Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiệm may có hai tầng. Gian ngoài tầng một là nơi bày sản phẩm và tiếp khách đến may đo; gian trong một nửa dùng làm bếp, nửa còn lại đằng sau bình phong giống như một cái kho, có rất nhiều thùng to thùng nhỏ để cất những thứ vật liệu may vá. Có một cái cửa sau thông ra khoảnh sân nhỏ có tường bao, Cung Tuấn dùng nơi này làm chỗ phơi lụa. Cái xe đạp cũng được cất gọn ở ngoài sân.

Trước khi lên tầng hai thì phải bước qua một gian xép. Chỗ này đặt một bàn may, một con ma nơ canh để dựng rập và một cái giá treo hàng chục cuộn chỉ đủ màu sắc. Những cuộn vải dài, những hộp vải vụn... được đặt hết ở một góc. Có vài ba quyển catalogue thời trang được cắm luôn vào một hộp vải vụn, quyển nào quyển nấy đều có vẻ bạc màu, ngay cả khi đã có một lớp bìa nhựa trong suốt bọc bên ngoài.

Tầng hai thì không còn dấu vết nào liên quan đến may vá nữa. Một sân phơi đặt máy giặt và treo mấy giỏ cây. Một phòng tắm với diện tích khiêm tốn. Một căn phòng ngủ chia làm đôi, hai nửa phòng được ngăn cách bởi một chiếc bình phong giống y hệt bình phong dưới tầng một. Một bên có giường và tủ quần áo; bên kia thì có ghế bành, ti vi, một cái bàn để đủ thứ từ phích nước, hộp đựng thuốc, mấy quyển sách đến một cái giỏ đựng đồ ăn vặt. Ngoài ra, còn có chỗ để trải một cái đệm gấp.

Sáng nay, khi Cung Tuấn thức dậy, cái đệm gấp đã được dựng lên gọn gàng và hình như có tiếng lạch cạch dưới bếp. Khi cậu xuống đến nơi, Trương Triết Hạn cũng vừa kịp đun xong ấm nước để hãm trà. "Thấy nhà cậu có sẵn đồ pha trà nên tôi mượn một chút... Đây là trà sen tôi được cho, ngon lắm. Nghe cậu em nói là trà này được ủ trong sen Tây Hồ, do đích thân nghệ nhân Hàng Châu hái sen, chọn trà, xử lý... Cậu lại uống thử xem, nếu thích thì cứ dùng để tiếp khách."

Buổi sáng đó diễn ra rất chậm rãi. Cung Tuấn không nhìn đồng hồ, nhưng tiếng quét sân loạt soạt từ nhà hàng xóm vọng sang giúp cậu biết bây giờ mới hơn sáu giờ. Quán bún ốc của dì Kha ở cuối ngõ vẫn chưa mở cửa. Lát nữa, cháu trai của dì sẽ bưng hai suất bún đến tận đây, vì tối qua Cung Tuấn đã đặt hàng trước. Trương Triết Hạn bảo cậu không cần cầu kỳ, không cần lo về chuyện ăn uống của anh. Khi anh nói vậy, Cung Tuấn nhìn anh, hỏi; vậy Trương ca chỉ tìm một chỗ ngủ thôi à?

Trương Triết Hạn không hiểu sao anh không thể thành thật trả lời đơn giản; ừ.

Và vì không thể nói "ừ", nên sáng nay, anh cùng Cung Tuấn uống trà, sau đó hai người cùng lên tầng hai, cậu phơi quần áo và anh thì tưới cây, cậu quét cầu thang và anh dọn lại phòng tắm - cắm chiếc bàn chải đánh răng của anh vào cùng một chiếc cốc thủy tinh với bàn chải của cậu.

Xong xuôi những việc đó thì tiếng chuông cửa vang lên. Cung Tuấn đi ra nhận bún, Trương Triết Hạn lấp ló sau lưng cậu, thấy một bạn nhỏ cỡ sáu tuổi bê một cái khay nhựa, bên trên đặt hai bát bún rất lớn.

"Cháu chào chú Tuấn, cháu chào chú Trương!"

Trương Triết Hạn không hỏi vì sao bạn nhỏ này lại biết mình. Khi anh đưa tiền, cậu bé bảo rằng chú Tuấn đã trả trước rồi. Vậy thì dùng tiền này để mua kẹo đi, mua truyện tranh đi, mà mang về đưa bà cũng được. Cậu bé cười tít mắt, cảm ơn anh, bảo rằng cậu sẽ dùng tiền để mua một xấp thẻ bài trước cổng trường, tiền còn thừa thì mua hoa cho bà ngoại.

"Mua hoa cho bà trước, rồi hãy mua thẻ bài", Cung Tuấn chỉnh lại. Khi cậu bé vẫy tay tạm biệt hai người và lao vút trở về cuối ngõ, Cung Tuấn mới quay sang Trương Triết Hạn, "Anh là mẫu phụ huynh sẽ làm hư trẻ con đấy."

Cậu bưng khay bún vào bếp. Trương Triết Hạn bước theo sau, thanh minh, "Chỉ là phép tắc cư xử với hàng xóm khi mình mới chuyển tới thôi."

... Đó là một buổi sáng chậm rãi, Trương Triết Hạn một lần nữa nghĩ. Và có lẽ mọi thứ ở nơi này đều chậm rãi như vậy. Anh định kể cho Cung Tuấn một vài điều về bản thân mình, nhưng nghĩ một hồi, không biết bắt đầu kể từ đâu, nên anh chỉ lặng lẽ ăn hết bát bún nóng hổi và nhìn những tia nắng mùa đông chiếu qua khe cửa chớp vẫn đang đóng chặt, soi tỏ những hạt bụi bay bay. Anh rót thêm nước sôi vào ấm trà, hỏi cậu có muốn uống nữa không. Cậu vừa cầm bát bún lên húp nước, vừa gật đầu - hóa ra hai việc đó có thể làm cùng một lúc. Anh đẩy chén trà về phía cậu. Cậu nhấp một ngụm, bảo rằng; trà ngon thế này, không mang đi tiếp khách đâu. Anh cười; tôi cho cậu cả gói đó, thích làm gì thì làm. Không không không, anh đừng nói chuyện thoái thác thế, tôi đâu biết pha trà, anh phải pha cho tôi chứ!

Trương Triết Hạn kê chén trà lên miệng, lại nhìn ra tia nắng xéo xéo và ngắm những hạt bụi bay.

-

Ngày hôm đó, vị khách đầu tiên của tiệm đến để thử bộ đồ đã đặt may hôm trước. Váy dài kèm blazer khoác ngoài may từ lụa tơ tằm. Đứng trong quây thay đồ phủ rèm nâu cà phê, bà Lý nói vọng ra, "Thầy Cung, cậu cho tôi mượn một đôi guốc với, loại bảy phân ấy."

Cung Tuấn khi ấy đang dở tay là một chiếc quần âu. Cái máy hơi nước kêu lục bục nhỏ tiếng nhưng liên tục. Cậu vội gọi, "Trương ca—", mặc định rằng anh đang đứng ngay gần cậu, và cậu sẽ nhờ anh lấy giúp mình đôi guốc không quai được để sẵn trong ngăn kéo tủ kia.

Nhưng Trương Triết Hạn không ở đây. Cung Tuấn quên mất. Cậu cẩn thận tắt máy là và đi lấy guốc cho bà Lý. Bà kéo rèm, xỏ chân vào đôi guốc và ngắm nghía mình trong chiếc gương sáng lóa. Tỉ mỉ chỉnh lại cổ áo và vẫn nhìn bản thân trong bộ đồ xanh lam ánh đen tôn dáng, bà hỏi, "Trương ca? Là Thiết Trảo đấy à? Vậy là bây giờ anh ta đang ở đây?"

"Vâng, cháu mời anh ấy tới. Thật may là anh ấy cũng ưng."

Bà Lý đi lại một chút quanh phòng, hài lòng thấy bộ đồ mới nhanh chóng hòa hợp với cơ thể. Bà kiễng mũi chân, rồi xoay một vòng trong khi giơ một cánh tay lên như đang múa. Chân váy có độ xòe nhẹ, mềm mại vẽ một đường lượn sóng trong không khí, sau đó êm ả hạ xuống một cách thanh lịch khi bà Lý chợt dừng lại, nhìn về quầy đón khách của Cung Tuấn. Hôm nay, trên quầy có đặt một khay mây nhỏ đựng kẹo sâm.

"Có phải từ nay chúng tôi sẽ có kẹo ăn không?", bà Lý liếc mắt ẩn ý, nhón một viên kẹo gói trong giấy đỏ.

"Trương ca bảo cháu nên để một chút bánh kẹo, vì mọi người đến đây hay phải chờ", Cung Tuấn giải thích dù không ai hỏi. "Anh ấy cũng bảo nên chọn đồ ít đường... Hôm nay hơi vội, cháu chưa kịp chuẩn bị, thế là anh ấy cho cháu luôn hai gói kẹo sâm. Cô ăn có hợp không? Cháu cũng không rõ về bánh kẹo lắm..."

"Tôi cũng đoán được đây là ý của anh ta. Chứ thầy Cung bao lâu nay chỉ tập trung chuyên môn, nào để ý được chuyện gì khác."

Bà Lý không trả lời câu hỏi của Cung Tuấn, chỉ ngậm kẹo trong miệng và ngâm nga một điệu nhạc quen thuộc của Đặng Lệ Quân. Bà không hát thành tiếng, nên cậu nhất thời cũng không nhớ ra được tên bài hát ấy là gì. Khi bà thay lại đồ, cậu cẩn thận treo bộ trang phục mới may lên móc gỗ rồi bọc vào trong túi vải chuyên dụng. Nhà bà Lý trước kia chỉ ở cách đây một con phố, nhưng giờ bà để nhà cho con trai, còn bản thân mình thì chuyển đến một chung cư ở khu khác. Từ khu Cô Tô này sang khu Tương Thành bà ở cũng không phải gần, nhưng bà Lý không quen đi ô tô nên mỗi lần đến may áo đều gọi xích lô. Trong lúc tiễn bà ra đầu ngõ - nơi xích lô đã chờ sẵn, Cung Tuấn hỏi lại, "Cô Lý, cô có thích ăn kẹo sâm không?"

Bà Lý vẫn không trả lời, chỉ bật cười, "Cậu về, bảo anh ta rằng không cần ngại, cứ ngồi ở phòng ngoài cùng cậu cho vui. Tôi không biết ở khu này rốt cuộc có những ai e sợ Thiết Trảo. Nhưng khách đến tiệm cậu toàn loại người chẳng thiết tha gì trên đời ngoài những thứ đẹp đẽ, miễn có được quần áo đẹp là mặc kệ tất thảy... Mà tôi nghe đồn, Thiết Trảo tuy lạnh lùng nhưng rất đẹp? Có phải không, thầy Cung? Tôi cũng muốn gặp anh ta một lần."

Cung Tuấn đỡ bà Lý lên xích lô, cúi đầu tạm biệt bà, mà cũng không giấu được nụ cười phơi phới, "Cô Lý, anh ấy không lạnh lùng."

-

Đến lượt Cung Tuấn ngâm nga giai điệu quen thuộc mà cậu chẳng thể nhớ tên kia của Đặng Lệ Quân. Dường như nghe thấy tiếng cậu trở về tiệm, Trương Triết Hạn bước nhanh từ trên tầng xuống, vén một góc tấm rèm lá trúc lên, hỏi nhỏ, "Cung Tuấn, khách về rồi à? Bà ấy có thích kẹo sâm không?"

Anh ló đầu ra từ sau tấm rèm xẻ một đường chính giữa. Khi cậu không trả lời ngay, anh hơi cau mày, sốt ruột túm lại phần rèm ở dưới cằm mình, "Sao cậu cứ nhìn tôi thế, tôi đã dặn cậu phải hỏi khách cơ mà?"

"Có mà, tôi có hỏi. Nhưng cô ấy không trả lời. Nhưng cô ấy thích. Rất thích."

Lời Cung Tuấn nói thật khó hiểu, thật lộn xộn, nhưng vì đã nhận được điều mình muốn nghe, Trương Triết Hạn liền cười. Anh cố chỉ mỉm cười, cố tỏ ra rằng, việc người khác tán dương những việc anh làm là một lẽ đương nhiên. Tuy thế, cái miệng nhỏ càng lúc càng cong lên và anh thậm chí không ý thức được đôi mắt mình đã biến thành hình trăng khuyết, thực thà và lấp lánh.

Anh chợt nói, "À, mà cậu cũng thích nhạc Đặng Lệ Quân à? Tôi cũng biết bài đó—"

"Ừ, em biết, em vừa nhớ ra rồi."

"Sao cơ?"

"Bài hát đó tên là 'Mật ngọt'."

Cung Tuấn nói, và cậu nghiêng người tới, hôn nhẹ lên môi Trương Triết Hạn.

Nắng đông chiếu. Bụi bay bay. Trà sen thoang thoảng.

Mọi thứ đều chậm rãi.

(còn tiếp)

Note:

Mình xin phép đăng một tấm ảnh Tô Châu để mọi người dễ hình dung khung cảnh fic. Tô Châu thuộc vùng Giang Nam, không chỉ nổi tiếng với tơ lụa mà còn có cảnh sắc rất đặc trưng, với kiến trúc nhà trắng ngói đen và những lâm viên hoài cổ. Tô Châu có hệ thống kênh rạch chằng chịt ngay trong lòng thành phố, vậy nên khung cảnh thuyền gỗ nhàn tản lướt trên sông, đi bên dưới những cây cầu đá lớn nhỏ cũng là một nét độc đáo không thể lẫn của nơi này. 

Trong lúc viết note này thì mình chợt nhớ ra Châu Kiệt Luân có MV "Lữ khách chân trời" quay ở Tô Châu. MV có một cái vibe nửa hiện đại nửa hoài cổ khá tương đồng với "áo hoa thêu chỉ vàng", thế nên mọi người cũng có thể xem thử nha :D.

(Dĩ nhiên, đám cưới thế kỷ được tổ chức ở đâu thì mọi người biết rồi kekeke.)

~ Trong chương này có nhắc tới bài "Mật ngọt" của Đặng Lệ Quân. Câu hát mở đầu của ca khúc này là: "Thật ngọt ngào, nụ cười của anh tựa như mật ngọt, thật giống hoa nở trong gió mùa xuân."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tuantriet