Phần cuối: Hạnh Phúc Nơi Phía Chân Cầu Vồng.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tính đến thời điểm đó, tôi đã trải qua cả thảy là bốn đợt sơ tán. Tuy mỗi lần dài ngắn khác nhau nhưng trong thời gian sống ở nơi sơ tán, tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp cũng như những bài học khắc cốt ghi tâm. Bọn học sinh chúng tôi đã trải qua những tháng ngày đi học đội mũ rơm, rồi lúc khẩn cấp chui tất xuống hầm để học. Hầm thì tối, lại ngột ngạt. Nhưng vài ba cái nhọc nhằn này có thấm vào đâu, trong khi công cuộc chinh chiến còn miên man.

 Những ngày nghỉ hoặc là đi đào khoai, đào sắn giúp các cô bác nông dân hoặc là gánh củi, gánh nước, mùa gặt thì gánh rơm. Tôi người thành phố ban đầu chả biết gánh thế nào, xong lâu rồi thành quen. Thức ăn cũng hết sức đạm bạc, cơm canh rau muống, hay cơm độn ngô, thi thoảng được ăn bánh làm từ bột mỳ chứ không phải bột gạo. Cứ bốn đứa chung một nồi cỡ vừa, cứ đến giờ cơm là cả bọn bâu vào xâu xé sạch bách không còn một hạt. Tôi thì ăn ít thôi, không nhiều, thậm chí có bữa nuốt nguyên khoai đủ no rồi. 

Tôi động lòng trước khung cảnh thôn quê nơi sơ tán. Tôi cảm mến trước tấm lòng nhiệt thành mà người dân nơi đây dành cho đồng bào Hà Nội. Họ chở che, họ bảo bọc, họ cùng chúng tôi vượt qua mưa bom bão đạn, vượt qua sự chết chóc, thảm khốc của chiến tranh. Đối với những người được tin báo tử từ tiền phương, họ chia sẻ, động viên, an ủi thậm chí là cùng khóc với những con người bất hạnh ấy. Họ cho mấy người không quen, không biết như chúng tôi ăn nhờ ở đậu mà không nề hà gì hết. Họ coi chúng tôi như những thành viên trong gia đình, có gì ngon đều san sẻ, có gì vui đều cùng nhau tận hưởng. Ơn đức này đời đời tôi luôn trân quý và cảm tạ.

Tôi cực kỳ yêu mến những người bạn nông thôn của mình. Những người đã cùng tôi và những đứa trẻ Hà Nội khác trải qua một tuổi thơ dữ dội, không bao giờ quên. Tôi biết một số thứ mà chỉ riêng trẻ con nông thôn mới có được. Tỷ dụ như không khí thanh bình, yên ả chốn làng quê. Mùa hè, cánh đồng lúa chín bạt ngàn, khi rơm dạ phơi đầy đường, lũ chúng tôi lại có dịp quần nhau tơi tả, nghịch vã vần rồi, tối về lãnh đủ. Từng trận ngứa khiến cho cả đám có những hôm phải thức trắng. Cuối hè, cảnh làng mạc càng trở nên xao xuyến, tiếng lá tre rì rào, xào xạc, tiếng chim kêu lảnh lót, tiếng sáo diều vi vu, từng đàn cò trắng phau bay rợp trời... Tất cả những thứ thuộc về miền quê với tôi đột nhiên trở nên thân thương vô cùng. Cứ mỗi khi hoàng hôn buông xuống, chạy lên đê, phóng tầm mắt ra xa, tôi có thể nhìn toàn bộ phong cảnh hữu tình, ráng chiều đỏ ửng nhuộm hồng cả một góc trời, hay những tia nắng còn xót lại lốm đốm trên nhành cây kẽ lá. Tôi hò hét sảng khoái và cảm thấy lòng mình an yên đến lạ. Biết bao sự tang thương do chiến tranh mang lại trong tích tắc bay đâu mất hết. Đương nhiên ở độ cao ấy, tôi có thể xem trọn vẹn cảnh Mỹ đánh bom Hà Nội. Và cuộc rượt đuổi ngoạn mục của MIG 17 với con F4 của Hoa Kỳ.

Còn trong đợt sơ tán này, ngoài Ngọc Mai, tôi có thêm Lan Hương . Cái nơi với thế đắc địa kia giờ có thêm Lan Hương. Mỗi buổi chiều tôi và cậu ấy lại trèo lên, hai chúng tôi đều chứng kiến toàn bộ mười hai ngày đêm Điện Biên Phủ trên không lịch sử, chứng kiến thủ đô đã anh dũng ngoan cường như thế nào để chống chọi với thế mạnh như chẻ tre của địch, chứng kiến từng cái B52 bị bắn rơi trong niềm sung sướng tột độ của quân và dân ta.

  -''Cậu không sợ bom à mà liều lĩnh thế?''

  -''Nếu tớ sợ, thì đã không đứng ở đây, với lại cậu cũng có sợ đâu. Hơn nữa, bao nhiêu lần tớ trông thấy máy bay của cả ta lẫn địch phi qua chỗ này nhưng chả bao giờ nhả bom, sợ gì chứ.''

Một buổi chiều lộng gió, tôi và Lan Hương chơi đùa trên đê.

  -''Không biết có ai khen cậu chưa, cậu... thật sự rất xinh.''

Tôi là người thẳng tính, cũng không giỏi thốt ra những lời ngọt ngào hoa mỹ, chẳng biết có gì lố bịch quá không, mà cô ấy đỏ bừng mặt ngượng ngùng, im lặng một lúc lâu mới hồi đáp tôi:

  -'' Chưa, cậu là người đầu tiên.''

Có một nguồn năng lượng tràn trề chảy trong người tôi khi đôi tai nghe được câu nói ấy từ Lan Hương. Phấn khích, vô cùng phấn khích. Chiều hôm đó, tôi vẫn ngốc nghếch lắm, cho đến mấy năm sau tôi mới hiểu cái niềm vui đường đột và chóng vánh kia lại chính là những rung cảm của tình đầu vụng dại.

  -'' Mới có bốn ngày mà sao đợt sơ tán này, mình nhớ Hà Nội quá, Hương ạ.''

  -''Dù quê mình không ở Hà Nội, nhưng bốn năm qua ở thủ đô mình cũng không muốn rời xa nó, trẻ mồ côi nghe có vẻ bất hạnh, có điều trong suốt thời gian ở Hà Nội mình chưa từng gặp qua kẻ xấu, chiến tranh liên miên, dường như trong hoàn cảnh nguy khốn tình thương giữa người với người vừa đơn thuần vừa giống một sợi dây dài và dai đến mức không bao giờ đứt. Họa chăng chỉ có sự bàng quan vì điều kiện không cho phép chứ không hề có ý đồ đen tối.''


  -''Phải rồi, cậu sống ở hà thành lâu như vậy bảo sao giọng nói đặc sệt miền Bắc, nếu không nói có đánh chết mình cũng không nghĩ cậu người miền Nam. Thế còn mấy làn điệu hát ru Bắc Bộ cậu học được ở đâu vậy?''

Cậu ấy nhắm mắt, suy nghĩ một lúc như kiểu hồi tưởng lại một sự kiện nào đó, rồi mở mắt ra với nụ cười trong veo :

  -'' Thời gian đầu ở thủ đô, tiền của người phụ nữ kia tiêu mãi rồi cũng hết, vì không làm gì ra tiền, không muốn trộm đồ nên mình hay mặt dày đi đến một số nhà xin đồ ăn và hứa với họ sau khi tìm được việc , kiếm được tiền dù lâu hay chóng mình cũng không quỵt. Rồi lần đó, mình vào nhà một cụ bà, lúc đầu mình tưởng bà ấy có vấn đề về thần kinh vì ngoài bà ra trong nhà không có ai cả nhưng suốt trưa bà ngồi cạnh cái võng trống không đung đưa đung đưa, hát đi hát lại một điệu ru. Mình thấy lạ nên mấy hôm sau lại mò đến nhà cụ bà đó, và chuyện tương tự như thế tiếp tục diễn ra. Mình không hỏi xin bà đồ ăn mình chỉ không hiểu chuyện gì đã làm cho cụ bà ra nông nỗi này, do nghe nhiều quá mình thuộc luôn, chính là cái điệu hát ru mình ru bé Mai sáng hôm mười chín ấy.''

  -'' À, hóa ra là như thế... tại hạ bái phục !''

Chúng tôi đứng đó. Buôn chuyện Đông, Tây, Nam,Bắc , hết giỡn lại đùa, mệt thì cả hai nằm xoài ra cỏ,  rồi tiếp tục hi hi ha ha, quên trời, quên đất, quên cả thời gian. Mùa đông, ngày ngắn, đêm dài, vừa mới đấy, bóng tối đã lại choán hết không gian. Dù biết rằng đã đến lúc phải trở về, nhưng cứ nhìn thấy nụ cười dịu dàng, thanh nhã của Lan Hương, tôi chỉ muốn ở riêng với cậu ấy cả ngày. Tôi thích cô ấy cười.

  -''Mình thích cậu cười.''

  -''Hả?''

 -''Mình nói, mình thích cậu cười, đúng hơn là thích ngắm cậu khi cười, mình thấy ấm áp lắm, nhất là lúc cậu cười với bé Ngọc Mai, không những ấm áp mà còn đẹp...đẹp trai nữa.''

Nhiều khi tôi nghĩ phải chăng hai đứa có thần giao cách cảm. Bạn đã bao giờ trải qua cái cảm giác như có dòng điện chạy qua người tê tê, đầu óc trống rỗng, giác quan mất kiểm soát chưa? Lúc đó, tôi bị như thế đấy. Tôi còn chưa kịp phản ứng gì, đứng ngây như pho tượng thì cậu ấy đã quay người, chạy xa tít tắp :

  -''Ê, này... cậu đi đâu đấy?''

  -'' Cậu bị ngốc à, về nhà chứ đi đâu, giờ còn không về, bà Hợi chửi cho té tát, với lại đứng mãi đấy, mình sợ bom rơi vào đầu...''

  -''Nhưng đi cũng phải đợi mình chứ.''

  -''Ai bảo cậu cứ như khúc gỗ, mình tưởng cậu không định về nên đi luôn.''


  -''À mà Hương này...mình....''

Tôi gãi gãi đầu mãi không thôi, ngượng thật. Có điều tôi muốn rủ Hương tối nay xem quân ta diệt B52 nhưng cứ ậm ừ mãi chả nên hơi vì tôi sợ bị cô ấy từ chối. Hơn nữa, nguy hiểm như thế không chui vào hầm còn tơ hơ mặt ra ngắm máy bay, ai dại gì làm vậy, nhỡ đâu dính bom thật thì sao.

  -''Hử, cậu thế nào?''

  -'' Tối nay, ăn xong...Đợi mình ở nhà kho... nhe...nhé.''


Hương khiến tôi ngạc nhiên thực sự, cậu ấy không những đồng ý còn không hỏi tôi lý do vì sao lại hẹn nhau ở nhà kho, vẫn nhận lời tôi và trên môi là nụ cười tươi tắn : ''Được!''

Mày thấy chưa, Anh Hùng, mày do dự... mày do dự cái khỉ gì chứ.

Đúng như lời hẹn. Tám giờ tối hôm ấy, chúng tôi trốn ra nhà kho. Thiếu niên mà, trong đầu lúc nào cũng thích mấy thú vui mạo hiểm, tôi đánh liều rủ Hương leo lên mái nhà để xem cho dễ. Không phải bỗng dưng tôi chọn nhà kho là nơi chiêm ngưỡng màn ''khiêu vũ'' đỉnh cao của máy bay, chỗ đó nằm trên bãi đất cao ráo, chung quanh cây cối thưa thớt lại thấp, cho nên chỉ cần yên vị ở một mép mái nhà là đủ nhìn rõ toàn bộ.


Tôi hào hứng nói với Lan Hương:

  -''Cái gì mà pháo đài bay B52, bất khả chiến bại, cả thế giới phải khiếp sợ, vậy mà bò sang Việt Nam đã bị thua ngay từ đêm mở màn, mình tin chắc đêm nay sẽ lại có thêm vài tên ác ma xấu số nổ tanh bành trên bầu trời Hà Nội.''

  -''Ừ, chúng đâu có ngờ được, lúc đầu còn hùng hổ lắm, vác B52 đi trong vài ngày là có thể đưa miền Bắc Việt Nam về thời kì đồ đá, cứ tưởng châu chấu đá voi nhưng cuối cùng voi lại bị oánh cho vỡ mặt.''

Trong màn đêm đen đặc, hàng trăm quả bom tiếp tục rải xuống Hà Nội, nhưng đúng là hôm đó chúng tôi được mở rộng tầm mắt. Có một vài chiếc B52 không thể trở về nơi chúng xuất phát. Trong mấy phút đầu, chúng tôi chứng kiến cảnh MIG 17 của ta quần nhau với F4, hai chiếc máy bay chiến đấu ráo riết đuổi nhau, vật vã khoảng nửa tiếng vẫn chưa hạ được đối phương, xong cuối cùng F4 bị bắn rơi. Nhưng đến pha này mới gọi là ngoạn mục, quả tên lửa đầu tiên được phóng lên trời, B52 lạn lách thoát được ''lưỡi hái tử thần'', nhưng nó không may mắn nhiều như thế, tiếp tục một quả nữa phóng lên đón đầu, B52 nổ tan tác y như quả cầu lửa ngoại cỡ, cháy ầm ầm, cháy dữ dội làm sáng bạch cả một vùng trời rồi ngay tức khắc nó lao thẳng xuống đất cách chỗ chúng tôi không xa lắm. Không ngôn từ nào có thể lột tả hết sự sung sướng lúc bấy giờ. Khi chiếc B52 bị rơi, cả dân làng nơi sơ tán ngay sau đó cũng biết, họ  nhảy dựng lên, hò, la hét điên cuồng, ôm nhau, bế nhau cười trong nước mắt bởi quá hạnh phúc.


  -''Bớ làng nước ơi, mau ra mà xem,B52 cháy rồi, B52 cháy thật rồi bà con ơi !''

Sau này tôi còn nghe nói, dân làng nơi có B52 rơi xuống, người cuốc, xẻng, người thuổng, liềm dao, người gậy gộc, xà beng,... lũ lượt chạy ra bắt phi công :

  -''Thằng Tây kia kìa, mau bắt lấy nó, quân khốn nạn, quân giết người.''

Có người quá khích, định vung dao chém chết nhưng được cơ quan chức năng kịp thời ngăn cản. Sau đó áp giải vào ngục làm tù binh.

Trong khoảnh khắc rạo rực ấy, tôi cũng không kìm chế được, dang tay ôm chặt lấy Lan Hương, suýt chút nữa là chúng tôi lăn từ trên mái rơi phịch xuống đất. Cậu ấy đỏ mặt,dơ tay đánh nhẹ vào ngực tôi, quở trách :

  -''Chúng mình đang ở trên mái nhà đấy, cẩn thận ngã có phát là hai đứa chết chung chả cần bom đạn gì nữa nhé.''

Ban đầu, tôi sợ mất mật nhưng mà bình tĩnh lại, tôi vẫn cười khanh khách, chọc Lan Hương:

  -''Yên tâm, chết sao được, mà dù có ngã chết, cậu cũng nên cảm thấy vinh hạnh vì được chết trong lòng một thiếu niên anh tuấn như tớ chứ.''

Chẳng biết lúc đó có phải tôi ăn nhầm gan hùm không mà dám phát ngôn như thế. Lan Hương vẫn giữ vẻ mặt bình thường cho đến khi chúng tôi xuống dưới. Nhanh như cắt, cậu ấy lấy chân đạp bịch vào bụng tôi không thương tiếc. Tôi đau quá ôm bụng lăn quay ra đường. Cô ấy thì bỏ mặc tôi không quản, trước khi chạy mất hút còn vô tình ném lại một câu vào mặt tôi:

  -''Cho cậu chừa, mình về trước đây, lần sau nhớ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói nhé.''

Vậy mà tôi còn định rủ cô ấy ngày mai sang xã bên cạnh xem xác máy bay chứ, đúng là mua dây buộc mình!

Đêm hôm đó vì dính ''chưởng'' của Lan Hương, tôi trở về trong tình trạng vô cùng dặt dẹo. Ngọc Mai vẫn ngồi trên võng nhai kẹo. Tôi mang bộ mặt ngơ ngác đến bên cạnh con bé:

  -''Sao muộn vậy rồi mà em vẫn chưa ngủ?''

  -'' Anh đi đâu cả buổi thế?''

  -''À, anh có chút việc cần làm. Thế sao em...''

Chẳng để tôi nói hết câu, đưa em gái mít ướt của tôi lại khóc:

  -''Em nhớ mẹ, em nhớ mẹ lắm... sao mẹ không đến thăm chúng ta?''

Tôi vẫn luôn nhớ mẹ đã hứa với anh em tôi rằng, khoảng ba ngày sau hôm sơ tán, mẹ sẽ đến thăm chúng tôi. Nhưng hôm nay là ngày thứ tư rồi. Không chỉ riêng Ngọc Mai, đêm qua tôi cứ trằn trọc mãi, lăn qua lăn lại cái giường bé tí tẹo chẳng ngủ được. Dù sao thì thông tin về sự thiệt hại ở Hà Nội như thế nào tôi đều không rõ, chính điều này khiến tôi e sợ, bất an. Bao nhiêu tấn bom trút xuống thủ đô, cơ sở vật chất bị tàn phá hoặc là hủy diệt toàn bộ là điều không thể tránh được và đương nhiên nhiều người cũng không thể thoát khỏi cái chết.

  Tôi lấy tay lau nước mắt cho con bé :

    -'' Anh cũng nhớ mẹ, chắc mai mẹ sẽ đến thăm chúng ta thôi, điều quan trọng bây giờ là em phải đi ngủ, khuya rồi, phải giữ sức để gặp mẹ chứ, rồi mẹ lại trách anh không chăm sóc tốt cho em gái diệu.''

Mai chẳng nói chẳng rằng, nhảy lên giường cuộn tròn vo như quả bóng, mặt quay vào tường. Tôi cũng trèo lên ôm con bé ngủ. Không cần biết nguy hiểm cỡ nào, chắc chắn ngày mai tôi sẽ khăn gói trở về Hà Nội. Địa điểm đầu tiên tôi đến không phải phố Khâm Thiên, mà là bệnh viện Bạch Mai.

Tôi vốn định đi một mình, nhưng không ngăn nổi hai người bọn họ. Lan Hương nài nỉ đòi đi tìm mẹ cùng tôi, còn bé Mai nằng nặc giãy đành đạch bám lấy tôi nhất quyết không được bỏ nó lại một mình, nó muốn nhìn thấy mẹ, cực kì muốn. Thế là cả ba đứa bất chấp tất cả về Hà Nội sáng ngày 22/12/1972.

Khi đến nơi, tôi không thể tưởng tượng nổi, chân mình đang giẫm trên đất hà thành. Trường học, nhà gas, kho xăng, cầu cống, nhà cửa,... bị bom phá cho không còn gì. Khói bụi vẫn bốc lên nghi ngút, khung cảnh hoang tàn, đổ nát đến bi thương khiến tôi nổ đom đóm mắt, không biết bao nhiêu người mất mạng trong cuộc oanh tạc khốc liệt này. Trái tim của Việt Nam liệu có trụ vững trong cơn bão khủng khiếp nhất từ trước đến giờ không?

  -'' Này, ông biết gì chưa, sáng nay B52 trút hàng trăm quả bom xuống bệnh viện Bạch Mai đấy, nghe nói sập hết rồi, người ta đang truy lùng số người thiệt mạng, với cả bị thương..''

Tôi nghe rành rành câu nói này từ miệng của một người phụ nữ với người đàn ông, tôi bất động mất mấy giây ngỡ tưởng tai mình bị lãng, tôi chỉ ước lúc đó có ai chạy đến chỗ tôi và nói không phải bệnh viện Bạch Mai đâu. Tôi như phát dại bế Ngọc Mai trên tay điên cuống chạy thục mạng đến bệnh viện, bỏ lại sau lưng dáng đứng ngơ ngác của Lan Hương. Trông tôi lúc đó hằm hằm sát khí, mặt đỏ tía tai. Nếu mẹ có mệnh hệ gì, bố con tôi sẽ sống sao ?!

Và quả thật, bệnh viện giờ không khác gì bãi phế thải. Chả ra cái hình thù gì. Trước mắt tôi, một khung cảnh hoang tàn, đổ nát, tường sập hết, gạch, xi măng nằm liểng xiểng, chỏng chơ có cột sắt nhỏ chọc thẳng lên trời. Người dân có người thân làm ở bệnh viện cũng dắt nhau ra lục tung bãi chiến trường để tìm tung tích của họ với hy vọng mong manh còn có người sống, hoặc nếu chết phải đào cho kỳ được xác về an táng. Họ la hét tìm người, tôi cũng vừa cõng Mai trên lưng vừa gào gọi mẹ. Nước mắt tôi tuôn rơi như suối, lòng tôi quặn thắt, đau đáu một nỗi bất lực vì gào mãi, gầm mãi, không lời hồi đáp. Ngọc Mai cũng sợ quá ôm chặt tôi, khóc rưng rức. Tôi tìm mọi ngóc ngách, bới đủ mọi chỗ cũng không có. Nhưng có lẽ đây là tin tốt vì sống phải thấy người chết phải thấy xác, hoặc chí ít cũng phải tìm được vật gì đó trên người mẹ, nếu tìm không ra vẫn còn khả năng mẹ tôi không ở bệnh viện lúc bom tập kích. Dần dà tôi lấy lại được sự bình tĩnh, nhẹ nhàng đặt Ngọc Mai xuống nói với con bé:

  -'' Đừng hoảng hốt, anh nghĩ mẹ đang ở chỗ an toàn rồi, hoặc có khi nào mẹ đang ở nhà cũng ...''

Bỗng dưng, tôi chết lặng, mặt cắt không còn giọt máu, mắt trợn ngược, lúc ấy, tôi nhìn thấy hai người đang khiêng ra một thi thể cụt cả hai chân, còn mỗi thân trên, toàn thân bụi bặm, máu me be bét, là mẹ tôi...


  -''Ở đây khung cảnh hỗn tạp, nghe lời anh tránh xa chỗ này một lát, chỉ một lát thôi, anh có chút việc, anh Hùng sẽ quay lại với Mai liền, ngoan không khóc.''

Tôi vội che mắt Ngọc Mai lại, dẫn con bé đến chỗ mấy người dân ở đó nhờ họ trông giúp, tôi lo con bé vì quá đau buồn và hoảng sợ nên không chịu được. Lần Trước khi bố tôi bị trọng thương, con bé nhìn thấy máu chảy ồ ồ đã quá kinh hãi mà ngất xỉu. Tôi dặn người trông bé Mai làm gì thì làm chỉ cần đừng để con bé nhìn thấy tôi, cách càng xa bệnh viện càng tốt. Rồi tôi phóng đến chỗ hai người vừa đưa thi thể của mẹ tôi ra. Khi ấy, tôi cảm tưởng như thời gian ngừng chảy, mọi thứ xung quanh bất động, dây thần kinh tê liệt, tứ chi mất hết sức lực, tôi nâng đầu mẹ lên mà trái tim như vỡ thành từng mảnh, tôi khóc hết sức bình sinh, khóc như chưa bao giờ được khóc, đau lắm ! Uất lắm ! Hối hận lắm! Tôi hối hận vì hôm mười tám đã không bằng mọi giá kéo mẹ cùng anh em tôi đến nơi sơ tán. Giờ chuyện đã rồi, quá khứ qua đi không thể cứu vãn. Tôi cứ quỳ gối ở đó, quỳ trên đống đổ nát, ôm nửa thân mẹ, ấm ức, đau khổ, khóc vật vã, khóc lên khóc xuống, khóc cạn nước mắt. 

Bởi vì quá sốc trước sự ra đi của mẹ nên lúc đó tôi dường như chẳng thèm để ý chung quanh cũng có nhiều đứa trẻ giống mình. Chúng mất mẹ, mất cha. Đàn ông thì mất vợ, mất người yêu. Nhìn đâu cũng bắt gặp ánh mắt ám ảnh, tiếng hét, tiếng khóc thê lương của những người còn sống. Và tôi cũng đâu có ngờ, cũng lại bốn ngày sau, khi chúng tôi trở về ngôi nhà ở phố Khâm Thiên, cảnh tượng tang tóc, thê thảm hơn sẽ một lần nữa sờ sờ ngay trước mắt trong nỗi căm hờn, oán thù giặc trào dâng tột độ.

Lúc này, Lan Hương đã tới Bạch Mai. Trong khi tôi vật và vật vờ như thằng ăn mày, thì cô ấy đã chạy đến bên tôi, không nói một câu gì, chỉ ngồi xuống cạnh tôi trên đống đổ nát ấy. Rồi vòng tay ra đằng sau, ôm lấy tôi, để mặc tôi khóc lóc như một đứa trẻ lên ba. Đến khi tôi định thần lại, cậu ấy chợt lên tiếng:

  -''Nỗi đau dù lớn đến đâu cũng sẽ được thời gian xoa dịu và mình là nhân chứng sống đây này, đúng không? Họ đã mãi mãi nằm sâu trong đất chúng ta càng phải kiên cường, kiên cường để nhìn thấy cái ngày, Việt Nam ta đại thắng, cái ngày bọn xâm lăng phải nhục nhã rút về nước. Mình ngoài mẹ ra thì chẳng còn ai, cậu thì khác, cậu còn bé Mai và cả bố đang chiến đấu ở tiền tuyến, cậu phải cố gắng xốc lại tinh thần ngay, Ngọc Mai rất cần cậu.''

Lan Hương nói đúng, em gái cần tôi, giờ nó vẫn chưa biết chuyện của mẹ, dù có chẳng nỡ nhưng tôi vẫn phải cho nó biết mẹ đã không còn trên thế gian này. Tôi đứng dậy, chỉnh đốn lại quần áo, nắm tay Lan Hương:

  -''Đi thôi, đi tìm Ngọc Mai.''

Đứng trước mặt con bé, họng tôi như cứng lại, tôi chẳng biết mở miệng thế nào đây. Và một lần nữa, Lan Hương giúp tôi gỡ rối:

  -'' Để chị kể cho em nghe câu chuyện này nhé. Ngày xửa ngày xưa ở vương quốc xa xôi nọ, có hai mẹ con thường dân sống bên nhau rất hạnh phúc. Cho đến một ngày, người mẹ bỗng dưng ngã bệnh, không một ai trong vương quốc có thể chữa được căn bệnh ấy. Và bà ngừng thở nhưng kỳ diệu ở chỗ, người mẹ lập tức biến thành bảy tia sáng với những màu sắc đỏ, vàng, da cam, lục , lam, tràm, tím, những tia sáng này hệt như dải lụa uốn thành hình vòng cung, chồng lên nhau, phải, bà ấy đã biến thành cầu vồng. Điều đó chứng minh, dù bà không còn thở nhưng bà không hề chết, bà là hiện thân của cầu vồng, cầu vồng chính là bà, người con biết rõ điều đó nên không khóc, không đau buồn. Cô bé hoàn toàn có thể sờ vào cầu vồng, chơi đùa ở điểm cuối của cầu vồng, cô bé tìm thấy hạnh phúc nơi phía chân cầu vồng bởi vì cô bé vẫn cảm nhận được hơi ấm của mẹ . Bây giờ, mẹ của em cũng trong tình trạng như thế, em hiểu không? Bà ấy một khắc cũng không rời xa em.''


-''Nghĩa là từ bây giờ em chỉ được gặp mẹ khi cầu vồng xuất hiện sao?''


-''Không hẳn, bà lúc nào cũng ở bên em, nhưng là trong tâm trí, trong giấc mơ còn khi cầu vồng xuất hiện, dĩ nhiên rồi, chắc chắn em sẽ thấy mẹ.''

Lan Hương được sinh ra trên đời này như để nhận sứ mệnh cứu rỗi linh hồn của những người bị tổn thương sâu sắc vậy. Trước đó, tôi cực kỳ căng thẳng nhưng nhìn thấy Ngọc Mai gật đầu tin lời của cậu ấy tôi thật sự được thở phào nhẹ nhõm. Tôi không biết làm vậy có nên chăng, suốt mùa đông sẽ chẳng có cầu vồng nào cả, nhưng sau này khi con bé lớn nó sẽ hiểu nỗi khổ tâm của chúng tôi. Thời gian gấp rút lại trong lúc chiến tranh ác liệt, người ta trải một tấm vải trắng lên thi thể những người chết rồi lần lượt đưa họ ra chỗ khác chôn tập thể. Tôi không muốn Ngọc Mai nhìn thấy hậu quả tàn khốc này nên đã nhanh chóng rời Hà Nội, cũng không ghé qua Khâm Thiên nữa. Tôi muốn mọi chuyện lắng xuống vài hôm cũng là để cho mình thêm thời gian nguôi ngoai nỗi đau mất mẹ.

Việc đầu tiên tôi làm sao khi trở về chỗ sơ tán là ngồi vào bàn, lôi giấy bút ra viết thư cho bố. Tôi muốn thông báo cho bố biết chuyện này và hỏi tình hình chiến đấu ở trong Nam, tôi muốn hỏi bố ngày chiến thắng còn xa không? Bố có khỏe không, bao giờ bố mới về đoàn tụ với anh em tôi? Bức thư này, bác Hải nhất định sẽ tìm cách gửi tận tay cho bố nên tôi rất yên tâm. Còn về Ngọc Mai, con bé không hề khóc nhưng lại giữ thái độ đăm chiêu suốt hai ngày liền. Tôi không dám ngỏ lời, chỉ sợ không khéo để con bé hiểu lầm. Rồi đột nhiên, tối hôm đó, nó bưng mặt khóc chạy đến ôm tôi:

  -'' Mẹ sẽ vĩnh viễn biến thành cầu vồng sao anh, em thích cầu vồng thật nhưng em không muốn thế đâu, hức huhu...em muốn gặp mẹ cơ. Làm thế nào để mẹ lại là mẹ của lúc trước, làm thế nào hả anh?''

Anh cũng không biết Mai ạ. Chiến tranh đã mãi mãi cướp đi mẹ của chúng ta. Nếu anh biết cách làm cho mẹ sống lại kể cả có phải hy sinh bản thân, anh cũng sẽ đưa mẹ quay trở về nhân gian.

Gió mùa đông bắc lạnh tê tái hay những lời nói thơ ngây của cô em gái khiến chân tay tôi buốt cóng, trái tim như đóng băng. Tôi không thể nào giữ hình tượng một người anh mạnh mẽ nhất thế giới trước tình cảnh sầu não như thế này được. Vừa ôm em, môi tôi mím chặt, từng giọt lệ cứ thế lại trào dâng xót xa.

  -''Dù là hình hài gì, thì mẹ vẫn là mẹ của chúng ta, em ạ.''

                                                                        _________________

27/12/1972 (phố Khâm Thiên, Hà Nội.)

Giữa lúc tôi muốn về thăm nhà ở Khâm Thiên, một tin sét đánh lại văng vẳng bên tai: 22 giờ ngày 26/12/1972, Mỹ ném bom phá nát Khâm Thiên, mấy trăm người thiệt mạng, có cả cụ già, thanh niên trai tráng, phụ nữ và trẻ em.

Ngay hôm sau tôi chỉ muốn về thủ đô để thăm Khâm Thiên, xem ngôi nhà của chúng tôi có còn cái gì không bị bom hủy hoại không, thăm bà con ở đó. Và sáng 27 chúng tôi lên đường đi Hà Nội.

 Đến đầu phố, lòng tôi rối bời khi thấy nhà cửa đổ nát, tan hoang, tường sập, mái bay. Chạy vội vào ngõ nhà mình, tôi thắt ruột khi mọi thứ tiêu điều. Căn hầm tập thể bị địch ném trúng, hàng trăm người chết không toàn thây. Họ ra đi để lại tiếng khóc ai oán, đớn đau của người thân còn sống. Tôi hiểu rõ cái cảm giác uất nghẹn đến tận cùng ấy. Còn chưa kể có những gia đình không ai sống sót, có những tấm thân chỉ còn lại bơ vơ một mình trên đời trong khi nhà cả thảy bảy người đều chôn thây trong đống đổ nát. Chiến tranh ấy mà, một danh từ không hề trừu tượng  nhưng lại có nghĩa bao hàm toàn những tính từ cay nghiệt: Thảm khốc, đói nghèo, bệnh tật, chết chóc, tang tóc, căm thù, đau khổ.

Chúng tôi đã đứng trước ngôi nhà của mình. Tôi thật chẳng có từ ngữ nào để miêu tả ngoài hai chữ : Nát bét. Trong những ngày này, bản thân cũng chẳng rõ chúng tôi đã rơi nước mắt biết bao lần, mỗi lần nhỏ ra bao nhiêu lít nước mắt cùng nỗi khiếp đảm, cay cú. Đối với tôi, sáng hôm ấy cũng không khác gì ngày tận thế. Những tưởng B52 rời đi thì mọi thứ được yên ổn. Sai lầm, quá sai lầm. Lần nào bọn chúng cũng vãi ra đất hàng tá bom bi. Các chú bộ đội chưa kịp có mặt để giải quyết hết bom bi, tôi chỉ kịp hét lên đừng chạy vào đó thì...... Ngọc Mai đã vấp phải bom bi, còn tôi và Lan Hương chỉ biết trơ mắt nhìn xác con bé bị xé ra từng mảnh. Bom phá nát nhà tôi nhưng giò phong lan thì vẫn vững chãi đứng trụ, không vết tích. Và rồi bạn biết đấy, con bé buông tay tôi ra chạy đến, chưa kịp sờ vào phong lan thân đã nổ tung rồi. Có nỗi bất lực nào hơn bất lực ấy, có người anh nào mà vô dụng như tôi không? Tại sao chuyện xảy ra lại nhanh một cách rùng rợn như thế? Tại sao một cô bé đáng yêu như Ngọc Mai lại lãnh một cái chết thê thảm như vậy? Tại sao người chết lại không phải là tôi? Tại sao những người tôi yêu quý nhất trên đời cứ lần lượt rời bỏ tôi mà không một lời từ biệt? ''Anh Hùng ơi, giò phong lan vẫn còn kìa...'' cái câu nói cuối cùng của con bé và Cái cảnh tượng bi thảm ấy ám ảnh tôi suốt mấy năm trời. Tôi chỉ biết gào, gào đến rạc họng, khản tiếng, nước mắt nhòa tưới nát trái tim rớm máu. Tôi và Lan Hương ôm nhau khóc đến sức cùng lực kiệt. Lúc đó chỉ cần tôi bắt gặp thằng Mỹ nào, tôi cũng phải quyết một trận sinh tử với nó, tôi chỉ có một khát khao là ra trận đánh cho chúng nó tơi bời hoa lá, nhưng tôi nào có biết bắn súng, nào có biết phóng tên lửa, nào có biết lái máy bay. Tuy nhiên, chúng tôi có thể làm được việc khác, với lòng căm thù ngùn ngụt trong lòng, tôi và Lan Hương đứng phắt dậy khi nghe tiếng B52 lần nữa lại bay về Hà Nội. Còi báo động lại tiếp tục réo lên inh ỏi, mọi người lại tiếp tục trốn xuống hầm, còn hai chúng tôi thân là trẻ con mười lăm tuổi  chẳng phải dân quân tự vệ nhưng quyết định không xuống hầm, vì ngay lúc đó tôi gặp lại chú dân quân tốt bụng ngày ấy.

  -'' Sao lúc nào tôi gặp cậu cũng trong tình huống nguy hiểm như thế này hả?''

  -'' Chú có thể đưa chúng cháu đi không ạ, cháu muốn cùng mọi người chiến đấu với giặc, chú hãy tin chúng cháu, không biết bắn súng nhưng chúng cháu có sức vác đạn.''

  -''Đạn nặng lắm, chàng trai cháu thì được nhưng cô bé này...''

  -''Cháu làm được, nhất định chú phải cho cả cháu đi nữa.''

  -''Các cháu chắc chắn chưa, nguy hiểm lắm đấy, chú không muốn mình là tội nhân thiên cổ đâu.''

  -''Cho phép cháu nhắc lại câu nói của chú hôm 18/12/1972. Cháu, Nguyễn Đức Anh Hùng không chết được đâu. Và cả Lan Hương cháu không bao giờ để cậu ấy chết.''

  -''Được, tốt lắm, theo chú, nhanh lên.''

                                                     ______________________

Khi một dân tộc bị dồn vào chân tường thì dù có nhỏ bé, nhưng bởi ngọn lửa hận cháy dữ dội trong tim, lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu anh dũng, quật cường, bất khuất sẽ chính là thứ vũ khí lợi hại nhất, tối tân nhất đánh cho lũ cướp nước vỡ mặt, nhục nhã rút về trong nỗi khiếp sợ ngút trời.

Mười hai ngày đêm, Hà Nội vẫn đứng vững, Hà Nội đã hô vang bài ca chiến thắng trong niềm tự hào vô bờ bến. Hy sinh mất mát quả thật vô cùng lớn, đau khổ,nước mắt, máu chảy thành sông. Nhưng... Chúng ta đã thắng, thắng  một cách ngoạn mục. Tất cả người dân hà thành lục tục kéo nhau về thủ đô trong niềm vui sướng, phấn khởi. Tết năm ấy là cái tết vui nhất mà chúng tôi trải qua trong đời. Màn pháo hoa kéo dài bốn mươi phút ăn mừng thắng lợi năm ấy sao mà đẹp đến nao lòng.

Mùa xuân năm 1975, khúc tráng ca oanh liệt cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ vang lên. Hòa bình lập lại, Nam Bắc nối liền một dải chữ S thân thương. Độc lập, thống nhất đất nước, bố tôi cũng đã được trở về bên tôi. Nỗi đau mất đi hai người thân yêu nhất vẫn len lỏi trong từng khúc ruột nhưng tôi giờ đây đã khôn lớn rồi. Ba năm trôi qua có quá nhiều thứ đổi thay, nhưng tình cảm của tôi dành cho Lan Hương không chút mai một. Sau chiến thắng vang dội của Hà Nội, cô ấy cũng không lời từ biệt mà bỏ đi, rời khỏi tôi, rời khổi thủ đô, tôi chẳng biết một chút tin tức về Lan Hương, cô ấy đi đâu được chứ? Cô ấy sống bằng cách nào? Tôi vẫn đợi, đợi cô ấy quay về, sẽ lại đột ngột như cái cách cô ấy xuất hiện trước mắt tôi ngay lần đầu tiên gặp mặt.

Một buổi chiều mùa hè râm mát, tôi trở về chốn cũ - Làng Tuân Lộ. Tôi leo lên con đê mà ngày  ngày trong thời gian sơ tán, chúng tôi vẫn hay chơi đùa. Thật ngạc nhiên, khung cảnh vẫn xao xuyến, ngọt ngào như xưa. Dưới ánh tà dương mơ mộng, huyền ảo, tôi lặng lẽ ngắm nhìn bức tranh tuyệt đẹp nơi làng quê thành bình. Bất chợt, có cơn mưa ào ào trút xuống trong khi trời vẫn còn hửng nắng. Cầu vồng xuất hiện nhưng bạn không thể tin được đâu, ngay lúc đó tôi đang đứng dưới chân cầu vồng, là chân cầu vồng đấy! Và... cô ấy cũng xuất hiện vẫn dáng người mảnh khảnh, vẫn nụ cười duyên dáng khiến trái tim tôi rung động, vẫn khuôn mặt xinh xắn, khả ái, và vẫn giọng nói êm êm khi  ru Mai ngủ. 

Chúng tôi gặp lại nhau dưới điểm cuối của cầu vồng rực rỡ sắc màu, cái ôm thít chặt khép lại câu chuyện vui buồn về những tháng ngày sống trong bom đạn chiến tranh, về khoảng thời gian ba năm xa xôi cách biệt.


  -''Mình sẽ không bao giờ để cậu đi nữa, không bao giờ, Hương ạ.''

    Xem ra ông trời không lấy đi tất của ai cái gì, Ngọc Mai đã đúng, Lan Hương cũng đã đúng, nếu trong truyền thuyết phương Tây, dưới chân cầu vồng có chôn giữ một kho báu thì đối với tôi, kho báu đó chính là hạnh phúc.  

                                                                        ____The End____


                                                                                                                Thảo Potter

                                                                           #Tuân Chính ngày 5/6/2018.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro