Những bản trường ca

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ khi có Bà, một trong những điều tốt đẹp của gia đình (đáng được Tổ dân phố tuyên dương), ấy là cả nhà chịu khó về sớm, ăn cơm sớm. Trừ những cua học thêm bắt buộc, tôi bớt lê la đàn đúm – mà nếu có cũng tránh giờ cơm tối. Bố ham chơi của tôi cũng bái bai các cuộc nhậu nhẹt bia bọt để về nhà ngay lập tức sau giờ làm.
Lý do cho tất cả các sự vụ này? Chỉ có một lý do, mang tên... Bà ngoại.
Bữa ăn nào không đủ mặt cả nhà, Bà đều kêu (với những người còn lại), giọng chậm rề nghe rất não lòng:
- Chả có bữa nào cả nhà đông đủ cả. Haiz. Ở nhà Bà ăn một mình buồn lắm, muốn ở với con cháu để ăn cho vui...
Thế là Mẹ nhắc Bố, Tèo cũng nhắc Bố. Tôi thì tự biết thân biết phận rồi. Vậy là mọi chuyện đâu vào đấy: Cứ đúng boong sáu rưỡi, cả nhà ngồi quanh mâm cơm.
Mỗi lúc cả nhà quây quần, Bà lại hỉ hả... cụng ly với Bố:
- Không đâu bằng cơn nhà, bố Tèo có công nhận không?
Bố uống hết chén rượu của mình nhưng cung không (dám) uống thêm nữa. Bà vẫn bảo: "Con uống nữa đi!" nhưng lại thêm vào: "Bà chỉ uống một chén thôi, uống say người ta cười cho, bảo bà kia ngã dúi ngã dụi vì say rượu thì xấu hổ lắm!"
Tương tự bài ca "cả nhà đông đủ", khúc "nhậu nhẹt xấu xí được Bà bền bỉ ca hằng ngày. Đến nỗi Bố không đi nhậu, cũng chả buồn uống rượu ở nhà nữa. Có hôm, Mẹ hỏi Bố:
- Rốt cục anh cũng thấy rượu có hại rồi à?
- Khồng.
- Thế anh... kiêng rượu ư?
- Ừ. Nghe Bà nói còn mệt hơn là uống!
Mẹ quay đi, cố nén cười. Nhưng mà cho dù việc Bố không nhậu nhẹt là một việc tốt, thì tôi cũng rất ư là cảm thông với Bố, vì tôi cũng có chung nỗi khổ với những bản trường ca của Bà. Rất đau lòng khi phải nói là: Tôi rất sợ mỗi khi Bà nhận được thiệp mời cưới.
Nghìn lần như một , Bà sẽ "ca" với tôi:
- Kem, ngồi đây Bà kể cho cháu nghe này. Khi bà bằng tuổi cháu bây giờ, ông bà đã cưới nhau. Khi mẹ cháu bằng tuổi cháu bây giờ, bố mẹ cháu đã tìm hiểu nhau. Chị này hơn cháu có hai tuổi, giờ đã có con; chị kia hơn cháu một tuổi, đã có người đến chạm ngõ...
Nói chung, tỉ lệ thuận với số thiệp mời mà Bà nhận được, khúc ca ngày càng được nối dài. Để rồi chốt lại một câu, luôn luôn và luôn luôn là:
- Cháu liệu đường cho bà ăn cỗ chứ? Bà già rồi, chả sống được bao nhiêu nữa đâu...
Tôi ôm đầu, thở dài sướt sườn sượt. Có nói "YOLO" với Bà hai tỉ lần đi chăng nữa, thì Bà vẫn khăng khăng: "Con gái nó có thì!".
- Cứ như là đi trên hai đường thẳng song song ấy. Chuyện chả ra làm sao cả, tớ chả thấy tí liên quan logic gì luôn! – Tôi thở than với Kính.
- Ờ thì cứ để bà nói cho vui! – Kính cười khì khì.
Nhưng tôi chả thấy vui gì cả, khi mà Bà cứ cố tình nhè lúc có Kính tới thì lại ca bài "cho bà ăn cỗ". (nghĩa là bình thường Bà đã ca bài í "n" lần thì Kính sẽ là "n+1", +2, +3, tùy hứng). Rồi tối về tì Bà sẽ tường thuật lại vụ Kính ghé qua, bằng cái giọng điệu rất ư là... hồng rực.
- Hôm nay bạn trai của Kem đến, nó ngồi chơi với bà cả chiều. (Chính xác là Kính ngồi xem TV với Bà hai mươi phút trong lúc đợi tôi tìm cho cuốn sách).
- Hôm nay bạn trai của Kem ăn cơm ở đây. (Bữa ấy Kính chạy qua đèo tôi đi học thêm, ngủ quên chưa kịp ăn trưa, hỏi còn cơm không cho nó bát ăn tạm).
- Bạn trai của Kem mua cam biếu bà. (Đúng ra là mẹ của Kính, biết Bà đang ở đây nên gửi biếu Bà.)
Chả biết phải làm gì, tôi quay ra gầm gừ với con Nhợn. Hẳn là mặt mũi tôi khi đó quạu cọ ghê lắm. Mẹ đá chân tôi dưới gầm bàn, nói khe khẽ khỏi Bà nghe thấy:
- Để yên cho Bà nói đi con. Mày làm Bà dỗi, Bà không ở đây nữa thì sao?
Bà về nhà, lọ mọ một mình, ăn uống không đúng bữa, có khi lại chán chả buồn nấu. Bà dù có tinh anh nhưng không phải lúc nào cũng minh mẫn. Ngay cả ở nhà tôi, có khi lạnh Bà cũng quên không đi tất và có lúc nóng Bà vẫn đóng bộ kín bưng. Những đợt lạnh Bà ở nhà Bà thể nào cũng bị cảm, vì Bà cứ ra vườn loanh quanh với mấy cái cây.
Thôi được. Tôi cố gắng "dọn" cái mặt mình cho nó bớt xị ra.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#hht