Chương 7: Diện Thánh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mới vào tiết Tiểu Tuyết, nếu còn ở Kinh thành, đương nhiên có tuyết là hiếm thấy. Nhưng nay tại vùng núi cao này, đã có mấy đợt tuyết. Đêm, trong doanh trại, Nhật Duật ngồi xếp bằng trước án thư, Lập vẫn bên cạnh cẩn thận bút mực. Nhật Duật lúc nhàn hạ thường đọc sách xem thơ. Vì triều chính hắn không tham dự, cũng không nên tham dự quá nhiều. Nay, tại nơi sơn dã, hắn lại chép Phạt Mộc [ ]:

Phạt mộc tranh tranh. Điểu minh oanh oanh.
Xuất tự u cốc, thiên vu kiều mộc.
Anh kỳ minh hĩ, cầu kỳ hữu thanh.
Tương bỉ điểu hĩ, do cầu hữu thanh.
Than y nhân hĩ, bất cầu hữu sinh.
Thần chi thính chi, chung hòa thả bình.

Phạt mộc hỗ hỗ, Sư tửu hữu tự.
Ký hữu phì trữ, dĩ tốc chư phụ.
Ninh thích bất lai, vi ngã phất cố.
Ô xán sái tảo, trần quý bát quỹ.
Ký hữu phì mẫu, dĩ tốc chư cữu.
Ninh thích bất lai, vi ngã hữu cữu.

Phạt mộc vu phiến, sư tửu hữu diễn.
Biên đậu hữu tiễn, huynh đệ vô tiễn.
Dân chi thất đức, can hầu dĩ khiên.
Hữu tửu tử ngã, vô tửu cổ ngã.
Khảm khảm cổ ngã, tôn tôn vũ ngã.
Đãi ngã hủ hĩ, ẩm thử tư hĩ.

Dân chi thất đức, can hầu dĩ khiên. Người ta sở dị bạn bè, anh em bất hòa, chỉ vì "can hầu", chút cơm khô cá mặn mà không chia cho nhau, chứ chẳng phải chuyện gì to tát cho cam. Đồng bằng được mùa, no ấm, nhưng nơi sơn cùng này, cơm không đủ ăn, mặc không đủ ấm, khó tránh khỏi u uất.

Chính tuất.

Trong trại, ánh sáng tràn ngập. Bên án thư, có đặt một lò sưởi, lại có hương trầm thơm ngát, làm cho không gian ấm áp vô cùng. Có binh sĩ gác doanh chạy đến lật tấm trướng lên tiến vào.

"Vương gia, Trịnh gia đã đến trước doanh."

Nhật Duật buông bút, bảo tên binh ấy cho vời Trịnh vào. Hắn rời án thư, đến chỗ bàn trà. Lập cũng hiểu ý, chuẩn bị nước sôi và trà mới. Trịnh Giác Mật tiến vào trại, lúc này Nhật Duật cũng vừa kịp rửa trà. Nhật Duật mời Trịnh ngồi, Lập ở bên cạnh hầu ly thứ nhất rồi cũng lui ra. Trịnh ở trong trại khoảng nửa canh giờ, sau đó trở về. Sáng hôm sau, hắn đã xuất hiện ở trước cửa doanh. Đi cùng còn có vợ hắn cùng hai người con. Quân của Nhật Duật đang tất bật thu quân, trại đã dỡ được quá nửa. Nhật Duật bước ra từ trong trại, trường bào màu lam, khoác thêm một chiếc áo lông thú.

Bọn họ trở về Thiên Hưng, rồi mới từ đó trở về Kinh Thành. Cả đoạn đường Trịnh đi cùng kiệu với Nhật Duật, còn vợ con hắn đi một kiệu riêng phía sau. Có bốn tiểu đồng đi theo kiệu của bà Trịnh, trong đó có cả Lập. Sau buổi tối hôm qua, có lẽ Nhật Duật và họ Trịnh đã thỏa thuận được ổn thỏa. Hôm nay Trịnh đến cũng không có vẻ gì là gượng ép, lại dễ dàng phó thác vợ con cho Nhật Duật.

Hồi kinh, đoàn người về phủ của Nhật Duật trước. Trịnh được sắp xếp ở phòng khách, để sửa soạn. Nhật Duật cũng về phòng của mình, tắm rửa, rồi thay một bộ trường bào màu tía, tóc được búi gọn, đội Triều Thiên quan. Lập chuẩn bị hương để xông cho Nhật Duật. Sương gió trên đường đi giờ cũng không còn lưu lại chút gì.

Thời tiết ở kinh thành ấm áp hơn tây bắc nhiều, tuy mới lộ hành, nhưng thần sắc của Nhật Duật đã bớt nhợt nhạt. Trong phủ không có Trinh Túc, hắn phải phân phó mọi chuyện. Trước đó hắn đã dặn người trong phủ một chút điểm tâm cho Trịnh, đi đường liên tục, phải tức tốc diện thánh, cũng không có thời gian dừng nghỉ. Bọn hắn chỉ dừng ở phủ để sửa soạn sạch sẽ rồi sẽ vào cung ngay sau đó, chỉ kịp ăn chút điểm tâm. Lúc này Nhật Duật đã ngồi ở một đình bát giác trong phủ, đợi bọn Trịnh, trên bàn bày một ít bánh cùng trà. Nhật Duật dặn Lập đi dẫn đường cho Trịnh. Trịnh Giác Mật ra trước, hắn cố gắng dùng thứ tiếng Việt bập bẹ của mình, muốn nói về trang phục mà Nhật Duật chuẩn bị. Lập liền tiếp lời hắn:

"Trang phục mà vương gia chuẩn bị, không biết có hợp ý ngài." - Lập dùng tiếng man mà nói.

"Không ngờ ngươi cũng hiểu tiếng ta."

"Nhờ ơn vương gia."

Nói tới, gia quyến của Trịnh cũng đã chuẩn bị xong. Hắn đem theo vợ cùng hai con trai. Con trai cả của hắn hắn còn lớn hơn Lập vài tuổi, tính khí cũng không khác hắn là bao, có phần dũng mãnh, trực tiếp. Trên đoạn đường, Lập theo kiệu của ba mẹ con cũng nhìn ra được. Con trai hắn tất nhiên vẫn còn ý không thuận, nhưng do Giác Mật đã định đoạt, cũng không thể làm trái. Lần này vào kinh, chắc chắn cũng không dễ dàng gì đối với hắn. Sợ rằng hắn khó lòng mà rời khỏi kinh thành cùng Giác Mật. Hắn gặp mặt Lập, cũng không khách khí lắm, bỏ qua luôn sự hiện diện của Lập. Lập cũng không để ý, vẫn chỉ tiếp lời của Giác Mật. Rồi dẫn bọn họ đến chỗ Nhật Duật.

Bọn họ nhanh chóng lót dạ bằng chút điểm tâm, sau liền nhập cung. Lần này, Lập không đi cùng. Nhật Duật phân phó hắn chuẩn bị cơm trưa, đợi bọn họ về, ngoài ra, lần trước cho người đến liên hệ phủ Hưng Đạo Vương, lại giao phó hắn xem xét.

Nhật Duật theo đường Nhật Tân môn, vào điện Diên Hiền, giao phó nội thị đi bẩm với Quan gia.

Quan gia thượng vị mới được hai năm, theo vai vế, ngài gọi Nhật Duật bằng chú, nhưng tuổi tác không xa Nhật Duật bao nhiêu. Vừa thiếu niên, ngài đã được trao chức vị hoàng thái tử. Khi đức Thái Tông băng, ngài mười chín, đợi ngài quán lễ, liền thượng vị. Ngài tuy là người nhân đức, nhưng làm vua, ai cũng có đạo riêng của mình, Nhật Duật sinh ra trong nhà đế vương, đương nhiên hiểu được. Đức Hiếu Hoàng thông biết Phật Lão Nho, lại càng thông tuệ Phật giáo, Nhật Duật thỉnh thoảng cũng có suy nghĩ phi phận rằng nếu cả hai không phải con vua, khác dòng, thì đã có thể cùng đàm đạo, thưởng trà, thưởng hoa, nhưng đó chỉ là suy nghĩ. Chưa nói đến quan hệ của hắn cùng Thượng hoàng chẳng mấy sâu sắc. Ích Tắc xưa cậy ân sủng, cũng càng gây chướng mắt cho Thượng hoàng, nào lại tin tưởng người em là hắn, vì vậy, đối với Quan gia khi còn làm Thái tử cũng không qua lại nhiều. Chỉ có dịp thiết yến, lễ tết, mới cùng nhau chào hỏi, nói vài câu.

"Quan gia" - Nhật Duật thấy Quan gia tiến vào, liền chắp tay, quỳ mà hành lễ. Bọn Trịnh thấy vậy cũng liền hành lễ theo lối của Nhật Duật. Đợi quan gia bước đến tọa vị. - "Miễn lễ."

"Hồi bẩm Quan gia, thần theo ý chỉ bệ hạ đến Mõi Châu, mời Trịnh Giác Mật về kinh diện thánh." - Quan gia không đáp lời ngay, chỉ nhìn Trịnh một lát. Cùng lúc, từ cửa điện có người mặc bạch bào tiến vào. Nhật Duật thấy thế lại lần nữa hành lễ. - "Bệ Hạ"

Thượng hoàng tiến về tọa vị bên trái của Quan gia. Lúc này Quan gia cũng đứng lên mà song thủ quá ngực mà cúi đầu hành lễ. - "Bẩm Phụ hoàng, Trịnh Giác Mật đã được Chiêu Văn Vương mời về kinh."

"Chiêu Văn Vương quả thật tài đức, không hao tổn binh đao đã mời được Trịnh gia tới đây." - Thượng hoàng nói.

"Trịnh gia khi nghe thần nói về tài đức của bệ hạ và Quan gia liền thuận lòng mà theo. Trịnh chỉ mong con dân mạn Đà giang được an ấm, nên không khỏi bị tài đức cả bệ hạ cùng Quan gia thuyết phục."

Trịnh cũng thuận theo thế ấy mà tiếp, có Nhật Duật chuyển lời đến hai vị trên tọa vị kia. Quan gia cũng thuận ý mà ban lương thảo hằng năm cho Trịnh, ngược lại, Trịnh mỗi năm cần cống đồng cho hoàng gia, con cả của hắn cũng lưu lại kinh thành. Sau đó, Thượng hoàng lưu bọn họ dùng thiện, Nhật Duật không thể từ chối.

Bọn họ tiến đến Bát Giác điện mà dùng thiện. Bây giờ là giữa tháng mười, điện Bát Giác bắt đầu được trang hoàng để đón tiết Thọ Thiên (sinh nhật đức Hiếu Hoàng). Trên bàn đã bày đủ, đều do Thượng Hoàng sắp xếp. Món ăn ở hoàng cung dường như không hợp khẩu vị Trịnh cùng gia quyến, con trai Trịnh có không vừa ý, nhưng lại không dám thể hiện ra mặt một chút gì. Thượng Hoàng chợt lên tiếng:

"Nghe nói chú đưa Trinh Túc về Thanh Hóa rồi?"

"Thánh An mới sinh không bao lâu, mà đông năm nay lại lạnh hơn nhiều. Em thân được giao công vụ, không thể ở trong phủ, lại càng không thể đưa nàng cùng đi Đà giang, nên đành cho nàng về nhà cha thăm hai vị."

"Cha mẹ đương nhiên phải thăm hỏi, chỉ là phận nữ đã xuất giá, không nên tự mình về nhà cha như thế."

"Lời anh chỉ bảo, Nhật Duật sẽ khắc ghi. Nhưng nàng mới về nhà cha, lại sắp đến tiết Thọ Thiên, em cũng không vội đưa nàng về. Sau lễ, em cũng xuống lộ Thanh Hóa, em vốn sợ lạnh, đợi qua Nguyên Đán mới lại hồi kinh."

"Tôi cũng chỉ là muốn hỏi thăm Trinh Túc, em ấy, một chút."

"Vâng."

"Lần này đi Đà giang, sợ vạn nhất, em đã có giao hẹn với Uy Linh tướng quân và Đông Lãm tướng quân, cũng hứa một số lễ phẩm, khó khăn lắm mới cậy được hai vị. May nhờ có hồng đức của anh và quan gia mà không phải động binh."

"Chú còn thân cậy cả hai tướng ấy nữa cơ à," - Thượng hoàng cười nói - "biên quan không khéo lại trong tay chú cả."

"Em nào dám có ý đó," - Nhật Duật bày ra vẻ mặt bối rối - "anh cũng biết em xưa nay chỉ văn phú thi ca, lần này đi Đà giang mà Trịnh gia lại uy dũng như thế, nên mới liên hệ hai vị tướng ở biên ải gần nhất. Thư cầu viện em đã viết sẵn, không sợ em vong, chỉ lo em vong mà tin lại không kịp báo, nên mới phải nhờ cậy vậy."

"Tôi chỉ đùa thôi, đang trong bữa mà chú vẫn mang cái dáng vẻ lúc trong điện vậy."

Nhật Duật vui vẻ đáp lại Thượng hoàng, tiếp mấy câu, bữa cũng xong. Nhật Duật cùng Trịnh xuất cung, con cả của hắn được Quan gia lưu lại, xếp cho một chức quan thượng phẩm.

Nhật Duật hồi phủ cũng đã chính mùi. Hắn an bài cho Trịnh cùng vợ ở phòng khách, Trịnh ngày mai sẽ khởi hành trở về Mõi Châu. Bọn họ thỏa thuận một vài công việc rồi tách ra. Lập lúc này thấy đã quá giờ trưa, đã biết Quan gia lưu bọn họ lại dùng thiện, nên đã dẹp đồ ăn. Gặp Nhật Duật, hắn hồi báo chuyện Hưng Đạo vương.

Hưng Đạo vương hiện đang ở Vạn Kiếp, mấy ngày nữa sẽ hồi kinh. Đi cùng còn có Hoài Văn hầu Quốc Toản. Lần trước Hưng Đạo vương đã nhận được thư nhưng không phản hồi gì. Lập không biết nội dung trong thư, nên cũng không rõ là do Nhật Duật bảo Hưng Đạo vương đợi.

"Ngày mai, ta đưa ngươi về thăm nhà." - Nhật Duật nói với Lập.

Lập vốn ở Vạn Kiếp, năm đó Nhật Duật mới tròn hai mươi, có lần đi Vạn Kiếp, bắt gặp Lập ở cùng đám bạn. Thấy Lập sáng dạ, nên mới bảo hắn theo mình. Lập lúc ấy tám tuổi, cũng chẳng hiểu biết bao nhiêu, lại thấy Nhật Duật mặc một bộ lam bào vô cũng sạch sẽ, còn có thêu hoa văn vân hoa. Hắn về nhà, cha mẹ hắn cũng bảo hắn theo Nhật Duật. Hắn thích học, Nhật Duật lại dễ dàng, hắn muốn sách gì là có sách ấy, lại được Nhật Duật chỉ bảo. Thời gian đầu ở Thiên Hưng còn khổ một chút, từ ngày về phủ Chiêu Văn vương, hắn chỉ cần đọc sách học lễ nghi, không tốn bao nhiêu công sức. Đã năm năm, hắn chưa từng về nhà.

Ngày hôm sau, hai cỗ kiệu rời đi từ phủ Chiêu Văn vương, Trịnh hồi Mõi Châu, còn Nhật Duật thì đi Vạn Kiếp.

Nhật Duật đến Vạn Kiếp, tiên đến nhà Lập để hắn có lời cùng cha mẹ. Nhật Duật chỉ ngồi ngoài đình mà thưởng trà, không can dự đến chuyện của Lập. Lập vào nhà cùng cha mẹ một lúc rồi cũng trở ra, hắn biết Nhật Duật vốn chẳng phải vì chuyện của hắn mà đến, đương nhiên cũng không làm trễ việc của Nhật Duật. Hắn cúi chào cha mẹ rồi ra chỗ đình viện mà Nhật Duật ngồi, như báo với Nhật Duật một tiếng.

Nhật Duật thưởng hết tách trà, rồi rời nhà Lập, lên đường đến chỗ Hưng Đạo Vương. Đến phủ, Hưng Đạo vương không có ở đó, nhưng đã dặn trước nếu Nhật Duật đến thì mời vào đình viện mà đợi trước. Nhật Duật cũng không quá bất ngờ, tin hắn hồi kinh chắc chắn cũng đã có người truyền ra, hắn đến cũng không phải gấp gáp gì, đương nhiên Hưng Đạo vương đã có chuẩn bị. Trong đình viện, người phủ Hưng Đạo vương dâng hắn một ấm trà.

Cái bàn trong viện là một khối đá, trên có khắc một bàn cờ, Nhật Duật thấy thế liền nhờ mang cờ đến mà đánh cùng Lập. Lập theo Nhật Duật, lục nghệ tuy không tinh thông, nhưng cũng đủ hiểu biết, hắn cũng đã tiếp cờ Nhật Duật mấy bận. Đương lúc rảnh rang, Nhật Duật lại muốn thử hắn một chút.

Khởi hành từ sớm, đến Vạn Kiếp mới đầu tỵ, bọn họ ở nhà Lập không bao lâu đã đến phủ Hưng Đạo vương, cũng chẳng quá chính tỵ. Vậy mà ngồi bàn cờ này, đã qua đến giờ ngọ.

"Hôm nay ngươi gặp cha mẹ có chuyện gì sao?"

"Hồi bẩm vương gia, đã gần nửa năm không được hầu cờ ngài, nên con chỉ cố gắng hết mình. Mọi lần còn non, không dám, nhưng nửa năm này con đã luyện kỳ nghệ, thử mạnh dạn tấn công. Nhưng sau cùng vẫn là vương gia am hiểu kỳ đạo."

"Am hiểu thì không đến. Hôm nay ngươi thua là do hữu cầu, nên hữu tranh, hữu đoạt, hữu chấp, tự nhiên không thể thông được chữ đạo. Nhưng người còn trẻ, vốn nên như vậy."

"Vâng."

Trung bàn đã định, đến lúc thu quan, cũng không còn có thể thay đổi gì. Lúc này, Hưng Đạo Vương cùng Hoài Văn Hầu trở về. Đến đình viện, Lập rời khỏi ghế, cúi mình mà hành lễ, Nhật Duật cũng có lời: "Hưng Đạo vương."

Hưng Đạo vương nhìn vào bàn cờ, rồi quay sang nhìn Lập, Nhật Duật thấy thế liền tiếp lời:

"Nhân lúc Hưng Đạo vương không có nhà, người làm khách như ta lại tự chủ trương, mạo phạm rồi."

Hưng Đạo vương được An Sinh vương vô cùng coi trọng, thế nên không thể không hiểu cờ. Mặc dù vẫn trọng võ hơn, nhưng với trình độ của Lập, Quốc Tuấn chỉ liếc mắt cũng đã rõ.

"Còn trẻ mà lại đánh cờ hung hăng như vậy." - Quốc Tuấn đã tuổi trung tuần, tiếng nói đương nhiên có sức nặng. Hướng về Nhật Duật mà nói.

"Còn trẻ, vốn nên nhiệt huyết như vậy." - Nhật Duật đáp

"Vậy sao? Người cũng vậy?"

"Ta chỉ là văn sỹ, càng ưa an nhàn, nhưng nếu cần, cũng phải ra giáng người trẻ. Dáng vẻ ấy không biết Hưng Đạo vương có vừa ý không?"

_____________________________________________

1. Phạt Mộc nằm trong Kinh thi Nhã Tập, Tiểu Nhã.

Phạt Mộc [伐木]

伐木丁丁,
鸟鸣嘤嘤。
出自幽谷,
迁于乔木。
嘤其鸣矣,
求其友声。
相彼鸟矣,
犹求友声。
矧伊人矣,
不求友生?
神之听之,
终和且平!

伐木许许,
酾酒有藇。
既有肥羜,
以速诸父。
宁适不来?
微我弗顾!
於粲洒扫!
陈馈八簋。
既有肥牡,
以速诸舅。
宁适不来?
微我有咎。

伐木于阪,
酾酒有衍。
笾豆有践,
兄弟无远!
民之失德,
乾餱以愆。
有酒湑我,
无酒酤我。
坎坎鼓我,
蹲蹲舞我。
迨我暇矣,
饮此湑矣!

2. Ôi mới lòi ra nhiều việc quá không kịp ra chương mới, nay mới viết được thêm một chương.

3. Mình đang không biết chế độ nhật triều thời trần như thế nào, quan lại có cần phải vào chầu mỗi ngày không. Nhưng trong trường hợp này cả Chiêu Văn vương và Hưng Đạo vương đều chưa nắm chức quan quá quan trọng, nên có thể du di đoạn này.

4. Triều Thiên quan: Theo Ngàn năm áo mũ cho đến năm 1300, thường triều phục vẫn theo lối nhà Lý tức mũ Phốc đầu. Sau hai lần đổi quy chế, đến năm 1301 mới định Triều Thiên và Bao Cân. Phốc đầu có thể xem Trường An 12 canh giờ để tham khảo, có thể là dây buộc hoặc cánh chuồn, còn Triều Thiên tương tự Phốc Đầu, phần cánh cong thay vì thẳng. Thông thường, cánh chuồn của vua mới được hướng thẳng lên trời. Ngoài ra, nếu muốn hiểu thêm một chút trang phục có thể xem bức họa Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ. Nhưng đó là sau này rồi, không phải trai đoạn đầu Trần.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro