4.NHỮNG CÁCH TỰ HỌC

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Không ai không biết rằng muốn thành công trong đời, phải tự làm lại một mình sự giáo dục của mình và dùng phần thứ nhì trong đời minh để phá những do - tưởng lầm lẫn cùng cách suy luận đã học được trong phần thứ nhất.

LE BON

Sơn thủy kỳ tung, du thị học.

PHƯƠNG SƠN

Tôi có bạn bè đủ hạng người và đủ các nước. Những bạn đó không khi nào làm phiền lụy tôi và mỗi khi tôi hỏi han điều gì thì họ sẵn sàng chỉ bảo liền.

PÉTRARQUE

1. Những cách tự học.

2. Lớp giảng.

3. Lớp hàm thụ.

4. Nghe diễn thuyết.

5. Nhận xét.

6. Du lịch và điều tra.

7. Đọc sách:

a. Tự học trước hết là đọc sách.

b. Thư viện.

1. NHỮNG CÁCH TỰ HỌC

Có nhiều cách tự học. Lấy đại cương mà xét thì ta thấy 2 cách chính:

- Tự học mà có người chỉ dẫn.

- Tự học mà không có người chỉ dẫn.

Trong cách thứ nhất ta nên kể lối:

- Theo một lớp giảng công hay tư.

- Theo một lớp hàm thụ.

- Nghe diễn thuyết.

Trong cách thứ nhì, có những lối:

- Nhận xét

- Điều tra, nói chuyện du lịch, thăm viện bác cổ.

- Đọc sách

Dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt xét từng cách một.

2. LỚP GIẢNG

Ở Âu, Mỹ, có rất nhiều trường công hay tư dạy những người lớn muốn học thêm. Có đủ trình độ, từ tiểu học đến đại học. Lại có những trường dạy một ngành chuyên môn như môn Tổ chức công việc, môn viết văn, làm báo, khoa ăn nói trước công chúng, khoa nội trợ... Gần đây mới xuất hiện những trường dạy làm cha mẹ, vừa lý thuyết vừa thực hành, được đủ các giới trong xã hội hoan nghênh.

Có trường phải đóng tiền học, có trường không.

Thợ thuyền nước người rất ham học nên tỉnh nhỏ nào cũng có vài ba trường và những hãng lớn đều có lớp dạy nghề cho thợ.

Học trong những trường đó ra, có khi phải thi, có khi không. Thì mà đậu thì cũng được lãnh bằng cấp. Bằng cấp do những trường quan trọng phát thường được chính phủ nhìn nhận.

Ở nước ta tại các thành thị có ít trường dạy đánh máy kế toán, tốc ký, sửa máy điện, lái xe hơi, lắp máy thâu thanh, làm điều dưỡng, may vá, làm bánh... nghĩa là gần như chưa có gì cả. Tới bình dân học vụ cốt dạy cho đồng bào khỏi mù chữ mà các tỉnh ở Nam Việt cũng chưa đủ.

3. LỚP HÀM THỤ

Nếu ở xa không lại nghe giảng được thì có những lớp hàm thụ dạy bằng thư. Học những trường này phải trả tiền vì đều là trường tư, hoặc bán công tư.

Ở Pháp, những trường lớn như Ecole Universelle (59 Bd. Exelmans Paris 16è). Ecole des Sciences it Artè ( 16 Rue du Général Malleterre Paris 16è)... có đủ ngành cho bạn học: Thương mại, công chính, hầm mỏ, giáo huấn, viết văn, âm nhạc, hội họa, may vá... Nhiều học sinh Việt Nam học những trường đó để thi tú tài.

Ngoài ra còn những trường nhỏ hơn như:

Ecole ABC..................................12 Rue Lincoln Paris 8s Istitut proesionnel polytechnique 14 Cité Bergère Paris 9è

Istitut technique proesionnel 69 rue de Chabrol Paris 10è

Ecole des techniques nouvelles 20 rue Espérance Paris 13è

Ecole du Génie Civil 152 Avenue de Wagram Paris 17è

.......................................

Bốn trường sau chuyên về kỹ thuật (Máy xe hơi, máy điện, máy thâu thanh, máy Diésel, máy bay, cất nhà, cầu cống...)

Học phí thường không đắt. Như học tiếng Anh cấp sơ đẳng tốn khoảng 500$, tiếng Anh cấp cao đẳng tốn thêm độ 700$ nữa, mỗi cấp học trong 6 tháng hoặc một năm. Chỉ cần viết thư cho trường, trường sẽ gởi ngay chương trình, điều lệ cho biết.

Bài trường gởi cho bạn thường rõ ràng, phương pháp dạy cũng hay và giáo sư đều giỏi, sửa bài rất kỹ lưỡng, chỗ nào không hiểu, họ sẵn sàng giảng cẩn thận. Còn kết quả thì tùy bạn. Nếu bạn siêng và đủ sức theo thì kết quả cũng như theo một lớp giảng; nếu bạn nhận được bài chỉ đọc qua một lượt và không chịu làm bài thì tốn tiền vô ích: bạn bỏ ra hàng ngàn đồng rốt cuộc chỉ mua được ít cuốn sách để mốc trong tủ.

Tại nước ta, mấy năm gần đây đã có vài người mở lớp hàm thụ, (như lớp của Ông Hồ Hữu Tường dạy viết văn, làm báo) (1) nhưng không có kết quả, phải dẹp gần hết.

Vậy trong hiện tình muốn theo một lớp hàm thụ, bạn phải biết một ngoại ngữ. Chuyên học một ngoại ngữ trong vài ba năm thì có thể gọi là đủ dùng. Xin bạn đừng tin vào những quảng cáo: 100 ngày biết tiếng Nga, 30 ngày thông tiếng Đức mà mau thất vọng.

------------------------

(1) Thực ra lớp của ông mở ở bên Pháp mà dạy bằng tiếng Việt. Hiện nay vẫn chỉ có vài lớp hàm thụ dạy chương trình Trung học.

------------------------

4. NGHE DIỄN THUYẾT

Tại những kinh thành lớn Âu, Mỹ, ngày nào cũng có hàng chục diễn giả đăng đàn nói chuyện về mọi vấn đề. Nếu gặp mùa diễn thuyết thì còn đông hơn nhiều.

Diễn thuyết ở nước người thành một nghề có thể nuôi diễn giả một cách phong lưu vì thường khi thính giả phải trả tiền vào cửa. Như René Benjamin sinh tiền sống về nghề đó. Ông đi khắp các tỉnh Pháp, Bỉ, Bắc phi đem tài hùng biện ra lôi cuốn thính giả.

Ở nước nhà, tại Sài Gòn, Hà Nội, may lắm một tháng ta mới được nghe một vài lần.

Người đi nghe diễn thuyết muốn tiêu khiển thì nhiều chứ học thêm thì ít. Điều ấy rất đáng tiếc. Diễn giả bao giờ cũng đem hết tài năng, sở học ra giúp ta hiểu một vấn đề nào đó, tai sao lại đi nghe như nghe một bản Vọng Cổ hoặc một khúc "Hè về"?

Muốn học bằng cách nghe diễn thuyết, ta phải:

- Biết trước vài ngày đầu đề sẽ đem ra bàn rồi suy nghĩ trước về đầu đề ấy.

Chẳng hạn diễn giả sẽ nói về bổn phận phụ nữ Việt Nam thời nay thì ta tự hỏi: Ý tưởng của ta về vấn đề ấy ra sao? Nếu ta đăng đàn thì sẽ nói những gì?

Nếu có thì giờ, nên lại thư viện tra cứu cho hiểu thêm vấn đề. Được ý gì mới, tài liệu gì có thể dùng được, ta nên chép lại cho khỏi quên.

- Tới ngày nghe diễn thuyết, ta nên mang theo một cây viết và một tờ giấy.

- Vừa nghe vừa ghi một cách tóm tắt vài ý chính của diễn giả (khoa tốc ký này rất có ích).

- Khi về nhà, ta ôn lại ngay lại những ý của diễn giả, chép lại lên giấy, so sánh với ý riêng của ta, rồi sắp vào một tập riêng, giữ làm tài liệu.

Vì không sao ghi hết được ý của diễn giả, nên ta phải kiếm đọc những bài tường thuật nói chuyện ở trên mặt báo. Nếu không báo nào tường thuật lại, mà vấn đề rất quan trọng đối với ta thì ta có thể viết thư xin mượn bản thảo của diễn giả. Ta là người đứng đắn, hiếu học thì không ai nỡ từ chối ta việc đó. Và lại cử chỉ ấy chẳng tỏ rằng ta kính trọng diễn giả ư? Diễn giả nào mà không thích

Đi nghe diễn thuyết như vậy quả là mệt hơn đi nghe cô Bích Thuận ca, nhưng muốn tự học thì phải theo cách ấy.

5. NHẬN XÉT

Nhận xét là cách thường dùng nhất để tự học nên người tự học nào cũng phải tập nhận xét.

Tôi xin chép lại dưới đây một đoạn về cách nhận xét ở cuốn: "Hiệu năng, châm ngôn của nhà doanh nghiệp":

"Biết nhận xét là biết trả lại cặp mắt cái công dụng của nó. Phần đông chúng ta không nhìn bằng mắt mà bằng óc, bằng tim. Bạn cho là vô lý? Xin bạn nghe câu chuyện dưới đây:

Một giáo sư đại học bảo sinh viên chú hết ý vào công việc ông sắp làm rồi làm theo ông. Ông nhúng một ngón tay vào một ly nước rồi đưa lên miệng nếm. Mỗi sinh viên đều làm như vậy, nuốt một chút nước, rất hôi thối mà không một người nào nhăn mặt vì lòng tự ái cũng có mà cũng vì tính ranh mãnh, muốn cho người khác mắc lừa như mình.

Khi nếm hết lượt rồi, giáo sư mới mỉm cười, bảo họ:

- Các cậu không nhận thấy ngón tay tôi đưa lên miệng không phải là ngón tay đã nhúng vào nước.

Vậy những sinh viên ấy đã chú ý nhìn mà không thấy cử động của giáo sư. Họ chỉ nhìn thấy cái mà họ cho rằng giáo sư tất phải làm. Họ đã không nhìn bằng mắt mà bằng óc. Óc họ tưởng tượng ra sao thì họ thấy vậy.

Ai cũng mắc lỗi ấy. Bạn đã dò một bản đánh máy lần nào chưa? Chắc bạn đã nhận thấy nhiều lần bỏ sót những lỗi rất lớn. Vì bạn không trông thấy những chữ đánh trên giấy mà chỉ thấy những chữ đáng phải đánh, nghĩa là óc bạn đã làm việc chứ không phải cặp mắt.

Có bạn nào mà không nhớ những câu ca dao sau này:

Đêm nằm thì ngáy o o.

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Đi chợ thì hay ăn quà,

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.

Trên đầu những rác cùng rơm,

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.

Có phải anh chồng nào đó đã nịnh vợ hoặc cố ý bào chữa cho vợ không? Nịnh thì không phải, bào chữa thì có lẽ. Nhưng tôi tin rằng chàng thành thực thấy vợ đáng yêu, thấy rơm trên đầu vợ quả làm tăng vẻ đẹp của mớ tóc. Anh chàng đó nhìn bằng trái tim chớ không bằng óc. Chàng yêu, lòng chàng thấy sao thì mắt chàng cũng thấy vậy.

Mà nào chỉ riêng một mình chàng? Hết thảy loài người đều vậy.

Chúng ta cứ tự xét thì biết; nên bài ca dao đó với những vần thơ dưới đây của Molière:

La pâle est aux jasmins en blancheur comparable,

La noire à faire peur, une brune adorable;

…………………

mới bất hủ.

Tinh thần chủ quan đó rất tai hại vì nhận xét sai thì kết luận sai, nên muốn học hỏi thì ta phải tập nhìn bằng mắt, chứ đừng bằng óc hoặc tim.

Trước khi nhận xét, phải có một chương trình: xét những điểm nào? điểm nào trước? điểm nào sau? Chẳng hạn muốn nhận xét một cây, phải:

- Xét từng bộ phận của nó từ rễ tới gốc.

- Nó mọc ở miền nào, hợp với đất nào?

- Mùa nào có bông, mùa nào có trái?

- Cách trồng ra sao?

- Ích lợi ra sao?

Lập sẵn chương trình như vậy thì không sợ quên những chi tiết nhiều khi quan trọng.

Trong khi nhận xét phải so sánh (như cây sao với cây dầu giống nhau chỗ nào, khác nhau chỗ nào?), phân tích (như xét một bong phải xét: đài, cành, nhụy, sắc hương).

Chịu tập nhận xét, nghĩa là tập chú ý vào những cái ta trông thấy thì tài nhận xét dễ tăng ngay. Người ta kể chuyện một đứa trẻ Ấn Độ, 12-13 tuổi nhận xét rất giỏi: chỉ cho nó ngó qua một đĩa đựng ngọc trong vài giây mà nó nhớ được hết 16-17 viên trong đó: viên này là thứ ngọc gì, màu gì, lớn bao nhiêu, viên nọ khác viên này ra sao, quý hay không. Có tì vết hay không?...

Những nhà trinh thám chỉ đi qua một căn phòng mà nhớ hết những đồ đạc cùng cách bài trí trong phòng. Không phải trời cho họ tài nhận xét đâu, họ nhờ tập mà được vậy.

Mỗi ngày ta nên tập nhận xét vài lần. Như hôm nay khi đi làm, bạn nên để ý nhận xét vài căn phố trên đường tới hang, hoặc một vài người ngồi đối diện bạn trong xe ô tô buýt… Không khó nhọc gì cả, cũng không tốn thì giờ mà chỉ trong vài ba tháng đã thấy nhiều kết quả.

6. DU LỊCH VÀ ĐIỀU TRA

Du lịch

Một cách tự học rất thú vị là đi du lịch. “Sơn thủy kỳ tung, du thị học”. Vừa học vừa ngắm những kỳ quan trong vũ trụ, còn gì say mê hơn? Leo lên Bi Sơn ở Đèo Cả nhìn cảnh hùng vĩ của núi biển, tìm tòi di tích Lê Thánh Tông, hoặc vào dãy Trường Sơn, nghe tiếng róc rách của suối khe, nghiên cứu tình hình của đồng bào thiểu số. Sống một tháng như vậy bằng hàng năm ở giữa đô thị.

Nếu có thể được, mỗi năm ta nên bỏ ra vài ba tuần để du lịch. Hồi trước chiến tranh tôi đã lập một chương trình đi vòng quanh nước Việt: cứ mỗi năm coi một miền, độ mươi năm thì hết. Chương trình mới theo được 3 năm đã phải bỏ dở vì khói lửa nổi lên khắp nơi.

Phải sửa soạn cuộc du lịch ít nhất cũng một tháng hoặc nửa tháng trước khi thi.

- Phải lại sở Du lịch và Thư viện tìm tài liệu về miền mình sẽ coi.

Như muốn thăm cảnh Hà tiên thì ít gì cũng phải đọc thiên khảo cứu về Mạc Cửu của Đông Hồ đăng trong Nam Phong năm 1929 (1), hoặc cuốn Guide touristique de la province de Hà Tiên.

Nhiều khi ta không biết kiếm tài liệu ở đâu, phải nhờ những văn nhân hoặc các nhà tai mắt ở trong miền chỉ cho. Hồi tiền chiến, ít nhiều tỉnh đã xuất bản những địa phương chí (monographie) khảo cứu kỹ lưỡng về địa lý, lịch sử chính trị, kinh tế, phong tục, tôn giáo… mỗi tỉnh.

Nên kiếm những cuốn ấy để coi.

- Phải có bản đồ miền sẽ coi. Ít nhất cũng phải có bản đồ mà tỉ lệ xích là 1/400.000 Một phân trên bản đồ ấy là 4 cây số trên mặt đất. Bản đồ ghi đủ những đường, sông rạch và những nơi đông đúc như tỉnh lỵ, phủ, quận…

Nhưng nên kiếm cho được những bản đồ 1/100.000 (một phân trên giấy bằng một cây số trên mặt đất) hoặc 1/25.000 (một phân trên giấy bằng 250 thước trên đất).

Bản đồ sau rất đầy đủ, có ghi cả những xóm nhỏ, lung, gò, cùng đình chùa, nhà ngói, vườn tược… Chỉ tiếc là những bản đồ ấy in từ lâu ( 20, 30 năm trước) nên không còn đúng với hiện tại.

Trước chiến tranh, những bản đồ ấy đều có bán tại các tiệm sách lớn ở Sài Gòn, Hà Nội. Bây giờ muốn coi thì phải lại những công sở Công chánh hay Địa chánh.

- Đi du lịch đông người vẫn thú vị hơn là đi một mình, miễn là đừng quá đông. Nếu trong số anh em có người giỏi về Sử ký, có người chuyên về địa chất học… thì càng lợi cho ta. Mỗi bạn đó đều là thầy ta được.

- Phải lựa người hướng đạo ở ngay trong miền ta hay đã ở trong miền một thời gian khá lâu.Tuy nhiên, ta không nên để cho họ dắt ta đi đâu thì đi vì có chỗ họ thích mà ta không thích. Vậy ta chỉ nên hỏi ý kiến của họ rồi tự lập một chương trình để du lịch.

- Ta nên để ý nghiên cứu:

+ thắng cảnh, di tích, danh nhân.

+ địa lý và địa chất.

+ kinh tế, thồ sản.

+ dân số, cách sống, phong tục, tính tình.

+ khí hậu, thời tiết.

+ tiếng địa phương.

+ hoạt động văn hóa, xã hội, trong miền.

+ tôn giáo.

+ chính trị.

+ các thú vui.

……………………

- Ta nên tự hỏi những câu:

+ Địa lý, thời tiết và kinh tế ảnh hưởng đến đời sống thể chất và tính tình dân trong miền ra sao?

+ Tại sao châu thành cất ở đó chứ không ở chỗ khác?

+ Miền đó có tương lai về kinh tế, thương mại không?

+ Dân số sẽ tăng hay giảm? Tại sao?

+ Đường giao thông có thiếu không?

+ Còn khu nào chưa khai phá? Tại sao?

+ Dân tình đôn hậu, chất phác không? Tại sao?

+ Giàu nghèo có đều không? Tại sao?

+ Miền đó có quan trọng về chiến lược không?

+ Tại sao hồi trước ở nơi này, nơi nọ có cái trạm, cái chợ mà nay đã bỏ?

+ Tại sao dân trong miền thường mắc bệnh này, bệnh nọ?

Muốn trả lời những câu ấy phải khảo cứu, điều tra.

Một vài châu thành lớn có Viện bác cổ và châu thành nhỏ nào cũng có một thư viện của hội Khuyến học hoặc câu lạc bộ. Bạn nên bỏ vài giờ lại những nơi đó và bạn có thể gặp những sách vở, tài liệu quý không có trong những thư viện khác, lớn hơn.

-----------------------

(1) Thiên đó, ông Đào Văn Hội đã in trong cuốn “Danh nhân Việt Nam” (nhà in Lý Công Quận – Sài Gòn)

---------------------------

Điều tra

Điều tra là cả một nghệ thuật. Bạn phải có một chương trình sẵn: định hỏi những gì, phải biên lên giấy.

Phải lựa người để điều tra. Hỏi một chú đánh cá trên bờ biển Nha Trang về những di tích Chàm trong tỉnh thì chắc chú không biết hoặc không biết gì hơn bạn.

Lại phải lựa lúc để điều tra. Đừng nhè lúc ông chủ quận đương họp các thân hào hàng tổng để xét về việc thâu thuế trong năm mà hỏi ông về các hoạt động văn hóa. Nếu chưa quen thân thì nên viết thư trước xin được tiếp kiến và chỉ rõ mục đích cuộc thăm viếng của mình.

Khó nhất là biết cách đặt câu hỏi.

Đừng hỏi những câu như:

- Ý kiến ông về vấn đề này ra sao?

Người bạn hỏi sẽ lúng túng, trả lời qua quýt cho êm chuyện hoặc một cách cụt ngủn:

- Tôi chẳng có ý kiến gì cả.

Vì bạn cũng như tôi, chúng ta ít có ý kiến rõ rệt về một vấn đề gì.

Chúng ta thường không chịu suy nghĩ. Cũng có khi không muốn nói rõ ý kiến ra. Vả lại câu hỏi như thế bao quát quá, ta không biết nên đứng về phương diện nào mà trả lời.

Vậy nên hỏi cách nào cho người ta có thể đáp một cách dễ dàng và ngắn gọn: “Có” hoặc “Không”.

Chẳng hạn ta hỏi:

+ Dân nghèo miền này có nhiều không?

+ Họ thường bị những thiên tai gì?

+ Họ có nhiều khi bị thất nghiệp không?

+ Đất chỗ này có tốt không?

+ Nếu đào kinh ở đây thì có lợi không?

+ Có thể khai phá thêm được miền này không?

+ Lập nhà máy dệt ở đây có đủ nhân công không?

………………………..

Có khi chỉ thay đổi cách hỏi mà câu trả lời cũng khác hẳn. Ví dụ khi đồng bạc sụt giảm, nếu ta hỏi:

- Giá hàng sẽ tăng không?

Thì chắc ai cũng trả lời: Sẽ tăng.

Nhưng nếu ta hỏi:

- Giá hàng sẽ tăng nhiều không?

Thì tất có nhiều người trả lời: Chưa biết, còn tùy.

Có những vấn đề chỉ hỏi ít nhà chuyên môn là đủ rõ. Trái lại, hỏi về một kết quả một chính sách sắp đem thi hành thì phải hỏi hết các từng lớp trong xã hội. Lúc đó phải lựa một số người trong từng giai cấp và từng miền mà hỏi.

Chẳng hạn muốn biết ích lợi của một chính sách cải cách điền địa mà bạn hỏi 100 ông điền chủ tản cư ở Sài Gòn thì kết quả cuộc điều tra tất nhiên phải sai; nên hỏi vài chục điền chủ, 60-70 tá điền, một vài chục trong các giới khác. Trong số vài chục điền chủ đó, cũng nên hỏi ít ông lớn, ít ông nhỏ, ít ông ở miền này, ít ông ở miền khác….

Trong khi người ta trả lời, phải dò tâm lý xem người ta có thực tâm cho ta biết ý kiến không hay chỉ đáp cho qua chuyện, người ta có suy nghĩ rồi mới đáp không, có vẻ hiểu rõ vấn đề cùng câu hỏi của ta không. Xét như vậy để loại bớt những câu trả lời không có giá trị vì ta chớ nên quên rằng điều tra rồi còn phải lựa lại những câu đáp, không phải câu nào cũng dùng làm tài liệu đăợc đâu.

Bạn bảo du lịch mà làm trăm công nghìn việc, mà bắt óc suy nghĩ quá như thế thì có khác gì đi công cán, còn thú gì nữa?

- Thú hay không là tùy mỗi người.

Có hồi tôi đi chơi Nha trang, mang theo nhiều bản đồ, suốt ngày đi coi chỗ này chỗ khác, mở bản đồ ra so sánh, thấy chỗ nào bản đồ ghi thiếu hay sai thì sửa lại. Nhảy trên những mỏm đá ở bờ biển, bắt hà, bắt cua; leo lên gác chuông nhà thờ nhìn xuống châu thành, tôi lấy làm thú lắm. Trái lại có những ông bạn suốt ngày ngồi trong nhà đánh bài, cho vậy là thần tiên, thấy tôi ở bãi biển về, bảo:

- Anh dại lắm, đi nắng làm chi cho nó giộp da lên. Ra biển hứng gió thì ở trong phòng này hứng chẳng đủ rồi sao?

Mỗi người có một thú vui và bạn đã muốn tự học tất sẽ thấy lỗi du lịch kể trên vừa say mê vừa bổ ích. Bạn hãy đi hết nước Việt đã, để biết rõ giang sơn gấm vóc của chúng ta và yêu nó thêm lên bội phần (1): nào Vịnh Hạ Long, nào hồ Ba Bể, nào cảnh rừng núi hung vĩ ở Cao Bằng, Lạng Sơn, cảnh đồng ruộng bát ngát ở Sóc Trăng, Bạc Liêu… nơi nào mà không thấy di tích thiêng liêng của tổ tiên, công lao khai phá của đồng bào.

Rồi nếu có thể được, ta sẽ đi du lịch khắp thế giới. Thượng một cánh buồm trắng như Alain Gerbault, lên đênh trên ngũ đại dương, nay ghé bến này, mai ghé bến khác, khi về viết những thiên du ký: Seul à travers l’ Atlantique, A la poursuite du Soleil… Đời sống như vậy đẹp biết bao!

-----------------------

(1)Tôi nhớ một lần leo lên lưng chừng núi Bi Sơn ở chân Đèo Cả, ngắm cảnh Đồng Tuy Hòa như một hình tam giác xanh rờn, mũi nhọn đưa vào dãy Trường Sơn, chân giáp bờ biển Nam Hải, mà nhớ lại công của Lê Thánh Tông đã đem hàng vạn hùng binh lướt biển qua đèo vào nơi hùm thiêng nước độc này, chiếm đất của người Hời, dựng bia trên núi Bi Sơn (Bi Sơn nghĩa là Núi Bia) đó để vach ranh giới giữa nước ta và Chiêm Thành rồi di dân vào, làm cho miền đó ngày nay phong phú nhất Trung Việt, nhiều lúa, nhiều đường, nhiều cá, nhất là khô mực.

Và buổi sáng ấy, nghe tiếng gió lào xào trong ngọn phi lao, tôi tưởng như hồn cổ nhân phảng phất đâu đây. Trong lòng tôi rạo rực một niềm mang ơn tổ tiên, hăng hái muốn đền đáp lại. Thật chưa lúc nào tôi yêu Tổ Quốc bằng lúc ấy”. (Kim Chỉ nam của học sinh).

-----------------------

7. ĐỌC SÁCH

a) Nhưng tự học trước hết là đọc sách

Theo một lớp giảng hoặc một lớp hàm thụ chỉ là những cách nhất thời.

Nghe diễn thuyết, đi du lịch chỉ là những cách phụ; không được sự đọc sách bổ túc thì những cách đó không có nhiều kết quả. Muốn tự học suốt đời, thì phải đọc sách, nên ta có thể nói tự học là đọc sách.

Hết thảy các danh nhân cổ kim, đông tây đều khuyên ta đọc sách.

Khổng Tử bảo học trò của ngài:

“Ta thường suốt ngày không ăn, trọn đêm không ngủ để suy nghĩ, vô ích, không bằng học”. (Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tầm dĩ tư, vô ích, bất như học dã). Tiếng học trong câu đó nghĩa là đọc sách.

Duhamel nói: “Một người mạnh khỏe có một học thức bình thường cần đọc sách cũng như cần thở, cần uống”.

H. N. Casson phàn nàn: “Bản tính con người thật kỳ dị; vung tiền ra sắm xe hơi mà bỏn xẻn khi mua sách”.

Còn A. Souché thì thương hại cho thanh niên nào 15 tuổi mà không thích đọc sách vì người đó “ suốt đời sẽ kém cỏi, như một kẻ tàn tật về trí óc và tâm hồn”.

Chỗ khác ông viết: “Kẻ nào thích đọc sách là một người được giải cứu”. Vì theo ông dù người đó mới đầu có ham đọc những sách quá thấp thì rồi lần lần, từng bực một, sẽ đọc những sách cao hơn.

Lời ấy chưa chắc đã hoàn toàn đúng: tôi biết nhiều người chỉ đọc tiểu thuyết trinh thám để tiêu khiển. Nhưng tiêu khiển cách đó vẫn còn đỡ hại hơn nhiều thứ tiêu khiển khác và chứng tỏ trong tâm hồn còn có một điểm nào khả ái, nghĩa là nếu sa ngã cũng còn có cơ cứu được.

Tất cả cái vốn tinh thần của nhân loại đều ở trong sách. Từng thế hệ một, suốt mấy ngàn năm nay, không lúc nào ngừng, các triết gia, nghệ sĩ, học giả của khắp thế giới tận tâm nghiên cứu, tìm tòi, sáng tác rồi ghi lại trong sách để làm của hương hỏa cho đời sau. Di sản của cố nhân đó giúp ta sống một đời đầy đủ hơn, có ý nghĩa hơn. Một văn nhân đã cho sách là “nhân loại bất diệt, luôn luôn tiến tới chỗ vinh quang hơn, nhiều hạnh phúc hơn”.

Nó lại là một chiếc cầu bắc giữa thế hệ của ta với những thế hệ trước và sau ta. Nhờ có nó, ta khỏi thấy lẻ loi giữa thời gian vô cùng, khỏi phải than thở như Trần Tử Ngang khi lên lầu Kế Bắc:

Trước chẳng thấy người xưa,

Sau chẳng thấy ai cả.

Ngắm trời đất thăm thẳm sao!

Riêng xót xa, lệ lã chã. (1)

-----------------------

(1) Tiền bất kiến cổ nhân

Hậu bất kiến lai giả.

Niêm thiên địa chỉ chu du!

Độc sương nhiên như thế họ.

-----------------------

b) Thư viện

Ta có thể nói di sản ấy ai dùng cũng được vì sách thường rẻ tiền và nếu không mua nổi thì đã có sách trong các thư viện công cộng.

Ở Âu Mỹ, chỗ nào có đông người là có thư viện. Mỗi tỉnh nhỏ cũng có vài ba thư viện, gần như mỗi làng có một thư viện. Ngoài ra còn có những thư viện tư của các trường, các hãng, các hội và những thư viện luân chuyển do nhiều chiếc xe chở tới các miền xa xôi, đem sách đến tận nhà cho người đọc.

Tại Mỹ, nhân viên các thư viện công cộng có khi đi “săn” độc giả ở ngoài đường. Hễ thấy một đám trẻ chơi ở một nơi nào đó, như bên một rãnh nước, trong một ngã tư…, người ta lại bảo chúng rằng ở gần đấy có một thư viện chứa nhiều sách hứng thú cho chúng đọc như truyện “cao bồi”, truyện mọi da đỏ, truỵên mạo hiểm… Có đứa nghe vậy, bỏ chơi đi mượn sách đọc rồi lần lần hóa thích sách.

Ở nước ta, mỗi tỉnh may lắm được một thư viện chứa chừng 1000-2000 cuốn. Thực ra, đáng mang tên là thư viện thì hiện nay chỉ có 3 nơi sau này:

Thư viện trường Viễn Đông (Hà Nội).

Tổng thư viện (Sài Gòn).

Thư viện quốc gia ( Sài Gòn).

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu 3 thư viện trên (1):

+ Thư viện Trường Viễn Đông

Hiện nay trường Viễn Đông là một thư viện nghiên cứu chung của bốn quốc gia: Pháp, Việt, Mên, Lào và đặt dưới sự kiểm soát của “Bi ký mỹ văn học viện” của Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres de L’Institut de France).

Thư viện của trường lập từ năm 1898. Mới đầu người ta thu thập hết thảy những sách về Việt Nam và những tạp chí cùng sách quan trọng về những nước khác ở chung quanh nước ta. Số sách mỗi ngày một tăng. Hiện nay có 4 kho sách.

Kho sách Hán, có khoảng 4.000 cuốn,

Sách Pháp -- -- 15.000 cuốn.

Kho sách Việt có những sách Nôm, những bản chép tay, gia phả…, tất cả khoảng 5.000 cuốn.

Kho sách Nhật có khoảng 2.000 cuốn

Ngoài ra còn nên kể những bản chép tay bằng tiếng Mên, Lào, Thái, Chàm và rất nhiều ấn chương, bản đồ…

Thư viện mở cửa suốt năm, trừ một tháng để làm sổ sách lại. Muốn được vào đọc phải có bằng Tú Tài và có mục đích khảo cứu về sử ký, ngữ học, cổ tích nhân chủng học, văn hóa…

-----------------------

(1) Ở Huế trước năm 1945 có thư viện Bảo Đại, khá nhiều sách; sau những cuộc biến thiên, sách mất hết và thư viện nay chưa lập lại.

-----------------------

+ Tổng thư viện

Trước ở Hà Nội, thuộc về Cao ủy phủ của Pháp, nay đã dời một phần vào Sài Gòn. Thư viện mở từ năm 1919 tới cuối năm 1952 có được 152.896 cuốn sách (không kể báo chí) trong số đó 128.072 cuốn thuộc về phòng đọc sách và 24.824 cuốn thuộc về phòng cho mượn. (1) Thư viện cũng đóng cửa mỗi năm một tháng, từ tháng 7 dương lịch.

Có những điều kiện sau đây thì được vào đọc sách trong thư viện:

- Ít nhất là 18 tuổi và có một sức học đủ để đọc sách.

- Sinh viên trường đại học và các lớp đệ nhất trong các trường trung học Pháp và Việt.

Muốn mượn sách ở phòng cho mượn thì phải là công chức hoặc có công ăn việc làm. Phòng cho mượn có sách cho trẻ em đọc. Em nào muốn mượn thì phải có cha mẹ hoặc người thay mặt cha mẹ làm đơn gởi lại phòng ấy.

Chỉ những giáo sư hoặc những học giả muốn nghiên cứu một vấn đề

gì mới được phép mượn sách trong phòng đọc đem về nhà coi.

-----------------------

(1) Những thư viện lớn ở Pháp có hang 4-5 triệu cuốn!

-----------------------

+ Thư viện và văn khố Quốc gia

Thư viện này trước kia là Thư viện của Nam Kỳ soái phủ, tàng trữ

một số sách và văn kiện của sở Hành chánh; tới năm 1902 được tách riêng ra làm Thư viện Nam Kỳ, đến năm 1946 trả về cho Chính phủ mnCộng hòa Nam Kỳ.


“Phòng đọc sách” có khoảng 58.000 (không kể báo chí) mà 1.500

cuốn là sách Việt, 3.600 cuốn là sách Hán. Bộ Tứ khố toàn thư chiếm hết 1960 cuốn.

“Phòng cho mượn” có độ 10.000 cuốn (1.300 cuốn sách Việt).

Năm 1953 quỹ thư viện được 100.000$ để mua sách mới.

Thư viện mỗi năm đóng cửa một tháng từ ngày 15 tháng 7 dương lịch.

Mỗi công dân từ 21 tuổi trở lên đều được vô phòng đọc sách. Dưới tuổi đó thì phải là sinh viên Đại học hoặc có bằng Tú tài kỳ nhất.

Muốn mượn sách của “Phòng cho mượn” thì phải có 2 người bảo lãnh. Khi xin ghi tên phải tặng phòng 2 cuốn sách đáng giá.


Chỉ những giáo sư đại học cần tài liệu mới có thể xin phép đem về nhà đọc trong vài ngày những sách của “Phòng đọc sách”. (1)

Cả nước mà chỉ có 3 thư viện. Số đó thực ít ỏi quá. Tôi chưa được biết thư viện Huế và 25 năm nay chưa về thăm Hà Nội, không biết Tổng thư viện có gì thay đổi không, nhưng thường vào thư viện Sài Gòn, thấy phòng đọc sách có lúc chật quá: 30 năm trước ra sao, nay nó cũng vẫn vậy, trong khi dân số tăng lên gấp tám.

Tôi vẫn biết quỹ của chính phủ lúc này không dư, nhưng mỗi năm đã có những cuộc xổ số để kiến thiết quốc gia thì sao không dùng một số lời để mở mang các thư viện? Đó cũng là một công cuộc kiến thiết rất quan trọng.


Tư nhân thì thích sắm xe hơi mà hà tiện mua sách, chính phủ thì chỉ mở mang đường sá mà gần như bỏ quên thư viện. Kể ra chúng ta phải có một lòng tự ái quá cao mới dám tuyên bố với thế giới rằng chúng ta có 4.000 năm văn hiến!


Horace Mann nói: “Nếu quyền ở tôi, tôi sẽ gieo rắc sách khắp mặt đất như người ta gieo lúa trong luống cầy vậy”.

Loài người mà văn minh thì thực hành việc đó cũng không khó. Số


tiền để chế tạo bom nguyên tử và bom khinh khí dư để vãi sách khắp địa cầu.

-----------------------

(1) Hiện nay thư viện này đổi tên là Thư viện Quốc gia ở 34 đường Gia Long; còn Tổng Thư viện ở Khu trường Pétrus Ký. (Chú thích lần in thứ 3).

-----------------------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro