5.ĐỌC SÁCH CÁCH NÀO

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đọc sách là 2 người sáng tác chung

H. BALZAC

Người nào suy nghĩ là một vị anh hùng yên lặng

E.VERHAEREN

Quân tử chi học dã dĩ mỹ kỳ thân

TUÂN TỬ

1. Đọc sách là một nghệ thuật

2. Lựa sách

3. Nên đọc nhiều hay ít?

4. Nên đọc nhanh hay chậm?

5. Nên nằm khi đọc sách không?

6. Đọc sách với cay viết trong tay

7. Vài qui tắc nên theo

8. Đọc lại

1. ĐỌC SÁCH LÀ MỘT NGHỆ THUẬT

“Khi đứa trẻ bước chân vào đời, nhà trường đã tặng cho nó một vật quí nhất là tập cho nó thấy cái thú đọc sách”.

Vật đó quí thật! Cả cái kho vàng của Ali-baba trong chuyện Ả-Rập cũng không bằng. Ở cái thời có một kho vàng thì mua gì cũng được, từ danh vọng – tất nhiên là hão huyền – tới các nàng tiên, nhưng ở cái thời này và nhất là ở cái thời này, kho vàng chỉ làm cho người ta thêm lo, ai cũng có thể cướp nó được; trái lại cái thú đọc sách thí tôi đố ai giật được nó đấy.

Tiếc thay! Bảo vật ấy nhà trường lại ít tặng cho học sinh. Người ta nhồi sọ quá, bắt họ nhai đi nhai lại những cái họ không hiểu, như 8 tuổi đã phải học thuyết phân quyền của Montesquieu, học tên những con vật chỉ có bên Âu, bên Mỹ, nên thanh niên ở trường ra thì may lắm được một người ham đọc sách.

Còn phương pháp đọc sách thì tuyệt nhiên không thấy dạy. Mà đọc sách là cả một nghệ thuật.

Tôi không bảo như Goethe rằng bỏ 80 năm để tập cách đọc sách mà vẫn chưa được, song tôi nhận ra rằng muốn đọc cho tốn ít thời giờ mà có lợi nhiều thì cũng cần biết ít nhiều qui tắc.

2. LỰA SÁCH

Trước hết phải biết lựa sách. Việc ấy không phải dễ mà khi lựa lầm thì có thể sinh ra chán đọc sách, vì đọc một cuốn sách dở vừa mất thì giờ vừa uổng tiền. Tiền của người tự học có đâu được dồi dào để mà phung phí?

Một anh bạn tôi có lần phàn nàn không dám mua sách Việt nữa. Vì 10 cuốn thì phải liệng đi đến 7-8. Đọc tên sách và lời quảng cáo của nhà xuất bản thì mê liền, mua về rồi mới biết mình dại.

Phải là người đọc hiểu lắm, biết gần hết các tác giả và nhà xuất bản trong nước thì mới lựa mau và chắc chắn, nhưng muốn đạt tới trình độ đó, phải đem bồn bộn tiền đi đổ sông Ngô rồi. Vả lại, còn những sách ngoại quốc mà ta không được trông thấy, chỉ được đọc nhan đề thôi thì không có cách nào mà lựa không lầm lỡ, nên người tự học phải nhận sự thực dưới đây cho khỏi thất vọng: ở thời này, tìm được sách có giá trị cũng gần tốn công như đãi cát tìm vàng vậy.

Bạn trẻ nào chưa tin ở sự xét đoán của mình, đọc vài ba đoạn mà chưa định giá được một cuốn sách thì nên nhờ người khác lựa dùm cho.

Có thể nhờ các nhà phê bình, nghĩa là đọc bài của họ.

Tuy nhiên không phải nhà phê bình nào cũng đáng cho ta tin. Họ thường thiên vị, nhất là khi có một cá nhân trong 1 đảng phái, 1 nhóm nào. Có người chỉ chê mà không khen, có kẻ lại cố tâm làm ngược thiên hạ, để người ta chú ý tới mình. Có khi cùng một tác giả đó, mấy năm trước họ đưa lên mây xanh rồi bây giờ họ lại dìm xuống đất bùn.

Vì vậy ta nên để họ hướng dẫn thôi, chứ không nên tin hẳn họ.

Theo tôi, nếu bạn muốn lựa tiểu thuyết Việt xuất bản trước năm 1940 thì nên coi trong bộ “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan. Trong số những nhà phê bình gần đây, ông là người vừa có học rộng, vừa có nhiều lương tri và công tâm.

Chắc các bạn nhớ cuốn tiểu thuyết “Les Mystères de Paris” của Eugène Sue hồi mới xuất bản bán chạy hơn bộ “Les Misérables” của Victor Hugo rất nhiều mà văn của Eugène Sue vụng về, cẩu thả lắm.

Ở nước ta, ai không hay rằng tiểu thuyết của Lê Văn Trương trước chiến tranh được độc giả rất hoan nghênh? Trong những năm 1936 – 1940, tiểu thuyết của văn sĩ Bắc bán chạy nhất ở Nam Việt là tiểu thuyết của ông. Hồi ấy tôi đã hỏi nhiều thầy ký ở lục tỉnh, ai cũng nhận Lê Văn Trương là nhà văn có tài nhất. Sự thật, ngoài Lê Văn Trương, họ không biết có tiểu thuyết gia nào khác nữa. Mà văn của ông thời ấy ra sao, bạn đã dư biết.

Vậy một tiểu thuyết bán chạy chưa chắc đã có giá trị. Những sách khác cũng vậy.

Ở cuối đời Chiến Quốc, có lần vua Sở hỏi Tống Ngọc, một văn sinh rất đẹp trai, sở trường về thể từ:

- Tiên sinh sao mà bị thiên hạ chê thậm tệ vậy?

Tống Ngọc đáp:

- Có người khách qua đường ca ở kinh đô. Mới đầu hát khúc Hạ lý ba nhân (1), được vài nghìn người họp lại mà họa. Hát tới khúc Dương-a phỉ lộ (2) chỉ còn vài trăm người họa, đến bài Dương xuân bạch tuyết (3) thì chỉ còn vài chục người… Thế là khúc càng cao, người họa càng ít. Bực thánh nhân ý chí, hành vi vĩ đại, vượt hẳn lên trên, ở riêng một chốn, bọn dân bỉ tục kia làm sao biết được tôi làm gì đâu.

Tống Ngọc quá tự cao. Sự thực tính tình của chàng chẳng có gì trác tuyệt cả, mà chỉ là phóng đãng, ngông nghênh. Nhưng lời của cháng rất hữu lý; khúc càng cao thì người họa càng ít.

Văn cũng vậy: càng cao càng ít người thưởng thức. Song một cuốn sách bán ế không phảo luôn luôn có giá trị đâu. Trái lại, thường thường nó không đáng đọc, cho nên mới ế.

-----------------------

(1) Một khúc thông tục nhất

(2) Một khúc thông tục vừa vừa

(3) Một khúc đã hơi cao

-----------------------

3. NÊN ĐỌC NHIỀU HAY ÍT SÁCH?

Goethe cho rằng: “Một cuốn sách dở tới đâu cũng có một chỗ hay”

nghĩa là ông khuyên đọc thật nhiều, sách nào cũng đọc. Pline và Sénèque, trái lại, đều khuyên chỉ nên đọc những tác phẩm rất có giá trị. Một ngạn ngữ cổ của phương Tây còn nói: “Tôi sợ người nào chỉ có 1 cuốn sách”.

Vậy thì nên đọc nhiều sách hay ít?

Trong cuốn “Luyện Văn”, tôi đã trả lời câu ấy và viết: “Theo tôi, đọc nhiều sách hay ít, tùy mục đích và trình độ của ta”.

Chúng ta tự học thì tất nhiên phải đọc nhiều sách. Học về Việt Sử chẳng hạn mà chỉ đọc mỗi cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim thì làm sao biết rộng được? Hoặc muốn hiểu văn thơ mà ngoài cuốn “Thi pháp” của Diên Hương, không đọc thêm cuốn nào nữa thì còn thiếu sót rất nhiều.

Tuy nhiên, khi mới đọc, trình độ hiểu biết của ta còn thấp thì hãy nên đọc ít cuốn thực có giá trị và đọc cho kỹ, đợi lúc nào nhãn quan đã rộng, sự phán đoán đã hơi vững vàng rồi mới nên tham bác; như vậy mới khỏi sợ lạc lối và sở học mới được chắc chắn.

4. NÊN ĐỌC NHANH HAY CHẬM

Vấn đề này ý tưởng mỗi nhà văn cũng một khác: Emile Faguet, một nhà phê bình trứ danh của Pháp ở cuối thế kỷ trước, viết trong cuốn

“L’ Art de lire” (Nghệ thuật đọc sách):

“Bạn bảo tôi rằng có những cuốn không thể đọc chậm được, không chịu được sự đọc chậm. Đúng thế, có những cuốn như vậy, nhưng chính những cuốn ấy là những cuốn không nên đọc”.

Nhưng Jules Lamaitre cũng là một nhà phê bình đa tài đồng thời với ông, có óc phân tích tỉ mỉ, không khi nào tin ngay một ý tưởng mà không kiểm điểm lại, thì lại tự thú: “Khi một nhà văn nào làm mê được tôi thì tôi hoàn toàn để họ dẫn đi”. Nghĩa là Jules Lamaitre phải đọc một hơi cho hết cuốn chứ không thể đọc chầm chậm như Emile Faguet.

Lại có người như Montaigne, một đại văn hào Pháp ở cuối thế kỷ 16, tính tình tức toán, luôn luôn đọc sách rất mau, vì ông cho rằng đọc qua một lần mà không hiểu thì thôi, càng tìm hiểu thêm chỉ càng tốn công vô ích.

Còn Đào Tiềm, một thi hào đời Lục Triều ở Trung Quốc đọc sách chỉ cần hiểu đại cương, bỏ hết những chi tiết, không chịu tìm tòi, phân tích thâm ý của tác giả.

Vậy đọc mau hay chậm là tùy tính tình từng người. Mà cũng tùy sách nữa.

Nhiều cuốn đọc càng chậm càng hay, thấy càng thâm thúy. Ta đọc từng chữ một, chăm chú, kính cẩn, mỗi đoạn ngừng lại suy nghĩ, ghi chép và mỗi lần lật trang, thấy sách mỏng lần, ta tiêng tiếc. Ta “đọc dè” mỗi ngày một chương thôi để kéo dài cái vui.

Trái lại, nhiều tác giả lời đã hăng hái, có duyên mà ý tưởng lại kỳ thú, hấp dẫn ta vô cùng, ta đam mê, hổn hển chạy theo họ một hơi đến trang cuối, như bị họ lôi đi, không sao cưỡng lại nổi. Gặp những nhà văn đó thì trừ một số ít người như Emile Faguet, còn không ai đọc chậm được.

5. NÊN NẰM KHI ĐỌC SÁCH

Hồi xưa, một số nhà nho cho đọc sách là một việc thiêng liêng gần như tụng kinh hoặc dưng hương vậy. Các cụ phải mặc áo, chít khăn chỉnh tề, ngồi ngay ngắn trước án thư, chân xếp bằng tròn, có khi lại gây một lư trầm hoặc tắm gội xong mới đọc sách. Cụ nào phong lưu thì phòng ban đêm đốt toàn bạch lạp chứ không dùng đèn. Thực nhiêu khê và cũng tốn tiền quá. Nhưng ta nên nhớ các cụ chỉ đọc kinh, thư, một vài tập cổ văn hoặc Đường thi thôi, còn các tiểu thuyết hoặc tuồng thì các cụ cho là ngoại thư, không đáng đọc. Tình sử hay liêu trai chẳng hạn, đối với hạng nhà nho quá nghiêm khắc ấy, là những dâm thư không nên có trong tủ sách.

Tôi xin thú thực không thể tập thái độ kính cẩn ấy của các cụ. Không biết có phải do di truyền không, chứ trong gia đình tôi, đã năm đời rồi, người nào đọc sách thì cũng thích nằm. Mà tôi chắc phần đông người Việt chúng ta đều như vậy cả, xưa cũng như nay, nếu không sao lại có câu:

Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm để chỉ các thầy đồ, thầy khóa?

Riêng tôi, tôi thấy đọc sách mà nằm trong một cái ghế xích đu thì thú hơn và mau hiểu hơn là ngồi đọc nhiều lắm. Ta làm việc bằng tinh thần thì sao không cho các bắp thịt duỗi ra, thân thể được nghỉ ngơi để óc dễ suy nghĩ, can chi phải ngồi ngay ngắn suốt cho nhọc cái xác? Đã đành trạng thái của thân thể ảnh hưởng đến tinh thần nhưng tại sao cứ đọc sách thì luôn luôn phải nghiêm trang và tại sao nằm thì tinh thần lại không nghiêm trang?

Tôi nhớ, hồi còn ở Bắc, những đêm đông, gió bấc rít ngoài đường, nằm trong một phòng kín, mền kéo tới cổ, vừa ăn đậu phộng rang vừa đọc sách; ôi! thú tuyệt. Ấy là chưa được đọc những cấm thư đấy.

Những lúc đó mà bảo tôi phải ngồi dậy, mình ngay ngắn, hai tay đặt lên bàn đàng hoàng thì chắc tôi phải cho đọc sách là một cái nợ mất.

Tuy nhiên tôi không dám cho đọc nằm là một nguyên tắc phải theo đâu. Chẳng qua là tùy thói quen của mỗi người và tôi cũng nhận rằng đọc nằm có chỗ này bất tiện: khó ghi chép lắm. Có người còn bảo cách đó dễ khiến ta buồn ngủ. Tôi không tin vậy vì tôi càng đọc càng tỉnh, trừ những cuốn mà tác giả nên cho bán tại các tiệm bào chế để làm thuốc ngủ thì không kể.

Vả lại, có loại sách như sách toán không thể nằm mà đọc, phải ngồi mà học; ngồi học cũng chưa đủ, phải đứng mà học, đứng trước bảng đen với một cục phấn.

6. ĐỌC SÁCH VỚI CÂY VIẾT TRONG TAY

Tôi quen nhiều anh bạn “cưng” sách lạ lùng, không còn vết gom không. Viết lên sách – dù viết bằng bút chì – là một việc họ thâm oán.

Trước khi cho ai mượn sách, trường hợp đó hiếm lắm, họ dặn đi dặn lại: “Đừng viết gì vào sách nhé”.

Sách của họ lúc nào cũng mới nguyên, làm tôi phải tự hỏi không biết họ mua về rồi có đọc không.

Cẩn thận như vậy là một đức tốt, song tôi nghĩ trừ một ít số sách quí, ta chỉ nên coi sách là một đồ dùng hơn là một vật để ngắm như lọ cổ, và những cuốn nào không có dấu ghi cùng nét chữ của tôi thì dù đã đọc nhiều lần, nó đối với tôi vẫn như một người lạ. Cuốn nào tôi yêu nhất là cuốn tôi đã gởi tâm hồn vào đó nhiều nhất, nghĩa là đã ghi đặc những nhận xét, phê bình của tôi. Năm năm, mười năm sau, đọc lại những cuốn ấy, tôi có cảm tưởng như thăm những bạn cũ.

Tôi mới lật ra coi lại bộ “Âm băng thất toàn tập” của Lương Khải Siêu. Trang này có dấu hỏi. Gì đây? À, phải, hồi đó tôi chưa hiểu từ ngữ “lỗ ngư thỉ hợi” đọc tới đó bí, tra từ điển của Đào Duy Anh không thấy, phải viết thư về hỏi một ông bác.

Rồi chỗ này nữa, có dẫu chấm nhễu (!) Lương Khải Siêu chê người Phương Đông không có tư đức mà không có công đức. Lời ấy có thực đúng không!

Đọc những hàng viết chì nguệch ngoạc trong bộ Nho Giáo của Trần Trọng Kim tôi thấy tư tưởng tôi hồi trước nhiều chỗ ngây thơ đến nực cười, chẳng hạn cho Mạnh Tử là sâu sắc hơn Khổng Tử.

Trang nầy trong “Nửa chừng xuân” gợi cho tôi những ngày ở Rạch

Giá ra bờ biển ngắm hòn Kim Qui, trang nọ trong La Peur de Vivre của Henri Bordeoux làm cho tôi nhớ lại những ngày thảnh thơi bên những rừng chàm và đước ở Gò Quao.

Nếu ta sợ ghi như vậy, người khác đọc được tư tưởng của ta thì ta có thể thận trọng khi cho mượn sách hoặc dùng những dấu hiệu chỉ riêng ta hiểu.

Một tác giả Pháp đặt ra tới 22 dấu hiệu. Theo tôi. Như vậy nhiều quá, chỉ mươi dấu cũng đủ. Chẳng hạn:

là thiếu

!

là chưa chắc đúng

- - là lặp lại ?

là không hiểu

V

là vụng

G

là đáng ghi

S

là sai

N

là tra nghĩa

X

là hay

Bạn muốn đặt dấu nào, tùy ý. Điều quan trọng là khi đọc sách phải có cây viết trong tay.

Gặp những đoạn quan trọng mà sau này bạn muốn đọc lại, bạn nên đánh dấu ở bẳng Mục Lục, hoặc tốt hơn nữa, tóm tắt ý rồi ghi số trang ở những tran bỏ trắng đầu sách (page de garde).

7. VÀI QUI TẮC NÊN THEO

Chương III tôi đã nói người tự học phải đọc:

- những sách về nghề nghiệp của mình,

- những sách để tự luyện tâm hồn,

- những sách mở mang trí tuệ để làm tròn phận sự một người cha, một người công dân và một phần tử của nhân loại.

Chương trình đã rộng như vậy thì không thể đợi đọc hết sách trong loại này rồi mới qua loại khác. Như loại thứ ba, để mở mang trí tuệ thì đọc suốt đời cũng không hết.

Vậy trong một thời gian nào đó ta có thể đọc đủ cả 3 loại ấy. Như thế có cái lợi là đỡ chán, khỏi phải đọc hoài một loại. Tuy nhiên việc gi gấp thì nên làm trước. Chẳng hạn khi mới vào làm một sở, hãng nào thì sự trau dồi nghề nghiệp là việc cần nhất.

Có vài qui tắc nên theo:

- Khi học về một môn, nghiên cứu về một vấn đề nào, nên tiến cho tới cùng, đừng bỏ dở. Bỏ đi 5-7 tháng, học lại sẽ mất cái đà và do đó, tốn thì giờ.

- Khi đọc về một đầu đề nào thì nên thu thập nhiều tác phẩm của nhiều tác giả để được nghe mọi tiếng chuông và so sánh ý kiến của mỗi nhà.

Đọc về đạo Khổng chẳng hạn, bạn phải kiếm bộ Nho Giáo của Trần Trọng Kim, tập Khổng giáo phê bình tiểu luận của Đào Duy Anh.

Quan niệm của 2 học giả đó trái hẳn nhau: Trần thì duy tâm, Đào thì duy vật. Bạn lại nên đọc Phê bình Nho giáo của Ngô Tất Tố, những bài phê bình Nho giáo của Phan Khôi đăng trong Phụ nữ Tân văn năm 1930, cuốn Lược khảo về học thuyết Khổng Tử của ông Trần Văn Xóc mới xuất bản gần đây (Tam kỳ thư xã), bộ Khổng học đăng của Phan Bội Châu. Nếu có thể được, bạn nên đọc thêm những sách Pháp, Anh nghiên cứu về đạo Khổng để được nghe những tiếng chuông ở phương Tây. Tất nhiên là không nên bỏ qua những kinh như: Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung, Đại Học….

Hoặc đọc kịch L’Avare của Monliere thì cũng nên đọc luôn Eugénie Grandet của Balzac, Les affaires sont les affaires của Octave Mirbeau, Le Solei de Mars của Charles Braibant.

Muốn hiểu lịch sử cách mạng của Pháp mà chỉ đọc những cuốn của Michelet thì chưa đủ. Phải đọc Albert, Mathiez, Gattote, Oetave Aubay… chuyện dã sử của G Lenôtre, cả những tiểu thuyết Madame Thérèse của Emile Zola, Les Dieux ont soif của A. France vì những truyện ấy tả chân đời sống của quần chúng trong thời kỳ cách mạng, từ cách ăn ở đến tâm lý, tư tưởng của họ; đời sống ấy sử gia thường không chép, hoặc chép rất sơ lược, nhưng lại rất quan trọng, và giúp ta hiểu được thời đại.

- Đừng nên trong một thời gian mà đọc toàn những sách nghiêm trang quá, phải xen vào chương trình những cuốn vui mà vẫn bổ ích như du ký, tiểu sử các danh nhân…

Bạn nên nhớ câu này của Francis Bacon: “ Có loại sách chỉ nên nếm, có loại khác chỉ nên nuốt, có ít cuốn cần phải nghiền ngẫm, nghĩa là có những cuốn chỉ nên đọc từng đoạn thôi, có những cuốn nên đọc qua cho biết và ít cuốn phải đọc hết, đọc siêng năng, chăm chú rồi suy nghĩ”.

Ông Bacon còn quên một loại: loại nên liệng đi, như những sách khiêu dâm và những sách làm cho ta buồn ngủ hoặc bực mình. Tác giả những cuốn đó có tội lớn với nhân loại, họ hạ thấp phẩm giá của con người xuống ngang hàng với loài vật, hoặc diệt cái thú đọc sách thiêng liêng của chúng ta. Ai đọc Xuân thu nhã tập mà không thấy thù ghét thơ? Ai đọc Triết học đã đi đến đâu? mà không thâm oán triết lý?

- Ta đọc sách để học thêm, tất nhiên phải tìm tòi suy nghĩ, không nên mới gặp vài chỗ khó hiểu mà đã nản chí. Tuy nhiên có thấy vui thì học mới bền; nếu sách cao quá thì nên cất đi, để ít năm sau sẽ đọc lại.

Như đọc Phật giáo của Trần Trọng Kim mà thấy khó hiểu qua thì hãy đọc Phật giáo đại quan Phạm Quỳnh và Ánh Đạo vàng của Võ Đình Cường đi đã. Cuốn trên lý luận rất sáng sủa, cuốn dưới lời văn cảm động.

8. ĐỌC LẠI

Đọc một lần chưa phải là học. Vì chỉ mới có những cảm tưởng mờ
mờ, không nhớ rõ được gì. Nên phải đọc lại.

Nhiều tác giả khuyên trước khí đọc một cuốn nào hãy mở coi mục lục, suy nghĩ về nhan đề mỗi chương đã.

Trong cuốn này, như bạn đã thấy, đầu mỗi chương tôi có chép lại ý trong chương. Chẳng hạn như chương sau có 5 điểm:

1- Bốn qui tắc của Descartes.

2- Giả thuyết và thanh kiến.

3- Lý luận bằng cách loại suy.

4- Tật “sờ voi”.

5- Chính danh là việc cần thiết.

Bạn suy nghĩ, tìm ý về mỗi điểm ấy xong rồi hãy đọc để so sánh ý của bạn với ý của tôi.

Rồi trước khi đọc lại lượt thứ nhì, bạn cũng nên theo bảng mục lục (1), rán nhớ lại những ý tôi đã phô diễn xem có nhớ đủ không.

Lối đọc sách đó rất có lợi, luyện óc phán đoán và ký tính của ta.

Nên đọc lại lúc nào? Sau khi đọc xong mỗi chương hay sau khi đọc đã hết cuốn?

Điều ấy còn tùy loại sách: đọc tiểu thuyết thì có thể đọc theo cách sau; đọc về triết lý thì phải theo cách trước. Cũng còn tùy tính tình mỗi người, như trên tôi đã nói; Emile Faguet đọc mỗi đoạn mỗi ngừng để suy nghĩ, phê bình; Jules Lemaitre thì để tác giả lôi cuốn, phải đọc một hơi cho hết.

Sách hồi này nhiều quá mà cũng rẻ quá. Phải, dù sao sách cũng vẫn là rẻ. Bạn thử tưởng tượng 50 năm trước, các cụ muốn kiếm một quyển Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ phải mất bao nhiêu tiền và công phu. Ông nội tôi ở Sơn Tây, phải nhắn người ở Hà Nội mua giùm vì bộ đó chỉ bán ở phố Hàng Gai. Phải tốn 1 quan tiền, bằng 400-500$ bây giờ (2) và phải đợi hàng tháng mới có. Còn bây giờ chúng ta chỉ bỏ ra bốn chục đồng là có ngay một bản dịch của Trúc Khê.

Vì sách rẻ lại nhiều nên chúng ta quen đọc rất mau, phí thì giờ mà lại không có ích lợi gì cho ta cả.

-----------------------

(1) Bảng Mục lục rất cần thiết. Một bảng Mục lục đầy đủ chi tiết giúp ta dễ kiếm lại mỗi đoạn chính trong sách. Tiếc rằng ở nước ta, nhiều tác giả chưa thấy sự lợi ích ấy. Ngay như Trần Trọng Kim soạn bộ

Nho Giáo công phu như vậy mà cũng không làm một bảng mục lục cho kỹ lưỡng. Thiên “Hình chi ha học” dài 80 trang trong đó có 4 phần, mỗi phần lại chia làm nhiều đoạn mà trên bảng Mục lục ta chỉ thấy mỗi hàng ghi nhan đề của thiên thôi. Thành thử có lần tôi muốn coi lại tư tưởng của Khổng Tử về hiếu, lễ…phải lật từng trang trong thiên để kiếm.

Một tác giả Pháp nói rằng hễ gặp cuốn sách nào mà không có Mục lục thì nên liệng nó đi. Lời ấy không phải là quá đáng.

Tôi muốn nói thêm: Cuốn nào mà Mục lục sơ sài quá thì dù bán rẻ mấy cũng vẫn là đắt vì muốn dùng nó ta phải bỏ ra 1-2 giờ làm lại bản mục lục. Trong 1-2 giờ đó ta có thể kiếm được đôi ba giá tiền cuốn sách.

Đọc bảng mục lục những sách khảo cứu của Âu, Mỹ mà ham: phân minh, đầy đủ; lại có thêm những bảng ghi tên hoặc ý đã kể trong sách, sự tra cứu, nhờ đó dễ dàng vô cùng.

(2) Hồi ấy lương Huấn Đạo, Giáo thụ là 10 quan và một đồng ăn 8 quan.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro