6. Lưỡng cực

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi cứ chạy và chạy. Chạy đến nỗi bầu trời xanh trở nên nhàu nhĩ. Đó là một buổi chiều sẽ bình thường nếu không có một khác thường duy nhất – ba mươi mốt bộ đồng phục học sinh đều đặn chạy dọc bờ biển. Họ đã quyết định sẽ bắt đầu những môn học phụ, mà cụ thể là thể dục vào ngay tuần đầu tiên của tháng Tám. Vậy nên chiều hôm nay chúng tôi ở đây. Vòng thứ hai dọc theo bờ biển. Bầu trời xám ngoét, với mây đen, sóng rền và những đôi cánh mòng biển chao qua nhanh như sao rơi. Tôi thấy chiếc xe tải màu nâu đất đầy những vết tích năm tháng của ba chạy vào sâu trong thị trấn, thùng sau chứa đầy những can dầu cố định bằng dây thừng. Trong nhiều năm trời khi tôi còn là trẻ con, ba là tài xế duy nhất chịu trách nhiệm vận chuyển xăng dầu từ thành phố về thị trấn, cũng như chở hàng hóa từ thị trấn vào trong thành phố. Mãi cho đến năm năm trước, trước sự xuất hiện của internet và mạng lưới vận chuyển hàng hóa liên tỉnh (mạng lưới này xuất hiện ngay khi xưởng sản xuất cá hộp được mở ra), ba tôi, từ một người đàn ông tràn đầy hi vọng với những mối làm ăn béo bở của xưởng sản xuất, đã trở thành người đàn ông không tài nào xoay sở kịp trước thời cuộc, rồi cuối cùng bị bỏ lại phía sau. Khoảng ba năm trở lại đây, ba tôi vẫn làm công việc vận chuyển xăng dầu, hàng hóa, gần như ông đã quyết rằng đây sẽ là công việc cuối cùng trong đời mình. Tôi từng nhớ ông đã nói với tôi khi còn rất nhỏ, sau này nó đã trở thành định nghĩa duy nhất của tôi về ông, rằng ông thuộc về những chuyến hành trình. Khách hàng của ông đều là những khách cũ, những người đã quá tuổi để biết đến sự kì diệu của internet, họ vẫn sẵn lòng đặt niềm tin vào người quen hơn là những số liệu rõ ràng. Cầm cự hai năm như vậy, cho đến mùa hè năm ngoái, ba tôi trở thành một tài xế taxi ca đêm. Ban ngày, đôi khi ông vẫn chạy những cuốc xe liên tỉnh cho những khách quen cũ và thỏa hiệp với internet. Hai công việc này, không còn nghề nào là nghề chính của ông. Cuộc sống đã trở nên vừa đủ, không dư giả.

Nửa giờ sau, chúng tôi ngồi xếp bằng trên bãi biển bởi vì quá mệt không gượng dậy nổi nữa. Thầy giáo thể dục đã ngồi lên con cub tồi tàn của mình và rời đi từ lâu. An nằm gối đầu trên đùi tôi và nói về những dự định. Mồ hôi từ cổ chúng tôi trở nên nhớp nháp và ướt đẫm cổ áo đồng phục. Ba mươi mốt học sinh này được gộp lại từ hai lớp duy nhất trong khối cuối cấp, vì thế, tôi, An, cậu bạn tên Nam trong ban nhạc của cô nàng đều học cùng với nhau vào tiết thể dục. Nam chơi điện thoại và thỉnh thoảng cậu sẽ giơ cho chúng xem mấy thứ hay ho. Cậu nói bây giờ nhiều người dùng nó, sẽ là cách hay nếu cậu quảng cáo về ban nhạc trên mạng internet. Tôi cũng biết chút ít về internet bằng chiếc máy tính để bàn ở nhà, vì là người giúp ba nhận những đơn hàng ít ỏi thông qua việc đăng kí trên một trang web lưu chuyển. Có một lần tôi nhìn thấy mẩu quảng cáo về J. bar, và khi Nam nhắc, tôi lập tức nhớ ngay đến.

"Mình sẽ nhờ chị J. đăng kèm mẩu tin của chúng mình lên trang web của chị", Nam huơ huơ chiếc điện thoại trong tay, "Nghe nói chị ấy đã bỏ một số tiền lớn để xây dựng trang web đó. Dù bây giờ chưa đem lại kết quả cụ thể gì, nhưng các cậu cứ chờ vài năm nữa rồi sẽ thấy. Chị J. là một người có tầm nhìn xa không ai bằng."

Lúc này, J. thò đầu ra từ chiếc xe màu caramel của mình, vẫy vẫy tay với tôi. Tóc chị bay tán loạn, trên gương mặt trắng trẻo lộ ra cái nhếch môi đặc trưng. Và thế là bỏ lại An và Nam ngơ ngác ở đằng sau, tôi chạy như bay về phía J. như bị thôi miên.

Chị J. là một người có tầm nhìn xa không ai bằng.

Bên trong xe, bầu không khí thoảng mùi bạc hà dễ chịu. J. vặn nhỏ nhạc một chút, lấy từ hàng ghế sau một cái túi giấy màu hồng, nói là cho tôi. Bên trong là một lọ nước hoa Chanel. Trông đắt tiền, đến nỗi tôi không dám nhận. Như nhìn ra ý nghĩ của tôi, J. nói không đắt chút nào.

"Tôi vừa từ Sài Gòn về", J. đánh tay lái, "Thứ này mua cho em khi ở Pháp"

"J. đi Pháp?"

"Ừm, trước khi từ Sài Gòn về."

Tôi vẫn luôn không hiểu cách nói chuyện của J. Giống như cả thế giới này chỉ có hai trật tự là thị trấn này và Sài Gòn. Những nơi khác nằm ngoài trật tự đó, đều được quy chiếu về tọa độ gốc. J. làm mọi thứ tôi biết về thế giới bên ngoài thị trấn mù mờ càng mù mờ hơn.

"Em nghe nói chị đăng quảng cáo về J. bar trên internet"

"Ừ, cũng lâu rồi", J. nhìn sang tôi, giọng chị kéo dài ra. "À, em đỏ mặt kìa."

Tôi đang sửa lại dây an toàn bởi vì nó chèn vào trong rãnh ngực, nghe J. nói thế, tôi cảm thấy mặt của mình nóng thêm đôi chút.

"Bạn của em nói vài năm nữa internet sẽ càng phát triển khủng khiếp đấy."

"Ừ, tôi cũng tin như thế. David Bowie từng nói đến điều này trong một buổi phỏng vấn cách đây vài năm, rằng chúng ta đang chứng kiến cách mà internet thay đổi thế giới là không thể nào tưởng tượng nổi."

Xe đỗ lại trước cổng nhà tôi.

"Thứ Sáu tôi có mở tiệc ở quán, nhiều bạn bè của tôi cũng đến, tôi muốn giới thiệu họ với em!"

"Mấy giờ ạ?"

"Bảy giờ tối. Sẽ trả em về trước mười giờ."

J. nói khi nhoài người giúp tôi cởi dây an toàn, hơi thở thoảng vị bạc hà của chị phả vào cánh mũi tôi.

"Vâng", tôi hơi rũ mắt.

"Lúc nãy tôi gặp ba và mẹ em ở trên đường, trước khi đến đón em."

Nói rồi, môi J. tìm đến môi tôi. Đầy mê muội.

Mãi cho đến khi tắm xong trở về phòng ngủ, tôi mới hiểu câu đó của J. có nghĩa là gì. Chị nhìn thấy ba mẹ tôi đang trên đường đi chuyển hàng, thế nên họ chắc chắn không có ở nhà. Đó là lý do chị dám hôn tôi trước cổng nhà tôi.

J. hư hỏng như vậy từ khi nào nhỉ?

..

Thứ Tư, tôi bắt đầu lo lắng mình sẽ mặc gì vào tối thứ Sáu. Tôi có một chiếc đầm khiêu vũ lấp lánh bạc, tôi đã trộm nó trong đống đồ cũ của mẹ vào năm ngoái. Vì nó trễ ngực và phô bày đường cong cơ thể, tôi tự hỏi mình liệu bộ trang phục này có phù hợp với buổi tiệc hay không. Có lẽ tôi nên gọi điện hỏi J. Mà chị sẽ mặc gì nhỉ? Tôi càng tò mò bạn bè của J. là ai, liệu J. có qua lại với người nào trong thị trấn nhỏ bé này mà tôi không biết? Có lẽ chính sự thơ thẩn của tôi suốt cả buổi sáng đã làm phiền đến người bạn cùng bàn, cô nàng hù dọa tôi bằng viễn cảnh tương lai u tối mà tôi đã nghe từ miệng thầy cô không biết bao nhiêu lần. Các cô cậu sẽ không làm nên trò trống gì nếu học hành chểnh mảng. Hoặc học cho nghiêm túc vào, hoặc là vĩnh viễn không bao giờ rời khỏi thị trấn này và bước ra thế giới ngoài kia.

Qủa thật dù đã thuộc từng lời ấy, tôi vẫn bị dọa sợ chết khiếp. Lần nào cũng thế.

Chiều hôm đó, J. nói, em mặc gì cũng được cả. Thật ra, chiều mai nếu em không bận gì, tôi sẽ đưa em đi mua trang phục. Tôi cũng cần thứ gì đó để mặc vào tối thứ Sáu.

Tôi hỏi, chúng ta sẽ đi đâu để mua những thứ đó?

J. nói, Sài Gòn, có tiện cho em không?

Tôi nghĩ ngợi trong một phần nghìn giây, trưa mai mình nên nói dối mẹ thế nào để rời khỏi nhà?

..

Cuối cùng tôi đã không cần phải bịa ra một lý do gì cả, vì ba mẹ tôi đều đến dự lễ đính hôn của một họ hàng xa ở cuối mạn bắc của thị trấn, họ sẽ ở lại qua đêm, và theo như lời của mẹ tôi, sáng hôm sau họ sẽ đi thăm mộ của em trai. Đã lâu lắm rồi, lâu lắm rồi họ mới nhắc đến em ấy, thốt nhiên tôi cảm thấy lạ lẫm với họ. Tôi không hiểu vì sao. Mẹ nói tôi cũng nên đến phụ bà dọn dẹp sạch quanh mộ em. Sợ là mấy năm nay cỏ đã lên cao. Tôi thoái thoác. Tôi không dám đến đó. Tôi nói con phải học ở trường mà. Mẹ nói thôi được, con không cần phải trễ nãi việc học.

Tôi trốn lên phòng và khóc.

..

Đôi khi tôi vẫn thấy mình thật là khó hiểu. Có đôi lúc tôi sẽ vui thật vui, có đôi lúc lại nghĩ đến những việc tỉ như cái chết. Đôi lúc tôi thấy mình lâng lâng như bây trên mây mù, đôi lúc tôi thấy ngực nặng nề một nỗi buồn không thở được như bị dìm sâu dưới đáy đại dương. Tôi không quyết định được khi nào mình nên buồn, khi nào mình nên vui. Cảm xúc cứ chợt đến, chợt đi giống như một cơn mưa bóng mây giữa trời nắng xanh quang đãng.

Như lúc này đây khi J. đang lái xe và mở một bản nhạc vui nhộn của Eric Clapton, tôi không cười nổi. Tôi méo xệch môi và tựa đầu vào cửa xe, nhìn ra bên ngoài. Biển cố chấp đuổi theo cho đến khi chúng tôi rẽ ra khỏi thị trấn, biển lùi về sau và mất hút. J. nói nơi chị sắp dẫn tôi đến là một tiệm may của người quen cũ. Bạn của bạn J., từng là một du học sinh ngành thời trang ở Pháp. Tất nhiên trong thời gian ngắn chúng ta không thể nhờ anh ấy đo và may trang phục cho được, nhưng ở đó cũng có sẵn nhiều mẫu thiết kế. Chúng ta có thể thử và nếu vừa ý thì mua về.

Tôi hỏi J. liệu chị có thấy khó chịu với những màu xanh hay không. Đôi lúc chúng khiến tôi cảm thấy bứt rứt, giống như có những con côn trùng bò bên dưới lớp da của mình. J. nhìn tôi trong nhiều giây trước khi quay tầm mắt lại làn đường phía trước, tôi thấy khóe môi của chị hơi run run. Chị nói, hình như em không khỏe lắm.

"Vâng", tôi lại ngã đầu lên cửa sổ, khép mắt, "Em nên ngủ một chút vậy."

Chúng tôi đến tiệm may là sáu giờ chiều. Đây không phải là một tiệm may đơn thuần, mà là một cửa hàng thời trang local chuyên nghiệp. Họ có một không gian riêng cho những khách hàng muốn đặt thiết kế, và chỉnh sửa trang phục theo yêu cầu khi khách hàng mua đồ ở cửa hàng. Quy trình tương tự này tôi từng đọc trên internet, chúng được áp dụng ở những cửa hàng thời trang xa xỉ.

Trời chuẩn bị ập tối, phủ một màu xanh u ám. Phục vụ là một cô gái xinh đẹp chừng hai mươi lăm tuổi, tóc búi cao gọn gàng và có một nụ cười dịu dàng. Chị ấy dẫn chúng tôi đi một vòng qua những giá quần áo được sắp xếp theo loại, và items trên từng kệ xếp theo dải màu sắc. J. chọn cho tôi trước. Chị đang để ý đến một chiếc đầm dạ tiệc màu đen, với phần cổ tròn và tay dài ôm sát cổ điển.

"Chi, em thấy thế nào?", chị vỗ nhẹ lên lưng tôi, "Tôi nghĩ em có thể mặc chiếc váy này cùng với vòng cổ ngọc trai ở nhà tôi."

Tôi khẽ gật đầu, bởi vì tôi cũng thích nó. Chị phục vụ đưa tôi đi thử, và ngay sau khi thử xong, chúng tôi gửi nó đến phòng chỉnh sửa theo yêu cầu để nới lỏng phần eo một chút. Dạo này tôi đã lên không ít cân.

Quay trở lại với những giá quần áo ở góc cuối cùng cửa cửa hàng. J. đang ngắm nghía một bộ suit màu đỏ mận với họa tiết những đường ngang gấp khúc lấy cảm hứng từ bộ phim Twin Peaks của David Lynch. Khi tôi quay trở lại, J. hỏi ngay rằng liệu bộ suit này có phù hợp viếc chiếc đầm của tôi lúc nãy hay không. Chị phân vân giữa nó và bộ suit màu đen cổ điển ở bên cạnh. Tôi nói J. nên chọn bộ màu đỏ mận bởi vì trông nó lạ mắt. Một sự phá cách khiến người ta thấy khoan khoái. J. cũng hài lòng bởi vì dường như chị đã có quyết định từ trước khi hỏi ý kiến tôi. Bộ suit vừa đến nỗi J. không cần phải sửa lại chỗ nào cả.

Tôi ngồi ở sảnh đọc một quyển tạp chí thời trang giết thời gian, trong khi J. thanh toán tiền, và đang gọi điện ở quầy tiếp tân. Chị không có số điện thoại của anh Đỗ vì họ đã không gặp nhau trong gần hai chục năm. Thật ra nói đến bộ phim Twin Peaks nổi tiếng với những biểu tượng đầy tính ảo giác và huyền bí thì phải nhắc đến David Bowie, nguồn cảm hứng mà với David Lynch là không bao giờ tắt. Bowie cũng là điểm chung lớn nhất giữa tôi và J. Lúc này tôi cũng nhìn thấy một vài khung ảnh trên tường, bên trên chỗ tôi ngồi ở đại sảnh. Trên đó có ảnh của một số người tôi không biết là ai, nhưng tôi đoán họ có ảnh hưởng rất lớn đến thời trang thế giới. Người chọn đặt những khung ảnh này hẳn cũng rất yêu âm nhạc và rock n' roll, bởi tôi thấy trong số đó là Mick Jagger – biểu tượng số một của thập niên 70, David Bowie – người đàn ông của những thời đại, Steven Tyler – frontman tôi vẫn hay tôn thờ với những bộ outfit cực kì đẹp mắt và quãng giọng cao rộng khó ai bì kịp, cặp vợ chồng grunge Kurt Cobain và Courtney Love, "cặp đôi rắc rối" Sid và Nancy, ...

Ôi thời trang và những con người vĩ đại quanh chúng ta.

Trong lúc tôi còn đắm chìm trong suy nghĩ, J. thất thểu đi về phía tôi, nói rằng anh Đỗ đang ở Hà Nội chuẩn bị cho tuần lễ thời trang Việt Nam sắp tới, anh sẽ không kịp quay lại đây trong tháng này. Dẫu vậy, J. vẫn gửi lại ở quầy tiếp tân thư mời đến buổi tiệc tối mai của chị, như một lời chào sau nhiều năm.

Khi rời khỏi cửa hàng, đã là hơn tám giờ tối rồi. Bây giờ phải lên xe về thị trấn ngay. Sáng hôm sau tôi còn buổi học trong lớp. Trời đổ mưa khi tôi vừa đóng cửa xe lại. J. nói mưa sẽ to, nên không thể lái xe nhanh được.

Tôi lại tiếp tục ngủ, trong khi J. vẫn kiên trì không cho tiếng nhạc tắt đi trong không gian. Là bản Almost blue như buổi tối hẹn hò đầu tiên của hai người, còn tôi thì không ngừng cố gắng hít thở từng ngụm không khí giữa một biển hồ đầy nỗi buồn bã suy sụp.

Một nỗi buồn xanh xao ngắc ngoải.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#truyendai