1. Những năm tháng qua

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gửi những đứa trẻ trong quá khứ


Một mùa hè của năm nay, khi đang ngồi bên cạnh khung cửa sổ bằng kính rộng mở nhìn ra được khoảng trời âm u ngoài kia, bất chợt tôi lại nhớ.

Có bao giờ bạn như thế chưa? Thẫn ra bên cạnh một khoảng trời, trong lòng là một khoảng lặng dài.

Nhà của ông bà ngoại ở ngoại ô thành phố. Đường đi vào rất khó khăn và tôi cứ nhớ mãi, một khoảng đường hẻm vào nhà ông bà có đặt một bức tượng con thằn lằn to, đối với đứa trẻ là tôi thì đáng sợ lắm.

Muốn về được nhà của ông bà ngoại thì phải bắt nhiều chuyến xe buýt khác nhau, mỗi lần như vậy bà ngoại đều làm cho tôi một chai siro ngọt ngây để dành uống trên đường đi. Tôi khoái lắm, giống như mỗi khi được một bịch sữa đậu nành. Không hiểu vì sao nhưng con nít chúng tôi thích nhất là sữa đậu nành bỏ vào bịch, chứ còn đậu nành bỏ vào ly chúng tôi không thích bằng, mặc dù cả hai đều là cùng một người bán.

Ông ngoại tôi hiền khô đứng đầu ngõ đợi hai bà cháu vào nhà. Chiếc cổng xanh ông mở rộng, tựa như vòng tay của ông mỗi khi đợi tôi.

Bỗng nhiên viết tới dòng này tôi lại khóc. Tôi chợt nhận ra mình không còn là đứa cháu bé bỏng như ngày nào của ông nữa. Thời tiết hôm nay khác xa hôm ấy. Những ngày hè trong ký ức tôi luôn là những hôm trời xanh cao vời vợi trên mái đầu, nắng chói chang và luôn có làn gió mát hiu hiu thổi. Hôm nay trời âm u tựa như ai vắt một tấm voan mỏng quanh những đám mây màu xám, thời tiết không khác gì một buổi đầu mùa thu, tôi nghĩ.

Thế rồi tôi nhận ra thu đã sang rồi, nhưng tôi không để ý.

Ông ngoại trồng hoa rất tài. Một khoảng sân ông để dành trồng phong lan, còn có những cây gỗ ông lặng lẽ kiếm về ghép hoa, chúng đẹp tựa như một tác phẩm nghệ thuật mà tôi chẳng bao giờ dám đưa tay ngắt, chỉ lặng lẽ nhìn ngắm, lòng thầm xuýt xoa.

Ngoài chiếc cổng màu xanh của ông trồng những bụi hoa nhỏ mà tôi không nhớ tên. Chúng màu hồng, cánh thanh mảnh, lá hoa giống như lá hẹ và có mùi thơm. Mỗi khi về chơi tôi đều có cảm tưởng những bông hoa ấy là những chú lính nhỏ đứng gác cổng cho ông, và chúng đang rung rinh cành lá chào tôi về.

Rõ ràng là tôi "đến" nhà của ông bà, nhưng không hiểu sao tôi luôn tin rằng mình "về". Có lẽ đây mới đúng là nhà của tôi, nơi tôi sống từ khi còn bé xíu. Quãng thời gian ấy tôi không nhớ chút gì về nơi mình ở trên thành phố với ba mẹ, chỉ giữ được những kí ức về ngôi nhà của ông bà, nhớ rất rõ giống như được in vào tâm trí bằng loại mực khó phai nhất.

Ông có một bụi lan vũ nữ to. Ông vừa bế tôi vừa giảng, hoa vũ nữ có tên như vậy là bởi vì chúng mọc đặc biệt, cánh chúng xòe ra như tầng váy của những cô vũ công mỗi khi xoay tròn trên mũi chân, còn nhụy của chúng giống như là hình người vậy. Tôi ngắm nhìn những bông hoa vàng rực rỡ và xin ông một bông nhỏ.

Có một chiều nọ, khi tôi vừa vào lớp Một, ông hái cho tôi một chiếc lá học bài rồi kẹp vào vở tập viết của tôi. Tôi cười òa, ngắm chiếc lá ấy mãi thôi.

Tới tận bây giờ tôi vẫn còn giữ chúng trong tập viết chữ năm nào. Dù cho chúng đã khô héo, giòn tan và thật dễ vỡ, trang giấy ngả sang vàng, nét mực tím phai từ lâu.

Nhà ông bà có một chiếc gác xép, tối tôi và ông ngủ nơi đó. Gác xép giống như là nơi nuôi dưỡng những giấc mơ từ thơ bé của tôi vậy. Tôi luôn đem lòng yêu những căn gác xép, và giờ khi viết dòng này, tôi đã rõ vì sao.

Ông đặt một chiếc lều chứa đầy banh ở góc căn gác cho tôi. Căn lều đỏ rực, nhỏ xíu và cực kỳ nóng nực nhưng tôi đã chui ra chui vào không biết bao nhiêu là lần.

Những đêm hè nóng nực, hai ông cháu chúng tôi còn chơi trò công chúa. Tôi là công chúa nhỏ của ông, quấn mền và cười khúc khích mỗi khi nghe ông hô to: "Công chúa Ấn Độ," và rồi khi ông hô qua "Công chúa nước Anh" thì tôi phải đổi kiểu quấn mền khác.

Tối tôi thường chui vào mùng ăn vụng bánh tráng. Miếng bánh tráng trắng trong, mằn mặn và cứng ngắc khiến tôi mê mẩn. Sáng ngủ dậy đứng bên cửa sổ nhìn xuống vườn nhỏ, tôi sẽ thấy ông ngồi ngoài chòi. Ly cà phê trên bàn thơm thơm vấn vương trong không khí se lạnh của buổi sớm.

Lúc đó tôi là con bé nhỏ nhất xóm. Các anh chị rất yêu thương tôi và chúng tôi bày đủ trò nghịch ngợm. Tôi ham chơi đến nỗi không thèm về ăn cơm, cũng không thèm về ngủ trưa khiến bà ngoại nhốt tôi ở trong nhà mất nửa ngày. Tôi ngồi trên giường mà cứ nghĩ mình sao mà giống công chúa tóc mây bị nhốt trong tòa tháp cao chót vót nọ.

Cạnh nhà tôi là hai anh chị, chị Trân lớn tuổi nhất, anh Phúc nhỏ hơn chị ba tuổi.

Anh Phúc hay giận dỗi lắm, nhưng anh rất hiền. Tôi và anh thích thi chạy và anh lúc nào cũng thắng tôi. Trưa nắng, cả xóm đi nghỉ trưa, chỉ còn anh và tôi chơi cá sấu lên bờ giữa cái nắng hạ nóng đến vỡ đầu. Tối anh thường cầm một bịch sữa chua và đạp xe với chúng tôi, hoặc là anh rủ tôi qua nhà xem tivi. Anh cũng hay chơi đồ hàng với tôi nữa, và có một lần anh đội chiếc nón công chúa cam lè của tôi chạy khắp nhà kiếm tôi và chị Trân đang trốn trong toilet, nhịn cười muốn xỉu.

Viết đến đây tôi bất giác bật cười...

Sau này khi ông bà ngoại chuyển đi, tôi có gặp anh lần cuối. Hai đứa tôi vẫn chơi đồ hàng dưới trời sao vằng vặc sáng. Sau này vài năm tôi có về thăm nhưng mãi vẫn không nhớ được dáng vẻ của anh lúc đó. Anh như mắc kẹt trong trí nhớ thuở nhỏ của tôi, và hình ảnh của anh chỉ dừng lại lúc đó.

Chị Trân vẽ rất đẹp. Có một lần chị khoe bức tranh chị vẽ vườn nhà tôi khiến tôi hai mắt sáng ngời, vô cùng thán phục chị.

Ba chúng tôi chơi bắt cá rồi thả đi, chúng tôi chơi thả diều (à, có lần ông ngoại làm đứt dây diều của tôi, khiến nó chao nghiêng trên bầu trời rồi rơi xuống, mất hút. Tôi đã khóc rất lâu khiến ông phải đi một quãng xa mua lại cái mới), chúng tôi chơi một trò rất ngu là trộn tất cả lá cây dằm nát và đủ mọi loại hoa vào một cái thau rồi cả xóm thay nhau rửa chân. Tối đó ai cũng mất ngủ vì ngứa và vì trách mình sao mà ngu thế không biết.

Không biết anh Phúc, chị Trân có còn nhớ về một con bé nhỏ xíu ngày đó là tôi không? Hay họ đã quên tôi mất rồi?

Nhưng thôi biết làm sao giờ, ký ức giống như chiếc lá học bài khô quắt của ông, tôi vẫn giữ thật kỹ, lâu lại lôi ra ngắm nhìn và rồi trong lòng trải một khoảng lặng buồn vô hạn.

Tuổi thơ của tôi thật đẹp, nhưng rồi thật buồn.

___

mùa hè năm 2020, 17 tháng 8

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro