Chương 4: Chuyện cũ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùng ba tết. Ngày cuối cùng ở nhà.

Giữa năm trước, tình hình đất đai ở nhà rộn rạo. Người mua kẻ bán, có đủ cả. Đất trước đây vốn trồng vườn, bây giờ cũng có một số thay đổi. Hồi giữa năm, người ta mở một khu "sinh thái" tên Thanh Thủy, có thể xem là một cái vườn cho khách du lịch, còn có một số tiểu cảnh. Ban đầu, Thanh Thủy cũng thu hút rất nhiều sự chú ý. Đến cuối năm, tình hình đất đai không mấy khả quan, hơn nữa, người ta cũng bớt phần tò mò, nên Thanh Thủy cũng không còn giữ được sức hút. Hôm nay, gia đình Nhi rủ nhau đi đến đó chơi một ngày, đi cùng còn có gia đình bác và cô.

Đến nơi, mua vé vào cổng. Cả nhà ngồi trong xe đợi mua vé, bác trai của Nhi hơi bực dọc cầm vé trở lại. "Tết nhất, vé tăng gấp đôi". Mọi người trong xe cũng mỗi người góp một câu, như trút giận hộ bác, rồi đi vào trong. Tết nhất, ai cũng muốn vui vẻ mà qua thôi, nên một chút chuyện đó cũng không để bụng quá lâu. Gia đình Nhi chọn một nhà tròi, ngồi nghỉ trước. Sáng thì loanh quanh chuẩn bị, đi xe đến mất nửa tiếng, trời tuy không quá gắt, nhưng bắt đầu đứng bóng, nên hơi nóng.

Mọi người ngồi nghỉ một chút, chỉnh trang, dù gì mục đích lớn nhất khi đến những chỗ thế này vẫn là chụp ảnh. Nói như Nhi, ở thành phố, mới có cái cớ muốn tìm nơi trong lành để thư giãn, như các bác các cô, mỗi ngày đều trải qua ở nơi bình yên thế này, chỉ là muốn tìm cơ hội gặp nhau hỏi han vậy thôi.

Bà ngoại Nhi có ba người con, bác lớn bây giờ có con đã lấy vợ, còn đã có cháu, hôm nay cũng đi cùng. Nhi không giỏi chăm sóc trẻ con, nhưng nhìn đứa trẻ đầy sức sống, cũng là một điều rất thú vị. Mặc dù không gặp nó nhiều, nhưng nó vẫn khá thân thiết với cô, nó kể tết năm nay nó được bao nhiêu lì xì, còn kể có người còn lì xì những hai tờ. Nhi ban đầu cũng không quá hứng thú với chuyến đi, nhưng ngồi tiếp chuyện với đứa nhóc liền miệng, cũng thấy vui vẻ hơn. Đi cùng còn có gia đình dì của Nhi, năm nay con dì cũng thi đại học, nhưng nhìn Khoa và con dì lại không quá thân thiết, chỉ nói chuyện một chút rồi mỗi đứa lại cắm đầu vào điện thoại. Nhưng mẹ và dì của Nhi thì nói không ngớt, dẫu sao hai chị em gái nói chuyện vẫn dễ dàng hơn, còn có bác dâu của Nhi nữa,. Họ nói chuyện trên trời dưới đất, về ông Thắng gần chợ, về bà Tâm con ông Dũng gần nhà bà Hoa,... Nhi nghe không hiểu gì. Nhi ngồi cùng con trai của Bác, hai anh chị chỉ hỏi Nhi vài câu rồi cũng không làm phiền nhi với con mình nói mấy chuyện trên trời dưới đất.

Mọi người nghỉ ngơi xong, muốn đi chụp hình ở chỗ suối trước, sau đó mới đi ăn. Vì con suối này, nên mới gọi khu này là Thanh Thủy. Thật ra trước đây con suối vẫn ở đây, cũng không phải là đẹp đẽ gì, sau này người ta mua lại đất khu này, cải tạo lại, mới khiến nó có cái tên mĩ miều như thế.

Mùa này, suối đúng là đẹp hơn, nước nông, cũng tĩnh hơn, có thể nhìn thấy sỏi đá bên dưới. Người ta dựng mấy cái lầu bát giác nhỏ, bên trong có bàn đá cạnh suối, để khách có thể ngồi, cũng như chụp hình ở đây. Giữa dòng còn xếp mấy hàng đá chạy ngang, có thể đi qua bờ bên kia được. Nhi nhờ thằng Khoa chụp hình cho mình với cháu. Chụp không biết bao nhiêu tấm hình, mỗi lần Khoa đều đưa cho cô xem, mãi mới được vài tấm ưng ý. Xong, cô qua bên bờ suối, ngồi lên một tảng đá khá lớn, thả chân vào dòng nước.

Bóng cây in xuống mặt nước.

Nhi có thể chắc chắn rằng, cái cây này được chuyển tới rồi trồng ở đây khi người ta dựng khu này. Cây rất lớn, chắc cũng tốn không ít thời gian cũng tiền của chăm sóc. Tuy mở cửa mới nửa năm, nhưng nghe nói khu đất này được bán đi lâu rồi, rồi người ta cải tạo vào năm kia gì đó, mãi mới mở cửa. Vườn cây ăn quả trước đây, tùy khu vực mà giữ lại hay phá bỏ. Ở quanh suối này, ngoài vùng bờ suối, vườn xoài vẫn được giữ, cách bờ suối khoảng năm bảy mét. Nhưng những cây xoài ấy cũng đã già lắm rồi, nên năng suất chắc cũng chẳng cao lắm. Khách được phép hái trái cây và ăn trong nội khu. Có một vài cây vẫn có quả trái mùa.

Nhi nhìn những quả xoài này, lại nhớ đến nghỉ hè lớp mười một.

Lúc đó cô và Sơn mới yêu nhau, còn hay ngại với nhau. Hôm ấy Sơn rủ cô, thêm vài đứa bạn nữa, đến con suối này "cắm trại". Mấy đứa chuẩn bị sẵn gà ở nhà, rồi chạy xe máy đến. Trời hôm ấy rất nắng, bọn cô ngồi trong vườn xoài, mấy đưa kiếm lá với củi đốt một đống để nướng gà. Con suối lúc ấy chẳng đẹp đẽ gì, bên bờ chỉ có cỏ, còn rất nắng. Nước suối thì đục ngầu, nước cũng lớn hơn. Do mùa mưa, chiều nào cũng mưa một trận, nên nước mới như thế, nào có chút gì gọi là "thanh thủy". Vì mới mưa hôm qua, bọn cô kiếm mãi mới được chút củi đốt. Sau đó, phải lấy bịch nilon đốt để mồi, mùi bốc lên nhức mũi cực kì. Đợi mãi đống củi mới cháy, rồi phải đợi cho nó cháy vãn một lúc, Sơn hơi tản đống lửa ra, lửa cháy không quá lớn nữa, lúc này cậu ta mới bắt đầu nướng gà. Con gà được xiên vào que, rồi lật qua lật lại. Nhi nhìn chỉ thấy mỏi tay, lại lâu. Sơn lại rất nhẫn nại để nướng cho chín con gà.

Lúc ấy bọn họ nói chuyện gì, Nhi cũng không nhớ rõ lắm rồi, chỉ nhớ trời trưa nắng, lại thêm đống than, nhưng hình như lúc đó Nhi cũng thấy mình vui vẻ. Nhưng sau đó, gà còn chưa kịp nướng xong, thấy có người đuổi tới, có tiếng hét lớn:

"Bọn mày đốt vườn nhà tao à?"

Tiếng người từ xa vọng lại. Sơn bảo mấy đứa xuống chạy xe đi trước, còn vài đứa ở lại dập lửa, xong liền đứng lên. Có bốn đứa chạy đi, Nhi với Sơn và một người khác ở lại ra sức lấy gậy đập vào đống lửa. Chủ vườn rất nhanh đuổi đến, đống lửa đập tới đập lui, cũng chẳng hết được ngay. Sơn hô "Chạy" rồi cầm lấy tay Nhi chạy về hướng bờ suối. Người bạn kia cũng nhanh chóng chạy theo. Bờ bên kia là vườn cà phê, đoán chắc không phải cùng một chủ, nên Sơn muốn chạy qua phía đó. Phía sau vẫn có tiếng:

"Vườn tao mà cháy, tao lột da tụi bay".

Sơn kéo Nhi chạy xuống suối, nước tuy lớn, nhưng chỗ sâu nhất cũng chỉ khoảng sáu mươi phân. Nãy đến giờ ngồi dưới cái thời tiết cực kỳ nóng, bây giờ đột ngột xuống nước, lại mát lạnh, cảm giác ấy xông lên rất nhanh, làm Nhi thoáng rùng mình. Qua được bờ bên kia, Sơn mới quay đầu lại nhìn. Ông chú kia đang lội suối qua bên này, thì có tiếng xe máy từ đằng xa vọng lại. Ông chú mới không đuổi theo bọn Sơn nữa, mà chạy xuống chỗ mấy đứa bạn kia. Lúc này, Sơn mới thả lỏng được chút, Nhi thấy Sơn một tay nắm tay cô, tay bên kia Sơn vẫn cầm chắc cái cây xiên con gà. Sơn quay sang cô, nói:

"Vẫn may, vẫn còn gà, vẫn còn cái ăn."

Nhìn thế nào con gà ấy cũng vẫn không giống đã ăn được, còn chưa chính hết.

Nhi nhìn lại dáng vẻ bết bát của ba đứa. Quần đứa nào đứa nấy đã ướt quá nửa, nước nhỏ long tong. Lúc đầu, bọn cô đến đây vì cứ nghe mấy đứa bạn kêu thơ mộng, ngồi bên bờ suối, ăn gà nướng, nói chuyện tương lai. Nghe nói nhiều mà chưa thử, nên đám bọn cô mới muốn đi thử cho biết. Ai có ngờ được bộ dạng thế này. Ba đứa nhìn nhau, cười một trận, rồi lại nhớ ra đây vẫn là đất của người khác, gây chú ý lại bị đuổi tiếp thì càng khổ.

Ông chú chủ vườn xoài kia, sau khi đuổi đám bạn Nhi không được thì quay lại. Nhi cùng hai đứa trốn vào đám cà phê ở đó, quan sát ông chú. Ông ta quay lại dập đám lửa hồi nãy, đập đi đập lại, rồi đi mất. Sơn tưởng đã yên ổn thì ông chú đó quay lại, đi đến bờ suối, Sơn tưởng ông chú muốn đuổi đến cùng, nhưng sau đó thấy ông chỉ múc nước lên, tạt cho kĩ đám lửa vừa nãy, mới yên tâm hơn. Đợi thêm một lúc, Sơn và Nhi mới lội suối trở lại, ướt thì cũng ướt rồi, giờ ướt lại cũng không khác gì nhau lắm.

Quan trọng nhất bây giờ là con gà.

Sơn cầm con gà đưa hẳn lên cao, tránh nước suối bắn phải. Ba đứa đi bộ xuống đường cái, khi đi còn hái mấy quả xoài để trả thù. Đợi một lúc đám kia mới quay lại đón. Sau đó, mấy đứa bàn nhau về nhà thằng Quý, vì so ra nhà nó gần đây nhất. Đến nơi, nhìn ba cái quần vừa ướt vừa ố, thằng Quý no mới lấy ba cái quần đùi của nó cho ba đứa. Thằng Sơn thì không sao, nhưng hai đứa con gái thì cũng ngại, nhưng cũng không trách thằng Quý được, vì ngoài quần đùi ra, nó còn mấy cái quân tây mặc đi học, có muốn cũng chẳng mặc vừa, nên hai đứa đành chấp nhận mặc vậy.

Sơn nướng tiếp con gà đang giở. Ở nhà đúng là tiện hơn, có bếp than, có vỉ nướng, nên thoáng cái là xong rồi.

Ký ức là như vậy, Nhi không nhớ hôm ấy đã nói chuyện gì, chỉ nhớ cái nóng giữa ngày hè, nhớ mùi khét của bịch nilon bị đốt, nhớ cái nắm tay, nhớ dòng nước mát. Mọi chuyện cũng dần nhạt phai, nhưng cảm xúc lúc ấy, lại bị cường điệu, khắc sâu vào lòng. Để rồi khi gặp lại chốn cũ, chợt những cảm giác ấy lại ủa về, làm cô sao xuyến. Nhi còn nhớ hôm đó về nhà, thấy cô mặc cái quần ố quá nửa, mẹ cô đã chọc cô cả nửa tháng sau đó.

Dòng nước hôm nay, vẫn mát lạnh, cộng thêm tiết trời đầu xuân, mọi thứ đều đẹp đẽ. Trái ngược hoàn toàn với lần trước cô đến đây. Bờ sông đầy bóng mát, bên kia bờ cũng chẳng còn là vườn cà phê, người ta xây một khu ăn uống. Cô và cả nhà qua bên đó, gọi món, lại có gà nướng, nhưng gà lần này ngon hơn khi xưa rất nhiều. Nhưng cô cũng thấy không có gì đặc biệt lắm. Con gà ngày xưa của cô, chạy mười lăm cây số, nằm đợi bếp cháy, thêm một chút muội than, lội một vòng qua suối, không biết có tắm nước suối không, trong tình trạng nửa sống nửa chín, rồi lại chạy thêm năm cây số, mới được yên ổn trên bếp lò.

Ăn xong bữa trưa, nhà cô đến khu cà phê để tiện nghỉ trưa. Quán cà phê được xây cũng bên bờ suối, khúc suối này hơi trũng, đọng đất nhiều hơn, nên không phải quá đẹp, nhìn có vẻ cũng chưa được cải tạo nhiều lắm, chỉ để làm chỗ ngắm cảnh từ trong quán cà phê. Nhi chiếm lấy một cái võng rồi bắt đầu nằm sửa ảnh. Đến chiều, mọi người đến chỗ khu "Trứng khủng long" chụp hình. Ở đây người ta làm mấy khối đá cực kỳ lớn, hình quả trứng. Nhỏ thì cao bằng nửa người Nhi, lớn thì cao quá đầu cô. Còn có mấy tảng đá cực kỳ lớn, bày tán loạn. Mọi người chụp hình một lúc nữa mới về nhà.

Đi cả một ngày, Nhi cũng mệt lắm rồi, muốn ngủ, nhưng nhớ ra buổi tối cô phải đi xe đò về lại Sài Gòn, thì quyết định thu dọn đồ, đợi lên xe rồi ngủ. Mẹ cô cũng cực kỳ sốt sắng. Bao nhiêu đồ ăn mẹ mua hồi trước tết, mẹ lại gói ghém, đưa cô mang lên thành phố. Bịch này, túi nọ, thêm cả cái bánh chưng với đòn bánh tét. Cô đã cố ngăn me lại, nhưng vẫn không làm mẹ cô ngừng việc bỏ thêm đồ ăn vào được. Sửa soạn nửa tiếng, mẹ cô đã nhồi được hết đống đồ vào cái balo, để vào góc phòng. Cô cùng cả nhà ăn cơm tối.

Tại bến, xe khởi hành. Nhi kết thúc bốn ngày nghỉ. Tết bây giờ chưa kịp cảm nhận, đã vội vàng qua. Cô lại lần nữa rời khỏi nơi mình sinh ra, đến nơi thành phố xa hoa nhưng chứa đầy nỗi ưu tư của cô.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro