CHƯƠNG 2 - KIẾN TUYẾT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


THỨ DÂN

Tha Dữ Đăng

Dịch: Tịch Dương Mùa Hạ

CHƯƠNG 2 - THẤY TUYẾT

Gia Định năm thứ hai rét đậm, "Nhật giảng"(1) ở Xuyên đường Văn Hoa điện đã kết thúc. Trận tuyết lớn tựa như những sợi lông ngỗng che kín tầm nhìn trong Noãn các. Người chấp bút cho Tư Lễ Giám là Hoàng Động Đình đứng trên hành lang đã run rẩy cả hai chân. Môi tiểu thái giám bê tấu chương phía sau cũng tím xanh, run run bước thêm mấy bước đến gần ông.

"Công công! Hay bảo Lý cô cô đến xem thử xem? Đã nửa canh giờ rồi. Các đại thần bên Tây Sương phòng đã cử người đến hỏi ba lần rồi."

Lý Nga là thái hộ (2) của Hoàng Động Đình, cũng là nữ quan của Thượng Tẩm cục, đã theo hầu Vạn tuế gia rất nhiều năm, vốn cũng xuất thân là nữ nhi của một gia đình thư hương trong sạch. Hoàng Động Đình phải tốn rất nhiều công sức mới hái được đóa hoa mai kiều diễm, lạnh lùng này. Nghe tiểu thái giám nói vậy, ông liền xoay đầu mắng.

"Còn dám bảo Lý cô cô của ngươi đến chịu trận à? Ngươi không nghe thấy sao? Bên trong Tiếu ông lão gia đang kể 'Bách Điểu Trận'(3). Hẳn Lâm Xuyên Trưởng công chúa đang tiêu khiển với Vạn Tuế Gia. Còn ai dám đi hỏi chứ? Cứ chờ đi!"

Tiểu thái giám bị Hoàng Động Đình mắng, vội co đầu rụt cổ lui xuống, chẳng ngờ một mảnh tuyết vụn từ mái hiên rơi vào cổ gã, khiến gã rét đến mức rùng mình mấy cái.

Gia Định năm thứ hai, trận tuyết này mang đến điềm không may. Đến lúc chuyển mùa hạ sang thu, Nam Bộ bình nguyên, Thái Hồ, lưu vực sông Tiền Đường xảy ra nạn châu chấu. Phủ Hàng Châu trình báo, lúa ở Giang Nam đã bị châu chấu tàn phá sạch. Khi đó bách tính ở Bắc Thượng chạy nạn đến Nam Kinh. Thành Nam Kinh nội loạn, đóng chặt cổng, không cho bách tính vào thành. Lại thêm mùa đông kéo tới, tuyết phủ đầy đường, trên đường ngập đầy xác người chết đói, chết cóng. Trong khoảng thời gian ngắn, thây người chất khắp nơi. Nạn dân không còn đường sống, thậm chí cắt thịt người làm thức ăn.

Nhưng triều đình vốn không quan tâm tình trạng thảm khốc phía nam Trường Giang. Đầu năm thứ hai, Tấn Vương Kỷ Trình của Thanh Châu phủ gọi thẳng Hoàng đế là hôn quân vô đạo, gây nên thiên tai và nhân họa. Còn dùng thiên tượng "Thái Bạch Kinh Thiên" để khởi binh tấn công Đế Kinh. Tấn Vương còn rất trẻ. Lúc nhỏ vì bị té ngựa mà biến thành đứa ngốc. Lúc bảy, tám tuổi đã bị ép lãnh phiên. Tất cả quyền lực ở Thanh Châu đều dựa vào Lục Giai, lão sư của hắn. Sau đó Lục Giai về quê chịu tang, tiến cử với hắn một người, nghe nói họ Tống, chân bị tật. Sau khi Tấn Vương khởi binh, y thường ngồi xe lăn lâm trận. Tinh thông binh pháp, lại hiểu biết hiện tượng thiên văn, dùng khí tượng học chỉ huy quân đội của Tấn Vương thắng như chẻ tre. Mắt thấy sắp công phá phòng tuyến cuối cùng là sông Bạch Thủy, Lưỡng Kinh bị bao vây, tình hình bấp bênh.

Nhưng tất cả những chuyện này dường như cũng chẳng liên quan gì đến Hoàng Đế.

Hoàng đế sắp tròn mười tuổi, mỗi ngày chỉ biết cắm đầu vào Kinh diên (4) và Nhật giảng trong Văn Hoa điện. Châu phê (5) cùng một kiểu trên tấu chương. Hoàng Động Đình quỳ đọc cho Hoàng đế nghe. Hoàng đế ngây ngô nghe, tùy tiện gật đầu thì xem như là chuẩn tấu. Chuyện còn lại là của mấy viên quan chấp bút Tư lễ giám như Hoàng Động Đình.

Đối với một tiểu hoàng đế như vậy, Nội các cũng không ai dám khiển trách. Thứ nhất là vì tấm gương diệt tộc của Thủ phủ đại thần Tống Tử Minh vẫn còn đó, bách quan đều kiêng dè. Không ai muốn đi trước, làm một lão sư đế vương có làm gì hay không cũng tan nhà nát cửa nữa. Thứ hai, thậm chí họ cảm thấy duy trì tình trạng như hiện tại là rất tốt. Ý kiến của các đại thần, Hoàng đế không bác bỏ, nhờ vậy mà có thể hợp mưu hợp sức giải quyết chính sự. Còn hơn giao triều đình vào tay một đứa nhóc hồ đồ nắm giữ.

Ấu đế chỉ là bình phong, nhưng không có nghĩa họ dám hủy bỏ tình trạng này.

Nhật giảng tan đã lâu. Theo lý thì sau khi Vạn tuế gia nghỉ ngơi trong Noãn các, Tư lễ giám phải trình tấu chương vào từ lâu. Nhưng đã hơn một giờ mà không thấy người vào Noãn các truyền kiến nghị của các đại thần. Đại Tề rất xem trọng quy chế. Tuy Nội các có quyền dâng tấu, nhưng vẫn phải qua tay Tư lễ giám, dùng bút châu phê. Hơn nữa lúc hoàng đế duyệt tấu chương, nếu không được triệu vào thì các đại thần cũng không được vào Noãn các. Chỉ có thể chờ trong Tây Sương phòng.

Lúc này đã qua hai tuần trà, rốt cuộc cũng có đại thần không ngồi yên nổi nữa.

"Cố đại nhân! Ngài nói gì đi. Nếu không thì bảo người mời Hoàng công công tới hỏi. Chuyện hôm nay không thể kéo dài đâu."

Người vừa nói là phụ thần Vương Chính Lai(6), còn "Cố đại nhân" trong lời ông ta là Cố Trọng Liêm, thủ phụ ở Nội các. Quan hệ của ông ta với Hứa Thái hậu không cần nói mà ai cũng hiểu, nhưng không ai dám nhiều lời. Phàm là chuyện của Hoàng đế mà ngoại thần không thể hỏi, Nội các đều sẽ dựa vào ý ông ta.

Lúc này Cố Trọng Liêm đang nhìn cung tì châm thêm trà, cũng không quan tâm đến Vương Chính Lai, dường như trên mặt không có biểu cảm gì, ngón tay lại không ngừng vuốt ve bàn trà.

Chính vào lúc bế tắc này, tiểu thái giám mà Hoàng Động Đình phái đi đội tuyết tới.

"Các vị phụ thần đại nhân, sắp hết giờ ngọ giảng(7) hôm nay của Vạn tuế gia rồi. Xin hai vị giảng quan đại nhân đừng chờ nữa."

Vương Chính Lai vừa nghe thì giận run cả người: "Ngọ giảng xong chưa không quan trọng. Quan trọng là Vạn tuế gia xem tấu chương chưa?"

Tiểu thái giám nói: "Vương đại nhân, Trưởng Công chúa tiến cung rồi. Giờ đang cùng Vạn tuế gia nghe khẩu kỹ của Ngô tiếu ông. Người của Tư Thiện cục đang bắc nồi đỉnh đồng. Ngọ thiện sẽ nấu thịt dê. Vạn tuế gia rất vui. Mấy người Hoàng công công vẫn còn đứng ngoài hành lang kìa. Sợ là tới giờ vẫn chưa vào đâu."

Tiểu thái giám lanh miệng, nói một tràng dài, nhưng Vương Chính Lai chỉ nghe được ba chữ "Trưởng Công chúa".

Ông ta xoay người bước đến trước mặt Cố Trọng Liêm. "Được đấy. Hẳn là Trưởng Công chúa nghe được tin tức gì rồi. Hôm nay liền tiến cung chặn Vạn tuế gia lại. Sao lại giỏi như thế? Tấu chương còn chưa trình vào trong mà."

Cố Trọng Liêm ngẩng đầu nhìn ông ta. 'Không có gì không thể trình. Chuyện này Vạn tuế gia phải gật đầu. Công chúa cũng phải chấp nhận."

Ông ta vừa nói vừa bưng tách trà nóng trong tay lên, nén nóng mà uống một ngụm.

Vương Chính Lai gật đầu. "Cũng đúng. Cục diện sông Bạch Thủy vừa công đã phá. Nào ai có cách gì chứ? Nhưng mà nói tới cũng thật kỳ lạ. Trước sau triều đình cử bao nhiêu người đi đàm phán, đều có đi mà không về. Lần này Thanh Châu lại chủ động dâng tấu đàm phán lui binh. Điều kiện lại là tước tôn vị của Lâm Xuyên công chúa, biếm làm thứ dân..."

Cố Trọng Liêm buông chung trà xuống. "Thái Bạch Kinh Thiên à? Nữ chủ nắm quyền, quốc gia bất lợi. Đây chính là chỉ Trưởng Công chúa. Nhưng cũng chỉ là mượn cớ thôi. Đúng là Trưởng Công chúa và Vạn tuế gia rất thân thiết, nhưng chúng ta đều biết rõ, thậm chí nàng ấy còn không nhúng tay vào quốc chính."

Vương Chính Lai vuốt ve bộ râu dài quá nửa của mình. "Vậy thì sao? Chẳng lẽ ngài cảm thấy vị Tống tiên sinh phía sau Tấn Vương chính là hậu nhân của Tống Tử Minh à?"

"Ngài nói hai chữ hậu nhân này thì vờ vịt quá. Đến nay thì hậu nhân của Tống Tử Minh chỉ còn một mình Tống Giản còn sống thôi."

"Lớn mạng thật. Nghe nói năm đó hắn quỳ đến Gia Dục, cuối cùng hình như còn phải bò nữa. Nếu là người khác sợ là đã cắn lưỡi tự sát trên đường rồi."

Cố Trọng Liêm vừa vươn tay vẫy tiểu thái giám đến gần, vừa nói: "Có mối hận diệt môn, làm sao dễ dàng chịu chết? Trong mấy đứa con trai, Tống Tử Minh coi trọng nhất là hắn. Năm đó trước khi kết tội, ta đã từng khuyên Tiên đế, con người như Tống Giản, đặt trong triều sẽ là hiền thần, đặt ngoài triều chính là tai họa. Nhưng... nhưng Tiên đế và Thái hậu đều cảm thấy có lỗi với Trưởng Công chúa. Kết quả là vẫn giữ lại tính mạng cho Tống Giản. Diệt cỏ không tận gốc, lấy oán trả oán. Công bằng... rất công bằng."

Nói xong, ông ta kề tai tiểu thái giám nói mấy câu.

Tiểu thái giám lĩnh mệnh đi khỏi. Không lâu sau liền có người của Từ Ninh cung tới truyền lời, mời Cố Thủ phụ sang đó. Các đại thần trong Tây Sương phòng đều hiểu rõ mà không nói, nhìn theo bóng Cố Trọng Liêm khuất dần, sau đó dặn dò cung nhân châm thêm trà, ngồi xuống đợi tin tức.

Trong Noãn các của Văn Hoa điện, Kỷ Khương khoanh chân ngồi trên long tọa. Hoàng đế tự đầu vào chân nàng, ngủ thiếp đi.

Ngô Tiếu ông ngồi phía sau tấm bình phong. Bách Điểu Trận đã diễn đến đoạn cuối. Chim phỉ thúy kêu nhỏ nhẹ, dư vị còn kéo dài. Hơi thở của tiểu Hoàng đế trong lòng Kỳ Khương ngày càng đều, lại cau chặt đầu mày, tựa như cố hết sức chìm sâu vào giấc ngủ.

"Trưởng công chúa, nồi đồng đỉnh đã chuẩn bị xong rồi. Cần dọn vào chưa ạ?"

Kỷ Khương cúi đầu, nhìn đứa trẻ nằm trên chân mình. "Để nó ngủ thêm lát nữa đi."

Lý Nga đứng thẳng dậy, thở ra một hơi. "Cũng nhờ ngài tiến cung, Vạn tuế gia mới có thể an ổn ngủ một lát như vậy."

Kỷ Khương hạ giọng: "Vạn tuế gia lại không ngủ ngon sao?"

Lý Nga lắc đầu. "Tối qua bị bóng đè, lăn lộn tới canh hai mới miễn cưỡng ngủ được. Canh tư hôm nay lúc lên Văn Hoa điện bái tứ tượng, cơ thể cứ run lẩy bẩy. Tuy nghe nói hoàng đế các triều đại đều như vậy, nhưng trước đó bọn nô tỳ còn chưa được nhìn thấy tận mắt. Đau lòng muốn chết. Nhưng sức khỏe Vạn tuế gia của chúng ta yếu ớt, lại không phải con ruột của Thái hậu. Mấy đại thần trong Nội các dường như sợ ngài ấy có tư tưởng khác, suốt ngày cứ ép thư văn. Cứ thế này làm sao chịu nổi?"

Kỷ Khương lẳng lặng nghe Lý Nga nói, đợi cô ấy nói xong hết mới ngẩng đầu.

"Tấm lòng của ngươi đối với Hoàng thượng chân thành hiếm có. Nhưng Hoàng công công cũng cho phép ngươi nói vậy chứ?"

Nhắc tới Hoàng Động Đình, Lý Nga lại đỏ mặt xấu hổ. "Nô tỳ và Hoàng Động Đình không đi chung đường."

"Ta hiểu. Phàm là những nữ quan có khí phách đều không thích bọn họ."

"Đúng vậy, nhưng cũng không hoàn toàn giống như công chúa nói. Không đi chung đường cũng có thể sống cạnh nhau. Chí khí rồi cũng có lúc phai mờ. Nô tỳ sống đã ba mươi mấy năm. Điều này nô tỳ hiểu rất rõ."

Kỷ Khương hạ tầm mắt xuống. Hoàng đế vươn tay nắm lấy tay áo nàng, tiếp đó phắt một cái, từ đầu gối nàng bật dậy.

Kỷ Khương đỡ lấy lưng cậu bé: "Sao vậy?"

"Trẫm... trẫm mơ thấy mẫu hậu đến."

Vừa dứt lời, cửa Noãn các đã bị đẩy ra từ bên ngoài, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng.

"Lôi kẻ diễn 'Bách điểu trận' gì đó ra ngoài, cắt lưỡi."

Trước cửa đồng thanh: "Dạ!"

Ngô Tiếu ông còn chưa kịp phản ứng, đã bị bịt miệng, giữ lấy đầu lưỡi, thậm chí cả câu cầu xin còn không thể phát ra tiếng.

Hoàng đế bị hù dọa vội đứng dậy trên long tọa, vội vàng đứng trước bình phong chỉnh lại y phục nón mũ. Kỷ Khương cũng đứng dậy.

Lý Nga cũng khom mình kéo rèm bông trong điện. Hứa Thái hậu đi vào từ sau tấm bình phong. Bà trang điểm đậm, giữa đầu mày giống hệt Kỷ Khương. Đi vào cùng bà còn có một người khác. Người này mặc kỳ lân bào, đầu đội ô sa, chính là Cố Trọng Liêm.

Hứa Thái hậu không nói lời nào, bước đến long tọa ngồi xuống. Hoàng đế biết mình ỷ lại vào Kỷ Khương, chậm trễ không phê duyệt tấu chương, không nghe ngọ giảng, không tránh được sẽ bị phạt quỳ trước từ đường, sau khi hành lễ xong cũng không do dự mà trốn vào tránh sau lưng Kỷ Khương.

Lúc này Cố Trọng Liêm cũng vén áo quỳ xuống, đột nhiên dập đầu bái đại lễ. Hứa Thái hậu không trực tiếp khiển trách Hoàng đế mà nói với Cố Trọng Liêm. "Cố đại nhân, ngài là lão sư của Hoàng đế. Trong này không có người ngoài, không cần hành đại lễ như vậy."

Thái hậu đã nói vậy, đương nhiên hoàng đế không dám nói gì, vội phụ họa: "Cố đại nhân, mời..."

Nào ngờ tiểu hoàng đế còn chưa nói xong, Kỷ Khương đã cất giọng lạnh lẽo. "Mẫu hậu, Cố đại nhân và Vạn tuế gia là thầy trò. Nhưng với bổn cung, vẫn là quân thần."

Mặt Hứa Thái hậu bỗng trắng bệch. "Lâm Xuyên, không được vô lễ với Cố đại nhân."

Cố Trọng Liêm lại cười cười: "Nương nương, thật ra công chúa nói đúng. Lễ quân thần không thể bỏ được."

Nói xong Cố Trọng Liêm lại cúi người hành lễ. "Thần Cố Trọng Liêm, khấu kiến Vạn tuế gia. Khấu kiến công chúa thiên tuế."

Giọng ông ta rất mạnh mẽ, dọa tiểu Hoàng đế muốn lùi ra sau, lại bị Kỷ Khương kéo lại. Cậu ta lúng túng ngẩng đầu nhìn hoàng tỷ của mình, lại nhìn về phía Thái hậu ngồi trên long tọa, đành cúi đầu nói đứt quãng: "Miễn... lễ..."

---

(1)(4) Kinh diên nhật giảng: Các Đế vương thời Hán và Đường thường mở những buổi tiệc giảng luận kinh sử trước điện. Từ thời Tống thì gọi là Kinh diên. Chế độ thời Thanh thì Kinh diên tiến cung là để các đại thần kiêm nhiệm trợ giảng. Giữa mùa thu và giữa mùa xuân là thời điểm diễn ra.

(2) Thái hộ: Còn có cách gọi là đối thực. Chỉ các cung nữ và thái giám thời xưa kết duyên, sống chung, chăm nom miếng ăn giấc ngủ, đời sống tinh thần cho nhau.

(3)Tiếu = huýt gió. Tiếu ông ở đây là người có kỹ năng giả tiếng chim. Bách điểu trận là một tiết mục trình diễn trăm loại chim hót.

(5) Châu phê: lời phê bằng bút đỏ.

(6)Phụ thần ở đây là cận thần có trách nhiệm phụ giúp vua. Thủ phụ đại thần là người đứng đầu trong các phụ thần.

(7) Ngọ giảng: hiểu như giảng giải cho vua mà vào buổi trưa í.Truyện này rất khó dịch, nhất là đối với người lần đầu dịch truyện cổ như mình. Mình cố gắng giảm chú thích đến mức thấp nhất nên nếu có gì không hiểu hoặc góp ý có thể cmt cho mình nhé.

--

Ban đầu mình định để lịch đăng bộ truyện này theo lịch thứ 5 và CN mỗi tuần. Nhưng vì truyện khó nhai quá, nên trước mắt chỉ đăng vào thứ 5 thôi. Nếu rảnh dịch sớm mình sẽ up thêm. Mọi người có thể theo dõi page mình để nắm lịch nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro