Những gì đến tự nhiên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


     Tôi yêu xem một cuốn truyện hay

Tiếng chim hót đầu ngày

Và yêu biển vắng

Tôi yêu ly cà phê buổi sáng

Con đường ngập lá vàng

Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa

Mái tranh dưới hàng dừa

Và yêu trẻ thơ (*)

...

Bốn tiếng trước Giao Thừa, nồi bánh tét cả xóm gói chung như thường năm, nấu trước cái sân rộng nhà thằng Minh, nếp hình như đã bắt đầu mềm. Minh lót dép ngồi một mình, lui cui đẩy củi vào sâu trong cái lò ba chân dã chiến được bắc bằng mấy viên gạch ống.

Tôi còn ở xa xa, tưởng nó không hay, ai dè...

"Thằng chó, còn sống hả?!"

Minh cùng lúc ném đi mấy lời khiêu khích đó với một que củi nhỏ xíu. Tôi bắt lấy, quay giữa hai ngón tay như hồi đó quay bút mà không được. Đêm nay lạnh thiệt, lạnh hơn mọi năm, mấy ngón tay tôi khô ráp hết cả và cứ líu ríu dính vào nhau.

"Tháng trước mới kiểm tra sức khỏe định kì, chín rưỡi trên mười! Và tao chưa có lý do gì để tự tử hết."

"Không chấm năm còn lại là phần trí nhớ!"

Tôi cười cười, không trả lời, lặng lẽ tiến lại ngồi xuống kế bên thằng bạn cắn đôi con chấy, nhà ngang cửa, sinh cùng tháng cùng năm. Các ông bố bà mẹ đang nằm võng coi bản tin cuối năm, hoặc dịch qua chuyển lại mãi cái bình bông, dĩa trái cây chưa vừa mắt trên bàn Thần Tài-Ông Địa, chờ nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết. Bọn trung học hồi chiều xúm xít tập gói được mấy cái bánh xấu quắc, giờ chắc đã nhanh lẹ diện đồ mới, tụ tập ra đường hết trọi. Chỉ có hai thằng sinh viên duy nhất trong xóm, mới từ phố lớn về phố nhỏ, sợ mùi khói xe quá trời rồi, chỉ thèm hương cây lá, là tình nguyện ngồi lại tỉ tê canh bánh.

Gương mặt Minh ấm bừng vì màu lửa, hai năm không gặp, nó ốm, nhưng sắc nét hơn. Khác khuôn mặt phúng phính thằng Minh-tiểu-học béo tròn sáng nào ra khỏi cổng cũng dính sữa trên mép, tôi phải nhắc nó mới lấy khăn chùi. Khác hẳn gương mặt Minh-dậy-thì tối ngày nổi mụn,vậy mà vẫn khiến bọn con gái rung rinh, ngăn bàn coa thư hoài. Và tất nhiên, khác hẳn gương mặt buồn bã từng đón cú đấm từ tôi giờ tan học nào đó...

"Tao buôn bán linh tinh với mấy đứa bạn kiếm tiền xài Tết chơi, tận trưa nay mới lên xe về. Cất đồ, tắm rủa xong là mò qua đây luôn đó!"

"Bạn Lâm xóm ta không mất tích luôn như năm ngoái là hay lắm rồi!"

"Dễ gì! Đi năm nữa, chắc má tao đuổi luôn."

Năm ngoái là cái Tết đầu tiên tôi xa nhà. Chiến dịch Xuân Tình Nguyện đi Đắk Nông của trường đến hai mươi mấy Tết là kết thúc rồi, nhưng được rủ rê ở lại, tôi gọi điện xin phép, "Tết này cho con đi ngắm hoa rừng và uống rượu với bà con trên cao luôn nghen?", ba má "Ừ!" nhanh lắm. Lúc đó háo hức, vui, đâu có nghĩ đến chuyện mùng Hai đã nhớ nhà muốn khóc. Năm nay, đầu tháng Chạp má đã gọi điện rào trước, "Mai nhà mình năm ngoái bông ít lắm. Năm nay thì giờ này cũng chưa được bao nhiêu nụ. Chắc chờ con về lặt lá, lâu nay nó quen tay con rồi!". Về chứ, sợ gì, không bắt cũng về. Nhưng vẫn chọc má hết hồn chơi. "Dạ, tính năm nay theo thằng bạn xuống biển ăn Tết cho đủ bộ. Vậy để con hồi với người ta!".

"Con cái kiểu gì, ác dữ mạy! Năm rồi nhà mày buồn hiu. Thấy vậy tối nào tao cũng qua chơi, bày trò bật karaoke hát om sòm. Ba má mày ai cũng hát vọng cổ mùi dữ lắm!"

"Tao cũng quất được vài bài nghe, không bị mất gốc như mày đâu!"

"Giỡn mạy, tối mai nghe, ai "còn" gốc hơn biết liền! Tao xí trước bài Buồng cau quê ngoại, cấm giành."

Minh vào nhà lấy một nắm hạt dưa. Hai đứa cắn lụp bụp, nói chuyện bép xép. Rất thoải mái, vui vẻ. Như thể đôi bạn chưa từng mất thân thiết. Như thể việc hai năm rồi tôi với nó mới lại ngồi nói chuyện với nhau như vầy, chỉ là do phải đi xa, bận học hành. Cho đến khi câu chuyện xuất hiện tên những người bạn cũ. Không lảng tránh hoài được, cuối cùng, chúng tôi nhắc đến Dao.

"Gần đây tao có gặp Dao một lần, tình cờ đi chung xe buýt thôi. Dao có nhắc đến mày đó Minh, nói mày vẫn có liên lạc với bạn ấy, dù không thường xuyên."

"Ừ, tao với Dao bây giờ bình thường. Có sao đâu! Bữa Dao có rủ tao với mày Tết qua nhà Dao chơi, bạn ấy nói đi học nấu ăn được gần nửa năm rồi, kêu bọn mình qua thưởng thức tay nghề đấy. Mùng Bốn được không?"

Tôi gật đầu qua loa cho xong chuyện. Bởi ngay lập tức, tâm trí tôi tự động chiếu lại đoạn phim rõ nét về một buổi tối khác, tựa tựa như hôm nay, chỉ không lạnh. Cũng hai đứa, tôi và Minh ngồi xếp bằng trên vỉa hè một con đường vắng gần trường cấp Ba. Chính là tôi sau giờ học đã rủ nó ra đó, song lại dùng dằng, nửa muốn nói, nửa không, nên lấy bài tập Hóa ra ngồi làm lơ đễnh. Minh lớn tiếng rủa tôi, "Bị gì vậy ba, rảnh quá ha!", nhưng nó không đòi về, sang đường mua rau câu dừa ăn. Nửa tiếng sau, tôi mới bắt đầu mở miệng.

Đèn cao áp đổ bóng hai thằng ngã trên mặt đường nhựa, đứa này nhìn bóng đứa kia mà nói, không nhìn nhau.

"Mày thích Dao?"

Minh trố mắt nhìn tôi một thoáng, rồi gật đầu. Tôi tỉnh rụi hỏi tiếp.

"Lâu chưa?"

"Rồi."

"Vì?"

"Chắc mày cười tao chết. Tao thấy ngớ ngẩn lắm. Mà hỏi chi vậy ba?"

"Chi đâu, tò mò thôi. Sao, kể coi!"

"Ờ thì tại bạn ấy níu tay áo tao khi qua đường! Bữa đó vô tình thôi, tao đi cạnh bạn ấy, bước trên mấy vạch kẻ từ cổng trường băng sang bên kia đường để đón xe buýt í. Mày biết giờ đó giao thông hỗn loạn thế nào rồi, xe cộ cứ chạy lộn xộn tùm lum. Hình như Dao hơi sợ, nên bạn ấy nắm tay áo tao, chỉ nắm tay áo sơ mi thôi, nép nép đi theo tao. Lúc đó tim tao đập bình bịch, còn loạn xạ hơn kèn xe nữa kia. Tao hồi hộp, bối rối kì lạ lắm. Lại vừa thấy lúc đó mình như cao lớn hơn tí, vững chãi hơn tí. Tao thích cảm giác đó lắm. Tao tiếc hùi hụi vì cái đường rộng có mấy chục mét. Tao muốn đi hoài như vậy. Mấy bữa kế tiếp, tao giả vờ vô tình đi cạnh y chang. Dao vẫn níu tay áo tao. Nhiều lần quá, chắc Dao biết rồi, chả cần giả vờ nữa. Tao và bạn ấy bắt đầu nói chuyện, vụ này mày đứng đón xe chung, thấy rồi còn gì. Vậy à, tao bắt đầu thích bạn ấy như vậy."

Mắt nó sáng và giọng lên cao mấy cung khi nói những điều ấy.

"Có gì ngớ ngẩn đâu. Tao cũng hay chú ý người khác ở những chi tiết nhỏ xíu. Tao thích thầy dạy Toán chỉ vì ổng luôn viết dấu phân tích rất kĩ. Tao thích mua bánh mỳ của cô Tư chỉ vì cô í luôn vuốt tiền rất thẳng trước khi thối cho mình."

"Biết rồi. Mà rủ ra đây chỉ để hỏi cung tao vậy thôi á hả?"

"Ờ. Cho biết!"

Nói vậy thôi, chứ tôi biết mọi chuyện từ lâu rồi. Lúc nào tôi chẳng để ắt tới Dao. Dao được chuyển vào lớp chọn cùng với tôi và Minh vào năm 12. Tôi và Dao được xếp cùng một dãy, cách nhau vài ba chỗ ngồi. Một lần duỗi xuôi cánh tay lên bàn để kê đầu nằm ườn xuống, tôi quay mặt qua bên ấy, chết lặng vì hình ảnh Dao ở góc nghiêng chín mươi độ. Tôi nhớ rõ ràng như thể trong đầu mình có những bức ảnh động. Nắng ở cửa sổ phía sau len mấy sợi mảnh mai qua mái tóc dài được vén hết sang một bên. Ngón tay Dao dài, thi thoảng đưa lên vuốt nhẹ dọng cánh mũi mỗi khi tập trung suy nghĩ. Môi Dao nhiều khi mấp máy khe khẽ, như hát rất chậm, hay lẩm nhẩm một câu thơ. Bạn ấy ngọt ngào. Nụ cười, giọng nói, chữ viết,... mọi thứ đều giản dị ngọt ngào. Tôi thích nhìn Dao. Tôi thích Dao.

Không cho Minh biết điều đó, tôi im lặng, giả vờ tập trung cân bằng thêm vài phương trình phản ứng, lát sau đút sách vở và máy tính vào cặp, đứng dậy phủi bụi quần.

"Mai mốt kéo tay Dao xuống luôn rồi nắm lấy, như vậy bạn ấy sẽ thấy an toàn hơn. Giờ về đi!"

Không lâu sau buổi tối hôm đó, Minh và Dao công khai hẹn hò. Tôi cố gắng bình thường với Dao, cố gắng nhiều hơn để bình thường được với Minh. Tôi kiếm cớ nán lại văn phòng Đoàn để không phải qua đường chung, đứng chờ xe buýt chung, nhìn tụi nó nắm tay nhau cười nói. Tôi vẵn nằm lên bàn trong những tiết học buồn ngủ nhưng quay mặt về hướng ngược lại buồn thiu.

Nếu bước vào cuộc đua, có lẽ tôi sẽ thua Minh. Tôi dã nói rồi đấy, trước giờ bọn con gái vẫn luôn chú ý đến Minh hơn rất nhiều. Song hình như không đúng, nó không phải là lí do giải thích được cho lựa chọn của tôi. Hồi đó tôi đã nghĩ, tôi quý trọng tình bạn hơn một mối quan hệ chưa biết sẽ đi về đâu. Tôi đã chọn Minh, thay vì Dao.

Vậy mà cuối cùng, tôi gần như đánh mất cả hai.

Mẹ Minh nói vonhj ra từ trong nhà, bảo hai đứa coi trở bánh cho đều đi. Lúc đó gần mười giờ, nồi bánh đã đun năm tiếng, chắc hơn một giờ nữa thì chín, vừa kịp cắt mấy khoanh cúng Giao Thừa. Hai thằng mở vung nồi, khói thình lình xông lên, nóng rát mặt nhưng man mát mùi lá chuối. Minh vớt lên từ trong đó mấy quả trứng gà, nó nhìn tôi cười cười.

"Hồi nãy lúc châm thêm nước, tao bỏ mấy cái hột gà vô nồi luộc đó. Tại mày mà tao mê ăn món đó tới giờ luôn. Để tao vô nhà lấy miếng muối tiêu."

"Chó!"

"Hì hì."

Chiều đó tan học, tôi vô tình đi ngang góc cầu thang, nghe được một cuộc chia tay. Dao đi khỏi trước, tay quệt lên mắt, điều đó hư không làm tôi đau nhói. Tôi không chắc hai đứa nó thích nhau nhiều đến thế nào rồi, nhưng những cuộc chia tay bao giờ cũng buồn. Thay vì chạy lại mà bảo, "Níu tay áo tớ đi, này!", lúc ấy tôi lại sâu hơn vào góc khuất, nắm chặt quai cặp da đeo chéo, chờ Dao biến mất ở ngã rẽ hành lang xa xa mới bước ra. Minh nói với Dao, nó không thích bạn ấy như nó vẫn nghĩ. Nói nghe hay nhỉ? Chết tiệt!

Tôi xô Minh, rồi dùng hai tay ấn vai nó, dí sát vào tường. Những lần ăn roi hồi nhỏ vì quậy phá, những trận giả tưng bừng hồi tiểu học, cả những lần đánh nhau thực sự vì ba cái lí do trẻ trâu tầm xàm sau này, tôi và Minh luôn luôn ở cùng một phía. Giờ thì đối diện nhau. Mắt chạm mắt. Tôi với nó giao tiếp bằng im lặng. Có đến chục phút. Tôi thấy chúng tôi từ những đứa trẻ, quàng vai đi cạnh nhau, lớn dần lên. Một chục phút như con tàu chở hơn chục năm trời chạy lướt qua, êm ru. Cuối cùng con tàu cũng chạy đến ga hiện tại, nó vẫn không dừng lại mà lao đi nghiêng ngả và đột ngột hú còi chói lói. Tiếng còi khiến tôi bừng tỉnh. Tôi không hay tôi đã siết vai Minh mạnh đến mức nó đau nhăn mặt. Tôi vội vã buông tay ra. Phải chi, ngay lúc đó Minh kháng cự lại, phải chi nó làm gì đó, hẳn tôi đã quên mất ý định ban đầu. Nhưng Minh im re. Tôi đấm hết sức vào má trái nó một cú, rồi bỏ đi.

Tôi vẫn không nói rằng tôi cũng thích Dao. Không cần nữa!

Sáng hôm sau, mẹ Minh sang hỏi tôi về vết bầm trên má nó, "Có thiệt nó trượt té không Lâm, hay lại đánh nhau gì đấy?". Tôi nói con không biết nữa. Tôi không biết cú đấm đó mạnh đến như thế. Mỗi buổi nấu cơm, tôi vùi một quả trứng gà vào gạo để luộc chung, rồi bóc vỏ sẵn, lén lút đưa qua cửa sổ phòng Minh, để lên bàn học, cho nó lăn lên vết bầm. Tôi làm như thế ba bốn ngày liền, chứ không nói xin lỗi. Thậm chí, không nói bất cứ điều gì với nó. Cũng không thể nói gì với Dao, về tình cảm của tôi. Bởi như thế hết sức kì cục, dù sao tôi và Minh cũng từng thân thiết, và giọt nước mắt Dao đưa tay chùi hôm ấy vẫn còn nóng hổi.

Kể ra, bọn tôi giận nhau cũng... giỏi. Hai đứa đứng trong nhà ngó qua đường là thấy mặt nhau rồi, chưa kể phải học chung trên trường và một đống lớp học thêm. Chạm mặt miết, đáng lẽ phải bảo nhau, "Thôi, dẹp đi. Làm mặt lạnh hoài, mắc mệt!", vậy mà không ai chịu mở lời trước cả. Tôi mở đầu chiến tranh lạnh, nhất quyết cố chấp tới cùng. Tôi đã nghĩ rằng mình đúng. Tôi đã nghĩ rằng chính nó đập nát cơ hội tôi nhường cho, đập nát luôn niềm tin ở tôi và làm tổn thương tất cả.

Cứ thế, tôi để mặc lòng mình rối ren, đi qua hết những ngày tháng học sinh ít ỏi còn lại.

Rồi thi cử, rồi Đại học, hai đứa chọn mục tiêu ở hai thành phố khác nhau. Cho đến hôm trước, tôi tình cờ gặp lại Dao trên một chuyến xe buýt buổi chiều. Tôi và Dao mừng rỡ, chào nhau, nói chuyện thoải mái. Tôi ngồi cùng băng ghế bạn ấy, quay sang là thấy gương mặt quen thuộc ở đúng góc nghiêng chín mươi độ ám ảnh. Thậm chí còn không ngăn cách bởi bất kì ai, sát cạnh. Và cũng có nắng chiều vàng rười rượi chiếu vào từ ô cửa kính. Tôi lại chết lặng. Song, không phải vì Dao. Tôi chết lặng, khi nhận ra mình đã thôi chết lặng khi nhìn cô bạn ấy.

Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ ra rằng, như Minh, như rất nhiều đứa mới lớn ngây ngô khác, tôi không thích một người như tôi vẫn nghĩ. Không phải thời gian đã bôi xóa mọi thứ. Ngay từ đầu tôi đã lầm tưởng về tình cảm của mình. Nếu không, buổi tối hôm ấy, dù đó có là Minh hay thằng nào đi chăng nữa, tôi cũng đã không xuôi tay dễ dàng. Nếu không, buổi chiều hôm ấy, tôi đã không bỏ mặc Dao loay hoay một mình với những giọt nước mắt, tôi đã đuổi theo bạn ấy, bất chấp.

Chính Minh cũng đau lòng vì hệ quả từ sự ngộ nhận của nó, bây giờ tôi đang trải qua cảm giác đó, mới hiểu. Tôi đánh nó vì tội làm tổn thương Dao.

"Nên tao phải nói hết, để mày biết mày cũng nên đấm tao thật mạnh, mới được! Chứ tao không nói xin lỗi đâu, ngượng miệng lắm ba ơi."

Minh cho miếng trứng cuối cùng vào miệng,nhai ngỏm nghẻm.

""Trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng lên vật B một lực, thì vật B cũng tác dụng lại vật A một lực. Hai lực này có cùng giá, cường độ lớn nhưng ngược chiều", định luật 3 Newton đó, quên hả?"

"Ha ha... Mày giống quỷ quá, tao nhớ mang máng thôi."

"Vậy, huề nhé?!"

"Mà, tao nói thiệt, thí dụ đến giờ tao vẫn chưa nhận ra mọi yhuws, thì tao cũng sẽ quyết định Tết này về sẽ mở lời, rủ mày dẹp đi cho xong, làm mặt lạnh hoài mắc mệt! Lát nữa là tuổi qua hàng hai rồi, nhỏ nít gì nữa đâu. Với cả, lâu quá trời rồi còn gì..."

"Ừm. Có điều, tao không nghĩ như mày."

"Hả?"

"Hồi đó, tụi mình có thích Dao thiệt đó."

"Là sao?"

"Ai biết."

Mười một giờ. Mẹ minh ra vớt một đòn bánh, cắt ăn thử. "Ngon lắm bây, vớt ra được rồi! Tụi bay đi kêu vòng vòng kêu mấy ổng bả qua nhận hàng nè! Để coi coi, nhà mình hai cặp nhân chuối một cặp nhân đậu một cặp nhân dừa, dì Sáu ba cặp nhân...".

Bánh ai đã về nhà ấy. Chắc nịch, tròn căng, thơm lừng, nóng hổi. Mẹ thằng Minh kếu bọn tôi dập lửa, nhưng nó bảo thôi, lạnh mà, để đó chút nữa đi, rồi chạy vô nhà, mười giây sau xách ra cây ghita.

"Ghê quá mạy!"

"Biết sơ sơ vài đường hà, đủ qua mắt mấy thằng gà mờ như mày thôi."

"Mấy vụ này thì thua! Bây giờ, nhạc sĩ Đức Huy hả?"

"Vậy ra trí nhớ vẫn tốt mà. Bạn bè con khỉ khô!"

Tôi cười trừ, vòng tay ra sau vỗ vỗ lưng Minh mấy cái. Nó hát rồi, không nói gì nữa. Tiếng đàn bập bùng, bập bùng, như lửa cháy.

...

Tôi yêu đi bộ dưới hàng cây

Đấu vui với bạn bè

Và ly rượu ngon

Tôi yêu trong nhà nhiều cây lá

Tôi yêu những người già

Tôi yêu những gì đến tự nhiên

Những câu nói thành thật

Vsf yêu ngày nắng

Tôi yêu mặc jeans và áo trắng

Yêu trắng sáng ngày Rằm

Và tôi cũng yêu em.

...

-HI TRẦN-

(*) Bài hát Và tôi cũng yêu em – nhạc sĩ Đức Huy

-END-

�g��G>

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro