Tết Trung thu [1]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Trăng í ớ in là in mặt nước í ơ

Cũng có a càng nhìn

Là càng nhìn non nước càng xinh

I hử rằng lá hôi hừ (1)


Lục Hải khụt khịt mũi. Hơi sương lạnh buổi sớm mai làm con bé nổi gai ốc. Nó rụt người lại, nằm vo tròn dưới tấm áo tơi của chị Mít, hai tai dỏng lên nghe ngóng ông Lãng nói chuyện với ông cụ chèo đò. Xen giữa tiếng người trầm khàn, tiếng nước reo từng nhịp ấy là tiếng sáo trúc réo rắt vang khắp, làm cả khúc sông bớt đi vẻ ảm đạm. Tiếng sáo hay đến nỗi con bé khẽ mở tấm áo tơi đang phủ trên người ra, len lén ngóc đầu dậy nhìn ngó xuống đầu đuôi thuyền. Chú Sơn đang ngồi ở đấy thổi sáo. Lục Hải đưa tay dụi mắt, nó nhẹ nhàng trườn đến chỗ chị Mít, làm cả con thuyền hơi chòng chành.

"Hải dậy rồi à?" Chị thì thào, đoạn đặt cái nón lẫn tay nải sang một bên, bế con bé ủ vào lòng. Nghe tiếng nó sụt sịt mũi, chị áp môi lên trán nó. "Hẵng còn nóng, Hải ngồi ngoan với chị nhé."

Con bé gật gật đầu, nước mũi thò lò thành dải, làm chị Mít hơi rụt cổ có ý chê rồi vội lấy ra một cái khăn lau sạch cho nó. Hải ngồi yên chí trong lòng chị, nó đưa mắt nhìn cảnh vật xung quanh. Trời mới sáng rõ mặt người, cả khúc sông trải rộng ngút tầm mắt. Sương sớm còn chưa tan, vẫn giăng lảng bảng trên mặt nước tựa khói mỏng. Hai bên bờ, những bụi cỏ lau phơ phất bông trắng, những rừng đào lá xanh mởn đang nở hoa (2), cả nương dâu cành khẳng khiu tua tủa sau vụ thu... đều trôi qua chầm chậm trước mắt Lục Hải. Con bé không dám chớp mi, đôi mắt nó mở to, cố thu trọn tất cả. Thi thoảng nó muốn hỏi chị Mít một câu, hoặc không thì khoe chị cây hoa đẹp hay con cá ngoe nguẩy đuôi dưới làn nước, nhưng rồi lại thôi. Nó sợ chỉ rời mắt một tí là sẽ bỏ lỡ mất cảnh hai bên sông. Tiếng sáo của chú Sơn vọng khắp bốn phía, hòa vào với cơn gió heo may ướp mùi sương lạnh, phảng phất hương hoa cỏ cùng hơi nhựa thông ấm áp thoảng lại từ nơi chốn xa xôi mà chẳng ai hay biết. Con bé thích nghe thứ thanh âm vang bổng cao vút ấy. Mà cơ hồ, người lớn ngồi trên thuyền cũng thích nghe. Chị Mít ôm nó vào lòng chặt hơn một tí, miệng chị thơm mùi trầu, khe khẽ hát theo. Lục Hải nghe chị hát. Giọng chị ngọt lắm, nó nhớ mẹ hay khen thế. Tay đưa mái chèo của ông cụ lái đò tựa như chậm lại, rồi đến tiếng sáo nơi cuối thuyền cũng êm dịu hơn, âm nước reo lẫn tiếng sáo đều nhường phần, hòa vào với nhau, cơ hồ cùng đẩy mấy câu hát của chị Mít vang lên tận tầng xanh.

Đúng vào lúc chị Mít vừa ngân xong câu hát, Lục Hải bỗng ho húng hắng. Chị thấy thế nên không hát nữa, mà lấy tấm áo tơi, quấn lại một vòng che trước người Hải. Con bé vẫn ngồi trong lòng chị, nhưng chỉ còn chừa mỗi cái đầu để thò ra ngoài. Nó hít một hơi, dòng nước mũi đang chờ nhỏ xuống bị kéo ngược vào, nhưng gặp cơn hắt xì lại tuôn ra, rơi xuống cả áo tơi. Ông Lãng thấy mặt mũi con bé đỏ lên, khẽ lắc đầu trêu nó, ra hiệu xấu hổ quá.

"Hải có khó chịu lắm không?" Chú Sơn dừng thổi sáo, hỏi con bé.

Lục Hải lắc đầu. Cái tay bé tí tẹo của nó cầm cái khăn, đòi tự lau sạch nước mũi.

"Chuyến này về, khéo là mẹ Lan đánh đòn đấy. Cứ nằng nặc theo ông, theo chị đi xa làm gì." Chị Mít nhéo má nó, miệng thì trách, nhưng nét mặt nom chả có tí giận dỗi gì.

"Mẹ em cho đi rồi, mẹ không đánh đòn đâu." Con bé lý sự.

"Thôi, Hải cứ ngoan, chốc nữa đến nơi, chú dắt cháu đi cắt thuốc. Ở đấy có mấy ông khách (3) bốc thuốc mát tay lắm." Thấy con bé đang sốt, mặt mũi ra chiều mệt lử nhưng vẫn cố lý sự, chú Sơn lại thấy buồn cười. Đoạn, chú hẹn với nó như thế. Con bé được đà, vồn vã hỏi đủ thứ. Nào là đường còn xa không, ông khách là ai, chỗ Vân Đồn là ở đâu... Thế là chú cất cây sáo vào tay nải, ngồi trả lời cho nó. Ngoài mẹ con bé ra, cả làng Đào chỉ có mỗi chú Sơn thích nghe nó hỏi. Thảng hoặc, lúc một lớn một bé nói những chuyện lông gà vỏ tỏi, chẳng ra đâu vào đâu, nhưng vui tai, ông Lãng cùng cụ lái đò cũng góp vào đôi câu.

Lục Hải nằm trong lòng chị Mít, nó hỏi han chú Sơn chán rồi lại thiu thiu ngủ. Lần này nó ngủ say lắm, ngủ giữa cái lạnh se sắt, giữa tiếng nước reo theo nhịp mái chèo và cả tiếng hát của chị Mít nữa. Nó ngủ ngoan như con mèo mướp nằm sưởi bên bếp. Đến khi nó tỉnh dậy, đò đã cập bến, Hải thấy mình người lớn bế ẵm trên vai mà đi lên bờ. Con bé cựa quậy người. Chị Mít dỗ nó chịu khó thêm tí nữa, chỉ còn độ một canh giờ nữa thôi. Lục Hải ư hử, nó tì nhẹ cằm lên vai chị, mắt cứ nhìn về dòng sông rộng mênh mang đang ngày một lùi xa. Sông đấy to quá, to hơn cả sông Nhật Đức chảy qua làng, nó nghĩ, bên tai vẫn nghe thấy tiếng người huyên náo.

*
* *

Ông Lãng bảo với Lục Hải, từ bến sông đến Vân Đồn độ hai mươi ba mươi dặm. Nó chả biết dặm là gì, cơ mà chắc xa lắm. Chú Sơn sợ Hải mệt, chú mượn đâu được một con ngựa để chị Mít ngồi lên yên mà bế con bé, còn chú nắm cương dắt nó đi. Lúc nắng gắt đà về trưa, cứ được một quãng, thấy có quán nghỉ hoặc bóng cây râm mát, người lớn đều bàn nhau dừng lại cho con bé đỡ mệt. Chị Mít thương Lục Hải lắm, chị cứ bế ẵm nó trên vai, đem nước đem cơm nắm ra bảo nó ăn đi. Nhưng con bé chẳng thích ăn uống gì, nó chỉ thích được chị bế như thế, rồi cứ thỉu người ra nhìn trời nhìn đất. Có ông bà, cả các cô các chú đi chợ phiên về vào ngồi trong quán nghỉ, nhìn chị Mít bế nó, cứ hỏi nó có mệt không. Lục Hải chỉ lắc lắc đầu, chứ không còn sức lý sự như lúc trên thuyền. Giọng người ở đây nghe lạ tai lắm, bè và đanh hơn. Ông Lãng nói đùa họ ở gần cửa bể, ăn to nói lớn mới át được sóng dữ. Con bé nghe thế, lại thều thào hỏi chị Mít, bể là cái gì? Sóng là cái gì thế? Có phải giống gợn nước dập dềnh trên sông không? Chị Mít tủm tỉm cười, bảo nó tí nữa rồi biết.

"Vân Đồn ở cửa bể đấy. Tha hồ mà xem tàu lớn nhé." Chị nói.

Thế là trong đầu Lục Hải lại có thêm bể, thêm tàu lớn. Nó càng nóng ruột muốn nhanh nhanh đến nơi. Lúc đoàn người lên đường đi tiếp, chị Mít xin được cái lá sen to cho nó đội đầu. Dẫu con ngựa của chú Sơn thấp, nhưng với đứa trẻ con chân ngắn một mẩu như Lục Hải, mãi mới quen ngồi ngất ngưởng trên yên. Nó vẫn túm chặt lấy chị, nhưng giờ không thiêm thiếp đi nữa mà cố nhìn cảnh nhìn người. Trấn Vân Đồn dần hiện ra trước mắt Hải, to hơn làng Đào của con bé. To và đông người lắm, nằm giữa một bể mênh mông nước là nước. Nhà cửa cứ san sát dần, hàng quán nối đuôi nhau, tấp nập buôn bán nom như chợ phiên. Chị Mít không bế ẵm con bé nữa mà để nó ngồi xuống yên ngựa, cho nó tựa vào lòng mình, thế là nó tha hồ ngó nghiêng xung quanh. Cái lá sen đội đầu rơi tuột đi đâu mất mà nó không để ý, vì còn mải nhìn về phía đằng đông, xem cửa bể xanh thăm thẳm một màu trải rộng ra xa tít tắp sáng lấp la lấp lánh dưới nắng nhạt ngày thu. Điểm xuyết ở đó, con bé tròn mắt, trầm trồ hàng chục hàng trăm cái nhà gỗ đồ sộ đặt trên thuyền, nhà nào nhà nấy đều treo mảnh vải rõ to, căng phồng gió.

"Chị Mít ơi, họ dựng nhà trên thuyền kìa." Con bé rối rít. Lần đầu tiên nó thấy có nhà lạ lùng thế, cứ lênh đênh, bồng bềnh giữa bể toàn là nước thì sống thế nào được? Còn trồng cây, nuôi gà nuôi ngỗng ở đâu? Con bé xoay người háo hức chờ xem chị Mít đáp thế nào.

"Đấy là tàu, không phải nhà đâu." Chị à lên. Đoạn, chị chỉ tay vào miếng vải to đang căng gió. "Cái kia gọi là buồm. Có buồm tàu mới đi được."

"Tàu to quá, tàu để làm gì thế ạ?" Lục Hải há hốc mồm, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ nó mới bước chân ra khỏi làng để thấy rõ lắm thứ lạ lùng.

"Tàu to để chở hàng. Hải nhìn đằng kia, người ta đang chất hàng lên tàu đấy." Nghe con bé hỏi, chú Sơn một tay nắm dây cương ngựa, một tay lần vào trong nải lấy ra mấy xu cho ông ăn mày ngồi bên vệ đường.

Lục Hải lại dõi mắt theo hướng chú chỉ, lần này nó thấy có một cái cầu ván cũng to ơi là to bắc từ bờ ra đến tận chỗ nước sâm sấp độ bằng người lớn đứng thẳng. Ở cuối cầu, lại có một con tàu lớn. Mấy chú trẻ tuổi, vóc người cao lớn, da ngăm bánh mật còn tối hơn cả da ông Lãng đang chuyền tay nhau những lon sành, âu gốm, chậu men... Tất cả đem chất hết lên tàu. Ai nấy mình mẩy đều ướt đẫm mồ hôi, thi thoảng lại có người lỡ tay làm vỡ cái bình hay cái đĩa, thế là lẫn giữa tiếng thúc giục, tiếng người đong đếm hàng, còn có cả tiếng loảng xoảng, tiếng chửi bới. Con bé hơi rúc vào lòng chị Mít vì sợ tiếng quát mắng, nhưng nó vẫn hiếu kỳ đưa mắt nhìn quanh quẩn khắp nơi. Ở trấn Vân Đồn nó cũng thấy có núi, có rừng giống làng Đào, nhưng chỉ thấp thoáng xa xa thôi, lại tách rời thành đỉnh, rải rác ra đến cả giữa bể rộng mà đứng sừng sững. Những hòn núi cao ấy xếp ra hàng lối, vừa khéo hợp với bờ, hóa ra một "đường" riêng cho tàu bè nối nhau đến dừng chân ở trấn. Đương lúc con bé mải mê, ông Lãng hỏi nó có đói không rồi giục chú Sơn phải tìm hàng cơm cho nó ăn uống tử tế.

"Hàng cơm thì ở đây không thiếu, nhưng tôi thấy hay là ta cứ đi thêm mấy bước, ra đến Cái Làng tìm chỗ nghỉ trọ. Bác thấy thế được không?" Chú nói.

"Cái Hương với cái Hải mệt chưa?" Ông Lãng vừa lau mồ hôi, vừa quay sang hỏi hai chị em.

"Con thấy ông ấy nói thế cũng phải ạ. Ta đi cố, tìm quán trọ, ăn uống xong có chỗ ngả lưng một lúc là vừa." Chị Mít nhìn Hải, con bé lắc lư cái đầu ra hiệu chưa thấm mệt, rồi chị thưa với thầy.

"Ừ thì đi, chưa mệt thì đi tiếp." Ông xốc lại mấy bản khắc gỗ đang gùi trên lưng, xua tay nói ráo hoảnh. Đoạn, ông lấy manh áo tơi trùm cho Lục Hải.

Cái Làng là chỗ ăn nên làm ra nhất trấn Vân Đồn, nằm hướng ra bể rộng, dân buôn đổ về đấy nườm nượp. Hàng cơm, quán trọ cứ bước ba bước lại gặp một nhà treo biển. Dọc con đường lát đá xanh sạch sẽ, người Tống, người Chiêm, người Tam Phật Tề (4)... ăn mặc lạ mắt, nói tiếng lạ tai đi đứng chuyện trò không ngớt. Lục Hải ngồi trên ngựa, con bé len lén nhìn họ, nó thầm khen người này trắng, người kia đen nhẻm, người nọ nom hung, người khác nhìn buồn cười. Đại để chả ai bắt được nó đang liếc ngang liếc dọc, nhưng nếu có bắt được thì cũng chỉ cười với nó một cái. Trời dần về giữa trưa, chú Sơn đưa mấy ông cháu vào quán trọ bề thế nhất trấn. Con bé đứng trước căn nhà gỗ rộng gấp ba gấp bốn lần nhà nó ở làng Đào, một tay nắm chặt lấy tà váy của chị Mít, không dám bước vào mà không có chị đi cùng. Nhà đấy chẳng những to mà còn cao, hai gian nhà chồng lên nhau, phía ngoài hiên treo cả dải đèn lồng đỏ chót. Bên ngoài nhà trọ, người ta đương vác ra mấy cán bằng trúc để chốc nữa treo cờ. Lúc bước đến cửa lớn, Hải liếc nhìn trộm mấy dải cờ xổ ra từ tay anh nô, trên cờ ấy vẽ hình cô tiên như đang say rượu (5).

"Ối chà, ai như ông..." Người đàn ông ngoài tứ tuần, dáng người tròn mình cá trắm, vận áo lụa màu, có dáng chủ ông, đang chỉ trỏ sai kẻ dưới khuân mấy bình rượu mới vào trong nhà đợi đãi khách. Thoáng thấy mấy ông con chú cháu đứng đấy, ông ta đon đả với chú Sơn. Nhưng còn chưa dứt câu, nhìn nét mặt nghiêm nghị của khách, ông ta lại ngập ngừng rồi nói té sang câu khác. "Mời ông, mời bác, cơm rượu đều đủ chả thiếu chi. Hai cô bé này cũng thế, vào đi vào đi."

"Nhà ông còn chỗ nghỉ không?" Chú Sơn hỏi.

"Bẩm, còn ạ, chái đông chái tây đều còn phòng. Khách quan thích ở đâu, tôi sai đứa nô đi thu xếp chỗ đấy." Chủ ông niềm nở, như thể sợ làm khách phật lòng.

"Ở chái đông." Chú đáp gãy gọn. Chị Mít đang bận bịu đỡ cho ông Lãng mấy tay nải, còn Lục Hải cứ đứng nép một chỗ, chú khom người bế nó lên. "Con bé đang phải cảm, chủ ông thu xếp xong chỗ nghỉ thì cho người đi mời thầy lang hộ ta."

"Bẩm, tôi cho người đi ngay, khách quan chớ lo." Nhìn nét mặt ủ dột của Hải, chủ ông nom cũng sốt sắng hẳn lên. Chợt, như nhớ ra điều gì, ông ta hạ giọng, ghé lại gần người khách mà nói thêm. "Hôm qua, cậu và bà có lại hàng nhà tôi. Nghe đâu là họ đi vãn cảnh chùa."

Lục Hải nghe cái giọng ngọng nghịu của chủ ông, câu được câu mất, dù không rõ cậu mấy lại bà là ai, nhưng nó mơ hồ thấy chú Sơn trầm hẳn đi. Thế nên con bé im bặt, không ngó nghiêng ngọ nguậy gì nữa. Ở phía sau, thầy con chị Mít cũng vừa dặn dò người nô chăn ngựa xong xuôi. Có một thoáng, nó đã thấy ông Lãng như đang lườm cả chủ ông lẫn chú Sơn.

*
* *

"Ứ ừ, em không uống đâu, đắng lắm."

Lục Hải leo lên giường, con bé chui vào chăn, rối rít đuổi chị Mít đi ra. Ai bảo chị bắt nó uống thuốc vừa hôi vừa đắng. Ăn xong cơm, chủ ông mời thầy lang đến xem bệnh cho Hải, cảm mạo thôi, nhưng thầy lang cứ bắt nó phải uống thuốc. Con bé chỉ uống được một thìa đã rùng mình vì cái vị đắng chua đấy, thế là nó quyết không uống mà trốn vào trong chăn.

"Con bé này, mày bị bệnh không uống thuốc thì uống cái gì?" Chị Mít dỗ mãi không xong, gắt gỏng.

"Đắng lắm." Lục Hải vẫn trùm chăn kín mít, nó mếu máo.

"Thuốc đắng dã tật, mày còn bướng nữa là chị đánh đòn đấy. Trước lúc đi, mẹ Lan có dặn chị, Hải mà hư thì cứ roi mây ra vụt." Một tay kéo chăn, một tay bưng bát thuốc, chị Mít nghiêm giọng.

Lục Hải co rúm người, con bé bắt đầu khóc. Nó sợ khi về nhà, chị mách lại với mẹ. Thế là con bé từ từ bò ra khỏi chăn, đưa tay quệt nước mắt, đoạn ngoan ngoãn ngồi uống hết bát thuốc. Chị Mít xấu quá, nó nghĩ trong đầu, thấy chị toan ra ngoài, nó cáu kỉnh òa lên ăn vạ. Con bé đưa tay hất văng bát gốm chị đang cầm, thứ ấy rơi xuống nền nhà, vỡ tan. Chị Mít sững người nhìn Lục Hải, nó càng được thể nức nở thêm để ăn vạ, mồm nó gào lên ghét chị, không chơi với chị nữa. Tiếng gốm vỡ, tiếng trẻ con khóc nấc vọng ra ngoài, làm khách ở trọ lẫn chú Sơn đều lo. Chú vội dặn đứa nô chăn ngựa mấy câu để nó đi thuê cho thêm một con la, thồ hết chỗ ván khắc gỗ lên chùa, rồi nhanh chân đi xem Lục Hải thế nào. Hiềm nỗi, lúc chú đến gian phòng trọ của hai chị em, chỉ thấy Mít mặt mũi đỏ bừng bước ra, còn Hải nằm trùm chăn khóc nức nở, dưới đất là mấy mảnh gốm vỡ.

"Hải sao thế cháu?" Chú đến ngồi cạnh con bé, dịu giọng hỏi nó.

"Chị Mít xấu lắm." Con bé nấc lên, có người hỏi đến là lại càng thêm tủi thân. "Chị Mít không chơi với cháu nữa."

Chú ngẩn người, con bé ăn vạ tiếp, nó gào lên như bị ai đánh đòn. Mãi một lúc sau, nó thấm mệt, chú mới túm lấy tay, dỗ dành.

"Thế giờ chú đưa Hải đi lên chùa nhé? Ông Lãng đi từ nãy rồi." Chú hỏi, vừa định đứng lên lại thấy mấy mảnh bát vỡ còn nồng mùi thuốc bắc. "Hải uống thuốc chưa?"

Hải gật đầu, hai bím tóc tơ lúc la lúc lắc.

"Có đắng lắm không?" Chú lấy khăn, khom người nhặt mấy mảnh vỡ vương ngổn ngang trên nền.

Con bé gật như gà mổ thóc. Cái giọng nghèn nghẹn của nó còn đế thêm một câu chê thuốc hôi, thuốc chua.

"Giờ Hải đi lên chùa với chú, qua chợ chú mua kẹo mạch nha, ăn cho đỡ đắng mồm nhé." Vẫn giọng dỗ dành, chú cười với nó.

Lục Hải rón rén bước xuống giường, nó lấy vạt áo lau nước mắt. Kẹo mạch nha ngon lắm, nó hăm hở bắt chú Sơn hứa mua cho ăn. Đoạn, hai chú cháu rời quán trọ, chị Mít cũng đi cùng, nhưng chị chẳng nói chuyện với nó nữa. Hải được cưỡi con la, thấp bé hơn con ngựa nên nó không phải ngồi ngất ngưởng như buổi sáng. Đường từ bến lên chùa đi thong thả cũng mất non canh giờ, lại thêm nửa canh nữa ngồi thuyền nhỏ. Chùa nằm ở phía tây, từ Cái Làng phải qua Cống Tây rồi leo sườn núi mới đến nơi (6). Dọc đường đi, chú Sơn giữ lời, mua cho nó một que kẹo mạch nha với một quả cầu vải. Con bé cầm kẹo trên tay, nhấm nháp dè dặt, còn quả cầu, nó cất trong túi da treo trên cổ con la. Thứ đấy quý lắm, chú bảo là đồ chơi của người Tống đem sang. Chị Mít chẳng hỏi gì, con bé lại thấy chột dạ. Lần này chị giận nó thật rồi.

"Cổng tam quan đẹp quá." Đang đi trên đường núi, thoáng thấy mái chùa với bảo tháp nhô vượt khỏi những cây rừng xanh rì, chú Sơn thốt lên. Rồi chú chỉ cho Hải từng thứ một. Kia là cổng chùa đấy, chỗ này là giếng nước này...

"Chú ơi, đóng cửa to đóng rồi. Họ không cho mình vào ạ?" Con bé hỏi, chị Mít nhìn nó một cái rồi quay đi chỗ khác.

"Đi chùa ai cho đi qua cổng đấy." Chị lẩm bẩm.

"Cổng đấy dân như chú cháu mình không đi được nên họ đóng lại đấy. Hải đi chùa chỉ được đi cửa bên tả với bên hữu thôi, họ mở he hé kia kìa." Lúc bế Lục Hải xuống khỏi lưng con la, chú Sơn chỉ vào hai cửa nhỏ bên cạnh.

Con la được buộc vào một gốc cây bên ngoài chùa. Lục Hải theo chân chị và chú đi qua cửa bên tả. Chùa rộng lắm, có tháp cao ơi là cao. Con bé nghểnh cổ lên nhìn tòa tháp đứng sừng sững trong sân chùa, nó líu lo hỏi chú Sơn đủ thứ, mải mê đến nỗi leo hết cả trăm bậc thang mà nó chẳng thấy mệt tí nào. Đi đến bậc cuối cùng, con bé thấy ông Lãng đã đứng đợi sẵn cùng với sư thầy. Lục Hải khoanh tay, lễ phép chào cả hai người.

"Cái Hương ở ngoài này trông em nhé. Thầy với anh Sơn vào trong hầu chuyện sư thầy." Ông Lãng dặn dò chị Mít, không biết là chị đang giận Hải.

Chỉ còn lại hai chị em, con bé đừng nép một góc, nó nhìn chị trân trối. Chưa bao giờ chị giận nó lâu thế. Nhưng mà chị bắt nó uống thuốc đắng... Nhưng mà chị dọa mách mẹ nó... Con bé lủi vào dưới gốc cây, nó tự nhủ như thế rồi quả quyết sẽ chơi một mình. Nó tung tẩy quả cầu, còn chị Mít đứng cách nó cả đoạn, hết nhìn trời nhìn mây đến ngắm ao to. Ném lên hứng xuống một lúc, Lục Hải bỗng thấy chán, nó lại nghĩ ra trò thảy quả cầu ra xa, xem nó lăn lông lốc trên đường đá. Con bé ném không mạnh, nên quả cầu chỉ lăn được đoạn ngắn, nó lạch bạch chạy theo nhặt cầu. Cứ ném rồi nhặt như thế, một hồi sau con bé chợt nhận ra nó không thấy chị Mít đâu nữa.

"Thế nó cũng đến đây à?" Có tiếng người cao giọng. Phía trong sân, trước dãy nhà, một già một trẻ đang đứng vãn cảnh. Họ ăn vận nom đều sang quý, không phải áo vải nâu như Hải.

"Con cũng chỉ nghe kẻ dưới trình lại thế chứ chưa gặp được anh ấy." Chàng thiếu niên trẻ tuổi hơn đáp.

"Đã ra đến đây mà không đi tìm mẹ tìm em." Người đàn bà mang dáng dấp mệnh phụ thở dài. "Cha già mẹ héo... Con với chẳng cái, đúng là nước mắt chảy xuôi chứ có bao giờ chảy ngược."

"Anh con nương nhờ sư ông cả năm nay, ở trên kinh cũng chẳng mấy khi nhận được tin anh ấy. Đợi đến lúc anh nguôi ngoai, chắc anh sẽ nghĩ lại thôi ạ." Chàng thiếu niên nhẹ giọng an ủi vị phu nhân.

"Từ thằng anh đến con em, chúng mày chỉ bênh nhau là giỏi." Vị phu nhân mắng, nhưng giọng điệu bà không nghe ra bực bội.

Đột nhiên, có tiếng cành cây gãy, chàng thiếu niên im bặt. Vừa đưa mắt dò xét bốn phía, chàng thiếu niên khẽ đẩy người mẹ ra sau mấy bước, rồi thận trọng đi về phía phát ra tiếng động. Khi chỉ còn cách bụi cây dăm bước, chợt có quả cầu vải lăn đến dưới chân chàng.

"Ai đang đứng đằng đấy thế?" Chàng nói to.

Từ trong bụi cây, con bé ló đầu ra. Nó ngước mắt lên nhìn chàng, mắt tròn như hạt nhãn chớp chớp luống cuống.

"Cháu..." Nó ngập ngừng. "Bẩm... ông, là cháu ạ."

Chàng cũng nhìn lại nó. Bé tí tẹo teo, chàng nghĩ, còn thò lò mũi xanh nữa. Mắt nó mở to ngơ ngác, cơ hồ chỉ cần chàng làm mặt dữ tợn đi tí nữa thì nó sẽ khóc òa lên. Chắc là con cái nhà ai đi vãn cảnh chùa. Nét mặt chàng dịu lại, rồi chàng cúi người nhặt quả cầu vải lên.

"Mày hóng hớt mẹ con ta nói chuyện phỏng? Thầy mẹ mày ở đâu hử?" Chàng nói với con bé. "Chui ra đây, gai mắc cả vào áo sống rồi kia kìa".

Lục Hải nghe thế vội lách người chui ra khỏi bụi cây. Người khách lại túm lấy hai tay nó, nhún chân, gồng tay nhấc bổng cái thân mình bé tí tẹo, giúp nó thoát ra khỏi bụi cây.

"Ông ơi, cháu đi nhặt quả cầu thôi. Cháu không nghe trộm bà với ông nói chuyện đâu ạ. Ông đừng bắt tội cháu." Lục Hải đứng dưới đất, nó ngẩng đầu lên. Ông khách cao to, con bé chỉ đứng đến ngang đùi. Nó mếu máo thanh minh.

Người khách thấy nó khóc, lòng lại thương hại, chàng định bụng cúi người dỗ dành nó một hai câu. Đứng cách đó mươi bước chân, vị phu nhân nheo mắt nhìn con bé. Biết chỉ là trẻ con nghịch ngợm, bà khẽ thở dài, đoạn hắng giọng có ý giục con trai ra về.

"Hải ơi?" Bỗng từ đâu có thêm đứa con gái độ mười bốn mười lăm tuổi cất tiếng gọi. Cơ hồ là chị, không thì là người nhà của con bé thò lò mũi xanh. Chàng thấy hai mắt nó sáng bừng cả lên, rối rít đáp lời, mồm cứ chị chị không ngớt.

"Chị mày đấy hở?" Chàng hỏi con bé.

Nó gật gật đầu, đưa tay áo quệt ngang qua mũi.

"Nó ở đằng này này." Người khách nói to.

Chị Mít nghe ông khách gọi, cuống lên chạy đến chỗ Lục Hải đang đứng. Mặt mũi con bé lem nhem nước mắt, ông khách cao to thì đứng khoanh tay, nét mặt nghiêm nghị, quả cầu vải lăn lóc dưới đất. Thoáng qua là chị Mít đã ngờ ngợ ra chuyện con bé nghịch ngợm, phạm đến vị kia.

"Đây, trả cho nhà mày. Đưa trẻ con đi vào chùa, phải trông kỹ chứ, ai lại để nó đi lang thang thế này." Khẽ đẩy Hải về phía chị Mít, ông khách trách.

"Lạy ông, em cháu trẻ người non dạ, có phạm lỗi gì thì cũng xin ông giơ cao đánh khẽ tha cho lần này." Chị ôm con bé, ngước nhìn ông khách mà cẩn thận lựa lời.

"Nó mấy tuổi rồi?" Chàng hỏi.

"Bẩm ông, cháu sáu tuổi ạ." Lục Hải đang ôm lấy chị Mít, chỉ trực bỏ chạy, nhưng nghe thấy người ta hỏi đến mình, nó cũng rón rén ngoái đầu lại thưa. Nói xong, nó đưa tay quệt nước mũi, đoạn úp mặt vào lòng chị Mít, cứ như thế không nhìn thấy ông khách kia là ông ấy không còn ở đứng đấy nữa.

"Lần này tao tha. Lần sau không được hóng hớt chỗ người lớn nói chuyện nữa, biết chưa?" Chàng cúi người nhặt quả cầu cho con bé, nghiêm giọng.

Vị phu nhân đứng đợi đã ra chiều sốt ruột lại cất tiếng giục con trai ra về cho sớm. Chàng thiếu niên cũng vì thế mà chỉ nhìn hai chị em con bé một cái nữa rồi xua tay tỏ ý không buồn xét nét thêm. Chàng bỏ đi, dảo bước đến dìu mẹ mình.


Chú giải:

(1) Trích "Ngồi tựa mạn thuyền", quan họ cổ.

(2) Các giống đào rừng cổ ở những nơi có khí hậu lạnh có thể nở hoa từ tháng 10 năm trước cho đến tháng 4 năm sau.

(3) Một cách gọi người Hoa.

(4) Một vương quốc cổ thuộc Malaysia ngày nay.

(5) Việc cắm cờ và thay rượu mới vào thời Tống dựa trên miêu tả trong tác phẩm "Đông kinh mộng hoa lục" của Mạnh Nguyên Lão, dẫn theo luận văn "So sánh tết trung thu hai nước Việt Nam và Trung Quốc" do Vũ Thị Ngà thực hiện năm 2013.

(6) Các miêu tả về trấn Vân Đồn trong truyện được viết dựa trên một số thông tin từ cuốn "Thương cảng Vân Đồn" (NXB Thanh Niên, 2004) của tác giả Đỗ Văn Ninh.

https://youtu.be/s05_2KVWB1Q

Theme music :))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro