CHƯƠNG 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi thấy hơi cạn lời, thầm nghĩ cậu cũng rảnh dữ vậy.

Quân quay đầu lại, để lộ gương mặt sáng sủa ưa nhìn, hơi nhướng lông mày:

"Nãy tui có giơ điện thoại cho cậu đọc mà cậu không để ý."

So với tấm lưng còn đem lại chút cảm giác quen thuộc, gương mặt cậu ta lại có phần hơi xa lạ. Lớp của tôi giữ nguyên sỉ số trong suốt ba năm cấp ba, Quân ngồi trước mặt tôi nguyên năm lớp 11, đến năm 12 thì chuyển xuống bàn cuối cùng. Hai chúng tôi cũng có khoảng thời gian dính lấy nhau như anh em, hình như chính là khoảng thời gian hiện tại này thì phải, sau đó thì không nhớ tại sao lại dần không còn được thân thiết như ban đầu nữa.

Quân là người từ ngoài bắc chuyển vào, ban đầu với ai cũng xưng tui gọi cậu. So với lũ con trai khác trong lớp suốt ngày mày mày tao tao, xưng hô kiểu này có hơi nổi da gà. Nhưng bố mẹ tôi cũng là người gốc bắc, tôi lại nói chuyện nhiều với cậu ta hơn những người khác, nghe nhiều thành quen. Hơn nữa giọng cậu ta rất hay, nghe nhiều sẽ thấy có mấy phần thân thiết. Sau này cậu ta dần sửa miệng, thi thoảng sẽ xưng tao mày với người khác, thế nhưng với tôi thì vẫn gọi như cũ.

Tôi ngẫm nghĩ, vẫn không thể nhớ được hai đứa không còn thân thiết từ khi nào thì quyết định không làm khó bản thân nữa. Chuyện gì tới thì sẽ tới thôi.

Tôi bảo Quân quay lên kẻo bị giáo viên phát hiện rồi tịch thu điện thoại. Ở thời điểm này giá một chiếc điện thoại thông minh không hề rẻ, nếu để bị thu mất không khéo bố mẹ đánh què chân cậu ta.

Lại ngồi thêm một tiết địa lý, cuối cùng trống tan trường cũng vang lên. Tôi phải mất một lúc mới tìm được chiếc xe đạp mình từng đi hồi cấp 3 trong nhà giữ xe. Nhà tôi cách trường năm cây số, đạp xe bình thường mất nửa tiếng, lần này tôi đi chỉ mất hơn hai mươi phút. Tuổi trẻ thật là tốt, tôi ở tuổi hai mươi tám đến việc đi bằng hai chân cũng rất khó khăn rồi.

Thực ra tình hình gia đình năm lớp 11 của tôi khá bất ổn, nhưng nếu trở lại năm lớp 12 thì tôi sợ mình không kịp chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Nếu không phải vì suy nghĩ để tương lai có nhiều lựa chọn hơn, tôi cũng không chọn thời điểm này để 'quay về'.

Vừa bước vào cửa, trong nhà đã vọng ra tiếng mắng chửi của mẹ tôi. Hẳn là bà ấy lại đang cằn nhằn về một việc vặt vãnh nào đó không vừa ý. Không phải là kiểu cằn nhằn bình thường, bà mẹ nào cũng sẽ nói hơi nhiều tôi biết, nhưng mẹ tôi là kiểu chì chiết không buông tha, đặc biệt là với bố tôi. Bố tôi cũng không phải là người giỏi nhẫn nhịn, vậy nên việc to tiếng qua lại nhiều như cơm bữa. Tôi còn từng thấy họ động chân động tay với nhau vài lần.

Tôi chẳng biết ban đầu họ lấy nhau vì điều gì, chỉ thấy bây giờ mọi hành động của đối phương trong mắt họ đều trở thành một tội ác đáng kinh tởm. Họ đã như thế này suốt mấy năm rồi, tôi thật không thể hiểu nổi điều gì đã khiến họ vẫn còn luyến tiếc cuộc hôn nhân này mãi tới tận cuối năm nay mới ly hôn.

Tôi bước nhanh qua phòng khách, mặc kệ âm thanh ồn ào dưới bếp mà đóng chặt cửa phòng ngủ lại. Dù đã suy nghĩ rất nhiều trước khi 'quay về', nhưng giờ tôi vẫn cần phải hoạch định rõ ràng cho tương lai ở dòng thời gian này. Tôi không định trở lại cái hiện tại kia nữa nên nơi này sẽ là cuộc sống duy nhất, tôi cũng không muốn nó sẽ tẻ ngắt như những lần trước.

Ở dòng thời gian đầu tiên, tôi đã bị ảnh hưởng khá nhiều từ cuộc ly hôn của bố mẹ mà trở nên nổi loạn trong suốt năm lớp 12, dẫn đến kết quả thi đại học không được như mong muốn. Năm đó nguyện vọng của tôi là được học về Cơ Điện Tử của đại học Bách Khoa, nhưng vì thành tích không tốt nên tôi đã chọn đại một ngành kinh tế của một trường đại học hạng trung. Tôi cảm thấy học kinh tế cũng không tệ, nhưng bây giờ có cơ hội làm lại có lẽ tôi sẽ thử cố hết sức vì nguyện vọng còn dang dở này xem sao.

Một lát sau, trận cãi vã kết thúc bằng việc bố tôi bỏ ra khỏi nhà, thường là sẽ không về nhà cho tới tối mịt. Hồi đó tôi không biết ông ấy đi đâu, sau này khi ổng tái hôn với chủ tiệm gội đầu ở cuối đường sau khi chỉ mới ly hôn ba tháng, tôi mới nhận ra rằng người bố mà bình thường mình vẫn luôn tôn trọng hóa ra vẫn luôn lén lút có nhân tình khác ở bên ngoài trong suốt một thời gian dài mà không ai hay.

Mẹ mở cửa phòng tôi một cách đột ngột, gọi tôi ra ăn cơm trưa bằng một vẻ mặt cau có. Tôi nhìn món sườn chua ngọt trên mâm, ngạc nhiên khi thấy mình vẫn nhớ rõ mùi vị này dù đã thật lâu rồi chưa được nếm lại. Hai mẹ con cúi đầu ăn cơm mà không trò chuyện gì. Sự ngột ngạt này đã từng làm tôi cảm thấy muốn phát điên.

Nhưng, giờ tôi đã không còn là thằng nhóc yếu đuối suy sụp chỉ vì một thái độ của họ nữa, tâm hồn của tôi đã là một người đàn ông trưởng thành rồi.

Buổi chiều, khi tôi đang vùi đầu cố gắng nạp lại mớ kiến thức hóa học hỗn loạn vào đầu, chiếc điện thoại Nokia cục gạch của tôi nhận được tin nhắn đến. Người gửi được lưu tên là "Quân 11A3", tin nhắn chỉ có mấy chữ:

"Đánh bóng rổ không?"

Theo bản năng của một gã dân văn phòng lười vận động chuẩn mực, tôi định từ chối. Sau đó tôi chợt nhớ ra cơ thể này hiện tại là một thiếu niên có thể đạp xe năm cây số không thở dốc chứ không phải một gã đàn ông sắp ba mươi rệu rã vì ngồi quá nhiều nữa, tôi đột nhiên cảm thấy mình rất muốn ra một chút mồ hôi. Nghĩ rồi tôi nhắn lại đúng một chữ "đi".

Trường cấp 3 Ngọc Hà mới xây lại năm ngoái, nhờ thị xã C cuối cùng cũng được thăng cấp lên thành phố C nên chính quyền cũng đầu tư hơn cho cơ sở vật chất của ngành giáo dục. Sân sau của trường được dọn sạch sẽ, tạo thành một sân bóng đá và một sân bóng rổ. Tuy sân bóng đá không có nhiều cỏ, sân bóng rổ vẫn là nền xi măng, nhưng méo mó có vẫn hơn không. Mấy thằng con trai lớp tôi gom tiền mua mấy trái bóng rổ, thường xuyên hẹn nhau cùng chơi vào cuối chiều. Đối với tôi thời đó thì đây là khoảng thời gian thư giãn nhất trong suốt mấy năm cấp 3 này.

Nửa tiếng sau tôi đã có mặt tại sân bóng rổ, nơi gần mười tên nhóc choai choai đang tranh nhau mấy quả bóng. Quân vừa thấy tôi đã làm một động tác cướp bóng rất gọn gàng từ tay một cậu nhóc khác, sau đó ném về phía tôi. Tôi đưa tay bắt lấy, chạy mấy bước ném về phía rổ. Cơ thể trẻ trung này vẫn còn nhớ động tác, quả bóng bay thành hình vòng cung rất đẹp rồi chui thẳng vào rổ. Vài đứa huýt sáo khen ngợi, chính tôi còn ngạc nhiên về chính mình.

Quân vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục, chạy lại khoác vai tôi:

"Lên tay dữ ta."

Tôi có hơi bất ngờ với sự tiếp xúc gần gũi này. Càng lớn con người ta càng ít chạm vào nhau. Đặc biệt là với cánh đàn ông, việc thân cận với ai đó bị cho là không chững chạc và thiếu lịch sự, đôi khi còn là biểu hiện cho bản tính ủy mị yếu đuối. Tính ra thì phải đến mười mấy năm tôi không ôm ấp ai rồi.

Quân không đọc được những suy nghĩ trong đầu của tôi, sự chú ý của cậu ta nằm ở chỗ khác:

"Đồng hồ mới à? Cất đi kẻo bị đập hỏng đấy."

Tôi lách khỏi người cậu ta, ngờ vực hỏi:

"Cậu thấy nó à?"

"Từ sáng tui đã thấy rồi mà chưa kịp hỏi thôi."

Tôi hơi ngạc nhiên, trong tất cả những lần 'quay về' trước, dường như không ai để ý đến chiếc đồng hồ đột nhiên xuất hiện này cả. Hơn nữa đồng hồ còn không thể tháo ra được, chỉ có thể đeo chết dí trên tay. Trước đây mỗi lần 'quay về' tôi đều không quá quý trọng, nhưng lần này đúng là phải bảo vệ nó cẩn thận một chút.

"Quai bị hư rồi, không tháo được."

Quân tỏ vẻ không tin mà nhìn tôi:

"Mới mua đã hư rồi? Đưa tui xem xem."

Tôi giấu tay mình ra sau lưng:

"Không cần, quay mặt đồng hồ vào trong là được. Đi, mấy đứa kia chia đội ra đấu rồi kìa."

Có tôi đến là vừa đủ mười mống, đủ chia làm hai đội. Tôi và Quân bỏ lỡ mất phần chia đội nên đành tách ra mỗi đứa mỗi bên. Tôi nhìn team mình, chẳng có ai cao bằng cậu ta cả, đội bên kia cũng đều thấp hơn cậu ta một chút. Một người vỗ lưng tôi từ phía sau:

"Tôi với cậu làm Tiền phong, kèm chết thằng Quân cao kều đi."

Thằng nhóc vỗ tôi có mái đầu hơi hoe hoe vàng, tôi nhớ hình như tên nó là Nghĩa. Tôi nhớ thằng này học tốt, thần kinh vận động cũng tốt, mặt mũi cũng đẹp trai, sau này thi đỗ vào trường quân đội, đám cưới của cậu ta có mời nhưng tôi không có thời gian đi.

Tôi gật đầu với nó, đúng vào vị trí.

Chiều hôm đó tôi chơi rất sảng khoái. Tuy chỉ là một đám choai choai từ kỹ thuật đến luật chơi còn chưa nắm rõ nhưng đứa nào cũng rất nhiệt huyết. Người chơi tốt nhất là Quân, vì cậu ta dáng vừa cao vừa nhanh nhẹn, nhưng tôi và Nghĩa lại ăn ý với nhau một cách bất ngờ nên vẫn cầm chân được cậu ta. Tôi ném được một quả ba điểm, còn lên rổ được hai lần, cảm thấy hào hứng vô cùng.

Nhà trường khá tâm lý lắp thêm mấy bóng đèn ở sân bóng rổ, chúng tôi chơi đến tối mịt. Mấy trận đấu kiểu này thường sẽ kết thúc bằng một pha ghi điểm gây tranh cãi, cãi nhau chán thì sẽ giải tán. Tuổi trẻ có cái tốt là dù hôm nay có chửi đứa kia là thằng đầu b**i chơi bẩn thì hôm sau vẫn có thể bá cổ gọi nhau là đồng đội tốt như thường.

Cái đồng hồ trên tay trái vốn là thứ vô dụng, tôi phải xem giờ bằng chiếc điện thoại cục gạch. Đã gần tám giờ, lúc tôi rời nhà không thông báo cho ai, giờ cũng chẳng ai nhắn tin hay gọi điện hỏi xem tôi đang ở đâu. Thôi, vốn tôi cũng chẳng mong chờ gì ở cặp phụ huynh đến chuyện của mình còn chưa lo nổi kia.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro