Tu mot lan an hon

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TT - Năm 1969 tôi 17 tuổi, nhập học Trường trung cấp kỹ thuật Mỏ thuộc Bộ Điện và than. Trường đóng rải rác giữa một vùng đồi núi xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Ở sơ tán, lại lần đầu tiên sống xa nhà, chúng tôi thiếu thốn đủ thứ: thiếu mặc, thiếu nước tắm, thiếu gia đình, thèm nếp sinh hoạt tự do thoải mái những ngày còn ở quê. Tuy nhiên đang tuổi ăn tuổi lớn chúng tôi dễ dàng vượt qua tất cả, nhưng có một cái thiếu mà con người ta tuổi càng trẻ càng không dễ vượt qua, đấy là thiếu ăn.

Bữa ăn nào khẩu phần của mỗi học sinh chúng tôi cũng chỉ được hơn hai sét bát cơm nấu bằng một thứ gạo hẩm, hoặc hai vắt mì luộc to bằng cái trôn bát nặn từ một thứ bột mì đen đầy mọt, cứng như đá. Thức ăn là rau muống dai nhách hầm với muối trong một chiếc chảo gang lớn, đường kính cỡ 1,2m; vì vậy mà nước canh trông cứ đen sì như nước kênh Bình Đông hoặc Nhiêu Lộc hồi chưa cải tạo.

Mà thứ cơm gạo ấy cũng không đủ no. Chúng tôi đói kinh khủng. Ngồi học bài mà đứa nào cũng chỉ nghĩ đến ăn, mọi câu chuyện rốt cuộc lại chỉ có câu chuyện về ăn là sôi nổi nhất. Nhiều kỷ lục được lập nên, thằng Khoát quê Hưng Yên, người to cao, trong một lần về quê mang ra được ít gạo đã cân đúng một cân gạo rồi nấu thành cơm ăn biểu diễn cho chúng tôi xem. Chúng tôi đứa nào cũng nghĩ Khoát khó lòng ăn hết, nhưng chỉ 15 phút sau cơm trong nồi đã không còn một hạt.

Khoát vỗ gối đứng dậy, bắt chúng tôi dẫn ra quán nước chè chén đãi hắn như cam kết. Thằng Thạo người Sơn Tây có tài ăn hết một sải chè (bất kể chè gì), nghĩa là chè nấu xong múc ra bát xếp theo hàng dọc dài đúng một sải tay của Thạo, Thạo chén hết bay. Bình "toác" người Nghệ An có thể ăn một mạch 20 que kem,... Trong hoàn cảnh ấy, việc đứa này đứa nọ ăn hỗn một tí không phải là chuyện hiếm, và đấy cũng chính là chuyện mà tôi sắp kể.

Lần ăn trưa ấy, tổ tôi 12 người chia làm hai mâm. Không biết do ông bạn trực nhật lớp phụ trách việc chia cơm hôm ấy cân đong không đều tay, hay do nhà bếp thiếu công tâm mà lượng cơm của mâm tôi hơi ít. Ăn xong bát thứ nhất, nhìn âu cơm tôi biết nếu mình xúc bát thứ hai bình thường như mọi ngày thì sẽ không có lượt thứ ba. Nghĩ vậy, tôi bèn vục bát vào âu cơm xúc bát thứ hai đầy có ngọn. Hành động của tôi bị cả mâm nhận ra ngay và mọi người lập tức phản ứng. Xong bát cơm ăn dở đang cầm trên tay, năm người không ai bảo ai cùng nhất loạt buông bát. Tôi ngạc nhiên:

- Ơ, cơm còn nhiều sao chúng mày không ăn nữa?

- Thôi, mày đói để mày ăn!

Khoát trả lời.

Biết mình bị bạn bè phản đối, tôi im lặng ăn mà không nói gì, hai tai nóng bừng, mặt dần đỏ lên như quả gấc chín. Xong bát cơm, dù bụng đang đói, dù cơm trong âu vẫn còn nhưng tôi không dám ăn tiếp mà lặng lẽ xếp âu cơm lại. Từ đó cho đến tối một cảm giác ân hận, xấu hổ tràn ngập trong tôi. Tôi không trách bạn bè, chỉ trách mình đã quá tham ăn.

Quyết lập công chuộc tội, buổi tối trong lúc cả lớp ngồi học bài, tôi lấy số gạo chống đói của mình trong ruột tượng ra (hầu như đứa nào trong chúng tôi cũng có một kho lương thực dự trữ như thế) nấu một nồi cháo thật ngon để chiêu đãi bạn bè cùng mâm. Nấu xong, tôi lấy một tờ báo trải rộng trên nền đất, múc đủ sáu bát bày sẵn rồi vào rỉ tai từng đứa mời ra ăn cháo. Nhưng không một đứa nào nhận lời.

- Thôi, mày đói để mày ăn!

Lần này đến lượt thằng Thạo, quê Hà Tây, người ăn hết một sải chè nói với tôi trong khi mắt hắn vẫn chúi vào trang sách.

Tôi lặng lẽ quay ra. Đổ nồi cháo đi thì tiếc, nhưng không thể ngồi ăn một mình, tôi lại quay vào lớp bấm khẽ vài ba thằng bạn khác tổ khác mâm ra cùng ăn. Không được mục kích việc ăn hỗn của tôi ban trưa, những thằng bạn may mắn được tôi mời đều ăn một cách hồn nhiên say sưa, đứa nào cũng tấm tắc khen cháo ngon.

Câu chuyện trên xảy ra vào một ngày xấu trời của tháng 11-1969.

Từ đó đến nay 40 năm đã trôi qua, tóc trên đầu tôi đã chuyển màu hoa râm. Lứa bạn bè cùng lớp xây dựng mỏ 69 với tôi ngày ấy đến nay đứa chết, đứa nghỉ hưu, đứa trở thành lãnh đạo của công ty, đơn vị lớn. Tôi cũng đã trải qua một số cương vị công tác khác nhau, và câu chuyện trên trở thành một kỷ niệm tôi mang theo suốt đời.

Bài học rút ra từ đấy đã giúp tôi sống trong sạch hơn, dù ở đâu, trên cương vị công tác nào, không bao giờ tôi còn muốn ăn hơn người khác dù chỉ một bát cơm hay một đồng cắc nhỏ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro