Chương 28: Hội thề Đồng cổ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 28: Hội thề Đồng cổ (phần I)

Sáng hôm đó, sáng ngày mùng 4 tháng 4 là buổi sáng của ngày hội lớn mà người dân mong đợi từ lâu. Cánh cửa Cấm thành mở, Hoàng thành cũng mở toang ra để cho đám rước linh đình dần dần hiện lên, hiện lên từ trong cái bóng thâm nghiêm nơi cung đình hoa lệ mà tịch mịch…

Đường cái đã được quét dọn sạch sẽ, hương án được người dân bày biện tinh tươm, không một phiên chợ nào họp ngày hôm nay, dân chúng hai bên đường đều mặc những bộ đồ đẹp nhất của mình, nghiêm trang đứng ngóng chờ thánh giá, vừa thành kính vừa háo hức. Vẻ tươi vui, náo nức hiện lên trên mọi gương mặt dù là nam nữ hay lão ấu…

Tiếng nhạc sáo réo rắt cứ dập dìu từ xa lại gần cùng với tiếng chiêng la gióng lên từng hồi như giục giã, những lá cờ hội phấp phới bay trên nóc những chòi canh càng khiến không gian náo nức tới kì lạ.

Trong bầu không khí nhộn nhịp ấy, nổi bật trên những sắc áo đa phần là nâu đen là một tiểu thư với bộ xiêm y màu cánh sen, thắt lưng hoa lý, xống lụa, hài nhung thêu hoa, tóc bỏ đuôi gà nhìn trông vô cùng duyên dáng, vị tiểu thư ấy vừa có vẻ thanh thoát danh giá của một nhà khá giả những lại có nét gì đó khỏe khoắn, vô tư của những cô gái thôn quê dân dã mà tràn nhựa sống. Nàng tiểu thư đó không ai khác chính là Nguyệt Anh. Bản thân Nguyệt Anh cũng không ngờ khi trang điểm lên chút ít mà mình thay đổi nhiều đến vậy. Đứng giữa dòng người hào hứng, cô dần hồi tưởng lại mọi chuyện:

Sáng sớm tinh mơ hôm nay, không hiểu sao Quốc Tảng đã lôi cô đến tiệm thợ may lần trước rồi ném cô vào đó không thương tiếc với cái nháy mắt ra hiệu chẳng hiểu gì dành cho Tiểu Vân. Tiểu Vân khẽ khúc khích cười rồi kéo cô vào trong phòng của mình để rồi…….

Nguyệt Anh không hiểu. Cô nghĩ có lẽ trang điểm là một sở thích của người con gái này. Tiểu Vân tỏ vẻ rất hứng thú khi nhận lời Quốc Tảng là hãy sắm sửa cho Nguyệt Anh sao cho khá hơn một tí. Có vẻ như trong mắt anh, cô chẳng bao giờ thoát khỏi được hai chữ “người rừng”.

Sau một hồi lựa chọn, Tiểu Vân lấy ra bộ xiêm áo màu phấn hồng này… Cô nói:

_ Bộ áo này là bộ xiêm áo cha em may cho em vào dịp năm mới đấy… nhưng mà em không có thích màu này… Em nghĩ chắc là cô sẽ hợp với nó hơn em đấy.

Nguyệt Anh cười hì nói:

_ Ăn nói sao khách sáo quá vậy, Tiểu Vân? Cô cũng thấy rồi đó tôi chỉ là một a hoàn thôi mà…

_ Dù sao thì cô cũng là khách hàng của nhà em cơ mà… – Tiểu Vân nói  – Nếu xưng hô lịch sự thì cũng chẳng sao đâu…

_ Tôi hình như chưa hỏi: Tiểu Vân bao tuổi thì phải? – Nguyệt Anh sực nhớ ra điều gì đó…

_ Ai cha, để tâm làm gì chứ! – Cô bé thở dài  – Chắc là 16 hay 17 gì đấy… Có lẽ thế… Chẳng ai ở đây nhớ được nổi ngày sinh của mình cả… Năm sinh… đến cha em còn quên mất rồi. Đành phải nhìn mặt mà đoán tuổi thôi.

_ Sao lại vậy được? – Nguyệt Anh ngạc nhiên  – Ngày tháng năm sinh… mà không được biết sao?

_ Chỉ có những nhà khá giả có học… thì mới nhớ ngày tháng năm sinh thôi… chứ dân thường thì nhớ làm gì… – Tiểu Vân chép miệng  – Đặng bận tìm cách nuôi đủ miệng ăn cũng khó rồi.

_ Tôi thấy nhà Tiểu Vân cũng khá lắm mà…

_ Chỉ là nhà thôi. – Tiểu Vân bật cười  – Còn phải nuôi thêm thợ nữa. May mà em từ nhỏ đã học nghề nên cha chỉ mướn thêm 1 người làm thôi. Nhưng cha em già rồi, chưa biết chừng sang năm phải mướn thêm người nữa… may ra mới trụ nổi… Tiền công mỗi tháng đã là 4 đồng, chưa kể còn tiền ăn, tiền ở… Cũng tốn tiêu nhiều thứ lắm… – Ánh mắt cô gái chợt chùng xuống trước bao lo toan của cuộc sống.

Nguyệt Anh nhìn Tiểu Vân mà cảm thấy bồi hồi. Chắc chắn Tiểu Vân nhỏ tuổi hơn cô, ấy vậy mà lại nhiều lo toan đến vậy. Ngày trước khi còn 15, 16 tuổi, cô không biết gì hơn ngoài ăn và học… việc nhà cũng có đá qua đá lại những lúc rỗi rãi thế nhưng tính toán tiền nong, rồi tiền điện, tiền nước trong nhà… chẳng bao giờ cô bận tâm hay chú ý. Đến năm nay, khi chuẩn bị thi đại học, cô mới có cái gì đó gọi là lo lo trong bản thân mình… nhưng vẫn chỉ là lo lắng cho cá nhân mà thôi. Chưa bao giờ cô là một người con gái đảm đang theo đúng nghĩa, càng không phải một con người chu toàn trong mọi việc. Ấy vậy mà tại sao định mệnh lại khiến cô rơi vào trường hợp này? Cô từng cảm thấy vô cùng bế tắc để rồi vì người thân, vì bạn bè… vì những điều gì đó đã vượt ngoài vì bản thân mà đứng lên, mà tìm cách chiến đấu, tìm cách chống trả lại những kẻ rắp tâm phá hoại sự yên bình mà cô đang có…

Nguyệt Anh tiến lại gần Tiểu Vân hơn, nắm lấy bờ vai nhỏ và nói:

_ Đừng quá lo lắng thế! Rồi tất cả sẽ ổn mà, đúng không?

Tiểu Vân ngước mắt nhìn cô, đôi mắt như ánh lên một nụ cười vui vẻ… Nguyệt Anh chợt thấy lạnh người… cô bỗng nhiên nhớ ra… chỉ hai năm nữa thôi, chiến tranh sẽ nổ ra… mặt đất nhuốm đầy máu… liệu trong từng giọt máu thấm vào đất Mẹ có máu của người con gái ngây thơ đang đứng trước mặt cô hay không?

_ Ai cha… – Tiểu Vân tự lấy tay đập vào đầu một cái  – Chúng ta đang làm cái gì thế này… Nếu không nhanh thì sẽ muộn hội mất… Chưa năm nào em bỏ lỡ đám rước đâu nhé!! Năm nay chắc to hơn mấy năm trước đấy… Em nghe nói đức ông Hưng Đạo sẽ là chủ tế mà… Phải nhanh thay đồ và trang điểm cho cô mới được…

Và nói là làm, Tiểu Vân xoay Nguyệt Anh như chong chóng để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao nhanh nhất có thể…

……………………………………………..

Khẽ thở dài quay về với thực tại, Nguyệt Anh quay sang nhìn Tiểu Vân đang vươn cao mình hơn để nhìn con đường gạch rộng rãi , trống trải như chờ đón một điều gì tôn nghiêm sắp đến…

………………………………………………

Quốc Tảng sau khi trao Nguyệt Anh cho Tiểu Vân xong thì vội vã cưỡi lên Hắc Long Câu và phi thẳng về phía Hoàng Cung… tuy nhiên đến trước cửa Đoan Môn thì bất kể vương công quý tộc hay hoàng thân quốc thích đều phải xuống ngựa hoặc xuống kiệu, đi bộ vào trong…

Quốc Tảng biết là mình đã muộn, anh vội vã xuống ngựa, và bước từng sải chân dài hết cỡ trên con đường lát đá xanh mướt lấp lánh…

_ Đức ông, người đến muộn quá!!! – Có hai bóng người cầm sẵn lễ phục bước tới như chờ sẵn.

_ Hai người lên khi nào vậy? Sao không nói cho ta biết. – Cầm nhanh bộ lễ phục áo tía tước Vương, Quốc Tảng khẽ cằn nhằn hai kẻ bên cạnh.

_ Chúng nô tài có việc mà Quốc Công giao cho nên không dám lộ diện trước đó. Thôi, Đức Ông mau đi thay đồ đi. Các vương gia và thượng vị hầu khác đều đã sắp hàng xong xuôi rồi. Đức Ông Hưng Võ giận lắm nhưng vẫn cố giấu Quốc Công việc này hộ ngài đấy…

_ Được rồi… ta biết rồi… mấy người cũng về hàng ngũ đi… – Quốc Tảng gật đầu ra hiệu cho hai người đó lui còn bản thân thì mặc vội vàng mặc chồng chiếc áo vóc tía dệt hoa chìm tinh khôi, chân thay dép cỏ bằng giày chiến, bỏ chiếc khăn lương nâu sờn cũ kĩ thay bằng khăn đóng tía có thêu kim tuyến lấp lánh hình giao long tranh đấu. Giờ đây Quốc Tảng đã từ bỏ bộ dạng lãng tử mà thay thế vào đó là hình hài của một Đức Ông oai nghiêm, dũng mãnh nhưng không kém phần phong nhã, hào hoa. Gương mặt cười cợt, coi trời bằng vung thường ngày đã thay thế bằng khuôn mặt lạnh lùng bình lặng, ánh mắt lim dim buông thả, nụ cười nửa miệng kiêu hãnh khiến cho ai nhìn cũng đều cảm thấy một khí thế uy nghi ngút trời… Không ai nói rằng đó chính là một Trần Quốc Tảng quen ưa phóng khoáng, sống tự do tự tại, không gì ràng buộc, thích chu du thiên hạ, ăn gió uống sương coi như chuyện thường…

Tiếng xì xào của những kẻ khác vang lên khi nhìn thấy Quốc Tảng bước vào phía trong hàng ngũ đang xếp đặt nghiêm chỉnh. Anh chỉ nở một nụ cười nhẹ chứ không nói thêm bất cứ điều gì. Anh thừa biết những điều tiếng không hay về mình đều đã đến tai những kẻ ăn không ngồi rồi này, những kẻ chỉ biết ngồi trên thiên hạ mà chẳng có chút gì về cuộc sống đời thường. Quốc Tảng chán ghét sự ràng buộc này thế nhưng… buồn thay, anh lại đang sống vì những ràng buộc đó.

_ Có vẻ trông huynh không được vui nhỉ, Hưng Nhượng Vương… – Một giọng nói vang lên bên cạnh làm Quốc Tảng giật mình mà rời khỏi những suy nghĩ đang lởn vởn trong đầu óc…

_ Không… Không có gì… Lâu lắm mới gặp Chương Hiến hầu… – Quốc Tảng cố nặn một nụ cười để giấu vẻ không tự nhiên của mình.

_ Người nói câu đó phải là tôi mới đúng chứ!!! – Chương Hiến hầu mỉm cười  – huynh chẳng bao giờ tham gia các buổi đi săn hay các buổi dạ yến cả… Kẻ đồng môn này nhiều khi muốn gặp để cùng huynh đàm đạo mà khó quá!!

Quốc Tảng chỉ cười nhẹ mà không nói gì thêm. Chương Hiến hầu Trần Kiện là con trai của Tĩnh Quốc Vương Trần Quốc Khang, người này cũng có thể coi là bậc túc nhã chốn kinh kì. Tuy chỉ mang chức thượng vị hầu nhưng Trần Kiện được ưu ái mặc áo vóc tía mà chỉ Vương gia mới dùng. Những thượng vị hầu có ưu đãi đặc biệt như vậy được gọi là các Thượng vị hầu áo tía.

Quốc Tảng và Trần Kiện vốn tuổi tác không có mấy hơn kém, xét trong họ mạc lại đứng cùng lứa, là con chú con bác với nhau, hơn thế còn là đồng môn khóa học ở Giảng Võ đường. Trần Kiện tính tình phóng túng, không mấy khi để ý điều tiếng thế gian, lại vô cùng thoải mái thân thiện thế nên trong thời gian ở học tập ở kinh thành, Quốc Tảng thân thiết với con người này nhất.

Ánh nhìn của Trần Kiện lướt qua Quốc Tảng một hồi rồi nói:

_ Quả thực trông huynh cũng không mấy khác xưa… Chắc hẳn trong thời gian qua huynh đã đến thăm thú được nhiều nơi…?

_ Cũng chỉ là sở thích thôi. – Quốc Tảng đáp  – Tôi giống như kẻ thôn dã… không bận bịu như những bậc phong nhã kinh kì… ngoài dạo chơi ra cũng chẳng làm được gì nên hồn cả…

_ Nếu huynh nghĩ tôi bị ảnh hưởng bởi những lời đồn thì… – Trần Kiện mỉm cười  – huynh sai rồi… Chúng ta dù sao cũng đã ở cùng nhau 1 năm ở Giảng Võ đường,… cả Thăng Long này… ngoài tôi ra, còn ai có thể hiểu huynh chứ!!

Quốc Tảng chỉ khẽ cười nhẹ đáp lại lời chia sẻ đó, quả thực Chương Hiến hầu có cái nhìn tinh tế, hiểu triết lý trên đời này tới mức hiếm gặp…

_ Nghe nói gần đây huynh đang có ngâm cứu về Đạo Lão trang… – Quốc Tảng cất tiếng hỏi.

_ Cũng chỉ mới là nhập môn mà thôi… – Trần Kiện khiềm nhường nói  – Vẫn chưa có được nhiều thành tựu…

_ Khi nào có dịp… chắc tôi cũng muốn được thỉnh giáo huynh về điều đó! – Quốc Tảng nói.

_ Nếu được vậy thì còn gì vinh hạnh hơn… – Trần Kiện cười đáp lễ và nói.

Chợt tiếng kèn hiệu vang lên hồi dài như tiếng thông báo, các vương hầu quý tộc vội vã chỉn chu lại tư thế trang phục, nghiêm trang nhìn thẳng phía trước…

Hai đô lính Long Dực và Hổ Dực giương cao giáo sau tiếng kèn hiệu, bước từng bước dũng mãnh tiến về phía trước theo lệnh của … theo sau là đội quân cầm cờ, phướn, võng lọng… tiếp đến là đội lễ nhạc ăn mặc quần áo rực rỡ đang cất lên những tiếng nhạc thái thường trang nghiêm…

Kiệu của Đương kim hoàng đế Trần Nhân Tông được rước trước, ngay sau là kiệu của Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông… hai chiếc kiệu chạm trổ tinh xảo đều để phủ che lọng vàng thêu rồng và có cả rèm mỏng phía trước để che lấy long nhan… Tuy nhiên ngày hôm nay, hai chiếc rèm đều được kéo lên… vì đây là dịp lớn để người dân được chiêm ngưỡng mặt rồng cũng như là cơ hội để hai vị vua nhìn thấy rõ hơn đời sống người dân nơi kinh kì đô hội…

Phía sau hai chiếc kiệu lớn ấy, Hưng Đạo Vương dẫn đầu đoàn văn võ bá quan cũng như hoàng thân quốc thích chỉnh tề từng bước theo sau. Hai tấm biển Đông Xướng và Tây Xướng đi dẫn đầu hai đoàn văn võ… Người cầm biển Đông Xướng năm nay là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn còn người kia là Tá Thiên Vương Trần Đức Việp… Họ cũng chính là những người trưởng chi Vạn Kiếp và chi Tức Mạc sau này. Đôi mắt hai con người không ngừng liếc nhìn nhau như thăm dò kín đáo. Tuy trước đây giữa hai người chưa từng có va chạm hay xích mích gì thế nhưng trong lòng Đức Việp vẫn có chút lo lắng về chuyện Thiên Thụy công chúa – hoàng tỷ của mình đã từng có lỗi với Hưng Vũ Vương, thế nhưng cho đến nay người đó vẫn tỏ ra bình thường, không thấy bất cứ điều gì bất mãn, trách cứ … Đó là do người đó thực sự độ lượng… hay là âm thầm chống lại, có ý tranh đoạt mà giả vờ vô tâm?

Còn Quốc Nghiễn thì vốn trong lòng từ trước tới nay vẫn luôn theo con đường của phụ vương, một lòng muốn xóa bỏ khoảng cách giữa hai chi trưởng thứ họ Trần nhưng… ngặt nỗi những vụ việc như trận đòn năm Mão, những gia nô của Vạn Kiếp đến Thăng Long bị đánh cho nhừ tử hay vụ cạo đầu năm Ngọ, những gia nô của các đức ông Tức Mạc đi viếng Yên Tử bị tập kích, rồi bị cạo đầu bôi vôi – là hình phạt dành cho đám phụ nữ lẳng lơ, thất tiết… càng khiến anh chìm trong bối rối không biết phải làm sao để mọi chuyện trở nên êm thấm.

Tiếng chiêng trống nổi lên rộn rã như hồi báo hiệu thứ hai… Một viên Nội giám đứng trên vòm cổng hoa cầm chiếc loa bầu bằng đồng hét lên:

_ Thánh giá xuất cungggg….!!!

Cánh cửa Cấm thành mở toang, đội lính Thánh Dực theo hai cửa nách tiến ra trước hộ giá, đồ nghi trượng được khênh lên nghiêm trang rồi kiệu của hai vua tiến trên đường Thần đạo, qua đại môn tiến ra ngoài khu vực Hoàng thành rồi khu vực Kinh thành… Hai cửa tả hữu hai bên là đường Linh đạo dành cho các vương thân và quan lại… Các Đức ông đĩnh đạc đi bộ ra từ hai cửa nhỏ đó, theo sau là các dũng thủ được kén chọn trong các vệ thân quân. Xa xa phía sau mới tiếp đến các quan viên văn võ mặc áo gấm, tay cầm hốt ngà, ung dung từng bước một…

………………………………………………………………….

Tiếng nhạc sáo cứ dần dần ùa tới, phủ lên cái trống trải của con đường đại lộ rộng rãi trống trải vốn thường ngày tập nập những phiên chợ… Tiếng nhạc vươn tới đâu là đoàn người hai bên chỗ đấy lại như ào lên reo hò phấn khởi chờ đợi…

Nguyệt Anh cũng cố rướn cao người hơn để ngóng nhìn… Cô thầm thắc mắc lễ rước sẽ tổ chức ra sao, dung mạo của Trân Nhân Tông và Trần Thánh Tông sẽ như thế nào, rồi còn các quan lại, quý tộc, họ sẽ trông ra sao….? Tất cả những điều đó cô đều chưa biết, không một quyển sách nào cô từng đọc nói về điều đó… Sự tò mò và khát khao hiểu biết khiến cho Nguyệt Anh náo nức hơn những người dân ở đây cả bội phần… Không còn kìm lòng được nữa, Nguyệt Anh cứ dần lách lên, lách lên phía trên mà không còn để tâm tiếng gọi của Tiểu Vân đang bị kẹt lại phía sau trong hàng người đông đúc…

…………………………………………………………….

Điều mong chờ cuối cùng cũng đã tới, xa giá của hai vua dần xuất hiện từ phía xa xa, hình ảnh hai đô lính cấm quân đặc biệt tinh nhuệ dẫn đầu bởi một vị tướng quân – người mà Nguyệt Anh đoán chắc giữ chức Phụng Ngự Điện Tiền – oai nghiêm, mắt sáng quắc, hàm râu quai nón đen nhánh làm nổi bật gương mặt sắc cạnh, thêm vào đó là áo chiến bằng vóc đại hồng nổi bật như màu máu trông lẫm liệt hệt như thần tướng nhà trời vậy.

Nguyệt Anh xuýt xoa khi nhìn thấy hàng lính đó đi qua trước mặt. Lính Long Dực và Hổ Dực là 2 đô lính được huấn luyện đặc biệt… ai nấy cũng đều dũng mãnh thiện chiến hơn người. Gương mặt những người lính đều lạnh lùng oai vệ, những bước chân của họ hùng dũng mà đều đặn, các ngọn giáo giương cao như thách thức cả trời xanh vậy.

Nguyệt Anh thấy da mặt tê rân rân. Có điều gì đó hào hùng và háo hức như tràn lên trong từng mạch máu, cô có thể cảm nhận được niềm tự hào đang bao trùm cả người cô… tự hào là một người dân Đất Việt, tự hào vì những người anh hùng dũng mãnh luôn ngời ngời chí khí sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc… Tai Nguyệt Anh cảm thấy ù ù đi bởi nhịp tim đập ngày càng rộn rã và cô có thể cảm nhận không chỉ riêng mình, mà tất cả những người dân đều vậy, họ đều lặng người đi ngắm nhìn hình ảnh trước mặt… Đó đâu khác gì cảnh rước thần tiên, có những ông lão mà cô nghe lỏm nói chuyện từ khi tóc bỏ chỏm tới giờ chưa lần nào bỏ ngày rước này ấy vậy mà mỗi lần ngắm đội rước là y như rằng cảm xúc run run xúc động đều tràn trề trong huyết quản, không năm nào là giảm đi niềm sục sôi đó mà chỉ có thấy niềm tự hào ngày càng vang dội hơn trong lồng ngực mà thôi.

……………………………………………………………..

Cuối cùng, xa giá của hai vua cũng xuất hiện trước mặt người dân. Dân chúng hai bên đường cảm động, đồng loạt quỳ sụp xuống cúi lạy, đồng thanh hô to:

_ Quan gia muôn tuổi!!! Thượng Hoàng muôn tuổi!!!! Quan gia muôn tuổi!!! Thượng Hoàng muôn tuổi!!!

Nguyệt Anh cũng vội vã quỳ xuống khi hai chiếc kiệu vàng gần đi sắp tới… Cô khẽ liếc mắt nhìn lên vì thói tò mò không sao sửa được… Chiếc kiệu đó sao mà đẹp quá, đã chạm khắc tinh xảo lại được dát vàng bạc lấp lánh, hai chiếc rèm lụa ở chung quanh tứ phía tuy đã buộc gọn nhưng vẫn phấp phới phần đuôi theo gió đủ biết chúng nhẹ và mềm đến mức độ nào… Gương mặt trẻ của vua Nhân Tông thấp thoáng hiện lên tuy không thấy rõ nhưng phần nào cũng khiến Nguyệt Anh cảm nhận được sự nhân hậu, anh minh nhưng cũng quyết đoán của con người này.

Kiệu của Thượng hoàng Thánh Tông cũng dần đi ngang qua mặt Nguyệt Anh. Cô hơi ngạc nhiên vì thấy Thượng hoàng trông hẵng còn rất phong độ và phương phi. Rồi Nguyệt Anh chợt nhớ rằng, các Thượng hoàng thời Trần thường nhường ngôi khi vẫn còn trong độ tuổi chín chắn, sung mãn của cuộc đời… thêm vào đó là tập tục tảo hôn nên nếu Thượng Hoàng và Quan gia trông chẳng mấy xa cách tuổi tác cũng là điều dễ hiểu.

Khác với sự nghiêm trang Nhân Tông, Thượng hoàng thậm chí đã sai người cột chặt lại những tấm rèm che để chúng không làm vướng tầm mắt, đồng thời người cũng quay nhìn bá tính kĩ lưỡng. Thượng hoàng Thánh Tông hiền từ nhìn những con dân của mình một cách trìu mến. Gương mặt người trông thật nhân từ, trung hậu, giản dị và gần gũi. Nguyệt Anh cảm thấy Thánh Tông mang đến cảm giác ấm áp như một người cha luôn rộng rãi với những đứa con của mình vậy…

Tiếp theo kiệu của hai vua là đoàn người của Vương tộc từng bước trang trọng trên con đường lớn…

Tiếng dân chúng đột nhiên lại xì xào lên…

_ Là Hưng Đạo Vương làm chủ tế các ông ạ…

_ Vậy mà tôi cứ nghĩ là Chiêu Minh Vương chứ!!! Té ra tin đồn là thật à…?

_ Lần này các quý tộc ở Vạn Kiếp đều lên kinh thành hết… Triều đình rốt cuộc có ý gì nhỉ ??

_ Liệu có phải bắt chước kế của Trung Vũ Vương * ngày trước ???

_ Ông nói nghe ghê quá !!!

_ Này này… có thấy Đức Ông Hưng Vũ và Đức Ông Tá Thiên cứ thỉnh thoảng liếc nhau không ?

_ Liếc cái gì mà liếc… họ đang lườm nhau thì có…

… Những lời xì xào bàn tán khiến Nguyệt Anh cảm thấy thắt lại khó chịu, sao họ lại như vậy chứ ? Chẳng nhẽ… mâu thuẫn giữa hai chi họ lại khiến người dân cảm thấy bất an thế sao ? Tại sao…. tại sao chứ ???

Dường như lúc này đây, Nguyệt Anh hiểu vì sao Quốc Tảng lại luôn muốn trốn tránh, luôn muốn tìm kiếm tự do từ bên ngoài… Trong chốn thâm cung kín cổng cao tường kia là bao âm mưu đen tối còn nơi dân dã thì lúc nào cũng chỉ nhìn mặt đoán lòng… Với họ, họ chỉ nhìn thấy mặt lấp lánh của chỗ cao sang kia, chỉ nghĩ rằng đó là viên ngọc trai không tì vết mà chẳng hề biết đến nỗi lòng của những con người đang ở nơi thâm kín đó.

Nguyệt Anh hơi rướn cao người để tìm kiếm bóng hình quen thuộc. Hôm nay, Hưng Đạo Vương mặc áo bào màu đỏ trông oai nghiêm khôn cùng, theo sau là các vương hầu áo tía đều cao sang, lịch lãm, không ai kém ai cả…

« Quốc Tảng đang ở đâu chứ ? » – Nguyệt Anh thầm thắc mắc. Cô không thể nhận ra được « thiếu gia ăn mày » của cô trong đoàn người sang trọng trước mặt. Họ ai cũng giống ai, gương mặt lạnh lùng, nghiêm trang, có đôi nét tự hào và tự phụ… Họ thực sự là một tầng lớp khác hẳn… một giai cấp khác hẳn những người dân lam lũ và thấp kém đang đứng ở đây. Bất đồ Nguyệt Anh cảm thấy sợ… cô đột nhiên sợ hãi khi nghĩ gương mặt của Quốc Tảng cũng sẽ giống như vậy… sẽ lạnh nhạt như thế… sẽ không còn nụ cười thoải mái có chút đùa cợt nhưng tự nhiên và gần gũi… Nghĩ đến vậy, Nguyệt Anh cúi vội đầu xuống mà không dám ngẩng lên nữa…

…………………………………………..

Quốc Tảng nhìn chung quanh hai bên hàng người đông đúc. Quả là ngày hội có khác, mọi thứ trông đều trở nên tinh tươm và quang đãng hơn hẳn… Anh cố tìm hình bóng quen thuộc nhưng không thể thấy.Tìm một cô gái giữa dòng người chật kín… quả là mò kim đáy biển. Khẽ thở dài, đột nhiên Quốc Tảng cảm thấy may mắn. Anh mong Nguyệt Anh đừng nhìn thấy mình, đừng nhìn thấy mình trong bộ dạng này bởi vì với anh, trong bộ đồ áo vóc nặng nề này … anh… đã không còn là anh nữa.

Nghĩ vậy, Quốc Tảng lại quay mặt về phía trước nghiêm nghị và tiếp tục bước đi mà không tỏ ra luyến tiếc điều gì nữa.

Chú thích:

Trung Vũ Vương: đây là phong hiệu của Trần Thủ Độ. Câu nói này ý ám chỉ việc đồn đại rằng Trần Thủ Độ lừa các vương thất nhà Lý, làm hầm, đặt cơ quan và chôn sống họ.

Chương 28: Hội thề Đồng cổ (phần II)

Đôi chân cứ tự bước đi, Nguyệt Anh lách qua từng người mà đôi mắt vẫn cứ dán vào đội nghi trượng đang uy nghi bước từng bước trang nghiêm trên đại lộ. Cô cứ thế đến dần với ngôi đền Đồng Cổ linh thiêng sừng sững.

Nguyệt Anh ngước mắt nhìn ngôi đền với sự ngạc nhiên thảng thốt. Vậy ra… đền Đồng Cổ vào thời kì hoàng kim của mình to đẹp đến vậy sao ? Tuy không hùng vĩ và sững sững như những ngôi chùa hay miếu mạo của Trung Quốc nhưng vẻ linh thiêng toát lên từ những đường nét kiến trúc giản dị, thanh thoát nhưng lại tinh tế và trang trọng.

Ngôi đền không hẳn cổ kính rêu phong như cô từng nhìn thấy, đường vào cũng thênh thang chứ chẳng phải chỉ là một con ngõ nằm trên đường Thụy Khuê ngày nay. Cũng phải thôi, đền Đồng Cổ dựng từ thời vua Lý Thái Tổ, lại từ thời Lý Thái Tông năm nào cũng tổ chức đại lễ uống máu ăn thề của triều thần tôn thất, không lúc nào là đền không được tu bổ, sửa sang, quét dọn…. hai năm một lần đảo ngói, quét vôi, năm năm một lần tổng kiểm tra và tu sửa những chỗ bị hỏng, những xà ngang hay các con rường đều được đảm bảo vững chãi và chồng khít…

Nghinh môn lộng lẫy trang trọng mở rộng cả 3 cánh cổng đón chào đoàn người tế lễ. Kiệu vàng của hai vua dừng lại trước cửa đền chừng 3 thước, Thượng hoàng Thánh Tông và Nhân Tông hoàng đế bước xuống kiệu và khẽ đảo mắt nhìn qua ngôi đền gật đầu hài lòng, tên quan coi đền đã cho người quét dọn và trang hoàng rất sạch sẽ và nghiêm trang.

Lính hầu vội vã khiêng kiệu tránh khỏi đường, đồng thời những lính khiêng nghi trượng cũng dàn sang hai bên tránh đường cho các tôn thất và quan đại thần. Hai vua nghiêng người mời Hưng Đạo Vương bước lên đứng trước. Hôm nay, chủ tế là Đức Ông Hưng Đạo, thế nên người dẫn đầu đoàn văn võ bước vào đền không ai khác chính là ngài.

Hưng Đạo Vương lúc đi qua Thượng hoàng và quan gia thì cung kính cúi người thi lễ, hai vua cũng hơi gật nhẹ đầu như biểu thị sự miễn lễ của mình đối với vị chủ tế đáng kính ngày hôm nay.

Trang nghiêm và oai vệ dẫn đầu các quan văn võ vào đền, Hưng Đạo Vương toát lên khí thế như một vị thần tướng. Từ xa, Nguyệt Anh cố rướn người lên cao chỉ đủ để nhìn thấy một chút xíu, cô cũng có thể cảm thấy luồng khí áp đảo đó của vị Quốc Công hùng dũng. Hơi thở dài thoát ra từ đôi môi đang nở nụ cười : « Quả đúng là Hưng Đạo Vương… uy thế thật hơn người, khiến ai cũng phải kính phục » – Nguyệt Anh nhìn vị lão tướng mà thầm thấy tự tin hơn cho cuộc chiến của mình.

Các vương hầu và quan lại bước hết vào trong đền cũng là lúc cánh cổng đền đóng lại, lính tứ sương được lệnh giữ chặt cửa lớn còn đội lính canh thì đang vất vả dẹp đám dân kinh thành đang kéo đến mỗi lúc một đông.

Nguyệt Anh nhìn cánh cửa lớn đóng dần trước mặt mà gương mặt không dấu nổi sự thất vọng, giá cô có thể tận mắt nhìn thấy bên trong tiến hành tế lễ thế nào thì tốt quá… nhưng được nhìn thấy đám rước thôi với cô thể cũng đã là quá tốt rồi.

………………………………………………………….

Bên trong đền có khuôn viên khá rộng, thế nhưng so với số người quá lớn như vậy thì dù rộng mấy cũng sao chứa hết nổi. Chỉ có những vương hầu áo tía và nữ quan là được theo chân chủ tế và hai vua vào chính điện, còn lại thì đứng ngoài sân vườn nhưng vẫn nghiêm trang xếp hàng đúng thứ bậc.

Hưng Đạo Vương chậm rãi trang trọng bước vào chiếu chủ tế trải trước án thờ. Ông xướng to :

_ Ban bàiiiiiii !!!!

Đó là hiệu lệnh cho mọi người đứng vào chỗ của mình chờ làm lễ. Bầu không khí đột nhiên trang trọng đến nặng nề, Quốc Tảng nheo mày và thấy dường như tức thở, đôi vai như đột nhiên đeo lên cả chục cân đá. Anh liếc mắt nhìn thái độ của mọi người xung quanh thì thấy có vẻ anh không phải người duy nhất. Khẽ cười nhẹ, Quốc Tảng tự ghẹo mình đây không phải lần đầu tiên tham dự buổi tế lễ này, thế mà vẫn sợ hãi không khác gì trẻ con đứng trước tượng ông Phật vậy. Thế nhưng là để tự ghẹo thế thôi, chứ trong thâm tâm, Quốc Tảng dành mọi sự tôn kính nhất đối với hội thề này. Một hội thề chứng minh lòng trung thành của anh đối với quốc gia dân tộc, với dòng họ và với hai vị minh quân mà anh luôn kính trọng.

_ Quỵ !!!!

Tiếng hô nghiêm như sấm rền của Đông Xướng Hưng Võ Vương vang lên khiến Quốc Tảng giật mình mà vội vã sụp người xuống đồng loạt đó là các vương tôn khác cũng quỳ rạp cung kính.

Trước ban thờ thần Trống, hay gọi là thần Trồng Đồng mới phải, là một cái thống da lươn rất lớn. Những người hầu việc lễ bưng tới mấy vò rượu màu men đồng bóng lộn và đổ đầy vào cái thống đó. Các quan chấp sự sai lính dẫn vào ba con sinh hay gọi là vật tam sinh (con vật dùng tế lễ)gồm một con nghé tơ, một con dê và một con ngựa trắng còn non. Những vật tế này đều được chọn lọc và nuôi tuyển từ trước. Lính chọc tiết ba con sinh cho huyết chảy vào thống rượu.

Một viên hầu cận lấy ba nén hương đã châm sẵn dâng lên đưa Hưng Đạo Vương, hai bên là 4 vị nữ quan, hai người cầm nến, hai người cầm hương đại dâng chờ bên cạnh.

Ba nén hương trang trọng được cắm lên án thờ, mùi trầm thơm huyền bí ngào ngạt tỏa khắp đền khiến sự linh thiêng càng tăng thêm gấp bội. Quan Điển nghi dõng dạc đọc to lời thệ thư, tiếng nói sang sảng đến nỗi Nguyệt Anh ở ngoài cổng cũng nghe rõ được từng chữ một. Cô lẩm nhẩm theo từng chữ của lời tuyên thệ :

« Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, xin thần minh giết chết »

Tiếng hô « xin thề » từ bên trong đền ào lên đồng thanh như một, tựa sấm rền vang mà bay ra cả ngoài đền, người dân không ai bảo ai cũng đồng thanh thề góp, bản thân Nguyệt Anh cũng không ngoại lệ, một chữ « Xin thề » nhưng khiến cô thấy dạn lòng hơn.

……………………………………..

Rượu máu trong thống được đổ vào các chén, quan chấp sự dâng rượu lên cho Hưng Đạo Vương uống trước tiên, rồi tiếp đến Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải uống chén thứ hai, các vương hầu khác cũng lần lượt nhận rượu của mình. Quốc Tảng khi nhận chén rượu thì nhìn chăm chăm vào màu đỏ máu lẫn hương thượng vị tửu thơm lừng đang đựng trong chiếc chén men lam ấy, vị máu hòa cùng rượu chạm vào đầu môi thực sự hơi khó chịu nhưng anh không quan tâm đến đều đó. Đây là chén rượu thiêng được sự chứng giám của thần Đồng Cổ… một thứ thiêng liêng như vậy sao có thể uống suồng sã như nước lã bình thường được chứ ? Uống chén rượu từ từ, từ từ, thật chậm, mùi hương của mĩ tửu cứ vẩn vương quanh khứu giác khiến Quốc Tảng thấy đỏ mặt, mạch máu như tê rân rân với sự rạo rực, sung mãn như thể một vị tướng sắp ra trận vậy.

Thông tán Tây xướng Trần Đức Việp – Tá Thiên Vương hô to :

_ Cúc cung bái !!!!

Quốc Tảng có thể nhận thấy nếu tiếng xướng của đại ca mình thì nghe như sấm rền hổ gầm thì tiếng hô của Đức Việp lại có phần tao nhã, mạnh mẽ dứt khoát nhưng cũng rất cao sang, sang sảng như tiếng chuông đồng. Có lẽ đó cũng là cách thể hiện phần nào sự khác nhau giữa tính cách của hai con người lớn lên ở hai nơi khác biệt : một nơi sơn cước hùng vĩ, một nơi đô hội hào hoa… Dù sao thì hai con người tương lai đứng đầu dẫn dắt hai chi Vạn Kiếp và Tức Mặc đều có những nét tài năng của riêng mình.

Tất cả cùng lạy xuống, thành tâm kính cẩn với niềm tin tràn trề được sự bảo trợ của thần linh, đất nước sẽ càng thêm vững mạnh hùng cường. Hội thề như vậy là đã xong, Hưng Đạo Vương đứng dậy, sai viên Đại An phủ sứ kinh thành kiểm tên các vương hầu và các quan theo đúng quy tắc, cứ chiểu tên theo sổ, ai vắng mặt thì phạt 5 quan tiền.

Cửa đền lại mở rộng, các vương hầu lũ lượt kéo nhau ra về, họ về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho tiệc rượu tối nay diễn ra theo đúng thông lệ từ thời Trung Vũ Vương Trần Thủ Độ còn sống và do ông đặt ra hàng năm. Một tiệc rượu vui chơi theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là họ tha hồ cư xử thế nào cũng được, không phân biệt trên dưới, lớn bé, già trẻ, gái trai… tất cả mọi thân phận đều là bí ẩn sau chiếc mặt nạ mo nang và tự do suồng sã, tự do hát hò, ngâm thơ thả phú, cợt ghẹo, châm chọc, lả lơi ngả ngốn… Chính vì vậy mà tiệc rượu tối mùng 4 tháng 4 này còn được gọi là tiệc rượu mo nang.

Người dân thấy hội đã tàn cũng lần lượt kéo nhau về hết, chốn điện thờ nhộn nhịp lúc nào giờ lại dần trở về sự im lặng trang nghiêm của nó. Chỉ còn Nguyệt Anh vẫn đang đứng giữa dòng người nhìn ngóng những bộ áo tía bước ra với vẻ bồn chồn.

Quốc Tảng đã ra khỏi đền từ đầu, anh cũng nhìn thấy bóng áo hồng đang ngó nghiêng chờ đợi. Chỉ hơi mỉm cười, Quốc Tảng thầm nghĩ : Nguyệt Anh rất hợp với bộ xiêm áo đó, trông cô lúc đấy chẳng khác gì một tiểu thư danh giá, hay một quận chúa quý tộc cả. Vẻ mặt ngơ ngác kia chắc chắn là đang tìm anh rồi, đúng là ngốc nghếch, cô sao có thể tìm được anh ở giữa dòng người này được chứ ? Anh không muốn để cô nhìn thấy mình trong bộ dạng quyền quý này, Nguyệt Anh sẽ đợi anh thôi… vì vậy, trước tiên cứ đi thay đồ đã… cũng đến lúc anh phải “trả thù” lại cô vụ bắt anh phải xin lỗi lần trước rồi đúng không ? Cứ để cô ấy đợi một lát đi…

Quốc Tảng nghĩ thế và hơi cười lớn một chút, anh lùi dần về phía sau, mắt vẫn dõi theo tà áo cánh sen đang quay qua quay lại nhìn ngó bốn phương…

……………………………………

Đức Việp dường như là người ra gần cuối cùng trong số các vương thất. Bản thân là Phiêu Kỵ tướng quân, anh muốn tự thân kiểm tra lại đám lính lệ làm ăn thế nào dù đấy không phải là việc cần thiết mà một tướng quân, đặc biệt là một vương gia như anh phải làm. Thế nhưng là người cẩn trọng lại chu đáo, nên Đức Việp luôn thích « tự làm khổ » mình  theo cách nhận xét của các hoàng thúc cũng như phụ hoàng và hoàng huynh của anh.

Cảm thấy mọi chuyện đã ổn thỏa xong xuôi, Đức Việp mới yên tâm trở ra…

Bất ngờ thay, đập vào mắt anh lúc đi ra là bóng dáng một tiểu thư trong bộ xiêm y màu phấn hồng nổi bật trên nền áo nâu hoặc đen của đám dân thường đang ra về dần. Không mấy khó khăn để Đức Việp nhận ra đó là ân nhân ngày trước, vị tiểu thư tài trí đã giúp anh trong lần vi hành ra ngoại thành. Trông nàng hôm nay duyên dáng và xinh đẹp hơn lần gặp trước, có lẽ là do cách ăn vận đã khác đi. Nàng ấy đang ngơ ngác chuyện gì vậy nhỉ ? Phải rồi, hình như là quận chúa của phủ nào đó, miếng ngọc bội lần trước chẳng phải là bằng chứng sao ? Chắc nàng đang ngóng chờ phụ vương hoặc vương huynh nào đó của mình có mặt ở hội thề lần này chăng ? Lần trước Đức Việp đã không có cơ hội hỏi tên ân nhân, không chần chờ, chàng tìm đến vị quận chúa bí ẩn mà lạ lùng đó.

_  Chị Nguyệt Anh… – Tiếng gọi từ đằng sau khiến Nguyệt Anh giật mình, cô quay lại thì thấy Tiểu Vân đang hổn hển gọi.

_ Có chuyện gì vậy ? – Cô ngạc nhiên nhìn Tiểu Vân.

_ Còn chuyện gì nữa… sao chị lại chạy nhanh quá vậy, có biết em tìm khổ lắm không ? Em còn tưởng để chị bị lạc nữa chứ… Nếu thế chắc Trần công tử mắng em chết mất. – Tiểu Vân nhăn mày nói.

Nguyệt Anh cười nhẹ, ừ nhỉ, cô mải đuổi theo đám rước mà quên mất rằng mình còn đi cũng một người nữa là Tiểu Vân. Sau buổi sáng nói chuyện hôm nay, Tiểu Vân không còn gọi cô là « Cô Nguyệt Anh » khách sáo như trước nữa mà chuyển sang gọi là « chị »… nghe thật dễ chịu, Nguyệt Anh thấy vậy.

_ Xin lỗi, chị xin lỗi… chị quên mất… – Nguyệt Anh cười nhăn nhở và cầm lấy tay Tiểu Vân tạ tội.

Tiểu Vân chỉ cười :

_ Thôi được rồi, cũng may có người chỉ cho em chỗ này để gặp chị đấy.

_ Có người chỉ em ư ? – Nguyệt Anh ngạc nhiên   – Là ai vậy ?

_ Muốn biết là ai thì đi theo em đi… – Tiểu Vân cười lém lỉnh và kéo tay Nguyệt Anh.

Nguyệt Anh hơi bất ngờ nhưng cũng chỉ cười và nhún vai đi theo Tiểu Vân mà thôi.

Đức Việp ngơ ngác nhìn theo bóng áo hồng khuất xa dần. Tuy từ chỗ anh tới nơi đó không xa lắm nhưng người đi xem hội hãy còn chưa tàn hết, cứ kẻ qua người lại làm khuất tầm mắt, thêm vào đó một số vương gia vẫn còn chưa về, hẵng còn giữ Đức Việp lại hỏi han vài chuyện. Đến khi dứt ra được thì Đức Việp đã thấy người cần tìm gặp không còn đấy nữa mà đã cùng một cô gái nhỏ khác đang thoăn thoắt rời gót sen đi đâu đó.

Biết rằng đuổi theo không kịp nữa, Đức Việp khẽ thở dài đưa mắt nhìn theo, gương mặt thanh thoát thoáng một nỗi buồn nhẹ. Quả là một cô gái kì lạ và bí ẩn, chẳng lẽ số trời đã định chàng sẽ không bao giờ biết được danh tính của nàng hay sao ?

Đức Việp thôi không suy nghĩ nữa mà quay trở về vương phủ của mình để chuẩn bị cho bữa tiệc rượu buổi tối.

……………………………………………………………

_ Tiểu Vân, em dẫn chị đi đâu vậy ? – Nguyệt Anh lo lắng hỏi.

_ Chị cứ đi đi mà… – Tiểu Vân lắc đầu và nhất quyết không chịu nói, cho đến khi trước mặt cô và Tiểu Vân hiện lên một hồ nước rộng mênh mông… một biển nước kể cũng không ngoa.

_ Woaaa !!! – Nguyệt Anh không kiềm chế nổi sự ngạc nhiên đến sững sờ mà khẽ kêu lên theo phản xạ.

_ Lần đầu chị thấy có phải không ? – Tiểu Vân cười khúc khích   – Đền Đồng Cổ nằm phía Tây kinh thành, gần đó là hồ Dâm Đàm… Đây chính là hồ đó đấy… Rất rộng phải không ?

_ Hồ… Dâm Đàm ư ? – Nguyệt Anh nhắc lại. « Vậy ra… đây là Hồ Tây trong quá khứ sao ?  Chao ôi, sao mà rộng quá vậy, nước xanh ngắt mênh mông tưởng chừng như đang được ngắm biển vậy ! »

_ Hai vị tiểu thư, hai vị có muốn đi thuyền không ? – Một giọng nói thân quen vang lên, Nguyệt Anh hơi mỉm cười nhẹ quay nhìn người lái đò đang từ từ chèo lại gần nói :

_ Thuyền của anh nhỏ như vậy, xứng để chở hai chị em tôi hay sao ?

_ Tiểu thư sao lại nói vậy ? Thuyền tôi tuy hơi nhỏ nhưng vẫn có thể chèo được 10 người, huống chi là 2 vị tiểu thư…

_ Anh nói có hơi quá không vậy ? 10 người lên thì thuyền chìm mất rồi còn gì ?

_ Nếu tiểu thư không tin thì cứ lên thuyền ngồi sẽ biết !! – Anh lái đó nhanh trí đáp trả.

_  Thuyền nhỏ tôi cũng không sợ lắm, tôi chỉ sợ tay nghề chèo thuyền của anh thôi… Anh hành nghề được bao năm rồi mà tự tin vậy ? – Nguyệt Anh khẽ che miệng cười còn Tiểu Vân thì cười rúc rích.

_ Nhà tôi có truyền thống làm nghề chài lưới, từ nhỏ tôi đã tiếp xúc với sông nước rồi, tuy là nghề chính không phải lái đò nhưng tiểu thư yên tâm là tôi không khiến người đi cùng mình phải chết chìm đâu.

_ Chà, lời hứa của anh lái đò nghe hay quá, Tiểu Vân nhỉ ? Đi với anh ta… là không lo chết chìm đấy… Thế em có định đi không ? – Nguyệt Anh quay lại nhìn Tiểu Vân hỏi với giọng đùa nghịch.

_ Thôi, em xin hai người, – Tiểu Vân cười   – Hai người đối đáp từ nãy tới giờ e chẳng ai ngờ người ngồi dưới thuyền là chủ còn kẻ đứng trên bờ là tớ đấy. Trần công tử, công tử kiếm đâu ra cái thuyền này vậy ?

_ Đương nhiên là thuê rồi.  –  Quốc Tảng nói   – Thế hai người có định xuống thuyền không ? Để tôi còn đi đón khách khác…

_ Vậy anh cứ đi đón khách khác đi, xem có ai chịu lên cái thuyền của nhà anh không ? – Nguyệt Anh vẫn đùa chưa chịu thôi.

_ Chà, vậy thì thôi vậy, tôi hôm nay có ý tốt muốn đưa cô đi ngắm cảnh kinh thành và thăm thú vài thắng cảnh quanh đây, thôi thì ý tốt không được nhận thì tôi đành đi vậy…

_ Ấy khoan đã, – Nguyệt Anh vội cản lại   – Anh nói là sẽ đưa tôi đi chơi hả ?

_ Sao nào ? Giờ nghĩ lại rồi à ? Hầy, nhưng mà… thôi vậy, tôi đi trả thuyền cho người ta đây. – Quốc Tảng nói và làm động tác quay đầu thuyền lại.

_ Từ từ… từ từ đã nào… – Nguyệt Anh nói   – xin lỗi mà, tôi chỉ tính đùa chút thôi… đừng cư xử thế chứ. Anh cũng biết là tôi muốn ngắm cảnh kinh thành đến thế nào mà !!!!

Quốc Tảng hơi nhếch mép :

_ Vậy giờ còn muốn lên cái thuyền rách này nữa không ?

_ Vâng vâng, tôi sẽ lên mà ! – Nguyệt Anh cười nhăn nhở trước gương mặt tự mãn của tên thiếu gia không biết điều.

Nguyệt Anh quay sang nhìn Tiểu Vân nói :

_ Em cũng đi cùng nhé, chắc chắn sẽ rất vui đó !

_ Đúng đó, Tiểu Vân ! – Quốc Tảng nhìn cô bé cười tươi nói.

Tiểu Vân khẽ lắc đầu, cô nói :

_ Không được đâu, em phải về phụ cha làm việc, hôm nay tiệm cũng hơi bận, vả lại em sinh ra ở kinh thành mà, cũng đi chơi nhiều rồi… nên Trần công tử cứ dẫn chị Nguyệt Anh tham quan đi… Em đi từ sáng, giờ cũng đã muộn rồi, em phải về không thì cha lo lắm.

_ Em không đi cùng được thật sao ? – Nguyệt Anh nói tiếc nuối.

_ Để dịp khác đi chị ! – Tiểu Vân cười rồi quay lại nhìn Quốc Tảng nói   – Hai người đi vui vẻ nhé.

Nói rồi, Tiểu Vân cúi người chào cả hai và vẫy tay tạm biệt ra về.

Nguyệt Anh cũng vẫy tay chào lại và nhìn theo, cô khẽ thở dài tiếc nuối :

_ Tiếc quá vậy… Tiểu Vân không đi cùng được…

_ Nào, thế cô còn định tiếp tục tiếc hay xuống thuyền nào ?

Nguyệt Anh quay lại lại nói :

_ Xuống thuyền, được chưa ? Anh thật là…

Quốc Tảng cười, anh đứng dậy và đưa tay ra nói :

_ Hôm nay thì trông cô giống một tiểu thư thật đấy, thế nên tôi sẽ hành động giống một anh chở đò. Đây là thuyền chứ không phải là ngựa, cô có muốn tự mình leo xuống cũng khó đấy, bám vào tay tôi đi…

Nguyệt Anh cầm lấy tay Quốc Tảng và thận trọng bước xuống, anh đỡ lấy cô cẩn thận dắt xuống thuyền. Khi Nguyệt Anh ngồi đã vững, lúc bấy giờ Quốc Tảng mới bắt đầu chèo thuyền lướt đi. Mặt hồ Dâm Đàm mênh mông có bóng dáng vài người dân đánh cá, bóng đen của đàn sâm cầm đang bơi lội từng bầy, xa xa ở phía bến đằng kia là mấy chiếc du thuyền lớn trang trí dây hoa, đèn lồng đỏ rực của một số quý tộc, quan lại thậm chí là của các phú thương nữa. Ban đêm họ mở dạ yến, mời du khách và thả thuyền trôi hờ hững trên mặt nước yên bình của hồ, ban ngày thì những chiếc thuyến đó được cột lại, nghỉ ngơi sau một buổi yến tiệc linh đình.

_ Đẹp quá ! – Nguyệt Anh khẽ reo lên khi nhìn quang cảnh xung quanh, một màu xanh yên bình dễ chịu, xanh của trời, xanh của nước, xanh của những hàng liễu trông xung quanh và cả những cây cổ thụ nữa. Hồ Dâm Đàm không hẳn quá hoang vu nhưng không phải là nơi đông đúc ồn ã, mọi thứ đều diễn ra yên ắng, nhẹ nhàng.

_ Đây là phần hồ thường dân thôi. – Quốc Tảng hờ hững chèo thuyền và nói   – Thế nên cô mới có thể nhìn thấy những cảnh này. Nếu như giờ mà đi gần về phía hoàng thành thì sẽ thấy có một số cung điện của hoàng thất xây dựng, nơi đó không có được dáng vẻ yên bình như thế này đâu.

Nguyệt Anh nhìn Quốc Tảng, cô thấy dường như anh rất muốn tránh xa cuộc sống chốn cung đình, vậy mà số phận lại để anh sinh ra trong gia đình của một vương gia, thậm chí còn là một vương gia vô cùng tôn quý như Hưng Đạo Vương.

_ Anh có biết chỗ đảo Kim Ngư dựng chùa Trấn Quốc không ?

_ Trên đảo Kim Ngư đúng là có một ngôi chùa… nhưng nó không phải là Trấn Quốc… – Quốc Tảng nhìn Nguyệt Anh khẽ nheo mày   – Cô nói nhầm mất một chữ rồi đấy.

_ Tôi… nói nhầm sao ? – Nguyệt Anh ngạc nhiên thầm nghĩ : « Không phải chùa Trấn Quốc thì là chùa gì vào đây chứ ?… »

Nhưng rồi cô cũng giật mình nhớ ra, phải rồi, có phải cô đang ở trong thời đại của mình đâu cơ chứ…

_ À, phải rồi, chùa Khai Quốc… Tôi đột nhiên nhớ nhầm… – Nguyệt Anh cười và chữa lại.

_ Chùa Khai Quốc nằm ở phía Đông hồ… nhưng e là vào được đó với bộ dạng hiện nay của chúng ta là hơi khó.

_ Sao vậy ?

_ Chùa Khai Quốc là nơi tập trung toàn các quốc sư của triều đình, vào đó cúng lễ thường chỉ có những hoàng thân quốc thích, quan lại quý tộc mà thôi… Với lại nơi tôn nghiêm đó cũng không phải là chỗ để vào chơi là chơi được…

_ Ra là vậy sao ? – Nguyệt Anh thở dài   – Rắc rối nhỉ ?

Rồi cô nhìn quang cảnh xung quanh hít một hơi thật dài và nói :

_ Cũng không sao, được ngồi thuyền thưởng ngoạn cảnh hồ như vậy cũng đã là quá tuyệt rồi… Cảm ơn anh nhiều lắm, Quốc Tảng !!!

_ Không có gì ! – Anh khẽ cười nhẹ   – Coi như là đền bù việc để cô đứng chờ tôi ở trước đền Đồng Cổ đi.

_ Hả ? Anh… biết là tôi đứng chờ sao ? Anh nhìn thấy tôi à ?

_ Thấy chứ sao không ? Trông cô cứ như con ngốc đứng trên đường ngơ ngác nhìn qua nhìn lại là tôi biết cô lại bị lạc nữa rồi. – Quốc Tảng nhếch mép.

_ Gì chứ ? Tôi tìm anh mà ! Lạc gì mà lạc… – Nguyệt Anh tức giận : -Vả lại… anh nhìn thấy tôi rồi sao không ra mặt chứ ? Lại còn bắt tôi chờ làm chi ? Anh cố tình phải không ?

_ Phải, tôi cố tình đấy ! – Quốc Tảng mỉm cười như thể trêu ngươi vậy.

Nguyệt Anh mím chặt môi lại để cố kiềm chế hành động của mình. Cô đủ khôn ngoan để nhận thấy tức giận với anh ta lúc này là không tốt, nhất là khi chỉ có duy nhất một kẻ biết chèo thuyền ở đây là hắn và cô thì không có biết bơi…

Nguyệt Anh giả vờ giận dỗi không nói gì, cô ngồi sát ra phía mép thuyền và mân mê nghịch nước cho nguôi cơn giận, Quốc Tảng nhếch mép nhìn hành động trẻ con đó của cô… rồi bất ngờ, một vốc nước hất thẳng vào mặt anh không thương tiếc, Nguyệt Anh cười khúc khích :

_ Chà, đây là quà cảm ơn của tôi với anh đấy. Chắc anh dậy sớm thế cũng thấy buồn ngủ đúng không ? Như vậy thì tỉnh táo hơn nhỉ ?

Quốc Tảng dừng chèo thuyền lại và tính đáp trả lại cô nhưng Nguyệt Anh nhanh miệng nói trước :

_ À này, đừng có mà bắt chước nha… Không thì người ta lại nghĩ anh là kẻ nhỏ mọn toan tính với con gái đấy.

Quốc Tảng khựng người lại, anh quay sang hai bên và khẽ gật đầu tán thưởng :

_ Được, cô cũng nhanh trí đấy… thế nhưng… nói thật là… tôi không phải là kẻ dễ để tâm đến những đánh giá của người ngoài đâu.

Nói rồi anh liền vốc tay xuống nước và hất trả lại Nguyệt Anh. Nguyệt Anh đưa tay lên che mặt đỡ được một chút nhưng người vẫn bị dính nước, cô quen tay theo phản xạ lại vốc lấy một vốc nước và ném trả lại… Lần này, Quốc Tảng bị nguyên vốc nước đó thẳng vào áo, anh nhìn cô ngạc nhiên rồi khẽ cười một cách gian xảo :

_ Nguyệt Anh… hình như cô định tuyên chiến với tôi rồi phải không ?

Nguyệt Anh run rẩy nhìn vết nước ướt đó và nụ cười của Quốc Tảng như một cái biển báo nguy hiểm to đùng đập vào cô lúc này đây, cô rối rít nói :

_ Khoan… khoan đã… Tôi xin lỗi, tôi không cố ý, chỉ là phản xạ thôi mà… Anh hiểu mà phải không… Chỉ…chỉ là phản xạ thôi… Tôi không…

Quốc Tảng vẫn mỉm cười nghe lời giải thích đó nhưng nụ cười đó của anh thật là đáng sợ biết chừng nào, Nguyệt Anh cứng đờ họng, nuốt nước bọt ực một cái rồi không biết làm gì hơn là co rúm người lại và lấy hai tay ôm lấy đầu trước khi « trời mưa » đổ xuống.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro