Phần 1:Cuộc Oanh Tạc Bất Ngờ.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Làng Tuân Lộ - 4 giờ sáng ngày 19/12/1972.

                                                    '' À a à ời... à a à ơi...      

                                              Bao giờ cho đến tháng ba

                            Ếch cắn cổ rắn .. ờ ơ tha ra ngoài.. i ì đồng.

                                             Hùm nằm cho lợn liếm lông

                             Một chục quả hồng à... nuốt lão... tám à mươi.

                                         À ơi ... Nắm xôi nuốt trẻ lên mười

                        Con gà, be rượu ờ... ơ nuốt người lao à đao...                                                                                                                                                                                  À a à ời... à a à ơi....

   -''Hùng ơi, con bé ngủ say rồi này, trông lúc ngủ sao mà dễ thương quá!''


   -''Ừ, nó ngủ được mình cũng tạm yên tâm rồi.''

Hương vừa xoa đầu Ngọc Mai vừa lẳng lặng ngồi xuống bên cạnh chiếc võng, khẽ thở dài:

   -''Tội nghiệp, mới có tí tuổi đã phải cuốc bộ cả chục cây số, kể cả cậu có cõng nó thì được mấy chứ, chắc cậu cũng mệt rồi nghỉ đi cho lại sức.''


Tôi mỉm cười, tiến lại gần:


   -''Chẳng phải cậu cũng như hai anh em mình sao? Đi sơ tán lại còn trong đêm, đều mệt cả mà vẫn ở đây hát ru cho bé Mai ngủ, tóm lại là ai mệt hơn đây?''


Hương không nói gì chỉ nở nụ cười rạng rỡ nhìn tôi.


  -'' Nhưng mình không ngờ cậu biết hát ru, lại còn hay như thế, ở nhà cậu cũng thường ru em ngủ hả?''

  -''Không, mình không có em, thực ra đây là lần đầu tiên mình hát ru.''

Tôi mở tròn con mắt, kinh ngạc:


   -''Tuyệt quá, lần đầu tiên mà ngọt như mẹ mình vậy, cậu có năng khiếu đó, chắc mẹ cậu hát hay lắm. À mà quên, hôm qua, trên đường đi sơ tán, mọi thứ hỗn loạn, đầu óc mình trống rỗng không muốn hỏi nhiều, mình thấy cậu cũng trạc tuổi mình nên xưng hô như vậy chứ cũng không rõ .... cậu bao nhiêu tuổi?''


   -''Mình 15 tuổi.''


  -''Hay quá, chúng mình bằng tuổi thật nè, thế nhà cậu ở đâu, sao lại đi một mình, bố mẹ cậu đâu? ''

Chả biết vừa rồi lời tôi nói có chỗ nào sai mà đột nhiên gương mặt Lan Hương biến sắc tái nhợt, giữa tiết trời buốt giá của mùa đông miền Bắc, không chạy không nhảy, không vận động nặng, mồ hôi ở đâu ra chảy xuống hai bên thái dương cậu ấy, im lặng trong vài giây, tôi nhìn thấy rõ ràng những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khả ái, thanh tú của Lan Hương. Tôi còn cảm nhận được phảng phất đâu đó nỗi oán hận, căm thù từ trong đôi mắt sâu thẳm ngấn lệ, có lẽ tôi  đại khái hiểu được gia đình Lan Hương phải đối mặt với những bất hạnh gì. Đúng, chỉ có thể là ''chuyện tốt'' mà con quỷ tàn độc chiến tranh mang lại. Bất chợt, tôi cũng đơ người ra và có chút hối hận khi đã hỏi cậu ấy. Nhưng ngay sau đó Lan Hương gạt nước mắt quay sang nhìn tôi:


   -''Bố... mình không biết bố mình là ai, ngay cả cái tên cũng không biết, bởi vì từ khi sinh ra mình chỉ sống với mẹ, mẹ cũng chưa bao giờ nói cho mình biết một chút thông tin gì về bố, với lại... mình không còn nhà từ lâu rồi, thằng Mỹ nó đốt trụi nhà mình rồi, mẹ...''


Nói đến đây bàn tay Hương nắm chặt, cậu ấy nghiến răng:


  -''Có chết mình cũng không thể nào quên được tội ác tày đình mà bọn chúng đã gây ra cho người dân quê mình, và cả ... mẹ. Khi ấy, mình chỉ cách quỷ môn quan chưa đến một gang, quê mình ở làng Sơn Mỹ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, mình là một trong số những người hiếm hoi may mắn sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai...''


Sơn Mỹ ư?!-Tôi nghệt mặt ra, nghĩ. Vụ này tôi biết qua mấy tờ báo. Theo trí nhớ của tôi nếu không nhầm thì có đến 504 thường dân bị thiệt mạng, trâu bò cũng bị giết, nguyên nhân dẫn đến trận càn quét dã man, tàn bạo này nôm na là bọn chúng nghi ngờ trong làng chất chứa người của quân giải phóng. Cái đám thú vật ! Cái đám quỷ đội lốt người! Thật may là cậu ấy thoát được.

  -''Hùng, Hùng ơi !''

Đang miên man nghĩ ngợi tôi quên khuấy mất Lan Hương vẫn kể cho tôi nghe chuyện của cậu ấy.

  -''Cậu sao thế?''

Tôi lắc lắc đầu cười trừ:


  -''Không, mình có sao đâu, chỉ là...''


Đột nhiên cậu ấy ngắt lời tôi, ánh mắt nhìn đăm đăm về phía mấy đám mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời:

  -''Ngày 16 tháng 3 của bốn năm về trước, một ngôi làng đang yên đang lành phải chịu nỗi thống khổ tột cùng. Hôm đó mình đi học về thì tai họa khủng khiếp đã giáng xuống Sơn Mỹ. Từ xa mình núp sau đống rơm to đùng chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng của bọn giặc. Chúng hệt như những con quỷ khát máu, chúng dồn dân vào một chỗ rồi sả súng liên hồi, lúc ấy mình cảm tưởng như hai tai mình bị điếc mất rồi. Mấy con trâu chúng cũng không tha, xác chết xếp la liệt, có những người còn bị chúng rắp tâm chôn sống, khốn nạn hơn, một số phụ nữ bị lũ thối tha đó hãm hiếp rồi bắn bỏ. Mình quá sợ hãi, chân tay run lên bần bật, chỗ nào cũng là máu, mùi máu tanh lẫn với mùi khói, tiếng gào thét, kêu la đến rạc họng, tiếng trẻ em khóc tức tưởi hòa với tiếng súng, một khung cảnh bi thảm, hỗn loạn hiện ra rõ mồn một trước mắt mình. Rồi đột nhiên mình chợt nhận ra phía sau lưng là một con mương đã bị nhuộm đỏ ngàu vì máu, hàng chục người bị giết dưới đó. Hai thằng Tây bất giác nhìn về phía đống rơm thấy có gì bất ổn liền đi tới. Mĩnh nghĩ quả này thì chết chắc rồi. Song, một ý tưởng lóe lên trong đầu, hết cách mình mò xuống mương giả chết, bởi vì cả con mương toàn là máu, nhìn người mình sẽ như một đống thịt be bét máu, chúng sẽ không nghĩ mình còn sống. Mình nằm im thin thít, nín thở và quả thật chúng đi luôn. Mình từ từ ngóc đầu dậy thì thấy cả ngôi làng chìm trong biển lửa, nhà của bọn mình bị đốt trụi, rồi ... mình nhìn thấy mẹ... là xác của mẹ. Mẹ mình bị chúng bắn vào đầu từ trên xuống dưới chỉ toàn máu tươi...Trái tim mình như có hàng ngàn, hàng vạn con dao găm vào vậy, mình lại gục đầu xuống mương không dám khóc vì sợ chỉ cần một tiếng động nhỏ thôi là sẽ... Cuối cùng lũ ác ôn đó cũng rời đi. Mình ngoi lên từ con mương toàn thân ướt nhẹp, máu dính  khắp người, mình lê từng bước chân run rẩy với khuôn mặt giàn giụa nước mắt, cố gắng thoát khỏi cái địa ngục ấy. Rồi thật cảm tạ ông trời đã rủ lòng thương cho mình gặp được quý nhân. Một người phụ nữ trẻ tuổi đi qua trông thấy mình đã đưa về nhà, tắm rửa, thay quần áo, và cho mình ăn. Cô ấy là người miền Bắc và ngay ngày hôm sau, người phụ nữ đó dẫn mình đi Hà Nội. Sau khi đến nơi, cô dúi cho mình hai bộ quần áo và một chút tiền, người phụ nữ đó rời đi luôn chỉ nói duy nhất một câu: Cô chỉ có thể giúp cháu đến đây thôi, mong may mắn sẽ mỉm cười với cháu, cô phải đi rồi. Bốn năm trôi qua mình vẫn chưa gặp lại cô ấy...''

Lan Hương kể cho tôi tất tần tật mọi chuyện về bi kịch của làng Sơn Mỹ năm 1968. Nghe một nhân chứng sống tường thuật lại quả thực còn bàng hoàng hơn gấp bội phần khi nghe qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cuộc đời Lan Hương quá bất hạnh nhưng cô gái mười một tuổi năm ấy và cô gái mười lăm tuổi của hiện tại thật mạnh mẽ và kiên cường.

  -'' Mình chỉ hận lúc đó, không bắn chết được tên nào.''

  -'' Không, cậu đã làm rất tốt rồi, tất cả mọi thứ! Cậu đã sống sót, hậu quả của chiến tranh thật sự quá thảm khốc, mình biết dù có nói gì đi chăng nữa cũng không thể nào xóa mờ cái hồi ức đau lòng ấy trong tim cậu nhưng hãy cố gắng vượt qua nó, mẹ cậu trên trời chắc hẳn sẽ rất vui.''

Lan Hương không trả lời tôi, chỉ cúi gằm mặt xuống đất, từng làn gió nhẹ nhàng lướt qua mái tóc đen, dài rối bù. Tôi nói tiếp:

  -''Vậy là bốn năm qua cậu một mình mưu sinh ở Hà Nội sao?''

Hương từ từ ngẩng đầu lên, hai ngón trỏ không ngừng chạm vào nhau:

  -''Ừ, nơi đất khách quê người, lại không nhà, không cửa mình đi lang thang khắp đầu đường xó chợ, may có chút tiền người phụ nữ kia cho, mỗi hôm, mình trích một ít mua hai cái bánh lót dạ. Đêm thì co ro dưới gầm cầu. Về sau, mình tìm được vài công việc như là bán báo, đánh giày nên cũng không lo chết đói nữa.''

  -''Cực khổ cho cậu quá, thân con gái mà phải...''

  -''Này, Hùng ơi! Ra bãi đất trống sau làng chơi đi.''

Chưa dứt lời, tôi đã bị cánh thằng Bình, Khoa, Giang quắt rủ đi chơi. Mà kể cũng lạ, quái sao hôm nay cái đám công tử bột ấy dậy sớm thế. Ba đứa nó tôi quen thân sau mấy bận đi sơ tán, mặc dù qua cũng đến mấy địa điểm sơ tán rồi nhưng bốn chúng tôi, cả bé Mai vẫn đồng hành cùng nhau. Và lần nào cũng thế, thằng Khoa luôn là đứa lành chanh nhất:

  -''Ế, vị đại Anh Hùng của chúng ta hôm nay  còn dắt theo tiểu mỹ nhân về này.''

Tôi khịt khịt mũi, xua tay:

  -''Vớ vẩn, cái mồm của mày sao lúc nào cũng hạnh họe được thế hả?''

Nó nhảy cẫng lên cười nham nhở:

  -''Bình tĩnh nào, tao đùa tý mà, nay chỗ sơ tán có thêm bạn mới, càng vui chứ sao, nhở?'' - Nó liếc xéo sang chỗ thằng Bình với Giang quắt, rồi cả hai thằng mặt đần thối ra gật đầu lia lịa.

Tôi và Lan Hương đều ôm bụng phá lên cười. 

Thằng Khoa nhảy bổ về phía chúng tôi khoác hai tay lên vai, nó huých huých khuỷu tay vào lưng Lan Hương, hai mắt cứ nhay nháy trông rất lưu manh, ngoe nguẩy hỏi:

 -''Cậu tên gì vậy? Nhập bọn với chúng mình rồi đi chơi nhá? Ngoài kia, có mấy đứa con gái đang chơi đồ hàng cậu ra đó mà chơi cùng, chúng nó thân thiện lắm.''

 -''Mình tên Lan Hương, rất vui được gặp các cậu.''

 Nó cười hì hì : -''Thôi làm quen rồi, mau đi chơi đi, còn một tiếng nữa là đến giờ ăn cơm sáng đấy.''

Sau đó, cả bọn chúng tôi nhảy chân sáo, vừa đi vừa chuyện trò rôm rả.

                                                               -------------------------------------

                                                                                              *

                                                                                           *    *



             (Mười hai tiếng trước) Hà Nội-5 giờ chiều ngày 18/12/1972                   

Tôi tên là Anh Hùng- cái tên này là do mẹ đặt cho tôi, có lẽ trong thời chiến tranh, loạn lạc, mẹ muốn gửi gắm ước mơ, khao khát và tấm lòng thành kính của mình đối với những chiến sĩ đã quả cảm hy sinh ngoài mặt trận vào đứa con trai đầu lòng, bản thân tôi cũng rất thích cái tên này, nghe oai mà nhỉ ?Năm nay tôi mười lăm tuổi và có một cô em gái tên Ngọc Mai, vừa tròn sáu tuổi. Mẹ tôi là nhân viên y tá ở bệnh viện Bạch Mai, còn bố tôi thì đang chinh chiến ở tuyến đầu của Tổ quốc-bộ đội của quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Những ngày gần đây bầu trời Hà Nội trong xanh và yên ắng lạ kỳ, thậm chí đến bóng dáng của một chiếc máy bay bình thường phi qua cũng không có chứ nói gì là B52. Lại sắp đến giáng sinh, thêm nữa, thông tin về hiệp định Paris rằng Mỹ sẽ ký kết thỏa thuận ngừng bắn, không lực Hoa Kỳ sẽ rút về nước, chấm dứt hành động bắn phá, trả lại bình yên cho dân chúng miền Bắc Việt Nam, càng thúc đẩy người dân Hà thành từ khắp các địa điểm sơ tán lục tục rủ nhau kéo về năm cửa ô. Ngay cả ba mẹ con tôi cũng hớn hở về nhà từ hai ngày trước rồi.

Sáng nay, tôi nghe loáng thoáng đâu đó về cảnh báo: Người Mỹ sẽ bội ước, không đời nào chúng từ bỏ dễ dàng như vậy, và lần này chúng sẽ mang pháo đài bay B52 đến rải thảm bom ở Hà Nội y như những gì chúng đã làm với thành phố Hải Phòng ngày 16/4/1972, không những thế, sức công phá lần này sẽ lớn hơn rất nhiều hòng san phẳng thủ đô, đánh phủ đầu vào chi viện của hậu phương miền Bắc cho miền Nam. Nhưng nom không khí bình ổn hiển hiện trên gương mặt của người dân Hà Nội, hình như chẳng ai tin Mỹ sẽ quay trở lại vào dịp giáp tết này,  về phần tôi thì quan điểm hoàn toàn nghiêng về phía lời cảnh báo kia. Không Hiểu sao cái sự tĩnh mịch này khiến tôi rợn tóc gáy, tôi có dự cảm chẳng lành và đinh ninh một suy nghĩ: B52 sẽ tới không đêm nay thì rạng sáng mai.

Tôi đang trên đường từ chỗ xếp hàng chờ đong lấy mấy yến gạo về nhà- nhà tôi ở phố Khâm Thiên. Khi đi qua chỗ bán bột mỳ, tôi vội ghé vào mua lấy một ít vì bé Mai rất thích ăn bánh rán, tiện thể mua bằng phiếu thêm chút mỡ thực vật. Dù chẳng biết mẹ có tin tôi hay không nhưng nhất quyết nội trong ngày hôm nay, ngay cả khi phải sơ tán lúc nửa đêm, tôi phải cùng hai người họ lập tức rời khỏi Hà Nội. Chuẩn bị xong đầy đủ những thứ cần thiết tôi tống hết lên xe ba gác rồi kéo.

Khung cảnh đường phố hôm nay rất náo nhiệt mà tôi thì đang lo sốt vó lên được. Có điều, tôi để ý thấy mấy khẩu hiệu ''Tất cả cho tiền tuyến'', ''Hướng về miền Nam ruột thịt'' có từ nhiều năm trước rồi nhưng dường như được nhấn mạnh hơn vào thời gian này. Trên các phương tiện giao thông công cộng tôi nhìn đâu đâu cũng có những dòng chữ ấy. Bất tri, bất giác tôi nhớ đến bố, chắc bây giờ trong miền Nam đánh nhau ác liệt lắm. Đến khi nào bố mới được trở về quây quần bên mẹ con tôi? Đến khi nào đồng bào Việt Nam mới thôi phải chịu khói lửa, bom đạn chiến tranh? Và cho đến khi nào thì những giọt nước mắt bi thương, những nỗi đau giằng xé ruột gan mang tên chiến tranh sẽ chấm dứt?

Khi tôi về đến nhà, chỉ thấy Ngọc Mai ngồi thu lu trên bậc hè, nhai kẹo:

  -''Mẹ đi rồi, mẹ bảo em đưa cho anh cái này.''

Mẹ để lại một bức thư, trong thư mẹ dặn hai anh em mau chóng về nơi sơ tán càng nhanh càng tốt, mẹ phải đến bệnh viện gấp có nhiều bệnh nhân cần điều trị, và mấy ngày tới đây chắc chắn Mỹ sẽ oanh tạc Hà Nội, mẹ không thể đi cùng chúng tôi được, nhân dân thủ đô cần mẹ, nhưng mẹ bảo chúng tôi cứ yên tâm , hai , ba ngày nữa mẹ sẽ đến thăm chúng tôi. Mẹ còn đặc biệt căn dặn phải chăm sóc sức khỏe thật tốt, đọc thư xong phải thực hiện ngay, không được tìm mẹ, không được chậm trễ.

Hóa ra mẹ cũng tin lời cảnh báo đó, dù trong lòng vẫn còn thấp thỏm, không yên tâm nhưng tôi đành ngậm ngùi đi làm. Vừa hay thấy chú Ba bước tới-những lần di tản trước, nhà tôi đều nhờ chú chở đồ như là chăn màn, quần áo, những vật dụng cá nhân, gạo,.. đến nơi sơ tán. Vì xe của chú rộng rãi nên để Ngọc Mai ngồi lên trên đống đồ đó, chú đèo. Còn mẹ thì đạp xe lai tôi.

  -''Chú Ba, chú chở giúp cháu đống đồ này đến nơi sơ tán được không ạ?''

Chú ấy cười híp mắt, đáp:

  -'' Được chứ, không thành vấn đề, cơ mà giờ chú không chở được, nhưng đừng lo, chú bảo thằng cả chở giúp, có bao nhiêu cứ vác ra đây, sao hai đứa vội đi thế , vừa mới về được ít ngày mà.''

  -''Mẹ  và cháu đều không yên tâm, chú cũng mau đến nơi sơ tán đi ạ, thằng Mỹ nó đánh đến nơi bây giờ.''

Tôi biết là chú ấy chẳng tin đâu.

  -'' Hahaha ...đúng là hai đứa nên đi sớm, chú không tin bọn chúng quay lại hôm nay đâu, mà kể cả là B52 chú cũng phải thủ ở đây xem bộ đội tên lửa phòng không của ta bắn hạ nó.''

Tôi cùng chú Ba xếp đồ đạc lên xe, ba chúng tôi tạm biệt từ đây. Khi chú đi xa thì màn đêm đã buông xuống. Tôi ngó vào trong nhà, đồng hồ treo tường chỉ bảy giờ. Buổi tối, gió mùa đông Bắc càng khiến hai hàm răng không kiểm soát được mà không ngừng chạm nhau ''cậc cậc''. Tôi mặc ít thì không sao, tôi chịu được, tôi chỉ lo Ngọc Mai bị cóng nên cố lục trong tủ quần áo để tìm nhưng chợt nhận ra bao nhiêu áo dày đem đi sơ tán cả rồi. Tôi nhún người xuống hỏi:

  -''Em có lạnh không?''

  -''Cũng không lạnh lắm nhưng em rét cổ.''

  -''Vậy đợi anh chút.''

May thật, tôi vẫn giữ một chiếc khăn ở đầu giường, vội chạy vào buồng lấy ra :

  -''Ngoài trời gió lạnh lắm, quàng khăn vào, nếu không bỏ quên cái gì thì anh em mình xuất phát luôn nhé !''

Con bé gật đầu cười thích chí, trước khi làm một việc gì đó hệ trọng hai người chúng tôi thường có thói quen đập tay như để thể hiện sẽ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, an toàn và xem nó là cuộc phiêu lưu kỳ thú. Rồi tôi dắt Ngọc Mai ra khỏi phố Khâm Thiên, từ nhà tôi đến chỗ sơ tán phải mất bốn, năm tiếng đi bộ nhưng tôi tin chỉ cần ra đến ngoại thành sẽ xin đi nhờ xe được, cùng lắm thì tôi vắt hết tiền trong túi ra. Đến giữa đường, tôi thấy một vài gia đình cũng đang kéo nhau đi di tản, có bà mẹ dùng quang gánh hai bên hai đứa con nhỏ. Ngọc Mai bỗng dưng nhéo tay tôi:

  -''Em khát nước.''

 Trán con bé nhăn như khỉ tiều thấy mà thương. Tôi lục trong ba lô moi ra một chai nước:

  -''Anh có chuẩn bị sẵn nước rồi này, mau uống đi, vài phút nữa anh em mình tiếp tục''.

Mắt con bé sáng lên như vớ được vàng, nó dựng ngược chai nước tu ừng ực. Nhìn bộ dạng ấy của đứa em gái hai khóe miệng tôi bất giác cong lên cười âu yếm.

  -''Ổn chưa nào, công chúa? Chúng ta đi được chưa?''

Tôi nhét chai nước vào ba lô rồi đeo ra đằng trước, tôi sợ con bé  không đi nổi:

  -''Mai, lên đây anh cõng, không còn xa nữa là ra ngoại thành rồi, cố lên em.''

 -''Hi hi, anh Hùng là nhất.''

Tôi còn chưa nhích được vài bước, mớ tóc tơ đằng sau gáy dựng đứng cả lên, sắc mặt tôi bần thần từ đỏ chuyển sang tái mét, bởi vì ngay thời điểm đó giọng nói quen thuộc lại vẳng ra từ đài phát thanh thành phố:''Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội tám mươi ki-lô-mét về phía Đông Nam. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng vào vị trí chiến đấu, đồng bào sẵn sàng xuống hầm trú ẩn.'' Và một ít giây sau sẽ là bốn mươi ki-lô-mét. Rồi còi báo động từ nhà hát lớn rú lên, mọi người nhao nhao chạy xuống hầm. còn một mình tôi vẫn chôn chân trên đường, mẹ kiếp, chân tôi bị trẹo đau điếng đi rất khó khăn. Trên vỉa hè cứ cách hai mươi mét là sẽ có một hầm trú ẩn cá nhân, tôi đang cố lết đến hầm thì thấy bốn cái gần nhất đã chật ních người .... Bùm !! Đùng! Đoàng!Bùm! Đúng là B52, thằng Mỹ nó đến nhanh hơn tôi tưởng. Quá nguy hiểm tôi vội vàng thả Ngọc Mai xuống:

  -''Mau chạy xuống hầm cá nhân ngay, anh sẽ xuống sau nhanh lên !''

  -'' Ứ ừ, anh không đi em cũng không đi.''

  -''Gan em to bằng trời rồi đấy hả, chạy mau không? Biết thế, anh bảo chú Ba nhét em lên xe... ''

Và lúc đó tôi gặp được Lan Hương, sự xuất hiện này khiến tôi thật sự bất ngờ, cậu ấy hớt ha hớt hải chạy đến chỗ chúng tôi trong bộ quần áo mỏng manh, rách rưới, chắc do thấy bom nổ kịch liệt mà hai anh em tôi thì vẫn đứng trên đường:

  -''Đằng kia, mình thấy hai cái không có người, hình như chân cậu không đi được à? Đưa con bé cho mình, nó nhỏ con, để mình bế nó xuống cùng ẩn trong một cái hầm chắc vừa, rồi mình sẽ dìu cậu đến sau.''

 -''Cảm...cảm ơn cậu.''

Lan Hương quỳ gối xuống bên cạnh Ngọc Mai, cậu ấy xoa xoa mái tóc con bé từ tốn khuyên bảo, mặc dù tình thế lúc này quá nguy cấp nhưng hành động của Hương vô cùng điềm tĩnh:

  -''Chị biết em thương anh, nếu thương anh thì càng phải theo chị xuống hầm, em là đứa trẻ ngoan mà đúng không?''

  Em gái tôi lúc đó thật sự đã nghe lời cậu ấy, Lan Hương định quay người đi, tôi gọi với lại:

  -''Cậu tên gì?''

  -''Lan Hương.''

Tôi nghĩ, tên của cậu ấy thật đẹp, đẹp như người vậy, mà tính nết cũng đẹp nữa. Hương bế Ngọc Mai chạy cật lực về phía hầm trú ẩn, tôi thì vẫn tập tễnh lê từng bước với một bên chân bị trẹo. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy năm mươi mét nó xa vời đến thế. Thử nghĩ mà xem, hôm ấy, nếu chậm thêm một bước là tôi nổ banh xác rồi.

  -'' Này cậu bé kia, giờ là lúc nào rồi mà vẫn lang thang trên đường, muốn chết hả?''

Một chú dân quân tự vệ giắt khẩu súng trên lưng hét lên í ới đằng sau tôi, chú chạy lại gần:

  -'' Không vào hầm trú ẩn nó cho có phát chết cả lũ bây giờ.''

  -'' Nhưng chân cháu bị trẹo, không đi nhanh được, mấy cái hầm ở gần không ken thêm người được nữa đâu.''

  -'' Nằm xuống !!!''

Tôi vừa dứt lời, có quả bom nổ đánh đụp một phát gần như ngay cạnh chỗ chúng tôi đang đứng. Cái cây to tướng là nạn nhân trực tiếp, bốc cháy đùng đùng, ngã rạp xuống đường. Hãi hùng thật.

Hai người chúng tôi lồm ngồm bò dậy, mặt mũi đều đen nhẻm, tôi sặc sụa vì khói, chú dân quân đỡ tôi đứng lên:

   -''Đấy, biết sợ chưa? Đưa cái chân đây, oạch...''

  -'' Á...đau..."

  -''Rồi, giờ đi được chưa?''


 Tôi lau lau mấy vệt đen trên mặt, gật đầu. 

Chú giúp tôi nắn lại cái chân bị trẹo xong đẩy tôi về phía trước:

  -''Xuống hầm ngay lập tức, bọn nó còn mấy đợt rải bom nữa đấy, đi mau đi!''- Chú dân quân vừa chạy lùi vừa hét vọng lại.

  -''Thế còn chú?''

  -'' Tôi không chết được đâu, giờ này còn ở đây nói chuyện với cậu làm sao chết dễ thế được, nhanh lên chàng trai!'' - Tiếng chú ấy thất thanh.

  -''Cháu cảm ơn chú nhiều lắm.''

Tôi vẫy tay chào tạm biệt chú dân quân rồi hệt như vận động viên điền kinh chuyên nghiệp lao như tên bắn đến hầm trú ẩn. Lan Hương lúc này cũng đang chạy về phía tôi:

 -''Chân cậu khỏi rồi à, em gái đó giờ an toàn rồi, cậu đừng lo.''

 -'' Ừ mình lại phải cảm ơn cậu rồi, thôi, không nói nhiều nữa, xuống hầm, đợi bọn chúng đi rồi tính tiếp.''

Tôi nhảy thọt xuống phốc một cái, rồi đậy nắp hầm lại. Ngồi trong đó tôi nghe rõ mồn một tiếng bom giật liên hồi cùng tiếng pháo cao xạ kêu inh ỏi. Vài giây sau, tôi nghe tiếng tên lửa phóng lên trời.... vèo...vèo... mấy quả liền ấy. Dạo trước mẹ đưa anh em tôi đi tham quan một đơn vị của bộ đội tên lửa phòng không ở Hà Nội. Tôi nhìn mấy quả S75 của Liên Xô đến ngơ ngẩn cả người, cả cái cách mà mấy chú bộ đội cải trang cho tên lửa cũng thật là ấn tượng. Cành cây xanh rì quấn nhặng xung quanh thân tên lửa, đúng là bọn Mỹ có mắt cú vọ cũng giời mà tìm ra. Còn chưa kể bộ đội ta thông minh lắm, dùng cả đống rơm to đùng tạo thành tổ hợp tên lửa giả, không quân Hoa Kỳ toàn nhằm trúng cái giả mà phang khiến cho chúng tôi được trận cười đau bụng. Khi tôi nhìn các chú bộ đội tên lửa tập luyện, não tôi như bị úng vậy, chẳng hiểu gì cả nhưng tôi thấy mấy chú lúc đó rất ngầu không biết khi đánh thật còn ngầu cỡ nào. Ước gì tôi lớn thêm vài tuổi, tôi sẽ đầu quân cho đơn vị tên lửa.

Ít lâu sau, không khí được trả lại sự yên tĩnh. Tôi không còn nghe thấy tiếng bom, tiếng đạn hay tiếng pháo, chắc mẩm lũ B52 đi rồi. Tôi mở nắp hầm chui ra. Cả bầu trời Hà Nội nghi ngút khói bụi mịt mù. Dù đèn ngoài đường tắt  hết sạch nhưng tôi vẫn trông rõ mọi thứ vì đêm nay có trăng.

Lan Hương và Ngọc Mai cũng đang từ hầm đi lên. Tôi cười tươi roi rói đến hội họp với họ:

  -'' Hai người ổn chứ, có bị thương chỗ nào không?''

  -''Mai, em vừa khóc đấy à, sao mặt mũi lem nhem thế này, nào lại đây với anh.''

Tôi không kìm lòng được ôm chầm lấy con bé, đột ngột, tôi nghe thấy tiếng khóc rưng rức, mấy giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống lưng:

  -''Sao em lại khóc nữa, có chuyện gì à?''

  -''Anh Hùng ơi, em sợ...hự..hức''- Nó mếu máo.

  -''Ngoan nào, có anh ở đây rồi, Ngọc Mai nín đi, không khóc ...không khóc nữa, anh còn một hộp kẹo chip ở chỗ sơ tán, nghe lời, anh cho ăn kẹo, nhá !''

  Trẻ nhỏ đúng là dễ dụ, vừa nhắc đến kẹo con bé lại ngoác miệng ra cười tươi hơn hoa, nó nín thật, rồi gật gật đầu với tôi. Nhìn nó gạt gạt lau lau nước mắt nước mũi mà tôi vừa thấy buồn cười vừa thấy xót xa. Phải sống trong lòng bom đạn khổ sở thế đấy.

Tí nữa thì tôi quên mất Lan Hương cũng có mặt ở đây. Bây giờ tôi mới có cơ hội nhìn rõ khuôn mặt cậu ấy. Ánh trăng vàng phản chiếu lên dáng người thanh mảnh, yếu ớt. Hương đứng đó với nụ cười duyên dáng, đôi mắt đen lay láy, tươi sáng lạ kỳ, ánh trăng trườn lên cả bộ quần áo tả tơi vá chằng vá đụp đang đung đưa trước gió. Tôi thần người ra một lúc ngắm nhìn cô gái ấy, tâm hồn mới quay trở về thực tại.

  -'' Mình còn chưa biết tên cậu?''

  -'' Anh Hùng.''

  -''Hả?''

  -''Thì Anh Hùng là tên của anh em đó.''

Con bé Ngọc Mai này lanh thật, tôi quay sang ấn ngón tay vào mũi nó, rồi cả ba đứa cứ cười mãi. Được một lúc, lệnh sơ tán khẩn cấp réo lên, mọi người từ trong hầm đi ra có người về nhà đợi sáng sớm mai đi sơ tán, có người thì giống chúng tôi dìu nhau rời khỏi thủ đô ngay trong đêm.  Giờ hai anh em tôi có thêm một người bạn cùng đi sơ tán. Chả biết khi ấy là mấy giờ, tôi chỉ biết đi đến Làng Tuân Lộ, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Tỉnh Vĩnh Phúc là vừa vặn hai giờ sáng- chính là chỗ chúng tôi sơ tán lần cuối cùng trong cuộc đời.

Tôi rất mừng vì bé Mai khá là quý Lan Hương, họ tuy lần đầu gặp nhau nhưng lại thân thiết y như đã từng quen biết vậy. Suốt dọc đường, nửa đoạn đầu chúng tôi đều cuốc bộ, cứ mệt rồi nghỉ, uống đến giọt nước cuối cùng cũng hết. May mà có Lan Hương, tôi phát hiện, cậu ấy rất giỏi chọc cho Ngọc Mai cười. Đôi khi tôi còn tưởng mình bị con bé cho ra rìa rồi chứ. Khi chúng tôi đi qua một cánh đồng, Mai tự dưng bảo chúng tôi dừng lại:

   -''Chị Lan Hương, chị nhắm mắt lại đi, không được ti hí đâu nhá.''

  -''Ừ chị biết rồi, em làm gì thế?''

Tôi đến bái phục cô em gái này mất thôi. Chả biết nó lôi đâu ra một bó hoa với bao nhiêu là sắc màu.

  -''Được rồi, chị mở mắt ra đi.'' Nó cười khoái chí chĩa bó hoa ra trước mặt Lan Hương.

  -'' Đẹp quá, em kiếm ở đâu hay vậy.''

  -''Đằng kia kìa, nhìn thấy không?''

Cả tôi và Hương đều bất ngờ, rõ ràng đi qua rồi nhưng hai chúng tôi chẳng ai để ý bên rìa đê có cả một khóm hoa rực rỡ như thế.

  -''Nhóc con, chị cảm ơn em nhiều, mà em thích hoa hả?''

  -''Không hẳn, em thích tất cả mọi thứ có nhiều màu sắc giống như cầu vồng ý ạ. Chỉ là em vẫn chưa được chạm vào cầu vồng, em muốn nhìn thấy chân cầu vồng ở đâu, không có chân làm sao mà đứng được, lần nào cũng thấy nó chềnh ềnh trước mắt nhưng cứ lại gần là nó lại càng lùi xa căn bản không với được.''

Tôi sực nhớ lại, hai tháng trước, con bé có hỏi tôi một câu:'' Anh Hùng ơi, mùa đông có cầu vồng không?'' và tôi trả lời là... không. Nó bảo nó hay mơ thấy cả gia đình mình chơi đùa dưới chân cầu vồng. Bố không cần phải đánh trận nữa, xung quanh chỉ toàn màu xanh, đỏ, tím vàng chứ tuyệt nhiên không có màu đen hay màu xám của khói. Con bé tin rằng có thể tìm thấy điểm cuối của cầu vồng.

                                                             ____Hết phần 1____

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro