Chương 8: Con muốn anh Nghĩa làm chồng con cơ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lý Vân năm nay tròn bốn tuổi, vì sống trong nghèo khó nên nom nó bé tẹo và gầy gò. Cánh tay và chân nó cũng đầy những vết bầm vết tím, lúc nào cũng xơ xác sau khi lỡ chạy vào trong làng để chơi với lũ trẻ. Không biết là ai đã đánh đập con bé và đuổi nó đi như một con chó hoang với những vết ghẻ lở trên người. Hai mẹ con bà góa phụ Thanh Thùy đã chịu cảnh uất ức này tới mức chai lì cả đi và coi như đó là một sự hiển nhiên đầy cam chịu. Cái Vân cũng chẳng biết tại sao nó lại bị đối xử như thế. Với tâm trí non nớt của nó, câu hỏi ấy bỗng xuất hiện khi nó bị đánh, rồi chạy về khóc với u. Sau khi được u Thùy ôm và an ủi, câu hỏi ấy sẽ bay biến mất và mãi chẳng có nổi một câu trả lời nào. Cứ như thế cho tới khi nó sống được đến năm nó bốn tuổi.

Lý Vân yên trí ngồi trên đùi cậu Nghĩa, nó đói nên nó ăn ngấu nghiến và vồ vập lắm. Nó dường như đã quên sạch lời u đã dạy dỗ khi ngồi ăn rồi. Thanh Thùy thấy con gái ăn như hổ đói, lại còn không biết ý tứ, ai lại con gái con lứa cứ ngồi chình ình trên đùi con trai thế kia? Còn gì là thể thống nữa. Đoạn, bà liền nghiêm mặt nhắc con gái:

- Vân, ra đây ngồi với u mau. Với lại u đã dặn thế nào khi ngồi ăn hả?

Có Lý Vân đang gặm miếng xôi to hơn cả cái mặt, ngước đôi mắt tròn xoe nhìn u Thùy, nó không nói gì cả nó chỉ ứ lên một tiếng nom rất điệu, rồi miệng lại nhai nhồm nhoàm nhưng không còn phát ra tiếng nữa. Cách ăn của con bé dần từ tốn trở lại. Cậu Nghĩa nom cái nét điệu thấy ghét của Vân mà khẽ mỉm cười, rồi vui tay nhéo nhẹ cái má em một phát mới chịu được.

Thấy cái Vân ngoan ngoãn nghe lời, bà cả Ngọc Lan cũng ưng bụng lắm. Bà bật cười, nhỏ nhẹ cất lời bênh vực:

- Ấy, cứ để con bé ngồi đấy đi. Đùi chồng nó nó ngồi chớ có phải ai đâu mà em khó khăn làm gì?

Có cậu con trai nghe u mình nói thế hai vành tai đã đỏ bừng bừng như quả gấc chín. Nguyễn Nghĩa vừa cầm nắm xôi lên, ngại quá phải quay mặt đi chỗ khác để ăn. Có bà mẹ góa chồng lên tiếng tỏ ý không đồng tình:

- Chị cứ chiều con bé quá. Lâu dần sẽ hư đấy. Với lại...giờ u con em thế này, sao dám trèo cao với cậu Nghĩa hả chị.

Giọng chị Thùy rõ buồn, thế mà có đứa con gái chẳng biết giống tính ai mà nói một câu đầy táo bạo:

- Ứ chịu đâu. Con muốn anh Nghĩa làm chồng con cơ.

- Khụ khụ...

Cậu cả Nguyễn Nghĩa nghe xong, bất ngờ tới mức sặc cả xôi. Lần này đâu chỉ tai cậu đỏ, mà mặt cậu cũng đỏ rực cả lên.

- Vân! Người lớn đang nói chuyện, trẻ con sao lại vô duyên xen vào như thế hả? Có muốn u đánh đòn không?

Thấy con được chiều ngày càng hư, Thanh Thùy liền nghiêm mặt nạt con. Cái Vân thấy mẹ bực mình, không biết có phải nó sợ không mà vội vàng co người lại nép chặt vào người anh Nghĩa như một con mèo con. Nguyễn Nghĩa cũng đưa tay xoa xoa lưng em để trấn an.

- Được rồi, được rồi. Sau này anh Nghĩa sẽ thành chồng con! Nhưng Vân phải ngoan và nghe lời u Thùy dạy thì mới được.

Bà cả Ngọc Lan thủ thỉ căn dặn đứa con dâu tương lai của mình, Lý Vân nghe thế cũng gật đầu rồi dạ một tiếng thực ngoan. Nhìn vào đôi mắt tròn xoe, đen láy, ngây thơ của con bé bà cũng biết nó vẫn chưa hiểu nghĩa của việc nên duyên thành vợ thành chồng là thế nào. Có chăng, nó hãy còn coi tiếng chồng ấy để dành cho người mà nó cảm mến, cho bất kì ai đối xử tốt và yêu thương nó. Ngày trước, nó còn nhận một cậu bé ở trong làng là chồng mình chỉ vì đã cho nó chơi chung. Lý Vân thật là ngây thơ. Có lẽ phải chờ cho tới khi nó lên chín như cậu Nghĩa đây, thì nó mới biết thẹn thùng, đỏ mặt trước ý nghĩa của hai từ vợ chồng.

- À, ngày kia là giỗ chồng em phải không?

Bà cả chợt nhớ ra ngày quan trọng, Thanh Thùy nghe mà trong ánh mắt bỗng sáng lên rồi chợp tắt như ngọn đèn hết dầu, nét mặt tiều tụy lại càng hiện rõ hơn khi không còn nụ cười. Lời đáp của chị nhẹ hẫng nhưng lại mang cảm giác trĩu nặng vô cùng:

- Vâng...

Đoạn, chị lại nói tiếp:

- Em định chiều nay đem chỗ vải này sang các làng bên để bán. Chắc phải chiều ngày mai mới về. Chị...

Nói tới đây thì cô Thùy lại ngập ngừng, có vẻ định nhờ bà cả gì đó nhưng lại ngại không nói. Quen thân em cũng hai chục năm trời nên bà hiểu rõ tính em. Trước nay rất ngại phải nhờ cậy ai đó giúp mình. Bởi lẽ, Thanh Thùy có một lòng tự trọng khá cao. Người nào không biết sẽ gọi đó là bệnh sĩ diện. Từ ngày xa cơ thất thế, mất đi mọi thứ chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, Thùy lại càng bộc lộ rõ lòng tự trọng ấy nhiều hơn. Bà cả cố gắng giúp đỡ em, định cho người dựng một căn nhà vững chãi ở ngay cạnh nhà phú ông. Nhưng cô Thùy lại từ chối ngay tắp lự, chỉ mong chị giúp dựng cho cái nhà ọp ẹp bằng đất và lá tranh ở rìa bãi trống ngoài làng. Những lúc túng thiếu, chị cầm cho mấy đồng bạc để tiêu xài mà cũng không nhận. Hay như lúc con bé Vân bị dân trong làng đuổi đánh, đúng lúc cậu Nghĩa đi ngang, cậu đã xông ra che chắn cho nó. Cuối cùng Thùy chỉ khóc và ôm lấy cả hai đứa trẻ. Rồi Thùy cấm cái Vân không được vào trong làng nữa. Còn với cậu Nghĩa, chị đã xin cậu đừng giúp đỡ hay bảo vệ con chị. Bởi, một mình chị hay một mình cậu cũng không thể nào bảo vệ nổi cái Vân trước những đôi mắt "mù lòa" của dân làng. Tuy họ không mù ở đôi mắt nhưng họ vốn đã mù ở tận trong tim. Nếu một người có trái tim, thì đã không đối xử với một đứa trẻ, một con người còn thua cả một con chó như thế được. Họ vẫn cứ mang cái tội lỗi năm xưa ra để chì chiết, dày xéo u con chị không chút nể nang, thương tiếc. Tới ngày giỗ ông quan huyện, người ta lại kéo nhau đi ngang qua nhà chị mà phỉ một bãi nước bọt trước cổng để thể hiện sự phẫn nộ của bản thân mình. Cả đời quan huyện Lý Hùng sống liêm chính, hết lòng vì những người dân nghèo và yếu thế. Nay lại chết đi với sự nhục nhã không thể rửa sạch. Thật là một cuộc đời bất công.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro