3. Khai Thiên vương - Lý Phật Mã

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thanh Oai (1) là huyện thống hạt của phủ Ứng Hòa ... Thành phủ đắp bằng đất, chu vi 132 trượng, cao 7 thước, dài 7 thước 5 tấc. Phía sau và phía trái có hào rộng 1 trượng, sâu 3 thước. Mở hai cửa phía trước và phía sau.

(1) Huyện Thanh Oai 清威縣 : thời Ngô Đinh Lê là đất hương Đỗ Động (cũng gọi là Đỗ Động Giang) khu vực cát cứ của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc.

Bên ngoài thành Thăng Long, thương nhân thường tỏa đi khắp nơi tìm những nguồn hàng tốt để mang đi trao đổi và buôn bán. Lần này một nhóm người trong số họ nhắm đến Lụa hoa ở Minh Thụy (2), nơi ấy cách Kinh Thành áng chừng chưa đầy nửa ngày đường, vì vậy họ quyết định đi xem một chuyến.

Lan Quỳnh ngồi bên đường nghe ngóng, mãi đến khi người nọ chỉnh lại áo quần chuẩn bị lên đường, cô mới đuổi theo tỏ ý muốn đi cùng. Những tên lái buôn quan sát cô một hồi, thấy đầu tóc bông xù, lại ăn mặc chẳng khác gì những tên ăn xin, đoán cũng chẳng phải kẻ đi buôn, không có ý định lấy đi nguồn hàng của họ nên cũng đồng ý để cô đi cùng.

Đến gần Minh Thụy, Lan Quỳnh dứt khoát nghỉ lại, cô không muốn tiếp tục đi theo những người lái buôn kia nữa. Bọn họ mất đúng nửa ngày để đi được đến đây. Lan Quỳnh là con gái, lại quen với cuộc sống thuận tiện , suốt hai mươi năm  gần như chẳng bao giờ phải đi bộ liên tục quá bốn cây số . Khi trước đi cùng Văn Thịnh mất cả tuần lễ mới về đến Kinh Thành, quãng đường khi ấy cũng rất dài, song Văn Thịnh để cô vừa đi vừa nghỉ, lại nhiều lần lên thuyền, vậy nên cơ thể vẫn có thể chịu đựng được.

"Ngươi yếu quá, đi một hồi đã không chịu nổi vậy còn làm ăn được gì nữa."

Một tên khác đứng chắp tay tiếp lời

"Thôi vậy, dù sao cũng gần đến nơi rồi, nếu muốn đi tiếp thì cứ hỏi người đi đường, bọn ta không chờ ngươi nữa."

Lan Quỳnh vừa bóp chân, hơi ngước lên nói

"Không sao, không sao, đi được đến đây là tốt lắm rồi. Cảm ơn các vị đã cho tôi đi cùng. Tôi cũng định ở lại đây thôi, chúc các vị thượng lộ bình an nhé."

Minh Thụy thuộc tổng Ước Lễ, nơi ấy có loại lụa mịn rất đẹp, khi dệt có cải sợi ngang sợi dọc cho nổi hoa văn. Mà nơi Lan Quỳnh dừng chân chính là vùng đất Tín Hương, đi từ đây đến Minh Thụy sẽ mất thêm một đoạn thời gian nữa.

---------------------------------------------------------------------------------

Tín Hương (3) không có danh thắng nổi bật, vì vậy người dân xem trọng phong tục, tập quán, thường xuyên tổ chức lễ hội để níu chân những người từ nơi phương xa. Người dân nơi đây thật thà trung hậu lại mến khách, họ thường dựng những lều chõng ven đường để cho những người đi xa nghỉ ngơi, tá túc.

Sau một chiều gõ cửa nhà dân, Lan Quỳnh được một người trong làng tốt bụng cho nghỉ nhờ tại nhà của họ. Tuy rằng ở đây không thể sánh bằng với ngôi nhà của Văn Thịnh ở Kinh Thành, nhưng cô không phải chịu sự giám sát của bất cứ ai, cũng coi như tạm thời bỏ được nỗi lo trong lòng, ứ thế Lan Quỳnh ở lại Tín Hương suốt mấy tháng trời. 

--------------------------------------------------------------------------------

Hiện đã là đầu tháng năm , việc chuẩn bị cho vụ mùa của người dân ngày càng khẩn trương. Ở Tín Hương, một phần ba số ruộng là ruộng công xã.

Ruộng đất ở thời kì này được đặt trực tiếp dưới sự quản lí của nhà nước. Ngoài ruộng quốc khố được canh tác bởi chính trâu cày, nông cụ của nhà nước thì nhà Vua còn đặt sự quan tâm vào cả ruộng tịch điền – loại ruộng nghi lễ mà hoa lợi chủ yếu dùng vào việc cúng tế.

"Nghe nói Đức Vua hai hôm trước đã làm lễ tịch điền, náo nhiệt vô cùng"

"Chúng ta cũng làm lễ ... năm nay còn có các quan về trông coi"

Lan Quỳnh không biết làm nông, đặc biệt là việc lội ruộng cấy lúa. Những ngày ở đây, cô thường phụ việc làm cỏ hoặc đi theo lũ trẻ trông trâu, trông bò. Những việc này không nặng nhọc, nó nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những công việc mà những người con gái bằng tuổi cô trong làng phải làm. Có lẽ bởi cô là người từ nơi khác đến, phần vì có hoa tay, biết vẽ, lại giỏi nói chuyện nên mới được ưu ái hơn. Nhiều người trong làng thường rỉ tai nhau nói, phải chi mà cô biết chữ thì hẳn ở tuổi này đã được gả vào được một nhà tốt.

Họ cũng mong con cái mình biết chữ, khổ nỗi thời đại này những gia đình làm nông như họ không dư dả tiền bạc để mời thầy về dạy. Những đứa con của họ, dù là trai hay gái cũng sớm làm việc phụ giúp cha mẹ, đến tuổi thì thành gia lập thất, sinh con đẻ cái, một nhà đủ ăn đủ mặc đã được coi là rất hạnh phúc rồi.

Hôm nay nghe tới chuyện có quan lớn từ Kinh về thăm nom chuyện làm nông nên người dân nô nức kéo nhau đi xem, vây kín cả một vùng. Những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn Lan Quỳnh thậm chí còn thi nhau trèo lên cây để được nhìn thấy quan lớn – những người được miêu tả là vô cùng oai vệ trong lời nói của cha mẹ chúng.

Không lâu sau, người chủ trì nghi lễ bước ra. Người đàn ông già chầm chậm bước tới chính là quan đứng đầu Tín Hương, tiếp đến là hai chàng trai, người trước người sau từ tốn quan sát.

Lan Quỳnh mở to mắt, rồi cụp đầu xuống. Khoảng cách giữa cô và người kia không gần nhưng cũng vừa đủ để một người "tinh"  nhận ra – là Văn Thịnh. Sau khoảng thời gian ấy, cô từng nghĩ đến nhiều tình huống khi hai người gặp lại, rằng Văn Thịnh sẽ đưa người lùng sục cô khắp mọi nơi vì cậu cho rằng cô là một tên nội gián nguy hiểm mà nước nào đó cử đến, sau đó bắt nhốt rồi đợi lệnh chém đầu. Thế nhưng trong suốt hai tháng này, cô vẫn bình an mà sống.

Tín Hương là vùng đất tốt, lại không quá xa Kinh Thành, phần lớn thời gian Lan Quỳnh vẽ tranh cho quan lại, quý tộc để tìm kiếm thông tin của món bảo vật. Thế nhưng lượng thông tin mà cô đổi được là rất ít, không thể suy đoán được bất cứ điều gì. Vậy nên cô định sẽ quay trở lại Kinh Thành, tiếp tục dùng chút tài lẻ của mình để dò la thông tin.

Theo thông lệ, Thái tử sẽ cùng Vua và các quan lớn làm lễ ở Thành Thăng Long, song lần này Thái tử xin Vua cha được tự mình đi giám sát, làm lễ ở một nơi khác ngoài thành. Tín Hương - Đỗ Động Giang là một nơi tốt, lại gián tiếp được cai quản bởi Đào Khiêm, vậy nên Thái tử dứt khoát chọn nơi đây làm điểm đến của mình.

Hữu Minh nheo mắt nhìn xung quanh, trước khi Lan Quỳnh kịp cúi đầu, cậu đã nhìn ra cô, thậm chí còn nhìn thấy vẻ hoảng hốt, tay bên trái vội lấy bùn đất bôi lên mặt. Hành động này có phần thái quá, hẳn cô cũng nhìn ra cậu, và có lẽ ngày hôm ấy cô cũng dùng chính cách này để qua mặt bọn gia nô dù cho chúng có đem theo cả bức họa của cô được vẽ vội.

Trong lòng Hữu Minh bất ngờ, cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều, chí ít gặp lại lại cô trong hoàn cảnh này cũng làm cậu yên tâm hơn so với tưởng tượng.

Thái tử chuẩn bị cẩn thận, nghiêm túc làm từng bước trong nghi lễ, dân chúng đứng xung quanh xem, Lan Quỳnh cũng lén nhìn một chút, các quan tấm tắc khen rồi nói với người dân về đất, nước, độ nông sâu tiêu chuẩn của một đường cày và cả về hạt giống của vụ lúa này.

Lan Quỳnh cảm thấy Hữu Minh đã nhận ra mình, ít nhất là thấy cô nhìn có vẻ quen mắt. Cô không nghĩ trình độ hóa trang của mình cao siêu như những bộ phim truyền hình cổ trang, bôi đất, bùn lên mặt cũng chỉ khiến vẻ ngoài cũng trông có vẻ luộm thuộm, hoặc đủ che mắt những kẻ chưa từng nhìn thấy gương mặt thật hay chỉ nhìn qua tranh vẽ. Hữu Minh đã biết gương mặt của nàng, cũng từng nhìn thấy cô trong thường phục, vì vậy chút bùn đất mà cô bôi lên không thể làm khó được cậu.

--------------------------------------------------------------------------------

Kết thúc lễ tịch điền, Thái tử tận tâm căn dặn vài điều, phần còn lại sau đó được giao cho dân chúng. Các quan theo hầu Hoàng Thái Tử rửa tay, chỉnh trang lại thường phục, vừa đi họ vừa nói về những điểm tốt của vùng đất này.

Trịnh Khánh là quan của Tín Hương, ông cũng là người được dân chúng kính nể, tin tưởng. Cả đời này, đối với ông việc vinh dự nhất có lẽ chính là được theo hầu Thái Tử ở ngay chính vùng đất mà bản thân được sinh ra.

"Bẩm, Tín Hương là nơi đất lành thu hút người tài. Dạo gần đây có một cô gái dừng chân ở nơi thần cai quản, quả là có tài hơn người, không biết Thái Tử có muốn gặp một chút không?"

Đây là chủ ý của tên hầu thân cận Trịnh Khánh, hắn nói với ông về Lan Quỳnh, tranh của cô quả thực khác biệt so với đa số những danh họa thời bấy giờ, cũng được xem như có tiếng trong vùng. Ngay cả bức tranh mà ông sai hắn đi tìm người vẽ, được treo ngay trong chính sảnh của phủ cũng là do Lan Quỳnh vẽ. Trịnh Khánh không phải người hẹp hòi, miễn có thể khiến Thái Tử vừa ý, cho dù không phải con cháu, ông cũng sẵn lòng tiến cử.

Tên hầu thân cận thấy chủ ý của mình được chấp thuận, gánh nặng trong lòng hắn cũng được cởi bỏ, hắn lặng lẽ lau những giọt mồ hôi chảy xuống hai bên thái dương, sau đó xin lui để đi tìm Lan Quỳnh.

Ở một nơi khác, Lan Quỳnh vừa ôm giấy, vừa chạy theo tên hầu đang hối thúc, đại khái là cô cũng khá bất ngờ vì vận may của mình đến nhanh như vậy. Một mặt thấy may mắn, một mặt cũng cảm thấy lo sợ vì chút tài mọn của mình không làm Thái tử hài lòng.

Trước mặt đám đông, cô quỳ sụp xuống đất, hai tay dâng qua đầu những bức tranh được chọn lựa kĩ càng, rất nhanh những bức họa được người nhấc lên, sau đó là tiếng loạt soạt mở giấy.

Lan Quỳnh trộm nhìn Thái Tử nhưng lại bắt gặp ánh mắt của Hữu Minh, cậu ta nhìn cô không chớp mắt, bùn đất che được mặt nhưng không che được ánh mắt, cử chỉ, lời nói. Điều duy nhất mà cô có thể làm hiện tại là yên lặng chờ đợi. 

Thái tử xem xong tranh nghe vẻ hài lòng lắm, ngài đưa những xấp giấy ấy cho Hữu Minh, lát sau lại nhìn Lan Quỳnh.

"Ngẩng đầu lên"

Lan Quỳnh hơi giương mặt lên nhưng ánh mắt thì lảng tránh.

Trịnh Khánh thấy gương mặt đầy bùn đất của cô thì giận lắm, ông cũng từng nghe nói con bé này có gương mặt rất thanh tú, ấy thế mà cứ đến dịp quan trọng lại luộm thuộm khó hiểu. Nếu ngày thường thì cũng thôi đi, nhưng lần này là trực tiếp bái kiến Thái Tử....

Thấy được nét mặt dần tái đi của vị quan phụ mẫu, Lan Quỳnh quỳ sụp xuống nhanh nhẹn thưa

"Bẩm, vì được ngài triệu kiến, tôi nhất thời vui sướng quá khích, muốn thật nhanh đến bái kiến ngài. Nào ngờ chạy nhanh quá nên vấp ngã, mới thành ra cơ sự này"

Hữu Minh cười nói với Thái Tử

"Ngài xem, gương mặt này phải ngã bao nhiêu lần mới dính bẩn được đến thế. Có thể thấy được vị tiểu thư này mong được gặp ngài đến nhường nào"

Lan Quỳnh tức giận liếc nhìn Hữu Minh,  lúc được triệu kiến vì lo lắng nên cô mới lỡ tay bôi bùn đất hơi nhiều, nào ngờ lại thành giả như vậy. Cô không biết nói gì mới phải, đôi ba câu nói được sắp xếp trong đầu lại chẳng thể phát ra thành lời. 

"Ngươi có thể vẽ hắn ta không?" Thái tử chỉ tay vào Hữu Minh

"Bẩm, có thể"

Thái tử cho gọi người, ngay sau đó, hai tên hầu nhấc một chiếc bàn, trên đó là giấy, bút và mực, Hữu Minh ngồi trước mặt Lan Quỳnh để cô vừa quan sát vừa vẽ.

Thái tử chăm chú nhìn từng nét bút của Lan Quỳnh, chưa đến nửa canh giờ sau một bức họa được ra đời, tuy có phần hơi khác so với những nét vẽ mà hắn đã từng thấy qua, song thật sự rất giống người thật. Hắn mỉm cười, đưa tay cầm lấy bức họa rồi lại nhìn sang Hữu Minh, cứ thế liên tiếp mấy lần, cuối cùng hỏi cô.

"Ngươi có muốn theo ta về Kinh không?"

Theo? Ý của Thái Tử là muốn thu nhận cô ư? Nghĩa là được làm việc cho ngài?

Hữu Minh thấy Lan Quỳnh chần chừ mãi không đáp, cậu lấy tay ấn vào bả vai của cô một cái

"Thái Tử đang hỏi cô đấy."

Lan Quỳnh ngay lập tức tỉnh lại, cô quỳ rạp người xuống nói

"Được theo hầu ngài là vinh dự của tôi.... Không biết có thể xin ngài một việc không ?"

"Ngươi cứ nói."

Lan Quỳnh hơi ngẩng đầu, ánh mắt hơi bối rối nhìn về phía bên phải

"Sau này hễ rảnh rỗi, tôi có thể học chữ không ạ?"

Thái Tử có vẻ ngạc nhiên nhưng rồi cũng chấp thuận

"Đợi đến khi về Kinh, ta sẽ  tìm người dạy chữ cho ngươi."

Lan Quỳnh cúi đầu cảm tạ, nói thật cô không thích học ngôn ngữ, riêng việc vật lộn với tiếng Anh khi còn học cấp ba cũng khiến cô cảm thấy mệt mỏi chứ đừng nói với kiểu chữ tượng hình như chữ Hán.

Dự là cô sẽ phải sống ở khoảng không gian này rất lâu, vì vậy mới muốn học một ít chữ, biết đâu một ngày nào đó sẽ dùng đến. Vả lại mang tiếng theo hầu việc cho Thái tử mà không biết chữ thì ngượng quá.

Cứ như thế, Lan Quỳnh cắp đồ dùng theo sau Thái Tử. Nói về công việc của cô, Hữu Minh rất nhiệt tình giảng giải. Trước hết cô không phải là thư đồng,  không phải kẻ hầu cận bên cạnh Thái tử. Việc của cô là ngày ngày đến phủ sao chép tranh và đôi khi vẽ địa đồ theo ý muốn của Thái tử.


---------------------------

(2) Minh Thụy: xã thuộc Tổng Ước Lễ - "Minh Thụy dệt lụa hoa, nộp thuế sản phẩm" (Đồng Khánh địa dư chí)

(3) Tín Hương: thuộc Đỗ Động Giang. Vốn dĩ mình định dùng địa danh "Thanh Oai" để viết nhưng trong Đại Việt Sử Kí Toàn Thư có chép "Mùa Hạ, tháng 4, ngày mồng 1, Vua ngự đến Tín Hương ở Đỗ Động Giang cày ruộng tịch điền....(ngày 1 tháng 4 năm Nhâm Thân – 1032) Sử chỉ chép thời Lý Cao Tông hương Thanh Oai bị cướp phá. So sánh hai khoảng thời gian, mình quyết định giữ tên "Tín Hương" và "Đỗ Động Giang" trong thời kì vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông cai trị.

- Ngoài ra nhân vật Hữu Minh, vì ban đầu mình sử dụng một cái tên khác (gọi là tên giả - Văn Thịnh) cho nên xưng hô hiện tại khi các nhân vật chưa hiểu rõ nhau có thể sẽ hơi loạn 1 chút.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro