục tiêu được giới hạn của tham vấn khủng hoảng, để ngăn chặn, đẩy lùi những nguy hiểm hay những kết thúc bi thảm và phục hồi trạng thái cân bằng của cá nhân. Đây không phải là thời điểm cố gắng tạo những thay đổi bên trong cá nhân. Trước hết phải giúp cá nhân hoàn thành một vài mục tiêu được giới hạn. Điều này tạo ra một ít thử thách, (nhưng không quá khó khăn) buộc cá nhân phải cố gắng thực hiện và đạt được. Thường đây chỉ là nhiệm vụ đơn giản có thể tạo ra cảm giác khuây khỏa.

Làm tăng, thúc đẩy hy vọng và những mong đợi tích cực

Khi cá nhân trong cơn khủng hoảng cảm thấy tuyệt vọng thì điều quan trọng là phải khôi phục, làm tăng, thúc đẩy niềm hy vọng và những mong đợi tích cực. Đừng đưa ra những lời hứa không thực hiện được nhưng hãy động viên, khuyến khích họ giải quyết vấn đề của mình. Niềm tin của họ vào khả năng, năng lực của bản thân là rất quan trọng.  Đây là thời điểm họ cần “mượn” hy vọng và niềm tin của nhà tâm lý cho đến khi họ “quay trở lại”. Họ mong đợi khủng hoảng sẽ được giải quyết bằng một cách nào đó trong một thời điểm nào đó, và nhà tâm lý thì mong đợi họ “làm việc” để có khả năng giải quyết vấn đề. Đây là cách tiếp cận và tương tác với cá nhân, thường điều này mang lại kết quả tốt hơn là che phủ, “giấu” đi tình trạng của họ.

Việc tiếp cận để giải quyết vấn đề, tốt hơn là đưa ra một lời cam đoan “vỗ về”, làm yên lòng họ nhưng thất bại, là một bước đi tích cực. Có thể đặt câu hỏi về những cơn khủng hoảng trong quá khứ và những tình trạng bối rối khó chịu, cùng với việc phát hiện ra cách làm thế nào để kiểm soát vấn đề. Điều này giúp cá nhân nhìn lại việc mình đã từng trải qua, và hy vọng vào hiện tại.

Mức độ lo lắng ở họ có thể giảm do họ sẽ nhìn tình huống của mình với thái độ khách quan hơn. Đây là một cách thức quan trọng trong việc giúp cá nhân phục hồi cân bằng.

¶     

Thông tin:

Trước tiên, việc tìm kiếm những thông tin cá nhân cung cấp cho nhà tâm lý tình trạng của thân chủ. Thân chủ có nhìn tình trạng của mình với một bức tranh toàn vẹn hay chỉ là những mảnh ghép được hợp thành? Và họ có toàn bộ sự thật? Họ có đang làm  “méo mó” tình trạng của mình bởi những cảm xúc hay định kiến ? Họ có hiểu được đây chỉ là những đáp ứng tự nhiên và những cảm xúc bình thường trong suốt thời gian khủng hoảng. Đặt những câu hỏi đi thẳng vào vấn đề và thúc đẩy, làm rõ  những câu trả lời mang thông tin có thể giúp thân chủ trong hai việc: (1) nhà tâm lý có thể giúp thân chủ điền đầy đủ, chính xác vào những chỗ còn trống thông tin và (2) những nỗi sợ hãi và sự bận tâm quá mức có thể được giảm bớt khi được cung cấp những thông tin chính xác, đầy đủ. Cả hai điều này sẽ giúp phục hồi cân bằng.       

¶     

Tương tác:

Việc xem xét những thông tin trong cơn khủng hoảng có liên quan đến việc cá nhân tương tác như thế nào với tình huống khách quan. Làm thế nào để một cá nhân “theo đuổi” sự lựa chọn hành động để thay đổi cuộc sống của mình, (như mất việc hay người bạn đời) và điều gì được lựa chọn? (chăm sóc những đứa con khi người bạn đời mất hoặc bỏ đi). Giúp cá nhân nhận ra rằng những cơ hội và kết quả của bất kỳ những quyết định nào cho bản thân hay cho người khác đều có thể có liên quan. Kiểm tra những lựa chọn và những kết quả, sau đó tập họp lại theo những hướng có khả năng ứng phó cho cả hiện tại và trong hoàn cảnh tương lai.

Khi thân chủ trở nên mạnh mẽ hơn và có khả năng, họ sẽ có thể tự tìm hiểu bản thân trong các tình huống và làm thế nào để đáp ứng lại (về mặt cảm xúc và hành vi) với tình huống ấy.

Cung cấp hệ thống hỗ trợ

Một trong những nguyên nhân làm tăng thêm, kéo dài khủng hoảng là thiếu hệ thống hỗ trợ xã hội phù hợp. Can thiệp khủng hoảng phải bao gồm cả việc cung cấp sự hỗ trợ.

¶     

Cuộc gọi lại

Điều quan trọng là những cuộc gọi lại phải nhanh chóng nhưng không có nghĩa là ngay lập tức, nếu nhà tâm lý gọi lại ngay sau vài phút sẽ khuyến khích mối quan hệ phụ thuộc. Thời gian gọi lại có thể khoảng 30 phút, điều này tạo cơ hội cho thân chủ suy nghĩ về mình, trở nên bình tĩnh hơn trước khi trình bày vấn đề của mình, quan trọng hơn điều này giúp nhà tâm lý thoát khỏi vai trò như một chuyên gia đầy quyền phép trong suy nghĩ của họ. Trường hợp cá nhân nguy cơ tự sát cao, thì điều dĩ nhiên nhà tâm lý cần phải thực hiện cuộc gọi ngay lập tức.

Cá nhân trong cơn khủng hoảng luôn cần sự đảm bảo rằng họ có thể gọi bất cứ lúc nào và nhà tâm lý sẽ sẵn sàng trò chuyện với họ trong vài phút. Dù được nhà tâm lý đề nghị, nhưng họ sẽ yên lặng “đấu tranh” với việc có gọi hay không, cuộc đấu tranh càng mãnh liệt làm gia tăng thêm khủng hoảng. Những cá nhân có lòng tự tôn thấp thường dễ rơi vào việc đấu tranh có nên hay không gọi cho nhà tâm lý.

Tuy nhiên những cuộc gọi luôn phải được đặt trong giới hạn, giới hạn này có thể thay đổi tùy theo tình trạng của thân chủ nhưng luôn luôn phải được tuân thủ.

¶     

Mở rộng hệ thống hỗ trợ.

Cách tốt nhất để giúp đỡ một cá nhân là mở rộng hệ thống hỗ trợ ngay khi có thể. Điều này làm giảm những đòi hỏi ở nhà tâm lý, giúp cá nhân vượt qua khủng hoảng hiện nay, và có thể giúp ngăn ngừa khủng hoảng trong tương lai.

Khi làm việc với thân chủ, cố gắng xác định loại hệ thống hỗ trợ nào mà họ có: những mối quan hệ thân thuộc, bạn bè mà họ có? Ai là người có thể chia sẻ trong lúc khó khăn? Xác định các hệ thống hỗ trợ có thể giúp đỡ trực tiếp khi họ cần. Cần chắc chắn rằng nhà tâm lý có những hướng dẫn chuyên biệt để hỗ trợ cá nhân, đó không phải là hàng loạt những lời khuyên bằng lời không cần thiết, không mang lại lợi ích tại thời điểm hiện nay. Chú ý đến việc thân chủ cảm thấy đảm bảo, ổn định, thoải mái với hệ thống hỗ trợ ấy, và ngay khi họ dần dần rút lui khỏi hệ thống ấy.  

¶     

Đảm nhận trách nhiệm (be in charge)

Trong can thiệp khủng hoảng sử dụng hệ thống hỗ trợ đòi hỏi nhà tâm lý cần kiểm soát, định hướng buổi làm việc, kiểm soát mức độ và sự biểu lộ của tức giận, bảo vệ thân chủ khỏi áp lực hay sang chấn, kiểm soát mức độ lo âu… Đây là một trong những nguyên tắc làm việc, đặc biệt cần được tuân thủ khi làm việc cùng nguồn lực hỗ trợ là gia đình, bạn đời của thân chủ, trong đó bao gồm việc thiết lập khuôn khổ làm việc (lịch hẹn, thời gian…), tạo không an toàn, cởi mở,… cho thân chủ và những thành viên hỗ trợ khác biết họ có thể tự do, bày tỏ, chia sẻ, nhà tâm lý hỗ trợ họ nhìn vào vấn đề, xem xét chúng, hỗ trợ họ vượt qua với những giải pháp mới, giúp đỡ họ lựa chọn những cách thức tốt hơn trong việc bộc lộ, tránh tình trạng leo thang trong giao tiếp. Vấn đề quan trọng là tạo một không khí giao tiếp lành mạnh, điều đó bao gồm việc thiếp lập một số chỉ dẫn đặc biệt như:

(1)    

Trong cùng một thời điểm, chỉ nên có một người nói, mỗi người lắng nghe có mục đích nhằm để hiểu rõ nhận thức của cá nhân và sự biểu lộ và cảm thấy như thế nào.

(2)    

Cá nhân cần nói cho bản thân mình không phải cho người khác. Bất kỳ sự giả định nào về cảm xúc, suy nghĩ của một người khác đều cần được thể hiện, kiểm tra lại.

(3)    

Xác định sự tương phản, khác biệt làm nên suy nghĩ và cảm xúc, giữa thực tại và quan điểm dư luận.

(4)    

Bất cứ sự bộc lộ, biểu hiện mơ hồ nào cũng cần được làm rõ, để tất cả những người hiện diện cần hiểu được một cách rõ ràng.

(5)    

Sự khác biệt trong quan điểm luôn tồn tại và điều đó luôn đúng, không có gì là sai trái.

(6)    

Khi đang nói, một cá nhân có thể được khuyến khích mà không bị cắt ngang nhưng sự độc thoại không được chấp nhận, bởi tình trạng độc thoại gây mất hứng thú cho những người xung quanh, và tạo cảm giác cá nhân đang kiểm soát. Hơn thế nếu tình trạng này duy trì, nó có thể là nguyên nhân cho những cảm xúc leo thang ở chính cá nhân và có thể ở những thành viên khác. Chấm dứt tình trạng độc thoại bằng cách làm rõ vấn đề hỏi những người khác về điều họ đã nghe thấy, bàn luận về những đáp ứng không lời của một ai đó, … “Anh/chị đã mang lại rất nhiều ý kiến hay song tôi muốn chúng ta dừng lại và làm rõ chúng.”  

Tập trung vào việc giải quyết vần đề

Đây được xem “xương sống” (backbone), là nỗ lực trọng tâm của tiến trình can thiệp khủng hoảng. Nhà tâm lý cùng thân chủ cố gắng xác định vấn đề chính đưa đến khủng hoảng và sau đó hỗ trợ họ lập kế hoạch, tiến hành các phương cách giải quyết vấn đề chính ấy. Có thể có những cảm xúc, và những vấn đề xuất hiện trong việc tìm ra cách thức giải quyết, nhưng cần chú ý rằng luôn tập trung vào vấn đề chính cho đến khi chúng được giải quyết. Lúc này nhà tâm lý và thân chủ như một nhóm cùng làm việc,

William Glasser, tác giả của liệu pháp thực tế (Reality Therapy)

đã sử dụng cụm từ chúng ta trong tham vấn: “Chúng ta có thể làm gì?” “Chúng ta giải quyết chúng như thế nào?” hay “hãy nhìn xem chúng ta có những tiến triển gì khi làm việc cùng nhau?” Việc thân chủ dấn thân vào hoàn thành kế hoạch mang nhiều ý nghĩa: (1) làm tăng cơ hội theo đuổi suốt tiến trình, (2) giúp phát triển khả năng tự lập (self-reliance).

Trong quá trình giải quyết vấn đề, cần tập trung vào việc thiết lập các mục tiêu, tìm những nguồn lực có giá trị sử dụng trong việc giải quyết vấn đề và động não tìm những lựa chọn khác nhau. Lên danh sách các lựa chọn có thể được sử dụng. Nếu thân chủ gặp khó khăn, cạn kiệt ý tưởng, thì nhà tâm lý có thể gợi ý, đề nghị một vài lựa chọn khác nhau, tuy nhiên nhà tâm lý không thể đưa ra lời khuyên bảo thân chủ phải làm điều gì?.

Sau khi lên danh sách các lựa chọn, hãy giúp thân chủ “nhìn thấy” trước kết quả của những lựa chọn hành động ấy, cả điểm tích cực lẫn tiêu cực. Câu hỏi lớn đặt ra là: “liệu lựa chọn theo cách thức này sẽ đi ngược lại những giá trị của thân chủ?”, Vd: người chồng đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính. Lựa chọn giải quyết là làm thêm công việc thứ hai, tuy nhiên điều có giá trị ý nghĩa lớn của anh là mỗi tối dành thời gian cho gia đình, cuối tuần có thể đi lễ, vui chơi cùng các con, trong khi công việc làm thêm sẽ buộc anh ra ngoài vào mỗi tối và không có ngày nghỉ cuối tuần.

Tìm kiếm những mâu thuẫn, xung đột về giá trị bằng việc đặt 2 câu hỏi song song: kết quả có thể xảy ra? và cảm xúc của thân chủ trước những khả năng có thể xảy ra? Giúp thân chủ nhận thức được kết quả việc mình sẽ làm và lựa chọn. Tránh tình trạng cách thức giải quyết vấn đề này lại làm phát sinh một vấn đề khác thậm chí nghiêm trọng hơn.      

¶     

Yêu cầu, đề nghị các bước rõ ràng, xác thực

Sau khi lượng giá những lựa chọn khác nhau, hỗ trợ thân chủ lập tiến trình hành động theo từng bước một, hết bước này đến bước khác (step by step), mỗi bước là một mục tiêu nhỏ, đơn giản, nhưng chi tiết, rõ ràng, có thể thực hiện, (tránh đặt những mục tiêu lớn, hay cùng lúc phải hoàn thành nhiều mục tiêu…), cố gắng tiên liệu trước những chướng ngại vật có thể gặp phải, và cả những yếu tố khách quan có thể xuất hiện gây hại bất ngờ. Nhà tâm lý cần động viên, thúc đẩy họ thực hiện, đặt các câu hỏi thúc đẩy họ tự quyết định: Anh/chị sẽ làm gì, làm như thế nào, và khi nào?. Tuy nhiên, cảm xúc gây ảnh hưởng đến tình trạng thể chất làm thân chủ mệt mỏi, không muốn thực hiện, dễ bỏ cuộc, ít cố gắng, điều này đòi hỏi nhà tâm lý thể hiện sự kiên nhẫn, tin tưởng vào khả năng của thân chủ và giúp họ xây dựng kế hoạch thực hiện.

Bất kỳ một kế hoạch nào được tiến hành cũng cần giai đoạn xem xét lại tiến trình đã thực hiện, nhằm lượng giá, xác định lại mục tiêu, có những thay đổi cho phù hợp và tiếp tục được thực hiện cho đến khi hoàn thành mục tiêu chính đề ra.  

¶     

Tập trung vào thực tại

Những thông tin giúp tìm ra cách giải quyết vấn đề, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Một vài người có xu hướng tránh né vấn đề thực tại, và như vậy họ hy vọng tránh được nỗi đau. Một phần trong nhiệm vụ của nhà tâm lý là giúp họ đối mặt với nỗi đau, nhưng điều này cần phải được thực hiện một cách từ từ nhằm tránh cảm giác bị tràn ngập, chôn vùi. Chúng ta cần tạo ra một môi trường làm họ cảm thấy an toàn, thoải mái đủ để đối mặt với tình trạng của mình một cách trọn vẹn. Một trong những cách tốt nhất để đáp ứng với cảm xúc là lắng nghe chủ động (active listening), đây là một kiểu phương pháp lắng nghe nhạy bén để hiểu được những gì đang ẩn sâu bên trong, hay những thông điệp ngầm, và phản ánh lại cho thân chủ có thể nhận thấy điều đang ẩn sâu bên trong họ.

Sự lắng nghe của nhà tâm lý giúp thân chủ làm rõ vấn đề của mình. Khi áp dụng lắng nghe chủ động (active listening) nhà tâm lý thực hiện một sự bày tỏ, thể hiện tốt hơn cách đặt câu hỏi, điều này giúp giữ những vấn đề của thân chủ trong phạm vi trách nhiệm của họ, nhưng họ vẫn cảm thấy được sự hỗ trợ của nhà tâm lý trong quá trình tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình. Nó thể hiện sự tôn trọng, chấp nhận, tin tưởng vào khả năng giải quyết của thân chủ. Và đây là nguyên nhân đòi hỏi nhà tâm lý cần phát triển kỹ thuật lắng nghe.    

¶     

Phát triển kỹ thuật lắng nghe

¶     

Kiểm tra mức độ lo âu của thân chủ

Theo dõi mức độ lo âu ở thân chủ, và cố gắng điều chỉnh. Mặc dù một số những cơn lo âu có thể  là động lực thúc đẩy họ đối mặt với vấn đề. Tuy nhiên mục tiêu hướng đến là điều chỉnh số lượng cơn lo âu được biểu hiện, làm thế nào để thể hiện, và kiểm soát chúng hiệu quả, bởi chúng có khả năng ảnh hưởng đến sự lựa chọn, tính quyết đoán, và tiến trình giải quyết vấn đề.

        ¶   

Thăm dò cảm xúc của thân chủ

Trong tiến trình giải quyết vấn đề cảm xúc của thân chủ là rất quan trọng, những vòng cảm xúc ngắn thường xuất hiện vào thời điểm giải quyết vấn đề, nhưng đây không phải là biện pháp xuất hiện để giúp đỡ thân chủ trong cơn khủng hoảng. Trong nhiều trường hợp, đó có thể là sự hồi tưởng lại nỗi đau mất mát quá lớn (chu trình grief). Động viện, giúp đỡ thân chủ vượt qua cảm xúc về nỗi đau mất mát này, và chu trình grief sẽ hoàn tất.

Thân chủ sẽ bộc lộ rất nhiều cảm xúc, chia sẻ nỗi đau mà họ đang mang, những lo lắng trong quá trình thực hiện các bước giải quyết vấn đề,  những cảm xúc quay trở về khi họ phải đối mặt với vấn đề và giải quyết chúng… Chúng ta có thể giúp họ phân loại những cảm xúc và nhận ra phần lớn trong chúng là cấp tính. Hãy lắng nghe và đáp ứng với họ bằng cả ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ, giúp họ nhận ra viễn cảnh sau khi giải quyết thành công vấn đề, đưa những phản hồi, động viên, thúc đẩy làm tăng năng lực bằng việc nhắc nhở họ nhìn lại những việc họ đã hoàn thành tốt. Luôn đặt câu hỏi “chúng ta đã làm được gì ?” “anh/chị cảm thấy như thế nào?”… để họ bộc lộ những cảm xúc, đánh giá được nguy cơ, và có bước chuẩn bị để ngăn chặn, giải quyết.

Nâng cao lòng tự tôn (self-esteem)

Lòng tự tôn bao gồm: sự tự nhận thấy giá trị (self-worth), năng lực (self-competence), và sự tự chấp nhận (self-acceptance) bản thân. Mục tiêu của bước thứ bảy này bao gồm: (1) đánh giá và hiểu được sự tự nhận thức, hình ảnh bản thân (self-image) và (2) khám phá ra khủng hoảng đã tác động như thế nào và cá nhân đã làm gì cũng sẽ tác động đến sự tự nhận thức về hình ảnh bản thân. Đây là thời điểm bảo vệ và nâng cao sự tự nhận thức về hình ảnh bản thân, bởi trong suốt giai đoạn khủng hoảng là sự lo âu, lòng tự tôn bị hạ thấp, cảm giác tuyệt vọng, thất bại, mặc cảm có lỗi. Một trong những cách đáp ứng về cảm xúc của lòng tự tôn thấp là giận dữ với người khác hay với chính bản thân mình, sự tuyệt vọng do không yêu cầu được giúp đỡ và thụ động tiêu cực chỉ ngồi yên chờ  đợi sự giúp đỡ.    

Điều quan trọng đầu tiên trong việc hỗ trợ thân chủ nâng cao sự tự nhận thức về hình ảnh bản thân, xây dựng lòng tự tôn chính là thái độ và cách cư xử trong quá trình làm việc với nhà tâm lý:

-         

Sự tôn trọng, chấp nhận vô điều kiện, không phán xét, và tin tưởng vào thân chủ.

-         

Hỗ trợ họ nhận ra những mục tiêu, sự mong đợi thiết thực và sự giới hạn trong việc hoàn thành những mục tiêu..

-         

Giúp họ nhận thấy những điều họ đang có, những điểm mạnh.

-         

Giúp họ lập danh sách những nguồn lực có thể sử dụng hỗ trợ họ nâng cao lòng tự tôn một cách lành mạnh.

-         

Hỗ trợ họ nhận ra mức độ của sự mong muốn thay đổi và phát triển tổ chức, cơ cấu giải quyết vấn đề… những điều mà họ có thể tận dụng hướng đến hoàn thành mục tiêu.

-         

Động viên, khuyến khích hỗ trợ thân chủ đối mặt với những khó khăn.

-         

Ngăn chặn việc lập lại những suy nghĩ tiêu cực đưa đến hành vi tiêu cực.

-         

Hỗ trợ thân chủ tăng sự tự nhận thức bản thân (self-awareness): (1) viết nhật ký, (2) bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc của mình.

-         

Hỗ trợ họ tăng sư tự chấp nhận bản thân (self-acceptance): (1) nhận ra hệ thống giá trị và niềm tin của bản thân, (2) khuyến khích sự quan tâm một cách tích cực, khách quan đến việc tự đấu tranh chống lại cảm giác bị hắt hủi, bỏ rơi. Hướng dẫn cho họ thấy được sự tương tác giữa việc tự nói (self-talk) tiêu cực có ảnh hưởng đến lòng tự tôn. Học cách tự chấp nhận bản thân. 

-         

Sự đánh giá khách quan, chân thật về những điều tích cực, tiêu cực trong cuộc sống. Tập trung vào những điều tích cực, nhìn lại những thất bại như một cơ hội để học hỏi, trưởng thành.

-         

Cho thân chủ những phản hồi tích cực và thúc đầy sự tăng năng lực (reinforcement).

   

Nâng cao sự tự lực, độc lập, tự dựa vào khả năng và nỗ lực của bản thân (self-reliance)

Là bước thứ 8 trong tiến trình can thiệp, được thực hiện gần như song hành cùng mục tiêu nâng cao sự tự nhận thức về hình ảnh bản thân.

Nâng cao khả năng tự lực trước hết phải cải thiện sự tự nhận thức về bản thân, sự tự tin (self-confident), tự nhận thấy giá trị (self-worth), năng lực (self-competence), và tự chấp nhận bản thân, khi những điều này được cải thiện, lòng tự tôn được nâng cao sẽ thúc đẩy cá nhân, tăng cường tính độc lập, tin tưởng vào khả năng và nỗ lực của bản thân trong việc đối mặt và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Giải quyết thành công (đạt được mục tiêu đề ra trong khả năng của bản thân) những vấn đề trong cuộc sống làm tăng thêm lòng tự tôn.

¶     

Xây dựng các nhóm hỗ trợ:

Xu hướng chỉ tập trung tin vào, cậy nhờ nhà tâm lý, và xem đây là người duy nhất hỗ trợ hiệu quả cho bản thân thường được sử dụng bởi các thân chủ, điều này gây ra tình trạng lệ thuộc, làm giảm tính tự lập. Nhà tâm lý cần làm rõ cho thân chủ hiểu, nhà tâm lý không thể đáp ứng tất cả các câu trả lời của họ, và tiến trình can thiệp tâm lý sẽ chấm dứt. Điều quan trọng là động viên, khuyến khích họ tin tưởng, bắt đầu đảm trách, tự thực hiện những công việc nhỏ với mục tiêu đơn giản và thực hiện thành công. Những thành công này giúp củng cố thêm sự tự tin, khả năng tự lập, tự chịu trách nhiệm về mình..

¶     

Cổ vũ, động viên, khuyến khích sự tự giúp đỡ bản thân (self-help):

Một trong những nguyên tắc cơ bản của can thiệp khủng hoảng là: không giúp thân chủ làm bất cứ điều gì mà họ có thể tự thực hiện một cách thành công. Nếu có một sự chọn lựa giữa việc nhà tâm lý hay thân chủ là người thực hiện cuộc gọi, và thân chủ hoàn toàn có khả năng thực hiện, vậy hãy để thân chủ thực hiện điều đó. “…Quan điểm của nhà tâm lý là thân chủ là người có năng lực, khả năng, một người tốt, người hiện đang tạm thời bị chôn vùi bởi những đau khổ quá mức, người sẽ sử dụng sự giúp đỡ của nhà tâm lý để ứng phó với những đau khổ ấy và quay trở lại “con đường” của mình” (Douglas Puryer). Quan điểm chỉ rõ, chính thân chủ là người ứng phó với vấn đề của mình dưới sự hỗ trợ của nhà tâm lý, nhà tâm lý không ứng phó giúp cho họ. Khi cố gắng ứng phó với những đau khổ của khủng hoảng, cảm xúc của họ sẽ rơi xuống sâu hơn. Họ có thể có cách ứng phó đe dọa đến những nguồn lực an toàn trước đây và cảm thấy như sắp “vỡ tan”, mất mát, những lo âu, bối rối mới có thể hình thành. Vì những chuyển biến của khủng hoảng, thân chủ có thể thực hiện những quyết định mới, nghĩ ra cách giải quyết mới, tìm nguồn lực mới và có thể di chuyển đến những vai trò mới. Với cách giải quyết và vai trò mới, được tập họp lại và tiến hành có thể gây một vài stress cho bản thân, bởi những thay đổi về vị thế và chức vụ trong gia đình và cộng đồng, bao gồm việc chấp nhận cách giải quyết mới mức độ hài lòng, thoải mái của cách giải quyết này, những bài học từ cuộc sống… Tuy nhiên, sự thích nghi với cách giải quyết và vai trò mới sẽ xuất hiện, ít nhất cho đến khi những vai trò và kết quả của việc giải quyết các vấn đề được ổn định. 

Tuy nhiên không phải trường hợp khủng hoảng nào cũng cần đến sự can thiệp của nhà tâm lý, và những trường hợp cần đến sự can thiệp của nhà tâm lý không nhất thiết đang trong tình trạng nguy kịch bởi thân chủ có thể sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tâm lý như một trong nhiều nguồn lực hỗ trợ khác trên “con đường” giải quyết vấn đề của mình, và trong nhiều trường hợp khủng hoảng được can thiệp, có một số cá nhân cần được hỗ trợ về mặt y khoa, được “giám sát” do có xu hướng thực hiện những hành vi gây hậu quả nguy hiểm. Một trong những điều cần lưu ý khi can thiệp khủng hoảng là việc phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi mang lại kết quả nguy hiểm này và đặt thân chủ trong phạm vi an toàn. Trong những hành vi tác động tiêu cực lên thân chủ trong tiến trình can thiệp thường gặp là việc sử dụng các chất như một cách “tự chữa bệnh” nhằm xoa dịu những đau khổ phải chịu đựng trong cơn khủng hoảng như: lạm dụng rượu, các chất kích thích, chất an dịu thần kinh…, tham gia vào các trò chơi cảm giác mạnh có thể gây nguy hiểm (như đua xe, …), thì việc xuất hiện những ý nghĩ tự sát như một cách giải quyết nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng đau khổ  kéo dài, được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng bởi đây là sự lựa chọn mãi mãi không thể cứu vãn, thay đổi. AAS

khẳng định: “Khủng hoảng là nhất thời và cái chết là mãi mãi”. Chính vì vậy, việc phát hiện và ngăn chặn ý định tự sát trên những thân chủ đang trong suốt quá trình can thiệp là cần thiết.

Ý tưởng tự sát có thể xuất hiện vào bất cứ giai đoạn nào trong tiến trình can thiệp, trong sự thay đổi của chuổi diễn biến khủng hoảng kèm theo những thay đổi cảm xúc. Đôi khi chỉ dừng lại là những ý tưởng, đôi khi là những kế hoạch được chuẩn bị tỉ mỉ và cả những lần toan tự sát bất thành… đưa đến những mức độ nguy cơ tự sát thành công khác nhau, nhưng khó có thể chắc chắn rằng một người có ý định tự sát thì có nguy cơ thấp, ít nguy hiểm hơn một người đã chuẩn bị kế hoạch… Vì vậy khi thân chủ đề cập (bằng lời nói hay không bằng lời nói) đến cái chết hãy thật sự quan tâm đến điều đó và thiết lập ngay một hệ thống hỗ trợ cho trường hợp khẩn cấp của thân chủ.

Phát hiện và ngăn chặn ý định tự sát trong cơn khủng hoảng

Là một việc làm cần thiết, tuy không phải trường hợp khủng hoảng nào đến với sự hỗ trợ tâm lý cũng mang ý định tự sát nhưng việc phát hiện và can thiệp kịp thời nhằm mục tiêu bảo vệ thân chủ trước những tiềm năng nguy hiểm có thể dự báo, đây là công việc, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của nhà tâm lý.

Phát hiện ý định tự sát ở thân chủ

Hàng loạt các bảng liệt kê những dấu hiệu nhằm hỗ trợ việc phát hiện sớm tự sát được các nhà tâm lý (William Zung, Sharon L Johnson, Dave Capuzzi…), nhiều tổ chức nghiên cứu (AFSP, AAS, Healthlife, The centre for crisis psychology…) được đúc kết. Tuy nhiên các dấu hiệu cảnh báo đơn lẻ này cần kết hợp với nhiều yếu tố khác như: nhân cách của của cá nhân (xu hướng, động cơ, tính cách, khí chất, năng lực), tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, quá trình phát triển của bản thân, những kinh nghiệm từng trải, nguồn lực ứng phó, hoàn cảnh sống, các hệ thống hỗ trợ… để đánh giá nguy cơ tự sát một cách đầy đủ và chính xác. 

Tổ chức AFSP: Tự sát có thể được ngăn chặn, trong khi một số ít những trường hợp tự sát không có bất cứ dấu hiệu nào, thì phần lớn (75%) những người muốn tự sát luôn đưa ra những dấu hiệu cảnh báo bằng cách này hay cách khác, tuy nhiên còn tùy thuộc vào những người xung quanh họ có nhận ra và thực sự quan tâm đến những dấu hiệu của họ hay không.

Những dấu hiệu này thường xuất hiện sau, gần với một số sự kiện gây đau khổ (mất người thân yêu), thất bại (trong công việc, trong cuộc sống, những ước mơ).

·

Các dấu hiệu có thể quan sát được về khí sắc:

- Khí sắc giảm không ngừng, liên tục, ngày càng trở nên trầm buồn, lặng lẽ.

- Tính bi quan, yếm thế.

- Tuyệt vọng.

- Sự liều lĩnh tuyệt vọng.

- Lo âu, nỗi đau tinh thần và căng thẳng bên trong.

- Rút lui khỏi các mối quan hệ gia đình, nghề nghiệp, bạn bè, xã hội.

- Những vấn đề về giấc ngủ (thiếu ngủ, mất ngủ, ngủ li bì…)

·

Tăng hoặc bắt đầu sử dụng các chất cồn (rượu), thuốc (an thần, chất gây nghiện)

·

        

Gần đây xuất hiện những xung động, thôi thúc bốc đồng và tự

mang đến những rủi ro nguy hiểm không cần thiết

·

Đe dọa tự sát

hay

bộc lộ một mong muốn mạnh mẽ là được chết

·

        

Lập kế hoạch: Cho, tặng, ban phát các vật yêu thích thuộc sỡ hữu của bản thân. Đột nhiên hay có xung động mua sắm những vật có tính sát thương như súng, hay lưu giữ thuốc độc, các loại thuốc khác.

·

        

Những cơn thịnh nộ, giận dữ không mong đợi, không thể kiểm soát.

Tổchức

AAS

đã đưa ra những dấu hiệu cảnh báo được viết tắt là:

IS PATH WARM?

I

deation: ý tưởng ý nghĩ

Substance Abuse: lạm dụng chất

Purposelessness: không mục đích sống, bất định không phương hướng

Anxiety: lo âu, bối rối, bất an, rối loạn giấc ngủ.

Trapped: bị mắc kẹt, như rơi vào bẫy, cảm giác cố vùng vẫy như càng sâu không thể thoát.

Hopelessness: tuyệt vọng

Withdrawal: rút lui khỏi các mối quan hệ gia đình, nghề nghiệp, bạn bè, xã hội.

Anger: giận dữ

Recklessness: liều lĩnh, táo bạo

Mood Changes: thay đổi khí sắc nhanh chóng (một cách kịch tính). Khí sắc là yếu tố dễ nhận thấy, sự thay đổi khí sắc cần được chú ý như: trở nên lặng lẽ, buồn bã hơn, hoặc ngược lại trở nên vui vẻ, phấn khởi, nhẹ nhõm như mọi thứ đã được giải quyết (trường hợp này thường xuất hiện trong giai đoạn giải quyết vấn đề của tiến trình can thiệp)…

Tuy nhiên, những dấu hiệu trên có ý nghĩa cảnh báo nguy cơ tự sát không  còn tùy thuộc vào khả năng đánh giá chủ quan của từng người (khả năng quan sát, nhạy bén, và sự quan tâm đúng mức đến các dấu hiệu). Tác giả William Zung đã đưa ra một bảng thống kê các câu hỏi, dưới dạng các câu hỏi phỏng vấn với 50 đề mục, nhằm đánh giá tiềm năng tự sát ở một người, bảng đánh giá này vừa mang tính chủ quan (do sự trả lời, tự đánh giá của thân chủ, nhận định của nhà tâm lý), vừa mang yếu tố khách quan (được đánh giá thông qua điểm số sau khi xử lý các câu trả lời).

Như vậy, việc phát hiện một thân chủ trong tiến trình can thiệp khủng hoảng có ý định tự sát đòi hỏi sự nhạy bén của nhà tâm lý, quan sát phát hiện càng sớm, ngăn chặn kịp thời thì khả năng tránh được kết quả tiêu cực càng cao. Nổi bật nhất trong các dấu hiệu tự sát là những dấu hiệu về khí sắc và cảm xúc của thân chủ, theo đó là những suy nghĩ, và hành vi của họ. Họ luôn báo hiệu bằng một cách nào đó cho người bên cạnh biết: đó có thể là những dấu hiệu mong muốn thu hút sự quan tâm của người khác, nhưng cũng có thể là lời chào vĩnh biệt… vì vậy sau khi phát hiện cần có sự đánh giá nguy cơ, mức độ gây nguy hiểm cho bản thân và người khác ở thân chủ nhằm có sự can thiệp nhanh chóng, phù hợp.

Thăm dò và đánh giá nguy cơ

Thông thường việc thăm dò và đánh giá nguy cơ nguy hiểm được tổng hợp từ nhiều yếu tố như:

Đánh giá mức độ nguy cơ thấp nhất được xem là chỉ mới có ý định tự sát, nguy cơ cao hơn ở những thân chủ có kế hoạch tự sát và càng cao ở các kế hoạch tự tự được sắp xếp rõ ràng, chi tiết, khả thi, chuẩn bị sẵn các phương tiện hỗ trợ việc tự sát (hay sử dụng các phương tiến có sẵn, thuận tiện), nguy hiểm nhất là những trường hợp đã từng toan tử tử, hay có tiền sử tự sát nhưng thất bại. Nhưng đôi khi khó mà khẳng định chắc chắn rằng một thân chủ mới có ý tưởng tự sát thì ít nguy hiểm hơn là một thân chủ đã có kế hoạch tự sát hay toan tự sát, bởi những sự tác động các yếu tố khách quan và những cảm xúc khó kiểm soát trong tình trạng khủng hoảng có thể làm xuất hiện những xung động tự sát bất ngờ. Tuy nhiên, ngoài yếu tố đánh giá nguy cơ theo các mức độ tự sát thì cần xem xét những yếu tố cá nhân cũng góp phần quan trọng trong việc dự đoán nguy cơ thực hiện hành vi tự sát và khả năng thành công của hành vi.

Nhân cách (xu hướng, động cơ, khí chất, tính cách, năng lực), vd: những cá nhân có khí chất ưu tư nổi bật có nguy cơ cao hơn nhóm khác bởi khả năng xuất hiện những xung động tự sát, hay cá nhân có xu hướng nghĩ đến tự sát như cách lựa chọn đầu tiên  để giải quyết trước những đau khổ khó khăn trong cuộc sống.

       

Quan điểm của bản thân chịu chi phối của sự giáo dục gia đình, niềm tin tôn giáo…

       

Hoàn cảnh sống, môi trường sống, lưu ý tính sẵn có, thuận tiện của những phương tiện mang tính sát thương (dây thừng, dao, các loại thuốc…), sông hồ….  

Tiền sử gia đình: có người tự sát…

Tiền sử bản thân: từng có ý định tự sát, toan tự sát, tự sát không thành công ở lần trước đó.

       

Tiền sử các bệnh, rối loạn trước đó, hay đang mắc phải, tiền sử sử dụng các chất có cồn, chất kích thích…

       

Giới tính: tỉ lệ nữ có ý định tự sát cao hơn nam giới, nhưng tỉ lệ nam giới tự sát thành công cao gấp 4 lần nữ giới do các phương pháp tự sát có tiềm năng gây tử vong cao….

Trong quá trình thăm dò, đánh giá nguy cơ cần chú ý tìm hiểu mục tiêu của hành vi tự sát qua những bộc lộ của thân chủ. Kết thúc quá trình thăm dò, nhà tâm lý cần tập họp những dữ kiện quan trọng về các yếu tố nguy cơ, và các yếu tố bảo vệ.

Nhận dạng mục tiêu của hành vi tự sát

Nhận dạng mục tiêu của hành vi tự sát, lý do, điều gì thúc đẩy việc thực hiện hành vi tự sát…là một bước đi đòi hỏi sự khéo léo của nhà tâm lý, mục tiêu của hành vi có thể được thân chủ bộc lộ, nhưng điều cần thiết là tìm được nhu cầu của thân chủ đứng sau hành vi tự sát. Từ ý nghĩ đến hành động là một bước đi đòi hỏi có sự thúc đẩy, ảnh hưởng, thông thường những điều có ý nghĩa quan trọng với thân chủ vừa là yếu tố bảo vệ vừa là yếu tố thúc đẩy đầy nguy cơ, vd: cái chết của người bạn đời có thể thúc đẩy nguy cơ tự sát với mục tiêu ra đi cùng người bạn đời, tuy nhiên tình yêu thương của người bạn đời là là yếu tố bảo vệ. Nhận diện được nhu cầu ẩn sâu trong quyết định tự sát, giúp việc ngăn chặn ý định tự sát có hiệu quả cao, bằng việc nâng đỡ, quan tâm, chia sẻ, cùng thân chủ tìm những lựa chọn khác để thỏa mãn nhu cầu, tạo hy vọng, đẩy lùi tự sát từ lựa chọn ưu tiên trở thành lựa chọn cuối cùng.

Tuy nhiên quá trình thăm dò, tìm hiểu cần tránh những câu hỏi trực tiếp, thách thức, mang màu sắc phê phán, bình phẩm…

Các bước ngăn chặn

Yêu cầu cần phải thực hiện ngay và kỹ năng can thiệp tức thời:

§        

Điều quan trọng đầu tiên là việc tiếp nhận thông tin có ý định tự sát từ thân chủ bằng thái độ, và thể hiện sự quan tâm thật sự, xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, vì 75% những người tự sát luôn báo hiệu cho gia đình, bạn bè… ý định của bản thân nên tất cả sự đe dọa và toan thực hiện hành vi được tiếp nhận một cách nghiêm túc, quan trọng. Tránh việc thể hiện (bằng lời hay không lời) sự khiếp sợ, shock, hay kinh hoàng, điều này gây nhiều ảnh hưởng đến tâm trạng của thân chủ, hơn hết tạo nên vị thế của nhà tâm lý không đủ vững chãi, để họ “nương tựa” tìm sự giúp đỡ.

§        

Luôn sẵn sàng lắng nghe những cảm xúc, suy nghĩ, đau khổ… mà thân chủ bộc lộ, đặc biệt là khi họ đề cập đến việc làm thế nào để tự sát?. Tránh việc đưa ra những lời phê phán bình phẩm, nhận xét về các giá trị đạo đức, niềm tin tôn giáo, hay tranh cãi về quyết định tự sát, những lời nói mang tính lôi kéo như: “Anh/chị có quá nhiều điều trong cuộc sống cho…”, “Việc anh/chị tự sát sẽ làm đau lòng gia đình”. Tạo không gian thoải mái, dành thời gian lắng nghe họ, cho họ biết rằng họ đang được quan tâm, thấu hiểu, rằng họ không cô độc, lẻ loi một mình, quan trọng hơn hãy cho họ hiểu rằng những cảm xúc, cơn khủng hoảng tồi tệ này chỉ là nhất thời, chúng sẽ qua đi và hoàn toàn có thể điều trị, vấn đề khó khăn ấy hoàn toàn có thể giải quyết. Việc nhấn mạnh vào nỗi đau mà họ đang phải chịu đựng có thể thúc đẩy nhanh quyết định thực hiện hành vi tự sát vì vậy phải tránh những câu hỏi mang tính nhấn mạnh, nhằm phân tích nguyên nhân của nỗi đau mà họ đang trải qua.

Các yêu cầu cần thực hiện ngay:  

§        

Đánh giá mức độ nguy cơ của thân chủ, xem xét đến các yêu cầu cần thiết có sự can thiệp của các hệ thống hỗ trợ như y khoa (cần nhập viện theo dõi, sử dụng thuốc…), hay hệ thống hỗ trợ từ gia đình, những người cùng chung sống (lúc này cần thiết báo với người nhà tình trạng của thân chủ (nguyên tắc bảo mật trong điều trị có thể bị phá vỡ vì mục tiêu cáo nhất là tất cả vì lợi ích và an toàn của thân chủ.)… chủ động đề nghị, khuyến khích thân chủ lựa chọn, hoặc đưa ra những lời khuyên như một hệ thống hỗ trợ chuyên nghiệp. Thông thường thân chủ từ chối các dịch vụ hỗ trợ khác do tình trạng tuyệt vọng, và không tin rằng các hệ thống hỗ trợ có thể giúp được họ. Tuy nhiên nếu tình trạng của thân chủ là cần thiết, điều này đòi hỏi nhà tâm lý phải nâng đỡ, khuyến khích động viên họ, và sử dụng đến các nguồn lực hỗ trợ khác. Ví dụ: một sinh viên cao đẳng có ý định tự sát đã từ chối đến trung tâm sức khỏe tâm thần để gặp bác sĩ, cho đến khi người bạn cùng phòng đề nghị, động viên anh ta đi cùng. Sự hợp tác, nhất quán giữa các hệ thống hỗ trợ sẽ giúp đỡ thân chủ vượt qua.

§        

Nếu thân chủ không sử dụng các hệ thống hỗ trợ khác ngoài nhà tâm lý thì cần thiết lập bản thỏa thuận cam kết phải báo ngay cho nhà tâm lý biết nếu có ý định thực hiện hành vi tự sát. Thay đổi thời gian làm việc, lịch làm việc được rút ngắn lại, các cuộc hẹn được tăng lên 2-3 buổi/tuần, đến khi nào nguy cơ gây nguy hiểm giảm. Cung cấp số điện thoại đường dây nóng 24/24, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần (nơi an dưỡng, - hiện tại VN chưa có trung tâm chuyên dành cho người khủng hoảng và có hành vi tự sát an dưỡng).

Mục tiêu lâu dài hướng đến:

·

        

Theo dõi nguy cơ tự sát lâu dài trên thân chủ, chú ý sự thay đổi giữa các nhân tố bảo vệ tích cực và các nhân tố nguy cơ.  

·

Can thiệp khủng hoảng có hiệu quả, cải thiện lòng tự tôn, làm giàu thêm các nguồn lực hỗ trợ, mở rộng các mối quan hệ cởi mở, tích cực, nâng cao khả năng tự giải quyết vấn đề của mình.

·Và tùy theo từng vấn đề cụ thể trên từng trường hợp mà nhà tâm lý có thể có thêm nhiều những mục tiêu lâu dài cần thiết khác.

TỔNG QUAN VỀ KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ VÀ TỰ SÁT (II)

Cử nhân Tâm lý ÁI NGỌC PHÂN

KHÁI NIỆM TỰ

SÁT VÀ HÀNH VI TỰ

SÁT (SUICIDE)

Tự sát, tự tử, tự vẫn hay tự kết liễu … đều là những từ ngữ chỉ chung một hiện tượng khi con người một cách có ý thức thực hiện hành vi tự gây ra cái chết cho bản thân mình. “Đó là một sự lựa chọn: có chủ tâm suy nghĩ thận trọng, cố ý tự làm hại bản thân mình. Là một hiện tượng có chủ tâm tự làm hại bản thân mình và thường với mong muốn được chết”.

Hành vi tự sát là hành vi tự gây ra cái chết cho bàn thân một cách có ý thức.

Phân lọai tự sát

Về mặt ý nghĩa – mục đích của hành vi tự sát: Emil Durkheim, một nhà tâm lý học người Pháp (cuối thế kỷ 19), đã đưa ra 2 loại hình tự sát: tự sát vị kỷ (egoisitic suicide) và tự sát vì lòng vị tha (altruistic suicide).

Về mặt quy mô: tự tự tập thể và tự sát cá nhân.

Về các cấp độ: ý tưởng về cái chết, ý tưởng tự sát, kế hoạch tự sát hay còn gọi  là  mưu đồ tự sát, toan tự sát, tự sát tái phát, tự sát thành công.

Việc phân loại tự sát chỉ mang tính tương đối nhằm làm rõ hơn phạm trù rộng lớn này. Và tùy theo quan điểm của những nhà nghiên cứu tâm lý học, xã hội học… mà những phân loại này có thể thay đổi cho phù hợp trong quá trình nghiên cứu phát triển. Trong phạm vị khóa luận này chỉ tập trung nghiên cứu trên khía cạnh tự sát vị kỷ (egoisitic suicide)

Một số thuật ngữ 

Xét về mức độ nguy hiểm (dựa trên nguy cơ được thực hiện và thực hiện thành công hành vi tự sát) ta cần phân biệt một số thuật ngữ sau:

Ø      

Ý tưởng tự sát (suicide ideation)

là ý tưởng xuất hiện thoáng qua trong suy nghĩ khi một người đang rơi vào vô vọng, bế tắc trong việc tìm kiếm phương cách giải quyết vấn đề khó khăn của mình. Họ bắt đầu hình dung về cái cảm giác bản thân sẽ ra đi để được thoát khỏi tình trạng hiện tại như thế nào, hay cái chết sẽ giúp ích gì cho họ. Lúc này, những người thân xung quanh khó mà phát hiện ra được nếu bản thân họ không muốn chia sẻ hoặc đôi khi họ nói về cái chết như một lời than vãn, hay nghe như một câu đùa: “thà chết còn hơn”, “chết còn sướng hơn”… Phần lớn những người này chỉ có ý tưởng tự sát mà chưa hình dung xem mình sẽ tự sát như thế nào, và bằng cách nào? Tuy nhiên một số ít trong những người này bắt đầu lập kế hoạch tự sát cho mình.

Ø      

Kế hoạch tự sát hay mưu đồ tự sát (suicide plan)

khi những ý tưởng tự sát hình thành, họ bắt đầu tiến sâu hơn nữa, một kế hoạch thực hiện ý tưởng tự sát bắt đầu hình thành trong tâm trí. Họ bắt đầu suy nghĩ, lựa chọn thậm chí tìm kiếm các cách khác nhau để thực hiện hành vi tự sát. Đây không chỉ đơn thuần là việc họ sẽ chết như thế nào, mà là cả một kế hoạch chi tiết được thực hiện trong tâm trí: lựa chọn địa điểm, thời gian, cách thức tiến hành, chuẩn bị dụng cụ, có những sắp xếp khá chu đáo về mặt công việc, gia đình, bạn bè như một người sắp đi xa, trước khi tự sát, và chuẩn bị hết sức cẩn thận cho gia đình, bạn bè những người họ đặc biệt quan tâm, có trách nhiệm (dặn dò con cái, để lại di chúc, thư từ…) sau khi bản thân chết. Đây là lúc mà những người thân có thể phát hiện ra bởi bản thân người có kế hoạch tự sát có những thay đổi lớn cả về cảm xúc lẫn trong hành vi cư xử, đặc biệt là qua các cuộc trò chuyện mang tính dặn dò, chia tay, những giả định về việc sắp đi xa trong các câu chuyện của họ, những bàn luận về cái chết về thế giới bên kia, một thế giới khác… và những vấn đề mà họ đặc biệt quan tâm tìm hiểu đa phần liên quan đến cái chết… 

Ø      

Toan tự sát (suicide attemp, parasuicide)

thực hiện các kế hoạch đã có trong tâm trí. Đây giống như một hình thức thử nghiệm trước khi đi vào thực hiện chính thức, họ cũng sẽ ở đúng địa điểm, thời gian đã lên kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ “hỗ trợ” và bắt đầu tiến hành hành vi tự sát như trong kế hoạch. Thông thường, ở phụ nữ những lần thử nghiệm- toan tự sát này xuất hiện nhiều lần trước khi đưa đến cái chết hơn là ở nam giới, vì đa phần nam giới thường thành công ngay trong những lần thử nghiệm đầu tiên do những biện pháp mà họ lựa chọn có khả năng gây chết người (lethality). Tuy nhiên một hướng giải thích khác cho rằng, phái nữ thường cân nhắc suy nghĩ nhiều về các mối quan hệ, trách nhiệm của bản thân với người thân (cha mẹ, con cái…), những mối dây liên lạc tình cảm khác… nên ít quyết liệt hơn trong việc thực hiện hành vi tự sát. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì việc phát hiện một người toan tự sát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì việc ấy có thể ngăn ngừa tình trạng xấu nhất (toan tự sát thành công) và có những hỗ trợ về y khoa kịp lúc, sự quan tâm, nâng đỡ và cả sự giám sát của người thân cũng sẽ làm cho người có ý định tự sát ngừng bước, xem xét lại quyết định của mình, đồng thời ngăn chặn việc tái phát hành vi tử tử và thành công.

Ø      

Xung động tự sát (suicide impulse

)

  ý tưởng tự sát thôi thúc xuất hiện tức thời và ngay sau đó là thực hiện hành vi, trong thời gian rất ngắn với khả năng thành công cao, bản thân họ mất khả năng kìm hãm xung động thực hiện hành vi đó. Những xung động tự sát thường xuất phát từ những mâu thuẫn, xung đột kéo dài không thể giải quyết được tích lũy, nén chặt vào bên trong cho đến khi những mâu thuẫn, xung đột ấy lên đến cực điểm, họ bị dồn vào tình trạng bất an cực độ, những cảm xúc tiêu cực tràn ngập và ngay lập tức họ thực hiện nhanh chóng hành vi tự sát mà không cần lên kế hoạch hay chuẩn bị trước. Đây là xung động nguy hiểm vì khả năng tự hủy hoại mình (self-destructive) và tấn công người khác là rất cao do xuất phát từ trong những cảm xúc tiêu cực được nén chặt lâu ngày nay bùng phát dữ dội thông qua những hành vi, mà ngay tại thời điểm đó khả năng kiềm chế và lý trí của họ gần như bằng 0. Ví dụ: những trường hợp giết người rồi tự sát, như trường hợp cuộc thảm sát tại Trường Công nghệ Virginia Tech tại Mỹ.

Việc phân biệt các thuật ngữ này chỉ mang tính tương đối, và thường có ý nghĩa trong việc lượng giá mức độ cũng như tình trạng nguy hiểm của thân chủ cho việc can thiệp, và những hỗ trợ phù hợp, đảm bảo an toàn cho thân chủ (người tự sát) và người thân. Nhưng đôi khi khó mà khẳng định chắc chắn rằng một thân chủ mới có ý tưởng tự sát thì ít nguy hiểm hơn là một thân chủ đã có kế hoạch tự sát hay toan tự sát. Thực tế cho thấy khi một người đã tự sát thành công thì khó mà xác định được rằng họ đang trong cơn xung động tự sát, hay toan tự sát, và cho dù tự sát không thành thì ý tưởng tự sát vẫn có thể xuất hiện trở lại. 

Nguyên nhân tự sát - Ý nghĩa tâm lý của hành vi tự sát

Con người là sự tổng hòa giữa sinh lý, xã hội và tâm lý. Sự chi phối, tương tác lẫn nhau giữa những yếu tố ấy quy định nên hành vi của con người trong đó có hành vi tự sát. Khó mà có thể khẳng định hành vi tự sát ấy xuất phát từ những ảnh hưởng duy nhất của sinh học, xã hội, hay tâm lý, vì vậy các nhà nghiên cứu đã xem xét hành vi ấy trên cả ba mặt tác động hình thành nên những yếu tố nguy cơ hay những yếu tố bảo vệ một người trước quyết định thực hiện hành vi tự sát.

Các yếu tố xã hội

Sự khác nhau về tỉ lệ tự sát ở các quốc gia thuộc các châu lục khác nhau, ở các vùng thuộc các khu vực khác nhau trên cùng một lãnh thổ (thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền cao)… là dấu hiệu cho thấy tỉ lệ tự sát phần nào có liên quan đến các yếu tố xã hội – kinh tế - chính trị và văn hoá.

Sự thay đổi chế độ xã hội, sự bất ổn của tình hình kinh tế, an ninh, chính trị ở một quốc gia, các cuộc nội chiến, khủng hoảng kinh tế, khủng bố, việc di cư thay đổi môi trường xã hội …. luôn có những tác động nhất định đến đời sống tinh thần (và cả vật chất) của người dân – những người sẽ trực tiếp hứng chịu hậu quả của những biến động gây ra.

Tín ngưỡng tôn giáo được xem như là một trong những yếu tố có tính chi phối mạnh mẽ nhất và cũng khó lý giải nhất, niềm tin tôn giáo vừa được xem là một yếu tố nguy cơ nhưng cũng được đánh giá là yếu tố bảo vệ.

Bắt chước hay gặp ở những người trẻ tuổi. Trong số này tỉ lệ tự sát tăng lên khi họ theo gương những trường hợp tự sát trên phương tiện thông tin đại chúng.

Các yếu tố sinh học

Yếu tố di truyền

trong tự sát được minh họa một cách rõ ràng trong gia đình của Ernest Hemingway. Ngoài việc ông, bố ông, hai đứa con và cháu gái của ông ta cũng tự sát. Ở Mỹ và Đan Mạch là một ví dụ số người có quan hệ ruột thịt có tỉ lệ tự sát cao hơn những con nuôi. Tỉ lệ tự sát ở những cặp sinh đôi cùng trứng cao gấp 6 lần ở những cặp sinh đôi khác trứng.

Sự ảnh hưởng di truyền còn liên quan đến tính di truyền một số bệnh lý như bệnh tâm thần (trầm cảm, tâm thần phân liệt…) nghiện rượu, ma túy…

Yếu tố sinh hóa

: các bất thường ở não, đặc biệt là hệ Serotonin, đã được chứng minh có liên quan. Những người tự sát bằng các biện pháp bạo lực, bốc đồng như treo cổ, bắn vào mình, nhảy từ trên cao xuống thường có sự giảm axít 5-hydroxy–indol–acetic-acid (5HIAA), một chất chuyển hóa của serotonin, trong dịch não tủy.

Người ta cũng quan tâm đến sự giảm đáp ứng điện sinh lý trên da ở những người có hành vi tự sát. Phát hiện này phù hợp với sự quan sát những người tự cắt dứt da thịt mình và thường nói rằng lúc đó họ không thấy đau (tuy nhiên nghiên cứu này chưa đề cập đến tác dụng của yếu tố tâm lý tại thời điểm đó)

Bệnh cơ thể

là yếu tố đi kèm thường gặp của tự sát, sự kết hợp này đặc biệt mạnh ở những người trên 50 tuổi (nhóm tuổi bắt đầu xuất hiện nhiều các bệnh thực thể). Những người có nguy cơ cao là người nhiễm HIV/AIDS, bệnh ác tính (đặc biệt là vùng đầu và cổ), bệnh Hungtington, chấn thương cột sống, bệnh thận, và bệnh Lupus. Điều này đang dẫn đến một vấn đề đang gây tranh cãi ở nhiều nước và cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau đó là an tử - cho phép bệnh nhân nan y thời kỳ cuối được chết êm ái.

Bệnh tâm thần

: những người ở nhóm bệnh trầm cảm, lạm dụng rượu, ma túy, và tâm thần phân liệt đặc biệt có nguy cơ cao. Bệnh nhân tâm thần nhìn chung có nguy cơ tự sát cao gấp 10 lần so với nhóm người bình thường, mức độ nguy cơ còn phụ thuộc vào bản chất của bệnh.

Trầm cảm là tình trạng quan trọng nhất ảnh hưởng đến 2/3 các trường hợp tự sát. Tự sát thường xảy ra khi khởi phát, hoặc ngược lại, khi hết đợt trầm cảm là lúc mà người bệnh có nghị lực để hoạt động và sợ tái phát.

Tâm thần phân liệt với nguy cơ tự sát trong đời là 10%. Tự sát có thể là một đáp ứng với nội dung của một hoang tưởng hay một ảo giác nào đó, nhưng thường liên quan đến sự tan vỡ trong cuộc sống của những người trẻ tuổi (sự tái hòa nhập lại với cuộc sống bình thường trong công việc cũng như các mối ràng buộc xã hội)

Lạm dụng rượu có tỉ lệ 3-4% trong cuộc đời, thường là do suy sụp cả thể chất và tinh thần sau nhiều năm. Tự sát có thể là sự đáp ứng đối với hiện tượng loạn thần trong giai đoạn ngộ độc hoặc cai rượu.

Rối loạn nhân cách là nhóm nguy cơ đặc biệt cao bởi xu hướng rối loạn trong các mối quan hệ cá nhân – xã hội – gia đình, dễ bị những rối loạn khí sắc cấp tính và có những hành vi xung động bất thường. Tự sát và hành vi tự huỷ hoại như việc cắt đứt da thịt mình… và tấn công người khác, là khả năng có thể xảy ra.

Sự đi kèm cùng lúc nhiều rối loạn (như trầm cảm đi kèm loạn thần, trầm cảm, lạm dụng rượu và các chất gây nghiện…) càng làm gia tăng nguy cơ tự sát.    

Các yếu tố tâm lý

Hành vi tự sát vị kỷ dù có chịu ảnh hưởng ít nhiều từ các yếu tố xã hội nhưng xét cho cùng hành vi ấy chỉ mang tính chất cá nhân. Những người có hành vi tự sát luôn có những lý do riêng xuất phát từ trong chính bản thân của nạn nhân và các mối quan hệ xã hội khác, có bằng cách nào hành vi tự sát được thực hiện thì cũng mang những ý nghĩa riêng mà đôi khi chỉ có bản thân nạn nhân mới thấu hiểu.

Ý nghĩa tâm lý của hành vi tự sát

Một trong những loại hành vi tự sát được xem là một hành vi mang tính chất xung động nhằm tránh một tình huống gây nên khủng hoảng, một tình huống khó khăn không thể giải quyết, hay không thể chấp nhận nổi. Về mặt tâm lý hành vi tự sát mang nhiều ý nghĩa đa dạng, phức tạp và tùy thuộc vào bản thân của mỗi cá nhân. Cá nhân thực hiện hành vi tử tử mà người thân, gia đình, bạn bè, những người xung quanh, BS, những nhà tâm lý học... hay chính bản thân người đó cho biết ý nghĩa hành vi của mình, nhưng cũng có nhiều trường hợp thực hiện hành vi tự sát mà không ai có thể lý giải được, vì vậy việc tìm hiểu ý nghĩa của hành vi tự sát phải tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân cụ thể được đặt trong bối cảnh sống cụ thể. Có những hành vi không chỉ đơn thuần xuất phát từ những nguyên nhân đơn lẻ hay mang một ý nghĩa duy nhất, hành vi có thể là sự tổng hợp từ nhiều nguyên nhân, mang nhiều ý nghĩa phức tạp song song cùng tồn tại…Và cũng thật khó khăn để biết chính xác rằng có bao nhiêu hành vi tự sát có ý nghĩa đã được tìm thấy. Tuy nhiên, hành vi tự sát nhìn chung thường mang những ý nghĩa tâm lý như sau:

1)    

Sự trốn chạy (Fuite)

: là một trong những biện pháp giải quyết khủng hoảng:  trốn chạy, bỏ chạy khỏi một tình huống xuất hiện, tồn tại mà bản thân không thể đương đầu, chấp nhận và thích nghi. Điều này còn tuỳ thuộc vào sự cảm nhận và ngưỡng giới hạn chịu đựng của mỗi người về tình huống phải đối mặt: là nghiêm trọng, khó khăn, không thể vượt qua hay đơn giản, có thể ứng phó so với tình huống khách quan trong thực tế.

2)     

Sự tuyệt vọng (Désespoir):

một trạng thái tinh thần suy sụp kèm theo khí sắc trầm: mất hy vọng vào hiện tại, niềm tin vào tương lai, không tìm được sự giúp đỡ từ những người khác, không có nguồn lực nâng đỡ tinh thần. Đây là  trạng thái  thường gặp ở những bệnh nhân nan y, ung thư giai đoạn cuối, HIV/AIDS…hay những người đang “mắc kẹt” trong những mâu thuẫn, xung đột nội tâm (con cái – tình trạng ly hôn…), những thất bại to lớn trước những điều đã từng được kỳ vọng làm họ sụp đổ, mất hết phương hướng (những kỳ vọng lớn cho sự nghiệp, hạnh phúc gia đình…)… 

3)     

Sự mất mát, nỗi đau tang tóc (Deuil):

đây là một trong những “chấn thương”  to lớn nhất về tinh thần, đánh mất một cái gì đó có ý nghĩa to lớn trong đời sống tình cảm, sự tan vỡ, mất mát các mối quan hệ thân thiết gắn bó (những người thân, người yêu, vợ - chồng - con cái…), một cảm giác bất ngờ, hụt hẫng, giận dữ, mặc cả, cô đơn, như bị bỏ rơi lại … (

chu trình grief

) khiến họ có khả năng nghĩ đến việc tự sát để giải thoát khỏi nỗi đau này, hay muốn “đi cùng” người mình yêu thương. Tuy nhiên không phải với bất kỳ một sự mất mát người thân nào cũng gây ra những cảm xúc và suy nghĩ như trên, nó còn tùy thuộc vào từng cá nhân cụ thể, tùy thuộc vào tính chất mối quan hệ mất mát và sự cảm nhận, khả năng ứng phó cũng như khả năng vượt qua của từng cá nhân cụ thể với những nguồn lực hỗ trợ trên thực tế.

4)     

Sự trừng phạt (Châtiment):

sự tự trừng phạt bản thân, một mặc cảm tội lỗi và cho rằng chỉ có cái chết (hoặc tự nhận mình đáng chết) mới đủ chuộc lại sai lầm của mình. Tuy nhiên cần phải chú ý trong trường hợp này nạn nhân có thể là những người có vấn đề về tâm thần: hoang tưởng về một lỗi lầm không có thực…hoặc rơi vào lứa tuổi vị thành niên với những kỹ năng sống chưa vững vàng, dễ vấp ngã do thiếu kinh nghiệm và tự ti về năng lực bản thân trong các mối quan hệ bạn bè đồng trang lứa hay các anh chị em trong gia đình.

5)     

Hành vi tội ác (Crime):

khi hành vi tự sát không chỉ nhằm tự hủy hoại bản thân mà còn hướng đến tấn công người khác, kéo theo nhiều người cùng chết: những hình thức lôi kéo, tạo ra những vụ tự sát tập thể, thảm sát (Nhật, Mỹ…), khủng bố đánh bom liều chết… 

6)     

Cách giao tiếp gây sự chú ý, bày tỏ ý đồ (Communication de l’intention):

nạn nhân lấy cái chết của mình gây sức ép lớn và bày tỏ ý đồ mong muốn của bản thân một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, nạn nhân thường là những người bất lực trong việc cố gắng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, thất bại trong việc giao tiếp, không được lắng nghe đáp ứng… và chọn cái chết để nói lên rằng chính người khác là nguyên nhân gây nên cái chết cho bản thân: cách đây không lâu một vụ án tự thiêu của một giáo viên bảo mẫu ở trường tư thục và cậu con trai 4 tuổi ở Q.9  trên căn gác gỗ sau nhiều lần không thể giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, kết quả làm người chồng trở nên như điên dại đã khiến dư luận xôn xao (Báo Công An 22.03.2007 trang 7)  

7)     

Sự trả thù (Vengeance):

nạn nhân mang một mối hận thù lớn mà không thể giải quyết do những cấm đoán của giá trị xã hội, do sự không đủ khả năng… đã chọn việc tự hủy hoại bản thân như một cách trả thù. Thông thường đối tượng thù hận là những người thân yêu (cha, mẹ, vợ/chồng, anh chị em, bạn bè thân thiết…), kết quả của sự trả thù là mong muốn người thân yêu phải hối hận, và đau khổ suốt đời trong mặc cảm có lỗi với nạn nhân.

8)     

Sự hy sinh (Sacrifice):

đây là hành vi hướng đến một giá trị, vì mục tiêu cao cả. Sự hy sinh quên mình vì độc lập tự do dân tộc trong chiến tranh, tự hào về hành vi tự sát vì cứu giúp cho nhiều người vì cuộc sống tố đẹp ở thế giới bên kia …  

9)     

Sự vĩnh hằng (Eternité):

yếu tố tôn giáo chi phối khá lớn trong suy nghĩ của nhiều nạn nhân khi họ tin rằng cái chết là con đường dẫn đến sự vĩnh hằng, một cuộc sống bất tử.

10)  

Trò chơi (Jeu):

các trận đấu sinh tử vào thời kỳ cổ đại, một sự đùa giỡn với “tử thần”, những thách thức đối với bản thân trong các trò chơi cảm giác mạnh mang tính khiêu khích đầy nguy hiểm. Ví dụ: các đấu sĩ giác đấu La Mã, đua xe trái phép…

Các yếu tố thuận lợi thúc đẩy hành vi tự sát (yếu tố nguy cơ)

Theo tổ chức AFSP, CDC và Healthlife, các nhân tố nguy cơ của tự sát bao gồm:

Yếu tố tâm lý

a. Yếu tố gia đình

Lịch sử gia đình và môi trường sống là nhân tố nguy cơ của hành vi tự sát: trong gia đình từng có người tự sát hay toan tự sát, lạm dụng các chất, các hành vi tấn công, hành hung, rối loạn khí sắc như trầm cảm hay mắc một số bệnh tâm thần khác.

Môi trường gia đình của những người tự sát hay toan tự sát thường được mô tả như một sự bất hòa (discordant) với hành động bạo lực, ngược đãi rõ nét bao gồm cả về việc xâm hại thể chất hay tình dục. Những nghiên cứu về bạn bè và anh chị em trong gia đình của các nạn nhân tự sát thường chỉ ra rằng họ có khuynh hướng bắt chước, làm theo những nạn nhân đi trước.

b. Yếu tố bệnh học:

Các rối loạn tâm thần (psychiatric disorders)

Ít nhất 90% nạn nhân tự sát có thể được chẩn đoán và điều trị các bệnh tâm thần: như trầm cảm nặng, rối loạn lưỡng cực, hay một số các bệnh suy nhược khác bao gồm tâm thần phân liệt.

Lạm dụng thức uống có cồn, độc chất (ma túy, thuốc gây nghiện…) đặc biệt là khi có kết hợp với trầm cảm.

Rối loạn Stress sau sang chấn (Post-Traumatic Stress Disorder), hoặc một số rối loạn lo âu khác.

Chứng háu ăn và chán ăn tâm thần (Anorexia Nervosa).

Các rối loạn nhân cách đặc biệt là nhân cách ranh giới (Borderline) và chống đối xã hội (Antisocial)

Sự đi kèm cùng một số các rối loạn (như trầm cảm đi kèm loạn thần, trầm cảm – lạm dụng rượu, chất gây nghiện…) càng làm gia tăng nguy cơ.

c. Tính xung động, bốc đồng (Impulsivity)

Tính xung động, bốc đồng cá nhân có khuynh hướng làm tăng hành vi xung động tự sát. Điều này thường gặp trong những rối loạn hành vi và rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

d. Có tiền sử toan tự sát/ tự sát trong quá khứ

Khoảng 20-50% những nạn nhân tự sát đã từng thử (hay cố gắng) thực hiện hành vi tự sát trước đó và là một nguy cơ rất cao trong việc họ thật sự lập lại hành vi ấy trong cuộc sống

Yếu tố sinh học

Có vai trò của một số chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters)Một mối quan hệ khá rõ đã được chứng minh giữa việc giảm nồng độ chất chuyển hóa của  serotonin 5-HIAA trong dịch não tủy nó làm tăng sự tác động vào việc toan tự sát và thực hiện thành công hành vi tự sát ở các bệnh nhân tâm thần.

Yếu tố xã  hội và  dân số học

a. Giới tính:

Namgiới thuộc nhóm nguy cơ cao trong việc thực hiện hành vi tự sát. Tỉ lệ nam giới tự sát thành công cao gấp 4 lần so với nữ (CDC 2004). 

b. Tuổi tác:

Nhóm tuổi vị thành niên và những người trẻ tuổi thường phải trải qua những stress, những (bối rối) và trầm cảm với những tình huống xảy ra trong cuộc sống gia đình, nhà trường và trong giao tiếp xã hội. Khi cảm thấy tuyệt vọng, tính xung động, bốc đồng và khả năng giải quyết vấn đế và kỹ năng xã hội còn nghèo nàn đã thúc đẩy họ chọn tự sát như một cách giải quyết duy nhất các khó khăn trong cuộc sống. Thống kê năm 2001 cho thấy tỉ lệ tự sát ở độ tuổi từ 15 – 24 chiếm  86% (n=3,409) ở nam và 14% (n=562) ở nữ (Anderson and Smith 2003, Mỹ).

Theo

Healthlife

phần lớn những người quyết định tự sát luôn cung cấp những dấu hiệu cảnh báo xung quanh họ. Những dấu hiệu đó khá đơn giản như một số thì trầm cảm và có thể bao gồm cả việc mất hết hứng thú với những hoạt động mà trước đó họ yêu thích,  trở nên cô lập và thể hiện sự quan tâm với cái chết, một số khác lại thể hiện sự thay đổi đột ngột từ trong trạng thái khí sắc trầm sang vui vẻ, bắt đầu đi thăm hỏi, tặng quà cám ơn mọi người, trả lại những vật dụng mà mình đã mượn trước đây, sắp xếp lại gia đình, công việc, đi du lịch…

DHHS (1999)

đã liệt kê các nhân tố nguy cơ của hành vi tự sát và cả những nhân tố bảo vệ giúp ngăn chặn hành vi tự sát:

Nhân tố nguy cơ

Nhân tố bảo vệ

-        

Từng có hành vi toan tự sát trước đó.

-        

Có tiền sử rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm

-        

Có tiền sử lạm dụng chất có cồn và thuốc gây nghiện.

-        

Gia đình có tiền sử tự sát

-        

 Có tiền sử bị ngược đãi lúc nhỏ.

-        

Cảm thấy tuyệt vọng.

-        

Có khuynh hướng gây hấn hay xung động, bốc đồng.

-        

Gặp trở ngại, khó khăn trong quá trình điều trị bệnh tâm thần.

-        

Dễ dàng tiếp cận, truy cập những phương pháp gây chết người (lethal methods)

-        

Tìm kiếm sự giúp đỡ một cách miễn cưỡng bởi đã quá gắn bó (quen thuộc và chung sống) với tình trạng bệnh tâm thần, và các rối loạn do sử dụng chất hay ý nghĩ tự sát.

-        

 Niềm tin mang tính tôn giáo, thuộc về truyền thống văn hóa ví dụ như tin rằng tự sát là cách giải quyết cao quý khi rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

-        

Mất mát (mối quan hệ, địa vị xã hội, công việc và khả năng tài chính).

-        

Mắc các bệnh về thể chất.

-        

Bị cô lập, có cảm giác như bị cách ly, bị mọi người cắt đứt quan hệ.

-           

Sự chăm sóc có hiệu quả trên lâm sàng cho các rối loạn tâm thần, thể chất và lạm dụng chất.

-        

Tiếp cận dễ dàng với các hệ thống can thiệp về mặt lâm sàng và các hệ thống hỗ trợ đa dạng khi cần tìm sự giúp đỡ.

-        

Hệ thống hỗ trợ nâng đỡ từ gia đình và cộng đồng.

-        

Hỗ trợ không ngừng về mặt y khoa và liên hệ với chăm sóc sức khỏe tinh thần.

-        

Kỹ năng giải quyết vần đề, phương pháp giải quyết xung đột và không sử dụng bạo lực hay hành vi ngược đãi khi phát sinh mâu thuẩn, tranh cãi.

-        

Niềm tin mang tính tôn giáo, truyền thống văn hóa rằng không cổ vũ, khuyến khích tự sát và luôn tồn tại một hệ thống hỗ trợ tự vệ bản năng.

Xem tiếp phần III

ĐÔI LỜI VỚI BẠN ĐỌC

Năm 2007 là một năm rất đáng nhớ đối với chúng tôi.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, cuối cùng chúng tôi cũng đã thực hiện được mong ước của mình.

Website www.tamlytrilieu.com đã được thai nghén, ấp ủ, và sau cùng đã ra mắt bạn đọc ngày

11 tháng 9 năm 2007. Đến nay website

Tâm Lý Trị liệu

vẫn tiếp tục vững bước trên hành trình phục vụ bạn đọc. 

Kể từ ngày ra mắt bạn đọc, website của chúng tôi không ngừng cập nhật thông tin và mở rộng các giao lưu, liên kết trên mạng. Đồng thời chúng tôi cũng không ngừng tiếp thu các ý kiến từ bạn đọc để tiếp tục nâng cao chất lượng công việc của mình.

Nhiều trang web và blog chuyên môn về tâm lý đã trích dẫn hoặc đăng lại các bài viết và bài dịch của chúng tôi. Toàn bộ các bài giảng về tâm lý trị liệu của chúng tôi (được dùng để giảng dạy môn tâm lý trị liệu tại Đại học Văn Hiến và các lớp huấn luyện kỹ năng tham vấn của Hội KH Tâm lý Giáo dục Tp.HCM) đã được "sử dụng lại" trên một số thư viện điện tử.

Sẽ không hay nếu sớm hài lòng với những gì hiện có, bởi lẽ Website này vẫn còn đang trong tiến trình hình thành và phát triển. Mong rằng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến cho chúng ta, những người cùng chung sức học tập, thực hành và nghiên cứu chuyên ngành tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu tại Việt Nam.

Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của quý đồng nghiệp và bạn hữu gần xa.

Địa chỉ liên hệ:

Trụ sở Chi Hội Trăng Non,

29 Phan Xích Long, P.3, Phú Nhuận, Tp.HCM  

Điện thoại liên hệ:

BS Nguyễn Minh Tiến

0908 33 0908

Email

:

[email protected]

[email protected]

TỔNG QUAN VỀ KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ VÀ TỰ SÁT (I)

Cử nhân Tâm lý ÁI NGỌC PHÂN

KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ (CRISIS)

Khái ni

ệm về khủng hoảng

:

Khủng hoảng là sự m

ất cân bằng

giữa những yêu cầu do một tình huống, một vấn đề đặc biệt đặt ra và nguồn lực sẵn có để giải quyết những nhu cầu đó. Khi những nguồn lực thông thường để giải quyết tình huống yêu cầu không có tác dụng, và những nỗ lực để làm giảm thiểu khó khăn đó cũng không mang lại giá trị, (Bruce Singh & Sidney Bloch) con ngư

ời bước vào thời kỳ khủng hoảng - thời kỳ xuất hiện mâu thuẫn. Hay nói cách khác khủng hoảng là sự mâu thuẫn bên trong giữa nhu cầu phát sinh trong một tình huống xã hội mới (ví dụ: sự thay đổi: tình trạng hôn nhân gia đình, công việc, chức vụ, mức lương, nơi ở, bạn bè, điều kiện sống…, hay những mất mát, những may mắn bất ngờ trong cuộc sống: trúng số...) và năng lực thỏa mãn nhu cầu ấy. 

(theo Đ.B.Enconhin).

Những mâu thuẫn bên trong tạo ra một tình trạng mất cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, những cảm xúc đau khổ, bối rối, giận dữ, chênh vênh, hoảng loạn…tràn ngập, xâm chiếm trong tâm trí, đẩy lùi tính sáng suốt của lý trí, cá nhân bị “ném xuống”, đẩy dồn vào và mắc kẹt bởi một sự kiện có thể nhận biết được cái mà lấn át, chôn vùi khả năng ứng phó của cá nhân. Cá nhân hoàn toàn phải đối mặt, chạm trán như một giai đoạn đau khổ, buồn bã, song khủng hoảng là một phần bình thường trong tiến trình sống của con người

(Sharon L Johnson).

Tóm lại, trong phạm vi bài viết này, khủng hoảng là một giai đoạn, xuất hiện cấp thời, có diễn biến và kết thúc. Khủng hoảng xuất hiện khi một sự kiện, một tình huống xã hội tác động làm lất áp, chôn vùi khả năng ứng phó của cá nhân, gây ra sự mất cân bằng giữa giữa lý trí và tình cảm, theo đó, yếu tố cảm xúc dâng cao, kịch tích, đẩy lùi lý trí, tràn ngập trong tâm trí của con người, che lấp tạm thời khả năng giải quyết vấn đề bởi lý trí. Cá nhân hoàn toàn phải đối mặt, chạm trán như một giai đoạn đau khổ, buồn bã, song khủng hoảng là một phần bình thường trong tiến trình sống của con người.

Diễn biến khủng hoảng

Diễn biến của một khủng hoảng có thể được thể hiện qua sơ đồ sau:

Sự biến đổi và chuỗi diễn biến khủng hoảng 

Giai đoạn I       Giai đoạn II             Giai đoạn III         Giai đoạn IV

Sự va chạm          Rút lui.                Thích ứng.             Sự tái thiếp lập.

                           Sự bối rối hỗn loạn                                  Sự tái hòa hợp.       

Mức độ cân bằng thích nghi

Diễn biến

Giai đoạn I

Giai đoạn II

Giai đoạn III

Giai đoạn IV

Thời gian

Giờ

Ngày

Tuần

Tháng

Đáp ứng

Tấn công (“ở lại” và “chiến đấu” với vấn đề tìm ra cách giải quyết) – lẩn trốn (bỏ chạy và phớt lờ vấn đề).

Giận dữ - Sợ hãi – Mặc cảm tội lỗi – Thịnh nộ

Bắt đầu những suy nghĩ tích cực

Hy vọng

Suy nghĩ

Tê liệt – Mất phương hướng

Tình trạng mơ hồ, không chắc chắn.

Giải quyết vấn đề

Củng cố các vấn đề được giải quyết

Sự định hướng

Tìm kiếm mục tiêu bị mất. Tình trạng ngưng hoạt động của thể thống nhất , tạo nên sự rời rã thiếu gắn kết giữa các hệ thống

Mặc cả - tình trạng tách rời, thờ ơ

Tìm kiếm mục tiêu mới

Tái lập sự gắn kết

Cách cư xử

Sự hồi tưởng

Làm rõ tình trạng phức tạp, bối rối.

Tập trung vào việc thăm dò, khảo sát

Thử nghiệm thực tế

Hướng dẫn nhu cầu

Sự chấp nhận của cảm xúc

Điều khiển nhiệm vụ định hướng

Sự hỗ trợ - bên trong tinh thần.

“Chọc thủng” tuyến phòng vệ - củng cố tăng cường hy vọng

 Các thuật ngữ liên quan

Ngoài khủng hoảng, thì stress và sang chấn tâm lý (trauma) là những khái niệm thường gặp. Các tình thế gây stress và khủng hoảng nói chung đều giống nhau. Trong khistress

nhấn mạnh khả năng huy động các những “tổ chức phòng vệ”, “nguồn lực ứng phó” để đương đầu và giải quyết trước một tình huống khó khăn; thìkhủng hoảng

nhấn mạnh đến sự thất bại trong khả năng ứng phó, làm phát sinh một tình trạng mất cân bằng tạm thời giữa lý trí và cảm xúc. Trong điều kiện thông thường, stress là một đáp ứng thích nghi bình thường về mặt tâm lý sinh học và hành vi của cá nhân, xuất hiện trên tất cả mọi người, luôn tồn tại, diễn ra hằng ngày trong cuộc sống ở dạng cấp tính hay dai dẳng, và khủng hoảng thì mang tính bước ngoặc quan trọng, đòi hỏi cá nhân phải có những thay đổi thích nghi ứng phó.

Các hoàn cảnh gây stress, khủng hoảng đều có thể gây ra một

sang chấn tâm lý (trauma)

, khi hoàn cảnh, sự kiện ấy xuất hiện đột ngột, cấp diễn, với cường độ cao đe doạ an toàn tính mạng, sự toàn vẹn của cá nhân và không thể kiểm soát như thiên tai, tai nạn, chiến tranh, bạo lực, gây ra những xáo trộn chức năng tâm lý. Sang chấn tâm lý nhấn mạnh đến hậu quả để lại của sự kiện: rối loạn hoạt động chức năng. Cá nhân bị tác động mạnh bởi  những hồi ức khiếp sợ (những “âm vang”, tái hiện sự kiện sang chấn) hơn là bản thân sự kiện gây sang chấn. Sau một sang chấn các rối loạn tâm trí có thể diễn biến đến mức trầm trọng thành các rối loạn stress cấp (ASD) hoặc mãn tính (rối loạn stress sau sang chấn: PTSD)

Tuy nhiên sự phân biệt này chỉ mang tính tương đối. Mặc dù xét về bản chất, sự diễn biến và mức độ biểu hiện và ý nghĩa của chúng có khác biệt nhưng kết quả của những tình trạng stress, khủng hoảng, sang chấn tâm lý… thường đưa đến những đáp ứng tâm lý có thể quan sát được khá tương đồng như: cảm xúc trầm nổi bật (hoặc gia tăng cảm xúc trong số ít trường hợp, hoặc cảm xúc không ổn định lúc vui lúc buồn, cáu giận vô cớ…) đó có thể là những cơn buồn chán ngắn (blue) hay kéo dài dẫn đến các rối loạn khí sắc (trầm cảm), tình trạng cơ thể mệt mỏi căng thẳng do phải đương đầu với những tình huống khó khăn, tình trạng lo âu thường xuyên và trầm trọng hơn với sự xuất hiện của các cơn hoảng loạn (panic attack), chất lượng giấc ngủ và ăn uống bị ảnh hưởng... và tùy theo từng trường hợp cụ thể mà đôi khi cần có sự can thiệp của hệ thống hỗ trợ y khoa và tâm lý.

Nguy cơ khủng hoảng

Các nhân tố của khủng hoảng

Có 4 nhân tố chung của khủng hoảng

1. Sự kiện nguy hiểm (hazardous event)

Sự kiện nguy hiểm xảy ra bắt đầu bằng một chuỗi những phản ứng lại các sự kiện lên đến cao trào, đỉnh điểm trong cơn khủng hoảng. Ví dụ: một người mẹ trẻ chuẩn bị rất nhiều cho sự thăng tiến nghề nghiệp của mình thì lại phát hiện mình có thai, một người đàn ông góa vợ phải nuôi 5 đứa con nhỏ, mà lại mất việc làm khi đang ở chức vụ cao….Tất cả mọi người hầu như đều có chung một đặc điểm: phải đối mặt cùng lúc nhiều vấn đề khó khăn, cần lựa chọn. Điều quan trọng đối với mỗi người trong cơn khủng hoảng và những người hỗ trợ nhận ra các sự kiện đang đổ dồn, thúc đẩy họ.

2. Tình trạng dễ tổn thương (vulnerable state)

Con người luôn rơi vào tình trạng dễ tổn thương khi khủng hoảng diễn ra. Tính dễ bị tổn thương ở họ xuất phát từ nhiều yếu tố (1) là người hứng chịu những tác động trực tiếp của những sự kiện gây khủng hoảng, (2) thiếu mạng lưới hỗ trợ hiệu quả, (3) có tiền sử chịu đựng những sang chấn hay rối loạn cảm xúc…đồng thời sức khỏe thể chất cũng ảnh hưởng đến tình trạng của họ (mất ngủ, bệnh cơ thể…)

3. Nhân tố thúc đẩy (precipitating factor)

Nhân tố thúc đẩy giống như “một giọt nước làm tràn ly”. Một số người có vẻ như kiềm nén rất tốt trong suốt thời gian của sự mất mát to lớn hay nỗi đau khổ và sau đó họ khụy ngã, suy sụp, tan vỡ. Đó là một giọt nước làm tràn ly, những phản ứng và khóc là tình trạng đáp ứng bình thường cho những mất mát quá sâu.

4. Tình trạng khủng hoảng tiến triển (the state of active crisis)

Khi một người không thể kiểm soát tình huống được nữa, khủng hoảng sẽ tiến triển và phát triển, 4 dấu hiệu của tình trạng này là:

(1). Sự xuất hiện các triệu chứng về mặt tâm lý học, thể chất hay cơ thể bao gồm: trầm cảm, chứng đau đầu, lo âu, …một vài sự bực dọc, khó chịu cực độ luôn luôn hiện diện ở một số người.

(2). Sự xuất hiện quan điểm về sự thất bại và cơn hoảng loạn: một người có thể cảm thấy rằng họ đã cố gắng làm tất cả nhưng nó chẳng mang hiệu quả, và không có điều gì thay đổi. Vì vậy họ cảm thấy bất lực – thất bại, bị “chôn vùi” và tuyệt vọng. Họ có hai cách đáp ứng với tình trạng hiện thời: cách phản ứng thứ nhất: họ trở nên kích động trong các hành vi cư xử (hành vi tăng động: đứng ngồi không yên, đi tới lui, uống rượu, dùng thuốc, lái xe rất nhanh, gây hấn, gây chiến…), ngược lại có một số người chọn cách phản ứng thứ hai: trở nên thờ ơ, vô cảm, ví dụ tình trạng ngủ nhiều (so với trước đây hoặc so với nhu cầu).

(3). Việc tập trung vào tìm kiếm sự giúp đỡ: “hãy đưa tôi ra khỏi tình trạng này”. Họ mong muốn được hỗ trợ để làm giảm nhẹ nỗi đau của cơn khủng hoảng, bởi họ không ở trong tình trạng, điều kiện để giải quyết, xử lý các vấn đề theo cách có lý trí. Đôi khi trong cơn khủng hoảng có thể xuất hiện tình trạng trở nên bàng hoàng, choáng váng, sững sờ, hay có những phản ứng theo cách kỳ lạ, khó hiểu. Họ có thể có chút điên rồ trong việc nỗ lực, quyết tâm tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người khác, hay có thể trở nên phụ thuộc quá mức vào một ai đó giúp đỡ họ thoát khỏi tình trạng khó xử của mình.

(4). Thời điểm của việc giảm năng suất: Một người đang trong cơn khủng hoảng tiến triển có thể tiếp tục một cách bình thường các hoạt động chức năng nhưng thay vì đáp ứng ở mức tuyệt đối, nó chỉ có thể đáp ứng vào khoảng 60%. Một nguy cơ lớn từ khả năng đánh giá, xác định tình trạng hiện tại của bản thân, sự kém hiệu quả trong nguồn lực ứng phó sẽ có khả năng xảy ra, họ có thể nhận thức được điều đó và chính điều này càng làm họ chán nản, ngã lòng. 

Khả năng nhận định, đánh giá hoàn cảnh, sự kiện khách quan là một phần quan trọng trong chuỗi diễn biến khủng hoảng. Sự nhận định, đánh giá ấy ảnh hưởng lên cách ứng phó của cá nhân đối với hoàn cảnh, sự kiện. Mỗi người nhận thức về một sự kiện theo cách riêng của mình. Những yếu tố niềm tin, ý kiến, sự mong đợi, và nhận thức… tất cả kết hợp với nhau trong cùng lúc để lượng giá tình huống từ đó dẫn đến  khủng hoảng hay không khủng hoảng. Và điều quan trọng là nó giúp con người có thể nhìn sự kiện bằng đôi mắt khách quan. Cái chết của  một người bạn thân được xác định từ một vài điểm như: sự thân thiết trong mối quan hệ này là như thế nào, họ có thường tiếp xúc, quan hệ với những người khác như thế nào, và đã có phản ứng như thế nào trước sự mất mát ấy, đã từng trải qua những mất mát gần đây như thế nào…Một góa phụ đã nhận ra rằng việc mất mát người chồng rất khác biệt với việc mất một người bạn thân, một đồng nghiệp hay một người chú của chồng cách đây năm năm.

Các nhân tố của sự cân bằng và khủng hoảng

Các nhân tố cân bằng có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định nguy cơ khủng hoảng. Một vài người cảm thấy sự kiện này sẽ không dẫn đến khủng hoảng nếu họ không thiếu hụt một hay nhiều nhân tố cân bằng trong cuộc sống:

Sự nhận thức đầy đủ và tương thích

Cách thức mà vấn đề xuất hiện và ý nghĩa của nó đối với cá nhân Vd: tan vỡ trong tình yêu, có nhiều người cảm thấy rằng mất người yêu là mất tất cả, là điều tồi tệ nhất đến với họ, và có một số khác lại cảm thấy đau buồn, nhưng đây là cơ hội mới của họ…tuy nhiên không phải ai cũng cảm thấy như nhau đối với cùng một  sự việc. 

Hệ thống hỗ trợ thích hợp

Bao gồm gia đình, các nhóm bạn bè, mối quan hệ họ hàng thân thiết, các cơ quan … những hệ thống có thể hỗ trợ, mạng lưới hỗ trợ chúng ta trong suốt vấn đề.

Cơ chế ứng phó

Phần lớn chúng ta thường dựa vào nhân tố này, nó bao gồm: giải thích hợp lý, chối bỏ, tìm kiếm những thông tin từ sách, báo, cầu nguyện, ….Tính đa dạng, phong phú của các phương thức ứng phó có thể làm giảm khả năng xuất hiện khủng hoảng (hay kéo dài giai đoạn khủng hoảng) ở cá nhân.

Khoảng thời gian giới hạn tồn tại

Con người không thể ở mãi mãi, lâu dài trong cơn khủng hoảng. Tất cả đều phải hoàn tất, đều phải được giải quyết, cơn khủng hoảng chỉ có thể tồn tại, kéo dài tối đa trong 6 tuần[1]. Sự cân bằng về thể chất và tâm lý có thể khác biệt so với trước đó nhưng ít nhất ra đó cũng là sự cân bằng.

Trong một số trường hợp có thể giúp cá nhân vượt qua nỗi đau khủng hoảng bằng cách tạo ra các động lực thay đổi một cách có ý nghĩa trong cuộc sống của họ hoặc cá nhân có thể lựa chọn cái chết nhằm tự kết thúc nỗi đau.

Vai trò của khủng hoảng

Khủng hoảng là một bước ngoặc quyết định sau một vấn đề hay một tiến trình của hành động phải tiếp diễn, hoặc phải thay đổi hoặc hoàn tất, một thời điểm mang tính chất quyết định quan trọng, một bước chuyển. (Multimedia tool for buiding mutilingual dictionaries, MTD 2002)

Đây là thời điểm của những tương tác bên trong con người với mối nguy hại ở bên ngoài. Tương tác thành công, con người vượt qua khủng hoảng, tái thiết lập cân bằng, tích lũy thêm những kinh nghiệm mới, làm giàu hệ  thống các nguồn lực ứng phó của bản thân, hình thành thêm những cấu trúc tâm lý mới, hoàn thiện các hoạt động chức năng (đặc biệt sau những giai đoạn khủng hoảng lứa tuổi),… Kết quả là giúp con người phát triển, trưởng thành và ngày càng hoàn thiện hơn. Và như vậy khủng hoảng mang những ý nghĩa tích cực nhất định.

Trong cơn khủng hoảng con người buộc phải đối mặt, chịu đựng một sự mất cân bằng rõ nét giữa lý trí – cảm xúc do những sự kiện bên ngoài tác động. Những cảm xúc (đau khổ, tuyệt vọng, giận dữ, …) làm choáng hết tâm trí, con người không thể (hay gặp khó khăn) trong việc xử lý tình huống, sự kiện gây khủng hoảng một cách hiệu quả, sáng suốt và điều này khiến họ cảm thấy bối rối, chông chênh. Vì vậy, không phải tất cả những khủng hoảng đều được mong đợi.

Tuy nhiên, khủng hoảng không phải lúc nào cũng tồi tệ. Đúng hơn là nó thể hiện một thời điểm then chốt trong cuộc sống của con người. Vì thế cho nên nó mang lại nhiều cơ hội cũng như nhiều nguy hiểm. Khi một người tìm kiếm những phương thức ứng phó cho riêng mình, họ có thể chọn lựa con đường của sự hủy hoại nhưng họ cũng có thể khám phá những thông tin và những phương thức mới tốt hơn những phương thức mà họ đã từng sử dụng và có giá trị.

Khủng hoảng về bản chất là những phản ứng phòng vệ tự nhiên của con người trước sự xuất hiện của những sự kiện (tiềm ẩn nguy cơ) khách quan. Khủng hoảng bản thân nó không hàm ý tiêu cực hay tích cực mà chính khả năng đương đầu, thích nghi lựa chọn cách giải quyết khủng hoảng của mỗi người đưa đến những kết quả tích cực hay tiêu cực: chấp nhận đối mặt, nỗ lực giải quyết để thích nghi phát triển hay trốn tránh, lựa chọn hành vi tiêu cực để thoát khỏi khủng hoảng… Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi cá nhân với nguồn lực ứng phó của riêng của mình.

Như vậy, khủng hoảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết trong tiến trình phát triển của con người. Khi khủng hoảng xuất hiện, một tình trạng nguy hiểm được báo động nhưng một cơ hội cho sự trưởng thành và hoàn thiện cũng xuất hiện. Là nguy hại hay là cơ hội còn tùy thuộc vào bản thân của mỗi cá nhân với khả năng ứng phó riêng. Giải quyết khủng hoảng bằng con đường hình thành những mối quan hệ mới và các dạng hoạt động mới. Giải quyết khủng hoảng – con người cân bằng, bước sang một mức phát triển cao hơn.

Phân loại khủng hoảng

Về tính chất, khủng hoảng được chia làm hai loại: các khủng hoảng luôn luôn xuất hiện trong tiến trình phát triển của con người, một số có thể dự đoán trước bởi đó là những cơn khủng hoảng lứa tuổi trong chu trình phát triển và một số ngẫu nhiên, không thể dự đoán trước, xuất hiện bất ngờ trong cuộc sống tùy thuộc vào hoàn cảnh sống và khả năng thích nghi, đương đầu của mỗi cá nhân, được

gọi là cơn khủng hoảng ngẫu nhiên

Khủng hoảng lứa tuổi

Erik Erikson (1970), nhà tâm lý học đã đề cập đến các 8 giai đoạn phát triển ở một cá nhân và sự chuyển tiếp từ giai đoạn này sang giai đoạn kế tiếp được đánh dấu bằng sự xung đột và đấu tranh giải quyết những xung đột ấy hay nói cách khác sự xuất hiện của khủng hoảng và cách giải quyết chúng giúp con người bước sang một nấc thang phát triển mới, đánh d

ấu bằng việc hình thành những cấu trúc tâm lý mới, hoàn  thiện các hoạt động chức năng.

 Erikson đã gọi những khủng hoảng xuất hiện trong các giai đoạn chuyển tiếp trong tiến trình phát triển là khủng hoảng bản sắc (identity crisis) và tin rằng đây là một trong những xung đột quan trọng nhất của mà con người phải chạm trán trong quá trình sống khi họ vượt qua 8 giai đoạn phát triển trong cuộc đời.

Sự  phát triển tâm lý xã hội của Erikson được mô tả qua 8 giai đoạn phát triển xuyên suốt trong quá trình phát triển lành mạnh mà con người phải trải qua, bắt đầu từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành. Trong mỗi giai đoạn phát triển con người phải đương đầu, và tự kiểm soát một cách đầy hy vọng, với những thử thách mới. Mỗi giai đoạn sau dựa vào nền tảng của việc những giai đoạn trước được hoàn tất thành công. Những thử thách của các giai đoạn trước không được giải quyết hoàn tất, hay vượt qua thành công có thể tái xuất hiện lần nữa như một vấn đề, rắc rối trong tương lai. Những nguồn lực hỗ trợ (bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội) là quan trọng trong việc đứa trẻ có thể vượt qua khủng hoảng lứa tuổi và phát triển tốt hay không? Một nguồn lực hỗ trợ lành mạnh, hiệu quả giúp trẻ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khủng hoảng lứa tuổi (đặc biệt là những năm tháng đầu đời), tạo thành nền tảng vững chắc thúc đẩy đứa trẻ trưởng thành nhanh hơn và ít gặp khó khăn hơn trong việc vượt qua các giai đoạn khủng hoảng sau này trong cuộc sống. Ngược lại một đứa trẻ tự thân nó phải đương đầu, vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này mà không có nguồn lực hỗ trợ hiệu quả thì các khủng hoảng lứa tuổi có thể sẽ kết thúc muộn hơn. Đứa trẻ phải “vất vả” bước vào giai đọan sau, điều này gây ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành hoàn thiện ở trẻ, và ảnh hưởng đến khả năng vượt qua những giai đoạn khủng hoảng khác trongcuộc đời của trẻ sau này.  

Tính chất khủng hoảng trong các giai đoạn phát triển là rất khác nhau và không xuất hiện như nhau trên tất cả mọi người. Trong đó, khủng hoảng ở lứa tuổi vị thành niên được xem là quan trọng nhất, và diễn biến kịch tích nhất. Bên cạnh đó với một số người có giai đoạn chuyển tiếp sang nấc thang phát triển mới khá êm ả, với một số người thì chỉ dừng lại ở mức những xung đột rất ngắn, và với một số người thì đó lại là cơn khủng hoảng tồi tệ… điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân con người đó với khả năng ứng phó, kinh nghiệm, …và các hệ thống hỗ trợ  từ gia đình, xã hội…

Ngoài những cơn khủng hoảng có thể dự báo trước, xuất hiện trong tiến trình phát triển tự nhiên, con người còn gặp phải những cơn khủng hoảng khác xuất hiện bất ngờ, đột ngột, không hề được dự báo trong quá trình sống của mình, và gọi đó là những cơn khủng hoảng ngẫu nhiên.

Khủng hoảng ngẫu nhiên

Gọi là cơn khủng hoảng ngẫu nhiên bởi nó xuất hiện bất ngờ không hề được dự báo trước, diễn biến trong một thời gian tương đối ngắn và kết thúc. Cũng như khủng hoảng lứa tuổi, cơn khủng hoảng này kết thúc và “để lại” một kết quả nhất định, giúp con người trưởng thành hơn. Đó có thể là một trải nghiệm mới với những kinh nghiệm, một kiểu ứng phó mới, tiếp thu thêm những bài học mới về cách tư duy, hành vi ứng xử, cảm xúc…

Cơn khủng hoảng ngẫu nhiên xuất hiện bởi những sự kiện, những tình huống nguy cơ, … luôn tiềm ẩn trong cuộc sống, trong suốt quá trình phát triển của mỗi người, và ai ai cũng phải trải qua: một người thân trong gia đình đột ngột qua đời vì tai nạn, được thăng chức cao với đầy ắp những áp lực công việc và trách nhiệm, ly hôn, thất vọng vì cuộc sống mới ở một môi trường mới không như mong đợi…  

Kết hợp với tính chất của từng giai đoạn phát triển cơn khủng hoảng ngẫu nhiên sẽ mang những màu sắc khác nhau, với những những diễn biến, và sự tác động khác nhau lên một người, tạo nên bối cảnh khủng hoảng của cá nhân trong thời điểm ấy. Ví dụ: cơn khủng hoảng ngẫu nhiên xuất hiện trong giai đoạn tuổi vị thành niên sẽ khác hoàn toàn với lứa tuổi trung niên, về già bởi sự kịch tính, thời gian kéo dài, và mức độ tác động …Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào tính chất của sự kiện gây nên khủng hoảng ở mỗi cá nhân khác nhau.

Với cùng một sự kiện, một tình huống như nhau xuất hiện trong các giai đoạn phát triển khác nhau được đánh giá khác nhau và có nguy cơ gây ra khủng hoảng khác nhau. Ví dụ: cùng là sự kiện người mẹ qua đời nhưng ở lứa tuổi vị thành niên và nhỏ hơn đây là khủng hoảng nặng nề, khó vượt qua trong khi đó lứa tuổi trung niên lại dễ chấp nhận hơn có thể do sự trưởng thành hơn và việc dự đoán trước việc người mẹ ra đi là một tất yếu của thời gian. Bởi sự lượng giá khác nhau trong từng thời điểm nên  khi có cùng một sự kiện, một tình huống gây khủng hoảng như nhau xuất hiện lập lại trong tiến trình sống, thì diễn biến của cơn khủng hoảng có thể khác nhau với những cách ứng phó khác nhau tùy thuộc vào tính chất giai đoạn phát triển, nguồn lực hỗ trợ, kinh nghiệm từng trải…Một ví dụ thường thấy là sự mát mát những người thân trong gia đình: chẳng hạn như cái chết vì bệnh ung thư di truyền trong gia đình  những cá nhân đều phản ứng khác nhau, những thế hệ trong gia đình cũng phản ứng khác nhau, và chính bản thân cá nhân ấy cũng có những phản ứng khác nhau khi họ còn là một đứa trẻ, một người trưởng thành, trung niên và già đi.  

Trong giai đoạn khủng hoảng lứa tuổi, có sự xuất hiện của những sự kiện nguy cơ lại càng làm gia tăng thêm sự kịch tính và kéo dài cơn khủng hoảng. Vd: giai đoạn khủng hoảng tuổi sơ sinh với sự kiện người mẹ qua đời, giai đoạn khủng hoảng tuổi vị thành niên đi kèm với sự xuất hiện sự kiện người thân qua đời, mất mát mối quan hệ giới tính đầu tiên, tai nạn đưa đến những khiếm khuyết cơ thể…   

Kết quả của cơn

khủng hoảng

Khủng hoảng là một hiện tượng tự nhiên của cuộc sống là bước ngoặc quan trọng cần thiết xuất hiện, tồn tại trong tiến trình phát triển của con người, và tất cả mọi người khi rơi vào khủng hoảng đều có thể tự mình giải quyết chúng với kinh nghiệm, năng lực ứng phó, nguồn lực hỗ trợ riêng vốn có mà đôi khi không nhất thiết cần sự can thiệp của y khoa – tâm lý học. Bên cạnh đó bởi tính chất cấp tính, khủng hoảng xuất hiện khi sự kiện và tình huống nguy cơ hiện diện – diễn biến – kết thúc theo chuỗi diễn biến tự nhiên. Vì vậy có hay không sự can thiệp thì khủng hoảng tự bản thân nó cũng kết thúc. Kết thúc chuỗi khủng hoảng bằng việc con người thích ứng, tìm được phương cách giải quyết vấn đề, củng cố chúng, tái thiết lập sự gắn kết, cân bằng, tích lũy thêm những kinh nghiệm mới và “bước tiếp” trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khủng hoảng không được vượt qua, con người mắc kẹt lại lâu hơn ở một giai đoạn nào đó (giai đoạn 1 & 2) và lựa chọn những cách giải quyết khủng hoảng không phải bằng lý trí mà chịu sự chi phối mạnh mẽ của những cảm xúc tiêu cực (đau buồn, giận dữ, mặc cảm...) đưa đến những kết quả gây “nguy hiểm” cho bản thân và người khác. Trong hai giai đoạn đầu của khủng hoảng (đặc biệt là giai đoạn 2), những cảm xúc ấy không ngừng “tấn công”, “chôn vùi” họ trong đau khổ, tuyệt vọng, cảm giác thất bại, mặc cảm tội lỗi… làm thúc đẩy họ đi tìm cách “dẹp yên chúng”, “thoát khỏi” hay “tự chữa lành” bằng việc lạm dụng rượu, ma túy, ý định hoặc hành vi tự sát (đưa đến cái chết), hay tìm đến đức tin tôn giáo… Khủng hoảng kéo dài, tình trạng mất cân bằng kéo dài gây nên những rối loạn trong các hoạt động chức năng, ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, gia đình, công việc, các mối quan hệ trong xã hội…, hậu quả là dẫn đến các rối loạn: rối loạn thích ứng, rối loạn khí sắc (thường gặp thể trầm cảm),….

Lúc này, cần phải có sự can thiệp về mặt y khoa – tâm lý học, nhằm giúp cá nhân vượt qua, hoàn tất giai đoạn khủng hoảng, chữa lành những hậu quả mà khủng hoảng để lại trong quá trình diễn biến của chúng (chứng nghiện rượu, chất kích thích, điều trị các rối loạn).

Ý định – hành vi tự sát là một trong những phương cách được xem xét, lựa chọn trong quá trình giải quyết khủng hoảng. Nguy cơ tự sát thành công còn tùy thuộc rất lớn vào nhân cách của mỗi cá nhân, quan điểm, thói quen, sự “học hỏi”, lứa tuổi phát triển, thời điểm xảy ra khủng hoảng, hệ thống hỗ trợ, khả năng ứng phó…và khả năng tái phát, tính “thuận tiện, sẵn có” của các dụng cụ hỗ trợ tự sát… Tự sát đem đến hậu quả không thể khắc phục, người tự sát thành công mang đến những mất mát, đau khổ cho gia đình, bạn bè. Vì vậy cần phát hiện và can thiệp kịp thời nếu trong cơn khủng hoảng có xuất hiện ý định hay hành vi tự sát.

Xem tiếp phần II

ĐÔI LỜI VỚI BẠN ĐỌC

Năm 2007 là một năm rất đáng nhớ đối với chúng tôi.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, cuối cùng chúng tôi cũng đã thực hiện được mong ước của mình.

Website www.tamlytrilieu.com đã được thai nghén, ấp ủ, và sau cùng đã ra mắt bạn đọc ngày

11 tháng 9 năm 2007. Đến nay website

Tâm Lý Trị liệu

vẫn tiếp tục vững bước trên hành trình phục vụ bạn đọc. 

Kể từ ngày ra mắt bạn đọc, website của chúng tôi không ngừng cập nhật thông tin và mở rộng các giao lưu, liên kết trên mạng. Đồng thời chúng tôi cũng không ngừng tiếp thu các ý kiến từ bạn đọc để tiếp tục nâng cao chất lượng công việc của mình.

Nhiều trang web và blog chuyên môn về tâm lý đã trích dẫn hoặc đăng lại các bài viết và bài dịch của chúng tôi. Toàn bộ các bài giảng về tâm lý trị liệu của chúng tôi (được dùng để giảng dạy môn tâm lý trị liệu tại Đại học Văn Hiến và các lớp huấn luyện kỹ năng tham vấn của Hội KH Tâm lý Giáo dục Tp.HCM) đã được "sử dụng lại" trên một số thư viện điện tử.

Sẽ không hay nếu sớm hài lòng với những gì hiện có, bởi lẽ Website này vẫn còn đang trong tiến trình hình thành và phát triển. Mong rằng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến cho chúng ta, những người cùng chung sức học tập, thực hành và nghiên cứu chuyên ngành tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu tại Việt Nam.

Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của quý đồng nghiệp và bạn hữu gần xa.

Địa chỉ liên hệ:

Trụ sở Chi Hội Trăng Non,

29 Phan Xích Long, P.3, Phú Nhuận, Tp.HCM  

Điện thoại liên hệ:

BS Nguyễn Minh Tiến

0908 33 0908

Email

:

[email protected]

[email protected]

RỐI LOẠN STRESS SAU SANG CHẤN 

(PTSD: Post-Traumatic Stress Disorder)

BS. NGUYỄN MINH TIẾN

V

ào lúc khởi đầu của ngành tâm thần học hiện đại, những sự kiện có tính cách quá sức chịu đựng hoặc ngoài tầm khả năng kiểm soát của con người – được biết như những sang chấn tâm lý (psychological trauma) đã là trung tâm của sự chú ý. Sigmund Freud đầu tiên đã nghĩ rằng những sang chấn thời thơ ấu là nguyên nhân gây ra những chứng bệnh tâm thần, và ông đã diễn giải triệu chứng của những bệnh nhân bị bệnh hysterie và các chứng nhiễu tâm khác như là sự tái hiện mang tính biểu tượng của những sự kiện gây sang chấn xảy ra trong thực tế trước đó. Nhưng, về sau, khi ông nhận thấy rằng câu chuyện của những bệnh nhân của ông phần lớn là các huyễn tưởng (fantasy) và do sự diễn giải sai lầm (misinterpretation) thì vai trò của các sang chấn tâm lý trong quá trình hình thành các chứng nhiễu tâm trở nên ít được chú ý hơn. Các bác sĩ tâm thần thường có khuynh hướng mô tả các sang chấn đặc hiệu, ví dụ những trải nghiệm trong chiến tranh, trong các trại tập trung, các vụ cưỡng bức tình dục, các thảm họa dân sự, xâm hại trẻ em... như những vấn đề tách biệt. Chỉ đến những thập niên cuối thế kỷ XX người ta mới nhận ra nhiều đặc điểm chung của các tình trạng ấy.

Bản chất của sang chấn, lứa tuổi và nhân cách của nạn nhân, cùng những phản ứng của bạn bè, gia đình và cộng đồng, tất cả đều có ảnh hưởng lên kết quả cuối cùng; nhưng hội chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD:

post-traumatic stress disorder) vẫn xuất hiện với những đặc điểm nhất định không đổi cho dù những yếu tố phụ trợ nêu trên có thể khác nhau. Sự kiện gây sang chấn thường được tiếp theo sau bởi một giai đoạn chết lặng cảm xúc và phản ứng chối từ có thể kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều năm. Kế đó, những ý nghĩ và cảm xúc đi kèm theo sự kiện sẽ được tái hiện lại một cách vô thức. Sự tái hiện này có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, có thể là những cơn ác mộng, những ấn tượng thị giác, ý nghĩ ám ảnh, ảo giác và sự tái diễn hay sống lại những trải nghiệm về sang chấn. Trong giai đoạn này nạn nhân có thể được chẩn đoán lầm là tâm thần phân liệt hoặc sử dụng ma túy. Sự sống lại và chìm đắm trong sang chấn cứ lập đi lập lại và luân phiên với những giai đoạn chết lặng và chối từ về cảm xúc. Trong những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, chu trình này sẽ được giải quyết và các sự kiện gây sang chấn sẽ được hòa lẫn vào các trải nghiệm sống của nạn nhân. Tuy nhiên, tình trạng này có thể trở thành kinh niên khi sang chấn cứ lập đi lập lại hoặc vượt quá sức chịu đựng, như trường hợp xâm hại trẻ em kéo dài, những trải nghiệm trong các trại tập trung, hoặc sang chấn xảy ra ở những người lớn đã từng có một tuổi thơ bất hạnh...

Người ta chưa hiểu rõ tại sao nhiều người vẫn có khả năng chịu đựng được những “công kích” từ các sự kiện gây sang chấn mà không bị ảnh hưởng lâu dài, trong khi đó những người khác thì lại có thể bị “gắn chặt” vào sang chấn. Mức độ của stress chắc chắn là một yếu tố quan trọng, bởi vì tất cả mọi người đều có một mức độ giới hạn nhất định của sự chịu đựng: ít có ai sống sót từ các trại tập trung của Đức Quốc xã mà lại không bị tổn thương về tâm lý.

Giai đọan phát triển cảm xúc của nạn nhân cũng rất quan trọng: một người lớn có cá tính mạnh và được một hệ thống hỗ trợ xã hội tốt sẽ có điều kiện được bảo vệ trước các sang chấn tốt hơn nhiều so với một đứa trẻ. Những thanh niên Mỹ tham dự chiến tranh Việt Nam cũng được thấy dễ xảy ra PTSD.

Trong thực tế, việc cắt đứt hoặc mất hẳn sự hỗ trợ xã hội dường như là một nguyên nhân quan trọng của việc mất khả năng khắc phục các ảnh hưởng của sang chấn. Điều này được thấy trong các thảm họa dân sự khi bị cắt đứt khỏi sự liên lạc với cộng đồng chung – tai nạn tại đảo Three Mile và thảm họa chất độc tại Love Canal là những ví dụ. Thậm chí còn thương tâm hơn trong những trường hợp trẻ em bị ngược đãi về thể xác hoặc bị xâm hại tình dục bởi chính những người lớn mà các em phụ thuộc vào để sống. Trái lại, có nhiều người dường như vẫn “bình yên” sau sang chấn tâm lý nếu môi trường sống mang đến cho họ những sự hỗ trợ cần thiết.

Ở những người mà hậu quả của sang chấn đã ăn sâu bén rễ, sẽ xuất hiện cảm giác “bơ vơ”, “mất chỗ dựa” và cảm giác “bị bạc đãi”. Họ cảm thấy không thể chủ động quyết định được số phận của chính mình. Thay vào đó, trong tình trạng mất chỗ dựa ấy, tâm trí họ vẫn thường xuyên ở trong trạng thái cảnh giác về một khả năng trở lại của sang chấn. Một số âm thanh, mùi hương và một vài tình huống đặc biệt có thể kích thích sự tái hiện một ký ức về sang chấn, kèm theo những cảm giác không thể chịu đựng nỗi. Một cách thức để đương sự có thể giải quyết nỗi sợ này là tránh né tất cả những tình huống, thậm chí tránh né cả những cảm xúc nào có liên quan đến sang chấn. Điều này dễ dẫn đến trạng thái tự cô lập bản thân ra khỏi các mối quan hệ xã hội hoặc đương sự tìm cách tự vùi mình vào công việc.

Những sang chấn tâm lý nghiêm trọng nhất là khi có sự phá vỡ những mối quan hệ thân thiết, gây mất lòng tin nặng nề, như những trường hợp loạn luân, chứng kiến cái chết thê thảm của người mà mình thương yêu; hoặc khi có sự phá vỡ sự tòan vẹn của bản ngã như trong các trường hợp nạn nhân bị hiếp dâm, tra khảo, hoặc những người đã thực hiện những hành vi hung bạo trong điều kiện stress quá sức chịu đựng. Nhiều người bị sang chấn đã tránh né những mối quan hệ thân thiết, vì họ sợ xảy ra một sự xâm phạm khác đối với sự gắn bó ấy. Việc tránh né các mối quan hệ cảm xúc làm giảm đi ý nghĩa của đời sống sau sang chấn và tiếp tục duy trì những ảnh hưởng tiêu cực của sang chấn.

Mặc dù đã tự giới hạn mình về các quan hệ cảm xúc, nhưng cơ thể của những nạn nhân bị sang chấn vẫn tiếp tục phản ứng với các kích thích về thể chất cũng như về cảm xúc như thể vẫn còn tồn tại những nỗi lo sợ bị hủy diệt. Hệ thần kinh thực vật vẫn tiếp tục chuẩn bị cho cơ thể của một trạng thái cảnh giác, “chuẩn bị hành động”. Đã có trường hợp một cựu binh sau chiến tranh đã có có lúc nhìn lầm những cử động của người bạn tình trên giường ngủ như là... một cuộc tấn công của đối phương. Những tiếng động nhỏ len vào phòng ngủ của một người bị hội chứng PTSD cũng có thể gây nên một cơn ác mộng sống động bao gồm cả việc tái hiện lại thật chi tiết những sự kiện gây sang chấn trước đó. Những nạn nhân này thường cố xua đuổi các ký ức về sang chấn ra khỏi phần ý thức tình táo của họ, và chỉ thấy chúng trở lại trong giấc ngủ. Những cơn ác mộng như thế thường xảy ra vào các thời điểm có các sự kiện chuyển biến quan trọng về thể chất hoặc tâm lý như tuổi dậy thì, khi lập gia đình, sinh con, bắt đầu bị một căn bệnh hoặc khi về hưu...

Khi việc “rút lui” khỏi những quan hệ cảm xúc bị thất bại, một số người có thể bị chìm đắm trở lại vào sự tái diễn lại sang chấn. Những cựu binh Mỹ sau chiến tranh Việt Nam lại có thể tòng quân làm lính đánh thuê, những nạn nhân của tệ lọan luân trở thành gái mãi dâm, những trẻ em từng bị ngược đãi thể xác có khuynh hướng thường xuyên thực hiện những việc làm tự gây thương tích cho bản thân. Freud trước đây xem việc đương sự tự ý tiếp xúc lại với sang chấn như là một cố gắng tích cực nhằm giành lại quyền làm chủ bản thân (mastery). Ngày nay, có bằng chứng cho thấy rằng, trong khi đáp ứng với sang chấn, đã có sự gia tăng sản xuất các chất

endorphin

enkephalin, những chất giống như morphin, xuất hiện một cách tự nhiên bên trong não của đương sự. Tình trạng sang chấn nghiêm trọng và lập đi lập lại có thể khiến cơ thể đương sự bị “nghiện” với các chất

opioid

của chính mình, và tình trạng nghiện này được thỏa mãn bằng cách tiếp xúc trở lại với các hoàn cảnh tương tự như hoàn cảnh gây ra sang chấn. Lý thuyết này cũng phù hợp với thực tế rằng những ảnh hưởng tâm-sinh lý thường xuyên của sang chấn đã khiến nhiều nạn nhân tìm đến với rượu và ma túy.

Sự giới hạn cảm xúc, tìm kiếm hoặc tái diễn lại sang chấn, lạm dụng ma túy, rượu như hậu quả của sang chấn, đã tạo thêm những vấn đề hoàn toàn mới và thường là không giải quyết được, khiến làm lu mờ nguyên nhân gây sang chấn ban đầu. Một số nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần không thực hiện thường qui việc hỏi những bệnh nhân của họ về tình trạng ngược đãi thân thể hoặc lạm dụng tình dục. Nhiều tài liệu chuyên môn còn có khuynh hướng xem những vấn đề “dị thường” này chỉ có thể xảy ra ở các “tầng lớp thấp” trong xã hội. Thế nhưng tình trạng loạn luân và xâm hại trẻ em lại có thể xảy ra ở tất cả mọi thầnh phần trong dân chúng, và việc lạm dụng rượu hay ma túy để đáp ứng với sang chấn thì hầu như có tính phổ quát.

Hầu hết các sự kiện gây sang chấn quá sức chịu đựng đều có liên quan đến chấn thương thân thể hoặc xâm hại tình dục. Vụ bắt cóc trẻ em trên xe đưa rước học sinh ở Chowchilla, California là không bình thường vì có 26 nạn nhân không bị tổn thương về thân thể. Tuy nhiên, bốn năm sau, tất cả số trẻ này đều được thấy có biểu hiện của PTSD ở nhiều mức độ, và các triệu chứng đều đặc biệt tương tự như nhau, dù rằng các trẻ này có sự khác biệt lớn về tuổi tác và ở vào các giai đoạn phát triển tâm thần-cảm xúc khác nhau.

Trẻ em đặc biệt rất nhạy cảm với những tác động kéo dài của sang chấn tâm lý và tình trạng dằn xé càng trầm trọng khi thủ phạm gây ra sang chấn lại là một người lớn mà trẻ đang trông cậy vào để có được tình yêu thương và sự che chở. Những trẻ em là nạn nhân của tệ loạn luân hoặc ngược đãi thể xác thường bị mất cảm giác cơ bản về sự an toàn; trẻ có thể phải suốt đời đấu tranh với sự hòai nghi, với sự giận dữ bị dồn nén và với những ký ức thương đau. Để duy trì lòng tin vào người mà trẻ đang sống phụ thuộc, trẻ thường có khuynh hướng tự kết tội chính bản thân mình hoặc qui cho một tác nhân khác ở bên ngoài đã gây ra tình trạng ngược đãi. Giống như trường hợp những người lớn đã “đồng cảm” với những kẻ khủng bố bắt cóc họ, những trẻ em bị ngược đãi cũng có thể “đồng cảm” với thủ phạm gây ra ngược đãi và “bảo vệ” cho họ, việc xâm hại chỉ có thể được chứng minh sau một thời gian tiếp xúc lâu dài và thăm hỏi thân tình. Tình trạng tự căm ghét bản thân của trẻ có thể được biểu hiện bằng nhiều cách khác nhau: từ trầm cảm nhẫn nhục, cho đến việc nhiều lần tự gây thương tích cho bản thân và thậm chí là mưu toan tự sát. Một số trẻ bị ngược đãi, đặc biệt là các bé trai, có thể chuyển sự gây hấn ra bên ngòai dưới hình thức các hành động chống đối xã hội.

Nhiều trẻ bị ngược đãi có chỉ số thông minh thấp và một số cho thấy có tổn thương thần kinh ngay cả khi không bị chấn thương ở vùng đầu. Những cảm giác quá sức chịu đựng liên quan đến sang chấn có ảnh hưởng đến khả năng sắp xếp thông tin một cách hợp lý. Những trẻ này khi tiếp xúc với những kích thích gợi lại sang chấn, những cảm giác nảy sinh thậm chí có thể gây ra một phản ứng lọan thần.

Các sang chấn cấp (acute trauma) được trị liệu tốt nhất là khi nó vừa xảy ra. Các tác động của tai nạn hoặc thảm họa có thể được giải quyết nếu như các phản ứng phòng vệ chống lại ký ức về sang chấn không trở nên quá nổi trội khiến cho nó bị phân ly, tách biệt khỏi ý thức nạn nhân. Một khi những tác động này trở nên kéo dài, có thể sẽ khó khăn cho cả nạn nhân lẫn người trị liệu trong việc hiểu được mối tương quan giữa các ký ức về sang chấn và cơ cấu phòng vệ thứ phát, mà từ đó dẫn đến lạm dụng rượu, trầm cảm mạn tính, hành vi bốc đồng, tính nét bừa bãi, tai nạn giao thông, và thậm chí cả xâm hại trẻ em.

Điều quan trọng ngay từ đầu là phải xác định rõ cả sự khác biệt lẫn sự liên hệ giữa sang chấn ban đầu và những hành vi kém thích nghi xảy ra sau đó. Khi hiểu được mối liên hệ này, lọai hành vi ấy sẽ tạm thời giảm bớt. Khi mối liên hệ không được xác định, nạn nhân bị PTSD sẽ càng lúc càng trở nên hụt hẫng, và thậm chí đặt ra những đòi hỏi nài nỉ với nhà trị liệu. Mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà trị liệu khi đó trở nên có tính “lạm dụng lẫn nhau” (mutually abusive) bằng cách có thể gây hồi tưởng lại một số khía cạnh của sang chấn bạn đầu. Học cách dung nạp những cảm giác liên quan đến sang chấn là công việc chủ yếu của hầu hết các nạn nhân. Họ thường nhất thời trở nên căng thẳng hơn, rối loạn hơn khi phải nhận diện những cảm giác xuất hiện lúc họ phản ứng với những sự kiện trong quá khứ và trong hiện tại. Họ có thể cần phải được dùng thuốc để làm giảm những đáp ứng khó chịu về thể chất và cảm xúc. Nhưng những nỗi sợ hãi trong quá khứ chỉ có thể được trải nghiệm một cách an toàn chỉ khi nào thiết lập được một mối quan hệ trị liệu ngày càng có thêm lòng tin và sự an toàn. Việc xây dựng một sự hợp tác trị liệu như thế có thể bị ảnh hưởng bởi sự giới hạn cảm xúc về quá khứ, tình trạng lạm dụng rượu, ma túy, và các hành vi kém thích nghi khác.

Chỉ hiểu biết về quá khứ thôi chưa đủ để hồi phục lại tổn thương, dù điều đó làm sáng tỏ những gì đã xảy ra và giúp cho người bệnh hướng đến những cách thức tốt hơn trong việc giải quyết các hậu quả của sang chấn. Mối quan hệ trị liệu tự nó có lẽ là phần quan trọng nhất của việc trị liệu; nó giúp tái lập lòng tin cơ bản và thuyết phục người bệnh tin rằng những trải nghiệm mà họ đã có là sự thật chứ không phải là sự tưởng tượng bệnh hoạn. Trị liệu nhóm (group therapy) là đặc biệt có ích. Nó cho phép nạn nhân bị sang chấn chia sẻ cái quá khứ riêng tư của họ với những người khác; những người này cũng sẽ hiểu được họ vì cũng đã từng có những trải nghiệm tương tự như họ. Cùng lúc ấy, nạn nhân có thể thiết lập được những mối quan hệ chân tình với những “người bạn đồng hành” này. Trị liệu nhóm giúp nạn nhân thoát khỏi tính thụ động và cảm giác thường xuyên thấy mình là nạn nhân, bởi trong nhóm, khi một người nào đó đang cố gắng đương đầu với một vấn đề, thì những người khác có thể làm dịu bớt sự lo âu khi nó nảy sinh. Hoàn cảnh trị liệu nhóm cũng gần giống với đời sống thực tế hơn là trị liệu cá nhân, vì các thành viên trong nhóm cũng đặt ra cho nhau cả những đòi hỏi thích hợp lẫn không thích hợp, và những đòi hỏi này đôi khi cũng “nhuốm màu” sang chấn trong quá khứ. Chỉ sau khi bệnh nhân có thể tách biệt được những cảm giác thuộc về sự kiện trong quá khứ với những cảm giác thích hợp trong hiện tại, họ mới có thể tái lập được một cảm nhận về lịch sử của bản thân mình với một quá khứ, một hiện tại và một tương lai. 

Tham khảo

:

Post-Traumatic Stress Disorder

(Bessel van der Kolk, M.D.,

Giảng viên môn Tâm thần học, ĐH Y khoa Harvard;

STRESS LÀ GÌ?

BS.  NGUYỄN MINH TIẾN

(dịch và tổng hợp)

Phần I

Không giống như những thói quen về sức khỏe có thể trực tiếp đưa những tác nhân gây biến đổi tình trạng sức khỏe vào trong cơ thể,

stress

chỉ các thay đổi về tâm sinh lý xảy ra nhằm đáp ứng các với các kích thích được cơ thể nhận biết là đe dọa hoặc có hại. Những điều mà chúng ta nghĩ đến và cách thức mà chúng ta cảm thấy đều có ảnh hưởng đến sức khỏe; tâm trí và thân thể liên hệ với nhau một cách mật thiết. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét khái niệm về stress và những tác động của nó đối với sức khỏe và bệnh tật.

ĐỊNH NGHĨA STRESS

Stress

là một khái niệm khó nắm bắt. Nó đã được định nghĩa theo nhiều cách: như một

tác nhân môi trường,

một đáp ứng sinh lý, và như

một quá trình nhận thức - hành vi. Các định nghĩa này đều tập trung vào một bình diện cơ cấu (organizational level) nào đó và loại bỏ một cách tương đối những bình diện khác; và điều này đã dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn. Mỗi một định nghĩa đơn bình diện (single-level) này sẽ được xem xét một cách vắn tắt để đưa những lý thuyết và nghiên cứu liên quan đến stress vào những bối cảnh lịch sử cụ thể. Mỗi một trong số những cách nhìn này đều không đầy đủ. Khái niệm về stress vốn dĩ là một

khái niệm đa bình diện

(multilevel), nó bao gồm những đáp ứng thuộc về cảm xúc, hành vi và sinh lý của cơ thể thông qua sự tương giao với môi trường. Sau khi những lý thuyết trên từng bình diện được xem xét, một cách nhìn tổng hợp về stress sẽ được trình bày.

Stress - Một đáp ứng sinh học

Quan niệm về stress liên quan đến sức khỏe thể chất đã bắt nguồn từ các nhà sinh học. Theo cách nhìn sinh học, stress được định nghĩa là

một hội chứng đặc hiệu bao gồm tất cả những thay đổi được gây ra một cách không đặc hiệu bên trong hệ thống sinh học

(Selye, 1956). Stress là một đáp ứng sinh lý có tính không đặc hiệu, xét về cả nguyên nhân lẫn kết quả. Bất cứ sự kiện nào đòi hỏi sự thích ứng đều làm khởi phát các đáp ứng sinh lý đặc trưng cho stress. Những đáp ứng này cũng có tính không đặc hiệu; các loại sự kiện gây stress khác nhau đều dẫn đến những biến đổi tương tự nhau. Chúng ta hãy xem xét tóm tắt những đáp ứng sinh lý được dùng để định nghĩa stress.

Trong khi

Selye

(1956) lần đầu tiên đưa ra khái niệm về stress,

Cannon

(1927) là nhà nghiên cứu đầu tiên mô tả một cách khái quát một phản ứng đối với sự đe dọa mà ông gọi là phản ứng

“chống hoặc chạy”

(fight or flight). Cannon cho rằng khi một sinh vật đương đầu với một sự đe dọa cho sự sống còn của mình, thì các biến đổi sinh lý sẽ xảy ra theo một mô hình đã được “cài đặt” sẵn. Có sự gia tăng nhịp tim, huyết áp và hô hấp. Máu được phân bố đến các bắp cơ lớn và các quá trình tiêu hóa bị ngưng lại. Những thay đổi này nhằm chuẩn bị cho cơ thể sinh vật ấy thực hiện được những hành động mạnh mẽ nhằm đáp ứng với sự đe dọa: hoặc chống trả, hoặc “cao chạy xa bay”. Sự khuấy động ấy là một khả năng hoạt hóa đã được cài đặt sẵn bên trong cơ thể sinh vật, tạo nên cơ may sống còn của nó dưới những điều kiện đe dọa. Tất cả chúng ta đều từng trải qua sự kích hoạt này. Ngay sau khi thoát khỏi một tai nạn gần kề, bạn thấy ngay tim đập thình thịch, cảm giác nôn nao và lòng bàn tay ẩm mồ hôi.

Selye (1956) đã quan sát thấy một hệ thống liên quan của các đáp ứng sinh lý chung nhất khi những sinh vật tiếp xúc với các kích thích có hại như bị dồn ép trong đám đông, nhiệt độ lạnh hoặc tiếp xúc các độc tố. Ông gọi các đáp ứng này là

Hội chứng thích nghi tổng quát

(GAS

-

general adaptation syndrome). GAS ngụ ý chỉ những hoạt động thần kinh và nội tiết cho phép cơ thể sinh vật chống lại những kích thích sinh lý có hại. GAS được chia làm ba giai đoạn:

báo động

(alarm),kháng cự

(resistance) và

kiệt quệ

(exhaustion). Trong giai đoạn báo động, có sự bài xuất liên tục các hormone từ tuyến thượng thận, mà điều này được cho là để bảo vệ cơ thể sinh vật chống lại các kích thích có hại. Nếu các kích thích này vẫn không giảm bớt, những hormone tuyến thượng thận sẽ bắt đầu gây ra những tác hại cho hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Nếu các yếu tố gây stress tiếp tục đủ lâu, sinh vật sẽ bị chết vì tiềm năng thích ứng của nó sẽ bị kiệt quệ.

Trong lúc Selye và Cannon mô tả một cách tỉ mỉ những ảnh hưởng sinh lý của stress, họ đã không nhận ra được tầm quan trọng của những thông số tâm lý và hành vi trong việc xác lập những đáp ứng sinh lý này. Sự xuất hiện các đáp ứng “chống hoặc chạy” và GAS tùy thuộc vào sự nhận biết của đương sự về các kích thích có hại và việc người đó có diễn giải các kích thích này là có tính đe dọa hoặc có hại cho họ hay không.

Khi các kích thích có hại xảy đến mà không có sự nhận biết của đương sự, các đáp ứng sinh học sẽ không xảy ra

(Mason, 1975b). Ví dụ, những bệnh nhân sắp chết nhưng đang trong tình trạng hôn mê thì không biểu hiện một bằng chứng sinh học nào của stress; trong khi những người sắp chết nhưng còn tỉnh thì lại biểu hiện các phản ứng (Syrington, Currie, Curran, Davidson, 1955).

Selye và Cannon sử dụng các kích thích có hại về thể chất làm yếu tố gây stress. Các phản ứng “chống hoặc chạy” và GAS cũng được gây ra từ những kích thích có hại về tâm lý, như chán chường, thi cử, hoặc xem một cuốn phim kinh dị (Frankenhaeuser, 1972, 1978). Sự khuấy động sinh lý xảy ra để đáp ứng với cả những kích thích về tâm lý lẫn thể chất. Trong các thực nghiệm của Selye và Cannon, các sinh vật không được điều kiện hóa để đáp ứng bằng hành vi với các yếu tố gây stress. Trong môi trường tự nhiên, con người lại có thể đáp ứng một cách điển hình với các tác nhân gây stress. Sự xuất hiện phản ứng “chống hoặc chạy” hoặc GAS phụ thuộc vào khả năng tiên đoán và kiểm soát các sự kiện có hại. Một loạt nghiên cứu của

Weiss

(1968, 1971a, 1971b) đã cho thấy tầm quan trọng của những khả năng tiên đoán và kiểm soát ấy. Trong một nghiên cứu, hai nhóm chuột được cho tiếp xúc với một loạt các cú sốc điện. Các con chuột trong nhóm thứ nhất có thể đạp lên một đòn bẩy để thoát khỏi các cú sốc; những con trong nhóm thứ hai cũng nhận các cú sốc điện như nhóm thứ nhất, nhưng không có khả năng né tránh. Chuột trong nhóm thứ nhất được thấy ít bị loét dạ dày hơn nhóm thứ hai. Trong một thí nghiệm tương tự, những con chuột được nhìn thấy những tín hiệu báo cho biết sốc điện sắp xảy ra, ngay cả khi không có khả năng né tránh bằng hành vi, cũng

ít bị loét hơn những con chuột chịu những cú sốc điện tương tự nhưng không được báo trước bằng tín hiệu và không có khả năng né tránh. Do vậy,

tiên đoán được một sự kiện có hại xảy ra vào lúc nào thì tốt hơn là khi không có thông tin gì về sự kiện này. Trong thí nghiệm sau cùng, Weiss thấy rằng những con chuột nhận được một tín hiệu mà nhờ đó giúp cho đáp ứng hành vi của chúng có hiệu quả cắt được cú sốc điện cũng sẽ ít bị loét dạ dày hơn những con chuột bị sốc điện nhưng không nhận được tín hiệu báo tin. Để tóm tắt những phát hiện của Weiss,

một sự kiện đe dọa sẽ ít gây ra những hậu quả tai hại nếu chúng ta biết được khi nào nó sẽ xảy ra, nếu chúng ta có thể làm được một việc gì đó trước sự kiện ấy, và nếu chúng ta nhận được những phản hồi về hiệu quả của hành động ấy. Tầm quan trọng của khả năng tiên đoán và kiểm soát cũng được thấy trong các đáp ứng của con người đối với những tác nhân gây stress (Rodin, 1980).

Quan niệm cho rằng đáp ứng sinh lý với stress là có tính không đặc hiệu (giống nhau trong mọi điều kiện có hại) cũng đã bị thách thức.

Các biến đổi sinh lý còn tùy thuộc vào cách thức phản ứng của đương sự về hành vi và cảm xúc. Nhiều mô hình sinh lý khác nhau đã được phát hiện khi người ta đáp ứng với yếu tố gây stress bằng sự sợ hãi hơn là giận dữ (Mason, 1975b), bằng sự cảnh giác hơn là hành động (Obrist, 1976), bằng phương thức ganh đua, thù địch hơn là bằng phương thức ôn hòa (Dembroski, 1981). Cách thức mà chúng ta diễn giải hoặc đối phó với những tình huống đe dọa sẽ ảnh hưởng đến mô hình khuấy động sinh lý liên quan đến tình huống đó. Cách nhìn về stress dựa trên các đáp ứng sinh học không phải là không đúng, nhưng nó chưa được hoàn hảo.

Stress - Một sự kiện từ môi trường

Quan niệm về stress như một sự kiện từ môi trường được xuất phát từ các quan sát lập đi lập lại của tình trạng suy sụp về sinh lý và hành vi ở những người tiếp xúc với các điều kiện sống khắc nghiệt, như tham chiến trong quân đội (Grinker & Spiegal, 1945) và bị những mất mát (Lindemann, 1944). Nếu như môi trường khắc nghiệt dẫn đến những hậu quả tiêu cực, thì sự tích lũy dần những sự kiện ít khắc nghiệt hơn cũng có thể có những hậu quả tai hại. Từ cách nhìn này, stress được định nghĩa như

một sự kiện từ môi trường đòi hỏi một cá nhân phải thử thách những tiềm năng và đáp ứng không bình thường

(Holroyd, 1979). Stress trú ngụ trong những “đòi hỏi” của sự kiện hơn là bên trong cá nhân người ấy.

Các nghiên cứu thực hiện theo quan điểm môi trường đều có bản chất dịch tễ học: số lượng và mức độ của các sự kiện gây stress sẽ có tính tiên lượng cho tình trạng sức khỏe của đương sự (Dorenwend, 1981). Một cách có phương pháp, các đương sự được yêu cầu liệt kê những sự kiện gây stress mà họ đã trải qua trong một khoảng thời gian nhất định (trong 6 tháng chẳng hạn), ví dụ

danh sách về các sự kiện mới nhất

(SRE:

schedule of recent events) của

Holmes

Rahe, 1967. SRE gồm nhiều tiết mục như ly hôn, cưới hỏi, sinh con, ngồi tù, mắc nợ, lễ giáng sinh… Mỗi tiết mục được đánh giá dựa trên giả định rằng một số việc (cưới hỏi) có tính “đòi hỏi” nhiều hơn một số việc khác (lễ giáng sinh). Việc đánh giá các sự kiện được giả định một cách dứt khoát rằng mỗi một sự kiện nhất định đều có tính chất gây stress như nhau với tất cả mọi người. Cả những sự kiện tích cực lẫn tiêu cực đều được xem là có tính gây stress, vì cả hai loại đều đòi hỏi sự thích ứng.

Rất nhiều nghiên cứu đã sử dụng SRE để đánh giá mối liên quan giữa stress và sức khỏe. Những nghiên cứu nhằm tiên đoán bệnh trong tương lai và giải thích căn bệnh trong hiện tại đã tìm ra mối liên quan giữa số lượng và mức độ của các yếu tố gây stress với khả năng mắc các bệnh như đột tử do bệnh tim, các cơn đau thắt ngực, lao (Rabkin,

Struening, 1976) và một số bệnh nhiễm trùng (Jemmotti,

Locke, 1984).

Có vài vấn đề trong phương pháp tiếp cận với stress về khía cạnh môi trường. Liên quan giữa stress và bệnh tật có mức độ vừa phải; tương quan trung bình khoảng 0,12; tối đa 0,3 (Tanig, 1982). Các đánh giá về mặt môi trường của stress có khả năng tiên đoán giới hạn. Trái với quan điểm về môi trường, không hẳn tất cả những thay đổi đều nhất thiết có tính gây stress. Những thay đổi như mãn kinh và về hưu không được xem là yếu tố gây stress nếu chúng xảy ra “đúng lúc” và được dự kiến trước. Trong vài trường hợp, tình trạng ít thay đổi lại có thể gây stress. Những tình huống chán chường kéo dài hoặc không được thăng tiến lại thường được xem là có thể gây stress (Lazarus,

Folkman, 1984).

Các sự kiện cũng không có tính gây stress như nhau ở tất cả mọi người. Mức độ stress phụ thuộc vào ý nghĩa của sự kiện và những tiềm năng sẵn có ở mỗi người. Ví dụ,

Lazarus, Homikos

Rankin

đã cho những đối tượng nghiên cứu của họ xem cuốn phim về một tai nạn đáng sợ, trong đó một công nhân bị đứt một ngón tay và một người khác bị chết do một tấm gỗ lớn đâm xuyên qua ngực. Trước khi xem, một số đối tượng được cho biết rằng cuốn phim chỉ là một sự dàn cảnh, còn các đối tượng khác thì không được thông báo gì. Những người được biết trước thì ít bị khuấy động và lo âu hơn, có lẽ do họ đã nhận định sự việc là “không thật”.

Việc nhận định về sự kiện đóng vai trò trung tâm trong khi xác định mức độ gây stress của sự kiện.

Mức độ stress cũng tùy thuộc vào những kỹ năng và tiềm năng sẵn có của đương sự trong việc ứng phó với sự kiện.

Nuchol,

Cassel

Kaplan

(1972) đã đánh giá những hậu quả của stress và khả năng ứng phó trong thai kỳ đối với các biến chứng khi sinh đẻ. Tuy nhiên, khi xem xét chung các sự kiện trong đời sống và khả năng ứng phó, người ta thấy chúng có liên quan chặt chẽ với nhau. 90% phụ nữ có

điểm số thay đổi đời sống (life change score)

cao và khả năng ứng phó kém đều được chứng minh là có ít nhất một biến chứng, trong khi chỉ 33% có điểm số thay đổi cao và khả năng ứng phó cao bị biến chứng.

Quan niệm về stress như một sự kiện có tính “đòi hỏi” từ môi trường là chưa đầy đủ. Những cuộc xét lại các sự kiện gây stress gần đây đã sửa chữa một số nhược điểm này bằng cách yêu cầu đương sự xác định mức độ ảnh hưởng - tích cực hoặc tiêu cực - của những sự kiện mà họ đã trải qua (Sarason,

Johnson,

Siegel, 1978). Thông qua việc chia mức độ như thế, những phương thức đánh giá mới này đã cố gắng ghi nhận khả năng nhận định và ứng phó của các đương sự. Trái với những quan niệm cho rằng bất kỳ sự kiện thay đổi nào cũng gây stress, dữ kiện từ các đánh giá đã cho

thấy các sự kiện tích cực có tính tăng cường sức khỏe hơn là hủy hoại sức khỏe

(DeLongis,

Coyne,

Dakof,

Folkman,

Lazarus, 1982;Sarason, 1978).

Cách nhìn về stress theo quan điểm sinh học và môi trường cơ bản là những

mô hình kích thích - đáp ứng(Stimulus-Response model). Chúng không cung cấp một cái nhìn thấu đáo vào những thông số và những quá trình trung gian điều hòa mối liên quan giữa các sự kiện có hại và các đáp ứng sinh học. Nếu những sự kiện gây stress dẫn đến hậu quả tiêu cực cho sức khỏe, thì điều đó xảy ra như thế nào?

Stress - Một hiện tượng thuộc về nhận thức - hành vi

Phương pháp tiếp cận về mặt nhận thức - hành vi định nghĩa stress như

một quá trình tương giao giữa con người và môi trường, trong đó đương sự nhận định sự kiện từ môi trường là có tính chất đe dọa và có hại, và đòi hỏi đương sự phải cố gắng sử dụng các tiềm năng thích ứng của mình

(Lazarus, 1966;

Lazarus,

Folkman, 1984). Stress không chỉ trú ngụ trong sự kiện hoặc trong đáp ứng của đương sự, mà tồn tại trong cả hai yếu tố đó, cũng như trong các đáp ứng nhận thức-hành vi giữ vai trò điều hòa hai yếu tố đó. Cách nhìn này rõ ràng nhấn mạnh vào khía cạnh nhận thức - hành vi (thuộc về tâm lý) trong việc hiểu biết về stress, vì thế, nó đã bù đắp vào những thiếu sót của các mô hình stress “sinh học” và stress “môi trường”.

Hai quá trình trung tâm trong quan điểm tâm lý-hành vi là

nhận định

(cognitive appraisal) và

ứng phó

(coping). Nhận định là quá trình mà qua đó đương sự đánh giá sự kiện là có tính đe dọa hoặc có hại hay không, nếu có thì ở mức độ nào. Một sự kiện chỉ gây stress khi đương sự nhận định là “có hại”. Ứng phó là quá trình xảy ra những đáp ứng về hành vi, nhận thức và tình cảm của đương sự đối với sự kiện. Một sự kiện chỉ gây stress khi đương sự thiếu các phương tiện để ứng phó. Bằng cách tích hợp các bình diện nhận thức, cảm xúc, hành vi và môi trường của stress, quan điểm này do vậy có thể được dùng làm khởi điểm cho việc xây dựng một phương thức tiếp cận stress một cách có hệ thống. Quan điểm nhận thức - hành vi bỏ qua bình diện sinh học của stress cùng những liên quan giữa sinh học với các bình diện nhận thức, xúc cảm, hành vi.

STRESS - MỘT QUAN ĐIỂM HỆ THỐNG

Stress

là một khái niệm mang tính tổ chức, liên hệ đến nhiều thông số và quá trình, xảy ra trên nhiều bình diện của sự phân tích: sinh lý, nhận thức - cảm xúc, hành vi và môi trường. Vì thế,

stress là một đáp ứng tích hợp sinh học - tâm lý - xã hội với những sự kiện được xem là có hại và đòi hỏi những kỹ năng ứng phó của đương sự. Chúng ta sẽ khảo sát từng bình diện một cách chi tiết và mô tả những ảnh hưởng qua lại của chúng.

Nhận định (cognitive appraisal)

Các kích thích không mong muốn từ môi trường, sinh lý và tinh thần không gợi lên ngay một đáp ứng stresss. Đương sự không thụ động tiếp nhận kích thích, mà chủ động nhận định về nó.

Nhận định là quá trình trong đó chúng ta gán những ý nghĩa cho các sự kiện bên trong chung ta hoặc xung quanh chúng ta

(Levine,

Weinberg,

Ursin, 1978). Chúng ta thường xuyên đánh giá sự thích đáng đối với bản thân (personal relevance) và ý nghĩa hưởng lạc (hedonic connotation) của những kích thích mà chúng ta chú tâm đến. Dựa trên kinh nghiệm quá khứ và hoàn cảnh hiện tại, một kích thích có thể được đánh giá là: (1)

không đáng kể

(một tình trạng không có ý nghĩa đặc biệt nào); (2)

lành tính

(một tình trạng tích cực, làm gia tăng phúc lợi cá nhân); hoặc (3)

tiêu cực

(một tình trạng thực sự tiêu cực, đe dọa đến phúc lợi cá nhân) (Lazarus,Launier, 1978).

Stress liên quan đến việc nhận định một sự kiện là có tính đe dọa, có hại hoặc thách thức.

Giả sử bạn lái xe lên miền núi để thực hiện một kỳ trượt tuyết và gặp phải một trận bão tuyết. Con đường có thể vượt qua được, nhưng bị đóng băng rất nhiều. Nhiều xe hơi, xe tải được thấy nằm trong các mương rãnh ở hai bên đường. Bạn thật khó mà điều khiển được xe. Có lẽ bạn sẽ thấy rất căng thẳng và tức giận. Bạn cũng đang trong tình trạng nguy hiểm và có thể bị mất một kỳ nghỉ đáng giá mà bạn đã chuẩn bị từ lâu. Như đã nêu trong phần đầu, một tình huống nhất định có thể gợi lên một số kiểu nhận định tiêu cực.

Một khi sự kiện được nhận định là “tiêu cực”, một sự lượng giá khác cũng sẽ được thực hiện nhằm xem xét có thể làm được gì để ứng phó với sự kiện và liệu những việc ấy sẽ mang lại hiệu quả như thế nào. Quá trình này gọi là

nhận định khả năng ứng phó

(coping appraisal) (Lazarus,

Folkman, 1984). Nếu quá trình

nhận định kích thích

(stimuli appraisal) đặt ra các câu hỏi chính như “Sự kiện này có ý nghĩa gì đối với ta?”, thì quá trình nhận định khả năng ứng phó sẽ đặt ra câu hỏi “Ta có thể làm gì để giải quyết vấn đề này?” và “Những việc ấy sẽ có hiệu quả như thế nào?”. Giai đoạn này bao gồm việc đề ra một chiến lược ứng phó (coping strategy) đối với tác nhân gây stress và ước tính hiệu quả của những chiến lược này.

Ví dụ, để tiếp tục lái xe (trong tình huống nêu trên), mối quan tâm của bạn về tình trạng đường sá và mong muốn thực hiện kỳ trượt tuyết khiến bạn phải xem xét để lựa chọn một giải pháp. Bạn có thể rời khỏi con đường và chờ đợi một xe ủi tuyết; bạn có thể lái xe chầm chậm cho đến khi tìm được lối ra và chờ cho qua cơn bão; hoặc tìm một lối đi khác ít nguy hiểm hơn. Bạn có thể đưa ra bất kỳ sự lựa chọn nào, nhưng phải liệu xem chúng có giúp ích gì hay không? Ngoại trừ việc dừng xe lại tại chỗ, còn thì chẳng có cách nào có thể tức thời chấm dứt được mối nguy hiểm. Nhưng việc này lại dẫn đến một sự đe dọa khác kéo dài và nghiêm trọng hơn: không có thức ăn và thiếu điều kiện để sưởi ấm. Những giải pháp khác thì tốt hơn về lâu dài. Tuy nhiên, nếu bạn dừng lại và chờ cho cơn bão đi qua, việc đặt phòng trọ của bạn sẽ bị hủy bỏ. Còn các lối đi khác, theo đài phát thanh, cũng chẳng có gì tốt hơn vv…

Cả việc nhận định sự kiện là tiêu cực cũng như việc xem xét các khả năng ứng phó là không đầy đủ và không hiệu quả đều là những yếu tố cần có để stress xuất hiện. Hai loại nhận định này được bàn riêng để làm rõ các quá trình, nhưng chúng lại có thể xảy ra tương đối tự nhiên và đồng thời. Mức độ “tiêu cực” của một sự kiện và mức độ “không đầy đủ” của tiềm năng ứng phó có thể thay đổi. Việc nhận định kích thích và nhận định khả năng ứng phó sẽ tương tác với nhau để hình thành mức độ của stress mà đương sự trải qua. Mức độ stress cao nhất (như trong ví dụ trên) xảy ra khi kích thích là rất tiêu cực và khi không có biện pháp nào để giải quyết sự kiện. Khi sự kiện ít trầm trọng hơn và các cố gắng ứng phó có tính khả thi thì mức độ stress sẽ giảm đi. Tuy nhiên, một số tình huống vẫn xảy ra stress khi sự kiện kích thích được nhận định là “rất tiêu cực”, ngay cả khi những phương thức ứng phó có khả năng thực thi được (ví dụ: khi dự các kỳ thi quan trọng, dù bạn đã được chuẩn bị kỹ) do tính chất nghiêm trọng của sự kiện. Tương tự, khi sự kiện ít nghiêm trọng, nhưng trong tay không có sẵn những biện pháp giải quyết (như khi ngồi trên ghế cho nha sĩ nhổ răng, hoặc lái xe qua một vùng hoang vắng), stress sẽ xảy ra do bị mất khả năng kiểm soát sự kiện.

Như đã mô tả, quá trình nhận định dường như khá tách biệt và có tính phân tích, và nó không phù hợp với kinh nghiệm chủ quan của chúng ta về sự đe dọa hoặc có hại. Một phản ứng cảm xúc sẽ xảy ra đồng thời với quá trình nhận định (Leventhal,

Nerenz, 1983).

Khi một sự kiện được nhận định là lành tính, những cảm xúc tích cực như vui vẻ, yêu thương, hạnh phúc, phấn khởi, thanh thản sẽ diễn ra nơi đương sự. Nếu sự kiện được đánh giá là tiêu cực, những cảm xúc như sợ hãi, lo âu, tội lỗi, thất vọng hoặc trầm uất sẽ xuất hiện. Quá trình nhận định hòa nhịp cùng với cảm xúc. Các quá trình nhận định và cảm xúc có ảnh hưởng qua lại với nhau (Schacter, 1964). Trong thực tế, ngoài việc kiểm soát chính bản thân sự kiện tiêu cực, đương sự cũng cần kiểm soát các khuấy động cảm xúc. Trong ví dụ nêu trên, lái xe trên một con đường trơn trợt và việc mất một kỳ nghỉ có thể gây nên sự tức giận.

Quá trình nhận định có tính chủ quan nhưng không mạo hiểm. Nó chịu ảnh hưởng bởi bản chất của sự kiện kích thích và bởi những đặc trưng của đương sự thực hiện việc nhận định. Đây là ý nghĩa thực sự của quan niệm về

tính tương giao(transaction) của stress (Lazarus, 1966). Nhân cách, kinh nghiệm quá khứ và các thông số cá nhân khác của đương sự giúp hình thành nên sự nhận định, đặc biệt khi sự kiện có tính nhập nhằng, nước đôi. Nhưng cách nhận định của đương sự lại chịu sự thúc ép của sự kiện. Khi một sự kiện tương đối nhập nhằng, việc nhận định thường phù hợp với bản chất khách quan của sự kiện. Chúng ta hãy xem xét những yếu tố thuộc về cá nhân đương sự và sự kiện kích thích đã góp phần vào quá trình nhận định.

Các yếu tố thuộc cá nhân đương sự

Sự nhận định về kích thích và các đáp ứng ứng phó sẵn có nhằm đáp ứng lại kích thích ấy chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các thông số cá nhân (Wrubel,

Brenner,

Lazzarus, 1981). Nhiều thông số cá nhân được nghiên cứu trong mối liên quan với stress. Theo sau

Lazarus

Folkman, chúng ta sẽ khảo sát riêng về hai thông số cá nhân khác là

đối tượng ủy thác(commitment) và

niềm tin

(belief).

Đối tượng ủy thác là những gì mà đương sự đánh giá cao và xem là quan trọng, bao gồm những mục đích và hoạt động mà họ đầu tư năng lực vào, hoặc những nhóm người và tổ chức mà đương sự gắn bó. Hãy suy nghĩ về những đối tượng ủy thác của bạn. Những người nào, hoạt động nào và mục đích nào là rất quan trọng đối với bạn?

Bất kỳ sự đe dọa hoặc gây thách thức cho những đối tượng ủy thác của bạn đều chất chứa một tiềm năng gây stress rất lớn. Nếu bạn yêu một người, những mối đe dọa cho người ấy hoặc đe dọa mối quan hệ giữa bạn với người ấy đều sẽ làm bạn khó chịu.

Đối tượng ủy thác tác động lên sự nhận định của bạn thông qua việc ảnh hưởng lên sự nhạy cảm của bạn đối với những kích thích nhất định. Chúng ta càng đầu tư nhiều vào một ai đó, một mục đích hoặc một hoạt động nào đó, thì stress xảy ra càng nặng nề khi người đó, mục đích đó, hoạt động đó bị đe dọa. Các đối tượng ủy thác càng làm tăng thêm khả năng mẫn cảm của chúng ta đối với stress. Hãy nghĩ về một người mà bạn yêu tha thiết; và bởi lòng quyến luyến quá mạnh của bạn, một sự khước từ của người đó có thể khiến bạn bị tổn thương nghiêm trọng. Nhưng mặt khác, tình yêu của bạn với người đó cũng mang đến cho bạn những giây phút vui tươi, thỏa mãn và hài lòng. Đối tượng ủy thác chính là “con dao hai lưỡi” vậy!

Một ví dụ tương thích hơn về sức khỏe là

ý chí sống còn

(will to live). Sự mất đi người đồng hôn phối (đối tượng ủy thác quan trọng) thường dẫn đến bệnh tật và làm tăng tử suất ở những bạn tình còn sống (Jacobs,

Ostfeld, 1977;

Parks, 1970). Trái lại,

việc tìm thấy những ý nghĩa và có được những đối tượng ủy thác mạnh mẽ có thể gia tăng những cơ hội sống còn, thậm chí trong những tình huống xấu nhất. Tất cả những ai còn sống sót từ những trại tập trung của Đức Quốc Xã đều cho biết rằng họ đã tìm được một lý do nào đó để sống sót: sống để làm nhân chứng, sống vì lợi ích của bà con thân thuộc, hoặc sống để trả thù (Frankl, 1959). Đối tượng ủy thác động viên chúng ta tồn tại trong sự đối đầu với nghịch cảnh. Khi đương đầu với một mối đe dọa cho điều mà chúng ta coi là quan trọng, chúng ta sẽ cố gắng hết sức để loại bỏ mối đe dọa đó.

Một thông số cá nhân thứ hai ảnh hưởng lên sự nhận định của chúng ta là

sự ý thức về khả năng kiểm soát sự kiện

(sense of control over events). Sự ý thức về khả năng kiểm soát sự kiện sẽ làm giảm stress, và thiếu điều này sẽ làm tăng thêm stress. Ví dụ,

Ferrare

(1962) thấy rằng những người già tự mình lựa chọn vào nhà dưỡng lão (có ý thức kiểm soát) thì sống lâu hơn những người vào nhà dưỡng lão mà không tự chọn (ít khả năng kiểm soát). Tương tự,

Langer

Rodin

(1976) đã nghiên cứu những hiệu quả của việc tăng cường khả năng kiểm soát ở những người già trong các nhà dưỡng lão. Những ai được giao trách nhiệm và được tự lựa chọn công việc hằng ngày và sắp xếp đời sống thì sẽ tỉnh táo hơn, tích cực hơn và vui vẻ hơn so với nhóm người được để cho nhân viên nhà dưỡng lão chăm sóc. Những người được thúc đẩy khả năng kiểm soát cho thấy tình trạng sức khỏe thể chất tốt hơn. Trong vòng 18 tháng, số tử vong ở những người được tăng cường khả năng kiểm soát là 15% so với 30% trong nhóm kia.

Sự thiếu khả năng kiểm soát - thực sự chỉ là cảm nhận như vậy - thường được gọi là

sự “vô dụng”

(helplessness) (Seligman, 1975). Sự vô dụng xảy ra khi khi đương sự cảm thấy hành vi của họ chẳng có hiệu quả gì hoặc các sự kiện là không thể kiểm soát được. Điều này được đặc trưng bởi tính thụ động trong hành vi, cảm xúc ức chế và tư tưởng tập trung vào sự thất vọng. Người “vô dụng” sẽ ngưng cố gắng, thậm chí cả khi được chuyển sang những điều kiện sống mới (Miller,Seligman, 1975). Họ có những kỳ vọng tiêu cực về bản thân, về tương lai và về thế giới (Beck, 1976). Họ tin rằng “Bản thân ta chẳng tốt gì. Thế gian này chẳng có gì tốt, và tình thế cũng chẳng thể nào khá hơn”.

Sự nhận thức về khả năng kiểm soát có ảnh hưởng lên sự tác động của stress đối với đương sự. Stress càng gia tăng khi đương sự cảm thấy hành vi và kết quả không liên quan với nhau.

Việc thiếu khả năng kiểm soát sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với hành vi, tình cảm và sinh lý.

Các yếu tố thuộc về tình huống

Các đặc tính của sự kiện kích thích cũng có ảnh hưởng đến sự nhận định. Chúng ta sẽ tập trung vào hai đặc tính sau:

khả năng tiên đoán

(predictability) và

sự hạn định thời gian

(timing). Khả năng tiên đoán là sự biết trước khi nào sự kiện sẽ xảy ra. Nói chung, những sự kiện có thể tiên đoán được thì ít gây stress hơn những sự kiện không tiên đoán được. Sẽ rất có lợi nếu ta biết trước được những sự kiện ngoài ý muốn có xảy ra hay không, và nếu có thì xảy ra khi nào. Khả năng tiên đoán làm giảm mức độ đe dọa, nguy hại và thách thức, bằng cách cho phép ta chuẩn bị ứng phó sự kiện và biết được khi nào chúng ta được an toàn (Weinberg,

Levine, 1980).

Tầm quan trọng của khả năng tiên đoán được chứng minh trong nghiên cứu của

Hunter

(1979) trên những người vợ (Mỹ) có chồng bị chết, bị mất tích, bị bắt hoặc đã trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Khả năng tiên đoán của những người vợ ấy giảm dần theo thứ tự sau: chồng đã trở về, bị giết, bị bắt và bị mất tích khi đang làm nhiệm vụ.

Hunter

thấy rằng những người vợ có chồng bị mất tích trong chiến tranh đã biểu hiện tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần ở mức xấu nhất. Họ phải đối đầu với một sự không chắc chắn lớn lao nhất liên quan đến tình trạng hôn nhân, vai trò và trách nhiệm của họ. Họ gần như đã bị cầm tù.

Sự xuất hiện chắc chắn của stress cùng thời gian và tần số của nó cũng ảnh hưởng lên sự nhận định của đương sự. Khi một sự kiện trở nên chắc chắn sẽ xảy đến, đương sự sẽ nhận thấy nó càng lúc càng có tính thách thức và đe dọa.

Mechanic(1062) thấy rằng những thí sinh chuẩn bị thi lấy bằng tiến sĩ sẽ càng bị lo âu hơn khi kỳ thi đến gần. Một khi kỳ thi thực sự bắt đầu, sẽ có sự giảm nhẹ đáng kể về cảm xúc và các triệu chứng sẽ mất đi. Một thí sinh đã nói “Vào thi không tệ bằng biết trước về kỳ thi. Bạn không phải lo lắng gì trong khi thi”.

Thời gian hiện diện của các tác nhân gây stress cũng thay đổi từ những sự kiện có giới hạn về thời gian như thi cử, nhổ răng, đến những sự kiện kéo dài như mâu thuẫn vợ chồng, tham gia chiến đấu hoặc mắc bệnh ung thư.

Thời gian và tần số xuất hiện các tác nhân gây stress cũng được xem là có vai trò trung tâm trong việc xác định những hậu quả tiêu cực của stress đối với sức khỏe. Giả định cho rằng stress mạn tính làm suy mòn đương sự (Selye, 1956), nhưng vẫn còn quá ít nghiên cứu về tác động của các tác nhân gây stress khác nhau về thời gian và tần số xuất hiện.

Theo quan điểm hệ thống,

Stress bao gồm việc đương sự nhận định một sự kiện là có hại, đe dọa hoặc thách thức, và tiềm năng ứng phó của đương sự là không đầy đủ hoặc không hiệu quả. Những nhận định này là kết quả từ sự tương tác giữa các đặc trưng của đương sự (đối tượng ủy thác, niềm tin, các ký ức và kinh nghiệm) và những đặc trưng của sự kiện được nhận định (khả năng tiên đoán, sự hạn định thời gian và tính nhập nhằng).

Sự nhận định một kích thích là có tính gây stress cũng được tạo nên từ sự khuấy động cảm xúc mà đến lượt nó lại tương tác với sự nhận định của đương sự.

Quá trình ứng phó (coping)

Ứng phó là những hành động thuộc về nhận thức và hành vi nhằm chế ngự những đòi hỏi của một sự kiện được nhận định là có tính gây stress.

Khi đối đầu với một sự kiện gây stress, đương sự sẽ cố gắng “hóa giải” sự nguy hại và phòng tránh sự đe dọa. Vẫn còn có ít dữ liệu về việc làm thế nào mà đương sự ứng phó được với các tác nhân gây stress trong môi trường sống tự nhiên. Sự biến hóa của các chiến lược ứng phó là vô hạn.

Có hai đích điểm chính của sự ứng phó:

tự thay đổi bản thân mình

(changing ourselves) hoặc

thay đổi môi trường xung quanh

(changing the environment). Đương sự có thể lựa chọn hoặc thích nghi để phù hợp tốt hơn với môi trường (“gió chiều nào theo chiều đó”) hoặc thay đổi môi trường để thích hợp với nhu cầu bản thân của mình (phân hóa và chế ngự)1. Ví dụ, nhà hàng xóm của bạn tổ chức một bữa tiệc ồn ào làm phá giấc ngủ của bạn. Bạn có thể chọn cách tham gia vào bữa tiệc (tự thay đổi) hoặc gọi cảnh sát (thay đổi môi trường). Những cố gắng ứng phó có thể hoặc

định hướng theo cảm xúc

(emotion-oriented) hoặc

định hướng theo vấn đề

(problem-oriented). Sự ứng phó định hướng cảm xúc nhắm vào việc giảm bớt sự khuấy động cảm xúc gây nên bởi stress. Sự ứng phó định hướng vấn đề nhắm vào việc thay đổi sự kiện được xem là có hại. Cả hai hướng ứng phó có thể được thực hiện đồng thời, hoặc riêng biệt, và cũng có khi là không tương hợp với nhau. Trong hầu hết các tình huống gây stress, các cố gắng ứng phó đều tập trung vào cả hai hướng (Folkman,

Lazarus, 1980). Hãy hình dung rằng bạn đang rất căng thẳng về kỳ thi giữa niên khóa được tổ chức vào tuần tới. Việc ứng phó định hướng vấn đề là làm sao tập trung vào việc học. Ứng phó định hướng cảm xúc có thể dùng thuốc để giải bớt lo âu. Dường như việc ứng phó định hướng vấn đề được ưa chuộng hơn vì nó giải quyết được “gốc rễ” của vấn đề; nhưng ứng phó định hướng cảm xúc cũng rất quan trọng. Cảm xúc thường là khổ sở và lo lắng, và có hậu quả bắt nguồn từ stress. Sự khuấy động cảm xúc cũng có thể can thiệp vào các cố gắng về nhận thức và hành vi của đương sự khi ứng phó với vấn đề. Trong vài trường hợp (như thiên tai hoặc bị thương tật), ít có khả năng để chúng ta làm được điều gì nhằm giải quyết vấn đề; việc cơ bản là ứng phó với tình trạng khuấy động cảm xúc được khơi lên từ các sự kiện ấy. Các chiến lược ứng phó có ba hình thức:

Chiến lược ứng phó về nhận thức (cognitive coping strategy)

Chúng ta có thể ứng phó với những tác nhân gây stress hoặc với cảm xúc của chính mình bằng cách

giải quyết vấn đề,

tự nói chuyện

(self-talk) và

tái nhận định

(reappraisal). Giải quyết vấn đề bao gồm việc phân tích tình huống để đề ra những hành động khả thi, đánh giá những hành động đó và lựa chọn kế hoạch hành động hữu hiệu (Janis,

Mann, 1977). Ví dụ, với kỳ thi giữa niên khóa, việc giải quyết vấn đề có thể gồm làm sao để giảm bớt lo âu (định hướng cảm xúc, đích là bản thân) (emotion-oriented, sefl as target); học thế nào để được điểm cao (định hướng vấn đề, đích là bản thân) (problem-oriented, sefl as target); vào học lớp nào để bớt lo (định hướng cảm xúc, đích là môi trường) (emotion-oriented, environment as target); và làm sao tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè để cùng học (định hướng vấn đề, đích là môi trường) (problem-oriented, environment as target).

Tự nói chuyện một mình ngụ ý chỉ những câu nói hoặc ý nghĩ thầm kín được dùng để hướng dẫn những cố gắng của chúng ta vào việc ứng phó với sự kiện gây stress cùng những khuấy động cảm xúc kèm theo nó. “Lời nói bên trong” ấy hướng sự chú tâm đến những kích thích thích đáng, tạo điều kiện cho việc hình thành và thực hiện các chiến lược ứng phó và cung cấp một sự phản hồi chính xác. Tưởng tượng bạn đang ngồi trên chiếc ghế của một nha sĩ, chờ làm răng. Bạn có thể tự nhủ “Vị nha sĩ là người thận trọng; ông sẽ chăm sóc chứ không làm đau mình đâu” (định hướng cảm xúc, đích là môi trường); hoặc “Mình căng thẳng quá, cần thở sâu để thư giãn” (định hướng cảm xúc, đích là bản thân); “Nhìn những hình vẽ trên trần nhà kia có lẽ dễ chịu hơn” (định hướng vấn đề, đích là môi trường); hoặc “Mình cần phải đương đầu với nó đây” (định hướng vấn đề, đích là bản thân).

Tái nhận định gồm việc giảm bớt tác động của sự kiện bằng cách thay đổi cách diễn giải sự kiện. Nói cách khác, sự kiện sẽ được gán cho một ý nghĩa khác. Một thí sinh thi hỏng có thể nghĩ rằng “Bài thi này thật khó quá sức” (định hướng vấn đề, đích là môi trường), hoặc “Hôm nay xui thật” (định hướng vấn đề, đích là bản thân). Sự tức giận này có thể được nhận định lại bằng cách nghĩ rằng “Ông thầy thật đáng ghét, mình có quyền tức giận được chứ” (định hướng cảm xúc, đích là môi trường) hoặc “Chẳng đáng gì, khóa học này dù sao cũng không quan trọng” (định hướng cảm xúc, đích là bản thân).

Chiến lược ứng phó về hành vi (behavioral coping strategy)

Đương sự cũng phải ứng phó với stress bằng hành vi. Nói chung, có bốn loại đáp ứng với stress bằng hành vi:

tìm kiếm thông tin,

hành động trực tiếp,

kiềm chế hành động

quay sang người khác.

Tìm kiếm thông tin

(seeking information)

là thâu thập dữ liệu về bản chất của tác nhân gây stress và về các chiến lược ứng phó khả thi. Một người khi biết mình bị ung thư có thể tìm kiếm thông tin về tiên lượng của bệnh này thông qua một nhân viên y tế (Haan, 1977). Người đó có thể dựa vào sự thay đổi kích thước của khối u có thể sờ nắn được để đánh giá hiệu quả của điều trị (Norenz,

Leventhal,

Love, 1982). Thông tin vì thế sẽ giúp ích cho các chiến lược ứng phó và tăng cường cảm giác về khả năng kiểm soát và tiên đoán sự kiện.

Hành động trực tiếp

(direct action)

là công khai các đáp ứng bằng lời nói hoặc hành động nhằm làm thay đổi tác nhân gây stress hoặc các khuấy động cảm xúc liên quan đến stress. Một người bị bong gân cổ chân có thể nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau hoặc đến bác sĩ khám. Một người vừa bị mất đi người mà mình thương yêu có thể tự “chôn” mình trong công việc, hoặc xem những bức hình cũ của người quá cố cho vơi bớt nỗi buồn.

Kiềm chế hành động

(inhibiting action)

là không làm một điều gì đó nhằm làm giảm bớt stress và các khuấy động cảm xúc. Một người bị ho kinh niên có thể ngưng hút thuốc lá. Tránh các tình huống tạo nên lo âu cũng thích hợp với loại đáp ứng này. Ví dụ, đương sự thường hay “quên” các cuộc hẹn với nhân viên y tế vì bị đau hoặc bị ngượng ngùng khi được khám bệnh. Loại ứng phó sau cùng về hành vi -

quay sang người khác

(turning to others) - theo truyền thống thường được gọi là

sự hỗ trợ xã hội

(social support).

Hỗ trợ xã hội (Social support)

Cụm từ “quay sang người khác” được dùng ở đây vì nó nhấn mạnh vào bản chất tích cực và tương hỗ của chiến lược ứng phó này.

Mối tương quan giữa bản thân chúng ta và những người khác tạo nên nguồn lực quan trọng để ứng phó với stress. Chúng ta có thể nhận được sự hỗ trợ vật chất, tinh thần và thông tin từ những người khác. Hỗ trợ vật chất gồm tiền bạc, hàng hóa và các dịch vụ sẵn có từ những người khác (Cohen,

McKay, 1984). Hỗ trợ tinh thần là khi cảm thấy mình được người khác yêu thương, đánh giá cao và có cơ hội để trao đổi những cảm giác ấy (Cobb, 1976). Hỗ trợ thông tin là khi được người khác cho ý kiến về ý nghĩa của những sự kiện gây stress, hoặc cho lời khuyên về những chiến lược ứng phó và cung cấp một phản hồi về tính đúng đắn của các cố gắng ứng phó này (Cohen,

McKay, 1984).

Hỗ trợ xã hội có thể điều chỉnh stress bằng hai cách. Đầu tiên, một sự hỗ trợ như thế có thể phòng ngừa được stress.

Biết được những người khác sẽ chăm sóc và giúp đỡ mình là một cách để phòng ngừa stress vì các sự kiện khi ấy sẽ được xem là ít có tính đe dọa

(Singer,

Lord, 1984). Việc thiếu sự hỗ trợ xã hội có liên quan đến tình trạng sức khỏe kém. Ví dụ

Berkman

Syme

(1979) đã thấy rằng hỗ trợ xã hội là một yếu tố tiên lượng khiêm tốn nhưng rất quan trọng về tình trạng tử vong, ngay cả khi tình trạng sức khỏe ban đầu, các hành vi gây tổn hại sức khỏe và tình trạng xã hội đã được kiểm soát. Những ai ít có những mối quan hệ xã hội thường có tỷ lệ tử vong cao hơn.

Hỗ trợ xã hội cũng có thể làm giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực của stress khi nó đã xuất hiện. Ví dụ, hỗ trợ xã hội có liên quan đến thời gian sống còn được kéo dài hơn ở những bệnh nhân ung thư (Weisman,

Worden, 1975). Một số lớn vấn đề được báo cáo ở những bệnh nhân là các vấn đề về giao tiếp. Chúng bao gồm sự khó giao tiếp với người khác về bệnh ung thư, nói chuyện với những thành viên trong gia đình về tương lai và việc thu thập thông tin từ những nhân viên y tế (Wortman,

Dunken-Schetter, 1979). Nhân viên y tế, gia đình và bạn bè có thể giúp bệnh nhân ung thư làm rõ vấn đề và đoan chắc điều gì sẽ xảy đến với họ, biểu hiện tình yêu thương, sự chăm sóc, và cùng nhau phát triển những chiến lược ứng phó với các nhu cầu về thể chất và tinh thần của bệnh ung thư cùng việc điều trị bệnh này. Hỗ trợ xã hội cũng kích thích sự lành bệnh bằng cách thúc đẩy người bệnh gắn bó hơn với việc điều trị (Suls, 1982).

Những yếu tố xác định nên chiến lược ứng phó

Một số lớn chiến lược ứng phó có thể được áp dụng để đáp ứng với stress. Việc chọn lựa chiến lược chịu ảnh hưởng bởi các thông số thuộc về bản thân đương sự cũng như các thông số thuộc về tình huống. Những thông số cá nhân như

giá trị(value) và

niềm tin

(belief) sẽ làm phát sinh hoặc loại bỏ một số cách thức hành động và ảnh hưởng đến cách thức của đương sự ứng phó như thế nào với tác nhân gây stress. Một kiểu cách đáp ứng cũng phải có sẵn trong “vốn sống” của đương sự trước khi nó có thể được sử dụng để ứng phó với các tác nhân gây stress. Ly hôn là một giải pháp hợp lý để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng (trong những tình huống không thể hòa giải), nhưng nó lại là điều không thể chấp nhận được ở những ai có niềm tin rằng ly hôn là có tội. Một đáp ứng quyết đoán dường như là cách chọn lựa hợp lý để ứng phó với những kẻ không biết điều, nhưng có nhiều người đã không biết cách biểu lộ những cảm giác và ý kiến của mình một cách trực tiếp và mạnh mẽ như thế.

Tóm lại, các kiểu hành động ứng phó phải “có sẵn” nơi đương sự và được đương sự chấp nhận.

Tình huống xảy ra tác nhân gây stress cũng có thể ảnh hưởng đến phương thức mà đương sự áp dụng để ứng phó. Hiển nhiên rằng, tác nhân gây stress tự nó có thể thúc đẩy tính khả dụng và hiệu quả của các chiến lược ứng phó. Nỗi mất mát từ cái chết của một người mà mình thương yêu chủ yếu đòi hỏi một hình thức ứng phó định hướng cảm xúc, bởi không thể nào làm người chết sống lại. Nội dung của tác nhân gây stress cũng thúc đẩy sự ứng phó. Hậu quả không hay sẽ xảy ra nếu một người nào đó đánh ông chủ của mình vì những yêu cầu làm việc không hợp lý. Những cố gắng ứng phó do vậy thường phải làm sao phù hợp với những áp lực và đòi hỏi của môi trường.

Xem phần II

ĐÔI LỜI VỚI BẠN ĐỌC

Năm 2007 là một năm rất đáng nhớ đối với chúng tôi.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, cuối cùng chúng tôi cũng đã thực hiện được mong ước của mình.

Website www.tamlytrilieu.com đã được thai nghén, ấp ủ, và sau cùng đã ra mắt bạn đọc ngày

11 tháng 9 năm 2007. Đến nay website

Tâm Lý Trị liệu

vẫn tiếp tục vững bước trên hành trình phục vụ bạn đọc. 

Kể từ ngày ra mắt bạn đọc, website của chúng tôi không ngừng cập nhật thông tin và mở rộng các giao lưu, liên kết trên mạng. Đồng thời chúng tôi cũng không ngừng tiếp thu các ý kiến từ bạn đọc để tiếp tục nâng cao chất lượng công việc của mình.

Nhiều trang web và blog chuyên môn về tâm lý đã trích dẫn hoặc đăng lại các bài viết và bài dịch của chúng tôi. Toàn bộ các bài giảng về tâm lý trị liệu của chúng tôi (được dùng để giảng dạy môn tâm lý trị liệu tại Đại học Văn Hiến và các lớp huấn luyện kỹ năng tham vấn của Hội KH Tâm lý Giáo dục Tp.HCM) đã được "sử dụng lại" trên một số thư viện điện tử.

Sẽ không hay nếu sớm hài lòng với những gì hiện có, bởi lẽ Website này vẫn còn đang trong tiến trình hình thành và phát triển. Mong rằng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến cho chúng ta, những người cùng chung sức học tập, thực hành và nghiên cứu chuyên ngành tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu tại Việt Nam.

Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của quý đồng nghiệp và bạn hữu gần xa.

Địa chỉ liên hệ:

Trụ sở Chi Hội Trăng Non,

29 Phan Xích Long, P.3, Phú Nhuận, Tp.HCM  

Điện thoại liên hệ:

BS Nguyễn Minh Tiến

0908 33 0908

Email

:

[email protected]

[email protected]

STRESS LÀ GÌ?

BS.  NGUYỄN MINH TIẾN

(dịch và tổng hợp)

Phần II

SINH LÝ HỌC CỦA STRESS

Chúng ta biết rằng những xáo trộn trên một bình diện của một hệ thống sẽ dẫn đến những thay đổi trong các bình diện khác của hệ thống đó. Trong khi stress dẫn đến sự nhận định rằng sự kiện là có tính đe dọa hoặc có hại, thì việc nhận định này cũng sẽ sinh ra những đáp ứng sinh lý cũng như những đáp ứng về cảm xúc và hành vi. Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét chi tiết về sinh lý học của stress.

Những con đường sinh học được kích hoạt trong stress

Đáp ứng sinh lý đối với stress được điều hòa thông qua thông qua hệ thần kinh, nội tiết và hệ miễn dịch. Các đáp ứng thần kinh, nội tiết và miễn dịch xảy ra với sự khác biệt về khuynh độ thời gian (temporal gradient). Các đáp ứng sinh lý tức thì được điều hòa bởi

hệ thần kinh thực vật

(ANS:

autonomic nervous system). Các đáp ứng trung gian được điều hòa bởi tuyến

tủy thượng thận, một tuyến nội tiết nằm dưới sự kiểm soát của ANS. Các đáp ứng dài hạn được điều hòa bởi

hệ nội tiết

hệ miễn dịch. Mỗi một trong số các hệ thống này đều có những ảnh hưởng rộng rãi trên các mô đích (target tissue) trong cơ thể (Allen, 1983). Những đáp ứng này lại được kiểm soát bởi vùng

hạ đồi

(hypothalamus) - một nhóm những neuron thần kinh nằm ở vùng đáy não. Hạ đồi cùng với

hệ limbic

(phần não điều hòa cảm xúc) kiểm soát những chức năng cơ bản của cơ thể như ăn, uống, sinh hoạt tình dục, cảm xúc, sự vui thích (pleasure) và sự trừng phạt (punishment). Hệ limbic và hạ đồi lại chịu ảnh hưởng của

vỏ não

- phần ngoài cùng của não có vai trò điều hòa các chức năng cao cấp như suy nghĩ, lý luận và ký ức.

Hệ thần kinh thực vật

Hệ thần kinh thực vật (ANS) kiểm soát các quá trình cơ bản của cơ thể như nhịp tim, hô hấp, huyết áp và tiêu hóa. ANS cũng kiểm soát chức năng các nội tạng mà chúng ta rất ít nhận biết được. Hệ ANS gồm hai phần:

hệ giao cảm(sympathetic) và

đối giao cảm

(parasympathetic). Hệ giao cảm chuẩn bị cho cơ thể thực hiện những hành động; tác dụng chung của nó trên các mô đích là gây “khuấy động” (arousal). Hệ đối giao cảm liên quan đến việc duy trì những nhu cầu cơ bản của cơ thể. Tác động của nó nói chung được ví như công việc của một người nội trợ: thải bỏ chất cặn bã, xây dựng kho dự trữ năng lượng và săn sóc cơ thể khi bị nhiễm trùng. Hai hệ này có tác dụng đối kháng nhau. Ví dụ, hệ giao cảm làm tăng nhịp tim, trong khi đối giao cảm làm nhịp tim chậm lại, chúng tác dụng như “tay ga” và “thắng” khi lái xe. Tác động sau cùng trên một cơ quan nhất định là một chức năng do sự hoạt hóa tương đối của hai hệ này.

Sự hoạt hóa hệ giao cảm xảy ra thường nhất trong stress và chuẩn bị cho đương sự thực hiện những hành động mạnh mẽ, “chống hoặc chạy”, nhằm ứng phó với các tác nhân gây stress. Tăng nhịp tim, tăng sức co bóp của cơ tim và tăng cung lượng tim sẽ đẩy nhanh việc cung cấp oxy và năng lượng cho hoạt động mạnh của các khối cơ lớn (cho phản ứng “chống hoặc chạy”). Các mạch máu đến cơ vân giãn ra, tăng sự cấp máu cần thiết cho hoạt động cơ. Các mạch máu đến ruột co lại, làm chậm quá trình hấp thu thức ăn. Mạch máu đến da cũng co lại, hạn chế sự mất máu trong trường hợp bị chấn thương. Khả năng đông máu tăng lên, cũng giúp hạn chế sự mất máu khi chấn thương. Cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều tăng. Sự gia tăng nhịp thở và giãn phế quản cho phép tăng trao đổi O2

và CO2, đáp ứng với nhu cầu khi hoạt động mạnh. Thoát mồ hôi nhằm thải bớt thân nhiệt gia tăng quá mức. Các chức năng cơ thể không góp phần vào sự sinh tồn trước mắt đều sẽ bị ngưng lại. Có sự giảm hoạt động tiêu hóa. Nhu động ruột chậm lại; các cơ vòng đường tiêu hóa và tiết niệu co lại hạn chế sự thải các chất bã.

Đáp ứng giao cảm, hay phản ứng “chống hoặc chạy”, được khơi dậy nhanh chóng để đáp ứng với stress vì nó được điều hòa qua trung gian các giao nối thần kinh (neural connection). Đó là những đáp ứng tương đối tự động và đã được “lập trình” về mặt sinh học để đáp ứng với các tác nhân gây stress cả về thể chất lẫn tâm lý. Tất cả chúng ta đều trải qua những biến đổi này khi bị ai đó đe dọa, khi thình lình gặp một con rắn, hoặc khi suýt bị tai nạn xe cộ. Những thay đổi này cũng xảy ra trong đáp ứng với những mối đe dọa cho sức khỏe tâm lý của chúng ta như khi dự thi, cảm giác giận một ai đó, hoặc khi phải nói trước đám đông. Nhưng cơ thể chúng ta phản ứng như nhau trong trong cả hai tình huống, không khác biệt.

Tủy thượng thận (adrenal medulla)

Tác động của hệ thần kinh thực vật chỉ ngắn hạn. Sự khuấy động được duy trì bởi một cơ chế trung gian: sự phóng thíchepinephrine

(E) và

norepinephrine

(NE) từ tủy thượng thận. Tuyến thượng thận được định vị ở trên đỉnh của hai quả thận và gồm hai vùng có chức năng độc lập: vùng tủy và vùng vỏ. Do sự kích hoạt thần kinh giao cảm, E và NE sẽ được phóng thích từ tủy thượng thận. Một khi vào máu, E và NE sẽ lưu hành và gây ảnh hưởng trên các cơ quan đích. Tác động của chúng cũng giống như sự kích hoạt giao cảm. Chúng tăng cường và kéo dài sự khuấy động sinh lý gây ra do sự kích hoạt giao cảm, và vì thế cũng tạo điều kiện cho phản ứng “chống hoặc chạy”. Hệ quả sau cùng của tác động này là tăng nhịp tim, huyết áp, hô hấp và tăng đường huyết; giảm hoạt động của hệ tiêu hóa.

Đáp ứng của thượng thận xảy ra chậm hơn nhưng kéo dài hơn đáp ứng giao cảm, vì nó liên quan đến cả hai con đường thần kinh và hóa học. Nói chung, cần khoảng 20-30 phút để các tác dụng sinh lý của E và NE được thể hiện. Những tác dụng này kéo dài khoảng một giờ hoặc hơn, vì E và NE được thải chậm khỏi hệ tuần hoàn. Thời gian tác dụng của E và NE từ thượng thận lâu gấp 10 lần so với đáp ứng giao cảm.

Hệ nội tiết và hệ miễn dịch

Hệ nội tiết và hệ miễn dịch điều hòa giai đoạn 3 của các biến đổi sinh lý trong đáp ứng với stress. Bốn tuyến nội tiết cơ bản có liên quan đến đáp ứng với stress:

tuyến yên

(pituitary),

tuyến giáp

(thyroid),

vỏ thượng thận

(adrenal cortex) vàtuyến tụy

(pancreas). Các tuyến này tiết ra những hormone vào hệ tuần hoàn gây tác dụng trên các cơ quan đích. Trái với sự kích hoạt giao cảm và tác dụng của E và NE từ tủy thượng thận, sự kích hoạt các hormone trong đáp ứng stress cần thời gian từ nhiều phút đến nhiều giờ trước khi tác dụng được biểu hiện tại cơ quan đích. Tác dụng của các hormone cũng kéo dài lâu hơn. Hình 4-4 cho thấy một tổng quan về hệ nội tiết.

Tuyến yên

nằm ở phần đáy não và được kiểm soát bởi vùng hạ đồi. Tuyến yên thường được gọi là tuyến “chủ đạo” (master gland) vì nó có ảnh hưởng kiểm soát các tuyến nội tiết khác. Tuyến yên được chia thành hai phần: thùy trước và thùy sau. Thùy trước tiết ra 6 loại hormone; 5 trong số này là các hormone “định hướng” (trophic hormone) bởi vì chúng ảnh hưởng đến sự tiết hormone của các tuyến khác. Trong đáp ứng stress, chúng ta chỉ tập trung vào 2 loại hormone “định hướng” là

ACTH

(Adrenal Cortex Trophic Hormone) và

TSH(Thyroid Stimulating Hormone). Hormone thứ sáu của thùy trước tuyến yên là

GH

(Growth Hormone). GH không phải là hormone “định hướng”; nó có tác dụng trực tiếp lên mô đích một cách độc lập với các hormone khác. Sự phóng thích các hormone từ thùy trước tuyến yên chịu sự chi phối bởi các tín hiệu hóa học từ vùng hạ đồi. Vùng hạ đồi phóng thích ra các thông điệp hóa học, mà đến lượt chúng lại bị kiểm soát bởi lượng hormone lưu hành trong máu (cơ chế feedback âm), và bởi những sợi thần kinh ly tâm đi từ hệ

limbic

và vỏ não.

Thùy sau tuyến yên tiết ra hai hormone:

ADH

(Anti-Diuretic Hormone) và

oxytocin. Cả hai đều có tác dụng trực tiếp trên mô và không phải là hormone “định hướng”. Chỉ ADH có liên quan đến đáp ứng stress. ADH thực ra được tổng hợp từ vùng hạ đồi, theo các mạch máu nhỏ vận chuyển đến thùy sau tuyến yên để dự trữ. Sự phóng thích ADH được kiểm soát bởi các thụ thể thẩm thấu (osmoreceptor) ở vùng hạ đồi nhạy cảm với các nồng độ trong dịch cơ thể. Vì ADH ảnh hưởng lên các nồng độ trong dịch cơ thể nên ở đây lại có sự hiện diện của một cơ chế feedback âm.

Trong stress có sự gia tăng phóng thích GH từ tuyến yên. GH cho phép tăng tiêu dùng năng lượng trong tế bào và làm tăng đường huyết (Asterita, 1985). Sự gia tăng năng lượng khả dụng và sử dụng hiệu quả năng lượng ấy sẽ chuẩn bị cho đương sự thực hiện được những hành động mạnh mẽ trong đáp ứng với stress. Trong stress, tuyến yên cũng tiết ra ADH, chất này tác động lên thận làm tăng sự tái hấp thu nước và làm tăng lượng dịch trong cơ thể (Asterita, 1985). Việc này bảo vệ cơ thể chống lại sự mất máu và sốc do chấn thương. Và do làm tăng thể tích máu, nó cũng gây tăng huyết áp.

Vỏ thượng thận

là phần ngoài của tuyến thượng thận, từ đó có hai nhóm hormone được phóng thích:

glucocorticoid

(GC) và

mineralocorticoid

(MC). Sự phóng thích GC được kiểm soát bởi ACTH của tuyến yên. Lượng GC tuần hoàn sẽ ảnh hưởng lên sự tiết ACTH ở trục hạ đồi - tuyến yên. Trong stress, có sự tăng tiết ACTH và dẫn đến tăng tiết GC ở vỏ thượng thận. GC huy động protein và mỡ từ các mô, biến đổi protein và mỡ thành glucose tại gan. Điều này làm tăng chất đường và mỡ trong máu, sẵn sàng cho đương sự có nguồn năng lượng cần thiết cho các đáp ứng với stress. GC cũng ảnh hưởng trên các đáp ứng của cơ thể với các chấn thương và nhiễm trùng. Chúng ức chế tình trạng viêm trong chấn thương và nhiễm trùng, bằng cách ức chế sự thoát huyết tương từ máu và ức chế khả năng di chuyển của bạch cầu đến vùng bị chấn thương và nhiễm trùng. GC cũng ức chế đáp ứng miễn dịch bằng cách thu nhỏ tuyến ức (thymus), lách và hạch bạch huyết, đồng thời ức chế sự phát triển của tế bào lympho và sự tạo kháng thể (Asterita, 1985). Sự gia tăng phóng thích GC trong stress vì thế không chỉ giữ cho cơ thể có đủ năng lượng2, mà còn kềm hãm cơ chế bảo vệ đã được “cài đặt” sẵn trong cơ thể chống lại chấn thương và nhiễm trùng. Điều này có ý nghĩa, nếu chúng ta nhớ rằng những mục đích trung gian của các đáp ứng sinh lý với stress là nhằm chuẩn bị cho cơ thể thực hiện những hoạt động thể chất. Việc giảm quá trình viêm sẽ giữ cho huyết tương ở lại trong dòng máu, ở đó nó có thể vận chuyển năng lượng và những hoạt chất cần thiết cho phản ứng “chống hoặc chạy”. Việc sản sinh lympho bào và kháng thể cần sử dụng protein mà GC cần đến để chuyển chúng thành glucose để tạo năng lượng. Những “công việc nội trợ” giải quyết các chấn thương và nhiễm trùng được “hy sinh” để giải quyết mối đe dọa trước mắt. Loại hormone quan trọng thứ hai được phóng thích từ vỏ thượng thận là

mineralocorticoid

(MC). MC có tác dụng trên thận giúp giữ nước và muối cho cơ thể. Việc này làm tăng thể tích máu và tăng huyết áp, vì thế hỗ trợ cho tác dụng của ADH.

Tuyến giáp

nằm ở cổ, ngay trước thanh quản. Sự phóng thích

thyroxin

của tuyến giáp được kiểm soát bởi TSH của tuyến yên. Thyroxin làm tăng chuyển hóa và tiêu dùng glucose. Nó cũng làm tăng tiêu dùng oxy trong tế bào. Trong stress, thyroxin được tăng tiết. Sự huy động các nguồn năng lượng sẵn có và gia tăng tiêu dùng các năng lượng ấy giúp cơ thể chuẩn bị các hoạt động ứng phó với stress (Asterita, 1985).

Tuyến tụy

nằm kế dạ dày. Nó có chức năng như một tuyến nội tiết và tiết ra hai hormone là

insulin

glucagon. Sự tiết hai hormone này được chi phối bởi đường huyết. Glucagon kích thích sự phóng thích chất đường dự trữ vào trong máu. Trong stress, sự tiêu dùng quá nhiều đường do hoạt động thể lực sẽ kích thích tiết glucagon để giúp bổ sung nồng độ glucose trong máu, giữ cho cơ thể sẵn sàng hoạt động. Insulin thì có tác dụng ngược lại. Khi đường huyết tăng cao, sự tiết insulin được kích thích, kết quả là làm tăng dự trữ đường ở gan, cơ vân và mô mỡ. Đường huyết giảm do hoạt động trong tình trạng stress sẽ ức chế tiết insulin. Trong khi sự tăng đường huyết do tăng phóng thích E, NE, Thyroxin và GC trong stress thường sẽ kích thích tiết insulin. Kết quả chung là làm tăng đường huyết để nhằm chuẩn bị sẵn năng lượng cần thiết cho cơ thể “chống hoặc chạy” (Asterita, 1985).

Nồng độ GC cao cũng ức chế hệ miễn dịch. Trong thực tế, chức năng đích thực của hệ miễn dịch phụ thuộc vào nồng độ bình thường của những hormone khác. Những thay đổi nội tiết kèm theo stress sẽ dẫn đến thay đổi chức năng miễn dịch. Tuyến ức và các mô khác có vai trò trong đáp ứng miễn dịch cũng có thể bị biến đổi bởi hệ thần kinh thực vật. Tác động của stress trên chức năng miễn dịch là rất phức tạp. Cả hai tình trạng tăng và giảm miễn dịch đều đi kèm với stress, tùy theo điều kiện xảy ra stress và tùy theo ta quan sát khía cạnh nào của chức năng miễn dịch.

Các đáp ứng sinh lý với stress - Tóm tắt

Một hệ thống các đáp ứng phức tạp được quan sát thấy trong stress; kích hoạt giao cảm trong thời gian ngắn, phản ứng trung gian tiết E và NE từ tủy thượng thận, và các biến đổi kéo dài của hệ nội tiết và hệ miễn dịch. Những đáp ứng này có tính bổ sung cho nhau. Chúng chuẩn bị về sinh học giúp đương sự thực hiện những hành động mạnh mẽ, liên tục để ứng phó với các tác nhân gây stress về cả thể chất lẫn tâm lý. Hệ quả sinh lý chính của stress là tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng đông máu, tăng chuyển hóa và tăng hô hấp; giảm các quá trình tiêu hóa, bài tiết và viêm. Trong những điều kiện nhất định, stress cũng có thể ức chế miễn dịch. Vì thế, stress có những tác động mạnh mẽ và rộng rãi.

Các đáp ứng sinh lý với stress và những chiến lược ứng phó về nhận thức - hành vi

Chúng ta đã xem xét các đáp ứng với stress và các chiến lược ứng phó về nhận thức - hành vi như những trạng thái độc lập. Thật ra chúng có liên hệ phụ thuộc lẫn nhau. Đâu là bản chất của mối liên quan này? Có hai lý thuyết để trả lời cho câu hỏi này: một nhấn mạnh vào

tính phổ quát

(generality); một nhấn mạnh vào

tính đặc hiệu

(specificity) của các đáp ứng sinh lý. Những người theo quan điểm phổ quát (Selye, 1956;

Wolf, 1950) cho rằng tất cả các tác nhân gây stress đều tương đương nhau trong việc tạo ra sự hoạt hóa phổ quát đã được lập trình sẵn về sinh học. Các biến đổi sinh lý vì vậy được xem là giống nhau dưới mọi điều kiện stress và ứng phó với stress. Những người theo quan điểm đặc hiệu cho rằng mức độ và mô hình của các đáp ứng với stress thay đổi tùy theo sự nhận định, tình trạng khuấy động cảm xúc và đáp ứng nhận thức - hành vi của đương sự đối với sự kiện gây stress (Mason, 1975a).

Vẫn còn thiếu dữ liệu hỗ trợ một cách chắc chắn cho cả hai giả thuyết. Dường như có một sự khác biệt trong mô hình khuấy động sinh lý tùy theo chiến lược được sử dụng để ứng phó với các tác nhân gây stress. Ví dụ, mô hình đáp ứng khác nhau về tim mạch có liên quan đến kiểu ứng phó chủ động hay thụ động (Obrist, 1976); tránh né hoặc cảnh giác (Lacey, 1978). Những mô hình khác nhau về xuất tiết hormone cũng liên quan đến những cảm giác khước từ hoặc lo lắng (Mason, 1975a); giận dữ hoặc sợ hãi (Ax, 1953). Vì thế,

các đáp ứng với stress không có tính chất phổ quát và đồng nhất. Chỉ một phần các đáp ứng được kể đến trong các phần trước có thể thấy được trong bất kỳ một mối tương giao gây stress nào đó. Vài trường hợp, các đáp ứng sinh lý lại được phân chia thành nhiều đáp ứng, cái này có thể thay đổi không kèm theo cái khác; ví dụ, huyết áp có thể tăng, nhưng nhịp tim lại không thay đổi.

Các đáp ứng nhận thức - hành vi và đáp ứng sinh lý thường bổ sung cho nhau. Đáp ứng sinh lý có tính tương xứng với các chiến lược ứng phó về nhận thức - hành vi được áp dụng. Tư tưởng, hành động và sinh lý của chúng ta có quan hệ qua lại với nhau; bình diện này ảnh hưởng đến bình diện kia. Nếu không thì chúng ta sẽ cố gắng làm một việc này trong lúc cơ thể chúng ta lại được chuẩn bị để làm một việc khác. Trái với lý thuyết hoạt hóa phổ quát,

có lẽ không có một mô hình khuấy động sinh lý duy nhất nào xảy ra với mọi sự kiện gây stress, mọi chiến lược ứng phó và mọi đáp ứng cảm xúc, do có một sự linh hoạt giới hạn trong các đáp ứng sinh lý đối với stress

(Holroyd, 1979).

STRESS - MỘT QUÁ TRÌNH

Từ một cách nhìn hệ thống,

stress là một đáp ứng tích hợp, đa bình diện

(multilevel)

của đương sự đối với các kích thích bên trong và bên ngoài. Các bình diện đáp ứng khác nhau có tính phụ thuộc lẫn nhau.

Có một khuynh hướng suy nghĩ về stress theo một cách thức “thẳng tắp”:

kích thích - cơ thể sống- đáp ứng: Một sự kiện nào đó xảy ra, đương sự nhận thấy sự kiện có tính đe dọa, và kế đó sinh đáp ứng về cảm xúc, hành vi và sinh lý. Mối tương giao khi ấy được hoàn tất. Tuy nhiên, đây không phải là sự thể hiện đúng đắn về một mối tương giao gây stress khi nó xảy ra trong môi trường tự nhiên (Lazarus,

Folkman, 1984). Stress được khái niệm hóa tốt hơn như là một quá trình tiếp diễn, hai chiều và lập đi lập lại (Leventhal,

Nerenz, 1983). Khi đối đầu với tác nhân gây stress, các đáp ứng sinh lý và sự ứng phó đầu tiên của chúng ta sẽ làm biến đổi sự kiện. Kế đó, chúng ta nhận định lại sự kiện đã bị biến đổi ấy, rồi điều chỉnh lại các đáp ứng sinh lý và ứng phó của chúng ta sao cho phù hợp; rồi đáp ứng này lại làm biến đổi sự kiện, cứ thế tiếp diễn... Việc ứng phó theo kiểu định hướng vấn đề sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kích thích gốc. Ứng phó kiểu định hướng cảm xúc ảnh hưởng gián tiếp đến “đầu vào” bằng cách thay đổi sự nhận định hoặc phản ứng cảm xúc của đương sự đối với sự kiện. Vì thế, stress và đáp ứng là một

quá trình xoay vòng

(circular process) trong đó những cố gắng ứng phó làm biến đổi sự kiện theo một vòng cung phản hồi (feedback loop). Để thêm tính phức tạp, chúng ta lại thường ứng phó với nhiều tác nhân gây stress chồng chéo lên nhau bằng những cách thức phức tạp.

Tóm lại, stress có thể được xem là một đáp ứng đa bình diện của một con người đối với các kích thích được nhận định là đe dọa hoặc có hại. Đáp ứng này có thể ít nhiều cải thiện được kích thích gây stress.

HỆ QUẢ THÍCH NGHI (ADAPTATIONAL OUTCOMES)

Quan niệm về stress như một quá trình liên tục, lòng vòng, dẫn đến việc xem xét về những hệ quả thích nghi, hoặc những tác dụng lũy tiến theo thời gian của những cố gắng ứng phó của chúng ta với tác nhân gây stress. Những hệ quả thích nghi có thể được xem như trạng thái sinh học - tâm lý của một người ở một thời điểm nào đó; nó giống như một khuôn hình đứng yên của một cuốn băng video. Hoạt động được ghi trong khuôn hình đó có thể được hiểu dựa trên những gì xảy ra trong một số khuôn hình trước đó (hệ quả thích nghi ngắn hạn) hoặc nhiều khuôn hình trước đó (hệ quả thích nghi dài hạn). Chúng ta có thể lượng giá những hệ quả thích nghi trên các bình diện sinh lý, nhận thức, cảm xúc, hành vi và xã hội. Nói cách khác, sức khỏe thể chất , cảm xúc, sự thỏa mãn, thái độ, năng lực hành vi và các mối quan hệ xã hội của con người là một phần trong kết quả chung của khả năng tương giao giữa họ với môi trường sống.

Trước khi bàn đến những hệ quả thích nghi một cách đầy đủ hơn, có hai điểm quan trọng cần nhớ.

Thứ nhất, stress không nhất thiết phải có một tác động tiêu cực. Stress còn có thể được xem như một như một động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển tinh thần hăng say và các năng lực thuần thục. Điều này được ẩn chứa trong những ý niệm về

sự thử thách

(challenge),

đối tượng ủy thác

(commitment) và

sự hỗ trợ xã hội

(social support). Những người được bảo vệ tránh stress quá mức có lẽ có nguy cơ cao bởi vì họ không thể phát triển được những kỹ năng ứng phó cần thiết trong đời sống hằng ngày (Murphy, 1979). “Thiếu stress” vì thế cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực (Frankenhaeuser, 1978). Stress có thể dẫn đến những hệ quả tích cực. Giải quyết thành công những đe dọa và thách thức sẽ đưa đến những cảm xúc tích cực, tạo nên những cảm giác về tính hữu dụng của bản thân và sức khỏe thể chất.

Thứ hai, các hệ quả thích nghi là kết quả của một số yếu tố đi kèm theo tình trạng stress. Sẽ là sai lầm khi thay thế lý thuyết về mầm mống sinh-y học gây ra bệnh tật bằng quan niệm cho rằng stress làyếu tố duy nhất và quan trọng nhất giúp thích nghi về thể chất và tâm lý - xã hội. Để xử lý stress, mà chỉ tạo nên một lý thuyết về mầm mống tâm lý - xã hội, thì cũng sẽ không hoàn hảo giống như chỉ dựa vào một lý thuyết về sinh-y học vậy. Chúng ta sẽ xem xét những phương thức mà stress có thể ảnh hưởng đến sự thích nghi về sinh lý.

Sự thích nghi về sinh lý

Từ stress đến bệnh

Sự khuấy động sinh lý đi kèm theo stress là một đáp ứng thích nghi, ngắn hạn đối với những kích thích đe dọa hoặc có hại về thể chất. Sự khuấy động sinh lý thúc đẩy đương sự thực hiện những hành động mạnh mẽ để tránh né, trốn thoát, hoặc khắc phục mối đe dọa thể chất ấy. Do những phát triển về văn hóa xã hội trong hàng trăm năm qua, chúng ta đã tương đối ít đương đầu với những mối đe dọa về thể chất. Ngày nay, phần lớn các tác nhân gây stress đều có bản chất tâm lý-xã hội, và vì thế không còn tuân theo các giải pháp “chống hoặc chạy” nữa, tuy nhiên sự hoạt hóa sinh lý (physiological mobilization) vẫn xảy ra. Khi đối đầu với một mối đe dọa về thể chất, sự hoạt hóa này tương đối ngắn. Chúng ta hoặc sẽ giải quyết thành công mối đe dọa này hoặc là sẽ bị giết chết. Nhưng đối với những tác nhân gây stress về tâm lý-xã hội, sự hoạt hóa sẽ xảy ra thường xuyên và trong một thời gian dài. Cái cơ chế thích nghi về sinh học-hành vi khi ứng phó với những đe dọa về thể chất dường như ít có tính thích nghi khi giải quyết các đe dọa về tâm lý-xã hội.

Khi tần số, cường độ và thời gian xảy ra sự hoạt hóa sinh lý đi kèm theo stress trở nên quá mức, nó có thể gây nên những tác dụng tai hại (Depue,

Monroe,

Shachman, 1979). Tần số, cường độ và thời gian diễn ra sự hoạt hóa tùy thuộc vào sự nhận định của đương sự về môi trường sống và những kỹ năng ứng phó của họ. Sự hoạt hóa quá mức có thể xảy ra khi đương sự nhận định sai lầm một sự kiện vô hại thành một sự kiện thật sự đe dọa hoặc có hại, và khi họ không có đủ những kỹ năng và tiềm năng ứng phó hiệu quả với các tác nhân gây stress.

Nghiên cứu về tương quan, dịch tễ (Cohen, 1979) và thực nghiệm (Miller, 1980) thấy rằng có một mối liên quan rõ rệt, tuy vừa phải, giữa tần số, cường độ và có lẽ cả thời gian xảy ra stress với sức khỏe. Stress không phải là yếu tố duy nhất quyết định tình trạng sức khỏe. Tương tác của nó với những hành vi liên quan sức khỏe và với các yếu tố môi trường và sinh học sẽ được bàn đến trong những chương khác.

Từ bệnh đến stress

Stress không chỉ góp phần tạo nên bệnh, mà bệnh và việc điều trị bệnh cũng có thể gây stress. Liên quan này có tính hai chiều. Bệnh và việc trị bệnh cũng khiến đương sự nhận biết mối đe dọa về thể chất, cũng như về tâm lý-xã hội của họ. Bệnh và việc trị bệnh cũng thể hiện những công việc thích nghi trên nhiều bình diện. Stress gây nên do bệnh và việc trị bệnh có thể ảnh hưởng trên diễn tiến và tiên lượng bệnh, và làm cho khả năng lành bệnh thêm phức tạp. Chất lượng của những kỹ thuật chăm sóc sức khỏe hiện có đối với bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi về mặt sinh lý. Tuy nhiên, bệnh và việc trị bệnh thường có tính gây stress và cần đến sự ứng phó định hướng vấn đề và định hướng cảm xúc. Nếu một người bệnh thiếu những kỹ năng ứng phó, thì bệnh và việc trị bệnh có thể sẽ gây nên sự khuấy động sinh lý thường xuyên, nặng nề và kéo dài, mà điều này có thể can thiệp vào khả năng lành bệnh. Quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân cũng ảnh hưởng đến sự lành bệnh vì nó đóng vai trò quan trọng trong khả năng của người bệnh ứng phó với stress do bệnh và việc trị bệnh gây ra. Nghiên cứu về tương quan và thực nghiệm cho thấy bệnh nhân được cung cấp thông tin chính xác và cung cấp những chiến lược ứng phó hiệu quả sẽ thích nghi tốt hơn về cảm xúc, hành vi, xã hội và sinh lý (Turk,

Meichenbaum,Genest, 1983). Ví dụ, những nghiên cứu về hiệu quả của những trường hợp sinh con được chuẩn bị tốt cho thấy việc cung cấp thông tin, khả năng kiểm soát, tiên đoán và các chiến lược ứng phó cho những bà mẹ tương lai sẽ giúp làm giảm đau, giảm sử dụng các phương pháp vô cảm, tăng sự hợp tác của thai phụ khi lâm bồn, giảm mất máu, giảm các can thiệp sản khoa và giảm thời gian chuyển dạ. Sự huấn luyện như vậy cũng có lợi cho trẻ sơ sinh do tăng cung cấp oxy trong máu thai, chỉ số Apgar cao hơn, giảm bệnh tật và tử vong (Genest, 1981).

Các mối liên hệ khác giữa stress và bệnh tật

Các đáp ứng dùng để ứng phó với stress cũng có thể được đánh giá dựa trên kết quả của chúng nhằm làm tổn hại hay tăng cường cho sức khỏe. Các hình thức ứng phó với stress thường gặp, như hút thuốc và uống rượu, đưa những chất gây bệnh vào trong cơ thể. Các hình thức khác như thư giãn và tập thể dục lại có tác dụng có lợi.

Nếu stress thường xuyên, nặng nề, mạn tính góp phần gây bệnh, liệu những sự kiện và cảm xúc tích cực thường xuyên có thể tăng cường sức khỏe hoặc tạo nên hiệu quả lành bệnh được không? Trong khi có một số bằng chứng lẻ tẻ cho rằng chuyện này có thể đúng, nhưng việc kết luận thì vẫn còn thiếu nhiều dữ liệu.

TÓM TẮT

Từ mô hình hệ thống, những rối loạn trên một bình diện của hệ thống có thể ảnh hưởng đến những bình diện khác. Mối liên quan giữa stress và sức khỏe cho thấy một hiệu quả như thế. Stress không chỉ gợi lên những ứng phó về cảm xúc và hành vi, mà còn dẫn đến những biến đổi sinh lý. Khi có một sự mất cân bằng liên tục giữa những đòi hỏi đặt ra cho đương sự và khả năng ứng phó của đương sự, các tác động tiêu cực về sinh lý có thể xảy ra.

Stress không nhất thiết là tiêu cực và chắc chắn không phải là yếu tố quyết định sức khỏe duy nhất (hoặc quan trọng nhất). Stress không thể tránh được. Nó là sản phẩm của mối tương giao giữa một cá thể với môi trường sống. Nó là phần tàng ẩn trong một hệ thống mở. Stress thậm chí còn có tính khích lệ và tạo nên sự tăng trưởng. Tuy nhiên, khi stress vượt quá tiềm năng ứng phó của chúng ta, nó có thể gây ra những tác động tai hại.

Sức khỏe của con người được xác định một cách phức tạp. Nó bị ảnh hưởng thông qua các cơ chế tâm sinh lý gián tiếp mà ta gọi là STRESS. Nó cũng chịu ảnh hưởng bởi các hành vi giúp tăng cường sức khỏe hoặc gây tác hại cho sức khỏe, bởi các hành động và quyết định nhằm đáp ứng với bệnh tật và việc điều trị bệnh. Các thông số tâm lý vì thế cũng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe.

ĐÔI LỜI VỚI BẠN ĐỌC

Năm 2007 là một năm rất đáng nhớ đối với chúng tôi.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, cuối cùng chúng tôi cũng đã thực hiện được mong ước của mình.

Website www.tamlytrilieu.com đã được thai nghén, ấp ủ, và sau cùng đã ra mắt bạn đọc ngày

11 tháng 9 năm 2007. Đến nay website

Tâm Lý Trị liệu

vẫn tiếp tục vững bước trên hành trình phục vụ bạn đọc. 

Kể từ ngày ra mắt bạn đọc, website của chúng tôi không ngừng cập nhật thông tin và mở rộng các giao lưu, liên kết trên mạng. Đồng thời chúng tôi cũng không ngừng tiếp thu các ý kiến từ bạn đọc để tiếp tục nâng cao chất lượng công việc của mình.

Nhiều trang web và blog chuyên môn về tâm lý đã trích dẫn hoặc đăng lại các bài viết và bài dịch của chúng tôi. Toàn bộ các bài giảng về tâm lý trị liệu của chúng tôi (được dùng để giảng dạy môn tâm lý trị liệu tại Đại học Văn Hiến và các lớp huấn luyện kỹ năng tham vấn của Hội KH Tâm lý Giáo dục Tp.HCM) đã được "sử dụng lại" trên một số thư viện điện tử.

Sẽ không hay nếu sớm hài lòng với những gì hiện có, bởi lẽ Website này vẫn còn đang trong tiến trình hình thành và phát triển. Mong rằng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến cho chúng ta, những người cùng chung sức học tập, thực hành và nghiên cứu chuyên ngành tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu tại Việt Nam.

Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của quý đồng nghiệp và bạn hữu gần xa.

Địa chỉ liên hệ:

Trụ sở Chi Hội Trăng Non,

29 Phan Xích Long, P.3, Phú Nhuận, Tp.HCM  

Điện thoại liên hệ:

BS Nguyễn Minh Tiến

0908 33 0908

Email

:

[email protected]

[email protected]

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tambenh