4. Cung Long Đức (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sáng sớm hôm sau, Lý Phật Mã cùng tùy tùng quay trở lại Kinh Thành, cả đoàn hơn mười người, ngoại trừ những tên hầu thì đều cưỡi ngựa. Toàn bộ đồ đạc của Lan Quỳnh được thư đồng của Thái Tử để vào trong một chiếc hòm, chất lên lưng ngựa, còn bản thân hắn thì đi bộ.

Lan Quỳnh không biết cưỡi ngựa, dự định ban đầu của cô là cùng đi với thư đồng của Thái tử, tiện bề hỏi thăm thêm những việc làm thường ngày của ngài, phần cũng muốn giao lưu nhiều hơn với "đồng nghiệp", tạo ấn tượng tốt để cuộc sống sau này thuận lợi hơn.

Gần đến khi Lan Quỳnh bắt đầu đi cùng thư đồng, vạt áo của cô bị ai đó giữ lại. Cô quay mặt nhìn Văn Thịnh đang níu lấy mình. Cậu kéo cô về phía ngựa của Lý Phật Mã

"Thần đi bộ cùng nàng ta"

Lý Phật Mã nhìn Văn Thịnh một cách khó hiểu

"Có ngựa sao không cưỡi, tội gì phải đi bộ?"

"Lan Quỳnh không biết cưỡi ngựa, thần đi bộ bầu bạn cùng nàng ta"

Lý Phật Mã liếc Văn Thịnh rồi phất tay cho gọi tên trông coi ngựa, ý bảo đem ngựa cho Văn Thịnh

"Hữu Minh, ngươi định kéo dài thời gian để trốn việc ư? Nếu ngươi sợ nàng không thể cưỡi ngựa, vậy thì để nàng ta đi cùng ngươi"

Lan Quỳnh nghe Thái tử gọi Văn Thịnh bằng một cái tên khác, cô thắc mắc

"Hữu Minh?"

Văn Thịnh vờ như không nghe thấy, hướng Lý Phật Mã mà nói khẽ

"Nam nữ thụ thụ bất thân, người làm thế sẽ hủy hoại thanh danh của  Lan Quỳnh."

Lý Phật Mã không hài lòng, ngài nói

"Thanh danh không phải thứ nói mất là mất. Trước mặt người khác, ngươi bớt nói lại"

Văn Thịnh chắp tay xin nghe, mặt khác lại nở nụ cười kéo Lan Quỳnh về phía ngựa của mình. Cậu trèo lên ngựa, một tay cầm dây cương, người hơi nghiêng về phía bên phải, đưa tay ra đón lấy cô

"Là Văn Thịnh hay là Hữu Minh?"

Văn Thịnh tiếp tục ra hiệu để cô trèo lên ngựa, lại nói

"Trên đường về kinh, tôi sẽ nói rõ"

Nghe vậy, Lan Quỳnh nắm lấy tay Văn Thịnh, đu người trèo lên ngựa, ngồi ở phía sau cậu. Lan Quỳnh chỉ cao khoảng một mét sáu mươi nên cả quá trình trèo lên ngựa khá vất vả, ngay cả khi lên được lưng ngựa, cô cũng cố bám thật chắc lấy hai bên vạt áo của Văn Thịnh, chỉ sợ bản thân không cẩn thận sẽ ngã xuống đất.

Đoàn người khởi hành về Kinh, đi trước là hai quan võ, Lý Phật Mã cưỡi ngựa đi giữa để đảm bảo an toàn, cuối cùng là nhóm Văn Thịnh theo sau.

Lan Quỳnh ngồi phía sau Văn Thịnh, đầu cô mới chạm đến vai cậu, vì vậy cô không thể quan sát được phía trước, chỉ có thể quay đầu sang hai bên để nhìn phong cảnh trên đường. Trong lúc ấy, Văn Thịnh nhỏ giọng nói, phá vỡ không khí yên lặng xung quanh hai người.

"Văn Thịnh đưa cô từ biên cảnh trở về Kinh Thành cùng Hữu Minh trong lời nói của Điện Hạ là cùng một người. Hữu Minh là tên thật, do cha tôi đặt cho. Cô cũng biết đấy, tôi khó mà nói tên thật của mình cho một người lạ. Sau này cô cứ gọi tôi là Hữu Minh"

Lan Quỳnh nghe xong cũng gật gù

"Vậy anh đã hết nghi ngờ tôi rồi à?"

Văn Thịnh không đáp thẳng, cậu kể cho cô nghe một câu chuyện

"Không lâu trước kia, Chiêm Thành đem quân đi quấy nhiễu việc buôn bán của dân chúng ở vùng biên cảnh, chặn đứng các nguồn hàng từ nước khác đến Đại Cồ Việt. Bệ hạ tức giận lắm, liền sai Thái tử đi dẹp loạn. Đáng lẽ mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ, nhưng khi đến núi Long Tỵ (1) lại phát hiện có mai phục. May mắn là tướng Đào Thạc Phụ biết được, ngài tương kế tựu kế, cuối cùng chém đầu được tướng Bố Linh ngay tại trận. Sau khi kết thúc trận chiến, Điện hạ truy được một kẻ trong toán quân là nội gián. Đó cũng là lí do vì sao tôi lại đề phòng cô như vậy. Kỳ thực nếu cô ở lại Thăng Long thêm một ngày nữa thì mọi chuyện đã không phức tạp đến vậy. Ngày cô bỏ đi cũng là ngày mà tôi định đưa cô đi gặp chú tôi"

Lan Quỳnh yên lặng, quả thực cô không nghĩ được nhiều đến thế. Việc tự ý bỏ đi của cô khi ấy là một hành động bộc phát, nếu không cẩn thận nó sẽ gây hại đến tính mạng của cô, hoặc xa hơn là liên lụy đến Hữu Minh.

"Vậy người chú trong lời kể của anh là ai?.... Ý tôi ông ấy tên là gì?"

"Là Đào Khiêm, ông ấy giữ chức một chức quan khá tốt trong triều"

Đào Khiêm, cái tên này thực sự rất lạ, trong số những người họ Đào cô biết ở triều nhà Lý, ngoài Đào Thạc Phụ thì cũng chỉ còn Đào Cam Mộc.

Lan Quỳnh mạnh dạn hỏi người phía trước thêm một câu

"Ngài ấy cùng Đào Cam Mộc có quan hệ gì không?"

Hữu Minh lấy làm lạ, cô gái ở phía sau cậu có vẻ hiểu biết nhưng đôi lúc lại hỏi những câu rất dư thừa

"Đào Khiêm, ông ấy là em trai của cha tôi"

Lan Quỳnh ngạc nhiên, hai tay cô nắm chặt hai bên vạt áo của Hữu Minh. Vậy có nghĩa người ngồi trước mình mang họ Đào, là con trai của Đào Cam Mộc. Thế nhưng theo cô được biết, sách sử không hề đề cập đến con cái của vị công thần này.

Suốt dọc đường đội ngũ này vô cùng nghiêm túc, yên lặng, ấy vậy mà không khí nghiêm trang này lại bị Hữu Minh và Lan Quỳnh phá vỡ. Hai người nói khá nhỏ, chỉ vừa đủ để đối phương nghe, song qua khoảng cách của các nhóm người thì những lời ấy trở thành lời xì xào không ngớt. Nhờ vậy mà những kẻ khác đều ngầm hiểu trong lòng rằng Hữu Minh – người thân cận với Thái tử có bằng hữu mới, mà người này lại mới được Thái tử thu nhận.

Đến trưa, đội ngũ dừng lại trước phủ Thái Tử. Lan Quỳnh xuống ngựa sắp xếp lại đồ đạc của mình, theo sau cô mà một anh chàng cao lớn được phân phó cầm đồ. Ngày hôm nay Lý Phật Mã để cô ở tạm điện phụ trong phủ, đợi ngày hôm sau sẽ sắp xếp.

Lý Phật Mã cho gọi một cô hầu đến bên Lan Quỳnh để tiện sinh hoạt trong phủ. Người này đem đến cho cô một bộ trang phục mới, không rõ nó được gọi là gì nhưng có vẻ ít rườm rà hơn những bộ đồ của nữ mà cô từng mặc khi ở lại nhà Hữu Minh. Cô gái được phân phó theo Lan Quỳnh cũng giải thích

"Điện hạ nói tìm cho cô một bộ đồ thoải mái, em thấy dù sao người trong phủ đều biết cô là nữ, mặc trang phục của nam mãi cũng không ổn, chi bằng để cô mặc bộ đồ này, làm việc cũng thuận tiện hơn."

Lan Quỳnh gật đầu cảm ơn, với cô hiện giờ thì trang phục không còn là vấn đề đáng quan tâm nữa. Cô vùi mặt xuống thau nước rồi rửa hết bùn đất trên mặt, lại thay đồ mới, tóc búi sau đầu, gắn thêm một chiếc trâm cố định tóc, trông rất thanh tú.

Cô bước vào sảnh chính phủ Thái tử, đến trước mặt Lý Phật Mã, quỳ xuống

"Lan Quỳnh bái kiến Điện Hạ"

Lý Phật Mã tiến về phía giá sách, với tay lấy một cuộn giấy sau đó rút ra một một bức địa đồ đưa cho cô

"Hôm nay ngươi cứ ở lại phủ nghỉ ngơi, ngày mai hãy chép lại bản này, nếu không hiểu những chú thích trên tranh thì hãy hỏi ta. Chỗ ở sau này của ngươi, ta sẽ suy nghĩ sau"

Lan Quỳnh nhận lấy cuộn tranh từ tay Lý Phật Mã rồi xin lui.

Bức tranh là địa đồ vùng đất Phong Châu. Thật ra cô không giỏi nhìn địa đồ, khi trước cô thường xuyên bị lạc ở ngay trong  thành phố mà mình sinh sống, huống hồ thời đại này bản đồ được vẽ khá đơn giản, đa phần là những dãy núi, sông cùng suối, vài con đường huyết mạch nối các vùng đất lại với nhau. Lan Quỳnh ngắm nhìn bức tranh rồi lấy bút lông vạch ra giấy vài điều.

Trước tiên cần phải biết mục đích sử dụng của bản đồ. Nếu chỉ đơn giản dùng để hiểu phương hướng, tiện bề cai quản, thăm thú thì sao chép lại khá dễ dàng, nhưng nếu được sử dụng trong quân thì lại khác. Đường bộ ở thời đại này là đường đất, lại được chia ra nhiều ngả, nhiều hướng đi, mỗi hướng lại có điểm lợi, hại khác nhau, nắm kĩ được điều này thì khi hành quân mới có thể giành thế chủ động.

Ngoài ra để di chuyển ở thời đại này một cách nhanh chóng nhất đoán chừng phải sử dụng thuyền bè, vì vậy việc chú thích kĩ càng những con sông cùng dòng chảy của chúng là một điều rất cần thiết.

Chẳng mấy chốc trời đã trở tối, sau khi dùng bữa, Lan Quỳnh quay lại với những chú thích trên giấy của mình. Đương nhiên, toàn bộ số chữ đều là chữ Quốc ngữ, ngoại trừ việc quen thuộc ra thì viết như vậy cũng giúp cô bảo mật toàn bộ số thông tin bản thân có.

Viết hết những điều thiếu sót, Lan Quỳnh cẩn thận cuộn bản đồ rồi thắt lại như cũ, cô bỏ chúng sang một bên để hôm sau bẩm lại với Thái tử. Xong xuôi, Lan Quỳnh ngả lưng xuống giường, nhìn bức vẽ món bảo vật ngay bên cạnh cô lại bất chợt thở dài, cứ thế trằn trọc đến hơn nửa đêm mới có thể vào giấc ngủ.

-----------

(1): Núi Long Tỵ: Theo Cương mục, ở địa phận xã Thuần Chất, huyện Bình Chính, tỉnh Quảng Bình, hình thế núi này nhô lên như vòi rồng nên đặt là Long Tỵ. 

(3) Hoàng Đế: Thường thì mọi người thường phân biệt rạch ròi giữa "Vua/Quốc Vương" là "Vua một nước", còn Hoàng đế là "vua của một nước lớn, thường được nhiều nước xung quanh thần phục"

Nhưng mình xin phép được sử dụng từ Hoàng đế trong truyện vì lẽ sau:

- Các đời vua ở nước ta đều có thụy hiệu lấy danh xưng Hoàng đế : Đinh Tiên Hoàng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, Lý Thái Tổ là Thần Vũ Hoàng Đế, Trần Thánh Tông là Tuyên Hiếu Hoàng Đế, Lê Thánh Tông là Thuần Hoàng Đế..... 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro