Hai mươi bốn.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trời đông lãng đãng, mây in mặt hồ, trên thuyền có hai người lớn bé ngồi cạnh nhau.

Đứa bé nhìn cần câu trong mặt nước tĩnh lặng, đoạn liếc nhìn cha.

Cha nó ngồi yên không nói gì, tưởng đã ngủ gật rồi chứ.

– Cha ơi, mình ngồi mãi cũng chả có cá đâu. Về được rồi đấy ạ.

Nhìn cô con gái xoa đôi bàn tay nhỏ, người đàn ông mỉm cười.

– Con chả kiên nhẫn gì cả. Không có cá thì tối nay nhà ta ăn gì?

Cười khoe hàm răng sún, con bé nhanh nhảu trả lời.

– Ăn rau ạ. Thầy Hai xào măng là ngon lắm rồi.

– Có con cá kho chung với măng thì có phải ngon không?

– Con không thích nhặt xương cá đâu, toàn phải nhờ u Cả nhặt cho.

– Phải tập nhặt xương đi, tự mình phải chăm sóc cho mình. U Cả cũng phải ăn cơm, không hầu con mãi được.

– Nhưng u Cả nhặt xương cho cha kia mà...

– Cha vẫn tự nhặt xương được, để u Cả con làm cho mợ ấy vui thôi.

– U Cả nhặt xương cho con cũng cười mãi.

– Khéo mồm.

Ngồi thêm một lúc nữa, Sơn chỉ câu được một con cá bé tẹo, An nhìn thấy thì bĩu môi.

– Con cá bé thế này, mình con ăn loáng là hết.

– Cá bé thế này không nên ăn. Ta thả đi cho nó lớn thêm chút nữa.

– Vì sao lại thế ạ?

– Người ta cứ ăn cá con thì chúng nó không trưởng thành được. Ta ăn bây giờ nhưng phải để phần con cháu về sau, phải giữ cho tôm cá và thú vật trong tự nhiên tiếp tục cùng con người sinh sôi.

– Vâng ạ. Thế con thả nó xuống hồ nhé.

– Con thả đi rồi mình về.

Nhìn hai tay con chụm lại như búp măng non, Sơn mỉm cười xoa đầu nó.

Sơn chèo vào bờ, neo thuyền rồi dắt con về nhà. Để con chạy đi đằng trước, anh đi chầm chậm phía sau nhưng không bao giờ để mất dấu nó. Từ lúc An biết đi, anh đã bắt các cậu mợ trong nhà thôi không bồng bế nữa, tập cho con tính tự lập từ sớm. Khanh là mẹ đẻ nhưng lại không xót con bằng Lý, bởi cô nhìn thấy An thì cứ muốn ôm hôn nó mãi thôi.

An được cha dạy nghiêm nên ít bám người lớn, khi đi cũng chả cần phải nắm tay ai. Con bé lại chạy rất nhanh, đôi khi không để ý sẽ dễ bị lạc. Nhưng chuyện này lại chưa bao giờ xảy ra, bởi nó chạy xa đến đâu cũng không thoát khỏi mắt con chim cắt tên Trắng của thầy Ba.

Nhìn con đuổi theo một con chuồn chuồn, Sơn cất tiếng.

– Chuồn chuồn bay thấp thì thế nào An nhở?

Mắt vẫn dán lên đôi cánh óng ánh của con côn trùng, An trả lời.

– Thì mưa ạ.

– Thế thì phải về nhà nhanh thôi.

– Dạ vâng.

An chạy về phía cha, sánh bước cạnh bên anh một lúc thì trời mưa thật. Lấy nón che cho con, Sơn để đầu trần mà đi về nhà. Cũng may là hôm nay họ không đi xa lắm.

Vừa bước đến cổng, hai cha con đã nghe tiếng ai vang vọng từ xa.

– Ôi giời ơi, đã bảo ở nhà còn thịt còn rau, thầy em cứ kéo nó đi câu cá làm gì. Dầm mưa lại ốm thì có khổ tôi không?

Chạy ù vào nhà, An quên cởi nón mà bám lấy chân người vừa mắng Sơn.

– Thầy Hai đừng lo, cha cho con đội nón, khoác áo này.

Bước vào nhà, Sơn lấy nón trên đầu con ra giũ nước rồi bảo Vũ.

– Thi thoảng đi câu cho thư thả, luyện tập tính kiên nhẫn.

Từ đằng sau, Khanh vừa bước ra cũng phụ họa.

– Phải đấy, chứ như cậu Hai thì có lẽ chả đi câu bao giờ.

– Này, cô biết thừa anh không thích sông hồ.

– Thế nên anh mới chả kiên nhẫn gì cả. Thầy em mới dắt con bé đi một chút, anh nhìn giời mưa một tí đã lo.

– Trẻ con dễ ốm lắm.

– Ông nghĩ xa xôi rồi, em là mẹ đẻ còn chả lo đây này.

Đợi Sơn và An thay quần áo xong, cả nhà bèn thắp đèn ăn cơm chiều. Lý và Vũ dọn món ăn lên, trong khi Khanh xới cơm cho chồng và con. An còn bé nên thi thoảng được ngồi vào lòng người lớn để ăn cơm, và lúc nào nó cũng kiên quyết chọn u Cả hoặc thầy Ba.

Gắp một miếng chả thịt, An ngước đầu lên nói với Nhạc.

– Thầy Ba ăn thịt ạ.

Mỉm cười hiền lành, anh từ tốn đáp.

– Con đương tuổi ăn tuổi lớn thì ăn thịt nhiều vào, không cần gắp cho thầy đâu.

Nhìn thấy hành động của con, Khanh lườm nguýt.

– Gớm, lúc nào cũng phụng hiếu thầy Ba. U ngồi ngay đây chả nhận được miếng thịt nào.

– Là bởi vì cha gắp cho u rồi ạ.

Nghe con bé nhanh nhảu trả lời, Khanh chỉ biết lắc đầu cười. Lý ngồi cạnh bên, gắp rau luộc cho An mà bảo.

– Ăn nhiều thịt thì cũng phải ăn nhiều rau đấy.

– Dạ vâng ạ. Con cảm ơn u Cả.

– Ngoan quá.

Bữa cơm có trẻ con còn vui vầy hơn lúc trước. Tiếng cười nói râm ran như át đi màn mưa, còn nụ cười của An thắp sáng cả chiều tàn.

Cơm nước xong xuôi, An được Vũ dạy đọc sách trong lúc Lý rửa bát. Nhạc ngồi chỉnh lại nhạc cụ, trong khi Khanh vá lại áo cho con.

Học được một lúc, con bé cũng ngáp ngắn ngáp dài. Sợ tối trời làm hỏng mắt con, Vũ cũng không ép nữa. An được tha, liền ra sân sau rửa ráy rồi chui lên giường.

Trẻ con đi ngủ, ngôi nhà lại trở về với màn đêm yên tĩnh.

Sơn rót chén rượu, đoạn bảo với Khanh.

– Thôi, để trời sáng lại vá nốt. Lại đây uống với tôi một chén cho ấm người này.

– Hiếm lắm mới được thầy em mời rượu đấy.

Khanh mỉm cười, cất kim chỉ đi rồi uống với Sơn thật. Nhìn thấy rượu, Vũ vừa cất sách đi cũng sáng mắt.

– Sao thầy em lại chả mời tôi thế?

– Thì đây, một chén cho cậu Hai.

Nổi hứng, Vũ lấy thêm hai chén nữa rồi bảo Nhạc.

– Cậu Ba lại uống này.

– Tự dưng sao lại thế?

– Giời mưa lạnh, uống tí cho ấm. Chả mấy khi, chú mày cứ hỏi nhiều.

Chiều anh, Nhạc cũng đặt cây đàn tranh xuống rồi nhận một chén. Lý từ nhà sau đi lên, thấy mọi người uống rượu bèn lấy làm lạ.

– Cậu Hai lại bày trò gì thế?

– Chị thấy rượu lại cứ nghĩ em bày trò...Thầy em bày đấy.

– Tôi mời mợ Tư thôi, cậu Hai tự mời mình và cậu Ba. Thôi, để tôi rót cho mợ Cả một chén.

– Em chả biết uống rượu đâu.

– Nhấp môi một tí.

Xuôi theo chồng, Lý cũng nhấp một tí thật. Thấy rượu ấm người mà không cay xé miệng, mợ Cả gật gù.

– Thầy em mua ở đâu đấy?

– Ông Mục nấu.

– Khổ. Ông ấy chả khá khẩm gì mà cứ cho nhà ta bao thứ.

– Ừ, gần đây ông ấy cũng yếu rồi. Hôm trước tôi sang, ông già chống gậy định cúi người thủ lễ, tôi phải can mãi. Người làm việc hầu cận từ tấm bé, đến già vẫn quen thói.

– Cũng khổ, u Mọ mất rồi nên ông ấy càng cô đơn. Mợ Tư sau này bảo An sang chơi nhiều một chút cho ông ấy vui.

– Vâng ạ. Nó cũng thích sang mà.

Nhân lúc uống rượu hàn huyên, Sơn quay đầu hỏi Nhạc.

– Cậu Ba gần đây có nghe tin từ anh Đọi không?

– Hôm trước em có nhận thư ạ. Vợ anh ấy mới đẻ đấy.

– Thế thì vui quá! Để hôm nào tôi sắp xếp đi thăm, mang theo chút quà.

– Anh ấy bảo không cần, sợ chúng ta đi xa.

– Cũng nên có lễ.

– Thế thì để em đi gửi cho. Mợ Cả chọn giúp em vài thứ ạ, cần gì thì em vào trấn mua.

– Ừ, để chị biên lại.

Cảm nhận hơi rượu làm ấm mũi, Vũ hít hà rồi bất chợt bảo.

– Cũng nhanh nhỉ. Từ lúc đó...cũng sáu năm rồi.

Lời anh tâm sự như kéo mọi người về quá khứ. Khanh dựa vào vai chồng, đoạn cất tiếng.

– Gần bảy năm đấy. Xuân đến là An bảy tuổi rồi.

– Nhanh thế. – Nhạc xoay chén rượu trong tay. – Mới hôm nào còn đỏ hỏn trên tay.

– Thôi, nó lớn nhanh thì mừng. Mấy năm đầu mệt chết đi được, cũng may là em có mọi người giúp đỡ đấy.

– Cô cứ bảo thế. – Vũ chen vào. – Chớp mắt là nó đến tuổi cập kê, cô lại khóc sưng cả mắt.

– Ôi, nghĩ đến mà đau cả đầu. Chả biết nó lấy ai nhở? Vùng này vắng vẻ, họa chăng là lấy chồng trong trấn...Mà nó lấy chồng thì họ nhà mình dứt đấy. Thầy em bảo có muốn thằng cu không?

– Trời ban thì phúc, không thì thôi. Có con trai lại khó nuôi lắm.

– Con gái mới khó chứ?

– Nuôi con gái, mình còn bảo vệ được nó khỏi những nguy hiểm bên ngoài. Nuôi con trai không khéo, bản thân nó thành mối nguy hiểm cho người khác.

Lời Sơn vừa thốt ra, bốn người vợ cũng trầm tư. Đoạn, Khanh liếc về phía Vũ.

– Thầy em nói đúng đấy. Con trai mà không nuôi khéo thì như anh Vũ mất.

– Này, anh gây nguy hiểm cho ai bao giờ?

– Cho em đây này. Nghe tiếng anh nói đã nhức cả đầu rồi.

Nhìn Vũ ngượng chín mặt, không biết là vì rượu hay vì lời của Khanh, Sơn nhấp thêm một ngụm rồi bảo.

– Đùa thế chứ nếu mợ đẻ con trai, tôi ắt sẽ nuôi nó nên người. Tôi sẽ dạy nó yêu thương và khoan dung, hệt như cách tôi dạy An vậy.

– Em cũng tin vào mình. Mà nhắc đến An lại nhớ, sắp đến sinh nhật nó tức là sắp Tết rồi đấy.

– Còn non một tháng nữa nhỉ? – Lý trầm tư. – Đợi hai tuần nữa rồi bắt đầu muối dưa, sau đấy còn phải làm giò chả.

– Nấu bánh chưng nữa, năm nay nhà ta có cái nồi to rồi. – Vũ uống nốt chén rượu rồi bảo. – Cũng sắp phải tất bật rồi đấy.

– Tất bật thế là vui. – Nhạc thêm lời. – Mỗi lần nhìn thấy đào quất, lòng em lại hân hoan.

– Cậu Ba không phải lo, đào chắc chắn ra hoa, quất chắc chắn sai quả. – Khanh đặt chén rượu xuống, tự tin nói. – Ước nguyện gì cho năm mới cũng sẽ thành hiện thực.

Ôm Khanh vào lòng, Sơn uống hết phần rượu còn lại rồi hỏi.

– Thế ước nguyện của các cậu mợ là gì?

– Em ước nhà ta lúc nào cũng ăn ngon mặc đẹp. – Vũ nhanh nhảu.

– Em ước An ngoan ngoãn nên người. – Khanh trả lời.

– Em ước mọi người mạnh khỏe, yên vui. – Lý mỉm cười.

– Em ước đất nước ta yên bình, no ấm. – Nhạc tiếp nối.

Thấy Sơn gật gù, Khanh xoay người hỏi ngược lại anh.

– Còn thầy em?

Sơn suy nghĩ một chút, đoạn trầm giọng.

– Mỗi lần thắp hương cho các cụ, tôi thường ước nguyện được bình yên. Nhưng kể từ khi sinh tử gần kề chúng ta vào sáu bảy năm trước, tôi lại ước khác đi. Tôi mong rằng dù có chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn giữ được nghị lực và sự lạc quan. Ngay giữa khổ đau của bản thân mỗi người hay trong thời khắc máu lửa của đất nước, xuân về thì đào vẫn nở, quất vẫn tươi thôi.

Lý, Vũ, Nhạc, Khanh nghe anh nói chỉ im lặng, đoạn mỉm cười nắm lấy tay chồng.

Rượu đã cạn, ai cũng lâng lâng một niềm vui khó tả. Họ nhìn về phía An đang ngủ say ở gian sau, đoạn nắm tay nhau thật chặt thêm lần nữa.

Đứa con gái lớn lên từ dòng sông hiền hòa, từ ngọn lửa ấm áp, từ cơn gió dịu êm, từ cây xanh rợp mát, từ mặt đất vững vàng, mai sau sẽ có đủ dũng khí để gầy dựng một cuộc sống bình yên cho chính bản thân mình. Bình yên của thiên hạ là điều không ai biết trước được, nhưng cha và các thầy u luôn mong An sẽ độc lập, tự do, và hạnh phúc.

Để mỗi khi xuân về, Nguyễn An lại nhìn thấy một nhành đào trong tim.

Tứ Trấn bảo hộ xung quanh, rồng yên lòng ngủ ngoan ở giữa.

kết thúc

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro