Tập 9: Cá Sấu lên bờ, người ta xuống nước

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chị Nuôi trù trừ: "Cá sấu? Cá...sấu....!"

Theo sau đó là tiếng vỗ đùi đánh bốp, vấn đề là không phải cậu ta tự đánh đùi mình, mà nhằm vào đùi tôi tát một cái điếng hồn: "Ê, nhìn kĩ đoạn hạ lưu sông giống hệt đầu con cá sấu nha! Các cậu xem, khúc sông Mekong chia đôi này giống cái mõm dài của con cá sấu này, đến đoạn sông Tiền phân sáu nhánh lại vẽ ra hình như phần đầu trên, đoạn sông Hậu phân nhánh chẳng phải là phần đầu dưới sao? Nhìn đi, quả thực giống lắm!"

Cả bầy hăng máu bâu lại nhìn, tông đầu vào nhau "bốp" rồi ngã vật ra đất. Đúng lũ bạn ăn hại, không làm được cái gì ra trò, chỉ phá hoại là giỏi không ai bằng.

Lúc này quả thực là đã đói đến rã rời tay chân, dù ngoài mặt không đứa nào nói ra nhưng thật tâm chân loạng choạng, sắp cất bước không nổi rồi. Ở cái chốn quái quỷ này phải chi có được con chuột hay con gián gì cũng được, tiện tay bắt ném vào đài lửa là có thứ lót dạ ngay. Ở trên mặt đất ăn uống no nê thì chê lên chê xuống, chứ ở dưới này rồi thì có thịt chuột sống cũng xơi chứ nói gì. Lạ cái là ở đây không có con gì ngoài mấy con Bánh Bò Bông, mà lũ đó thì ai mà dám xơi chứ, lỡ trong người chúng nó có độc thì nằm lăn quay ra đây chết sùi bọt mép không ai cứu. Người ta bảo không được chết vì thiếu ý thức, cho nên lúc này dù đói cũng không được làm xằng bậy kẻo chuốc hoạ nhiều hơn lợi.

Ngồi trầm ngâm hồi lâu, tôi lẩm nhẩm đọc đi đọc lại:

"Theo dòng chảy tìm về nơi mắt ngọc

Thiên đường mở lối từ mộ sâu"

Nếu đã xác định được Cửu Long hình dạng đầu con cá sấu thì "Theo dòng chảy tìm về nơi mắt ngọc" có phải hàm ý tìm về nơi "mắt cá sấu" trên bản đồ là sẽ có lối lên "thiên đường". Mà "thiên đường" là cái gì, có thoát ra được không, hay lên thiên đường là đi chết? Cơ mà không hợp lí, nếu thiên đường dẫn đến chỗ chết thì ai lại dẫn câu "mở lối từ mộ sâu" vào, "mộ" mới là chết chứ. Chốn "thiên đường" được đề cập này chắc ăn là chỗ tốt. Phải đến đó mới được.

Nghĩ là làm ngay, tôi lệnh cho mấy đứa nó dọn gọn đồ đạc lên đường, tiếp tục đi vào hang lần nữa, tìm ra cái chốn "thiên đường" mà đoạn văn tự đề cập. Trước khi đi tôi hỏi qua mụ Bốc Mùi về vị trí "mắt sấu" trên bản đồ mụ vẽ thì mụ bảo rằng nếu tương ứng vị trí mắt con sấu, địa điểm đó thuộc về một cù lao, đoạn nằm giữa hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Thôi thì không hiểu cái văn tự bát nháo này nói gì, cứ đi thôi, chuyện gì xảy ra thì cứ xảy, còn hơn nằm đây đói chết.

Siêu Nữ lại đi nhặt mấy khúc xương người còn chắc, nhúng vào lớp mỡ trên đài lửa thắp thêm mấy cây đuốc. Chúng tôi tiến về phía lũ Bánh Bò Bông đang lúc nhúc, trước khi đi không quên vái lạy bức tường xác ba cái cho phải lễ với người đã khuất.

Lũ Bánh Bò Bông "nhóp nhép" bu kín cửa hang, thấy lửa lại gần, chúng dạt hết ra né tránh, có con né không kịp liền tan thành đống nước nhớp nhúa. Tôi chợt nảy ra ý hay, bèn bảo: "Lũ này sợ lửa, lại sống thành bầy đàn đông đúc, hơn nữa tốc độ di chuyển thần tốc. Chúng ta có thể nhờ bọn nó để tiết kiệm thời gian và công sức, giống như cách chúng nó quăng chúng ta trở lại đây. Thế này, giờ ta trèo lên người chúng nó, sau đó dí cây đuốc phía sau. Bọn này sợ lửa sẽ chạy trối chết về trước, nếu đến những đoạn rẽ hay ngoặt thì chỉ cần dí cây đuốc theo hướng thích hợp, bọn chúng sẽ chạy đúng ý chúng ta muốn"

Chị Nuôi hớn hở: "Ấy dà, cậu thông minh thật!"

Tôi nghểnh mũi lên: "Tróc Nã không phải chỉ có hư danh thôi đâu! Mà giờ mắt tôi không quan sát được nên Siêu Nữ dẫn đường, có gì phải báo ngay"

Bàn xong kế hoạch thì lần lượt từng đứa nhảy vào cái đống Bánh Bò Bông lạnh ngắt, nhầy nhụa đó. Siêu Nữ cầm đuốc nhảy vào sau cùng, dí cây đuốc gần sát lũ Bánh Bò Bông, chúng nó lao nhao quẫy đạp rồi lao vào trong hang như điên. Tôi còn chưa kịp chuẩn bị tinh thần thì đã bị lũ nó kéo đi với vận tốc cực kì khủng khiếp, lông tóc gì dựng đứng lên hết. Siêu Nữ lái Bánh Bò Bông vô cùng điêu luyện, lúc cần nhanh thì dí sát mông chúng nó, lúc cần chậm thì lui cây đuốc ra xa, lũ nó cũng vô cùng hợp tác cho nên chuyến đi của chúng tôi hệt như chuyến hải hành trên biển. Dù bọn nó có chút nhớp nháp ghê tởm nhưng kì thực mềm mát như thạch rau câu, cách di chuyển này có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử loài người được nhìn thấy, lũ Bánh Bò Bông này mà mang được lên mặt đất nhân giống ra thì tương lai người mặt đất chẳng cần phải tiêu thụ nhiên liệu cho ô nhiễm môi trường. Cứ Bánh Bò Bông mà lướt vi vu chẳng ngại mưa nắng hay hư xe. Ác nỗi lũ này sợ nóng như sợ giặc, sống được trên mặt đất hay không thì còn là một vấn đề khác.

Tôi cắt đứt dòng suy tưởng nhảm nhí của bản thân khi bị một thứ khác thu hút sự chú ý. Từ khi vào động thì mắt tôi thấy được những đường khắc trên vách đá. Trong màn đen tối thăm thẳm trước mắt, những đường khắc ngoằn ngoèo chợt sáng lên một màu xanh huyền diệu như dòng chảy của nước đổ, khắc hoạ chân thực và sinh động vô cùng. Những khúc uốn lượn tinh tế và những đoạn đá nổi lên mặt hình khắc chính là những cù lao lớn nhỏ dọc bờ sông, phía trên mỗi đoạn sông còn có chú thích tên từng đoạn sông bằng loại chữ giống như loại trên bức tường xác. Thì ra hai đường ngoằn ngoèo đối xứng này là một bức bản đồ sông chạy dọc theo hang và tương ứng với dòng chảy của sông trên thực địa, không lầm nó chính là bản đồ dòng Mekong.

Quá ngạc nhiên, tôi cất giọng hỏi lớn: "Tụi bây có thấy gì hai bên vách không?"

Chúng nó đứa nọ ngó đứa kia quát trở lại: "Thấy gì là thấy gì? Mắt mày nhìn lại được rồi hả?"

Nghe thế tôi cũng chẳng buồn đáp, vì như vậy cũng đủ hiểu là tụi nó không thấy được gì, chỉ mình con mất thị lực như tôi là thấy thôi, đời oái oăm thật, người sáng mắt thì như mù, mà người mù giờ như kẻ sáng mắt.

Mặc xác lũ chúng nó đang lao nhao, tôi chú tâm nhìn vào bản đồ sông hai bên vách mà lòng đầy cảm thán. Ban đầu lúc mới phát hiện cái bản đồ này, tôi đã thực sự rất ngạc nhiên vì trình độ điêu khắc tỉ mỉ và kì công, giờ phát hiện thêm phần chú thích nữa thì quả là vượt sức tưởng tượng của con người. Làm thế nào với trình độ cổ xưa có thể khắc hoạ một cách vô cùng tinh vi và chuẩn xác đến từng cù lao nhỏ, từng khoảng thời gian nước dâng nước hạ, hướng nước và tốc độ gió mà biên lại trên này kĩ lưỡng đến mức độ này. Kiểu này thì có "google map" cũng không thể bì kịp.

Nếu như cứ theo hướng này chắc chắn chúng tôi có thể đến được khu "mắt ngọc" mà đoạn văn tự nhắc đến. Đến lúc này tôi đã gần như hiểu hết ý nghĩa của đoạn văn tự nhưng ý tứ trong đó vẫn là cần đến tận nơi, tuỳ tình hình mà lí giải. Bởi có lẽ lúc bản đồ Mekong này được khắc ra đã là từ rất lâu trước đây, niên đại thực chất không thể đoán nổi trừ khi dùng cacbon c16 thử thì mới biết được. Mà nếu niên đại rất lâu thì lúc đó ranh giới, cũng như tên gọi của các quốc gia cổ đại cũng rất khác, cho nên muốn xác định chúng tôi đang di chuyển đến đâu trên bức địa đồ, hoàn toàn phải nhờ vào trực giác và cái bản đồ mà Bốc Mùi ban nãy vẽ ra để phán đoán.

Đi được một khoảng khá lâu, nhắm là đã rất xa vị trí ban đầu rồi, lòng hang đột nhiên mở rộng, nét khắc dòng sông trên vách đá cũng mở rộng. Tôi đoán chắc đã gần đến đoạn sông phân tách thành hai, vậy là bản đồ đã đi đến đoạn chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Tôi ra hiệu cho Siêu Nữ chuẩn bị đánh lái: "Sắp đến đoạn rẽ làm hai hướng, chị đánh lái sang trái, đi thẳng cho đến khi gặp thêm một góc rẽ nhiều nhánh nữa thì dừng lại ở vị trí đó!"

Siêu Nữ khó hiểu, vặn hỏi lại: "Sao em biết?"

Tôi trỏ tay lên vách đá: "Mọi người nhìn xem, bản đồ nằm trên tường đấy!"

Lúc này tụi nó mới ồ lên vỡ lẽ, thì ra cái đường ngoằn ngoèo đen thui thủi trên tường chính là đại bản đồ, mắt đứa nào đứa nấy sáng lên dán vào thành tường.

Chị Nuôi hét lên một tiếng: "Rẽ!!!" khi thấy hang động chợt phân thành hai nhánh tối hun hút.

Siêu Nữ di cây đuốc sang phải lũ Bánh Bò Bông, chúng nó nhun nhút né rồi nhào về phía động bên trái. Cứ thế đi thêm một khoảng rất xa nữa cho đến khi chạm một toà thành đá cao vun vút, phía trước đề dòng chữ "Ưng thành" thì dừng lại hẳn. Chẳng ai làm gì, lũ Bánh Bò Bông cũng nhao nhao lên không chịu đi tiếp.

Tôi oằn người rút ra khỏi cái mớ nhão nhoét của tụi nó đến trước cổng đá ngắm nghía dòng chữ "Ưng thành" rồi như loé ra được một chút liên quan. Câu cuối cùng trong bản văn tự được viết trên bức tường xác lúc nãy chính là câu: "Ưng Sấu quần linh tụ hội này". Lúc đọc đến cuối tôi không hiểu ý nó là gì nhưng đến được đây thì đã rõ như ban ngày. Điện thờ kia chính là điện Sấu Thần, còn toà thành đá này không gì khác chính là toà điện thứ hai của mạch sông, toà thành Chim Ưng.

Quả không ngoài dự đoán, sau khi hỏi lại lũ chúng nó thì đứa nào cũng khẳng định chắc nịch vị trí hiện tại của cả bọn đang đứng có thể là vị trí sông Tiền tách nhánh tương ứng với bản đồ thực địa. Và sáu nhánh của con sông Tiền vẽ thành hình đầu một con chim ưng không sai khác một li, chúng tôi đích thị đang đứng ở vị trí mỏ chim, cũng là tương ứng với vùng mắt Sấu Thần. Nếu tất cả những dự đoán đều không sai thì toà thành to lớn nhất, ẩn chứa nhiều bí ẩn nhất chính là nơi này chứ không phải điện Sấu Thần kia nữa.

Bọn Bánh Bò Bông vẫn tụ một đống rất to trước cửa đá nhưng không dám vào, kiểu như trong đó có thứ gì khiến bọn chúng khiếp sợ. Siêu Nữ dí lửa mãi cũng không chịu nhích lên miếng nào, bực mình chị ấy dí sát mông bọn nó, thế là cả lũ quáng quàng chạy tụt về con đường cũ với vận tốc ánh sáng. Chỉ mới một giây mà đã khuất bóng. Mớ nhớt vươn đầy dưới đất trơn như mỡ, đi không khéo thì té sấp mặt chứ chẳng chơi.

Mụ Bốc Mùi chắc lưỡi, tay thì liên tục gãi như khỉ: "Chị doạ lũ nó chạy mất rồi, đường về mình biết tính sao?"

Ma Xó véo mũi Bốc Mùi lảm nhảm: "Ai biết có về được không? Còn chưa biết có sống mà ra khỏi đây, hay là chết ngoẻo..."

Tôi hực một cái rồi chẳng nói chẳng rằng phi cho nó một cước, miệng còn đanh đá: "Thôi đi đồ miệng quạ!"

Nó khôn lanh né kịp, chui tọt ra sau lưng Chị Nuôi, lú mỗi con mắt đen láy ra như trêu chọc độ nhẫn nại của tôi.

Siêu Nữ nhảy ra can rồi phát lệnh: "Tiến vào trong đi, sống chết gì tính sau"

Cả bọn gật gù, tôi cũng tán đồng ra hiệu tiến vào trong, lúc mày mới phát giác thị lực của mình đã tự động hồi phục lúc nào không hay. Hèn gì nãy giờ cứ thấy gì đó là lạ không quen mà không nghĩ ra lạ cái gì, mắt mũi cứ như đồ điện tử hết thời, lúc nào muốn thấy là thấy lúc nào muốn mù là mù. Thật không chịu nổi.

Toà thành đá này được bao phủ bởi mảng rong rêu dày và vô cùng ẩm. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy được thảm thực vật dày đặc mà quái lạ như thế này. Toàn bộ mặt thành bị một loài rêu gì đó bám đầy, nó màu xanh lá, chạm vào mềm mịn như nhung. Nếu lỡ có va vấp vào đâu mà té vào thành đá cũng chẳng chết được bởi nó mềm như bông, lại thơm mùi hoa cỏ vô cùng. Đặc biệt trên thảm thực vật này chi chít những đốm sáng mờ mờ không theo quy luật gì cả, cứ như tự mình phát sáng vậy.

Tôi nắm thử một nắm vò nát thì thân nó chảy ra nhiều nước màu xanh hệt như diệp lục của lá cây. Trong lòng tự hỏi vì sao ở nơi không có ánh sáng thế này mà cây cỏ vẫn tự tổng hợp được diệp lục? Hơn nữa từ lúc vào đây cho đến giờ, không khí vẫn tuần hoàn vô cùng tự nhiên trong khi chúng tôi chẳng tìm ra được cái lỗ thông gió nào. Theo lẽ, nếu như cái hang này nằm trong lòng đất hay dưới lòng sông, đặt giả thiết là có lỗ thông gió đi chăng nữa, thì không khí cũng không thể lưu thông tốt như vậy. Nếu như chỗ đất sâu không khí lưu thông đều đặn như trên mặt đất thì đã chẳng có mấy vụ ngạt khí hàng loạt chết người ở những cái hầm cách mặt đất có vài mét rồi.

Kiểu này thì cách duy nhất lí giải chính là tự thân nơi này sản sinh được khí oxi lưu động. Và thứ sinh ra oxi chính là mớ rong rêu này. Chúng tự phát sáng nên sẽ dùng chính ánh sáng của mình làm năng lượng tổng hợp oxi một cách tự cung tự cấp, chỉ nghĩ đến thôi đã thấy thần kì.

Cả bọn ngơ người tiến vào trong, chân đạp lên mớ rong rêu êm ái đến độ chẳng buồn nhấc chân mà cứ lê lết như bị tàn tật ấy. Phần vì trượt lên chúng quá thích, phần vì đói quá nhấc chân cao không nổi nữa.

Bên trong toà thành không tối bởi chúng được mớ ánh sáng nhàn nhạt của rêu làm sáng lên tự nhiên. Lòng toà thành cực kì cao và rộng choáng ngợp, không khí phải nói tươi mát và khoáng đạt đến không ngờ.

Hầu như tất cả các bề mặt tại đây đều bị loại rêu này bám phủ bằng hết, toàn thành sáng lên một màu xanh mát mắt và dễ chịu vô cùng. Phía chân thành cách đó hơn trăm mét có một thác nước khá lớn đổ nghe rào rào. Chúng tôi mừng rơn tiến lại gần nhưng không hiểu vì sao càng tiến gần thì cơ thể càng khó chịu vô cùng. Máu toàn thân cứ như dồn hết lên đầu, ruột gan thì cứ nhao nhao, thật là kì lạ lắm.

Đi được chừng năm mươi mét hơn, chỉ mới đến được trung tâm ở giữa của toà thành thì cả bọn chịu không nổi nữa mà gục xuống đất. Con Ma Xó bình thường thể chất yếu ớt nhất nên lăn ra bất tỉnh nhân sự, kêu mãi cũng không phản ứng. Đầu tôi thì nặng như búa bổ, ruột gan muốn lộn hết ra ngoài. Mỗi lần cố đứng thẳng dậy thì đầu lại nặng hơn, cảm giác y như bị ai đó treo ngược lên cành cây, đầu lộn xuống đất, máu huyết chạy tọt xuống chóp đầu. Cố thử đứng dậy vài lần cũng không trụ nổi quá năm giây lại ngã xuống nhưng Tróc Nã tôi vẫn cứ lì đòn đứng dậy, thầm chửi cái số phận khốn nạn của mình, khi khổng khi không bị dính vào cái thứ quái quỷ này. Cố quá thành ra quá cố, đến lần thứ mười lăm cố sức đứng dậy thì cơ thể dường như không chịu nổi nữa mà gục xuống, mồm miệng nôn thốc nôn tháo. Mà trong bụng thì hôm qua đến nay còn cái gì để mà nôn? Mật xanh mật vàng gì thay nhau chạy tụt ra ngoài thông qua mũi miệng, sặc tới gần chết.

Nhắm không chịu nổi nữa, tôi nằm im thin thít thì mọi thứ đỡ hơn. Được một lát định thần liền quay sang kéo tay Siêu Nữ: "Tôi với chị bò về phía thác nước xem xét coi có cái lỗ nào chui ra không? Có nước chảy vào có thể là có lối thoát"

Chị ấy gật đầu quay sang dặn Chị Nuôi coi sóc hai đứa còn lại, nằm im đây đừng cử động đợi chúng tôi quay về.

Tôi và Siêu Nữ liền bán mạng bò về trước, tay nắm vào mớ rêu dày mà lết. Đi được một đoạn chừng mười lăm hai mươi mét thì đụng phải một cái rãnh to, bề ngang khoảng bốn mét, sâu tầm hai mét và dài từ chân thành này qua đến chân thành kia. Muốn đi sang thác nước phải bò qua được cái rãnh to này.

Thật là khó nghĩ, chẳng biết ai rảnh rỗi đến nỗi đào cái rãnh quỷ quái này ở đây làm khó bọn tôi nữa. Giờ tuyệt không đứng dậy nổi thì sao mà leo qua cái rãnh này được? Nó to như vậy mà!

Chợt Siêu Nữ trở mình nằm dọc theo đường rãnh, thoắt cái đã lăn xuống tới đáy rãnh. Kể ra lũ rêu này cũng thật có lợi, mềm như bông thì có rơi xuống từ độ cao ba bốn mét cũng chẳng hề hấn. Thấy vậy tôi cũng liều phi xuống nhưng phi bằng một cách "cool ngầu" của mấy phim chưởng vẫn hay diễn. Dễ gì có cơ hội hoá siêu nhân không sợ té chết như bây giờ, tận dụng làm một phát hoành tráng mới được.

Môi nở một nụ cười tà mị bằng hàm răng trắng như tuyết, tôi cắm đầu trượt xuống một cách hăng máu. Tưởng trót lọt rồi, ai dè xuống đến đáy rãnh thì quán tính vẫn còn nên đầu tông vào một vật gì đó cứng ngắt, rách một đường giữa trán, máu chảy ròng ròng.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro