Phố Sơn Đường, dịch bệnh và Tây An

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giáng Sinh năm 2019, tôi gửi một bức ảnh cho thầy qua Wechat, nói: "Bạn em của chụp ở Nam Kinh này, nghe bảo bên đó trang hoàng đón Giáng Sinh đẹp lắm. Tô Châu chỗ thầy có trang trí giống vậy không?"

Thầy trả lời rất nhanh, bảo: "Không rõ nữa, chỗ tôi ở là khu thành cổ, không có nhiều nhà cao tầng như vậy lắm, hay là chiều tan làm về tôi đi dạo một vòng chụp cho em xem nhé?"

Tôi hỏi: "Thầy ở khu thành cổ à? Có gần chỗ nào đẹp đẹp không?"

Thầy đáp: "Hình như gần đây có một phố cổ, tên là phố Sơn Đường, có vẻ cũng nổi tiếng."

Tôi nhớ lại mấy dòng trên Baidu: "Phố Sơn Đường nằm ở phía Tây Bắc thành cổ Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô, phía Đông kéo dài đến Xương Môn - chốn phú quý phong lưu nhất nhì trong cõi hồng trần, phía Tây kéo dài đến Hổ Khâu - danh thắng đệ nhất Ngô Trung, độ dài chừng bảy dặm, nên được gọi là bảy dặm Sơn Đường đến Hổ Khâu."

Một nơi lừng lẫy như vậy bị thầy khái quát lại trong năm chữ "có vẻ cũng nổi tiếng" làm tôi cũng ức thay cho nó.

Tôi gửi cho thầy bức ảnh đại diện trên Facebook của mình lúc đó, hỏi: "Có phải nơi này không?"

Thầy đáp: "Đúng rồi."

Trước đó tôi thật sự không biết thầy ở gần phố Sơn Đường, nhưng trùng hợp thế nào lại lấy cái ảnh này làm avatar Facebook.

Tôi nghĩ, đó cũng là duyên phận.

.....

Tối hôm đó, trời Tô Châu lạnh lắm, nghe thầy bảo gần 0°C cơ. Thế mà thầy ra ngoài chụp ảnh phố phường cho tôi xem thật.

Có vẻ khu thầy ở quả thật quá truyền thống, hầu như chẳng ai trang hoàng mừng Giáng Sinh gì, bởi vì nhiều người Trung Quốc cho rằng đó là lễ của phương Tây. Thầy chụp cho tôi xem khung cảnh về đêm của phố Sơn Đường, nét cổ kính vẫn còn giữ được rất nguyện vẹn, tường trắng ngói đen đặc trưng của vùng Giang Nam, thêm mấy chiếc đèn lồng đỏ trước cửa. Đặc sản của Trung Quốc là người, dù là đêm đông lạnh giá mà nơi này vẫn rất đông, ai nấy đều mặc áo choàng dày, đội mũ len.

Tôi thường oán giận nói với bạn thân rằng kỹ năng chụp ảnh của thầy quá kém, rõ ràng cảnh đẹp như thế mà rơi vào tay thầy cũng tầm thường đi. Nhưng thật ra, giữa đêm đông lạnh lẽo đến vậy còn có người chui ra đường chụp ảnh cho mình xem, tôi cũng cảm động lắm.

Chụp được vài bức, thầy đã về nhà, bảo trời lạnh lắm. Lúc đó tôi còn hơi dỗi, trách sao thầy về sớm thế. Bây giờ nghĩ lại, mới cảm thấy may mắn.

Khi ấy, tôi trò chuyện bâng quơ với thầy, có nhắc tới tin dịch viêm phổi lạ mới xuất hiện ở Vũ Hán mà đọc được trên báo. Tôi hỏi: "Thầy có biết về dịch này không?"

Thầy đáp: "Có đọc tin tức, hình như cũng khá nghiêm trọng đấy."

Tôi hơi lo lắng, hỏi: "Có khi nào lan tới Tô Châu không?"

Thầy bác bỏ, bảo: "Không thể nào đâu, Tô Châu cách Vũ Hán xa như vậy mà, huống hồ chi Tô Châu xưa nay là chốn phong thủy bảo địa, thiên tai nhân họa ít khi tới được lắm, em đừng lo."

Lúc đó tôi cũng tin thầy, có điều cứ luôn thấy lo lo trong lòng, linh cảm bất an.

Mấy ngày sau, dịch bệnh lan rộng. Đến khi dịch lan tới Thượng Hải sát bên cạnh Tô Châu, người Tô Châu mới biết lo sợ.

Tôi giục thầy đi mua khẩu trang, thầy chỉ mua vài cái KN95, đa số là khẩu trang y tế thông thường, còn than thở khẩu trang KN95 có van đắt quá. Bình thường lúc tôi cần, thầy chuyển cho tôi vài trăm tệ đến cả ngàn tệ cũng chẳng thấy tiếc, bây giờ có mấy chục tệ một cái khẩu trang cũng tiếc, tôi vừa buồn cười vừa thấy vui vui trong lòng.

Những ngày sau đó, chúng tôi theo dõi tin tức mỗi ngày, nhìn từng con số ca bệnh và tử vong tăng lên mà lòng căng thẳng lo âu. Chiết Giang - tỉnh giáp Giang Tô về phía Nam bùng phát dịch trầm trọng. Thượng Hải cách vách Tô Châu cũng dần nghiêm trọng lên, đã có người tử vong. Tôi hỏi một chị có chồng ở Thượng Hải, đến cả chị chồng chị ấy là bác sĩ trong một bệnh viện còn khăng khăng bảo chị ấy hủy vé máy bay đi, đừng bay sang ấy lúc này, tình hình Thượng Hải căng lắm rồi, có người đến khám còn chưa kịp bắt số đã chết.

Tôi sợ vô cùng. Dù rằng lúc ấy Giang Tô vẫn chưa có ca bệnh nào bị phát hiện, nhưng Thượng Hải ở gần Tô Châu thế, lượng người qua lại giữa hai nơi quá nhiều, chỉ e chẳng cầm cự được bao lâu. Quả nhiên, chỉ vài ngày sau, Giang Tô có ca bệnh đầu tiên, rồi thứ hai, thứ ba, thứ n... Con số tăng nhanh chóng mặt, Tô Châu cũng không thoát khỏi số phận.

Đến giờ, nhớ lại những ngày tháng ấy, tôi vẫn cảm thấy hoảng sợ. Cái quãng thời gian đó, mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên tôi làm chính là nhắn cho thầy, hỏi: "Thầy và mẹ vẫn khỏe chứ?"

Lúc nào, thầy cũng chẳng trả lời ngay, mà cứ hỏi lại tôi:
"Thế em có khỏe không?"

Tôi đáp: "Em khỏe lắm."

Thầy bảo: "Chỉ cần em khỏe thì tôi cũng bình an."

Tôi theo dõi dữ liệu ca bệnh từng giờ, nhìn con số càng tăng mà lòng càng lo lắng. Lúc đó, tôi thật sự rất sợ, sợ có một ngày nhắn hỏi "Thầy và mẹ có khỏe không?", chờ mãi chờ mãi mà chẳng ai trả lời.

May mắn rằng, lần nào tôi hỏi, chốc lát sau, bên kia cũng lập tức phản hồi lại tin nhắn: "Thế em có khỏe không?"

Cứ thế, chúng tôi trải qua một cái Tết ảm đạm. Năm nay lại còn không có Táo Quân. Tôi than thở với thầy. Thầy bảo: 'Thế thì xem Xuân Vãn với tôi đi." Học tiếng Trung bấy lâu nay, đây là năm đầu tiên tôi xem Xuân Vãn. Nhìn mọi người vui vẻ trong màn ảnh, nỗi lo âu của tôi cũng bị tạm quên đi.

Qua Tết, Tô Châu bất chợt đổ tuyết.

Tối đó, thầy nhắn cho tôi, bảo: "Tối nay trời lạnh, chắc Tô Châu sẽ có tuyết rơi đấy."

Tôi không tin là thật. Bởi tôi đã chờ Tô Châu có tuyết quá lâu rồi. Từ đầu mùa đông năm trước, tôi đã dặn thầy: "Khi nào Tô Châu có tuyết, thầy nhớ chụp cho em xem nhé. Em ở xứ quanh năm nắng cháy da người, chẳng biết tuyết là gì."

Thế mà chúng tôi chờ đợi cả một mùa đông vẫn chẳng thấy tuyết đâu. Có đợt Nam Kinh đổ tuyết, tôi hỏi thầy: "Thầy ơi, Nam Kinh có tuyết rồi, Tô Châu có tuyết chưa?"

Thầy bảo: "Có, mà có mưa đấy. Nam Kinh có tuyết, Tô Châu thì đang mưa."

Tôi cười méo xệch, nói: "Thôi được, người ta ngắm tuyết, mình thì ngắm mưa vậy."

Thầy thường oán trách Tô Châu mưa nhiều đến thấy phiền lòng. Mùa hạ thì mưa to, mùa đông thì mưa nhỏ mà cứ tí tách rơi mãi chẳng ngừng.

Tô Châu mưa nhiều, chứ ít khi có tuyết. Chúng tôi chẳng ngờ trận tuyết mình mong chờ bấy lâu lại rơi bất ngờ như thế.

Khuya đấy, thầy gửi cho tôi một video. Trong video là cảnh tuyết rơi ngoài cửa sổ phòng thầy. Nói thật, tuyết của Tô Châu chẳng giống trong tưởng tượng của tôi chút nào. Nó quá mỏng. Tôi phải căng mắt ra mới nhìn thấy. Thầy bảo tuyết ở Tô Châu không dày, thường rơi xuống đất là tan ngay, phải quay lại nhanh, không thì lỡ mất.

Nào ngờ, sáng hôm đó ngoài sân nhà thầy còn đọng một lớp tuyết mỏng, tuyết cũng đọng trên xe thầy. Thầy ra trước mui xe, viết lên nền tuyết trắng hai chữ tên tôi: Dao Quỳnh.

Chỉ có vậy, tôi cảm động suýt khóc.

Thầy bảo, năm nay có tuyết đầu xuân, ắt là tuyết rơi báo điềm lành. Có phải là điềm lành hay không tôi cũng chẳng rõ, chỉ biết sau đó mình đã nhận được thông báo dời lịch nhập học của Đại học Tô Châu.

Lúc ấy, tôi đã làm visa xong, đã đặt vé máy bay, rồi còn mua cả vali, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để bay. Cuộc gặp gỡ vào tháng ba khi muôn hoa nở rộ khắp thành Tô Châu mà tôi hằng mong chờ đã không bao giờ thành sự thật.

Thầy bảo tôi hủy vé máy bay, khuyên tôi dù phải bù chút tiền cũng nhất định không được bay sang giờ này. Tôi nhớ trước đây chính thầy từng bảo tôi sang sớm để có thời gian du xuân, bây giờ lại không cho tôi sang. Dường như, tôi đã lờ mờ hiểu được thầy không bình tĩnh như vẫn thường trấn an tôi. Tình hình có lẽ tệ hơn tôi tưởng tượng.

Có một buổi chiều, tôi đang ngồi dịch truyện thì nhận được tin nhắn của thầy, chỉ vỏn vẹn mấy chữ: "Xin lỗi Dao Dao, tôi không chờ em tới được, tôi phải đi trước rồi."

Tôi giật thót tim, run lẩy bẩy gọi lại hỏi xem chuyện gì.

Hóa ra thầy chỉ rời Tô Châu đi về quê bố ở Tây An mấy ngày. Thế mà làm tôi tưởng...

Tôi nói: "Chỉ rời đi có mấy ngày, đâu phải đi luôn không về Tô Châu nữa mà thầy nói nghe ghê vậy?"

Thầy bảo: "Rời xa Tô Châu cứ cảm giác như là rời xa em vậy, cứ thấy buồn lạ thường."

Tôi muốn nói: "Thầy đã ở gần em bao giờ đâu mà nói là rời xa?"

Nhưng chẳng hiểu vì sao tôi lại không nói ra câu ấy. Tôi cảm thấy khi đó thầy rất buồn, thế nên không dám nói nhiều.

Bạn tôi bảo: "Tự dưng gọi về quê bố thì phần nhiều là... về để chịu tang."

Thế mà đúng thật.

Bố mẹ ly hôn từ nhỏ, thầy luôn ở Tô Châu với mẹ, chưa khi nào thấy thầy nhắc về Tây An và bố mình. Lúc về đến Tây An, thầy còn nói với tôi: "Tự dưng nhớ tới câu thơ trong "Hồi hương ngẫu thư": Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi, Hương âm vô cải mấn mao tồi, Nhi đồng tương kiến bất tương thức, Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai?"

Nhiều năm xa cách, Tây An với thầy giờ đây đã như một nơi xa lạ. Những người thân bên nhà bố xa lạ với thầy, mà thầy cũng xa lạ với họ.

Tôi nghĩ, nếu tôi có ở đó, tôi sẽ ôm thầy một cái.

Đáng tiếc, tôi ở cách xa thầy muôn vạn dặm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tanvan