13/ "Udu"?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người đàn ông kia xuất hiện chính là để trao đổi hàng hoá.

Ông ta mua cá của mọi người, nếu ai có nhu cầu thì đổi cá của mình để lấy sữa và thịt cừu. Tỉ lệ ba con cá một miếng thịt, hai con cá một túi sữa.

Có lẽ nơi này chưa có hệ thống tiền tệ chăng?

Nhưng Zikia đã phủ nhận suy đoán của tôi. Cô bé cũng đổi cá, lúc những người (có vẻ là) nô lệ kia định đưa cho cô bé thịt cừu, cô bé lại lắc đầu nói gì đó, họ liền đưa cho cô bé một vài vật nhỏ màu trắng xám. Tôi tò mò nheo mắt nhìn, ánh mặt trời chiếu vào khiến chúng loé lên, phải chăng là bạc?

Khi Zikia trở về chỗ tôi ngồi, cô bé lập tức thoả mãn sự hiếu kì của tôi bằng cách đưa những vật màu bạc đó cho tôi xem. Tuy chúng được đúc một cách khá thô sơ, tôi vẫn có thể nhìn ra chúng có hình bông lúa, kích cỡ bằng nửa đốt ngón tay, và đích xác là bạc.

Tôi đang thắc mắc vì sao lại đúc hình phức tạp như thế, Lani nãy giờ vẫn ngồi cạnh tôi cẩn thận cầm từ trong túi ra một "đồng bạc" khác, lần này là hình con cừu. Cô ấy xếp lên lòng bàn tay, chìa ra trước mặt cho tôi xem, cứ một bạc cừu lại xếp mười hai bạc lúa, giúp tôi mường tượng ra được giá trị của chúng. Tôi nghĩ chắc phải có đồng bạc nào giá trị trên bạc cừu, nhưng Lani chỉ có hai bạc cừu là lớn nhất.

Dùng bạc để làm tiền tệ... người ở đây giàu hơn tôi tưởng.

Tôi mỉm cười gật đầu với Lani, ý bảo tôi đã hiểu. Tôi nhìn Lani nhẹ nhàng cất tiền vào trong túi, rồi lại lướt ánh mắt qua vai cô ấy, len lét quan sát người đàn ông đang ngồi thảnh thơi đằng kia. Ông ta có người làm thay, bản thân thì rảnh rỗi ngắm trời, ngắm mây, ngắm đàn cừu và ngắm phụ nữ. Tôi cứ tưởng sẽ có một màn ác bá cướp sắc gì gì đấy, nhưng không, ông ta chỉ nhìn với ánh mắt háo sắc mà thôi, trên thực tế lại chẳng làm gì cả. Cái ghế ông ta đang ngồi (chẳng biết lôi từ đâu ra) có mái che, lại còn có hai nàng hầu đứng hai bên, người thì phe phẩy quạt lông chim, người thì đấm chân rót nước... Tôi nhìn dáng vẻ phè phỡn đó, thầm nghĩ nếu có thêm một ly cocktail với ống hút màu mè và lát chanh kẹp trên miệng ly, cùng với một cái hồ bơi phản chiếu bầu trời xanh ngắt, là có ngay hình ảnh một ông sếp sòng đang đi nghỉ dưỡng.

Dưới cái nắng chang chang này ấy à... phục thật đấy.

Tuy nhiên, tôi vẫn không dám có động tác gì lớn gây chú ý, càng không dám để lộ mặt, mãi cho đến khi cả thuyền trao đổi xong, tiếp tục đi cách người đàn ông và đàn cừu của ông ta một quãng xa tôi mới thở phào một hơi, thả lỏng cơ thể đang dần tê cứng.

Zikia cũng trở nên hoạt bát hẳn lên. Cô bé có vẻ đã nghỉ ngơi xong, cái miệng lại bắt đầu hoạt động. Cô bé chỉ về phía đàn cừu xa xa, kéo áo tôi nói "udu udu!"

Tôi chưa hiểu lắm, tròn mắt lên nhìn cô bé. Cô bé bèn lục trong túi của Lani ra một đồng bạc cừu, giơ lên trước mặt tôi lặp lại từ "udu", rồi lại chỉ vào đàn cừu, luôn mồm "udu udu, udu udu...".

Bỗng dưng đầu óc tôi thông suốt... cô bé đang giúp tôi học ngôn ngữ của họ! "Cừu" trong tiếng của họ là "udu" phải không? Tôi ngoác miệng cười, bắt chước động tác của cô bé, chỉ vào mấy con cừu gọi "udu". Ai dè Zikia lắc đầu nguầy nguậy, kiên nhẫn chỉ tôi một lần nữa: đồng bạc cừu là "udu", đàn cừu đằng kia là "udu udu". Tôi hoang mang, không biết bản thân đã hiểu sai chỗ nào, thử đoán thêm vài lần vẫn chưa đúng.

Chẳng lẽ con cừu làm mẫu cho đồng bạc khác với con cừu bình thường? Chẳng lẽ là cừu sang chảnh nuôi trong cái chóp nhọn đằng kia? Nghe có vẻ không hợp lý lắm, nếu nó cao cấp hơn thì theo lẽ thường sẽ là udu udu chứ không phải chỉ gồm một từ cộc lốc chứ nhỉ? Cái gì nhiều thì tốt hơn mà... chắc vậy?

Nhưng khoa tay múa chân một hồi vẫn chưa đúng, tôi vò đầu, nghiêm túc nhìn con cừu trên đồng bạc với đàn cừu xem có gì khác nhau, kết quả... chả thấy gì. Con cừu trên đồng bạc trông rất mơ hồ, đường nét thô sơ giản lược y như bạc lúa, khó mà so sánh được.

Udu và udu udu... chẳng lẽ khác nhau ở số lượng? A, một con cừu và một đàn cừu cũng khác nhau ở số lượng mà!

Nghĩa là, một con cừu là udu, một đống cừu là udu udu??

Tôi chấm tay xuống nước vẽ dưới sàn thuyền. Vẽ xong một con cừu, tôi nói "udu", vẽ xong một đàn cừu, tôi nói "udu udu".

Zikia, và cả đám người chẳng biết từ lúc nào đã xúm lại xem tôi học tập mừng rỡ ôm nhau hò reo, chiếc thuyền bị họ làm cho rung lắc dữ dội.

Mặt tôi đỏ như quả cà chua. Những người này... có cần phấn khích đến thế không?? Bộ đây là chương trình đố vui có thưởng, vượt chướng ngại vật chắc! ٩(//̀Д/́/)۶

Tôi vừa bám tay vào thành thuyền vì sợ rớt xuống nước vừa ngượng ngùng rối rắm một hồi, cuối cùng mọi người cũng chịu yên tĩnh lại. Sau đó, họ tranh nhau chỉ lung tung vào những thứ khác nhau, dạy tôi rất nhiều từ vựng.

Con sông dưới chân tôi là "idigna".

Bầu trời trên đầu tôi là "an".

Vài con ngựa hoang vút ngang qua đồng cỏ là "sisu sisu".

Những con cá bơi lội tung tăng dưới dòng sông là "kua kua", dòng nước trong mài sáng vảy cá là "id".

Đàn chim với bộ lông màu xanh trắng lạ mắt nghênh ngang sà xuống thuyền cướp cá là "musen musen", trước khi bị mọi người đuổi đi còn thả xuống vài cọng lông "dal dal" trêu tức.

Đàn ông là "er-im", đàn bà là "mi". Gia đình là "gud".

Cái chóp nhọn xa trong đất liền là "ziggurat", người đàn ông sống ở nơi đó, cai trị những thành phố ven sông là Đức vua "lugal", tên là "Gilgamesh"...

Tôi ngồi lặng im, tủm tỉm nghe mọi người nhiệt tình chỉ bảo. Tuy rằng tôi không nhớ hết được ngay đâu, nhưng tôi sẽ cố hết sức.

Nhân lúc không khí nhộn nhịp trên thuyền còn chưa lắng xuống, một người chợt cất cao giọng hát, những người khác cũng tiếp nối hát theo. Có người còn lôi ra từ trong túi một cái đàn nhỏ, trông từa tựa như đàn lia của Hy Lạp, gảy lên lại nghe khác hẳn, không trong suốt thanh thoát như đàn lia, mà lại khàn khàn vui nhộn như chiếc ukelele vậy.

Tôi cười không ngậm được miệng, vỗ tay theo tiếng hát cùng mọi người. Cảnh tượng này không khỏi làm tôi liên tưởng đến cảnh dân du mục Mông Cổ hát ca trên lưng ngựa, băng qua vùng thảo nguyên mênh mông dưới bầu trời bao la vô tận mà ti vi từng chiếu. Tuy rằng nơi này không có những ngọn đồi trập trùng, nhưng có đồng cỏ rộng lớn, và bầu trời cũng mang màu xanh trong không chút ô nhiễm như thế. Người dân nơi đây không có vẻ phóng khoáng như dân Mông Cổ, nhưng ít nhất, trong khoảnh khắc đặc biệt này, họ tạm thời gỡ bỏ vẻ khắc khổ trên những khuôn mặt bám đầy bụi bẩn từ những gông xiềng của cuộc sống, thay vào đó là những biểu cảm vui sướng rộn ràng, những nụ cười tự do và lạc quan - một điều mà tôi rất hâm mộ.

Tôi thật sự thích được hoà mình vào không khí ồn ào mà vô cùng dễ chịu như thế này, cảm giác như niềm vui của họ cũng lây sang tôi, chiếm hết chỗ của nỗi sợ hãi và lo lắng nãy giờ vẫn quẩn quanh trong lòng.

Đột nhiên tôi cảm thấy, may mà mình là trẻ con, may mà mình đã sống hai năm ở Fuyuki trong sự bảo bọc của những hàng xóm tốt bụng.

"Trẻ con" thì dễ khiến người ta bỏ qua phòng bị hơn người lớn, "hai năm" giúp tôi không tỏ ra cứng nhắc, thậm chí là né tránh lòng tốt của mọi người.

Trong tiếng đàn hát, thuyền lại đi ngang một khu dân cư nữa. Khu này không ở sát bờ sông như khu lúc nãy mà ở tít trong đất liền, từ cổng đến bờ sông rải rác nhà dân. Một đám trẻ con chạy theo thuyền, cuộc trao đổi hàng hoá lại diễn ra, nhưng nhanh chóng gọn lẹ hơn lần trước rất nhiều. Đám trẻ con tuy đen nhẻm, áo quần xuềnh xoàng, nhưng không đứa nào gầy rộc hốc hác, ngược lại mặt mũi chúng luôn tươi roi rói, lanh lợi nhanh nhẹn, có vẻ mức sống ở nơi này cũng không đến nỗi tệ.

Mấy đứa nhỏ này làm tôi nhớ đến nhóc Kenta... Từ giờ trở đi, có lẽ không gặp lại thằng bé đáng yêu đó nữa rồi...

Ôi chết, suýt chút nữa thì khóc... tôi vội cúi đầu giả vờ lau mặt để chùi nước mắt đang chực trào ra, lắc lắc đầu một hồi để xua tan đi những cảm xúc tiêu cực.

May mà không có ai để ý đến hành động nhỏ của tôi, mọi người đều cười nói rất vui vẻ.

Tôi chợt nghĩ, ở nơi này, kẻ háo sắc không hoành hành, trẻ con khoẻ mạnh, người lớn có tâm trạng hát hò... "Lugal Gilgamesh" kia hẳn là một vị vua khá anh minh.

***

Sau khoảng hai tiếng đồng hồ ngồi thuyền, buổi trưa, khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, thuyền rốt cuộc đến nơi.

Lúc này tôi mới nhìn thấy chỗ người ta neo thuyền. Thuyền khá nhiều, phần lớn có cùng kiểu dáng với chiếc tôi đang ngồi, một số ít to và lộng lẫy hơn, tôi đoán là thuyền của nhà giàu như người đàn ông lúc nãy. Ở gần đó còn có một cái lều khá lớn, có người trông coi, bên trong để đủ loại xe cừu, xe bò, xe ngựa... Nói là xe, thực tế cấu tạo hết sức đơn giản, bao gồm một miếng gỗ dừa có khung xung quanh, dưới gắn hai cái bánh xe bằng đồng, phía trước được cố định vào thú kéo xe. Cũng có những người không có xe kéo, mà cưỡi hẳn lên lưng gia súc của mình, đồ vật treo hai bên, thường là những người sở hữu gia súc cao to lực lưỡng.

Cừu kéo xe và cừu để cưỡi khác với mấy con cừu lông xù trắng tinh vừa gặp lúc nãy, con nào con nấy to gần bằng con bò, chẳng có bao nhiêu lông, mặt mũi bặm trợn, hai cái sừng hoặc xoắn ốc hoặc quặp vào đầu. Trừ cừu và bò chiếm đa số ra, người ta cũng dùng ngựa và lừa nhưng ít hơn, nhìn chung chúng đều có vóc dáng thấp lùn, thành thử ra ngựa lừa thì kéo xe, bò cừu lại được cưỡi, trông đến là kì khôi.

Tôi ngơ ngác đứng giữa đám người đang lục tục chuẩn bị xe để về nhà, hết nhìn bên này rồi lại bên kia, chẳng biết mình nên làm gì, bèn ngồi phịch xuống một hòn đá, chờ đến lúc họ xuất phát để đi theo vào khu dân cư bao quanh kiến trúc chóp nhọn gọi là ziggurat kia. Điều đáng lo là, không biết đôi chân nhỏ và thể lực đáng chê cười này của tôi có theo kịp xe của họ không nữa?

Nhà Lani có một cái xe cừu, hai mẹ con sắp xếp đồ đạc và thực phẩm vừa mới kiếm được rồi leo lên xe. Bỗng nhiên, Zikia vẫy tay với tôi, tôi bèn chạy lại chỗ cô bé.

Zikia ngồi dịch sang một bên, đập đập tay vào chỗ trống bên cạnh rồi giương mắt nhìn tôi. Cử chỉ này... là đang mời tôi ngồi chung xe á? Tôi vừa mừng vừa ngại, quay đầu sang phía Lani nhìn cô ấy với ánh mắt dò hỏi, thấy người sau mỉm cười gật đầu mới leo lên xe, không quên làm mấy hành động tỏ ý biết ơn mà họ đã dạy tôi, cụ thể là úp hai bàn tay vào lồng ngực, cúi đầu khom lưng, tư thế từa tựa như cúi chào ở Nhật Bản.

Zikia cười giòn giã, kéo lấy tôi trò chuyện suốt cuộc hành trình. Cô bé chỉ cho tôi thêm rất nhiều từ mới, chỉ cách ứng xử trong mấy tình huống hằng ngày, ví dụ như cách xin lỗi, cảm ơn (tư thế tôi dùng lúc nãy là tư thế trang trọng), cách mua đồ, cân đo đong đếm, cách diễn tả đi ăn cơm, đi làm việc, đi ngủ, đi tắm rửa hay đi vệ sinh... rất nhiều rất nhiều, khiến tôi chỉ ước gì mình có một cuốn sổ tay để ghi hết lại. Nhắc mới nhớ, không biết họ dùng gì để ghi chép, hay có chữ viết không nhỉ? Tôi muốn hỏi nhưng không biết diễn tả thế nào, đành tạm gác qua một bên, tập trung ghi nhớ những từ và cách nói quan trọng trước.

Xe đi nhanh hơn tôi tưởng, khoảng mười lăm phút đã đến cổng thành khu dân cư. Tôi thấy có lính gác đứng trước cổng, họ mặc giáp, cầm khiên, vũ khí sáng choang, vẻ mặt nghiêm nghị, có vẻ đã được huấn luyện rất tốt.

Đi vào thành cần phải có thẻ ra vào - một miếng đất sét có khắc những hình vẽ kì lạ. Tôi không nghĩ đến chuyện này, nhất thời không biết làm sao. Lani nói gì đó với mấy người lính gác, tôi đoán là trình bày hoàn cảnh của tôi, bởi vì sau cuộc nói chuyện, người lính đó ngoắc ngoắc tay gọi tôi đến gần.

Kết quả là, mười phút sau, tôi ngồi nhấp nhổm trong một căn phòng xây bằng bùn đất, mắt đối mắt với một người phụ nữ che mặt, lòng bồn chồn không yên chờ đợi bị tra xét.

... Mấy phim du hành thời gian đều là xạo hết xạo hết! Làm tôi ảo tưởng về cổ đại là sẽ được đi ra đi vào nước người ta dễ như đi chợ hu hu hu...


———
Năm mới vui vẻ~
Ngộ hết tuổi được lì xì rồi nên giờ đi lì xì cho mọi người bằng chương mới :3 Định đăng vào đúng giao thừa mà lo game gủng cuối cùng không kịp ='))
Bonus tấm ảnh Gil vs quái =')) Dù meta có đi về phương nào đi chăng nữa, Gil-chàn vẫn mãi là cục cưng gánh team yêu dấu của toai~~

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro