Một người phụ nữ Tô Châu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lúc đó, tôi không ngờ mình sẽ gặp mẹ thầy sớm như vậy.

Nói thật, tôi luôn cảm thấy hơi sợ mẹ thầy, dù rằng khi ấy tôi chưa gặp bà bao giờ. Qua những câu chuyện trên Zhihu, tôi đã nghe rất nhiều người than thở về người Tô Châu bảo thủ thế nào, không thích người vùng khác ra sao. Biết bao cô gái vùng khác yêu các chàng trai Tô Châu đã bị gia đình đàng trai cấm cản quyết liệt, chỉ bởi vì họ thích con dâu là người bản địa.

Mới nghe qua, chắc hẳn nhiều người không tin là thế kỷ hai mươi mốt này còn có chuyện cha mẹ ép duyên con cái, nhưng tôi đã từng gặp một trường hợp thực tế như vậy. Đó là một người chị đã nhắn tin tâm sự với tôi, khi biết tôi cũng phải lòng một người Tô Châu. Bạn trai chị ấy quê gốc Tô Châu, cả hai gặp nhau ở trời Âu xa xôi khi đi du học. Khi yêu nhau, chị ấy chẳng biết anh này như thế nào, chỉ nghĩ là gia cảnh cũng thường thường thôi. Cho đến một hôm, anh ấy đưa chị đi mua quà cho mẹ, chọn một cái đồng hồ, đưa ra tính tiền: nửa tỷ. Chị ấy hoảng hốt hỏi, mới biết mình yêu phải hoàng tử, con trai một gia đình khá giả ở Tô Châu. Chị ấy đã nói thẳng rằng gia cảnh mình chỉ tầm trung ở Việt Nam, mà không giàu ở Việt Nam tức là nghèo nếu so với mặt bằng chung bên đó. Anh kia vẫn trấn an rằng không sao đâu, mẹ anh hiền lắm, dễ tính lắm. Thế rồi, vì bạn trai, chị ấy bỏ hết việc học ở châu Âu, tính đường về Trung Quốc đi học tiếp. Nào ngờ, người mẹ "dễ tính" của anh ấy lại kịch liệt cấm cản, cho rằng không môn đăng hộ đối. Rồi họ chia tay, anh ta nghe lời mẹ đi xem mắt với một cô gái Tô Châu bản địa.

Một câu chuyện thực tế đến trần trụi. Không có hoàng tử nào cưới một cô thường dân cả, ngay cả Lọ Lem cũng phải là con nhà quý tộc.

Tôi hỏi thầy: "Có phải người Tô Châu rất kỳ thị người vùng ngoài không?"

Thầy đáp: "Có phần đúng, nhưng "ngoài" này là người vùng ngoài, chứ không phải người nước ngoài như em, đừng nghe trên mạng nói linh tinh."

Tôi không biết có thể tin được lời này hay không, nhưng có một điều mà những câu chuyện trên mạng nói rất đúng, đó là đàn ông Tô Châu rất nghe lời mẹ, người mẹ nắm quyền trong nhà. Thầy là một ví dụ điển hình. Thầy rất thương mẹ, rất hiếu thảo, đến mức không dám cãi lời chuyện gì. Thầy nói, nhà người ta con cái ngỗ nghịch với mẹ thì còn cha an ủi mẹ, nhưng nhà thầy thì mẹ chỉ có mình thầy mà thôi. Thế nên, bất kể mẹ nói gì, thầy luôn vờ nghe theo trước, sau đó mới nghĩ cách thuyết phục sau. Từ nhỏ đến lớn, thầy chưa từng rời khỏi Tô Châu quá lâu, sinh ra ở Tô Châu, học đại học ở Tô Châu, rồi đi làm ở Tô Châu. Chỉ vì mẹ thầy không chịu rời xa quê, mà thầy thì không muốn để mẹ ở nhà một mình.

Bạn bè tôi luôn bảo phải tránh xa thể loại "con trai cưng của mẹ" như vậy đi, nhưng có lẽ là tình cảm làm mù mắt, tôi vẫn nghĩ như thế cũng tốt. Ít ra, thầy vẫn là một người yêu gia đình, ấm áp và trách nhiệm. Một người mà đến cả với cha mẹ họ còn không đối xử tốt, thì làm sao chắc chắn tương lai họ sẽ tốt với mình, phải không?

Thầy giới thiệu tôi với mẹ thầy là một dịp tôi không ngờ tới. Chẳng là tôi rất yêu thích văn hóa Tô Châu, nhờ thầy dạy tiếng Tô Châu được ít lâu, một hôm nọ, thầy bỗng hỏi: "Em có muốn tìm hiểu thêm về Tô Châu không? Mẹ tôi có thể giúp em, mẹ hiểu biết nhiều hơn tôi, cũng thạo phương ngữ Tô Châu hơn."

Tôi run lắm, nào dám gặp mẹ thầy, sợ đủ điều.

Thầy cười, an ủi: "Mẹ tôi không khó tính đâu. Tôi kể về em với mẹ rồi, sở thích của em giống mẹ, mẹ cũng rất thích em."

Đúng rồi, thầy luôn bảo sở thích tôi giống mẹ thầy, rất hợp ý người lớn tuổi, chẳng biết đang khen hay đang mỉa.

Dù sao, tôi chỉ mong "không khó tính" ở đây sẽ không giống với người mẹ "dễ tính" của anh trai kia.

Cuối cùng, với sự nửa ép buộc nửa nài nỉ của thầy, tôi đã đồng ý gặp mẹ thầy.

Mẹ thầy là một người phụ nữ Tô Châu đúng nghĩa. Vừa gặp bà, tôi đã cảm nhận được một sự nhẹ nhàng tao nhã lạ thường. Bà rất đẹp, một vẻ đẹp khiến người ta thấy dễ chịu, da trắng mịn, nói năng nhỏ nhẹ từ tốn. Có thể thấy, thầy giống mẹ nhiều hơn bố.

Khác với những dự đoán khủng khiếp của tôi, mẹ thầy không hề tỏ vẻ khó chịu gì với tôi, nhưng cũng không quá gần gũi xuề xòa, thân thiện mà không thân thiết. Mẹ thầy hiểu biết nhiều, có chất giọng "Ngô nông nhuyễn ngữ" chính tông, nghe rất thích. Bà vốn là giảng viên ở Viện Âm nhạc của Đại học Tô Châu, thế nên cũng rất giỏi các loại nhạc cụ, lại còn thạo thêu thùa. Ở gần bà, luôn cảm thấy một áp lực vô hình luôn hiện hữu, khiến tôi không dám thở mạnh, không dám ngả ngớn.

Tôi nghĩ, thầy lớn lên bên cạnh một người phụ nữ hoàn hảo như thế, làm sao có thể để một đứa vụng về như tôi vào mắt chứ?

Thầy nói, đôi khi sự hoàn hảo cũng không hẳn là tốt. Không hoàn hảo mới là hoàn hảo nhất. Mẹ thầy tốt như thế, nhưng cuối cùng bố thầy vẫn không thể ăn đời ở kiếp với bà. Có lẽ bởi vì ở cạnh một người quá hoàn hảo luôn mang đến áp lực quá lớn.

Thế nên, bố thầy không chịu đựng được.

Mà người cũ của thầy, cũng không khác gì. Cô ấy không thể chịu đựng được một người đàn ông không nóng không lạnh, lúc nào cũng bình tĩnh đến lạ. Cô ấy và thầy xem mắt rồi kết hôn như cha mẹ hai bên mong muốn, không có tình yêu nồng nhiệt, cũng không có tâm linh tương thông, mỗi người theo đuổi một mục đích sống khác nhau. Thầy muốn gia đình quây quần ấm áp, cô ấy muốn cuộc sống phồn hoa náo nhiệt nơi Thượng Hải. Cuối cùng, mỗi người một hướng, cô ấy đi đến Thượng Hải đi tìm thăng tiến trong công việc, thầy ở lại Tô Châu làm một giảng viên nhàn tản, chăm sóc mẹ, nuôi đàn mèo, tan làm về nhà nấu nướng, cuối tuần ở nhà dọn dẹp cắt tỉa vườn cây cảnh.

Thật ra, tôi cũng không biết mình có phải là người thích hợp hay không, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức, để đến cuối cùng dù có hợp tan cũng không hối hận.

Tôi học phương ngữ Tô Châu, tìm hiểu bình đàn, tập nghe Côn khúc, bắt đầu học thêu thùa. Tôi cố gắng để bước vào thế giới của thầy và mẹ thầy, cố gắng để có thể hiểu và trò chuyện cùng họ. Dần dần, có lẽ những cố gắng của tôi chẳng là vô ích, mẹ thầy dần thân thiết với tôi. Lúc đó gần đến năm mới, nghe tin tôi sẽ sang Tô Châu vào học kỳ mùa xuân, bà đã mời tôi đến nhà dùng cơm.

Thế rồi, dịch bệnh đến. Lời hẹn ấy phải dời lại.

Bây giờ đã đến mùa thu, tôi vẫn chưa được đến nhà thầy nếm thử  món ăn mẹ thầy nấu.

Hai người chúng tôi ở hai đầu thế giới, cách nhau muôn vạn dặm, nhìn nhau qua lớp màn hình lạnh lẽo.

Gần đây, nghe thầy tình cờ nhắc tới "Lưỡng địa thư" của Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình, tôi bỗng chợt nảy ra một ý nghĩ. Thất Tịch sắp tới, tôi đã luyện chữ cho thuận mắt một tí, muốn viết một phong thư cho thầy, gửi cùng với chiếc khăn thêu, và muôn nỗi nhớ mong.

Mong thế giới bình yên trở lại, chúng ta sẽ gặp lại nhau vào một ngày hoa nở.

Chợt nhớ lời bài hát "Thư tình Tô Châu" mà thầy từng hát tặng tôi:
"Có lẽ tôi nên gửi một phong thư tình
Làm bạn cùng người đi hết con đường Bình Giang ngàn năm
Tôi ở Tô Châu dõi bước người đi
Người ở nơi nào chờ đợi tôi triền miên
Tôi ở chốn này viết nên khởi đầu của câu chuyện
Người ở nơi nào? Người ở nơi nào?"

.....

*Yao: Tình cờ nghe thầy kể chuyện Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình, từ hôm nay đổi tên tập tản văn linh tinh này thành "Lưỡng địa thư".

Vào khoảng năm 1923, Lỗ Tấn được mời làm giảng viên Trường Cao đẳng nữ sư phạm. Hứa Quảng Bình là người Quảng Đông.  Không giống các nữ sinh khác, cô có một cách "tiếp cận" riêng. Mặc dù hàng tuần thầy trò cô vẫn có những buổi gặp nhau trên lớp, song Hứa Quảng Bình lại chọn hình thức thư từ để biểu lộ những vấn đề thuộc về tri thức và... tình cảm của mình. Suốt từ 1925 đến 1929, cô viết cho Lỗ Tấn hàng trăm bức thư. Những lá thư trao đi đổi lại giữa hai người sau được tập hợp thành Lưỡng địa thư xuất bản năm 1933. Sau này, hai người đã vượt qua những rào cản lễ giáo thế tục để đến với nhau, tuy rằng tương phùng ngắn ngủi mà đáng giá đánh đổi một đời.

Tuy rằng những câu chuyện của chúng mình không thể so sánh với câu chuyện của hai vị văn sĩ lớn trên, cũng chỉ mong sẽ có kết cục viên mãn như vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tanvan