tơ hồng trần gian.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Hồn chiều rơi ngả rơi nghiêng
Ai đem cô ấy lên miền non hoa
Để người quân tử ghé qua
Mang nhành Bạch Ngọc xin cô vào nhà".

Họa sĩ: Niệm Vân.

Dưới chân núi Tản Viên có một làng chỉ toàn là người cõi Tiên.

Từ thuở trời chưa là trời, đất chưa là đất, chưa sinh ra mặt trời và mặt trăng, làng ấy đã có rồi.

Đến khi đất trời sinh ra âm dương, âm có vua Thủy Tề dưới biển sâu cai quản, dương có Ngọc Hoàng trên trời trông nom; có Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng nhau kết đôi mà sinh ra loài người trên đất Phong Châu, chân núi Tản vẫn là nơi cư ngụ của làng ấy.

Nơi trần gian mà tựa như cõi Trời này là nơi bay lên của rồng và phượng, là nơi mọc lên của đủ loại đào mai. Đứng ở xa trông về, chân núi Tản dường như có sương bao bọc, ngàn năm ánh sáng không xua tan đi được.

Đến thời Hồng Bàng, vua Hùng Vương thứ mười tám, làng ấy có người con trai tên là Nguyễn Tuấn học võ nghệ của Thái Bạch Kim Tinh, thần lực vô biên ít người bì kịp.

Nguyễn Tuấn vì đem lòng muốn làm rể vua Hùng mà giành giật đến cùng với con trai cả vua Thủy Tề, đến nỗi hằng năm người ấy lại theo dòng nước Đà giang mà đem quân vào, nước cuộn sóng trào, phá phách đến tận chân non.

Sau dần, người làng ấy để lại dân gian những loài hoa và loài quả, thả những con vật linh thiêng lẫn vào dân gian, phủ những vầng mây bất tử lên ngọn núi đang ngày một cao thêm và cùng nhau về trời để tránh phiền nhiễu nơi trần thế.

Chỉ duy nhất Nguyễn Tuấn và nàng Mị Nương ở lại nhưng thôi không níu kéo vẻ đẹp của làng Tiên cứ mỗi bận nước dâng là mỗi bận phải hóa phép đủ chiều mà tu sửa.

Đỉnh non Tản thành chốn ở của cặp chồng tiên vợ trần này. Dần dần dưới chân núi Tản Viên có những người ở đất Phong Châu đến sinh sống, nhưng vị hoàng tử kia vẫn không buông bỏ chấp niệm yêu đương thuở đầu; hằng năm năm, mười năm, lại dâng lũ lên hòng cướp nàng Mị Nương về.

Nguyễn Tuấn đứng trên nơi cao, sức biển khơi không đọ lại được với sức của muôn trùng núi trở, ấy nhưng sinh linh dưới kia lại bị giết cùng giết tận, hoài hoài như thế. Chàng cùng vợ gầy dựng lại làng, lại huyện, lại tổng, giúp dân trồng lúa nuôi tằm. Họ thấy chàng có phép thần thông, võ nghệ cao cường, khôi ngô tuấn tú lại rộng lượng thương người, bèn tôn chàng là Đức Thánh Tản. Cứ thế cho đến đời An Dương Vương để vận nước sa vào tay Triệu Đà; vị hoàng tử kia đã nối ngôi làm chủ những sông nước và biển rộng, nơi ngàn thiêng ấy chỉ còn một người con gái làm chủ và chăm nom.

Tản Viên linh thiêng, mây mù bao phủ, những điện, những vườn tược, những cây cổ thụ trên núi ấy không người trần mắt thịt nào nhìn thấy.

Bởi thế ngoài người chốn trời mây, đến cả những cụ tuổi già linh trăm cũng không ai biết về người con gái ấy, cho đến khi nàng dạo xuống cõi trần xem thế gian nhộn nhịp.

Có lẽ lúc nàng thả gót ngọc trên cỏ dọc bờ Đà giang lần đầu là lúc Bình Định Vương vừa dẹp yên giặc Minh.

*

Buổi ấy có nạn yêu hồ hoành hành, chúng hồ ly lấy vẻ đẹp mê người mà lường gạt khách trần, hớp hồn lấy tinh khí mà tu luyện thành yêu.

Người bị loài cáo tinh này đoạt mạng nhiều không kể xiết; linh hồn của người bị hút sạch để tu luyện, không tài nào đầu thai sang kiếp khác được.

Vua Thủy Tề vốn cai quản cõi âm biết chuyện, giận lắm, bèn sai con trai thứ là Hải Ngọc lên trần diệt yêu giúp dân.

Hải Ngọc vốn là người con được vua Thủy Tề yêu hơn cả, bởi tính tình điềm đạm, lại không lấy mình là con vua mà diễu thị uy như người anh, tuân lệnh cha mà rời nơi biển cả.

Từ ấy người ở Đông Anh hằng thấy một thiếu niên cao ráo, mặt mũi sáng sủa, chỉ mỗi làn da là trắng xanh như thiếu khí trời, đi lại luôn ở quán trọ và vùng có nhiều người bị yêu hồ làm hại. Y mặc trực lĩnh màu lam, có khi nhìn kĩ ra thì đôi con ngươi của y cũng màu lam đậm. Thỉnh thoảng y lại vờ cợt nhả với một cô thôn nữ má lúng liếng lúm đồng tiền mắt đẹp như hoa đào, thỉnh thoảng lại dán những tờ giấy viết những chữ chẳng ai hiểu lên những chỗ chẳng ai buồn để ý, thỉnh thoảng lại cầm thanh trường kiếm ướm lên một con cáo hoang từ trong rừng già đi lạc.

Có một hôm y đến Đà giang trông lên núi Tản, bỗng bất cẩn mà sẩy chân ngã xuống nước. Người sống dưới đáy nước như y có cần phải lo lắng gì, vốn y còn định chìm sâu xuống đáy để nhìn lên trời giữa dòng nước trong; ấy nhưng chưa kịp làm gì thì đã có người vớt y ra khỏi đó.

Y mở mắt.

Một người con gái mặc áo lụa màu nâu nhạt, tóc vì ướt đẫm nước mà áp vào hai bên gò má cao, vướng lên đôi mày liễu. Chính y còn ngửi được mùi gỗ trầm phảng phất từ người con gái ấy.

Trông rất giống người ở cõi tiên trong những thẻ tre y xem thuở nhỏ.

Cũng ngờ ngợ như những yêu hồ đã mọc đủ chín đuôi mà hóa thành người.

Y nằm dài trên bãi cỏ, nở nụ cười nhìn thiếu nữ.

- Tiên nữ đây đoan trang thoát tục, kẻ này nằm ở đây cũng nghe hương mộc quý, không biết là thần thánh phương nào?

Nàng ngồi lựa chiều gió mà hong khô tóc, khe khẽ đáp lời, giọng trong veo mà xa xăm như gió nơi non ngàn.

- Người trần trên dương gian, sinh ra ở nhà khá giả thì tự khắc khí chất vất vưởng sẽ khác với con nhà thường, ta chẳng qua là thứ nữ của một thần bộc dưới triều của Hồ Quý Ly, vì đất trời nổi cơn gió bụi mà lưu lạc tứ phương, chớ nhầm với những người trên cao kia mà phải vạ.

Đoạn nàng đứng thẳng người, vì gió lùa vào xiêm y đẫm nước mà run rẩy.

- Vùng này không yên ổn, vị đây nhớ cẩn thận. Một là đừng rơi xuống chỗ nước hiểm này, một là cẩn thận bị hớp hồn đấy.

Đoạn người ấy bỏ đi mất, để lại y nằm trên thảm cỏ xanh rì, ngửa mặt nhìn lên khung thương đã sắp chuyển thành màu đỏ của bóng chiều hoang hoải.

*

Hải Ngọc vẫn quanh quẩn trong vùng Đông Anh, giúp người này một việc, giúp người kia một việc, mải lo tìm tung tích của yêu quái nên cũng quên mất rằng mình từng được vớt lên khỏi nước bởi một người con gái.

Bỗng một hôm y đến xem những nơi trấn bùa thì thấy trên những lá bùa vẽ rất khéo kia của y có một tấm khác dán đè lên, nét nguệch nét ngoạc, nhìn như tấm giấy cho trẻ con vẽ bậy.

Cả bốn nơi trấn bùa đều thế cả.

Lúc y quay về chỗ có bùa hướng về Đông Hải thì thấy người con gái hôm nọ đang cẩn thận dán lại tấm bùa mà y vừa gỡ.

Y chợt sững người. Nàng ta là pháp sư hay là yêu hồ?

- Ngươi là phù thủy mà không biết, dán giấy lộ liễu thế này con hồ yêu nào chẳng thấy, đợi ngươi trấn đủ bốn phương thì chúng cũng kịp thoát ra khỏi vòng kết giới rồi.

Ồ. Y không biết điều này.

- Hóa ra nàng là người dán mấy tờ giấy vẽ nhàu đè lên những lá bùa của ta.

Tức thì người khách má đào trước mặt y cau mày.

- Đây là bùa ta vẽ, không phải giấy.

Y bật cười. Xưa kia cha dạy y vẽ bùa, đúng là không nhắc đến việc bùa có thể bị đám hồn ma bóng quế nhìn thấy, nhưng với việc vẽ những thứ linh thiêng trừ tà thế này mà nói, y không được phép vẽ năm nét ba qua thế này.

Y lại ngờ ngợ.

Trong sách dạy, hồ yêu chín đuôi thường có vẻ ngoài xinh đẹp, lại thích bắt chước người chúng muốn hại.

Nhưng y vẫn thấy đâu đây vưởng vất mùi gỗ trầm rất đỗi thanh cao kia.

- Ta sinh ra vốn không có hoa tay, thầy dạy ta cũng khổ sở với mớ giấy mà ta đã phá lắm. Nhưng mấy lá bùa này không đến nỗi không dùng được, bây giờ có lẽ bọn yêu kia không vào lại Đông Anh được nữa.

- Nàng cũng là phù thủy ư?

- Hỏi thừa.

*

Trong vùng Đông Anh ấy có thêm một vị khách má đào đi cùng với người thiếu niên kì lạ ấy. Cung cách của họ không giống như những đạo sĩ hay phù thủy trừ ma diệt yêu, nửa giống như khách tiên dạo cõi trần, nửa giống như mặc khách tìm thi vị trong nhân gian.

Vị khách má đào này dường như rất thích hoa lan, mỗi lần ra ngoài là mỗi lần đem về quán trọ nào lan tiểu Kiều, lan đại Kiều, lan Trần Mộng. Nàng ta thích nhất là giống Bạch Ngọc lan, thơm lâu, dịu dàng, cánh hoa mỏng manh như những vầng mây. Thỉnh thoảng hương lan ấy xen lẫn vào mùi gỗ trầm, đứng gần nàng cảm thấy thanh thản lạ.

Có lẽ vì thế mà người ta gọi nàng là Bạch Ngọc, hoặc phải chăng người ta gọi nàng thế vì người thiếu niên kia gọi nàng thế.

Lại nói đến chuyện tên, chuyện tuổi.

Khách tiên vẫn thường thích giấu tên.

Chẳng biết họ giấu để làm gì. Những người trần mắt thịt vẫn thích đoán già đoán non rằng những cái tên ấy là chiếc gương được giấu dưới nhiễu điều, mà chiếc gương này rất kén chọn. Phải là người thích hợp vén tấm nhiễu ấy lên thì mới soi được gương.

Cũng như những người tiên, thành những mối tri kỷ thì mới gọi nhau bằng tên thật. Còn không, những người mang trong mình những phép thần thông rất đỗi tuyệt diệu kia gọi nhau bằng danh xưng.

Danh xưng của Hải Ngọc là Lạc Nghiên Long tử, ấy nhưng nơi cõi trần giả danh làm phù thủy này làm sao có thể dùng danh ấy được. Y tự xưng là Lý Quân Nghiên. Còn nàng Bạch Ngọc kia lúc được y hỏi tên, chỉ cười khẽ rồi nói.

- Cùng lắm là một cái để gọi, ngươi nhớ chỉ thêm nhọc đầu. Diệt xong hồ yêu rồi thì mỗi người mỗi ngả, có ràng buộc gì nhau, hà cớ phải câu nệ đến thế.

Mỗi lúc an táng xong xuôi cho những người chết giữa đường giữa chợ, y lại thấy Bạch Ngọc rút cây sáo ra thổi một điệu.

Ấy nhưng xác rỗng, có thổi thì cũng là thương cho những người chết oan, chứ về cõi cửu nguyên thì nào được, vì hồn đâu còn mà về.

Vài đêm trăng tròn in lên đáy nước Đà giang, nàng cũng rút cây sáo ngọc ấy ra thổi.

Bóng giai nhân ngập ngừng tiếng nhạc
Hình quân tử rời rạc rượu ngon
Trời xanh đầy mảnh tình son
Để xem bóng mắt ai than ai cười.

Y và Bạch Ngọc đều có một điểm chung mà y rất đỗi lấy làm vui thú, đấy là đều không thích chốn ồn ào náo nhiệt, chỉ muốn tìm một nơi yên tĩnh để trầm ngâm.

Nhưng hai người lại khác nhau thế này: là Hải Ngọc từ thuở sinh ra đã được vây quanh bởi chúng sinh linh dưới biển, huyên náo ồn ào, vậy nên mới tìm đến những nơi chỉ có một mình; còn mỗi lúc y nhìn tà áo nàng Bạch Ngọc kia bay trong gió trời đêm trăng, y lại thấy nàng đã thế từ lâu lắm, như thể nàng ở trong một nơi cô tịch đã quen, giờ hòa lẫn vào thế gian trông như loài cá ngư hương lạc đàn vào một rặng san hô, lạ lẫm rồi lạc lõng.

*

Bạch Ngọc ngâm rễ cây chò ở nước giếng mà xưa kia con trai của Triệu Vũ Vương quyên sinh theo nàng Mị Châu, hơ qua ngọn lửa đốt bằng gỗ cây gạo, lại phơi cái rễ ấy dưới nắng bảy ngày bảy đêm. Nàng tước vỏ cây chò thành những sợi mảnh, xe thành chỉ ngũ sắc.

Yêu hồ vốn do loài cáo thành tinh hóa thành, nếu không phải là loài đã mọc đủ chín đuôi mà hóa thành người, những sợi chỉ ngũ sắc này sẽ làm chúng bỏng rát, nơi da thịt chạm vào như bị nung sống, đau đến thấu trời.

Nàng lại lấy hoa của cây gạo bọc trong lụa đỏ, dùng chỉ ngũ sắc buộc lại thành chiếc túi, bảo rằng mang theo thứ ấy bên người có thể phòng thân được.

Mấy đoạn chỉ còn thừa lại, Bạch Ngọc thêu tên Lý Quân Nghiên lên khăn tay của y, bảo là quà gặp mặt.

Nhưng nàng lại quên mất một điều trong những thẻ tre mà nàng rất hứng tìm hiểu ấy, là khi loài cáo tinh kia hóa đủ chín đuôi, chúng có thể xe những sợi chỉ năm màu kia để giết hại những loài yêu khác.

Bấy giờ những mối nghi ngờ trong lòng Quân Nghiên kia đã hợp vào làm một, này là vẻ đẹp mê người, này là mùi hương, này là những lá bùa bắt chước rất vụng, này là những sợi chỉ ngũ sắc chỉ người trời mới biết xe.

Quân Nghiên tuốt kiếm kề vào cổ nàng, lưỡi kiếm sáng choang và túa ra nồng nặc mùi của biển cả, nhất thời nàng hoảng loạn, hóa thành mây biến mất.

Hồ yêu không còn ở vùng Đông Anh, nhưng không phải là do lần tuốt kiếm ấy của Lạc Nghiên Long tử.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro