TỬ ĐẰNG HOA (1+2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.

Lúc tôi tỉnh lại, cảm thấy đầu đau kinh khủng, trước ngực nặng nề như có đá chèn, mà cổ họng lại đau rát, chỉ hít thở thôi cũng khó khăn vô cùng. Tay chân tôi hoàn toàn vô lực, không biết là còn hay mất, tôi không thể xoay đầu, cả thân người cứng như đeo đá. Tôi muốn mở mắt, liền chậm rãi nâng mí mắt lên. Cứ tưởng sẽ có một luồng sáng chói đâm vào mắt, nhưng không phải. Điều duy nhất tôi có thể thấy được chính là một màn đen thẫm. Dường như đêm đó là một đêm trăng tròn, ánh trăng lọt qua tàng lá dày, soi to những tảng đá lô nhô xung quanh tôi nằm. Ở trong cái màn đen thẫm ấy, có vài thứ nhỏ bé đang chuyển động, với biên độ rất khẽ, tôi định thần thì biết, đó là lá của một tán cây rậm rạp. Quanh tôi, mùi cỏ hăng hăng cùng với tiếng côn trùng cọ chân bảo cho tôi biết, có lẽ tôi đang ở trong rừng, và nằm ở trên một trảng cỏ.

Đầu óc của tôi lờ mờ xuất hiện một vài hình ảnh, tôi cố ép mình nhớ lại, cơn đau ập đến rất nhanh. Tôi nhớ tôi bị trói, rồi bị đâm, cuối cùng là một bước rơi xuống biển. Nước biển làm cho trái tim tôi lạnh giá, từ chỗ bị đâm máu không ngừng chảy ra, nhức nhối không thôi. Nước biển bắt đầu tràn vào phổi. Cảm giác tức thở, đau rát xâm chiếm khắp người, toàn thân bị trói không thể nổi lên. Tôi như một cái túi chứa đầy đá cứ chìm dần chìm dần. Ở trong lòng biển lạnh giá đen thăm thẳm, trước khi ngất đi tôi còn thấy được ánh sáng từ trên mặt biển hắt xuống, tai tôi ù đi, không phân biệt được tiếng trực thăng hay là sức ép của nước đã xé tan màng nhĩ. Đau đớn này không thể nói bằng lời. Tôi thinh lặng, rơi vào một xoáy nước, cuối cùng cũng có thể được giải thoát rồi phải không? Đôi mắt tôi cứ thế mà khép lại lần nữa.

Đó là một ngày mùa thu, khắp ngọn núi phủ sắc đỏ rực của lá rừng, trên khắp các sườn núi, mây hồng lượn lờ, uốn lượn thành những dải ngũ sắc bềnh bồng. Tôi cảm thấy mình như đang nằm trên một đám mây, mặc cho ý thức chưa quay trở lại. Ánh nắng chiếu xiên lên mặt, ấm áp, thoảng cả mùi hoa cỏ đồng nội, tai tôi nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, tiếng gõ móng của những chú nai, chân thực đến kì lạ.

Tiếng tiêu vọng đến từ một cõi thinh không nào đó, dìu dặt, khoan thai, lại rất trong trẻo. Từ ô cửa liếp khép hờ, có thể thấy rừng trúc la đà phấp phới, những lóng trúc xanh rì rào rì rào.

Tôi mở mắt, trông thấy một gian nhà cũ đơn bạc, mấy thứ vật dụng làm bằng đất sét còn chất cả đống trong góc. Trên tường trát bằng bùn loãng, treo một cái nón vải màu đen. Liếc nhìn bản thân, trên người là một tấm áo vải thô màu cỏ úa, kiểu quần áo con nhà nghèo, nhưng tuyệt nhiên không thấy có miếng vá.

Tôi thọc tay vào lớp áo mỏng mảnh, sờ thấy lớp băng cuốn thật dày, vẫn còn khá đau, dường như vết thương vẫn chưa hồi phục. Vì sao tôi lại bị thương, tôi vẫn chưa nhớ ra được. Vẫn còn mải suy nghĩ nguyên nhân vì sao mình lại ở nơi này trong khi thân thể lại cứng nhắc như thế này, tôi nghe bước chân vang lên bên tai.

Đến khi tôi quay đầu, lại thấy cánh cửa liếp hé mở. Một bóng người bước vào, tôi nheo mắt để nhìn rõ hắn nhưng bị ngược sáng nên cũng vô ích.

Người lạ chậm rãi ngồi bên bàn, tự mình rót một chén trà. Dường như cảm nhận được ánh mắt tôi nhìn hắn, liền ngưng lại, tiến đến bên này.

"Ngươi tỉnh rồi?"

Tôi nhìn hắn chằm chặp. Đó là một người đàn ông trung niên mặc áo xanh, đôi mắt hắn mảnh dài, nhưng híp lại như một đường chỉ mảnh, giống như là đang chuyên chú đánh giá người trước mặt là tôi vậy.

Hắn lẩm bẩm "Không phải người đó, ngươi là người khác!"

Cái lão già này đang nói chuyện gì vậy.

"Cho hỏi đây là đâu?", tôi mở miệng.

Lão áo xanh càng híp đôi mắt lại "Ngay cả giọng nói cũng không giống".

Rốt cuộc sau khi nói vài câu chẳng đâu vào đau, lão áo xanh bảo tôi cứ nghỉ ngơi cho tốt, còn những chuyện khác sau này có thời gian lão sẽ kể sau. Nói xong lão áo xanh bỏ ra ngoài, nghe như lão vừa thả một cái gì đó lên trời, vì tôi có thể nghe được tiếng đập cánh chim.

Lão áo xanh lại đi đâu đó, đến tối mịt mới quay về, lúc về lão xem qua vết thương trên vai cho tôi, bắt mặt ở cổ tay, đánh giá một chút rồi bảo tôi bôi thuốc lão mới mua về. Lão còn để phần tôi mấy cái bánh nướng cùng một ít thịt, bảo tôi ăn nhanh cho nóng.

Trong lúc đợi tôi ăn, lão thăm dò hỏi mấy câu, tôi cứ thật thà đáp lại. Lão nhìn tôi, thở dài, nhàn nhạt kể cho tôi về nơi này. Sau khi câu chuyện kết thúc, lão áo xanh khép ống tay áo rời đi. Tôi chẳng biết lão đi đâu, có khi là trở về phòng.

Tuy trí thông minh của tôi thì khó sánh bằng những người học cao tài rộng, nhưng về hiểu biết hoàn cảnh thì tôi lại rõ hơn ai hết. Tôi một tay bóp trán, lẳng lặng không nói gì, chỉ có thể cười khổ, tôi như thế nào mà lại xuyên không vậy?

2.

Tôi vốn là một người của thế kỷ 21. Thân thế của tôi bình thường, chỉ là con của một thương gia đương thời thuộc chế độ xã hội chủ nghĩa tiến bộ mà thôi. Cha tôi, Tạ Khởi Minh, sinh được ba đứa con, hai trai một gái. Anh trai tôi, Tạ Khởi Duy, là một con người có tiền đồ sáng lạn, thông minh đẹp trai, du học Úc châu năm năm, hiện tại đang là giám đốc một công ty phần mềm. Tôi và em trai sinh đôi Tạ Khởi Dương bằng tuổi, năm nay chỉ vừa mười tám. Mà, em trai của tôi, thừa hưởng tố chất âm nhạc của mẹ quá cố, vừa đỗ vào học viện Âm nhạc của Ý, đã sớm vác balo lên mà đi con đường của mình. Còn tôi, Tạ Hi Anh, vô dụng nhất nhà, hiện tại lẹt đẹt tốt nghiệp phổ thông, đương còn ăn bám cha già, mỗi ngày nếu không phải làm tổ trên giường đọc truyện tranh, thì cũng là quấn chăn ngủ kỹ.

Cha già của tôi nhìn hai cậu con trai tài giỏi, lại nhìn sang đứa con gái duy nhất là tôi, bắt đầu than ngắn thở dài, tìm mọi cách đẩy tôi ra khỏi nhà. Để khỏi mang tiếng ăn bám và vô dụng, tôi cũng cố gắng đăng ký vào một trường vừa phải, tuần năm bữa đến trường, bon chen với đời, ôm niềm hi vọng không thành công cũng thành nhân.

Mọi chuyện chỉ trở nên phức tạp hơn khi tôi vướng vào một vụ việc, mà cũng chính vụ việc này khiến tôi từ một kẻ có gia đình, khỏe mạnh, có tư tưởng tiến bộ, lọt mẹ về cái thời đại xa lắc xa lơ hủ bại nào đó, thành một kẻ đầu đường xó chợ, côi cút giữa cảnh đời.

Nói một chút vì sao tôi như thế. Số là, cha già của tôi tuy nghiêm khắc nhưng rất chiều con cái, thậm chí tôi biếng nhác đòi ông để tài xế chở tôi đi học hàng ngày ông cũng chấp nhận, chỉ cần tôi chăm chỉ là mừng rồi. Thế là hàng ngày tôi đi học đều ngồi...ké trên chiếc Toyota của anh trai đến trường, nhưng tôi không phải dạng thích khoe mẽ, cũng cẩn thận nói tài xế đỗ xe ở xa tít, rồi mới lết bộ vào trường. Anh trai tôi dặn dò tôi học hành cẩn thận, tốt nghiệp xong sẽ tạo điều kiện cho tôi đi làm, tôi dạ dạ vâng vâng rất nghe lời.

Nhưng mà, tôi không hiểu tại sao, dưới bầu trời xã hội chủ nghĩa hiền hòa, tôi lại bị bọn trấn lột chặn đầu xin tí tiền ăn cơm. Mà tôi luôn xác định trong đầu, kẻ lười biếng không có tư cách cướp đi mồ hôi nước mắt của kẻ khác để lợi cho mình. Sự thật hai trăm ngàn trong túi tôi cũng chẳng phải do tôi làm ra, nhưng cũng là do cha tôi, anh tôi cực khổ làm ra, tôi càng phải quý trọng. Vì thế tôi nhất quyết không nộp tiền. Cũng đồng thời đánh cho thằng nhỏ trấn lột một trận tơi bời, tôi chưa có nói qua cả nhà ba anh em tôi đều là đai đen Karatedo thì phải.

Thằng nhỏ trấn lột kì thực cao không bằng tôi, có lẽ do thiếu ăn, trông nó lại lẻo khoẻo, gầy còm. Tôi cảm thấy thương cảm nó cho nên có hơi nương tay, chỉ nhíu chặt đôi mày nhìn nó, cánh tay giơ lên nhưng không giáng xuống liền. Nó rơm rớm nước mắt tưởng tôi sẽ bổ một đòn chí mạng cuối cùng liền sụp ngay xuống.

Tôi chán nản lắc đầu, quay đi. Nghĩ ngợi một chút, tôi rút ví lấy ra tờ năm chục, muốn dúi cho nó.

Không nghĩ thằng nhóc tì kia ác độc, bang một cú vào sau gáy, tôi trợn mắt nhìn nó, rồi từ từ ngã xuống. Trước khi ngất hẳn, tôi còn thấy khuôn mặt đầy sợ hãi của nó, cộng với cánh tay gầy còm vẫn còn đang run rẩy, mà thứ vừa rớt xuống gần chân nó, chính là một viên ngói thật to.

Đứa nhỏ này, sao lại...? Tôi chỉ có thể mấp máy vài chữ rồi hiên ngang ngất đi.

Lúc tôi tỉnh lại, sau gáy vẫn còn đau, cũng nhận ra mình đang bị trói ở trong một "cái lều" lụp xụp. Nói là "cái lều", nhưng thực chất chỉ là mấy tấm tôn cũ thủng lỗ chỗ quằn quèo ghép lại, phía trên che chắn bằng một tấm bạt nham nhở những bùn đất. Trong cái "lều", có vài cái ca nhựa sứt sẹo, một tấm chiếu rách, vài thứ đồ chơi tự tạo bằng giấy vàng ố. Từ trong một cái góc tăm tối, tôi nhìn thấy một khuôn mặt đen thủi, nhỏ thó, rúc thật sâu vào cái mền đỏ đã ngả sang màu bùn từ lâu. Đôi chân nó xanh xao, gầy yếu thò ra khỏi mép chăn, những móng chân cụt ngủn, cáu bẩn bởi đất. Đầu tóc nó rối bù thành một búi chỉ, nhưng tôi vẫn nhận ra được, nó là một đứa trẻ, hơn nữa lại là một bé gái chỉ khoảng năm, sáu tuổi.

Toàn thân đứa nhỏ có mùi khó chịu, mặt lại có vài đốm đỏ, có vẻ là vì gãi nhiều nên sưng tấy lở loét, giống như ghẻ. Lúc này, nó lại thò bàn tay nhỏ xíu ra gãi lên mặt, giống như cố bóc đi lớp da đã không còn lành lặn như lúc đầu.

Tôi có hơi sợ hãi và điếng người, khi ấy nó phát hiện tôi lén đánh giá, nhìn chằm chằm vào tôi, đồng tử mờ đục, không có định hướng, tôi biết rằng đứa nhỏ này căn bản là bị mù. Nó kêu một tiếng "Anh hai..." thật trầm đục.

Tôi lúc đó mới hiểu rằng, thì ra, trên đời này thực sự còn rất rất nhiều những kẻ khốn khổ, khốn khổ đến đáng thương. Hai đứa bé một lớn một nhỏ này chính là minh chứng sống cho điều đó.

Đứa nhỏ được gọi là anh hai kia rất nhanh đã đi vào, nó ôm theo một bát cơm trộn, không biết là được kết hợp từ những thứ gì, mà chỉ toàn một màu đen đen nâu nâu. Nó thấy tôi đã tỉnh, hơi hốt hoảng lùi lại. Sau thấy tôi vẫn bị trói, liền vuốt ngực trấn an mình.

Trải qua hai mươi tám tiếng trong căn lều rách, với hai đứa trẻ nghèo khổ, đáng thương, điều tôi có thể làm được chính là gọi điện cho cha tôi. Đương nhiên không vì kể tội những đứa trẻ kia, mà chỉ nêu mong muốn cha tôi đến đưa tôi về, cũng như có thể giang tay giúp đỡ những đứa trẻ kia mà thôi.

Nhưng tôi không biết được rằng. Cuộc sống này đầy rẫy những điều bất công, cũng như người nghèo chưa bao giờ được cho cái quyền giải thích. Lúc tôi bị thằng bé đâm cho một dao, cũng đồng thời thấy viên cảnh sát bắn hai phát súng vào người nó, lúc ấy tôi đã cảm nhận sâu sắc nỗi đau tinh thần và giai cấp mà nó đã nói với tôi.

Thân xác nó ngã xuống, máu tươi chảy ra, nó không đưa tay ghị vết thương nhưng lại luôn miệng nói xin lỗi. Tôi nghĩ, giờ phút này, có lẽ nó cũng chẳng còn muốn sống nữa.

Trên tấm áo rách nát có một bông hoa đỏ tươi đang lan ra, tanh nồng thứ chất lỏng ấm áp cùng với đáng sợ. Tôi lảo đảo lùi lại, cũng chẳng nghe thấy những tiếng nói xung quanh. Đám cảnh sát sợ hãi nhìn nhau, họ không nghĩ đã bắn vào một đứa trẻ, bắt đầu hoang mang đổ lỗi cho nhau. Tôi nhìn xác đứa trẻ trên cầu tàu lạnh giá, tội nghiệp, đáng thương, nhỏ bé. Đứa em gái bé nhỏ kia vẫn cứ nhẫn nhịn ở trong cái nơi gọi là "nhà" ấy đợi nó về. Đôi mắt tôi nóng lên, dòng lệ cứ thế mà chảy ra. Tôi cứ thế đi lùi, cuối cùng ngã ùm xuống biển.

Dòng nước lạnh giá mau chóng cuốn lấy tôi, ra sức nhấn chìm, như chính tâm trạng của tôi lúc ấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro