Nghề giáo, tôi và thầy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hôm nay, thầy hỏi tôi:
"Cô giáo Trần, công việc dạy học của em ra sao rồi?"

Ba chữ "cô giáo Trần" (Trần lão sư) khiến tôi cảm thấy rất sung sướng, cứ như mình đã là đồng nghiệp của thầy.

Thế nhưng, nhớ tới công việc của mình, tôi lại than thở với thầy:
"Đi dạy mệt quá, em cảm thấy thật bất lực, em đã cố gắng giải thích nhưng học sinh vẫn không hiểu. Có lẽ em không thích hợp với công việc này."

Như thường ngày, thầy luôn lắng nghe những lời kể lể của tôi, rồi an ủi:
"Đừng gấp gáp, cứ từ từ thôi, rồi em sẽ thấy mọi thứ dễ dàng hơn. Ngày đầu tiên đứng lớp, tôi cũng cảm thấy như mình thật sự không dành cho nghề này."

Tôi bật cười, tưởng tượng ra cảnh thầy mới tốt nghiệp, đứng trước lớp đông người, vừa căng thẳng lại không thể để cho sinh viên nhìn thấy sự căng thẳng của mình, thật khổ sở.

Tôi nói cho thầy nghe những khó khăn mình gặp phải khi dạy tiếng Trung, thầy cho tôi lời khuyên. Thật ra, một giảng viên dạy Văn học chưa chắc cũng là người dạy ngôn ngữ mẹ đẻ của mình giỏi. Khả năng sử dụng ngôn ngữ và khả năng truyền dạy ngôn ngữ đó là hai việc khác hẳn. Tôi hiểu, để có thể giúp đỡ tôi, thầy đã tốn không ít công sức.

Một lúc sau, thầy bỗng gửi tôi một đường link. Tôi ngỡ là tài liệu học tập gì, mở ra thì thấy một bộ phim của Pháp, tên là Les Choristes (tên tiếng Trung là 放牛班的春天). Thầy nói, phim kể về một người thầy giáo âm nhạc tên Mathieu đã dùng phương pháp giáo dục đặc biệt của mình để thay đổi không khí trường học, cuối cùng được học sinh vô cùng yêu quý. Thầy bảo:
"Em sẽ trở thành một cô giáo đạt chuẩn, là Mathieu của thời đại này."

Tôi không nghĩ mình có thể tài giỏi như vậy, nhưng lời động viên này thật sự khiến tôi xúc động. Và rồi, tôi lại tiếp tục cố gắng. Tôi không thể bỏ cuộc. Tôi muốn, một ngày nào đó, tôi có thể đứng trước mặt thầy, không phải với vị thế một người học sinh, mà là một đồng nghiệp.

Tôi sẽ nói với thầy:
"Thầy Hạ, chào thầy."

Trước đây, thầy hỏi tôi:
"Sau khi tốt nghiệp đại học, em có dự định gì không?"

Tôi đáp:
"Em muốn tiếp tục học thạc."

Thầy ngạc nhiên, hỏi:
"Sao em không đi làm luôn, mà lại tiếp tục tiêu pha thời gian để học thạc nữa?"

"Bởi vì em muốn làm giảng viên đại học, mà giảng viên đại học thì ít nhất phải tốt nghiệp thạc sĩ." Tôi đáp.

Thầy cười, lại hỏi:
"Tại sao nhất định phải là giảng viên đại học?"

Tôi cũng không hiểu nữa. Tôi chỉ biết, đó chính là mơ ước, là mục tiêu của mình.

Tôi bước theo những con đường thầy đã đi qua, đuổi theo bước chân của thầy, thấu hiểu từng nỗi khó khăn cũng như từng niềm vui thầy đã trải qua. Cho dù, tuổi tác của chúng tôi chênh lệch không nhỏ, khác thời đại, khác suy nghĩ, cũng có thể tâm ý tương thông.

Cô giáo Trần à, cố lên!

.....

Thầy bỗng hỏi tôi:
"Vậy là em còn học sáu năm nữa nhỉ?"

Tôi chỉnh lại:
"Thật ra là bảy năm ạ. Em sang đó học đại học lại từ đầu là bốn năm, thêm ba năm thạc nữa là bảy."

Thầy thở dài, nói:
"Vậy thì lâu lắm."

Tôi im lặng.

Mọi người thường nói, tuổi tác chẳng phải rào cản gì quan trọng. Nhưng không, thật sự chênh lệch tuổi tác mang đến rất nhiều vấn đề. Thầy đã ngoài ba mươi, ở độ tuổi này, đàn ông bên đó phải chịu áp lực hối thúc cưới vợ sinh con. Trong khi thầy đã đến lúc cần một gia đình ổn định, còn tôi thì mới đang độ đôi mươi, tôi còn muốn học hỏi, khám phá thế giới, trải nghiệm mọi thứ.

Tôi từng kể với thầy, trong một lần về quê, tôi thấy chị hàng xóm vẫn thường chơi cùng tôi thuở bé đang mang thai. Chị ấy chỉ lớn hơn tôi hai tuổi, tôi còn cả tương lai trước mặt, còn muốn bay nhảy đi mọi nơi, thì chị ấy đã an phận quanh quẩn bên chồng con. Tôi rất sợ cảm giác đó. Tôi còn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc làm vợ và làm mẹ. Tôi chưa đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm cho cả một gia đình.

Tôi không biết chúng tôi có thể đi được bao xa, nhưng tôi hiểu, ngay từ lúc bắt đầu, tôi đã lường được một tương lai không mấy sáng sủa. Thầy không có nhiều thời gian để chờ tôi đủ chín chắn trưởng thành, mà tôi cũng không thể trưởng thành ngay trong chớp nhoáng.

Trong Như Ý Truyện, Như Ý nói muốn ở bên Càn Long dài lâu. Càn Long hỏi: "Dài lâu là bao lâu?" Như Ý đáp: "Có thể lâu dài được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu."

Tôi nghĩ, tôi và thầy cũng đang như thế. Tôi chỉ đang cố gắng được đến đâu thì hay đến đó, không thể biết trước được tương lai sẽ ra sao.

Thầy thường bảo tôi đừng xem những bộ phim u ám đó, nên xem những gì tích cực để tinh thần lạc quan. Nhưng tôi vẫn cứ xem, rồi bị ám ảnh.

So với tôi, thầy lại là người có tinh thần vững vàng và lạc quan hơn rất nhiều. Hoặc là, thầy không muốn thể hiện mặt yếu đuối của mình trước tôi. Tôi chưa từng thấy thầy tỏ ra chán nản, tuyệt vọng, hay sụp đổ. Không giống với sở thích ủy mị của tôi, những bài nhạc hay tác phẩm văn chương thầy thích hầu hết đều rất mạnh mẽ, mãnh liệt, mang sức sống bừng bừng. So ra thì, sở thích của tôi còn giống người già hơn.

Thầy luôn không thích tôi chìm đắm trong những tác phẩm ủy mị bi lụy. Có lần, tôi kể thầy nghe về Như Ý Truyện. Tôi nói, sau khi xem xong, mình dường như thấy tuyệt vọng với tình yêu và hôn nhân, sợ hãi "lan nhân nhứ quả", ban đầu tốt đẹp, mà sau thì bi thương.

Tôi là người luôn thích nghĩ tới trường hợp xấu nhất. Khi bắt đầu thích một người, thậm chí tôi đã nghĩ sẵn kết cục tan vỡ. Tôi nói, như vậy sẽ khiến mình chuẩn bị được tinh thần, không sợ tổn thương. Thầy không cho là đúng.

Thầy gửi tôi một bài hát, tên là "Đến chết cũng vẫn yêu" gì đó. Ca từ có những đoạn như là phản bác tôi:
"把每天当成是末日来相爱
Xem hôm nay như là ngày cuối cùng để yêu nhau
一分一秒都美到泪水掉下来
Từng phút từng giây đều đẹp đẽ đến mức rơi lệ
不理会别人是看好或看坏
Chẳng để tâm người khác thấy tốt hay xấu
只要你勇敢跟我来
Chỉ cần em dũng cảm đến với tôi."

"享受现在
Hưởng thụ cái hiện tại
别一开怀就怕受伤害
Đừng vừa mở vòng tay đã sợ hãi tổn thương
许多奇迹 我们相信 才会存在
Rất nhiều kỳ tích, chúng ta tin tưởng thì chúng mới tồn tại."

.....

Sở dĩ rất nhiều kỳ tích tồn tại, chính là vì chúng ta tin tưởng rằng nó sẽ thành sự thật.

Khi tôi đọc câu này, bỗng mỉm cười.

Cách an ủi của thầy luôn rất đặc biệt. Không phải thuyết giảng giáo điều cho tôi, mà gửi cho tôi thứ gì đó, để tôi vẫn còn niềm tin và hi vọng.

Tôi gọi thầy là thầy, không phải vì thầy dạy ở trường tôi học, mà là vì thầy đã cho tôi rất nhiều bài học quý giá. Cho dù quan hệ này có biến đổi thế nào, tôi vẫn muốn gọi thầy là thầy.

Như Hứa Quảng Bình nữ sĩ vẫn xem Lỗ Tấn tiên sinh là thầy.

......

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tanvan