Chương 1: Gia đình Phó điền chủ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phía sân trước của một ngôi nhà nhỏ có dựng một ít bàn ghế cũ cùng một vài thanh gỗ vụn. Ngay bên cạnh đống gỗ bụi bặm kia là một cô bé đang ngồi bệt trên nền đất, tập trung vào công việc của mình. Mái tóc dài quá vai của cô được buộc thành một đuôi ngựa thấp gọn gàng phía sau đầu nhưng tóc con vẫn loà xoà trước trán cô. Cô khó chịu nhíu mày vì mấy sợi tóc cứ thi thoảng bay vào mắt. Khổ nỗi hai tay cô đều đang bận nên không thể đưa lên vuốt gọn chúng lại. Mà thật ra có tém gọn thế nào thì chúng vẫn sẽ cứ bay tán loạn ngay một giây sau đó thôi.

Sau một hồi loay hoay với mấy thanh gỗ mỏng, cô đưa lên ngắm nghía. Sau khi đã ưng ý, cô để chúng sang bên cạnh, cùng một chỗ với rất nhiều những thanh gỗ nhẵn nhụi. Cô đang làm khung tranh. Dạo gần đây cô nhận ra giá tiền một bức tranh không chỉ quyết định dựa vào bức vẽ hay tác giả mà cả ngoại hình của nó cũng có một vai trò nhất định. Hiện tại thì hàng tranh của cô cũng đã đóng góp được một ít vào tiền gạo củi hàng ngày. Không nhiều nhưng đó là những đồng tiền đầu tiên cô kiếm được, dù cô không phải là người duy nhất đóng góp trong vụ kinh doanh này, tuy vậy nó vẫn rất có ý nghĩa với cô.

Cô bé tên gọi là Bính, là con giữa của gia đình Phó điền chủ từng rất giàu có ở vùng lân cận. Bốn năm trước, sau khi ông Phó mắc một căn bệnh lạ khiến ông bị liệt gần như là toàn thân thì gia đình dần trở nên lụn bại. Bà Phó yếu đuối cả tin không có khả năng làm chủ, con gái cả tên Mậu đã gả ra ngoài như bát nước đổ đi, con trai út tên Đinh thì còn quá nhỏ tuổi. Về phần Bính, cô thật ra không nhớ được bất cứ thứ gì trước năm cô mười bốn tuổi.

Sau khi bố bệnh một khoảng hai năm, gia đình Bính liền báo rằng con gái giữa cũng mắc bệnh lạ. Bính hôn mê suốt một tháng rồi khi tỉnh lại thì không còn nhớ được gì nữa. Nói cách khác, Bính chỉ có ký ức trong hai năm trở lại đây. Cô hoàn toàn không biết gia đình mình từng giàu có ra sao, tất cả đều chỉ là những hồi ức tiếc nuối từ miệng của mẹ cô.

Hai năm có lẽ không đủ để xây dựng lại tình cảm gia đình mà cô đã lãng quên nhưng hoàn toàn đủ để cô cảm nhận sự lạnh lẽo của tình người. Gia đình cô bị họ hàng ghẻ lạnh, hắt hủi không thương tiếc. Họ chỉ mong được phủi sạch mối quan hệ họ hàng vì cho rằng gia đình cô là hiện thân của xui xẻo. Bà Phó nói rằng khi xưa họ luôn sẵn lòng giúp đỡ những người bà con kia nên hy vọng họ sẽ nể tình mà giúp đỡ lại gia đình mình trong cơn hoạn nạn. Nhưng thực tế cho thấy có lẽ chỉ có gia đình bà xem bọn họ là người thân.

"Bính, giúp mẹ mang cháo lên cho cha nhé!" Bà Phó gọi con gái khi đi ra từ cửa phòng bếp.

Bà là một người phụ nữ luống tuổi trung hậu, nét mặt dù bị khổ ải in hằn nhưng vẫn nhìn ra vẻ đằm thắm vốn có. Tin chắc rằng nếu sống trong sung túc, bà Phó cũng sẽ được xem là một mỹ nhân.

"Vâng!" Bính ngay lập tức chạy lại, phủi sạch tay rồi bê lấy bát cháo từ tay mẹ.

Đứng gần nhau, không khó để nhận ra Bính và bà Phó là hai mẹ con. Cả hai người đều có dáng người cao gầy. Khuôn mặt họ không tròn bầu mà hơi thuôn dài nhưng phần cằm và má lại đầy đặn khiến tổng thể gương mặt ít nhiều mang vẻ phúc hậu. Bính mang nhiều nét giống mẹ chỉ riêng sống mũi lại mang phần rắn rỏi giống ông Phó.

"Mẹ phải sang phố trên để phụ làm cỗ, con cho cha ăn xong thì đi gọi Đinh về ăn cơm luôn nhé!"

Bà Phó hiện tại trở thành lao động chính trong nhà. May mắn là bà có tài nghệ bếp núc không tồi. Bà được một người bạn làm ăn ngày xưa của ông Phó giới thiệu vào làm cho một đoàn thể chuyên chuẩn bị cỗ lớn cho các dịp quan trọng của những gia đình khá giả. Họ nhận xử lý tất cả các khâu chuẩn bị cầu kỳ và phức tạp nên rất cần một phụ bếp có tay nghề.

Cũng nhờ vậy mà gia đình Phó điền mới có thể tiếp tục sống mà không cần bám víu vào đám họ hàng không có tình người kia.

"Cha ơi, dùng bữa!" Bính đặt cháo lên bàn rồi quay sang người đang ngồi bất động trên chiếc xe lăn tự chế.

Ông Phó không thể nói chuyện mà chỉ phát ra những tiếng động ồ ồ kỳ lạ. Người trong gia đình lại dần dần phân biệt được tiếng động thế nào của ông là vui vẻ, thế nào là khó chịu. Con mắt bên trái của ông vẫn hoạt động bình thường, con mắt bên phải thì luôn nhíu lại và đôi khi nháy một cách không có quy luật. Tay trái ông co quắp lại nhưng vẫn làm được những hoạt động cầm nắm đơn giản hoặc đưa lên đưa xuống. Thường thì Bính sẽ để cha tự cầm muỗng ăn vì ông cũng chỉ ăn mỗi cháo nhuyễn và trái cây mềm, không quá khó để đưa đồ ăn vào miệng. Cô chỉ cần lau miệng và tay chân bố mình nếu ông làm rơi đồ ăn. Dù sao thì ông cũng bị liệt, không thể hoạt động linh hoạt như người thường được nhưng vị bác sĩ ngày xưa cứu ông khỏi cửa tử đã dặn dò gia đình phải để ông hoạt động trong phạm vi khả năng của mình. Biết đâu một ngày trời thương, ông lại có thể khoẻ lại.

Bính đang chăm ông Phó ăn thì cửa nhà đột nhiên bị mở tung. Một thằng nhóc độ khoảng mười hai, mười ba tuổi cao ráo, trắng noãn lao thẳng vào nhà rồi lục lọi tập sách của mình.

"Đinh Ba, làm gì đấy?" Bính chạy ra xem xét.

Đinh Ba là biệt danh cô dùng để gọi em trai mình. Đơn giản vì nó tên Đinh, lại là con thứ ba. Dần dần người quen cũng dùng cái tên này để gọi nó.

"Thầy Tôn Tùng ghé thăm trường em, ông ấy đồng ý vẽ hoặc ký tặng em một bức tranh." Đinh Ba vẫn tiếp tục lục lọi.

"Sao ông ấy lại tặng em?" Tôn Tùng là một hoạ sĩ kiêm giáo sư nổi tiếng có xuất thân từ thành phố C này.

"Chị nhớ tháng trước trường em có cuộc thi vẽ không? Em đoạt giải nhì. Vốn dĩ tưởng nó không có gì quan trọng, ai ngờ đó lại là cuộc thi do chính Tôn Tùng tổ chức chung với hội đồng hương." Đinh Ba vừa nói vừa bới móc đống sách vở của mình.

"Vậy thì sao?" Bính vẫn mơ hồ.

"Ông ấy đồng ý với ban tổ chức sẽ tặng ba người đoạt giải cao nhất mỗi người một chữ ký lên bức tranh của họ. Nhưng em lại không nhớ đã để bức tranh đoạt giải kia ở đâu!" Đinh Ba vò đầu bứt tai.

"Là bức tranh vẽ cảnh con sông bị phủ tuyết đó sao?" Bính chột dạ.

Đinh Ba nhìn sang chị của mình với vẻ mặt không dám tin.

"Ôi trời, đừng nói với em là..."

"Em vốn dĩ cũng đâu quan tâm đến nó! Vả lại, nếu em đoạt giải thì nhà trường cũng đã lưu tên em lại rồi, cần gì đến bức tranh kia nữa!" Bính vừa lùi lại vừa giải thích khi Đinh Ba hầm hầm tiến về phía mình.

"Nếu không được thầy Tôn Tùng ký lên bức tranh của bản thân thì còn gì là ý nghĩa nữa!" Đinh Ba gần như là hét lên và đuổi theo Bính vào nhà.

"Cha ơi, cứu!" Bính lao đến nấp phía sau người cha bệnh tật của mình.

"Chị đền lại bức tranh cho em!"

Hai chị em cứ thế đuổi nhau vòng vòng xung quanh ông Phó. Ông vẫn ngồi chậm rãi, khó nhọc ăn cháo trong khi phát ra những tiếng ồ ồ trầm thấp.

Đinh Ba từ nhỏ đã thể hiện sự thông minh và năng khiếu với hội hoạ. Ông bà Phó cũng không vì hoàn cảnh mà ép con bỏ học. Ngược lại là Bính, cô luôn không thể kiên nhẫn mài đít trên ghế nhà trường nghe giảng nên năm ngoái đã quyết định nghỉ học để Đinh Ba tiếp tục đi học. Vì hoàn cảnh mà Bính muốn kiếm tiền hơn là muốn học. Cũng vì vậy mà khi nhìn đống tranh bỏ xó của Đinh Ba, cô đã nghĩ đến việc sẽ đóng khung và đem bán.

Khi cô nói ý tưởng này cho bà Phó và Đinh Ba, hai người không khỏi nghi ngờ. Nhưng dù sao đống tranh đó cũng chỉ là kết quả tập luyện của Đinh Ba, thật sự là không còn tác dụng nào khác. Bính muốn thử đem bán thì cũng chẳng có hại gì.

Ngạc nhiên là việc buôn bán lại khá thuận lợi. Từ đó, Bính cứ mặc định tranh của Đinh Ba là để cho mình kinh doanh. Dù sao công việc của bà Phó cũng không có tính ổn định vì không phải lúc nào cũng có lễ, tiệc lớn cần thuê người nấu cỗ, nên việc bán mấy bức tranh cỏn con của Đinh Ba phụ giúp không ít vào mấy bữa ăn của cả gia đình.

"Đinh Ba, làm gì đấy? Nhanh chân lên, thầy Tôn Tùng sắp đến rồi!" Ngoài cửa vọng vào tiếng bạn của Đinh Ba gọi cậu.

Đinh Ba ấm ức liếc nhìn Bính rồi hằn học lao nhanh ra ngoài.

"Cậu khóc đấy à?"

"Im miệng!"

Từ trong nhà, Bính vẫn nghe loáng thoáng được cuộc hội thoại của hai đứa nhỏ. Cô vuốt vuốt ngực, thở phào nhẹ nhõm.

"Hung dữ thật đấy, cha nói có đúng không?" Bính lại ngồi xuống bên cạnh ông Phó.

Ông Phó đã ăn gần hết bát cháo, ông hừ hừ xem như trả lời cho câu hỏi của Bính.

"Cũng chỉ là một bức tranh thôi mà!" Bính cứng miệng bĩu môi.

Khi cô lau miệng cho ông Phó thì lại bắt gặp ánh mắt của ông. Ông nhìn cô chằm chằm bằng con mắt bên trái như có vẻ không đồng tình.

"Con không có ý đó! Con cũng tự nhận thấy bức tranh kia là bức xuất sắc nhất từ trước tới giờ của Đinh Ba. Con cũng không muốn bán đi như vậy đâu. Có bán cũng phải đóng một cái khung đẹp một chút, đề vài câu thơ văn vẻ một chút rồi bán thì mới được giá."

Ánh mắt ông Phó vẫn tiếp tục nhìn Bính với vẻ không đồng tình.

"Con sẽ tìm người mua tranh để xin mua lại! Nhưng con không hứa trước điều gì đâu đấy!" Cuối cùng Bính vẫn chịu thua ánh mắt của cha mình.

Cô dọn bát cháo xuống rồi lấy nước cho ông uống. Xong xuôi, cô đẩy ông ra trước hiên nhà để hưởng một chút khí trời.

"Con đi ra hàng nước để hỏi về người mua tranh, cha ngồi đây chơi đợi con về, con đi không lâu đâu!" Bính mang thêm chăn đắp lên chân ông Phó rồi dặn dò.

Hoạt động hằng ngày của ông Phó hết sức đơn giản, ông cũng không còn hay đau ốm nhiều như thời gian đầu mới ngã bệnh nữa nên người nhà vẫn có thể để ông trông nhà rồi đi bận việc của mình. Tất nhiên là chỉ trong một thời gian ngắn, vì sinh hoạt của ông vẫn cần mọi người hỗ trợ.

Bính khép cửa lại đi ra khỏi nhà. Đây là gian nhà nhỏ bỏ trống không ai ở của bên phía nhà ngoại bà Phó. Nhà đã rất cũ kỹ, cũng không to nhưng đủ ba phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh tách riêng. Sau khi bán căn nhà lớn của gia đình hai năm trước, bà Phó đã đánh liều về nhờ vả bên ngoại. May mắn là họ có căn nhà này không dùng đến nên gia đình bốn người mới không phải chịu cảnh đầu đường xó chợ.

Đinh Ba cùng bà Phó luôn có sự so sánh căn nhà hiện tại với căn nhà rộng lớn trước kia. Đối với họ, sự chênh lệch quá lớn này khiến họ không khỏi hoài niệm. Riêng Bính thì khác, cô chẳng những không thấy khó chịu mà ngược lại, cô còn cảm thấy đây mới đúng là nhà mình. Cô không còn ký ức ngày xưa có lẽ lại là một điều may mắn trong trường hợp này.

Ngôi nhà của gia đình cô nằm trong một con hẻm nhỏ nhưng lại không hề cách xa đường lớn. Trong xóm hẻm đa phần là dân lao động phổ thông. Vì có khá nhiều trẻ con nên đường xá dù xập xệ nhưng lại được quét dọn khá cẩn thận, xe cộ cũng gần như không lưu thông qua hẻm này. Đi vài bước là thấy một đám trẻ con tíu tít chơi đùa. Nhà nào nhà nấy đều rôm rả vì sắp đến giờ cơm chiều. Những hộ gia đình buôn bán thì còn bận rộn hơn vì phải chuẩn bị cho cả chợ đêm. Thỉnh thoảng hẻm nhỏ lại vọng lên tiếng la hét í ới gọi trẻ con của mấy bà mẹ. Khung cảnh vừa hỗn loạn vừa bình dị.

Qua một khúc cua là ra đến đường lớn, Bính chầm chậm lách qua dòng xe đến một con hẻm khác ở phía cuối đường. Nơi này rất gần với khu chợ đêm. Đầu hẻm là một căn nhà hai tầng nhưng diện tích bề ngang lại rất nhỏ. Trước cửa nhà bày một sạp bán trà bánh đơn giản. Bà cụ chủ hàng nước nhìn thấy Bính liền cười tươi chào hỏi.

"Bính ra treo thêm tranh hả con?"

"Dạ không, con ra hỏi bà ít việc thôi!" Bính vào bên trong rồi thuận tay lau dọn bàn ghế như việc hiển nhiên.

Hàng nước của hai vợ chồng ông bà lão này chỉ gồm một quầy trà bánh đơn giản kèm theo ít bàn ghế tre nho nhỏ trước cửa nhà. Bính trông thấy khung cửa sổ nhuốm màu năm tháng của ngôi nhà có chút ý tứ, lại thêm vị trí gần quảng trường và chợ đêm đông đúc nên ngỏ ý muốn treo lên ít tranh để bán. Ông bà lão thấy Bính lanh lợi, ngoan ngoãn, bản thân tiệm nước cũng chẳng mất gì lại còn có tranh treo tường xem như là trang trí nên vui vẻ đồng ý.

"Bà có nhớ người mua bức tranh dòng sông phủ tuyết hai hôm trước không?"

Bức tranh đó được bán khi Bính không có mặt ở tiệm. Theo lời kể thì bà đã bán bức tranh cho một thương nhân tàn tật nào đó.

"Bà nhớ! Hai hôm nay chỉ có một mình vị khách đó mua tranh thôi nên bà nhớ rõ lắm. Người ấy ăn mặc hết sức sang trọng nhưng chân trái lại hỏng nên phải chống nạng. Bà đã nói với ông nhà rằng thật là đáng tiếc cho một thanh niên sáng sủa, đạo mạo."

"Bà có biết được người đó hiện đang ở đâu không?" Nếu ông ta là thương nhân đến đây theo đường thuỷ thì chắc vẫn còn ở đây vì hai ngày này không có tàu hàng nào xuất bến cả. Nhưng nếu ông ta đi đường bộ thì...

"Chuyện này thì bà không biết. Mà có chuyện gì vậy con?" Bà cụ quan tâm hỏi.

"Dạ không có gì đâu! Nếu bà có biết thông tin gì về người đó thì báo cho con biết với nhé."

Bính cũng đoán được trường hợp này có thể xảy ra nên không quá thất vọng. Cô bé chào bà cụ rồi quyết định trở về nhà với cha mình.

Bính về đến nơi liền phát cửa nhà đang rộng mở. Cô thắc mắc không biết liệu mẹ hay Đinh Ba đã về. Trong nhà, ông Phó vẫn ngồi ở vị trí cũ, chỉ khác là bên cạnh ông đã xuất hiện thêm một chị gái xinh đẹp.

"Xin hỏi, chị là ai vậy?"

"Vậy hoá ra lời đồn về việc em quên mất mọi thứ là sự thật!"

Cô gái không trả lời câu hỏi của Bính mà lại tự trả lời cho nghi vấn của bản thân. Cô đứng dậy bước đến gần Bính. Dáng người cô khá cao nhưng cũng rất đầy đặn nên nhìn lại có vẻ mũm mĩm, da dẻ không trắng bằng Đinh Ba nhưng lại trắng hơn Bính. Nét mặt ít nhiều có nét hao hao bà Phó. Bính gần như đã xác định được người trước mặt là ai. Nhưng cô bé vẫn im lặng đợi người kia tự lên tiếng giới thiệu.

"Đến chị gái mình mà còn không nhận ra thì bệnh cũng khá nặng đấy, nhóc con!" Mậu vừa nói vừa lấy tay vò rối đầu tóc của Bính.

Bính không biết phải đáp lại thế nào, cô chỉ nhẹ nhàng chỉnh lại mái tóc rối xù của mình. Cô luôn có cảm giác rất phức tạp về những người và sự việc trước khi cô bị mất trí nhớ. Mậu được gả đi ngay sau khi ông Phó đổ bệnh không lâu. Khi đó, gia đình Phó điền vẫn chưa nhận ra sự nghiêm trọng của tình huống. Họ cứ nghĩ rằng cố gắng là sẽ cứu được ông Phó khoẻ mạnh trở lại. Tiền bạc đối với họ lúc đó cũng chưa phải là vấn đề. Chồng của chị cả Mậu là một nghệ nhân làm vườn thật thà, chân chất. Họ đến với nhau hoàn toàn xuất phát từ tình cảm. Cha mẹ Phó cũng không vì gia thế hai nhà khác biệt mà cấm cản. Từ sau khi gả đi, Mậu có viết thư và gửi thuốc về cho ông Phó vài lần. Đó là tất cả những gì Bính biết về người chị gái của mình.

"Mẹ với nhóc Đinh đâu?" Nhìn quanh căn nhà một hồi, Mậu lại ngồi xuống ghế kế bên ông Phó.

"Mẹ đi làm ở phố trên, còn Đinh đang ở trường học!"

"... Này, căn bệnh của em có cách nào chữa khỏi được không? Hiện tại chị với em cứ như hai người xa lạ ấy. Thật khó chịu!" Mậu nhìn em gái cẩn thận, dè dặt trước mặt mình liền không nhịn được nói.

Bính không trả lời nhưng ông Phó lại phát ra tiếng hừ hừ rõ to. Hai chị em quay sang nhìn cha mình rồi không ai bảo ai mà cùng tiến về phía ông.

"Trời cũng gần tối rồi, chị đẩy cha vào nhà giúp em nhé! Em vào bếp lấy nước cho hai người." Bính chỉnh lại chăn cho cha mình rồi nói với Mậu.

Khi Bính mang hai ly nước từ phòng bếp vào phòng khách, Mậu đang cố gắng giao tiếp với ông Phó nhưng không thành công. Về phần cha, Bính biết rằng ông ấy không hề thấy phiền mà thậm chí còn đang rất vui vẻ trước sự quấy phá của chị cô.

"Sức khoẻ cha dạo này vẫn ổn chứ?" Thấy Bính bước vào, Mậu quay sang hỏi cô.

"Cha ít bị đau nhức và ốm vặt hơn trước kia nhiều ạ!"

Bính đưa ly nước đến bên miệng ông Phó, giúp ông uống nước. Miệng ông đóng mở không dễ dàng như người thường nên nước chảy ra ngoài không ít. Mậu thấy vậy toan bật dậy tìm khăn giúp cha mình lau miệng nhưng Bính đã chuẩn bị sẵn khăn lau miệng cho ông Phó. Mọi việc được cô làm gọn gàng, thành thạo như thể xuất phát từ vô thức. Mậu cũng cầm lấy ly nước, uống từng ngụm nhỏ.

Không khí giữa hai chị em rơi vào ngượng ngùng, có cảm tưởng như họ có thể nghe thấy rõ cả tiếng bánh xe đẩy lạo xạo ở trước ngõ. Kiểu tình huống này đáng nên được xếp vào 1 trong 10 hoàn cảnh ai cũng muốn tránh xa. Bính quyết định đánh vỡ sự im lặng khó chịu lẩn quẩn nãy giờ giữa hai người.

"Chị về là có việc gì quan trọng sao?"

"Thế chị không được về thăm cha mẹ à?"

"Tất nhiên là được."

"..."

"..."

"Nhóc nghỉ học rồi hả?"

"Vâng, vừa nghỉ năm trước"

"Nhà không có tiền nên nghỉ?"

"Đi học không tốn nhiều tiền! Là do em không thích học."

"..."

Cuộc hội thoại ngắt quãng giữa hai chị em cứ thế tiếp tục cho đến tận lúc Đinh Ba về. Thằng bé có vẻ vẫn còn giận vụ bức tranh nên hằn học cắm mặt đi thẳng vào nhà không thèm nhìn ai.

"Đinh Ba,..." Bính gọi em trai mình.

"Chị đừng có mà nói chuyện với em!" Đinh Ba vẫn không thèm nhìn lên.

"Nhóc Đinh!" Lần này là Mậu lên tiếng gọi cậu.

"Đã nói là đừng..."

Đang định gắt gỏng thì Đinh Ba nhận ra điều khác lạ. Cậu ngẩng đầu lên. Nhìn thấy Mậu, gương mặt nhăn nhó dần giãn ra rồi sáng bừng lên.

"Chị Cả!" Đinh Ba lao đến để ôm lấy người chị lâu ngày không gặp.

Mậu hơi bất ngờ với phản ứng của Đinh Ba nhưng rồi nhanh chóng vui vẻ cười lớn. Cô dùng một tay che người mình, một tay xòe thẳng về phía trước làm bộ như muốn chặn Đinh Ba lại.

"Lớn tướng thế này rồi mà còn muốn ôm sao?"

"Ơ!" Đinh Ba khựng lại.

"Đùa đấy, thằng nhóc này!" Nói rồi Mậu kéo tay Đinh Ba rồi ôm chầm lấy cậu. Tay cô còn không ngừng đập bôm bốp vào lưng thằng bé. Mậu lớn hơn Bính và Đinh Ba nhiều tuổi, hai đứa lại sinh năm một, bà Phó bận rộn với hai đứa nhóc nên Mậu đã phụ mẹ chăm Đinh Ba từ lúc cậu còn quấn tã. Ngày Mậu lấy chồng, Đinh Ba còn bám chặt chân chị mình khóc lóc, không chịu buông tay.

Nhờ có nó mà không khí trong nhà tươi sáng hơn hẳn. Mậu và Đinh Ba lần lượt quan sát rồi hỏi han nhau mấy vấn đề chẳng đâu vào đâu nhưng nhìn vào ai cũng có thể thấy tình cảm khăng khít giữa họ, dường như chẳng có chút khoảng cách nào dù đã không gặp nhau suốt ba năm.

"Chị về có việc gì vậy? Sao lại không đánh tiếng trước cho mọi người biết?" Đinh Ba phấn khích hỏi

"Chị không được về thăm bố mẹ à?" Mậu tỏ vẻ giận hờn.

"Vâng, vâng, ai mà dám cản chị!" Đinh Ba rất hợp tác mà thể hiện sự chịu thua.

Bính vẫn luôn giữ nét mặt vui vẻ nhìn chị gái và em trai trò chuyện. Cùng một nội dung nhưng hai tình huống lại diễn ra hoàn toàn khác nhau. Cô biết là có gì đó không đúng với bản thân nhưng không đúng ở chỗ nào thì cô không tài nào xác định được.

"Thế, khi nào mẹ mới về?" Mậu hỏi Đinh Ba.

"Cái này thì em không rõ. Khi nào nhà chủ xong tiệc thì mẹ về thôi."

Qua lời kể nãy giờ của Đinh Ba, Mậu phần nào hình dung được hoàn cảnh gia đình hiện tại. Cô cũng biết về công việc của bà Phó.

"Để em đi gọi mẹ! Bà mà biết chị về chắc mừng lắm." Bính đứng lên xung phong đi tìm bà Phó.

Còn chưa đợi mọi người phản ứng, cô đã phóng nhanh ra khỏi phòng khách. Mậu nhìn dáng vẻ như thể đang chạy trốn của em gái mình với ánh mắt thâm trầm.

"Sao hôm nay chị hai lại nhanh nhẹn bất thường thế nhỉ?" Đinh Ba lẩm bẩm thắc mắc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro