Tạm biệt, cậu bé yêu quý của tôi !

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tên truyện : Tạm biệt, cậu bé yêu quý của tôi !

Tác giả : KA

Thể loại : Truyện ngắn

            Tôi gặp em lần đầu tiên là vào một buổi sáng mùa hè. Ánh nắng chan hòa và gió mát thổi lồng vào căn phòng bệnh rộng nhưng đã chật kín giường, chật kín người. Em ngồi trên giường, hai chân đu đưa và đang đan một thứ gì đó bằng  những chiếc dây truyền màu trắng. Dường như đoán biết tôi đang nhìn, em ngước mắt nhìn tôi khẽ gật đầu, nhoẻn cười - Ở đây, ai cũng bắt đầu làm quen nhau bằng nụ cười như thế. Người cũ nhìn người mới cười, rồi người mới sẽ lại trở thành người cũ, chào đón những người đến sau bằng nụ cười thân thiện. Khác với những khuôn mặt mệt mỏi, nhàu nhĩ, nhăn nhó đến xấu xí xung quanh, em rất đẹp. Thậm chí là quá đẹp so với một không gian bệnh tật như thế này. Mớ tóc đen mềm, đôi mắt đen, sống mũi cao thanh tú và làn da trắng. Chỉ có đôi môi là hơi nhợt nhạt. Em chỉ khoảng 15, 16 là cùng vì khuôn mặt trông hãy còn non nớt. Chắc em cũng đi chăm người bệnh như tôi.

Ở bệnh viện này, vào những ngày nghỉ phòng khám vắng tanh,  còn phòng bệnh thì đông đúc. Chỉ có một vài y tá trực, nên phải 9h xe tiêm mới đến được phòng bệnh nam, là phòng ở trong cùng. Tôi tranh thủ đến xem em đang làm gì mà chăm chú và cần mẫn đến thế.

- Em đang tết cái gì vậy?

- Dạ, em tết tôm. Em làm sắp xong cái đầu rồi, tí nữa xong thân và đuôi là chị thấy giống ngay.

Tôi nhớ ra rồi, tôi đã từng nhìn thấy những con tôm con cá  như thế ở những hàng bán rong. Người ta móc vào chìa khóa để làm vật trang trí. Nhưng hình như những con vật ấy có nhiều màu sắc và được tết bằng một loại sợi nhựa nào đó. Còn con tôm em làm lại bằng sợi dây truyền thuốc mà hàng ngày người ta vứt đầy vào thùng rác.

Em vẫn cắm cúi làm, dường như cái sự tôi đến hỏi làm quen chẳng khiến em bận tâm. Bàn tay em khéo léo đan những sợi dây truyền, bắt những chiếc dây trắng vô tri vốn chỉ làm nhiệm vụ dẫn thuốc phải thành hình những con vật quen trong đời sống hàng ngày.

Tôi tò mò:

- Ai dạy em làm thế?

- Một anh ở đây đã dạy em.

- Anh ấy đâu rồi?

- Anh ấy đi xa rồi, rất xa rồi chị ạ. Nhiều anh nữa cũng biết làm, nhưng tất cả đã đi rồi, giờ thì chỉ còn mình em biết làm thôi.

- Thế em dạy chị làm nhé? Tôi đề nghị nhưng trong đầu vẫn chưa hiểu những anh đã đi xa mà em nói là ai.

- Vâng. Để hôm nào em xin được mấy cái dây truyền mới đã, rồi em sẽ dạy cho chị. Đợt này dây nào cũng bị bẩn...

Em nói đến đó rồi dừng lại.

- Chị đừng ngạc nhiên thế, ở lâu rồi chị sẽ biết thôi.

Tôi tiếp tục hỏi cái điều mà tôi băn khoăn từ lúc nãy:

- Em đi chăm ai vậy? Chắc em còn đi học, sao lại nghỉ học để đi thế?

- Em chăm em....

Tôi chưa kịp hiểu thì đã đến giờ tiêm truyền. Tôi vội vã mang thuốc đã được phát từ chiều hôm trước ra xe tiêm để các cô y tá pha thuốc. Còn phải chờ để nhận thuốc đã pha, nhận thêm những chai truyền giải độc, phải đếm những loại thuốc, phải đối chiếu với sổ sách bởi số lượng thuốc quá nhiều, bởi có cả hóa chất, bởi sợ bị sót...Tôi quên mất em, tôi còn phải lo hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chỉ đến khi tôi ôm được một đống chai lọ, dây truyền, kim truyền  về đến đầu giường bệnh, với 4 cái bơm xi lanh đã đầy thuốc pha sẵn thi mới có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã xong được 1/2 công việc quan trọng trong ngày.

Khi công việc pha thuốc đã xong thì cũng là lúc những người nhà bệnh nhân như tôi phải ra ngoài hành lang chờ đợi, chỉ khi nào tất cả kim truyền của 20 giường bệnh trong phòng  được cắm xong thì chúng tôi mới được vào để canh và thay những chai truyền khi đã hết. Kể cũng lạ, khi ở nhà thay bình truyền, rút kim truyền cũng phải gọi y tá, nhưng ở đây tất cả người nhà bệnh nhân được  đào tạo để trở thành phụ tá đắc lực cho y tá. Chỉ sau một vài lần đi chăm, một chị nông dân đi chăm chồng có thể thành thạo thay bình truyền, rút kim, xử lí kim luồn mà không làm đau hoặc chảy máu.

Lúc này, khi đã ra ngoài tôi mới lại thấy em. Em đang loay hoay để mấy chai truyền cạnh giường. Sao em không ra ngoài cùng tôi? Hay là em quen y tá nên được ở lại? Tôi chợt sững người khi thấy em lấy từ dưới gối ra một chiếc áo bệnh nhân và khoác vào người. Tim tôi hẫng đi một nhịp. Xót xa quá....Bước vào căn phòng này rồi, mấy ai có lối ra.

Buổi trưa, khi những chai truyền cuối cùng đã được gỡ bỏ khỏi cây để đưa vào thùng rác thì cũng là lúc phòng bệnh vào giờ ăn. Tôi ái ngại nhìn em uể oải xúc những thìa cơm bệnh viện trong chiếc hộp nhựa. Hình như em ăn không hết suất. Tôi mang sang cho em hai chiếc bánh - ở đây, mọi người vẫn mời nhau ăn như thế.

Em cầm chiếc bánh và ăn có vẻ rất ngon lành.

- Em chưa bao giờ ăn cái bánh nào ngon như thế. Em nói

- Thì em ăn nữa đi, chị đang còn, sẽ lại mang sang cho em.

- Thôi, em không ăn nữa đâu. Chị cho em cái này nhé.

- Ừ. Thôi em nghỉ một chút đi, lại sắp đến giờ tiêm chiều rồi đấy.

Em ôm chiếc chiếu một ra hành lang, trải gần chỗ tôi. Những người nhà bệnh nhân đều phải chọn cách nằm ngoài hành lang vì phòng bệnh quá chật chội. Thấy em trải chiếu nằm, tôi hỏi:

- Em là bệnh nhân, sao không nằm trên giường. Ra đây lỡ gió máy thì sao?

- Em quen rồi, ngoài này thoáng hơn, mát hơn. Với lại, giường có 3 người, em còn đi được, phải nhường chỗ cho người không đi được chứ chị.

- Hèn gì, có những bệnh nhân, chị chỉ nhìn thấy khi truyền thuốc. Thì ra, là họ nhường chỗ cho những người nặng hơn.

Trưa đó, tôi không ngủ được. Lại nghĩ đến cái sự nhường giường của những người ở nơi đây. Chẳng ai bảo ai, chẳng cần nhờ vả, nói khó, chẳng cần quen hay không quen, cứ khỏe hơn, trẻ hơn thì tự khắc ôm chiếu, ôm chăn ra hành lang tìm lấy một góc để nằm, nhường chỗ cho những người già, đau, yếu. Ngoài kia, chỉ cách phòng bệnh này có vài bước chân, tôi thấy người ta chen nhau, tranh nhau để vượt lên trước trong những đám tắc đường. Chẳng ai nhường ai, những con người khỏe mạnh đang có cả một tương lai phía trước ấy đang cố nhích lên, dấn thêm một vành bánh xe, chen nhau, cãi cọ nhau để rồi đường tắc càng thêm tắc. Cứ có cái gì có thể tranh là người ta tranh: tranh quyền lực, tranh của cải, tranh tình yêu, tranh danh vọng...nhường nhịn đã trở thành một khái niệm xa xỉ.

Chiều đó, mẹ em mới từ quê lên. Người đàn bà nhỏ bé, gầy guộc, lam lũ có khuôn mặt buồn chạy ào đến bên em, cầm lấy tay em, vuốt tóc em và thì thầm những gì không rõ. Lúc chị ra ngoài hành lang, tôi thấy mắt chị mọng đỏ. Tôi bảo chị:

- Thằng bé nhà chị sáng nay truyền hóa chất đỏ rồi. Trưa, nó ăn ít lắm. Có khi chiều, chị mua cháo hay phở cho em nó dễ ăn.

- Truyền rồi à cô. Tôi cứ tưởng đến mai mới truyền nên cứ nấn ná ở nhà đi cắt thuê vài bữa. Đang mùa gặt, người ta thuê mới kiếm được vài đồng mà đi chứ ngày dưng ai thuê hở cô.

- Em nó có bảo hiểm không chị?

- Có chứ cô. Nó đang học lớp 11 thì phát bệnh, cả lớp quyên góp mua cho cái bảo hiểm y tế, chứ không làm sao đủ tiền để chữa bệnh.

Rồi, như muốn trút bỏ biết bao nỗi lo buồn, chị kể với tôi về cuộc đời chị, về con trai chị. Chị nói với giọng đầy tự hào mà nuối tiếc:

- Cô thấy đấy, ai cũng bảo nó đẹp, bảo nó làm diễn viên cũng được. Ngày nó còn đi học, bọn con gái còn viết thư bỏ vào cặp. Nhưng mà nó trẻ con lắm, nó còn đem cho chị xem rồi bảo:" con chẳng quan tâm đâu, sau này con còn học đại học rồi kiếm tiền xây nhà cho mẹ". Nó thương tôi lắm, nhất là từ khi bố nó mất. Cô biết không, khi mới bị bệnh, nó không biết bệnh nan y nên còn mang cả sách vở lên học, sợ khỏi bệnh về thì mất bài không bù được lại thua các bạn.

- Em bị lâu chưa hả chị?

- Gần năm rồi cô ạ. Ban đầu hai tháng mới phải đi một lần, chỉ truyền máu với tiểu cầu thôi. Giờ thì được một tháng mới lên là quý rồi.

- Vậy, mỗi lần đi viện, tiền ăn, tiền viên phí chị lấy ở đâu ra?

- Khi cháu nó không phải đi viện, được ở nhà thì cũng giúp tôi nuôi con lợn, con gà. Tôi chạy chợ, rồi ai thuê gì thì làm...rồi cũng vay thêm cô ạ. Tháng trước, phải truyền tiểu cầu máy, tôi phải thế chấp nhà vay ngân hàng để lấy tiền mua, tiểu cầu máy không có trong bảo hiểm mới khổ chứ

- Rồi chị lấy gì mà trả?

- Tôi chưa biết, đến đâu thì tính đến đó thôi. Thằng bé lần đó xót tiền quá bảo tôi hay là thôi không chữa nữa, không lên Hà nội nữa, để nó ở nhà. Nhưng tôi không đành tâm ngồi nhìn con tôi chết...

Nói đến đó chị khóc nấc lên. Tôi thương chị quá chừng. Chị còn khổ hơn tôi.

- Thằng bé nó biết bệnh của nó cô ạ. Chẳng giấu được. Nhưng nó cứ cố làm tôi vui. À, cô biết không, lúc tôi mới lên, nó hỏi tôi đã ăn gì chưa rồi đưa cho tôi 1 cái bánh. Nó bảo có 1 chị cho nó cái bánh ngon lắm, nó để phần cho tôi. Khổ quá, tôi biết nó thích ăn đồ ngọt nhưng cũng chả có tiền mà mua bánh ngon cho nó...thế mà nó còn để dành cho tôi.

Tôi nghĩ đến đứa con gái của tôi ở nhà. Con bé chẳng bao giờ biết thèm cái gì vì đồ ăn chất đầy trong tủ. Chưa bao giờ tôi được con nói rằng: "Mẹ ơi, con để phần cho mẹ". Sự đòi hỏi cho riêng bản thân mà không cần có nghĩa vụ phải quan tâm người khác đã trở thành căn bệnh của những đứa trẻ thành phố được cưng chiều. Vậy mà hôm nay, hành động của một cậu bé nhà quê với mẹ lại khiến tôi chạnh lòng. Tôi bỗng thèm được như người mẹ nghèo tội nghiệp, thèm được con mình quan tâm...

                                                                   *      *      *

Đêm đó, em bị sốt. Trời nóng mà em người em cứ run lên bần bật, răng va vào nhau, những tiếng rên cố nén vẫn cứ bật ra nghe đau đớn và ai oán. Mẹ em chẳng biết làm gì hơn cứ ôm lấy em thì thầm: "Mẹ biết, mẹ biết rồi, mẹ thương con lắm. Cố chịu rồi mai sẽ đỡ hơn. Cố lên con ơi..." Lại bật đèn sáng trưng, lại tiêm, lại truyền, những người khác vẫn ngủ hoặc nằm im, chỉ còn mẹ em ngồi trên chiếc ghế nhựa cạnh giường bệnh vòng tay ôm em mà nước mắt cứ chảy dài. Người ta đã quen rồi, bác sỹ cũng quen rồi, cứ truyền hóa chất xong thì sốt, rồi đau...ai cũng vậy. Hầu như đêm nào cũng có người đau, may ra không có ai phải vào phòng cấp cứu thì coi như đêm đó bình yên; còn nếu có trường hợp cấp cứu thì cả phòng bị dựng dậy bởi tiếng bước chân hối hả, tiếng khóc, tiếng than, tiếng điện thoại gọi người nhà....

Thời gian đầu, cứ mỗi khi một bệnh nhân bị chuyển vào phòng cấp cứu rồi sau đó là tiếng chân khiêng cáng vội vã, tiếng còi xe đưa người hấp hối về nhà là tôi như không thở được vì sợ hãi. Ngày mới bước chân vào buồng bệnh, nhìn những bịch hồng cầu đỏ thẫm treo lủng lẳng trên những cây truyền ở đầu giường, tôi đã chóng mặt,buồn nôn...Lâu dần thành quen, tôi không sợ nữa. Thậm chí, tôi còn nâng niu những bịch máu lành lạnh trên tay, tôi ngồi chờ cho những giọt hồng ấy chảy dần vào huyết quản người mà tôi yêu quý nhất. Vì đó là sự sống. Tôi không sợ cả chiếc giường vừa có người mất, chỉ cần thay ga là sau 5 phút những người còn sống lại nằm trên đó....Có được một chỗ nằm, dù chỉ là nửa giường 2 bệnh nhân trở đầu đuôi đã là niềm hạnh phúc rồi.

Ngoài đường lớn, chỉ còn ánh đèn đỏ quạch, vài chiếc xe tải chạy đường dài thỉnh thoảng bấm còi. Tiếng còi trong đêm nghe lẻ loi, xa vắng. Tôi mở của ra hành lang vì trong phòng quá ngột ngạt. 20 giường bệnh là gần 100 con người cả bệnh nhân lẫn người nhà đang nằm trong một không gian quá ư chật chội. Trên giường, dưới đất, ngổn ngang, chỉ để lại một lối đi vừa cho một người lách nghiêng. Em đã ngủ rồi, ngủ trong cơn đau, cơn lạnh. Mẹ em mệt quá cũng gục xuống, thỉnh thoảng choàng dậy vội vàng xem bình truyền có còn không để thay. Tôi ước gì tất cả cơn ác mộng này chỉ là giấc mơ để sáng mai thức dậy, tôi lại thấy em ôm cặp đến trường....Tôi ước gì có anh bên cạnh, ước gì anh nắm lấy tay tôi, dắt tôi đi trên con đường đầy sương kia mà bảo: "tất cả đã qua rồi, em tỉnh lại đi". Giờ này tôi thấy mình cô độc và nhỏ bé, và bất lực đến tuyệt đối.

                                                                  *      *      *

Em đã sốt mấy ngày rồi, không làm sao dứt được. Mớ tóc xanh của em đã rụng hết vì tác dụng phụ của thuốc. Giờ em như một chú tiểu đi lạc chùa mà vào cái địa ngục trần gian này. Em mệt không làm tôm được nữa, dù mấy chị y tá đã giấu bác sỹ mà cho em mấy cái dây truyền còn chưa sử dụng. Buổi trưa, em vẫn ra hành lang nằm gần chỗ tôi, để nhường chỗ cho bác Hải người Hưng yên vì bác yếu quá, không đi lại được.

Một buổi, em hỏi tôi ngập ngừng, chừng như xấu hổ:

- Chị ơi, có một bạn gửi thư cho em, muốn lên thăm em, em phải trả lời thế nào hả chị?

- Em có muốn gặp bạn ấy không?

- Dạ..có..nhưng mà...

- Vậy thì, em gọi cho bạn ấy đi, nói là em chờ bạn ấy. Chị biết , em cũng quý bạn ấy, đúng không?

- Em cười bẽn lẽn.

Mấy hôm rồi tôi  mới lại thấy em cười. Khuôn mặt tuấn tú của em bừng sáng. Tôi lại thấy tim mình đau nhói.

Chiều đó, em không mặc áo viện, em mặc chiếc áo mới nhất của em. Chiếc áo đã trở nên quá rộng so với thân hình gày guộc. Em đội mũ, như đa phần những người trong phòng để che đi cái đầu không còn tóc. Em soi gương và ngắm nghía , ngồi thừ ra rồi nghĩ thế nào lại nâng chiếc gương lên. Tôi đùa:

- Em đẹp trai lắm rồi, không phải ngắm vuốt nữa đâu

Em xấu hổ cất chiếc gương vào túi, cứ đi ra đi vào, ra chiều trông ngóng. Em ra ngồi ở hành lang, mắt đăm đăm nhìn vào chiếc cửa thang máy cho tới tận giờ ăn chiều. Mẹ em nói thế nào em cũng không ăn, cứ bảo chờ bạn, sợ chốc nữa bạn ăn một mình lại buồn. Trời tối dần, cánh cửa thang máy đã mở biết bao nhiêu lần mà bạn em không thấy. Em ngồi như hóa đá trên chiếc ghế nơi hành lang. Tôi đến ngồi bên em, nắm bàn tay em gầy guộc nóng ran vì cơn sốt đã quay trở lại. Tôi không biết nói gì với em, cô gái đó đã không tới, niềm hy vọng đã tắt ngấm trong đôi mắt em. Tôi thương em quá chừng mà không làm gì cho em được.

Đêm đó em sốt cao và những ngày hôm sau cũng thế. Em không ăn được, người gầy rộc đi, đôi môi khô nẻ, em nằm trên chiếc giường xếp, nhỏ bé  dưới tấm chăn mỏng, hầu như rất ít đi lại. Những đốt xương bị ăn rỗng khiến cho em đau đớn, những viên thuốc giảm đau chỉ có tác dụng trong vài giờ đồng hồ. Những lúc đau quá em cứ co người lại rồi rên lên, những tiếng rên nho nhỏ vì kìm nén, nước mắt em trào ra. Mẹ em ôm em, nước mắt của em hòa trong nước mắt mẹ.

Ven tay, chân của em dần chìm đi, chị y tá giỏi nhất khoa đã phải lấy ven trên cổ để có thể truyền cho em. Chị đùa: lấy ven thế này em thoải mái vung vẩy tay chân khi truyền nhé. Bình thường em đã cười, đùa với chị nhưng giờ em  không còn đủ sức. Mỗi cử động đều khiến em đau nhói. Em đã không còn ra nằm ngoài hành lang được nữa. Hai bác cùng giường đã nhường chỗ cho em. Tôi có cảm giác sự sống đang dần rời bỏ em, điều ấy khiến tôi sợ hãi.

                                                                *      *     *

Một buổi sáng, khi tôi nhận thuốc xong thì thấy em đã ngồi dậy trên giường. Đầu giường em không có thuốc, em cũng không mặc áo viện, tóc em đã mọc trở lại, chưa dài nhưng cũng đủ để em không phải đội mũ nữa. Giống như một sáng hôm nào, khi lần đầu tiên tôi gặp em, tôi lại thấy nét cười trên khuôn mặt của em. Thấy tôi ngạc nhiên, em khoe:

- Chị ơi, hôm nay em đỡ đau rồi, không phải truyền nữa. Bác sỹ bảo cho em xuất viện, một tháng nữa mới phải xuống cơ. Chẳng biết lúc đó em còn gặp chị không?

Tôi thấy mừng cho em. Nhưng niềm vui của tôi chưa được bao lâu thì tắt ngấm. Tôi thấy mẹ em khóc nức nở bước ra từ phòng bác sỹ. Chị gần như sụp xuống khi trông thấy tôi, người chị run lên, chỉ nấc nghẹn mà không nói được. Tôi dìu chị ra ngồi trên ghế, khuất sau một bức tường để em không trông thấy. Khi đã trấn tĩnh lạị, chị nắm lấy tay tôi:

- Cô ơi, tôi phải đưa cháu về thôi. Bệnh viện người ta đã trả về rồi.

Nói đến đây chị lại nấc lên:

- Người ta bảo truyền hóa chất mới thì may ra kéo dài thêm vài tháng, nhưng phải mất cả trăm triệu, tôi lấy đâu ra tiền để lo cho con cô ơi.

Chị bỗng đưa tay chùi nước mắt:

- Tôi đưa cháu về dùng thuốc nam cô ạ, may ra gặp thầy gặp thuốc.

- Em thấy cũng có trường hợp bệnh viện trả về, dùng thuốc nam mà khỏi đấy chị ạ.

Tôi an ủi chị mà biết rằng chính tôi cũng không tin vào những điều mình nói. Thế nhưng chị đã tin, hay cố để tin, như người chết đuối vớ được cọc:

- Thật thế hở cô? Mấy người cũng nói với tôi như thế. Mẹ con tôi về, may ra thì...

Tôi quay trở về phòng bệnh gặp em. Ý nghĩ về lần gặp cuối khiến tôi muốn khóc. Em đã xếp xong quần áo cho vào ba lô, tỏ ra nóng ruột. Em lấy từ trong túi ra một con tôm rất đẹp đưa cho tôi:

- Chị, em tặng chị. Lần sau lên gặp chị em sẽ dạy chị làm nhé. Em về đây.

Tôi nhận món quà của em, nhận lời hứa của em mà không nói được. Tôi sợ nếu nói tôi sẽ khóc trước mặt em, tôi sợ nước mắt của tôi sẽ khiến em rơi vào tuyệt vọng. Tôi muốn em nghĩ rằng, em đang dần hồi phục, em đang được sống.

Chẳng có ai lên đón, mẹ con em chào mọi người rồi lủi thủi ra về. Có người biết thì nhìn theo thương cảm, người không biết thì vui vẻ chào tạm biệt, hẹn gặp lại đợt sau. Tôi tiễn em ra đến cầu thang máy thì dừng lại. Trước khi cửa thang máy mở ra, em quay lại nhìn tôi, mỉm cười và vẫy tay chào:

- Tạm biệt chị, hẹn gặp lại.

- Tạm biệt em, hẹn gặp lại.

Tôi cũng giơ tay vẫy em, cười với em. Và khi cánh của thang máy đóng lại, tôi ngồi khóc ở hành lang, ở cái nơi em vẫn thường trải chiếu nằm giờ trở nên trống trải. Tôi khóc cho em, tôi khóc cho người cha thân yêu của tôi, tôi khóc cho tôi. Một ngày nào đó......Chiều nay, không, chỉ trưa nay thôi, người khác sẽ trải chiếu ở chỗ nằm của em; người khác nữa sẽ nằm trên chiếc giường em đã nằm, sẽ mặc chiếc áo em đã mặc, sẽ ăn bằng chiếc khay cơm bệnh viện em đã cầm....Em sẽ vĩnh viễn không còn phải đau đớn nữa.

                                                                   *      *      *

Một năm sau, cha tôi chuyển sang điều trị ở bệnh việc khác. Nhưng mỗi khi đi qua bệnh viện cũ tôi vẫn có thói quen ngước nhìn lên tầng 4. Các của phòng bệnh vẫn mở toang để đón nắng, đón gió và đón cả tiếng ồn ào của cuộc sống thường nhật trên đường Giải phóng. Tôi vẫn thấy người ra vào lố nhố ở hành lang, thấy cả bóng  những chiếc áo bệnh nhân - cái màu áo xanh sọc trắng tôi đã từng quen thuộc. Tôi lại như thấy em, thấy em ngồi đung đưa chân trên giường mà làm những con tôm bằng chiếc dây truyền màu trắng, thấy em cười, nụ cười bừng sáng gương mặt hãy còn rất đỗi ngây thơ....Bây giờ, con tôm em tặng tôi vẫn còn đung đưa nơi chiếc móc treo chìa khóa...

Ngày mai, tôi rời Hà Nội. Nghe nói, dãy phòng bệnh này sẽ được dỡ bỏ đi để làm một khu phòng khám  mới. Khi tôi quay trở lại, có lẽ nhà mới đã mọc lên rồi, sẽ không còn cánh cửa ấy, hành lang ấy...Nhưng hình ảnh của em thì sẽ còn mãi trong tôi.

Tạm biệt nhé, cậu bé tốt bụng của tôi!

                                                                        Viết xong ngày 7/4/2014

                                                                                              KA

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro