Chương 1: Ngày còn bé

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà Kì có ba anh em trai. Đăng là cả, kế đến Kì, Kiên là út. Kiên kém Kì những 11 tuổi. Kiên là con nuôi.

Bố Kiên là em trai út của bố Kì, nhưng Kiên không phải con ruột của ông. Kiên là kết quả của mối tình trước của mẹ Kiên. Hai người chưa kịp cưới thì ông bị tai nạn. Lúc này, mẹ Kiên đã mang bầu. Ông bà ngoại đành tìm vội một người để mẹ Kiên không mang tiếng chửa hoang. Chửa hoang ở làng là tội lớn lắm.

Người chồng bất đắc dĩ này là một người tốt, ông rất thương Kiên. Nhưng họ hàng nhà ông thì không được như vậy. Kiên lên cấp ba, dù học rất giỏi nhưng nhà nghèo, lại đông con, dưới Kiên còn có ba em gái và một con trai út, nhà định cho cậu thôi học. Bố mẹ Kì không nằm trong số họ hàng kia, đã mở rộng vòng tay nhận Kiên làm con nuôi để tương lai của cậu được đảm bảo, và cuộc sống của cậu bớt bị soi mói, nhiếc móc. Kiên ở nhà Kì từ ngày ấy.

Khi Vũ Anh lên bảy, Kiên đã thành một người lớn. Lớn hơn Vũ Anh rất nhiều, trong mắt cô là như vậy. Thỉnh thoảng, Kiên hay về quê, và gọi một đôi vợ chồng già là bố mẹ. Vũ Anh thắc mắc:

- Chú Kiên ơi, sao chú lại gọi hai người đấy là bố mẹ?

- Vì chú là con nuôi của ông bà nội.

Vũ Anh ngẩn ngơ. Chưa ai từng nói với cô cả.

- Thế chú không phải chú của cháu à?

Kiên xoa đầu nó:

- Chú vẫn là chú của Vũ Anh, cả Văn Anh, cả chị Long nữa. Chỉ là không cùng huyết thống thôi.

- Huyết thống là máu hở chú?

- Ừ, kiểu vậy. Thế Vũ Anh có thích về quê với chú không?

- Có ạ. Nhưng mà mẹ không cho về nhiều.

- Ừ.

Kiên cũng chẳng về nhiều. Một năm được một, hai lần. Lần nào Vũ Anh cũng đòi đi bằng được. Vì ở quê có nhiều thứ lạ. Ở quê có ao, có lúa, có cây gạo nở đỏ rực tháng 3. Về quê, Vũ Anh được chiều lắm. Vì cô là cháu nội của ông bà. Mẹ Kiên mỗi lần thấy cô về lại vồn vã mời cô hết cái này đến cái nọ, mua cho cô bao nhiêu là bánh trái. Từ độ bố mẹ không cho nhận, Vũ Anh kiên quyết không lấy nữa.

- Chú Kiên ơi, sao bà hay cho cháu đồ thế?

- Tại bà quý cháu đấy.

- Bà có mua cho chú không?

- Có, thôi đừng hỏi chú nữa, chú dắt đi vào chợ chơi.

Vũ Anh không được chạy lung tung. Kiên hay dắt cô đi quanh làng, mua cho cô cái cặp tóc hay con tò he sặc sỡ. Nên Vũ Anh quý chú lắm. Quý một cách đặc biệt.

Ở quê lắm thứ lạ. Vũ Anh trố mắt nhìn mẹ Kiên rê chân trên thóc, thích chí tuột dép, lao ra bắt chước. Mẹ Kiên vội cản lại, sợ cô bị cảm nắng. Vũ Anh ở quê, nhất là ở nhà Kiên, được chiều lắm. Vì cô là cháu của ông bà nội. Kiên bảo mẹ:

- Mẹ cứ kệ cho nó nghịch. Chẳng sao đâu.

Nghịch chán, Kiên dắt Vũ Anh ra cầu Đá xem người ta đi câu. Có bác trung niên thấy Vũ Anh cứ líu la líu lo hỏi chuyện Kiên về mấy con cá, bèn câu tặng cho cô hẳn một con chép to đùng.

- Về bảo mẹ kho cho mà ăn, nhá!

Vũ Anh vừa thích vừa sợ con cá, nó to mà nó quẫy khoẻ gớm, Kiên phải cầm cho con bé. Về đến nhà, Kiên mang cá vào bếp làm, dặn Vũ Anh chơi một mình ở sân.

Vũ Anh thơ thẩn một mình cũng chán. Chợt nhìn thấy một cậu nhóc tầm tuổi mình, cô reo lên mừng rỡ:

- Chú Khanh!

Khanh từ sau nhà chui ra. Cậu vừa bắt giun làm mồi câu cá.

- Mày lại theo về à? - Khanh hừ mũi.

Vũ Anh chả để ý tới thái độ không mấy hài hòa của Khanh, lẵng nhẵng đòi bám theo:

- Chú đi đâu đấy, cháu đi với!

- Mày ở nhà với anh Kiên - Khanh hừ mũi - Trẻ con đừng có bám đuôi người lớn. Lằng nhằng.

- Chú mà là người lớn - Vũ Anh bĩu môi.

- Tao lớn hơn mày tận 2 tuổi, tao là người lớn rồi - Khanh chống chế.

- Thế thì hai năm nữa cháu cũng là người lớn vậy - Vũ Anh gật đầu - Chú cho cháu đi, cháu cho chú cái này hay lắm.

Vũ Anh giấu giấu ở vạt áo. Khanh ngó:

- Cái gì đấy?

"Bí mật hối lộ" của Vũ Anh là một con tò he ban nãy Kiên mới mua cho. Vũ Anh vẫn thích lắm, nhưng vì muốn đi chơi mà mắt nhắm mắt mở đánh đổi.

Khanh "xì" một tiếng:

- Tưởng gì! Tò he tao biết làm thừa, tao cần gì cái của mày. Tao còn biết nặn cả tượng cơ. Để tao dẫn mày ra bờ sông chỗ chùa Bàu, ở đấy đất sét đầy mà dẻo quánh, tao làm cho mày hẳn mười con đẹp gấp 10 lần con gà này.

Vũ Anh mắt sáng lên, quên luôn việc Khanh nói khó nghe với mình:

- Chú dắt cháu đi luôn nhớ!

Nào ngờ, Khanh lại dội luôn cho con bé gáo nước lạnh:

- Không. Tao đi câu, còn mày ở nhà.

Vũ Anh xị mặt xuống. Một hồi con bé lại nói, vớt vát:

- Nhà có cá rồi, chú đi câu làm gì?

- Có cá rồi? Sao tao không biết?

Vũ Anh lại hào hứng khoe:

- Nãy chú Kiên dẫn cháu ra cầu Đá có ông cho cháu. Con cá to thế này này, nói rồi vung tay minh họa.

Khanh tỏ ra ngẫm nghĩ. Thực ra cậu cũng muốn dắt Vũ Anh đi cùng để cho nó xem cậu câu cá giỏi như nào, cho nó lác mắt luôn. Nhưng Khanh sợ Kiên không cho nó đi với cậu. Ở nhà Khanh là chúa oái oăm, toàn nghịch dại. Thôi không câu cá nữa thì rủ nó đi kiếm đất sét vậy, Khanh nhủ bụng, nhưng ngoài mặt lại thích ra vẻ:

- Thế thì tao lại đi kiếm đất sét vậy. Rồi tao tha hồ nặn tượng.

Vũ Anh trúng kế ngay. Con bé tha hồ năn nỉ:

- Chú cho cháu đi đi, cháu ở nhà chán lắm.

- Nhưng mà anh Kiên mắng tao thì sao?

- Chú Kiên không mắng đâu, cháu xin cho. Chú nhớ!

Thế là hai đứa trẻ đi. Khanh vẫn hơi sợ, bắt Vũ Anh cầm lá chuối che đầu không cảm nắng. Cậu dặn đi dặn lại:

- Tí nữa tao xuống lấy, mày chỉ được đứng trên nhìn thôi nghe chưa. Mày mà xuống là tao không chơi với mày nữa.

Kiên ở nhà cứ thản nhiên ngồi làm cá mà chẳng hay biết gì. Đến lúc gọi mãi không thấy Vũ Anh thưa mới tá hỏa đi tìm. Ở nhà chả có ai. Cả cái làng này, một mình nó thì biết đi đâu bây giờ. Kiên lo, chạy ngược xuôi phờ cả người mà Vũ Anh cứ biến đâu mất. Lúc này Kiên chợt nhớ ban nãy có thấy thấp thoáng thằng Khanh mà giờ gọi cũng không thấy thưa. Kiên cố nhớ hết những chỗ mà trẻ con có thể chơi, chợt nghe tiếng bà thím Nhung thất thanh:

- Thằng Kiên đâu, mày trông con Vũ Anh kiểu gì mà nó ngã sông phải vào trạm xá thế kia! Thế này mày chết với ông bà nội nó!

Kiên tá hỏa chạy đến trạm xá. Kiên không sợ ông bà nội Vũ Anh làm gì, giờ Kiên chỉ lo cho con bé. Nếu có làm sao thì Kiên ân hận cả đời mất.

Vũ Anh nằm im lìm trên giường bệnh, cả người ướt sũng. Khanh nằm giường bên cạnh, mắt he hé mở ra. Xung quanh cơ man là người. Ban nãy Khanh chỉ nhớ mình bị trượt chân xuống, mà cậu lại mới tập bơi chứ đã nổi được đâu, cuống quá víu vào Vũ Anh, mà đất sét thì trơn, thế là cả hai rơi tòm xuống nước. Chẳng biết ai đi ngang qua túm cả hai đứa lên, không thì cũng đi chầu Diêm Vương cả hai rồi.

Giữa đám người lố nhố Khanh thấy Kiên vẹt mọi người sang hai bên để lao vào. Khanh hoảng sợ ngồi bật dậy:

- Em bị trượt chân...

Nào ngờ, Kiên chỉ nhẹ nhàng:

- Nằm xuống nghỉ đi.

Đến lượt Vũ Anh tỉnh dậy. Nhìn thấy Kiên nó vừa mừng vừa lo:

- Cháu tự ngã đấy chú Kiên ạ.

Kiên vừa buồn cười vừa thương. Đầu tóc quần áo nó lấm lem hết cả, chắc ban nãy nó sợ lắm.

Y tá để hai đứa trẻ nằm thêm một lúc nữa rồi cho về. Kiên cõng Vũ Anh trên lưng, còn Khanh thì Kiên bắt đi bộ. Khanh biết mình sai nên chẳng tị nạnh gì, chỉ thỉnh thoảng liếc Vũ Anh.

- Thế nãy Vũ Anh có sợ không?

- Có, nước vào hết mắt hết mồm cháu đây này.

- Tao chả thế, Khanh hùa, tao còn bị sặc cơ. Nhưng mà - Khanh len lén nhìn Kiên - không phải là tao rủ mày đi, mà là mày đòi theo, nhờ!

- Vâng.

Gió mát. Vũ Anh mệt, thiu thiu ngủ. Về tới nhà, mẹ Kiên tưởng con bé làm sao, mặt hoảng hốt định la lên. Kiên "suỵt" khẽ:

- Con bé đang ngủ. Mẹ thay quần áo cho nó không bẩn hết rồi. Khanh cũng vào thay đi.

Sau lần ấy, Kiên không cho Vũ Anh theo về nữa. Vũ Anh có đòi thế nào cũng không cho. Trước giờ Kiên chưa từ chối con bé bao giờ, thế là nó dỗi. Đang chơi trốn tìm với Văn Anh và Trà Long ngoài sân nhà ông bà, nhìn thấy Kiên, con bé cắm đầu chạy. Kiên thấy nó không chào, gọi giật lại:

- Vũ Anh!

Vũ Anh ngoảnh đầu lại, mặt xị ra. Kiên thấy vậy, dịu giọng:

- Sao thấy chú không chào?

Vũ Anh đứng tần ngần, không đáp. Nó đang dỗi, không chỉ vì không được về quê nữa.

Hai đứa trẻ đang chơi trốn tìm, đợi mãi không thấy có ai liền chạy ra.

- Chú Kiên! - Văn Anh véo von, sà ngay vào lòng Kiên đang ngồi xổm trước mặt Vũ Anh, chờ con bé trả lời.

Bình thường nó không về quê nên không giận dỗi như chị gái.

- Vũ Anh chuẩn bị tạm biệt chú đi, chú sắp không ở đây chơi với Vũ Anh nữa đâu - Kì bảo con gái.

Từ ngày hai đứa bắt đầu đi học, cả nhà chỉ còn Tiêu và ông bà gọi là Si Sol.

Cả hai đứa không hiểu, ngác ngơ. Văn Anh hỏi:

- Chú đi đâu?

Trà Long đã 11 tuổi, đủ lớn để hiểu những câu chuyện người lớn nói.

- Chú đi làm ở xa, nhỉ chú Kiên nhỉ.

- Ừ.

Thấy Vũ Anh mặt mày vẫn xụ xuống, Kiên bế Văn Anh đứng dậy, xoa đầu nó định dắt vào nhà. Nào ngờ, Vũ Anh gào lớn: "Cháu không thèm chơi với chú nữa! Không chơi với Sol nữa!", rồi chạy vụt vào nhà, bỏ lại hai người bị "ra rìa"ngơ ngác nhìn theo. Tiếng nó lớn, người trong nhà cũng nghe thấy. Tiêu chưa kịp hiểu chuyện gì đã thấy con bé chạy sượt qua mình.

Văn Anh thấy chị "xít" mình thì bất ngờ, đòi xuống bằng được để chạy theo. Cả nhà cũng bất ngờ. Thấy Kiên đứng như trời trồng vì bị con gái mình cho ra rìa, Tiêu dù không biết chuyện nhưng cũng tủm tỉm cười, ra an ủi:

- Cứ để cho nó dỗi. Nó chả dỗi chú Kiên được lâu đâu.

Kiên phải đi xa, và không biết bao giờ mới quay trở về. Ông bà nội Vũ Anh làm cơm để tiễn Kiên, vừa để thắp hương tổ tiên phù hộ. Gia đình Kiên cũng lên. Trừ Khanh, bố mẹ Kiên và ba người em gái đều hiền lành.

Khanh lanh lắm, ít được lên Thành phố chơi nên dụ hai đứa bé nhà Tiêu Kì cho đi chơi bằng được. Vũ Anh vẫn đang dỗi Kiên, giận lẫy cả Văn Anh nên đi luôn. Văn Anh lẵng nhẵng bám theo, báo hại Trà Long bị bố mẹ bắt đi theo để trông chừng.

Gần nhà có một công viên, Trà Long lại rủ chơi trốn tìm. Vũ Anh thua, nhắm mắt chờ ba người kia đi trốn. Trà Long lớn nhất nên chơi lấy lệ với bọn nhỏ thôi, Văn Anh thì quá ngây thơ nên bị tìm thấy dễ dàng, chỉ còn Khanh ma mãnh trốn vào tận một góc, Vũ Anh tìm mãi không được. Trời dần tối, cả ba đứa đều sợ, gọi lớn:

- Chú Khanh! Chú đâu rồiiii?

- Trời tối rồi, chú không về là ông bà đánh đấy.

Nhưng vẫn không có ai thưa. Được một lúc, mệt và đói, Trà Long để Vũ Anh ở lại một mình, dù sao đèn vẫn sáng, người qua lại vẫn đông nên không quá lo, còn mình dắt Văn Anh về gọi người lớn.

Thấy Kiên đang đứng lớ ngớ ngoài sân, Trà Long túm ngay được kéo một mạch ra công viên. Ra tới nơi, Vũ Anh thì khóc khản cổ, Khanh đang nấp ở gần đấy thấy Kiên nhảy bổ ra. Kiên vội chạy tới bế Vũ Anh lên dỗ, tay kia còn kịp túm được Khanh, vạt cho một cái.

Vũ Anh nức nở, khóc lâu quá nên nín rồi vẫn còn "hức, hức". Con bé gục đầu vào vai Kiên, quên cả cơn dỗi. Kiên thấy con bé im lìm, miệng không giấu được nụ cười.

Ngày hôm ấy chính là ngày cuối cùng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro