3.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một hôm, trong lúc được nghỉ hè, năm đứa tôi tụ tập với nhau lại quán hủ tiếu gõ của chú Thương.

Chú Thương hồi xưa hoạt động cho cách mạng ở Sài Gòn, chú bán hủ tiếu gõ để nguỵ trang không bị bọn Mỹ-Diệm bắt. Sau này xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, chú bán tiếp hủ tiếu gõ do đam mê.

Mỗi lần lại quán chú ăn, chú lại khoe mẻ với năm đứa tôi rằng chú được chứng kiến thời khắc lịch sử trọng đại đó - thời khắc chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Trong lúc đó thì tôi với con Kỳ, con Lâm, con Hiền vừa ra đời được mấy ngày, Tú Anh thì đang đang trong bụng mẹ.

Bây giờ Hiền, Tú Anh 14, tụi tôi 15, do nó sinh cuối tháng 3, tháng 9 tụi tôi thì tháng 2, đầu tháng 3.

Khi vào học lớp Mười, con gái phải mặc áo dài. Hiền nó đẹp, nó dịu dàng, mặc lên mình tà áo dài rất ra dáng thiếu nữ, nó cũng nói nhiều hơn. Vừa vào trường, nó được mấy anh lớp Mười Hai cua quá trời. Lớp Mười Hai nên bạo hơn mấy đứa con nít, bởi vậy tôi cũng không can thiệp vào được, không từ chối hộ con Hiền được nữa. Cũng may, con Hiền vẫn không chịu ai. Thử tưởng tượng nó có bồ, tôi buồn biết bao.

Tôi thì không định kiếm người thương đâu, cũng không lấy chồng. Tôi muốn xây dựng đất nước, nước mình còn nghèo, còn khổ tôi hơi đâu mà yêu đương.

Bởi vậy khi con Kỳ hỏi đám tụi tôi học đại học gì, tôi nói tôi học sư phạm, để sau này dạy cho mấy đứa trẻ biết nước ta vĩ đại cỡ nào.

- Học sư phạm là làm cô giáo hả?

- Con Hoan bần vậy mà làm cô giáo hả mậy?

Tụi nó hay chọc tôi như thế. Mà tụi nó chọc vậy cũng phải. Trong năm đứa, tôi là đứa chữ xấu nhất còn quậy nhất nữa. Tôi hay bị thầy phạt thụt xì dầu ba vòng sân trường.

Mà những lần tụi nó chê tôi cái gì thì con Hiền cũng bênh tôi hết. Bởi vậy tôi thương nó dữ lắm luôn. Từ khi lên lớp Bảy, tôi lấy lại can đảm, xách đàn hát tình ca cho nó, nó cũng khen hết lời, không còn chê như trước nữa. Tôi không biết nó khen thật hay là do sợ tôi giận lẫy nó một tuần liền. Nhưng được nó khen là tôi vui rồi.

Mỗi ngày tôi chở nó đi học về thì tôi sẽ hát sơ trước đoạn hay nhất của một bài rồi khi ghé qua nhà tôi, toàn mới đàn hát hoàn chỉnh cho nó.

Hiền nó khoái tôi hát nhất là bài "Bến xuân" của Văn Cao và Phạm Duy. Tôi thì không, câu chuyện đằng sau éo le và buồn quá. Hiền nó được nhiều người thích, tôi sợ sau này chuyện tình của nó cũng buồn như vậy.

Nửa năm sau đó, ba con Hiền mất, tức bác Lê.

Ngày nó buồn nhất chính là hôm nay.

Lúc nghe tin là tôi và Hiền vẫn đang ngồi học. Chú Hà là anh em chí cốt với bác Lê báo tin cho nó biết. Nó gục ngay tại lớp, cứ trưng mắt nhìn vào khoảng không như thể nó không tin điều mình vừa nghe được, nó không tin ba nó chẳng sẽ bao giờ cười hiền xoa đầu tóc rối bù của nó nữa. Một lúc sau nó oà khóc thật lớn, mặc kệ bao nhiêu ánh nhìn tội nghiệp, thương cảm giáng vào nó. Hiền nó lúc nào cũng mạnh mẽ, dường như tôi chưa từng thấy nó khóc. Nhưng mạnh mẽ đến đâu khi nghe tin người quan trọng nhất của mình chết đi cũng phải bật khóc thôi. Giờ con Hiền mà đùng một cái biến mất chắc tôi không tha thiết sống nữa...

Hiền nó không còn mẹ từ nhỏ, một mình bác Lê gà trống nuôi con. Giờ bác Lê cũng không còn, con Hiền hẳn cô đơn lắm.

Bác Lê mất do lên cơn đau tim đột ngột trong lúc làm việc. Hồi đó bác cũng đi lính nhưng sau này mắc bệnh tim nên chỉ ở hậu cần hỗ trợ đồng bào. Bác Lê hay tâm sự với tôi tiếc là những năm cuối cùng giành lại độc lập, chủ quyền, bác không thể ra trận. Giờ bác mất đi vì bệnh, chắc bác cũng tiếc bản thân chết không phải vì hy sinh cho đất nước.

Bác Lê mất đi, con Hiền được hưởng toàn bộ tài sản của bác. Khi bác mất, căn nhà vẫn như xưa, chẳng thay đổi gì nhiều, chỉ có cái ăng-ten mục rỉ chẳng còn ai ở đó chỉnh nó để chiếu ti-vi cho bà con coi nữa rồi.

Tôi xem bác Lê như cha ruột của mình. Bác Lê mất, tôi cũng buồn không tả được, có điều tôi không khóc đến xỉu như con Hiền. Chỉ là tôi cảm giác bác Lê chưa hoàn toàn biến mất. Sâu thẳm trong trái tim, tôi vẫn đang đợi bác về nhà mỗi 6 giờ tối khi tan làm. Cảm giác mất mát mơ hồ trong tôi, nhưng mỗi lần tôi nhìn vào tấm ảnh thờ của bác Lê, tôi chẳng sao giấu được những giọt nước mắt mặn chát. Lúc này tôi hiểu cảm giác thì mập mờ, không rõ, nhưng bác Lê đã mất là sự thật.

Sau cú sốc kinh hoàng đó, Hiền nó sụt cân, người vốn gầy gò nay càng gầy gì hơn, mặt nó tiều tuỵ, chẳng còn gì nét sức sống ngập tràn của tuổi trẻ. Tôi biết nó khổ, cũng chẳng thể giúp được gì hơn, tôi phụ nó mai táng bác Lê, cũng kêu nó qua nhà tôi ăn cơm hằng ngày cho nó đỡ đau buồn.

Bác mất đi, tôi lại thấy hình ảnh bác qua mắt của con Hiền, như đang căn dặn tôi phải chăm sóc thật tốt cho nó. Có lẽ do tôi tự tưởng tượng, nhưng tôi nhất quyết phải bảo vệ con Hiền đến cùng.

Có một ngày đã qua cái chết của bác Lê một thời gian, tôi chở Hiền về nhà mình, nó đột nhiên nói với tôi một câu:

- Giờ Hiền không còn ai nữa, Hoan nhất định không được bỏ Hiền đó!

Tôi chỉ cười không đáp, im lặng để tận hưởng không khí Sài Gòn buổi chiều.

Chuyện của ngày mai ai mà biết trước được. Giờ đã thời bình nhưng biết đâu được, thằng Mỹ thằng Pháp nó lại quay lại đàn áp dân mình nữa. Giống như ông nội tôi hồi đó được phong danh hiệu chiến sĩ dũng cảm, đánh đuổi Pháp đến cùng rồi bị thằng Mỹ bắn chết ngay khi vừa kết thúc chiến tranh Đông Dương lần 1. Tất nhiên dù có bao nhiêu cuộc chiến vô nghĩa đi nữa, nước ta sẽ thắng, sẽ giành lại chủ quyền. Có điều sẽ có người hy sinh và tôi thì không ngần ngại hy sinh cho độc lập Tổ quốc.

Mà con Hiền nó buồn như vậy, tôi cũng không nỡ bỏ nó lại. Nó hẳn cũng sẽ như tôi, sẽ khóc đến sưng mắt, khóc đến tê dại, khóc đến không còn nữa.

Giờ bắt tôi rời xa nó, tôi cũng không chịu nổi.









Tâm sự của tác giả: có lẽ mình miêu tả cảm xúc của cả hai khi bác Lê mất không được buồn, không được đau đớn để thoả mãn mọi người. Nhưng đó là mình đã dùng tất cả ngôn từ của bản thân để "chép" lại cảm xúc của mình. Bởi trong năm nay, mới tháng vừa rồi thôi, mình mất đi người cha thứ hai của mình. Cảm giác của mình cũng mơ hồ, mập mờ và đến giờ vẫn không tin người đó đã biến mất vĩnh viễn. Và mình rất hối hận những điều không thể làm tốt hơn với thầy của mình. Mình thật lòng xin lỗi các bạn độc giả và cũng xin lỗi cảm xúc của bản thân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro