Tầm mộng Cô Tô

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi luôn có một tình cảm đặc biệt với Tô Châu.

Một thứ tình cảm không biết khởi nguồn từ đâu, cũng chẳng hiểu vì cớ gì. Trung Quốc nhiều thành phố như thế, có người yêu Bắc Kinh, có kẻ thích Thượng Hải, lại có những người say đắm Hàng Châu, Thành Đô, Vũ Hán,... Thế nhưng, tôi lại chỉ yêu Tô Châu.

Gần đây, trời bắt đầu trở lạnh, cơn gió đông se se tràn về khắp ngõ phố, báo hiệu một năm mới sắp gõ cửa. Mấy hôm trước, thầy nhắc tôi: "Chớp mắt đã sắp sang tháng mười hai, tính ra cũng hơn một năm rồi."

Đúng vậy, tôi quen biết thầy cũng đã hơn một năm. Mà tất thảy duyên phận bắt đầu, chính là vào ngày 19 tháng 11 năm ngoái. Sở dĩ tôi nhớ rõ như thế, bởi vì đó là ngày cuối cùng trước khi thời hạn nộp đơn xét học bổng kết thúc.

Lúc đó, vì một số trục trặc, tôi nộp đơn trên hệ thống mãi không được. Một người chị tốt bụng bảo tôi nộp sang trường khác mà chị ấy có quen với thầy bên trường đó, có thể nhờ thầy giúp tôi khắc phục sự cố nọ. Thế nhưng, tôi suy nghĩ một hồi lâu, cuối cùng vẫn quyết định nộp  Tô Châu, cho dù khi ấy tôi chẳng quen biết ai ở trường này cả, rủi ro vô cùng lớn. Tôi biết vậy, nhưng tôi vẫn muốn đánh liều một lần. Khi ấy, trong đầu tôi chỉ nghĩ rằng, Tô Châu xứng đáng để đánh cược. Cho dù thất bại, ít nhất, tôi sẽ không hối tiếc.

Vậy là tôi nộp đơn với nguyện vọng một là Đại học Tô Châu. Sáng ngày 19, đơn của tôi được chuyển sang để trường xét. Tôi cẩn thận gửi một bức mail cho trường, trình bày rõ sự cố của bản thân, mong thầy cô giúp đỡ  vì tôi thật sự rất hi vọng được đến Tô Châu học tập. Trưa ấy, tôi nhanh chóng nhận được mail báo phỏng vấn vào ngay chiều hôm đó. Tôi hoảng lên vì bản thân chưa chuẩn bị gì nhiều, luống cuống thay đồ, trang điểm qua loa để không dọa thầy cô sợ chết khiếp. Một tai nạn đã xảy ra khi tôi không tìm được thỏi son nào khác ngoài thỏi màu hồng cánh sen hường phấn của mẹ để lại nhà. Không còn cách nào khác, tôi cắn răng thoa lên, rồi tranh thủ soạn nhanh một vài câu hỏi thường gặp.

Bốn giờ chiều, tôi nhận được một tin nhắn qua Skype, hỏi: "Em đã chuẩn bị ổn chưa? Chúng ta bắt đầu nhé."

Tôi run rẩy tay chân, nhấn vào nút nghe. Sau đó, tôi gặp thầy. Thầy phỏng vấn trông khá ưa nhìn, giọng cũng êm tai rõ ràng, không khó nghe như tôi tưởng tượng, nhưng lại có vẻ nghiêm túc, mà bấy giờ tôi cũng chẳng có tâm trạng nào để thưởng thức cái đẹp. Lúc này, tôi biết mình vô cùng thảm hại, run run nói xong mấy câu tự giới thiệu đã được chuẩn bị sẵn.

Tôi run quá nên chỉ nói khá ngắn. Tôi nói xong, dường như thầy cũng không ngờ ngắn như vậy, cười hỏi: "Xong rồi à, em có còn muốn nói gì nữa không?"

Thầy không hỏi thì còn đỡ, thầy hỏi như vậy tôi càng run hơn, trái tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Tiếp đó, thầy cất tiếng muốn hỏi tôi điều gì, nhưng tôi chưa kịp nghe thấy, màn hình đã chìm vào màu đen tăm tối, không nghe được gì nữa. Thế là điều tôi sợ nhất đã xảy ra: mất mạng.

Tôi thầm nghĩ, mình xong đời rồi. Tôi từng nghe mọi người chia sẻ kinh nghiệm rằng phải tìm nơi có đường truyền mạng thật tốt, bởi vì đang phỏng vấn mất mạng sẽ gây ấn tượng xấu với thầy cô và có thể mất luôn cơ hội.

Đang lúc tôi hoảng loạn, cuống cuồng nhắn qua Skype thông báo: "Em xin lỗi, hình như mạng có vấn đề, em không thấy không nghe được gì nữa."

Thầy tắt máy, rồi gọi lại. Tôi ríu rít xin lỗi. Có lẽ thấy tôi quá căng thẳng, thầy cũng bớt nghiêm túc, mỉm cười an ủi: "Không sao đâu, sự cố mạng thôi. Chúng ta tiếp tục nhé. Khi nãy em có kịp nghe câu hỏi chưa, nếu chưa thì tôi nhắc lại, không sao cả."

Có lẽ thầy cũng không phải rất đẹp, nhưng nụ cười rất ấm. Tôi không ngờ thầy dễ tính như thế, rõ ràng tôi lóng ngóng làm mất thời gian của thầy, thầy vẫn nhẹ nhàng kiên nhẫn với tôi, không tỏ thái độ khó chịu gì, so với vị giám khảo IELTS mà tôi từng gặp thì quả là quá nhân đạo rồi. Tôi cảm kích lắm, nhưng thầy càng cười như vậy, tôi lại càng run hơn, nói không được tốt như lúc chuẩn bị.

Hỏi qua hỏi lại mấy câu, cuối cùng, thầy hỏi tôi: "Trung Quốc có nhiều trường như thế, lý do nào khiến em chọn trường của chúng tôi?"

Đây cũng là câu hỏi mà tôi từng bị hỏi rất nhiều lần, chính bản thân tôi cũng đã tự hỏi mình như thế.

Các anh chị có kinh nghiệm đều khuyên tôi không nên chọn Đại học Tô Châu vì thật sự rất khó có cơ hội, trường cho rất ít suất học bổng, lại thường ưu tiên các bạn Âu - Mỹ, Nhật, Hàn,... Ngay từ lúc bắt đầu, tôi đã biết mình vô vọng lắm.

Với tâm thế chẳng còn gì để mất, tôi dốc hết sức trả lời câu hỏi cuối cùng này. Tôi kể về tình yêu như một loại định mệnh của mình dành cho Tô Châu. Từ tiết học Văn thuở nhỏ, tiếng chuông của Hàn Sơn tự ngoài thành Cô Tô không chỉ vọng vào chiếc thuyền của người khách lãng du Trương Kế, mà còn vang vọng suốt cả giấc mộng tuổi thơ tôi. Trưởng thành hơn một chút, tôi đọc "Phù sinh lục ký" của Thẩm Phục đời Thanh, nghe ông kể về nơi mình sinh ra và lớn lên bên đình Thương Lang, tôi lại càng tha thiết muốn đến Tô Châu. Cho dù chính Thẩm Phục cũng từng nói rằng, danh thắng quê ông, ngoài Hổ Khâu ra, những nơi khác đều là cảnh giả qua bàn tay con người tạo nên, ít có phong cảnh hùng vĩ tự nhiên. Thế nhưng, đó cũng chính là vẻ đẹp của riêng Tô Châu vậy. Tô Châu đẹp nhất không phải ở phong cảnh, mà là ở con người, ở hơi thở thư hương phong nhã được tích tụ bao đời nay. Nếu Hàng Châu là chữ "diễm", với sơn thủy tú lệ, đẹp như tiên cảnh; thì Tô Châu là chữ "thanh", không có gì quá tráng lệ choáng ngợp, nhưng tinh xảo tao nhã đến từng góc nhỏ, với viên lâm nhã trí, với cổ trấn phong tình. Nếu Hàng Châu là đại gia khuê tú, thì Tô Châu là tiểu gia bích ngọc, thanh đạm tựa ấm trà Bích Loa, dịu dàng như Ngô nông nhuyễn ngữ. Tôi yêu một Tô Châu như thế.

Chẳng rõ là tình cờ hay ý trời sắp đặt, tôi luôn cảm thấy mọi thứ của Tô Châu trùng khớp với tâm hồn mình đến lạ, dường như tôi sinh ra vốn nên thuộc về vùng đất này. Tôi yêu Côn khúc trước khi biết nó là loại hí khúc sinh ra từ vùng Côn Sơn thuộc Tô Châu. Tôi thích nghe bình đàn Tô Châu trước khi nghe hiểu được tiếng Tô Châu. Tôi thích Hàn Tuyết, Lý Thấm trước khi biết họ là những cô gái quê gốc Tô Châu. Tôi say mê văn phong của Thẩm Phục, ngưỡng mộ tình phu thê ân ái của ông cùng Vân Nương, kính phục cách mà ông sống trong bần hàn vẫn tao nhã lạ thường. Có câu: "Đất thế nào thì sinh ra người thế ấy." Vì vậy, tôi muốn đến Tô Châu, muốn đặt chân đến vùng đất đã sản sinh ra bao con người tài hoa phong nhã như Đường Bá Hổ và Thẩm Phục, để thỏa giấc mộng Cô Tô trong lòng bấy lâu.

Bây giờ hồi tưởng lại thì trôi chảy như thế, lúc ấy tôi thấy mình nói chẳng tốt chút nào. Thầy lắng nghe xong, cười bảo: "Được rồi, vậy chúng ta kết thúc phỏng vấn ở đây, kết quả em có thể theo dõi sau trên hệ thống."

Phỏng vấn xong, tôi nhắn cho thầy qua Skype, nói: "Cảm ơn thầy đã dành thời gian phỏng vấn em và xin lỗi vì em đã biểu hiện không được tốt."

Thầy trả lời tin nhắn, an ủi tôi: "Em chỉ mới học tiếng Trung không bao lâu mà nói được như vậy là tốt lắm rồi. Cố lên nhé!"

Tôi không ngờ thầy sẽ dành thời gian trả lời tin nhắn của mình, còn động viên như vậy, siêu siêu ấm lòng.

Cứ nghĩ rằng kết quả phỏng vấn sẽ rất tệ, ngày hôm sau tôi lên hệ thống, giật mình thấy mấy dòng nhận xét đầy khen ngợi, nào là giao tiếp lưu loát, nào là đam mê văn học Trung Quốc, đều là những lời khen, tôi đọc còn thấy ngượng.

Có lẽ nhờ thầy nương tay, tôi vượt qua được vòng trường.

Cuối cùng, đầu tháng mười hai năm ngoái, tôi biết tin mình nhận được học bổng. Trường chỉ có bốn suất cho du học sinh, trong đó có một bạn người Hàn, hai bạn châu Âu, chỉ một mình tôi đến từ Đông Nam Á, quả là cơ hội hiếm hoi vô cùng.

Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác vui sướng của mình năm ngoái. Giờ này năm trước, tôi đang vui vẻ xiết bao. Sao ngờ được mãi tới một năm sau, giấc mộng vẫn chưa tròn.

Có người từng nói, những ai yêu thích loại nghệ thuật xưa cổ của người đời trước như Côn khúc thì chắc chắn rằng tiền kiếp phải có duyên phận sâu xa với nó. Tôi luôn mơ hồ có một cảm giác, mình với Tô Châu và Côn khúc như có một mối duyên kỳ lạ, không thể nói rõ được là gì, chỉ biết thân thuộc lạ thường, giống như ràng buộc quấn quýt từ kiếp trước.

Thuở nhỏ, tôi thường có một giấc mơ rất mông lung. Trong mơ, tôi không thấy rõ được mặt ai, mọi thứ đều mờ mờ ảo ảo, tỉnh dậy cũng quên gần hết. Chỉ có một vài thứ tôi vẫn còn nhớ rõ nhất, chẳng hạn như mùi mực thơm nhẹ (mà sau này học thư pháp tôi mới biết đó là mùi của mực thỏi mài ra), hay là một hí đài nhỏ, tiếng hát ê a du dương (có phần tương tự với đoạn "Tầm mộng" trong vở "Mẫu Đơn đình" mà mãi về sau tôi mới biết đến), và một bóng người mơ hồ.

Tôi vẫn luôn nghĩ, người đó rốt cuộc là ai?

Có lẽ, cả đời này cũng chẳng có câu trả lời.

Cho dù thật sự có tiền kiếp, mọi thứ đã được gột rửa trong vòng luân hồi bất tận. Thế nên, chỉ tin kiếp này, không tiếc kiếp trước, cũng chẳng chờ kiếp sau vậy.

Chỉ tiếc, duyên phận kiếp này của tôi với Tô Châu dường như là một mối nghiệt duyên. Tựa như có một thế lực vô hình nào đó ra sức ngăn trở, mỗi lần tôi tưởng chừng mình đã cách Tô Châu rất gần, cuối cùng lại hóa xa xăm. Ngay cả khi đã làm xong visa, mua xong vé máy bay, chuẩn bị sẵn hành lý, kết quả vẫn phải hủy bỏ.

Một năm qua đi, tôi vẫn cách xa Tô Châu diệu vợi.

Phải chăng định mệnh vốn an bài như thế?

Tôi không rõ, thầy lại càng không rõ. Không một ai hiểu được vận mệnh đã viết sẵn cho mình con đường ra sao.

Trước mặt chỉ là một màn sương mù.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tanvan