Dương Quý Phi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dương Quý Phi là một cung phi tuyệt sắc của Đường Minh Hoàng (tức Đường Huyền Tông).

Quí phi tục danh là Ngọc Hoàn sinh ở tỉnh Tứ Xuyên vào khoảng năm 719.

Nàng là con út trong số bốn người con gái của một vị quan tư hộ đất Thục Chân.

Gia đình này nguyên gốc ở một quận nhỏ thuộc Trung Đông (Thiểm Tây) là Hòa Âm đến đây lập nghiệp.

Cha là Dương Huyền Diễn thuộc dòng khá giả vì tổ phụ từng làm thứ sử tại quận Kim.

Năm 727, Hoàng Thọ vương Lý Dục, con thứ 18 của Huyền Tông đi tuần tiễu miễn Tứ Xuyên đến tiếp xúc với gia đình nàng.

Rồi 9 năm sau, nàng được tiến cung hầu Lý Dục, kết duyên cầm sắt.

Có sách lại chép: Thọ vương Lý Dục tính nhút nhát, thích ngắm mỹ nhân.

Dương Ngọc Hoàn về hầu hạ Lý Dục được ba năm, nhưng tình chăn gối chẳng bao giờ có vì Lý Dục còn nhỏ.

Giữa lúc ấy, Ngọc Hoàn lại xinh tươi lộng lẫy trong tuổi dậy thì.

Sắc đẹp của nàng đã làm cho một đại thi hào lúc bấy giờ là Lý Bạch phải ca tụng bằng ba bài "Thanh bình điệu". Đây là bài thứ nhứt:

Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung,

Xuân phong phật hạm, lộ hoa nùng.

Nhược chi quần ngọc sơn đầu kiến,

Hội hướng Đao đài nguyệt hạ phùng.

............
Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng.

Gió xuân dìu dặt giọt sương trong

Ví chăng non ngọc không nhìn thấy,

Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông.

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Đời nhà Đường, Huyền Tông là một ông vua tương đối trị vì lâu hơn cả.

Các cung phi được nhà vua sủng ái sinh cả thảy 59 người con.

Trong số đó có 30 trai và 29 gái. Nàng cung phi được nhà vua sủng ái rất mực là Vũ Huệ Phi.

Nàng sinh được 7 con, nhưng bỏ mất 3 khi còn nhỏ.
Huệ Phi mất, Huyền Tông buồn rầu, ngày nhớ đêm thương,

lập đài Tập Linh để cầu siêu cúng vái cho vong hồn Huệ Phi được sớm siêu thăng.

Nội giám thấy nhà vua buồn bã nhớ thương người cũ bèn tìm đủ mọi cách làm cho nhà vua nguôi buồn.

Nhưng bao nhiêu cung tần mỹ nữ chọn đến hầu hạ gối chăn,

không ai làm khuây khoả được nỗi lòng nhớ thương người cũ của nhà vua cả.
Một hôm Cao Lực sĩ đi qua phủ Thọ vương thấy Ngọc Hoàn tư dung mỹ lệ,

cốt cách thanh kỳ, thật là một giai nhân tuyệt đẹp trên đời có một, bèn nghĩ rằng có lẽ mỹ nhân này thay được Vũ Huệ Phi.

Nhân buổi hầu vua, Cao Lực sĩ mật tấu với Huyền Tông,

truyền đưa Dương Ngọc Hoàn vào Tập Linh đài để trông coi đèn nhang sớm hôm cầu nguyện cho Vũ Huệ Phi.

Do đó, Ngọc Hoàn phải vào cung Hoa Thanh đến đài Tập Linh làm sãi, lấy đạo hiệu là Thái Chân.

Cao Lực sĩ lại chọn con gái của Vị Chiêu để thay Ngọc Hoàn làm vợ Thọ vương Lý Dục.

Trông thấy Ngọc Hoàn, vua Huyền Tông bỗng thấy lòng rung động xao xuyến,

hình ảnh Huệ Phi phai mờ, rồi nỗi buồn rầu thương nhớ người cũ tiêu tan để nhường lại những nụ cười cởi mở, những cái liếc nhìn say đắm...

Rồi từ đó, Huyền Tông đâm say mê, thường triệu nàng vào hầu hạ mình rồng, tình ngày một mặn nồng, ý ngày thêm đượm sắc.

Nhà vua say đắm Ngọc Hoàn còn hơn Vũ Huệ Phi nữa, nên lập nàng làm quý phi, lại sắc phong Dương Huyền Diễn làm Binh bộ thượng thư.

Ba chị của Ngọc Hoàn cũng được phong làm phu nhân là Hàn quốc phu nhân, Quốc quốc phu nhân và Tần quốc phu nhân.

Hàng tháng, nhà vua cho xuất của kho 30 vạn quan tiền cho mỗi vị phu nhân, 10 vạn quan tiền mua sắm tư trang phấn sáp.

Anh họ quí phi là Dương Xuyên được phong làm tể tướng và được đổi tên là Dương Quốc Trung, uy quyền nghiêng đổ thiên hạ.

Còn riêng về Dương Quý Phi thì không cần phải nói, nhà vua chiều chuộng mọi điều, luôn luôn làm thỏa mãn ý muốn của con người đẹp.

Như cuộc đi tắm suối của nàng mỗi lần tốn hàng vạn bạc của kho và làm chết hàng trăm mạng người, nhà vua cũng thẳng tay, không chút tiếc rẻ.

Dương Quý Phi đã đẹp lại có tài gẩy tì bà, tỏ ra giỏi về âm nhạc.

Nàng lại đặt được nhiều khúc hát và điệu múa làm cho lòng của một ông vua nghệ sĩ cang thích thú say sưa.
Huyền Tông gặp Dương Quý Phi bấy giờ nhà vua tuổi đã ngoài 50, cơ thể suy nhược vì trải qua những thú vui sắc dục thái quá ...

Vua nhờ An Lộc Sơn dâng một thứ linh đan gọi là "Trợ tình hoa" để có nhiều sức khỏe được hòa hợp vui say cùng mỹ nhân.

Minh Hoàng say đắm Dương Quý Phi, suốt ngày đêm cùng nàng yến tiệc đàn ca, bỏ cả việc triều chính.

Nhà vua lại tin dùng An Lộc Sơn là một võ tướng Phiên, cho giữ phần chỉ huy nửa lực lượng quân sự của triều đình.

Có sách lại chép An Lộc Sơn được Dương Quý Phi nhận làm con nuôi, được tự do ra vào cung cấm để cùng thông dâm với quý phi.

Nhà vua mù quáng, không hiểu biết gì cả.
Bấy giờ, Dương Quốc Trung nắm giữ toàn quyền binh lực.

Sau khi lến đến bực thượng thư và hai con trai là Dốt và Huyên sánh duyên cùng hai quận chúa Vạn Xuân và Diên Hòa, Dương Quốc Trung lại càng kiêu hãnh, tự đắc, có ý định phản nghịch.

Thấy An Lộc Sơn như cái gai trước mắt nên định mưu hại. An Lộc Sơn biết được nên bỏ trốn.

Rồi vào ngày 16 tháng 12 năm 755, An cử binh từ quận Ngư Dương (có sách chép là Phạm Dương) đánh thẳng vào kinh đô Trường An.

Binh triều đại bại.

Đường Huyền Tông lúc bấy giờ đã 70 tuổi.

Vào mùa hạ năm 756, quân của An Lộc Sơn tiến đến Trường An.

Nhà vua và Dương Quý Phi cùng một số quần thần phải bỏ kinh thành chạy vào đất Thục.

Ngày 14 tháng 7 năm 756, mọi người đến Mã Ngôi thì tướng sĩ không chịu đi nữa, vì lương thực đã hết, quân sĩ khổ nhọc mà Dương Quốc Trung và cả gia quyến đều no đủ sung sướng, nên họ nổi lên chống lại.

Dương Quốc Trung ra lịnh đàn áp nhưng bị loạn quân giết chết.

Lòng căm phẫn đối với họ Dương chưa tan, loạn quân lại bức vua đem thắt cổ Dương Quý Phi thì họ mới chịu phò vua.

Vì họ cho rằng Quý Phi là mầm sinh đại loạn.

Nhà vua không thể làm thế nào hơn, đành giấu mặt cắt lòng mà hy sinh nàng cung phi họ Dương,

một trang quốc sắc thiên hương giữa thời 38 xuân xanh!

Mộng chiếm đoạt ngai vàng chưa bằng mộng chiếm đoạt con người đẹp, nhưng nay người yêu đã mất,

mộng tình tan vỡ, An Lộc Sơn tức giận sinh cuồng, ra lịnh cho quân lính đốt phá kinh đô, tàn sát nhân dân.

Sử chép: "Có 36 triệu sinh linh chết trong cơn loạn ấy.

Rợ Phiên gặp ai cũng chém cũng giết, thực là một cuộc đổ máu không tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Hoa,

mà nguyên nhân sâu xa là do cái sắc của một người đàn bà dâm loạn".

Sau An Lộc Sơn bị con là Khánh Tự giết chết. Bộ tướng là Sử Tư Minh lại giết Khánh Tự mà hàng nhà Đường.

Minh Hoàng khôi phục sự nghiệp, trở về Trường An để mục kích cảnh điêu tàn nơi đế khuyết.

Đế đô còn đó mà con người ngọc yêu dấu ngày xưa nay đâu còn nữa.

Nỗi nhớ thương dào dạt, dằng dặc đầy lòng. Và đôi mắt già nua kia càng mờ đi vì đọng lệ.
. Những bức họa Dương Quý Phi tắm suối

Đường Minh Hoàng tuy già nhưng vẫn đa tình và rất mực phong lưu.

Còn Dương Quý Phi tức Dương Ngọc Hoàn là một giai nhân có một sắc đẹp nứt vàng tan đá.

Quý phi thích đi tắm suối. Mỗi lần đi phải phí tổn cả hàng vạn bạc.

Nghe nói trên Quái Nham có cảnh đẹp, có suối trong khác thường, ai tắm sẽ được trường thọ.

Vừa tham sống, vừa có tính tò mò nên quý phi đòi Minh Hoàng cho đi kỳ được.
Muốn cho mỹ nhân vui lòng, Minh Hoàng không quản khó nhọc,

hạ chỉ cho quan lại địa phương phải moi óc nghĩ cách làm cho được con đường lên núi.

Hạn trong nửa tháng, làm xong sẽ hậu thưởng; bằng không sẽ cho tuột chức nghỉ vô thời hạn.
Tiếp chỉ, quan địa phương xiết bao lo sợ. Sau có người bày cách kết mây làm cầu, chôn hai cây to dưới đất,

rồi từ đó các đợt cầu mây cứ kế tiếp nối nhau đến tận cửa hang.

Vì phải làm gấp và leo trèo khó khăn nên tốn kém có hơn 10 vạn bạc và số nhân công sơ sẩy bị té chết có hàng trăm.

Cầu làm chắc chắn và đi rất êm. Minh Hoàng và quí phi lên được đến nơi cho là một cuộc viễn du khó có.

Muốn làm kỷ niệm, Minh Hoàng mới tìm một thợ vẽ khéo, vẽ lại diễm tích trên núi.

Một cuộc tắm mát đã làm cho người yêu như ý, Minh Hoàng vui mừng khôn xiết, hậu thưởng quan quân và dân chúng miền đó.

Nhưng thấy làm hao hụt hàng vạn của kho và làm chết hàng trăm mạng người, Minh Hoàng cấm sử quan ghi chép và không ai được nói chuyện ấy.

Không ngờ bị quyển "Tây bắc thảm kỳ" của Đào Ngọc Sơn đời nhà Minh (1368-1628)

chép truyện"Quái Nham Quý phi toàn dục bích họa",

nghĩa là bức họa trên vách tả cảnh Dương Quý Phi tắm suối ở Quái Nham,

ghi lại cuộc du hí vương giả của một ông vua già và nàng quý phi xinh đẹp.
Truyện kể, Quái Nham là một hòn núi kỳ quái, hiểm hóc ở về phía nam tỉnh Thiểm Tây.

Ở lưng chừng, có một cái hang, cửa hang càng vào trong càng rộng.

Tới mãi trong cùng thì có một bãi đất lộ thiên độ vài chục mẫu, cỏ mọc xanh rờn như một nệm gấm, phẳng phiu.

Ở đây có nhiều thứ cây lạ. Mỗi cây có một thứ hoa đủ các hình sắc.

Chung quanh bãi ấy, thân núi dựng đứng như bức tường dài.

Vách núi nhiều chỗ lại phẳng trơn như mài, mỗi chỗ mỗi sắc, bóng nhoáng rất đẹp. Dưới những vách đá là một suối nước dài lượn theo.

Dòng suối ấy cứ cách một quãng có những giọt nước từ trên khe đá tí tách rỏ xuống;

hay những tia nước từ trong các mạch đất cuồn cuộn tuôn ra, hợp với dòng suối chảy tạo nên những tiếng êm tai như âm nhạc.

Dòng suối có chỗ sâu hàng trượng, nước trong vắt, trông suốt cả những hòn đá nhỏ trắng phau dưới đây.

Thật là một cảnh thần tiên!

Trông về vách phía đông, thấy có một hàng chữ to có vẻ cổ kính

"Dương Quý Phi toàn dục diễm tích" nghĩa là "Dấu vết xinh đẹp khi Dương Quý Phi tắm suối".

Đây là một khoảng vách đá dài độ mươi trượng, rộng độ hai trượng có nhiều bức vẽ đều từng lúc Dương Quý Phi tắm suối thế nào.

Các nét vẽ đều chạm khắc sâu vào thân vách nên dù màu có hơi nhạt nhưng nét vẫn còn rõ ràng như mới.

Tất cả chừng 10 bức vẽ.

Đây là lúc Dương Quý Phi cởi áo.

Đây là lúc nàng còn ngồi trên phiến đá thò chân khoắng nước.

Đây là lúc nàng đùa nghịch lấy tay đập nước, giọt nước bắn tung lên.

Và, đây là lúc nàng lội suối theo những chỗ nông sâu; ngấn nước trong veo dần dần mờ in trên cái thân mình tha thướt uyển chuyển, da trắng như tuyết...

Và, mỗi bức vẽ đều vẽ quý phi từ dưới suối nhìn lên cái ông chồng già Đường Minh Hoàng đương ngồi tựa mình trên vách đá,

đôi mắt đắm say nhìn giai nhân mà tủm tỉm cười tình.

Dù đã cách có hàng năm sáu trăm năm mà xem đôi bạn tình vương giả ấy như đã học được thuật trường sinh,

đem nhau đến chốn này, riêng hưởng cái diễm phúc mà người đời khó ai tìm được.
Dưới những bức họa ấy có đề ngày tháng năm đã vẽ ghi cái diễm tích ấy.

Tức là ngày 25 tháng 5 năm Thiên Bảo thứ mười (theo Dương lịch là năm 752).

Nguồn :Newvwietart.com

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro