Phía sau sương mù

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi đã cố tình ra đi không một dấu vết, không tin nhắn, không điện thoại, không status ẩn ấy trên Facebook, không gì sất. Thế mà Thư cũng tìm ra tôi được. Lúc tôi đang đứng đợi xe ở bến thì Thư xuất hiện, đeo mỗi cái ba lô sọc ca-rô đỏ trắng và đứng chờ xe cùng tôi. Tôi hỏi nó đi đâu thì nó bảo tôi đi đâu thì nó theo nấy. Rồi thì tôi bảo nó đi về nhà đi, để tôi yên. Thư bảo rằng nó biết tỏng tôi đang nghĩ gì, rằng đừng tưởng không nói gì thì không ai biết. Hai đứa cãi nhau một chặp, như mọi bận. Cuối cùng tôi bảo truyện của tôi không liên quan đến nó, không cần nó xía vào. Thư liền đấm mạnh vào bụng tôi một cái, coi như thỏa hiệp xong, cô nàng sẽ lên xe. Đồ con gái bạo lực!
- Vì mày nói vớ vẩn nên tao mới đánh. Lên xe đi.
- Sao mày tìm ra tao được? Tao chẳng để lại manh mối gì hết mà. Đừng nói mày đã theo dõi tao nhé. Mày bắt đầu theo dõi tao từ bao giờ?
Thư nhìn tôi với vẻ mặt "mày đã xem quá nhiều phim hành động" và trả lời:
- Tao hỏi chú xe ôm đã chở mày ra đây. Chú ấy đứng ngay đầu hẻm, tao chẳng cần phải theo dõi ai.
Chúng tôi lên xe, lúc đó là 10 giờ tối. Hai đứa chẳng cần ai nói gì nhiều, Thư rút tai nghe ra đeo, tôi cũng thế. Tâm trạng của tôi đã đỡ nặng nề hơn lúc đón xe, nhưng vẫn chẳng khá hơn bao nhiêu. Bên ngoài cửa kính mọi thứ vụt đi nhanh như ánh chớp, chỉ còn lấp loáng ánh đèn rực rỡ. Nhưng thứ ánh sáng đó càng làm tôi thấy nơi mình đang ngồi tối thăm thẳm, tôi nhắm mắt lại và chốc sau đã chìm vào giấc ngủ. Chúng tôi đến Đà Lạt lúc 8 giờ sáng, Thư đã kịp mua một cái khăn choàng len to sụ và quấn quanh cổ, trông nó như con gấu bị lạc khỏi sở thú. Hai đứa tìm một nhà trọ giá rẻ, đặt phòng và nghỉ ngơi. May mà mùa này không phải mùa du lịch, không sợ hết phòng. Nhưng đi thế này cũng đồng nghĩa chúng tôi sẽ bỏ phí mất mấy ngày ôn tập để thi tốt nghiệp và đại học. Trong thời điểm quan trọng thế này, chẳng đứa nào lại dám đi du lịch cả, ngay cả những đứa rất tự tin vào học lực của mình. Nhưng Thư thì khác, nó học hành "quái vật" là một đằng, còn lại chẳng thấy nó lo lắng gì cả, đối với thứ gì nó cũng tỏ vẻ không quan tâm, nhưng kết quả thì lại tốt ngoài sức tưởng tượng. Những đứa như nó có tên gọi chung là "con nhà người ta" , kết bạn với nó, tôi phải kiềm chế rất nhiều lần mới không xé tan nát cái sổ điểm cao chót vót của nó. Tôi học không tệ, chỉ có điều tôi không thích học, lê lết lắm thì cũng đậu tốt nghiệp, và rồi đại học thì tạch chắc. Tôi thích một thứ khác, và mẹ tôi thích một thứ khác. Từ ngày tôi bắt đầu lên lớp 11 cho tới bây giờ, ngày nào hai mẹ con cũng cãi nhau về chuyện đó. Mẹ mệt mỏi, và tôi thì tức phát điên lên được. Cuối cùng thì thế này đây, tôi bỏ đi ngay trước ngày thi thử một ngày. Khỏi tưởng tượng cũng biết mẹ tôi sẽ nổi cơn tam bành thế nào, nếu mẹ tôi biết tôi đang ở đâu thì coi như tôi khỏi sống nốt những ngày còn lại. Vì thế tôi mới cố tình bỏ trốn trong im lặng, vậy mà cũng lòi ra một cục nợ là Thư.
Tôi cất va li xong thì chỉ muốn nằm, mỗi lần nhớ đến gương mặt cau có và những lời chỉ trích nặng lời của mẹ, tôi vô cùng mệt mỏi. Trong khi tôi đang nằm dài trên giường thì Thư hồ bởi xuất hiện ngay cửa phòng.
- Đạt, tao muốn đi ăn sáng.
- Mày ăn một mình đi, tao mệt lắm.
- Không được, mày cũng phải ăn sáng.
- Để tao yên.
- Nếu mày không đi tao sẽ báo cho mẹ mày biết mày đang ở đây.
Tôi đành phải bật dậy lấy áo khoác và đi ăn sáng. Trong bụng thầm rủa Thư là đồ tinh tướng. Nó khẽ liếc xéo tôi một cái như thể nghe thấy tôi đang nghĩ gì. Bình thường tôi thức rất khuya và không ăn sáng, mẹ tôi la rầy thói quen này biết bao nhiêu lần, nhưng càng la tôi càng bướng không muốn sửa. Lúc nào tôi than đói cũng bị Thư lườm nguýt, nhưng nó sẽ chạy xuống căn tin mua cho tôi ổ bánh mì ngọt. Thư là dạng người ngoài lạnh trong nóng, làm bạn với nó giống như ăn cùng lúc một muỗng kem và một muỗng cà phê nóng. Éo le thay, nó lại là nhân vật luôn khiến mẹ tôi tin tưởng, chỉ cần tôi đi đâu chung với nó thì mẹ tôi chẳng phàn nàn gì nữa. Nhưng Thư không phải loại mách lẻo, bằng chứng là đến giờ mẹ vẫn chưa phát hiện ra nơi ẩn náu của tôi.
Tối hôm đó là tối đầu tiên tôi xa nhà mà mẹ không gọi cho tôi. Tôi cứ hết bật điện thoại rồi lại tắt đi, muốn làm gì đó cho hết đêm mà không biết phải làm gì. 12 giờ đêm,
Thư gõ cửa phòng tôi, đem theo iPad và tai nghe. Nó trùm cái mền trắng to đùng như quấn cả một thảm mây, cười hì hì với tôi:
- Thử thức trắng đêm một hôm mà không phải học bài xem.
Rồi chẳng đợi tôi đồng ấy, nó nhanh nhẹn leo lên giường, nhét cái tai nghe vào tai tôi. Thư mở phim Spirited Away, bộ phim hoạt hình ưa thích của nó, chắc chắn nó đã xem phim này không dưới 10 lần, thế mà lần nào có dịp nó cũng lôi ra xem lại. Tôi cũng không phản đối, chỉ là đốt thời gian suốt đêm, phim nào chẳng được. Bộ phim chầm chậm chiếu, chúng tôi im lặng xem, Thư khẽ nói:
- Sau này tao sẽ vẽ một bộ phim hoạt hình. Phim vẽ tay 2D, chiếu trong rạp nhỏ cũng được, nhưng khán giả sẽ muốn xem lại nhiều lần nữa.
- Nhớ cho tao vé miễn phí.
- Sau này mày muốn làm gì? - Thư trả lời tôi bằng một câu hỏi khác.
- Tao muốn đi khắp thế giới. Tao muốn đi hết nước Việt Nam, rồi đến Bali, Hy Lạp, Nhật Bản, châu Âu. - Tôi trả lời khi vẫn dán mắt vào màn hình iPad.
- Nghe hay đấy. Với tư cách là bạn mày, tao nhiệt liệt ủng hộ. Nhưng nếu tao là mẹ mày, tao sẽ lo lắng lắm. Đi xa như vậy, lỡ không về được thì sao?
Chúng tôi lại chìm vào im lặng. Phim đang chiếu đến cảnh Chiharu lên một chuyến tàu chạy trên mặt nước để tìm đến đầm lầy phù thủy. Có lần Thư đã nói rằng đây là cảnh đắt giá trong bộ phim, bởi chuyến tàu chạy xuyên đêm đó tượng trưng cho sự trưởng thành của cô bé Chiharu. Cô bé đã một mình lên chuyến tàu đó, cùng những người xa lạ, đi đến một vùng đất tăm tối mà mình còn chẳng biết là sẽ như thế nào. Nhưng rốt cuộc cô vẫn đi, dù trưởng thành là một hành trình dài và đôi khi mịt mờ đến đáng sợ. Bỗng dưng tôi nghĩ đến mẹ. Mẹ là người rất mạnh mẽ, chính vì vậy tôi chưa bao giờ thắng được mẹ trong bất cứ một cuộc tranh luận nào. Khi ấy tôi nghĩ mẹ đang cố tình làm cho cuộc sống của tôi khổ sở bằng cách bắt tôi làm theo sỹ mẹ. Bây giờ tôi chợt nghĩ, có lẽ là chuyến tàu xuyên đêm của mẹ đã rất vất vả nên mẹ mới trở nên như thế. Thật lạ là từ lúc ấy cho đến sáng tôi chẳng còn buồn ngủ chút nào nữa.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy muộn. Khi tôi dậy thì trời đang mưa bóng mây, gió thốc vào phòng lạnh buốt. Thư gọi sang, hỏi tôi đã muốn dậy chưa. Tôi lừ đừ bảo chưa, thế là hai đứa lại nướng đến trưa mới mắt nhắm mắt mở dậy đi ăn. Buổi trưa trời râm râm, gió thổi nhiều, lại chẳng có kế hoạch gì, vậy là hai đứa rủ nhau đi leo núi Lang Biang. Hồi còn nhỏ tôi từng đến đây một lần với ba mẹ, nhưng đi bằng xe jeep. Lần này chẳng dư dả gì nên hai đứa cùng đi bộ lên, quãng đường gập ghềnh và ẩm ướt hơn đi bằng xe nhiều. Hai đứa trèo lên đến đỉnh thì mệt muốn đứt hơi. Ngoài tôi và Thư, đỉnh núi chẳng có ai, là tôi có chút cảm giác chúng tôi đang một mình độc chiếm nơi cao nhất này. Cảnh vật bên dưới chẳng khác mấy so với ngày tôi còn nhỏ, vẫn bát ngát màu xanh, trập trùng nhà phố, nhìn xa ra tôi còn thấy biển. Mặt biển xanh ngắt, nhưng tấm gương lớn phản chiếu bầu trời. Cảm giác tự do thoáng đãng khác hẳn với cuộc sống tù túng ở nhà.
- Mày tháo đồng hồ ra rồi à? - Thư hỏi.
- Ừ, bó buộc chết đi được.
- Đồng hồ đó mẹ mày tặng phải không?
- Ừ. Nó cũ lắm rồi.
Thư nhìn tôi rồi lẳng lặng cầm cái đồng hồ lên săm soi. Cái đồng hồ ấy là món quà mẹ tặng tôi nhân dịp sinh nhật 16 tuổi, tôi đã muốn đổi sang cái đồng hồ điện tử cảm ứng lâu rồi, chỉ mỗi chuyện ấy thôi mà mẹ mắng tôi té tát đến mức tôi muốn ném ngay cái đồng hồ này đi. Bây giờ chỉ cần nhìn thấy nó là tôi lại nhớ đến mấy chuyện không vui ấy.
- Nếu không phải nhìn thấy nó nữa thì tốt nhỉ? - Thư nói.
- Chính thế đấy! - Tôi gật gù.
Thư xóc xóc cái đồng hồ trên tay, rồi nhanh như cắt, nó ném cái đồng hồ ra xa. Chiếc đồng hồ rơi vào khoảng không và biến mất trong rừng cây dày đặc bên dưới. Tôi sững sờ đến độ mặt đơ ra mất mấy giây, sau đó mới xô mạnh Thư một cái khiến nó phải lùi ra sau mấy bước. Tôi tức đến mức muốn đánh nó, nhưng tôi chưa kịp nói gì cả thì Thư đã chìa ra cái đồng hồ trong lòng bàn tay. Thứ Thư ném đi hoá ra chỉ là cái vòng tay tết bằng len nó mua hồi sáng hôm qua. Tôi trừng trừng nhìn con bạn, nó luôn bày ra những trò làm người ta tức điên lên được rồi trưng ra vẻ mặt bình thản đến kì lạ.
- Mày làm vậy để chi vậy? - Tôi hét lên.
- Có gì đâu, mày nói mày ghét mẹ mày lẫn cái đồng hồ mà. Nếu đã ghét đến thế thì tức làm gì? - Thư nhún vai.
Lần này thì tôi thật sự tức giận, tôi bỏ nó ở đó và đi về một mình. Tôi đi như chạy xuống núi, sau đó lầm lũi về thẳng nhà trọ. Suốt cả buổi tối tôi cũng không thèm sang phòng Thư, nó cũng không thèm gọi cho tôi. Tôi dành suốt cả thời gian còn lại của ngày hôm đó đi lòng vòng trong khu chợ đêm, nhìn cái này, ngắm cái kia, cốt để xua đi sự bực bội trong lòng. Đến tận đêm hôm đó, khi đứng trên ban công nhìn xuống đường phố nhộn nhịp bên dưới, tôi mới nhận ra tôi giận không phải vì Thư vờ ném cái đồng hồ đi, mà vì nó đã nói đúng. Tôi không ghét cái đồng hồ ấy, tôi cũng không ghét mẹ. Tôi chỉ ghét chính bản thân mình, vì không thể làm mẹ hãnh diện vì tôi.
Sáng hôm sau tôi gặp Thư ở cầu thang. Nó chẳng nói chẳng nói chẳng rằng đưa cho tôi hộp bánh quy. Đây là một cách làm hoà của Thư. Tôi ăn đến nửa hộp thì bốc được cái đồng hồ của tôi nằm bên trong. Tôi phì cười, đây cũng là một cách làm hoà khác của Thư. Hai đứa mướn xe đạp, thơ thẩn dạo quanh một vòng Đà Lạt. Nắng nhè nhẹ rơi trên vai chúng tôi. Đường phố chẳng đông như ngày thường, dường như hôm nay người ta không muốn lượn lờ ngoài đường mà chỉ muốn ở nhà hưởng một ngày trời se lạnh. Thư bắt tôi dừng lại mua bắp, rồi hai đứa dựng xe cạnh bờ hồ, kiếm một tán cây rộng rồi ngồi ăn bắp với nhau. Hồi còn nhỏ, tôi nhớ mình cũng đi Đà Lạt với công tu của mẹ, lúc đó ba mẹ tôi chưa li dị, tấm hình tôi chụp chung với hai người ở đây giờ vẫn còn giữ. Khi tôi lên cấp Hai, gia đình chỉ còn lại mẹ và tôi, tôi không hề lo lắng cho mẹ bởi mẹ là người phụ nữ kiên cường nhất tôi từng biết. Mỗi ngày tôi về đến nhà đều có sẵn cơm canh đê ăn, quần áo phăng phiu đê mặc. Thay vì than thở thì mẹ tôi dốc hết sức làm việc, lúc nào cũng cố gắng và cố gắng. Thư nói với tôi rằng mẹ tôi không mạnh mẽ như vẻ bề ngoài, tôi còn chẳng để tâm. Bây giờ nhớ lại, những lúc tộ nhắc tới ba, mẹ đều im lặng thật lâu mới tiếp lời. Và tôi nhận ra mình đã quá hời hợt với mẹ.
- Mày biết ba tao mất vì tai nạn phải không? - Thư đột nhiên cất lời.
- Ừ.
- Lúc đó mày thấy tao tỉnh bơ phải không? Mẹ tao khóc đến mức chẳng còn đủ sức để làm gì nữa, tao phải hỏi khắp nơi rồi phụ mẹ lo mọi việc. Nếu lúc đó tao cũng khóc nữa thì loạn lên hết cả rồi, tao muốn đợi sau khi mọi việc ổn định mới khóc, nhưng mày biết không, cái sự chịu đựng đó còn đau đớn hơn khóc lóc nhiều.
Con bạn vừa kể vừa ăn bắp, vẻ mặt bình thản như kể một câu chuyện thường nhật, nhưng tôi thấy tay nó run run. Tôi cảm thấy mình đã bắt gặp biểu cảm này rồi, nhưng không phải của Thư. Tôi nhớ mẹ tôi ngày ba tôi rời đi, mẹ nắm vai tôi và nói thật tự nhiên rằng từ giờ chỉ có hai mẹ con mình ăn cơm với nhau thôi, bàn tay của mẹ đặt lên vai tôi khẽ run lên.
- Trước khi gặp nạn, ba tao chuẩn bị đi công tác. Ba tao đã hứa sẽ cho tao đi chơi xa với đám bạn nhưng gần sát ngày lại đổi ý không cho tao đi nữa. Cả năm ba tao chẳng đi đâu xa với tao, rồi lại còn ngăn cản tao làm theo ý mình, tao không thể chịu nổi. Tao với ba tao cãi nhau một trận, tao nói tao ghét ba, tao không muốn nhìn thấy ba nữa. Rồi tao bỏ lên phòng, hôm sau ba tao đi, tao cũng không thèm xuống tiễn. Tao đâu có biết đó lại là những lời cuối cùng tao nói với ba.
Thư khẽ cắn môi, mắt nó ráo hoảng nhưng bàn tay cầm trái bắp lại run rẩy như rét cóng. Tôi lặng nhìn con bạn, thật lâu sau nó mới thở ra một hơi như tự trấn an bản thân, rồi nó nhìn tôi và hỏi:
- Câu cuối cùng mày nói với mẹ mày trước khi đến đây là gì?
Nó chỉ hỏi có thế, rồi cả hai chúng tôi lại cùng im lặng. Mặt hồ ban trưa im lìm như nằm ngủ, nhưng tôi cảm thấy bên dưới lớp bề mặt phẳng lặng đó là từng đợt sóng lao xao lao xao, nếu chỉ đứng trên bờ quan sát thì chẳng thể nào nhìn thấy cả một thế giới xao động bên dưới lòng hồ. Trong chốc lát tôi lại nhớ rõ từng lời mẹ tôi đã nói vào đêm cuối cùng trước khi tôi bỏ đi. Mẹ tôi nói tôi không được cãi lời mẹ. Sau đó tôi đã hét lên rằng nếu biết mẹ như thế thì tôi đã đi theo ba rồi. Tôi cũng không nhớ mẹ đã phản ứng ra sao, tôi chỉ nhớ rằng chiều hôm sau khi tôi bỏ đi, mẹ vẫn còn nhắn tin hỏi tôi muốn ăn món gì để mẹ nấu.
- Chiều nay tao sẽ về thành phố. - Tôi nói.
- Đã nghĩ ra sẽ nói gì với mẹ mày chưa?
- Cũng chưa biết, nhưng câu đầu tiên sẽ là "Con xin lỗi".
Thư nhìn tôi và mỉm cười. Sau đó, nó lúi húi lấy điện thoại ra nhắn một cái tin mà tôi nhìn thấy toàn bộ nội dung là "Ổn rồi cô ạ, chiều nay con với Đạt sẽ về". Tôi trợn mắt nhìn nó thì nó chỉ cười hì hì, chốc sau mẹ tôi gửi lại tin nhắn "Hai đứa muốn ăn gì, hôm nay cô xin về sớm". Bỗng nhiên tôi thấy sống mũi cay cay. Bên cạnh tôi, Thư khẽ kêu:
- Tao biết rồi, câu tiếp theo của mày nên là "Con yêu mẹ". Nếu mày thấy sến quá thì nên tập nói nhiều lần cho quen đi nhá.
Tôi biết Thư nói đúng, nên nói "Con yêu mẹ" thật nhiều trước khi không có cơ hội nữa. Bỗng nhiên tôi cảm thấy thật thư thái và dễ chịu, như thể tôi đã kịp nhìn thấy Mặt Trời vừa ló rạng sau làn sương mù, như thể tôi đã kịp nhận ra người phụ nữ luôn cố tỏ ra mạnh mẽ thực ra đang rất cần có tôi ở bên cạnh. Tôi nghĩ đến đấy và nhoẻn miệng cười.
                                                                                    -BẢO CHÂU-
-END-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro