16/ Bị bán

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vậy đấy, cuối cùng vẫn lọt vào trại nô lệ.

Như để thêm phông nền u ám vào biểu cảm ";_;" của tôi, phép phiên dịch hết tác dụng. Bây giờ tôi là một con nhóc nô lệ vừa câm vừa điếc, khuyến mãi thêm vết thương trên mặt và vết phồng rộp dưới chân.

Ngồi ôm gối, co mình rúc vào một góc phòng, xung quanh là một đám bé gái ăn mặc rách rưới, ấy vậy mà dù tôi đã cố gắng giảm bớt sự tồn tại của mình, tôi vẫn là đứa nổi bật nhất ở chốn này... chỉ tại da tôi trắng nhất -_- -_- -_-

Trại nô lệ, nói là trại, thật ra chỉ là một khu nhà rất lớn có nhiều phòng xây quanh một cái sân lộ thiên giống như tứ hợp viện của Trung Quốc, ngoại trừ việc cái sân rất to và số lượng phòng cũng rất nhiều. Mỗi căn phòng đều chứa đầy người, người lớn riêng con nít riêng, nam riêng nữ riêng, phòng nào cũng có người trông coi. Hình như cái trại này là của triều đình, vì lúc đi vào đây tôi thấy có lính gác đứng rải rác.

Hừm hừm, có triều đình chống lưng, cái trại này sẽ vững như núi, không trù nó phá sản được rồi.

Trốn? Nơi này có lính gác, lính gác đấy! Nhà cửa thì xây bằng bùn đất kín như bưng, cửa sổ thì bé tí tẹo như cái lỗ thông gió chui không lọt, đã thế còn ở tít trên cao. Lối ra duy nhất của căn phòng là cửa chính, mà cửa chính thì dẫn ra sân vườn có đầy người canh chừng. Hơn nữa, cứ cho là có phép màu nào đó giúp tôi trốn ra được, nó cũng chẳng thể giúp tôi sống yên ổn. Khuôn mặt này quá đặc biệt là một, tôi không quen thuộc chỗ này là hai, không bị bắt lại thì cũng chết mất xác.

Giờ tôi chỉ hy vọng ông trời rủ lòng thương phái một người tử tế đến mua tôi thôi.

Thực lòng mà nói, tôi cảm thấy tình cảnh hiện tại của mình khả quan hơn nhiều so với tưởng tượng. Lúc nãy Nirduri đã dặn dò chủ buôn không bán tôi cho nhà thổ. Tôi nài nỉ cô ấy dặn thêm không bán tôi cho đàn ông, Nirduri nhướng mày một lúc mới nhận ra lí do, và rồi cô ấy nói: "Ngươi không cần lo về việc ai đó sàm sỡ ngươi. Không tên đàn ông nào ở Uruk dám sàm sỡ phụ nữ, cho dù là nô lệ đi chăng nữa. Vì tất cả phụ nữ là của Đức vua."

Tôi: ... (  °-°  )

Được rồi, hoá ra là do có ai đó rất rất tham lam. Nhưng mà vấn đề là, thế thì sao phụ nữ lấy chồng được? Nirduri giải đáp: "Phải được sự đồng ý của Đức vua. Thường thì ngài ấy rất lười nên chủ yếu là do các tư tế phê duyệt, đương nhiên, cho dù là có phê duyệt rồi đi chăng nữa, ngài ấy vẫn bác bỏ nó được nếu người vợ lọt vào mắt xanh của ngài (đây không phải là hành động được các vị thần khuyến khích, ngươi yên tâm, chẳng qua là Đức vua của chúng ta quá là... à mà thôi). May thay phần lớn thời gian ngài ấy đều không quan tâm đến chuyện dựng vợ gả chồng của người dân. Có điều, ngài ấy không quan tâm là một chuyện, nhưng qua mặt ngài ấy để động vào phụ nữ của ngài là một chuyện khác. Tuy không phải vụ nào ngài cũng xử lí, nhưng một khi ngài có tâm tình, kẻ phạm tội sẽ cầm chắc cái chết. Đó là lí do vì sao đa số cặp vợ chồng ở Uruk, người vợ đều là trinh nữ mãi cho đến khi lấy chồng."

Tôi: ... ( ・᷄-・᷅ )

Ừm... giống như là đồ của ta ta thích cho ai thì cho nhưng cấm ngươi mó tay vào mà không xin phép dù ta căn bản là không cần nó ấy hả? Nhưng chẳng lẽ ai cũng răm rắp làm theo? Con người mà, cũng có loại thích nhất là mấy pha lén lút mạo hiểm, Vua Gilgamesh lại - theo như lời Nirduri nói - lười biếng và phần lớn thời gian không thèm quan tâm mặc dù chính ông ta là người đặt ra luật lệ. Câu trả lời là: Trước đây cũng có vài trường hợp bị tố cáo mà không bị trừng phạt vì nhà vua... lười xử, nào ngờ một ngày nọ ông ta nổi hứng lên đào lại danh sách tố cáo, đem những kẻ dám vi phạm ra trừng trị công khai, thế là từ đó không ai còn có cái lá gan vuốt bờm sư tử. Bởi vì Vua Gilgamesh có tính khí thất thường vô cùng, chẳng biết khi nào ông ta sẽ 'có hứng' lại lần nữa. "Đó là một hiện trường vô cùng tàn khốc mà ta, và bất cứ kẻ nào đã chứng kiến hoặc nghe kể, sẽ không bao giờ quên", Nirduri bổ sung.

Tôi: ... :( ;˙꒳˙;):

Thế thì tại sao lại có nhà thổ? Tôi nuốt nước bọt, thắc mắc câu cuối cùng trước khi phép phiên dịch hết tác dụng. Nirduri giải thích: Nhà thổ là nơi chuyên dụng cho quân lính.

Nói trắng ra là phụ nữ ở trong đó được nhà vua chia sẻ với quân đội...

Chẳng hiểu sao tôi cảm thấy, ông vua Gilgamesh kia đang cai trị Uruk một cách quái đản, mà kì diệu thay, nó lại vô tình khiến xã hội trật tự... Nói bạo chúa thì cũng chẳng đúng lắm, bạo chúa cai trị gì mà dân chúng hớn ha hớn hở thế kia? Tóm lại là quái đản.

Hầy, dù sao cũng phải cảm ơn ông ta, nhờ cái luật kì quặc kia nên không ai dám manh động. Hèn gì ông nhà giàu béo mập tôi gặp hồi sáng trông thì háo sắc ra mặt mà hành động thì không có gì quá đáng. Điều này khiến cho tôi rất mừng rỡ, âm thầm tặng cho nhà vua chục cái ngón cái. Vừa không thèm làm gì tôi vừa cấm người khác làm gì tôi, tuyệt vời, Đức vua vạn tuế!

E-E hèm, tôi vẫn còn giận vụ đạp tôi té ngã đấy nhé. Nên chỉ cảm ơn ông vụ này thôi, hừ.

À phải rồi, nếu còn có cơ hội gặp lại, tôi cũng phải cảm ơn Lani thật đàng hoàng. Nếu cô ấy không che giấu tôi khỏi người đàn ông béo thì chắc giờ này tôi thê thảm lắm, vì tôi lúc đó vẫn còn là người ngoài, chưa được liệt kê vào danh sách 'tài sản của nhà vua', bị bắt về thì đúng là kêu trời trời không thấu, gọi người người không hay.

Trở lại với hiện tại... Lời dặn dò của Nirduri thật sự là có trọng lượng, từ lúc tôi bị bỏ lại đây đến giờ, có mấy người vừa vào căn phòng này đã dán mắt vào tôi, nằng nặc đòi chủ buôn bán tôi cho họ, nhưng chủ buôn chỉ một mực lắc đầu, cười xởi lởi chỉ vào những đứa trẻ khác, mặc cho họ dúi bao nhiêu bạc đi chăng nữa. Tôi nghe Nirduri nói nhà vua cho phép binh lính được đến nhà thổ một tuần hai lần, tuy nghe có vẻ không nhiều, nhưng số lượng quân lính khá đông nên các nhà thổ cũng cạnh tranh dữ dội, mà khuôn mặt tôi rất lạ so với người nơi này, da dẻ cũng trắng trẻo do chưa bị phơi nắng (mặc dù tôi cảm thấy có lẽ chỉ vài ngày nữa thôi, làn da hồng hào đáng thương của tôi sẽ chuyển sang màu xúc xích hun khói), có lẽ vì thế mà họ một hai đòi mua tôi.

Lạ là chờ mãi chẳng thấy ai hỏi mua tôi về để làm việc. Hay là người ta chê trẻ con không có đủ sức? Dám lắm chứ. Tôi liếc nhìn mấy bé gái xung quanh mình, chợt nhận ra... nãy giờ toàn là người bên nhà thổ đến đây, không mua được tôi liền chọn bé gái khác, chẳng lẽ số phận của những bé gái nô lệ chỉ có một là vào nhà thổ? Phục vụ khách từ nhỏ sao... Tôi không khỏi rùng mình.

Nhưng ngoài thương cảm thay cho bọn trẻ, tôi có thể làm gì đây? Thân tôi, tôi còn chưa gánh nổi. Nếu là ở hiện đại, có lẽ tôi sẽ cố gắng giúp một đứa nhỏ nếu tôi biết nó bị bắt phải bán dâm, nhưng đây là cổ đại, là nơi mà nhà thổ được triều đình bảo hộ, là xã hội mà lí lẽ và luật lệ hoàn toàn đứng về phía kẻ có tiền có quyền, còn tôi thì chẳng là ai cả, chính mình còn đang phải thấp thỏm chẳng biết mai này sẽ ra sao.

Nghĩ kĩ lại, có lẽ người tôi nên mang ơn là Nirduri. Giờ tôi mới chợt nhớ ra, ông vua xấu xa kia biết tôi sẽ có số phận ra sao mà còn nói ném tôi vào trại nô lệ, thật sự là một người đáng ghét, tôi hối hận vì đã cảm ơn ông ta! Còn nữa, ông ta vơ hết phụ nữ ở cái Uruk này làm của mình, chẳng lẽ là để hợp lí hoá cho việc tuỳ tiện chiếm đoạt con gái nhà lành? Trời ạ, nói ông ta xấu xa thật sự không oan chút nào.

Đầu óc tôi giống như một cái xe đứt phanh chạy liền tù tì, lúc thì lo lắng cho tương lai, lúc thì nhớ những kỉ niệm ở Fuyuki, khi thì thấy khó chịu vì lại thêm một đứa trẻ bị mua đi, khi thì tức giận ấm ức vì những gì ông vua kia đã gây ra cho mình. Thời gian cũng không ngừng nghỉ, bầu trời qua khung cửa sổ nhỏ xíu trên đầu từ xanh trong trẻo chuyển sang hồng cam, rồi bị màn đêm phủ lên một màu xanh mờ tối. Tôi hay gọi màu xanh đó là màu xanh tự vẫn— bởi vì nó luôn làm tôi liên tưởng đến một bài hát tôi rất thích khi còn sống ở Mifune. Để tôi nhớ lại xem, hát như thế nào nhỉ... À phải rồi, "...Hôn em thật dịu dàng trong giấc mộng hão huyền, tình yêu đôi ta bóc trần bầu trời bằng màu xanh tự vẫn. Ôm ấp vẻ đẹp đã lạc trong dòng suối, là suối hay mây trời đang che mờ mắt em?"[1] Hm, thật khó hiểu, nhưng mà tôi thích nó. Tiếc là hiện tại thứ biến bầu trời chạng vạng trong mắt tôi thành màu xanh ảm đạm tựa như cái chết tự nguyện của một con người chẳng phải là một nỗi buồn hư vô khó hiểu nào đó, mà là sự mù mịt về tương lai, sự uất ức cùng bất lực khi mà những tư tưởng, quan niệm đạo đức của mình bị bác bỏ bởi thời đại, và cả lí do bản thân tôi xuất hiện ở nơi này.

Đến khi ánh sáng mặt trời tắt hẳn, bị thay thế bởi ánh lửa bập bùng, số lượng bé gái quanh tôi đã vơi đi nhiều, trong phòng lúc đầu có gần hai chục đứa, giờ chỉ còn lại ba bốn đứa chưa bị ai mua. Tất cả đang nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng khi tôi buột miệng ngân nga giai điệu từ bài hát mà mình sực nhớ tới.

Không khí căng thẳng (đối với tôi) kéo dài không lâu, bên ngoài ném vào mấy cái bánh mì, thu hút sự chú ý của bọn trẻ, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Chúng nó tranh nhau vồ lấy bánh mì, có đứa lấy luôn cả phần tôi. Tôi nhìn vẻ mặt lấm lét nhưng bướng bỉnh của nó, thở dài một tiếng, quyết định mặc kệ. Tôi biết là mình sẽ bị đói, nhưng cứ nhìn gương mặt của đám con nít tôi lại nhớ đến Kenta và cả chính bản thân tôi lúc nhỏ nữa, khiến tôi chẳng nỡ trách mắng, đôi co với chúng. Tôi không thể có đứa con của riêng mình, nên xem như tình thương của tôi dành cho mấy đứa con nít dư ra nhiều một chút, mỗi đứa lại được một phần nhiều hơn vậy.

Ăn bánh mì xong, bọn trẻ tự tìm cho mình một góc phòng để nằm ngủ. Tôi cũng nằm xuống, nhưng không có chút buồn ngủ nào. Vết thương trên mặt không đáng kể, nhưng lòng bàn chân tôi đang rất đau nhức. Từ lúc ở cung điện đến lúc yên vị trong trại nô lệ, phải đối phó với nhà vua, sau lại lo lắng suy nghĩ quá nhiều nên quên béng mất vết bỏng ở chân. Lúc này nằm yên mới bị hành hạ, cảm giác nhức nhối như có con gì gặm cắn, rứt từng miếng thịt của mình truyền từ gan bàn chân lên não, thách thức sức chịu đựng của tôi. Đã thế còn phải chiến đấu với cái lạnh. Buổi sáng thì nóng nực đến phát điên, thế quái nào mặt trời vừa lặn đã trở lạnh?? Nếu là nóng thì tôi còn chịu được, nhưng lạnh là thứ tôi rất sợ. Lúc còn ở Fuyuki, nhiệt độ phải dưới mười độ C mọi người mới kêu ca than vãn, còn tôi, mười mấy độ, thậm chí hai mươi độ đã run cầm cập nếu ăn mặc phong phanh và tối ngủ không đắp chăn, tệ hơn là nó còn đặc biệt nghiêm trọng với trường hợp nhiệt độ thay đổi nhiều như thế này trong thời gian ngắn. Bác sĩ cũng đã chú ý đến, còn ghi hẳn trong bệnh án của tôi là "đặc biệt nhạy cảm với biến chuyển nhiệt độ, không rõ nguyên nhân".

Có tiếng ca hát văng vẳng vọng lại, thế nhưng sự giàu có sung túc ngoài kia dường như đã bỏ quên nơi này. Tôi nằm co ro như con tôm bị luộc chín và giờ thì bị đông đá, kéo váy quấn chặt người mà vẫn run lập cập, chỉ hận không có gì để đắp hay lót dưới đất cho đỡ cóng. Tuy rất muốn ngủ cho quên lạnh nhưng cái lạnh lại chính là thứ khiến tôi không tài nào ngủ được. Trằn trọc một hồi, tôi dứt khoát bỏ cuộc, xích người lại gần bức tường xây bằng bùn đất, dỏng tai lắng nghe tiếng ca mà mình không hiểu, mắt mở thao láo mà ngắm nhìn bầu trời đêm qua khung cửa sổ.

Đêm nay nhiều sao thật đấy, chỉ một khung cửa sổ bé tí tẹo mà đã đếm không hết sao trời. Ở Mifune và Fuyuki, ngay cả buổi tối vẫn có ánh đèn từ thành phố nên khó lòng nào thấy được nhiều sao như thế này.

Ước gì bức tường bùn đất ngăn cản tôi với thế giới bên ngoài biến mất, để tôi có thể thấy được bầu trời sao đêm nay.

Nếu ngay lúc này tôi được thoát khỏi căn phòng và tận mắt chứng kiến dải ngân hà một cách gần gũi, việc đầu tiên tôi làm có lẽ sẽ là nhảy cẫng lên reo hò— đúng vậy đấy, mặc cho bàn chân này đang đau nhức khôn kể, tôi vẫn sẽ nhảy nhót ăn mừng, bởi một trong các mục tiêu trước khi chết của tôi được thực hiện sớm hơn dự tính - "ngắm sao ở sa mạc". Tôi thích bầu trời sao cực kì, bởi vì mỗi lần ngắm nhìn những bức ảnh chụp hằng hà sa số tinh tú trên nền vũ trụ bao la, tôi luôn cảm thấy những nỗi phiền muộn trong lòng mình nhẹ bớt. Tại vì... chỉ có vũ trụ rộng lớn mới sẵn lòng bao dung, chứa đựng những vấn đề, những khuyết điểm của tôi. So ra thì tôi và cả những điều làm tôi buồn bã quá vụn vặt, quá nhỏ bé so với vũ trụ, hẳn là vũ trụ sẽ không phiền. Gánh hết thì không cần đâu, nhưng làm ơn cho tôi một chỗ đứng, tôi chỉ đứng ké một chút, ở một góc nhỏ thôi, thề là sẽ không làm phiền đến ngài, vũ trụ ạ... Tôi nghĩ vậy đấy.

Đưa tay quẹt cái mũi mắt đầu sụt sịt, tôi tự an ủi mình: Nơi này là cổ đại, lại rất khô ráo và nóng nực, có lẽ đêm đầy sao như thế này là thường thấy, rồi mày sẽ lại có cơ hội ngắm sao thôi, Aria mít ướt.

Tôi thật sự chẳng biết suy nghĩ của mình đang đi về đâu nữa. Tôi đang rất nhớ vườn hoa và quán cà phê của mình. Tôi nhớ Kenta và gia đình cậu nhóc. Tôi nhớ món ramen tuyệt hảo của ông hàng xóm cách mấy căn nhà mà thỉnh thoảng tôi sẽ mặt dày sang ăn chực. Tôi nhớ cả... cả... cả...

...Lại nữa rồi đấy, có một cái gì đó mà tôi không thể nhớ ra, nhưng tôi vẫn luôn có cảm giác nó rất, rất, rất quan trọng, cực kì quan trọng.

Quan trọng hơn cả tôi, mẹ tôi, hay bất kì thứ gì tôi từng biết đến trong cuộc đời của mình.

Ấy vậy mà...

Tôi giơ tay ôm miệng, cố ngăn tiếng nức nở của mình— Tôi không tài nào nhớ ra được.

Cảm giác này rất đáng sợ. Giống như có ai đó cầm một cây bút đổ đầy thứ mực vĩnh viễn mà ra sức đồ lên kí ức của tôi, lại giống như có một bàn tay vô hình bóc nó ra, lạnh lùng xé nó tan xác, xé luôn cả kí ức quý giá của tôi nữa.

Rất đáng sợ, đáng sợ đến mức tôi có cảm giác mình chẳng phải là mình nữa, nếu mất đi đoạn kí ức đó.

...Thế nhưng, tôi cũng biết mà, kí ức là kí ức, cho dù muốn hay không, hiện tại đều phải giấu hết vào một góc mà thôi.

***

Sáng hôm sau, tôi bị người ta đưa sang phòng nô lệ lớn tuổi.

Có lẽ chủ buôn đã nhận ra rằng nếu để tôi ở phòng bé gái chắc đến Tết Công-gô cũng chẳng bán được.

Phòng mà tôi bị đưa đến toàn là phụ nữ trung niên trở lên. Nhìn là biết nô lệ để lao động, không khỏi thấy thương thay, đến tuổi này vẫn phải đi làm trâu làm ngựa cho người khác.

Có điều trên thực tế, tôi mới là đứa khiến người ta thương cảm. Vừa vào phòng đã bị xúm vào hỏi han (đương nhiên tôi không trả lời được), bị vuốt tóc, bị ôm ấp, xoa má, xoa lưng, tóm lại là đủ kiểu an ủi, khiến tôi suýt chút nữa thì oà lên khóc.

Mấy cô mấy bác ấy thấy tôi nước mắt lưng tròng lại ra sức an ủi, tôi vừa áy náy vừa bối rối hưởng thụ quan tâm chăm sóc, mãi cho đến khi có người đến mua tôi.

Đó là một người phụ nữ khoảng trên dưới bốn mươi, mặt mũi không được hiền hoà cho lắm. Bà mua tôi về để làm việc đồng áng— tôi biết được là do bà ta đưa cái cuốc ra, ra bộ cuốc cuốc rồi nheo mắt nhìn tôi. Tất nhiên, tôi gật lấy gật để, gì chứ trồng trọt thì tôi khá quen thuộc.

Ai mà biết về sau tôi sẽ trả giá cho suy nghĩ ngây thơ này, cuộc đời đúng là biết đâu được chữ "ngờ" mà.

Người phụ nữ đó dẫn tôi ra khỏi trại nô lệ, ném cho tôi cái cuốc để tôi vác thay, còn bản thân thì cầm chắc sợi dây xích nối vào cổ tôi.

Tôi ủ dột nhìn sợi xích trên cổ mình, trông như xích chó vậy, não cả ruột.

Thôi kệ đi, không vào nhà thổ là tốt rồi.

Tôi vác cuốc đi theo người phụ nữ trên con đường đông đúc toàn người là người, lòng bàn chân vẫn còn đau nên phải quắp mấy ngón chân lại. Nhưng người phụ nữ đi khá nhanh, tôi không duy trì tư thế đó được lâu, rốt cuộc phải duỗi ngón chân ra. Lúc đầu đau muốn chết, nhưng một lúc sau lại dần quen, không còn thấy đau đớn khó chịu như trước. Âu cũng là trong cái rủi có cái may.

Hôm qua lúc bị Nirduri dẫn đi, tôi đang bồn chồn nên chỉ quan sát được một chút, hôm nay mới có tâm trạng nhìn ngắm cái gọi là văn minh cổ đại.

Giọng rao hàng lanh lảnh tràn ngập lỗ tai khiến tôi có chút choáng ngợp. Tôi cố gắng định thần, mắt mở to, hết ngắm người ta lại ngắm mấy căn nhà trên phố.

Để ý mới thấy, người dân ở đây không hề mặc chỉ một kiểu quần áo như tôi lầm tưởng. Ngoài kiểu quấn vải quanh người rồi vắt lên vai ra, rõ ràng là có rất nhiều kiểu khác. Cả đàn ông và phụ nữ đa số đều mặc trang phục dài tới mắt cá, có bộ còn được cắt may đàng hoàng (tôi cứ tưởng là không có kim chỉ chứ!), tay ngắn có mà không tay cũng có, tay dài thì khá hiếm, có lẽ do thời tiết nóng nực. Mấy người trông có vẻ giàu giàu, chất liệu quần áo không những tốt mà còn có hoạ tiết rực rỡ, trang sức xúng xính, đi đến đâu kêu leng keng đến đó, vô cùng nổi bật. Tuy nhiên, không thấy có bóng dáng của trang sức bằng vàng. Tôi chỉ mới nhìn thấy vàng trong ziggurat, chắc là chỉ có ông vua xấu xa kia mới có?

Tôi ngắm người chán chê, lại quay sang ngắm hàng quán. Hàng hoá mà bọn họ bán cũng đa dạng vô cùng, chẳng thua kém phố mua sắm ở Fuyuki là bao. Ngoài các quầy bán thịt, trái cây, rau củ ra, còn có quầy vải vóc, đồ gốm, trang sức... gia súc?! Ối cha, bán gia súc ngoài đường vậy cũng được nữa hả? Còn có cái quầy đầy mảnh đất sét vẽ đầy hình thù kì quái này là cái gì? Còn cái kia, hình như là yên ngựa, à không, yên bò, yên cừu? Móng cũng có luôn, ở ngay bên ngoài lò rèn. Trời, lại còn quầy thuốc, thuốc bán ngoài đường ổn không, không sợ bị nhiễm trùng sao? Oa, ở đây cũng có hàng rong nè, bán đồ nướng, chẳng rõ là gì, nhưng trông có vẻ ngon ghê, mùi cũng thơm phưng phức làm bụng tôi sôi sùng sục, đúng là tinh thần ăn vặt thời nào cũng có.

Ôi thần ơi, tôi muốn nán lại ngó nghiêng lắm, nhưng bà chủ (tạm gọi) của tôi cứ đi hoài đi hoài. Sợ tâm hồn thiếu nữ của mình lại la cà theo hàng quán quên cả bước đi để rồi bị dây xích thít cổ, tôi buộc phải lắc lắc đầu, chuyển sự chú ý sang nhà cửa. Nhà ở nơi này đều xây bằng bùn đất, kiến trúc hình hộp chữ nhật trông khá đơn giản, đa số nhà chỉ có một tầng, một số ít ở khu vực xung quanh ziggurat có hai tầng, sơn màu trắng hoặc giữ nguyên màu đất, cửa sổ bé bé xinh xinh gần sát trần nhà, cổng vào trang trí bằng mái che hoặc vòm hoa, có hoa giấy, hoa hồng leo, hoa ti-gôn, thường xuân... và còn một số loại tôi không nhận ra nữa. Điều khiến tôi ngạc nhiên là, khu dân cư này được quy hoạch rất đàng hoàng thẳng thớm, các dãy nhà đều tăm tắp, đường lát đá màu xám, hai bên lề thỉnh thoảng lại có cây cọ, cây dừa, nhìn tổng thể thành phố trông rất trật tự, quy củ mà vẫn tươi mát và tràn ngập sức sống.

Ấy vậy mà điều khiến tôi ngạc nhiên vẫn chưa hết.

Bà chủ dẫn tôi đi về phía bên trái ziggurat. Khu bên trái này có nhiều nhà trồng cây ăn quả, mát mẻ hơn hẳn khu nhà cửa san sát ban nãy tôi đi qua. Hệ thống tưới tiêu của họ rất tiên tiến, có nhiều dụng cụ trông khéo léo hay ho như máng dẫn nước, vòi tưới... đủ phức tạp để khiến tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn mãi vẫn chẳng biết họ chế tạo chúng thế nào. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chưa dừng lại ở đấy, lúc tôi đi qua một cây cầu bắc ngang dòng sông nhỏ phía sau ziggurat, tôi không nhịn được, đứng lại trầm trồ.

Cái cầu này có trụ cầu nối nhau bằng những cái vòm hình bán nguyệt, trông như cầu Alcantara[2] ấy. Ơ mà khoan, nhìn kĩ lại thì chẳng phải dòng sông này là... kênh đào?? A, hào nước quanh ziggurat dẫn ra con kênh này luôn kìa! Woa, woaaa, vậy ra họ đào hẳn một cái kênh từ tận con sông ngoài kia vào trong này, rồi xây một cái cầu ngang qua nó, không quên chừa chỗ cho thuyền đi qua? Thánh thần thiên địa ơi, vừa đầy đủ chức năng vừa chú ý thẩm mỹ, người Uruk giỏi ghê... Đây, đây rốt cuộc là thế kỉ thứ bao nhiêu ấy nhỉ??

Đang suy tư, bỗng dưng cổ đau điếng. Bà chủ miệng quát tôi, tay kéo dây xích, tay vỗ đầu tôi bôm bốp. Tôi mím môi chịu đựng, dù sao cũng là do tôi xao nhãng trước... Nhưng mà sao người ở đây thích đánh vào đầu thế nhỉ!! >__<

Thấy bà ta có xu hướng điên máu hơn khi tôi cứ im ỉm, tôi đành nói vài lần từ "xin lỗi" mà Zikia đã dạy tôi để bà ta bớt nóng. Buồn thật đấy, Zikia dạy bao nhiêu mà tôi chỉ nhớ được mỗi "Cảm ơn" và "Xin lỗi", may mà có ích trong trường hợp này, bà chủ rốt cuộc không đánh tôi nữa, hậm hực nói cái gì đó, có lẽ là cảnh cáo tôi vì bà ta nói đi kèm với trừng mắt. Hừ, biết tôi không hiểu mà nói lắm thế không biết! ( ・̆ ・̆ ) Chậc, nghĩ thì nghĩ vậy thôi... chứ tôi nào dám hó hé cái gì. Tôi áp dụng quy tắc im lặng là vàng, lặng lẽ chờ bà ta răn đe xong rồi lại lặng lẽ đi theo bà ta, mọi tâm tư ngó nghiêng đều bị đánh bay mất sạch.

Người đi trước kẻ đi sau trong im lặng, dần dần ra khỏi trung tâm khu dân cư. Càng ra xa nhà cửa càng thưa thớt, nhường chỗ cho các cánh đồng lúa mạch và lúa mì, hệ thống máng nước tưới tiêu cũng dày đặc hơn. Đi tiếp khoảng mười phút, tôi rốt cuộc đến nơi sẽ là chỗ ở sắp tới của mình: Một căn nhà hai tầng với một cánh đồng lúa mạch và vườn cây ăn quả rộng lớn.

Bà chủ dẫn tôi ra phía sau căn nhà, hướng tới một căn phòng nhỏ trông như cái kho, tôi đoán chừng đó sẽ là phòng của tôi.

Vén tấm bạt che lối vào lên, nhìn căn phòng bừa bộn đầy dụng cụ trồng trọt, gạch vụn, gốm vỡ và vỏ lúa mì, lòng tự nhủ, đây là kết quả tốt nhất rồi, không, phải nói là tôi đã vô cùng, vô cùng may mắn mới đúng. Ít nhất là có tường gạch mái che— Á đau!

Tay bị bà chủ tát mạnh một cái, cái cuốc cũng bị giật lấy.

Bà ta lại mắng tôi cái gì đó, đồng thời dí ngón trỏ vào đầu tôi. Bà ta ném cái cuốc vào đống cỏ khô, sau đó lôi tôi ra khỏi nhà kho, lôi một mạch đến vườn cây ăn quả rồi dừng chân trước một cái chòi nhỏ.

Bà ta để tôi đứng tồng ngồng ở nơi này, đi vào trong nhà một lúc rồi lại trở ra, đến chỗ tôi, ném một cái bọc vải vào trong chòi.

"..." Tôi nhìn cái bọc vải bung ra, để lộ bộ quần áo bẩn thỉu, gối đầu bện bằng cỏ khô và tấm chăn rách bươm, rồi lại nhìn cái chòi, lòng chết lặng.

Hoá ra đây mới là "phòng" của tôi.

Hết chương 16.
yeuhusky 15/2/2019.

▓█▓█▓█▓█▓█▓█

[1] Rosa - Violet UK.
[2] Cầu Alcantara:

Thế này đã là gì hihi, con gái yêu, đợi đến khi con đơn phương cái lão nào đấy, con mới thực sự là câm nín toàn tập :3
Btw, cái hình phía trên cùng của chương này chỉ là hình minh hoạ cho dễ tưởng tượng thôi nha, chứ quy hoạch Uruk trong truyện này không giống đâu.
Đại loại là như này:
- Ở ngoài vịnh có cái tháp.
- Hai con sông chia làm hai hướng chạy vào đất liền, Uruk kẹp ở giữa.
- Có 2 khu dân cư dọc con sông Idigna (sông Tigris/Ti-grơ đó), ở một khúc sông có nơi neo thuyền và chỗ gửi xe để đi vào khu dân cư chính, to nhất, nơi có ziggurat (t gọi tắt khu này là thành phố nhé).
- Trong thành phố, nhà cửa được quy hoạch vây xung quanh ziggurat, càng gần ziggurat càng giàu có.
- Ziggurat có bốn bậc tháp, chỗ Gil hay ăn chơi và làm việc là bậc cao nhất, nhưng vì có một cái đài nhỏ ở trên nên Aria nhìn nhầm thành bậc thứ hai, cái này và một số phòng khác trong ziggurat t sẽ viết sau. Ziggurat có cầu thang chạy từ dưới mặt đất lên bậc 2, xong thêm một cái cầu thang lên bậc cao nhất, xung quanh là hào nước, lối đi qua hào phải có lính gác khởi động cơ quan mới mở được.
- Hào nước nối liền với con kênh lớn đào từ sông Purattu (Euphrates/Ơ-phrát), trên sông có một cây cầu nhỏ. Nghĩa là phía sau ziggurat là con kênh, rồi mới đến nhà dân.
- Nhà bà chủ của Aria ở ngoại ô. Sản xuất nông nghiệp + chăn nuôi chủ yếu là ở khu vực này.

-> Tạm vậy đi. Tốn chất xám qué T^T

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro