Sơ lược về hậu cung triều đại Joseon - Triều Tiên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà Joseon ( Hán Việt: Triều Tiên vương triều) hay còn gọi là Lý thị Triều Tiên ( triều đại do họ Lý thị sáng lập) là 1 triều đại do Triều Tiên Thái Tổ Lý Thành Quế thành lập năm 1392 và tồn tại đến năm 1897 ( tổng cộng 505 năm) với vị vua cuối cùng là Triều Tiên Cao Tông ( Cao Tông sau đó đã xưng Đế, đổi tên nước thành Đại Hàn đế quốc)

Triều Tiên là một nước chư hầu của nhà Minh và nhà Thanh của Trung Quốc nên các vị vua từ Thái Tổ không xưng Đế mà chỉ dừng lại ở tước Vương, mãi cho đến thời vua Cao Tông, trải qua 25 đời vua, ông mới xưng Đế, chấm dứt sự lệ thuộc trên danh nghĩa của nhà Triều Tiên vào Hoàng triều nhà Thanh.

Vì là chư hầu nên các vị vua không được phép mặc đồ màu vàng, chỉ được mặc đồ màu Hồng ( đỏ chính sắc), không được lập Hoàng hậu, chỉ được lập Vương phi ( sau khi mất sẽ được truy phong làm Vương hậu), cũng như không có Thái hậu mà chỉ có Đại phi hoặc Vương Đại phi. Các danh vị khác ở hậu cung cao nhất chỉ là Tần vị, tuyệt nhiên không có thiếp thất được phong Phi.

Là 1 triều đại trọng Nho giáo nên Triều Tiên rất coi trọng tôn ti "Đích - Thứ". Chỉ có những người từng tại vị Vương phi của Tiên vương ( vị vua đời trước đã mất) mới có thể được tấn tôn làm Đại phi hoặc Vương Đại phi khi Tân vương đăng cơ. Nếu Quốc vương muốn sắc phong cho sinh mẫu của mình, người chỉ có thân phận tần thiếp, thì chỉ có thể dâng tôn hiệu mỹ từ kèm theo từ Cung đằng sau. Trong lịch sử Triều Tiên có 7 vị tần thiếp mang tôn hiệu này, gọi là Thất Cung.

Như đã nói ở trên, vì là nước chư hầu nên các vua Triều Tiên không được phép lập Hoàng hậu mà chỉ được lập chính thất là Vương phi, sau khi mất thì Vương phi đó sẽ được truy phong là Vương hậu. Ngoài Vương phi là người có phẩm hàm siêu phẩm và là người thống lĩnh toàn bộ Nội và Ngoại mệnh phụ ra còn có các tước vị hậu cung sau:

- Chính nhất phẩm Tần: số lượng vô hạn định

- Tòng nhất phẩm Quý nhân: số lượng vô hạn định

- Chính nhị phẩm Chiêu nghi: một người tại vị

- Tòng nhị phẩm Thục nghi: 1 người tại vị

- Chính tam phẩm Chiêu dung: 1 người tại vị

- Tòng tam phẩm Thục dung: 1 người tại vị

- Chính tứ phẩm Chiêu viên: 1 người tại vị

- Tòng tứ phẩm Thục viên: 1 người tại vị

Lí do Tần vị và Quý nhân vô hạn định số lượng người tại vị còn các bậc khác chỉ có 1 người tại vị là vì tạo điều kiện cho những người trong hậu cung sinh con cái cho Quốc vương để có thể được tấn phong lên làm Tần hoặc Quý nhân mới

Hậu cung Triều Tiên có thể chia làm 2 nhóm lớn gồm:

- Những Nội mệnh phụ ( cách gọi thê thiếp của vua, khác với Ngoại mệnh phụ là thê thiếp của quan viên) xuất thân là cung nữ hay kỹ nữ được Quốc vương lâm hạnh rồi được nhận phong vị, gọi là Hậu cung Thừa ân

- Những Nội mệnh phụ xuất thân là khuê nữ của các Sĩ đại phu chính thức vượt qua quá trình Giản trạch rồi được tiến cung, gọi là Hậu cung Giản trạch.

Hậu cung Thừa ân và Hậu cung Giản trạch mặc dù đều là Hậu cung nhưng có sự chênh lệch lớn trong quá trình tuyển chọn và xuất thân.

Vì khác nhau về địa vị, xuất thân nên những Hậu cung Giản trạch sau khi tiến cung sẽ được phong tước vị từ Tòng nhị phẩm Thục nghi trở lên, còn các Hậu cung Thừa ân chỉ được phong từ Tòng tứ phẩm Thục viên

Mỗi người phụ nữ trong Nội mệnh phụ đều có 1 công việc nhất định. Vào năm Thế Tông thứ 10 ( 1428) đã quy định cụ thể về công việc của Hậu cung:

- Tần và Quý nhân: phò tá Vương phi và bàn về phụ lễ

- Chiêu nghi và Thục nghi: giúp đỡ và dẫn đường cho Vương phi trong các nghi lễ

- Chiêu dung và Thục dung: đảm nhiệm các công việc liên quan đến tế lễ và đón tiếp khách

- Chiêu viên và Thục viên: quản lí tẩm điện thường ngày và các loại gấm vóc, vải dệt trong cung.

Công việc chủ yếu của Hậu cung là phò tá Vương phi quản lí mọi việc trong hậu cung và quan trọng hơn hết là sinh con cái cho Quốc vương. Hậu cung chỉ được giao những nhiệm vụ nhất định chứ không thể tham gia vào chính sự như Vương phi.

Đặc biệt, Tần là 1 tước vị có phẩm hàm chính nhất phẩm, phẩm vị cao nhất trong hậu cung chỉ đứng sau Vương phi. Tuy nhiên trong Đại điển hội thông đã viết: " Chính nhất phẩm Tần - Hữu Giáo mệnh, tắc vô giai", tức là chỉ thêm vào 1 quy định rằng nếu nhận được Giáo mệnh của Quốc vương thì Tần vị không cần liệt vào hàng có quan phẩm mà sẽ siêu phẩm giống như Vương phi. Giống nhưng lại không ngang hàng vì Vương phi vẫn là chính thất của Quốc vương, việc ban Giáo mệnh chỉ là thể hiện sự sủng ái của Quốc vương đối với vị Tần đó.

Chỉ có bậc Tần mới được ban phong hiệu mỹ từ, gọi là Tần hiệu. Còn các bậc Hậu cung khác chỉ dùng danh hiệu ( dùng họ để xưng hô), ví dụ như Lương Quý nhân hoặc có thể gọi là Quý nhân Lương thị.

Nơi ăn ở của Vương phi và Quốc vương sẽ nằm sát nhau nhưng được tách biệt. Nơi ở của các bậc Hậu cung khác không được xây dựng riêng biệt hay được chỉ định ở 1 nơi nhất định mà sẽ được bố trí ở 1 nơi biệt lập nằm xung quanh Nội điện của Vương phi. Mỗi Hậu cung sau khi được sắc phong và ban phong hiệu đều có nơi ở riêng của mình và được ban Đường hiệu ( dùng phong hiệu chính thức hoặc danh hiệu để đặt tên cho nơi ở) rồi sinh sống độc lập tại đó. Đặt tên nơi ở như sau: Phong hiệu ( danh hiệu) + Đường + họ ( Mỗ Đường Mỗ thị)


                                                          1126 từ
--------------------------------------------------------------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro