Người Giao Hàng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Sau nhiều đắn đo, ba tôi quyết định thôi làm kỹ sư ở một công ty nước ngoài để làm công việc kinh doanh kiêm thợ sửa chữa đồng hồ, tại cửa hàng nhỏ ông nội để lại trong khu phố sầm uất. Không như mấy ngành buôn bán khác, nghề này rất đặc biệt. Đừng nên coi một chiếc đồng hồ bé nhỏ như đồ vật thông thường, mà phải là một người bạn sẽ gắn bó lâu dài với người bỏ tiền mua nó. Chính vì thế người kinh doanh đồng hồ phải có thái độ đúng đắn, chăm sóc khách hàng tận tình, từ lúc giao dịch mua bán, thời gian bảo hành sau đó, thậm chí trọn đời với mấy chiếc đồng hồ trị giá ngang một gia tài. Tất cả những điều này ba tôi đã truyền đạt lại bằng công việc, lời nói, thái độ phục vụ hằng ngày với các vị khách, từ khi tôi còn là một thằng nhóc nhón chân lên cũng cao chưa tới tủ kiếng bày hàng.

Thừa hưởng uy tín từ ông nội, ba tôi kinh doanh theo cách riêng: Luôn cập nhật mặt hàng và nhãn hiệu mới. Không hướng đến đối tượng mua đồng hồ như món trang sức phô trương, mà những người cần đến các yêu cầu căn bản như độ bền, sự hữu ích... Vì thế ba có rất nhiều khách đủ mọi độ tuổi, giàu có nghèo có, trong thành phố và các tỉnh. Tôi rất thích vừa học bài vừa nghe trò chuyện giữa ba và khách hàng. Họ đến gặp ba với mong muốn mua cho chính mình, tìm quà tặng cho người thân, có khi chỉ nhờ ba sửa chiếc đồng hồ đang sử dụng. Ba tôi nói, dù ngày nay người ta có thể xem giờ bằng điện thoại thì một chiếc đồng hồ tốt vẫn là thứ ai cũng mong muốn sở hữu. Nhờ đó các cửa hàng như của ba tôi tồn tại và phát triển.

Năm tôi học lớp 5 thì cửa hàng của ba đã rất nổi tiếng. Tôi nghĩ vậy vì nhiều người nổi tiếng đến nhờ ba tư vấn, đặt mua nhãn hiệu hiếm cũng như sửa chữa những chiếc đồng hồ lâu đời của họ. Một lần nọ, ba bảo tôi thay ông đi giao chiếc đồng hồ đã sửa xong cho cụ giáo sư người quen. Đó là cái đồng hồ quả quýt hơn một trăm tuổi, độc nhất vô nhị. Cất hộp đồng hồ vào túi áo trong, mặc áo khoác ngoài cài kỹ từng nút, tôi hơi run. Quãng đường chỉ một cây số mà thấy xa quá chừng. Tôi vừa sợ làm mất đồng hồ, vừa muốn quẹo vào nhà mấy thằng bạn, khoe khoang nhiệm vụ quan trọng. Thế rồi tôi đã đi thẳng một mạch, bấm chuông, được mời vào nhà, đàng hoàng giao chiếc hộp cùng biên lai cho cụ giáo sư, rồi nhận tiền về đưa cho ba. Sau lần ấy trong mắt ba, tôi đã trở thành người giao hàng đáng tin cậy.


Mấy năm kế đó, ngoài giờ học, tôi thường giúp ba đi giao hàng cho khách. Thực sự ba tôi đã rất mạo hiểm khi đưa cho tôi những chiếc đồng hồ trị giá vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng, một mình đi lại trong phố xá đông đúc. Bắt đầu từ các con đường gần nhà, dần dà tôi tới các khu vực xa hơn. Từ đi bộ, tôi chạy xe đạp, đón xe buýt. Tôi học được cách đề phòng bọn móc túi, không gây nghi ngờ cho kẻ xấu trên đường. Gặp khách hàng khó tính, tôi nói chuyện giúp họ vui vẻ, bất đắc dĩ lắm mới phải để họ điện thoại trao đổi thêm với ba. Với khách nổi tiếng hay giàu có, tôi biết cách để họ thấy mình quan trọng. Người ta thường bảo mỗi đứa trẻ học hỏi để trưởng thành ở gia đình và trường lớp. Riêng tôi cần cộng thêm vào công việc của một cậu nhóc giao hàng.

Năm tôi học lớp 8 xảy ra một sự kiện. Hôm ấy ba đưa cho tôi cái đồng hồ điện tử dây nhựa màu hồng, loại dành cho con nít. Thường kiểu này xài một năm hết pin là bỏ luôn, đâu ai sửa làm gì. Tuy nhiên, mẹ cô bé khách hàng tên Cầm đã trả tiền trước, khi nào xong sẽ giao đến tận nhà trong quận. Thay vì cất kỹ ở túi áo trong như mọi lần, tôi nhét đại chiếc đồng hồ vô túi áo khoác, nhảy lên xe đạp. Dọc đường gặp thằng bạn mới mua bộ truyện tranh, tôi tấp vô lề đường coi ké và tán dóc. Lúc giật mình ngó đồng hồ thì đã trễ một tiếng so với giờ hẹn. Tôi co giò đạp xe. Lên tới căn hộ chung cư lầu hai, tôi thở hổn hển nhấn chuông. Mở cửa là cô bạn ốm nhách trạc tuổi.

Tôi thọc tay vào túi áo khoác. Chiếc đồng hồ và biên lai biến mất. Cả hai rớt dọc đường hồi nào. Nhìn vẻ mặt tôi, khách hàng hiểu ngay. Cô bạn không trách móc gì chỉ vội quẹt nước mắt. Tôi hứa sẽ đền cái đồng hồ khác, giống vậy hoặc đẹp hơn. Cầm lắc đầu. Lúc đóng cửa, cô bạn vẫn khóc. Làm gì ghê vậy, cái đồng hồ rẻ tiền thôi mà!

Ba biết ngay việc gì xảy ra vì tôi không mang về biên lai khách hàng ký nhận. Tôi tỉnh bơ nói chuyện nhỏ xíu, tôi sẽ lấy tiền để dành mua đền. Vang lên một tiếng "rầm". Vốn điềm tĩnh vậy mà bỗng dưng ba đập bàn. Chưa hết ba còn quát lên: "Con có hiểu điều vừa nói ngu xuẩn tới cỡ nào không?"

Tôi đi cùng ba tới nhà Cầm lần nữa, xin lỗi về việc đánh mất chiếc đồng hồ kỷ niệm mà người cha đã mất của bạn ấy mua cho con gái nhiều năm trước. Cô bạn tha thứ ngay. Mấy ngày sau, tôi mang tới tặng Cầm chiếc đồng hồ dây thép, mặt sau tôi đã nhờ ba tôi khắc tên cha của Cầm. Cô bạn sững sờ mỉm cười rồi lại khóc.

Đến nay đã vô đại học, tôi và Cầm vẫn luôn là bạn thân của nhau. Ba rất vui khi tôi có một người bạn tốt và biết giữ gìn tình bạn ấy. Cầm thường đeo chiếc đồng hồ dây thép, quý nó vô cùng. Thỉnh thoảng chùi bóng và chỉnh kim cho nó, tôi lại nhớ về thời còn là cậu nhóc giao hàng, rồi nghĩ về những điều quý giá không nằm trong giá trị tiền bạc hay danh tiếng mà chỉ có thời gian và sự tin cậy mới có thể đem đến cho mỗi người.

HOÀ - MINH

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro